VEPR|Viễn cảnh kinh tế 2014 “những ràng buộc đối với tăng trưởng”

by finandlife01/06/2014 09:20

Bên cạnh những giải pháp ngay lập tức như điều chỉnh tỷ giá; xúc tiến đối tác chiến lược như Nhật, Hàn, Asian, hạn chế Trung Quốc… vẫn còn nhiều chuyện phải làm mang tính chiến lược như cải thiện năng suất lao động, tạo cơ chế khuyến khích sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 sau những căng thẳng trên biển đông chỉ còn 4.88%, thấp hơn mục tiêu 5.8%.

-------------------------

Bên cạnh những chính sách trong trung hạn mang tính tổng hợp các quan điểm chính sách được đề xuất trong các chương chuyên đề của Báo cáo, Chương 7 cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2014 và một số thảo luận chi tiết về các chính sách ngắn hạn đang được áp dụng hiện nay. Cũng tương tự như năm 2013, năm 2014 tiếp tục có thêm dự địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, nhưng các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn là điều đáng lo ngại nhất. Doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế. Đặc biệt trong năm 2014 xuất hiện mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc với tư cách nước nhập khẩu ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dưng, máy móc và dịch vụ xây dựng nhiều công trình năng lượng và hạ tầng, đồng thời là nhà xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng như cao su, gạo, hoa quả… nên quan hệ xấu đi giữa hai nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Hai kịch bản dự báo được xây dựng cho thấy tăng trưởng của năm 2014 có nhiều khả năng sụt giảm so với năm 2013 thì chịu ảnh hưởng trong mối quan hệ kinh tế-chính trị với Trung Quốc. Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88% (theo giá cố định năm 2010). Lạm phát của cả năm 2014 được dự báo tiếp tục hạ thấp hơn so với năm trước, tương đối ổn định, trong vùng dự kiến từ 4,76% đến 5,51%.

Một loạt vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm lựa chọn ưu tiên giữa chính sách giữa phục hồi tăng trưởng, hồi sinh doanh nghiệp và chính sách tiền tệ thích hợp, kiểm soát ổn định vĩ mô. Trong đó ổn định vĩ mô vẫn là tiền đề vững chắc cho các chính sách căn bản khác.

Do kỳ vọng lạm phát có thể thấp dưới 6%, cùng với sự dư thừa thanh khoản trong ngân hàng, nên sức ép hạ lãi suất huy động vẫn còn mạnh, nhưng cần chú ý để không gây xáo trộn trên thị trường vốn nếu lãi suất huy động thực tiến sang trạng thái âm. Đối với thị trường bất động sản, không nên kéo dài thời gian điều chỉnh bằng những gói hỗ trợ hoặc các giải pháp trên giấy, tạo kỳ vọng sai lạc về thị trường này. Cách tốt nhất là để thị trường tiếp tục tự điều chỉnh (xuống giá).

Định hướng của chính sách tỷ giá, không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2-3%) mà là một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Sau giai đoạn căng thẳng trên biển với Trung Quốc, nên có sự điều chỉnh tỷ giá vì điều kiện vĩ mô thuận lợi như hiện nay không có nhiều. Trên phương diện giải quyết nợ xấu, cần tiến thêm một bước cụ thể là tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế; Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, cần duy trì tiến trình cổ phần hóa DNNN như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng để vừa cải thiện ngân sách, vừa thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; Bên cạnh những thuận lợi từ xuất khẩu, giới hoạch định chính sách cần xác định những nguy cơ về quỹ đạo phát triển khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các liên kết quốc tế có mức độ tư do cao (ACFTA, TPP, các FTAs khác). Trong đó, cải cách thể chế và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh là chìa khóa để hội nhập thành công.

Trước sự bành trướng rất nhanh của chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách, Việt Nam cần có một lộ trình tinh giản biên chế cả ở cấp trung ương và địa phương nhằm kiểm soát quy mô của khoản chi này; Trong giai đoạn đứng trước thử thách khó khăn với Trung Quốc, Việt Nam càng cần thực hiện quyết tâm thay đổi mô hình kinh tế, con đường phát triển và thay đổi tư duy điều hành nền kinh tế. Giai đoạn kinh tế suy giảm vừa qua cho thấy nhiều bài học lớn, cùng với những tranh chấp với Trung Quốc hiện nay, nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc càng rõ ràng hơn.

Song song với quá trình này, cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Cần thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong trung và dài hạn thông qua quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu hơn; Chủ động định hướng thị trường lao động tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, khuyến khích lao động kỹ năng cao.

