“Doanh nghiệp tư nhân vừa yếu vừa èo ọt”, “doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm có 10% GDP thôi”, “tăng trưởng GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào FDI”.
Đấy là những thông tin thường xuyên được đưa trên các phương tiện truyền thông trong nhiều năm vừa qua. Các báo nói, các chuyên gia kinh tế nói, các tiến sĩ kinh tế nói và các KOLs nói.
Tôi không hiểu tại sao các thông tin vừa cũ vừa lạc hậu, vừa sai như thế lại cứ nói triền miên năm này qua năm khác mà không có ai cải chính (mới nhất là có một TS kinh tế nổi tiếng, tây học nói cách đây có mấy ngày rằng DN Tư nhân chỉ chiếm có 10% GDP).
Bản thân tôi mỗi khi tôi đăng bài về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là lại có bạn comment rằng “tăng trưởng là nhờ FDI đấy”, thậm chí có một vài bạn (quen cũng có, không quen cũng có) inbox “tăng trưởng là nhờ FDI đấy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp phần nhỏ”, với dẫn chứng là một đoạn trên một bài báo của một TS, một chuyên gia kinh tế hoặc một KOL nào đó. Tôi ít khi trả lời vì những cái đấy là sai toét, không đúng với số liệu gốc, số liệu tin cậy.
Và đây là số liệu tin cậy, rất chi tiết trong tài liệu NIÊN GIÁM THỐNG KÊ 2023 (của Tổng cục Thống kê, mới phát hành tháng 12/2024), dày 1.259 trang, chi tiết từng khối - ngành nghề doanh nghiệp, đến từng tỉnh thành phố, đến nỗi mà phải ai thật kiên nhẫn và kỳ công mới đọc hết.
1) Số doanh nghiệp (đang hoạt động có kết quả kinh doanh):
- Nhà nước: 1.861
- FDI: 22.930
- Tư nhân: 735.500
2) Doanh thu 2022 của doanh nghiệp (tỷ đồng):
- Nhà nước: 4,31 triệu tỷ, chiếm 11%, tăng trưởng 27,5%
- FDI: 10,98 triệu tỷ, chiếm 30,52%, tăng trưởng 16,1%
- Tư nhân: 20,68 triệu tỷ, chiếm 57,5%, tăng trưởng 17,6%
3) Tổng thu nhập 2022 của người lao động (tỷ đồng):
- Nhà nước: 204.340 tỷ, chiếm 9,88%
- FDI: 790.431 tỷ, chiếm 38,22%
- Tư nhân: 1.073.113 tỷ, chiếm 51,89%
4) Đóng góp vào GDP quốc gia theo giá hiện hành (tỷ đồng):
- DN Nhà nước: 1,96 triệu tỷ đồng, 20,54%
- DN FDI: 1,95 triệu tỷ đồng, 20,46%
- Khối tư nhân: 4,82 triệu tỷ đồng, 50,46% (DN tư nhân 29,46%, hộ gia đình 21%).
Như vậy là tất cả các tiêu chí: số doanh nghiệp, doanh thu, tổng thu nhập của người lao động, số lao động, đóng góp vào GDP của DN tư nhân đều vượt trội so với DN FDI.
Chưa hết, tăng trưởng doanh thu, hiệu suất sinh lời trên vốn, hiệu suất sử dụng lao động bình quân của DN tư nhân cũng cao hơn DN FDI.
Trong các chỉ số cơ bản của doanh nghiệp thì DN FDI chỉ hơn DN Tư nhân mỗi chỉ số thu nhập trung bình theo tháng của người lao động: DN FDI 12,64 triệu tháng, DN Tư nhân 10,2 triệu tháng. Thế nhưng chỉ số này thì DN FDI lại thua xa DN Nhà nước (16,93 triệu tháng).
May mắn là các người làm chiến lược, kế hoạch kinh tế của quốc gia không nghe theo những thông tin sai lệch này.
(Số liệu GDP là năm 2023, số liệu về số doanh nghiệp, doanh thu, tổng thu nhập, hiệu suất là năm 2022, lý do là phải cuối năm 2024 mới thống kê xong số liệu của doanh nghiệp năm 2022).
Bạn nào muốn kiểm tra thông tin thì đọc quyển NIÊN GIÁM THỐNG KÊ 2023, 1.259 trang.