Chúng ta cũng cần chú trọng phân bổ nguồn lực, tạo dựng cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp (sửa chữa, nguyên liệu) để người dân bám biển. Bổ sung các tàu lớn của quốc gia để hỗ trợ về hậu cần cho các đội tàu cá.

------------------------------------------

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014: Cần căn cứ thực tế hơn là lý thuyết!

02/06/2014

(Thời báo Kinh Doanh) - Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014, vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, nhận được nhiều phản biện từ các chuyên gia kinh tế: "Các nhà nghiên cứu cần gia tăng nhiệt huyết hơn. Đất nước đang cần độ "nóng". Trong khi đó, các nhà học thuật vẫn ngồi, thỉnh thoảng phẩy quạt lông đưa ra một vài câu chuẩn mực về nguyên lý là không ổn".

Liên tục những năm gần đây, tăng trưởng sụt giảm mạnh. Đã có rất nhiều nghiên cứu, phân tích nguyên nhân được đưa ra. Nhưng tại Báo cáo 2014, VEPR đã chỉ những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong đó, những cản trở cho đầu tư dài hạn là bất ổn kinh tế vĩ mô, sự xói mòn niềm tin của các chủ thể kinh tế vào tương lai và định hướng điều hành.

Hai kịch bản chưa thuyết phục

Theo Ts. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, mặc dù nền kinh tế đã có sự phục hồi nhưng vẫn rất mong manh, khả năng chống đỡ với các cú sốc khá yếu. Vì thế, trong Báo cáo kinh tế thường niên 2014 của VEPR đã đưa ra 2 kịch bản: Kịch bản thấp, dự báo tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15% và kịch bản cao là 4,88%. Lạm phát được dự báo sẽ thấp hơn năm 2013 và ở trong vùng dự kiến từ 4,76% đến 5,51%.

Những cản trở của tăng trưởng là môi trường kinh doanh thấp, quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm và tình trạng tham nhũng. Những cản trở dài hạn là hạ tầng, cả hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng. Hiệu quả kém của các trung gian tài chính và đầu tư công quá mức sẽ trở thành ràng buộc chặt nếu nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao hơn.

Bên cạnh đó là những ràng buộc khác như thừa lao động nhưng thiếu hụt nguồn nhân lực có đào tạo, có kỹ năng; khả năng đổi mới sáng tạo của nền kinh tế hầu như không có; thiếu môi trường khuyến khích tự do nghiên cứu và chấp nhận rủi ro…; thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện và thủ tục hành chính chưa hỗ trợ cho DN và tinh thần khởi nghiệp. Những ràng buộc nội bộ này cũng là rào cản tiềm tàng trong quá trình hội nhập của Việt Nam.

Những nhận định đưa ra trong Báo cáo của VEPR về "sức khỏe" nền kinh tế Việt Nam, Ts. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng đánh giá 2 kịch bản về tăng trưởng (tăng GDP năm 2014 mức thấp là 4,15%, cao là 4,88%) mà Báo cáo nêu chưa thuyết phục. Bởi vì Báo cáo không dẫn ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh. "Tôi không bi quan về tăng trưởng như nhóm tác giả đã nêu trong báo cáo", Ts. Ngoạn nhấn mạnh.

Ts. Ngoạn đặc biệt lưu ý, báo cáo này có đánh giá nền kinh tế đang phục hồi, nhưng chưa chỉ ra được yếu tố nào tạo nên sự phục hồi đó do sự đúng đắn của chính sách hay do yếu tố ngoại sinh tác động vào nền kinh tế. Nhìn chung, đến thời điểm gần hết tháng 5, báo cáo này mới xuất hiện và đưa ra những gợi ý chính sách cho năm 2014 là quá chậm".

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần có những phân tích, đánh giá rõ nét hơn về khả năng ứng phó của nền kinh tế với các cú sốc để có những kịch bản hành động phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro nếu có những cú sốc xảy ra.

Thực tế có rất nhiều mô hình làm kinh tế rất hiệu quả

Ví dụ, tình trạng DN phá sản đang nghiêm trọng hơn. Nếu năm 2009 - 2010, DN phá sản là những DN làm ăn chụp giật thì 2 năm gần đây, trong số DN phải phá sản, ngừng hoạt động là những DN đã gồng mình chống đỡ suốt thời gian qua.

Hơn nữa, bên cạnh số DN ngừng hoạt động hay phá sản còn là những DN đã không thể cầm cự tiếp, phải chấp nhận bán và sáp nhập. Theo ông Doanh, cần tìm hiểu kỹ vấn đề này và ông cũng đặt câu hỏi: như vậy, bao nhiêu DN có tiềm năng của Việt Nam đã không tự sống được và đã rơi vào tay NĐT nước ngoài?

Cần có cách tiếp cận khác

Đánh giá và chất lượng báo cáo lần này của VEPR, Gs. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, thẳng thắn: Các số liệu trong Báo cáo vẫn rơi vào tình trạng không có cái mới, những kiến nghị đưa ra vẫn chung chung. Báo cáo cần đề cập đến những chủ trương Nhà nước đã làm thì cái nào đúng, cái nào chưa đúng; những việc đặt ra thì đã triển khai vào thực tế được như thế nào, chẳng hạn về xử lý nợ xấu, tái cơ cấu kinh tế...

"Các nghiên cứu kinh tế vĩ mô như thế này, cần có cách tiếp cận khác. Đó phải là tiếp cận đi từ thực tế thay vì cứ xuất phát từ lý thuyết. Bởi thực tế có rất nhiều mô hình làm kinh tế rất hiệu quả. Rất cần có nghiên cứu áp dụng vào nền kinh tế để thoát khỏi khó khăn", ông Mại kiến nghị.

Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng những liệt kê về ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam như VEPR đưa ra chưa ổn. Đó không chỉ đơn thuần là những chi tiết xếp cạnh nhau trong nền kinh tế. Các ràng buộc này đã thành một hệ thống, giờ muốn đục chỗ nào để thoát ra cũng khó. Vì sao chúng ta cố đột phá mãi mà không được.

Ông Thiên phân tích: Đơn cử, nhìn vào chỉ số lạc quan của sản xuất công nghiệp là thấy cần phải tính lại cho kỹ. Bởi vì, báo cáo gần đây nhất của Bộ KH&ĐT, DN đóng cửa 5 tháng qua cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 20%, trong khi đó, chỉ số công nghiệp vẫn tốt lên. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, cần nhìn nhận rõ ràng, sự tốt lên thực chất là của DN nào. Nếu nhìn vào điều này, phân tích kỹ ra, sẽ thấy có thêm ràng buộc.

Không nên nhìn chỉ số chung trong các báo cáo tốt lên mà bỏ qua những yếu tố thành phần đang có vấn đề. Ngay như sản xuất công nghiệp tốt lên thật, nhưng không phải nhờ ở DN nội mà do khối DN FDI. Xuất khẩu cũng vậy. Trong khi DN nội suy yếu mạnh thì FDI đang lớn lên và lớn theo cách không bình thường. Vậy, liệu có quyết liệt đổi mới để tháo gỡ được không. Tính khốc liệt của vấn đề là ở chỗ đó.

"Nếu cứ theo các báo cáo, lấy các chỉ số chung tốt lên sẽ dễ bị che đi sự thực trong cơ cấu kinh tế. Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm, cần phải nhìn nhận nghiêm túc để tránh ảo tưởng khi đọc báo cáo", ông Thiên nói.

-------------------------------------------

Rạch ròi việc dự báo

Ts. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

------------------------------------

Cần rạch ròi việc dự báo. Một mặt khẳng định sự phục hồi kinh tế từ giữa năm 2013 có vẻ mong manh nhưng mặt khác, dự báo lại cho kết quả, tăng trưởng vẫn tiếp tục thụt lùi. Vậy thì đà phục hồi ở đây là như thế nào? Ngay cả mức dự báo 5,5% của các tổ chức quốc tế cũng là một mức tăng trưởng yếu ớt. Trước ta chưa có cú sốc ở bên ngoài. Giờ, nếu có cú sốc từ bên ngoài thì sẽ tác động bao nhiêu phần trăm đến nền kinh tế Việt Nam. Đây là điều cần phải được tính toán, nghiên cứu sâu hơn trong báo cáo kinh tế.

Sức chịu đựng của nền kinh tế đến đâu

Ts. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia

------------------------------------

Câu hỏi mở ra trong đầu tôi là đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế đến đâu.

Có hai câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay, thứ nhất là mức tăng trưởng tối thiểu cần thiết cho Việt Nam để giải quyết công ăn việc làm là bao nhiêu? Thứ hai là trong 2-3 năm tới, liệu Việt Nam có vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay không hay vẫn cứ tăng trưởng thấp như hiện nay.

Hiện nay, năng suất lao động thấp, chỉ 2% chưa đủ bù đắp cho cắt giảm đầu tư và suy giảm kinh tế. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, không bù đắp được sụt giảm vừa qua, dẫn đến thất nghiệp do không giải quyết được việc làm. Kèm theo đó, giảm tiêu dùng..., dẫn đến bất ổn xã hội, suy giảm niềm tin, càng dẫn đến tăng trưởng thấp.