===

====
10/3/2025
Đằng sau những con số và kinh tế Việt Nam hai màu sáng và xám
Vâng, bức tranh kinh tế Việt Nam hiện tại có hai màu sáng và xám, làm cho khá nhiều người băn khoăn: liệu kinh tế Việt Nam đang tốt hay đang có điềm gì đó bất ổn chăng.
MÀU XÁM
Chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 67.034, trong khi đó số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 49.800 (Rất nhiều người nhẩm ra là số doanh nghiệp bị giảm là 17.234). Đây là những con số lớn đến bất thường.
Số mặt bằng cho thuê trên các con phố trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bị trả lại, bị ế ẩm kéo dài đã lâu, không hề có dấu hiệu cải thiện.
MÀU SÁNG
Đây là các số liệu kinh tế trong hai tháng đầu năm 2025 rất đáng vui:
1/ Thu ngân sách nhà nước (Thu NSNN) đạt 499.800 tỷ đồng, tăng trưởng 25.4% (cao hơn 3 lần tăng trưởng GDP). Đặc biệt thu NSNN của Hà Nội đạt 185.700 tỷ đồng, tăng trưởng 63.1%, của Hải Phòng tăng trưởng 48.46%. Thu NSNN đạt 1/4 kế hoạch năm, trong khi mới đi được có 1/6 chặng đường của năm, quả là một kết quả rất đáng khích lệ.
2/ Du khách quốc tế đạt xấp xỉ 4 triệu lượt, tăng trưởng 30.2%.
3/ Đầu tư FDI đăng ký đạt 6.9 tỷ USD, tăng trưởng 35.5%, đầu tư của nhà nước đạt 73.200 tỷ, tăng trưởng 21.7%.
4/ Xuất nhập khẩu đạt 127.7 tỷ USD, tăng trưởng 12%.
5/ Tổng bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 9.4%
Cả 5 chỉ tiêu SÁNG và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thành lập mới và quay lại hoạt động đều là những con số thực tế và tin cậy. Vậy tại sao kinh tế Việt Nam lại có hai màu sáng và xám gần đối nghịch nhau, vậy đằng sau những con số trên là gì.
Số Thu NSNN cao như thế phải hiểu đúng thế này: Số thu 2 tháng đầu năm 2025 chủ yếu là số thu từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2024. Thế nhưng nếu năm 2024 kết quả sản xuất,kinh doanh tốt thế, doanh nghiệp và người dân nộp thuế nhiều thế thì tại sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại lớn bất thường như thế?
Sau khi tìm hiểu sâu về bản chất những con số, tôi phát hiện ra điều này: Tổng cục Thống kê GSO đưa ra hai khái niệm doanh nghiệp: Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh và doanh nghiệp không có kết quả kinh doanh (doanh số bằng 0, thậm chí tiền nộp ngân sách cũng bằng 0 nốt). Doanh nghiệp không có kết quả kinh doanh có thể hiểu là doanh nghiệp mới thành lập đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đang xây dựng sản phẩm và dịch vụ hoặc đang tạm dừng hoạt động.
Số doanh nghiệp không có kết quả kinh doanh hiện rất lớn, theo số liệu của GSO thì tháng 12/2022 lên đến 160.421 doanh nghiệp. Nên nhớ vào cuối năm 2019 trước đại dịch Covid-19 chỉ có 90.107 doanh nghiệp thôi. Như vậy đại dịch Covid đã góp phần làm cho 70.314 doanh nghiệp kiệt quệ. Tất nhiên 160.421 doanh nghiệp này đã cố tìm cách đứng dậy sau đại dịch, thế nhưng rất tiếc rằng gần 1/2 trong số đó vẫn chưa thể đứng dậy nổi, họ đành hoặc giải thể hoặc tiếp tục tạm ngưng hoạt động.
Như vậy hầu hết các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2025 (phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động) đều thuộc các doanh nghiệp không có kết quả kinh doanh. Điều này lý giải tại sao số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động hầu như không liên quan đến số thu NSNN (bởi thực chất họ có đóng góp rất ít nào NSNN).
Khi tìm ra bản chất thật đằng sau những con số nêu trên, tôi thấy bức tranh kinh tế SÁNG và XÁM của Việt Nam hiện tại không có gì bất thường, không có gì đáng nghi ngờ cả.