Mong muốn chỉ ra những ràng buộc trong nhiều lĩnh vực

Ts. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)

------------------------------------

Báo cáo thường niên năm nay mong muốn chỉ ra những ràng buộc trong nhiều lĩnh vực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Để tháo gỡ những ràng buộc này, đòi hỏi Việt Nam phải có quyết tâm mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và trên hết, hình dung rõ ràng một mô hình kinh tế - xã hội tổng thể cho tương lai Việt Nam.

 

Việt Nguyễn|Thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn: finandlife|Trích Báo Cáo Thường Niên 2014 “Những ràng buộc đối với tăng trưởng”

Tags: ,

Economics

Phân tích và khuyến nghị LAS (Supe Phốt Phát Lâm Thao)

by finandlife29/05/2014 11:29

Công ty cổ phần Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) là đơn vị đầu ngành trong sản xuất và tiêu thụ phân NPK và supe lân. LAS đã duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Năm 2013, Công ty đã thực hiện 4,768 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% và 447 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 13% so với năm 2012.

Bên cạnh sự tăng trưởng về kinh doanh, tình hình tài chính của LAS cũng ngày càng lành mạnh. Chỉ trong quý 1/2014, Công ty đã trả bớt 350 tỷ đồng nợ vay, đưa chỉ tiêu này về mức rất thấp, chỉ còn tương đương 8% trên vốn chủ sở hữu.

Chúng tôi cho rằng LAS sẽ hoàn thành vượt 16% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2014; EPS F có thể đạt 6,131 đồng/cổ phiếu.

Cuối cùng, chính sách cổ tức cao và ổn định cùng với cổ phiếu đang bị định giá thấp trên thị trường, chúng tôi khuyến nghị mua vào LAS, với giá mục tiêu 48,000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20% so với mức giá hiện tại.

-------------------------------

Tốc Độ Tăng Trưởng Duy Trì Ở Mức Ổn Định

LAS liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong những năm qua. Trong năm 2013, doanh thu thuần (DTT) đạt 4,768 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận sau thuế (LNR) đạt 447 tỷ đồng, tăng 13% so với 2012.

Đóng góp chủ yếu vào sự gia tăng của doanh số trong năm vừa qua là sự gia tăng của sản lượng tiêu thụ. Theo đó, sản lượng tiêu thụ phân supe lân đạt 498,719 tấn, tăng 8.9%; lân nung chảy đạt 43,396 tấn, tăng 17.5%; NPK đạt 743,117 tấn, tăng 5.4% so với năm 2012.

Mùa Vụ Kinh Doanh Chính, Quý 1 Hàng Năm

Doanh thu quý 1 thường chiếm đến 38% doanh số của cả năm, vì đây là mùa trồng trọt chính tại Đồng Bằng Sông Hồng.

Kết quả kinh doanh quý 1/2014, LAS đạt 1,825 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tương ứng hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2014. Sản lượng tiêu thụ tiếp tục tăng trong quý 1/2014, nhưng vì chiến lược giảm giá bán để hỗ trợ nông dân nên doanh số đã giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Biến Động Giá Nguyên Liệu Đầu Vào

Nguyên liệu đầu vào chủ yếu của LAS là lưu huỳnh và Apatit. Apatit được cung cấp chủ yếu bởi đơn vị trong Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam, giá của Apatit ở Việt Nam khá thấp so với thế giới, đây là một lợi thế của LAS. Trong những năm gần đây, giá apatit có xu hướng tăng. Trong khi đó, lưu huỳnh là nguyên liệu quan trọng khác, chiếm khoảng 40% giá thành Supe Lân và phải nhập khẩu 100%, lại có xu hướng giảm mạnh trong 2013. Xu hướng này chỉ đảo chiều từ đầu 2014.

Theo số liệu LAS công bố, tốc độ tăng của giá vốn hàng bán liên tục thấp hơn tốc độ tăng của doanh số. Riêng trong năm 2013, tốc độ tăng của giá vốn chỉ 5%, thấp hơn tốc độ tăng 6.1% của doanh thu, thấp hơn cả tốc độ tăng của sản lượng tiêu thụ (khoảng >6%).

Tuy nhiên, bước sang năm 2014, diễn biến giá lưu huỳnh không còn tốt cho LAS như trước nữa. Xu hướng giá lưu huỳnh tăng mạnh chắc chắn sẽ ảnh hướng đến giá vốn của Công ty trong những quý tiếp theo, khi áp lực sản xuất và chính sách tồn kho buộc doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu với giá cao hơn.

Hiệu Quả Kinh Doanh Tốt Nhất Ngành

Hiện tại, LAS là doanh nghiệp sản xuất phân lân và NPK có mức biên lợi nhuận cao nhất trong ngành.

Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh cũng ở mức cao nhất, khi ROE và ROA lần lượt đạt 32% và 16% trong năm 2013, cao hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp cùng ngành khác như Lân Văn Điểm, Bình Điền, Miền Năm và Ninh Bình.

Hiệu quả hoạt động trong năm 2013 chủ yếu đến từ việc gia tăng biên lợi nhuận và hiệu quả sử dụng tài sản.

Quá Trình Giảm Nợ Diễn Ra Khá Mạnh

LAS liên tục hạ đòn bẩy tài chính trong nhiều năm qua. Tính đến quý 1/2014, nợ vay chỉ còn 119.6 tỷ đồng, tương đương 8.3% vốn chủ sở hữu của Công ty.

Kế hoạch đầu tư trong năm 2014 chỉ 76.5 tỷ đồng, thêm vào đó, lượng tiền mặt hiện tại khá dồi dào (gần 400 tỷ đồng), cho nên nhiều khả năng nợ vay sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Nợ vay giảm thấp sẽ giúp LAS cắt giảm chi phí tài chính, đồng thời gia tăng lợi nhuận, khoản mục chi phí này thường xuyên duy trì ở mức 60 tỷ đồng trong những năm qua, nhưng nhờ giảm nợ vay, quý 1/2014 chi phí lãi vay chỉ còn 7.8 tỷ đồng.

Ngoài ra, thanh khoản dồi dào cũng có thể giúp doanh nghiệp rộng rãi hơn trong chính sách chi trả cổ tức của mình.

Kế Hoạch Kinh Doanh 2014

Năm 2014, Ban lãnh đạo trình Đại Hội Cổ Đông kế hoạch kinh doanh, với doanh thu đạt 5157 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ đồng, giảm 8.4% so với năm 2013.

Đóng góp vào tăng trưởng dự kiến trong năm 2014 chủ yếu đến từ supe lân và lân nung chảy, sản lượng tiêu thụ tăng trưởng lần lượt là 10% và 17% so với năm 2013.

Cổ Tức 2013 Vượt Kế Hoạch

Với kết quả kinh doanh khả quan năm 2013, ban lãnh đạo công ty trình Đại hội cổ đông thường niên sắp tới mức chia cổ tức 40% tiền mặt, vượt 100% kế hoạch đầu năm.

Hiện, LAS đã tạm ứng đợt đầu 1000 đ, phần còn lại 3000 đ (nếu được đại hội thông qua) sẽ được chia trong thời gian tới.

Kế hoạch cổ tức năm 2014 tối thiểu là 2000 đ/cổ phiếu. Dự phóng của chúng tôi cho thấy nhiều khả năng LAS sẽ hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận của năm 2014, do vậy, nhiều khả năng mức cổ tức sẽ được duy trì ở mốc 40%/năm. Với thị giá hiện tại, suất sinh lời cổ tức sẽ là 10%/năm.

Đầu Tư Xây Dựng Cơ Bản

Xây dựng cơ bản trong năm 2013:

Công trình chuyển tiếp:

  • Bổ sung dự án phân lân nung chảy
  • Dự án cải tạo xí nghiệp supe lân sang sản xuất nghiền ướt 400,000 tấn/năm

Công trình mới:

  • Nhà đa năng
  • Cân ô tô 150 tấn Hải Dương

Công trình chuẩn bị đầu tư:

  • Dự án điều chỉnh “axit 300,000 tấn/năm kết hợp phát điện”
  • Dây chuyền sản xuất NPK công suất 150,000 tấn/năm
  • Cải tạo hệ thống cung cấp và xử lý nước thải xí nghiệp supe lân

Dự án trọng điểm 2014

  • Xây dựng nhà đa năng
  • Xây dựng kho chứa supe lân
  • Dự án điều chỉnh “axit 300,000 tấn/năm kết hợp phát điện”
  • Dây chuyền sản xuất NPK công suất 150,000 tấn/năm
  • Kho chứa nguyên liệu…

Thương Hiệu Và Thị Phần

Đi vào sản xuất từ năm 1962 đến nay, sau 50 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã sản xuất được hơn 50 loại phân bón và sản phẩm hoá chất. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các sản phẩm: NPK, Supe Lân và Axit sunfuric, với sản lượng sản xuất mỗi năm khoảng 830,000 tấn phân supe lân, 750,000 tấn phân bón NPK, 200,000 tấn phân lân nung chảy… Theo một kết quả nghiên cứu, nhu cầu cả nước mỗi năm đối với NPK khoảng 3.5 triệu tấn NPK, với phân lân là 1.8 triệu tấn. LAS đang là Doanh nghiệp phân bón có sản lượng tiêu thụ NPK và supe lân lớn nhất nước, chiếm 50 - 60% thị phần supe lân các tỉnh phía Bắc và khoảng 20% thị phần NPK toàn quốc.

Cơ Cấu Doanh Thu

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu năm 2013 là sản phẩm NPK (71%), tiếp đến là supe lân (chiếm 26%). Sản phầm Axit Sunfuric tuy chỉ chiếm chưa tới 1% cơ cấu doanh thu nhưng lại là nguyên liệu chính quan trọng để sản xuất Supe Lân. Ngoài ra, công ty còn sản xuất các sản phẩm khác như Natri sunfit, phèn, Na2SiF6…

Quy Trình Sản Xuất Supe Lân Và NPK

Lợi thế của LAS so với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh NPK khác trên thị trường là Công ty có khả năng tự sản xuất phân Supe Lân (Supe Lân chiếm khoảng 50% giá thành NPK). Điều này giúp Công ty dễ dàng hơn trong việc giảm giá thành, ổn định giá bán sản phẩm NPK của mình.

Trong công đoạn sản xuất phân Supe lân, LAS chỉ phải mua nguyên liệu Apatit từ Tập đoàn hóa chất Việt Nam (nguyên liệu này chiếm khoảng 35% giá thành Supe lân), nguyên liệu còn lại chiếm giá thành chủ yếu là Axit Sunfuric, công ty có thể tự sản xuất. Đây là lợi thế rất lớn của LAS.

Trong công đoạn sản xuất Axit Sunfuric, LAS gần như phải nhập 100% lưu huỳnh (Lưu huỳnh chiếm khoảng 67% giá thành Axit Sunfuric). Do vậy, chi phí nguyên liệu này hoàn toàn chịu tác động của giá cả thế giới và tỷ giá.

 

Định Giá

Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh, chúng tôi cho rằng giá trị hợp lý của cổ phiếu LAS khoảng 48,000 đồng.

Với định giá 48,000 đồng, P/E và P/B 2014 dự kiến sẽ là 7.8 và 2.3, có thể chấp nhận được khi so sánh tương quan với các công ty trong khu vực. (P/E và P/B trung bình của mẫu gồm những công ty phân bón như biểu đồ bên cạnh là 9.45 và 1.71.)

Rủi Ro

Giá lưu huỳnh tăng mạnh từ đầu 2014 có thể gây tăng chi phí đầu vào cho LAS trong những quý tới.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn đang khá thấp, việc công ty chấp nhận bán hàng với giá rẻ hơn để hỗ trợ và khuyến khích bà con nông dân sử dụng phân bón có thể ảnh hưởng xấu đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Mùa vụ, hiện tại ở Việt Nam có 02 vụ chính là vụ đông xuân và vụ hè thu. Vào thời vụ, sản phẩm của Công ty được tiêu thụ rất tốt, đem lại hiệu quả kinh doanh cao. Tuy nhiên, quãng thời gian giữa các vụ mùa, thì sản lượng tiêu thụ lại không cao, trong khi đó hoạt động sản xuất của Công ty vẫn phải duy trì bình thường dẫn đến các áp lực về hàng tồn kho và các chi phí phát sinh.

Bài liên quan:

Cập nhật LAS 17/04/2013

Nguồn: finandlife|VFS Research 

Tags:

Stocks

Hạch toán kế toán công ty liên kết

by finandlife29/05/2014 10:39

Executive summary

Đầu tư với tỷ lệ:

·         <20%: đầu tư tài chính

·         >=20% đến <51%: đầu tư vào công ty liên kết

·         >=51%: đầu tư vào công ty con

----------------

Đối với công ty liên kết, việc hạch toán sẽ theo phương pháp giá gốc trên báo cáo tài chính công ty mẹ, nhưng sẽ theo phương pháp vốn chủ sở hữu trên báo cáo hợp nhất.

Trên báo cáo hợp nhất, mối quan hệ với cty liên kết được thể hiện ở những khoản mục sau:

Báo cáo thu nhập

·         Cổ tức và lợi nhuận được chia được thể hiện ở khoản mục thu nhập tài chính

·         Lợi nhuận giữ lại tái đầu tư được thể hiện ở khoản mục lãi/lỗ từ công ty liên doanh/liên kết: tỷ lệ sở hữu*lợi nhuận giữ lại của cty liên doanh/liên kết

Bảng cân đối kế toán

Tài sản

·         Tiền mặt (trong trường hợp được chia cổ tức)

·         Giá trị đầu tư vào công ty liên doanh/liên kết đó: +/-(Giá trị đầu tư của năm liền trước*tỷ lệ sở hữu*lợi nhuận giữ lại của cty liên doanh/liên kết)

Nguồn vốn:

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Ví dụ trường hợp MHC và Cảng Hải An

----------------------------

Hỏi:

Cty MHC đầu tư vào Cty Cảng Hải An từ 2009, giá trị đầu tư là 80 tỷ đ (tương đương 25%)

Từ 2011, cty Cảng Hải An đã có lợi nhuận >10 tỷ; 2012 LNST được >60 tỷ; 2013 LNST được >70 tỷ. Nhưng lạ là trên báo cáo hợp nhất của MHC lại thấy doanh thu tài chính và lợi nhuận từ cty liên doanh, liên kết rất thấp.

Trả lời:

- Trước hết MHC đầu tư vào Hải An 80 tỷ (25%) ===> Hải An là công ty liên kết
- Công ty MHC lập báo cáo tài chính hợp nhất, Trên BCTC HN của cty MHC, khoản đầu tư vào cty Hải An sẽ được hạch toán theo pp Vốn chủ sở hữu, theo đó phần Lợi Nhuận mà MHC được hưởng tương ứng với phần sở hữu của mình là 25% trong LNST của Hải An sẽ được điều chỉnh tăng giá trị khoản đầu tư vào cty Liên Kết Hải An,

- Một yếu tố cần xem xét nữa là xem qua các năm Cty Hải An có chia cổ tức cho cổ đông ko? Nếu chia cổ tức cho cổ đông thì hiển nhiên MHC cũng sẽ được nhận khi đó BCTC HN sẽ điều chỉnh trên phần sau khi loại 25% tương ứng mà MHC đã nhận.
Vd: Năm 2013 Hải An lãi sau thuế 70 tỷ, theo DHCD quyết định chia cổ tưc cho cổ đông 20 tỷ.
Khi đó: 

+ BCTC riêng của MHC sẽ ghi nhận: 25% *20ty = 5ty

---> Nợ tiền/ Có Doanh thu tài chính: 5ty

+ BCTC HN của MHC sẽ ghi nhận: (70-20)*25% = 12,5ty

----> No Khoản đầu tư cty LK/ Có LN ST chưa phân phối: 12,5ty

(a)  Phương pháp vốn chủ sở hữu:

+ Khoản đầu tư vào công ty liên kết được ghi nhận ban đầu theo giá gốc.

+ Sau đó, vào cuối mỗi kỳ kế toán, khi lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, giá trị ghi sổ của khoản đầu tư được điều chỉnh tăng hoặc giảm tương ứng với phần sở hữu của nhà đầu tư trong lãi hoặc lỗ của công ty liên kết sau ngày đầu tư.

+ Cổ tức, lợi nhuận được chia từ công ty liên kết được ghi giảm giá trị ghi sổ của khoản đầu tư vào công ty liên kết trên báo cáo tài chính hợp nhất.

+ Giá trị ghi sổ của khoản đầu tư vào công ty liên kết cũng phải được điều chỉnh khi lợi ích của nhà đầu tư thay đổi do có sự thay đổi trong vốn chủ sở hữu của công ty liên kết nhưng không được phản ánh trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty liên kết. Ví dụ thay đổi trong vốn chủ sở hữu của công ty liên kết có thể bao gồm những khoản phát sinh từ việc đánh giá lại TSCĐ và các khoản đầu tư, chênh lệch tỷ giá quy đổi ngoại tệ và những điều chỉnh các chênh lệch phát sinh khi hợp nhất kinh doanh (khi mua khoản đầu tư). 

+ Phương pháp vốn chủ sở hữu được áp dụng trong kế toán khoản đầu tư vào công ty liên kết khi lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất của nhà đầu tư.

b) Điều chỉnh phần lãi hoặc lỗ trong kỳ báo cáo của nhà đầu tư trong công ty liên kết.

- Nhà đầu tư phải xác định và điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết tương ứng với phần sở hữu của nhà đầu tư trong lãi hoặc lỗ sau thuế TNDN của công ty liên kết tại thời điểm cuối mỗi kỳ kế toán khi lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất. Trường hợp công ty liên kết là công ty cổ phần có cổ phiếu ưu đãi cổ tức được nắm giữ bởi các cổ đông bên ngoài thì nhà đầu tư phải loại trừ phần cổ tức ưu đãi trước khi xác định phần sở hữu của mình trong lãi hoặc lỗ từ công ty liên kết, kể cả khi chưa có thông báo chính thức về việc trả cổ tức trong kỳ.

- Trường hợp khoản lỗ trong công ty liên kết mà nhà đầu tư phải gánh chịu lớn hơn giá trị ghi sổ của khoản đầu tư trên Báo cáo tài chính hợp nhất thì nhà đầu tư chỉ ghi giảm giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết trong Báo cáo tài chính hợp nhất cho đến khi nó bằng không (= 0). Trường hợp nhà đầu tư có nghĩa vụ thanh toán thay cho công ty liên kết các khoản nợ mà nhà đầu tư đã đảm bảo hoặc cam kết trả thì phần chênh lệch lớn hơn của khoản lỗ trong công ty liên kết và giá trị ghi sổ của khoản đầu tư được ghi nhận là một khoản chi phí phải trả. Nếu sau đó công ty liên kết hoạt động có lãi, nhà đầu tư chỉ được ghi nhận phần sở hữu của mình trong khoản lãi đó sau khi đã bù đắp được phần lỗ thuần chưa được hạch toán trước đây. Phương pháp vốn chủ sở hữu được áp dụng trong kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết khi lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất của nhà đầu tư.

-------------- 

Cập nhật quy định mới thông tư 202

Điều 50 TT 202:

2. Trường hợp sau khi thoái một phần vốn công ty mẹ vẫn nắm giữ quyền kiểm soát đối với công ty con

d) Công ty mẹ lập bút toán thoái vốn để:

- Ghi nhận kết quả từ việc thoái vốn tính trên cơ sở hợp nhất vào chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này”;

- Điều chỉnh lợi ích cổ đông không kiểm soát nắm giữ tại công ty con;

- Ghi giảm số lợi thế thương mại tương ứng với tỷ lệ vốn bị thoái;

3. Trường hợp sau khi thoái một phần vốn công ty mẹ mất quyền kiểm soát đối với công ty con, công ty con trở thành công ty liên kết của công ty mẹ

e) Trường hợp trước đây công ty mẹ đã thoái một phần vốn tại công ty con và đã ghi nhận kết quả từ việc thoái phần vốn đó trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Bảng cân đối kế toán hợp nhất, nay thoái thêm một phần vốn đầu tư tại công ty con dẫn đến mất quyền kiểm soát thì công ty mẹ phải kết chuyển phần lãi, lỗ đã ghi nhận trước đây trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Case Study

FPT

Bán bớt phần vốn tại Thương mại FPT, bán 47% cho Synex với giá 932 tỷ, dự kiến ghi nhận lãi sau thuế 432 tỷ. Sau khi bán cho Synnex, sở hữu FPT giảm từ 100% xuống 53% vẫn còn >=51% nên vẫn bị xem là công ty con nên không được ghi nhận lợi nhuận trên kết quả kinh doanh hợp nhất, ghi thẳng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Việc bán bớt vốn tại FPT Retail cũng vậy, bán 30% vốn cho DC và Vinacap, có thể ghi nhận lãi sau thuế 660 tỷ, nhưng việc giảm sở hữu FPT tại cty này từ 85% xuống 55%, nên không được ghi vào lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất, chỉ ghi thẳng vào retain earnings.

Trong 2 deals này đều có việc bán bớt vốn cho cán bộ công nhân viên/nhà đầu tư cá nhân để giảm xuống dưới 51%. Nếu việc này hoàn tất, FPT có thể book vào lợi nhuận sau thuế trên báo cáo hợp nhất. Nếu hoàn thành việc này, FPT có thể book lãi tài chính 1.1k tỷ, đi cùng với đó, sẽ giảm lợi nhuận từ hợp nhất các cty đã bán ở trên, ghi tăng lợi nhuận công ty liên doanh liên kết.

CII

VPBank 

KDC

Nguồn: finandlife

Tags: , , , , ,

Stocks

Những câu nói cửa miệng của dân chứng khoán

by finandlife27/05/2014 13:52

"Chít mịa, đứt cáp rồi..."

“Hàng quy về một mối hết rồi, còn đâu nữa mà bán, chỉ có lên thôi!”

“Haizzz…. Hàng đó không có thanh khoản, mua làm gì!”

“Múc, sợ mịa gì!”

“Lại lồi mồm rồi…”

“Sẽ có biến…”

“Trap mịa nó rồi L

“Chít mịa, mất hàng”

"Tụi nó đang đánh lên"

"Cổ đó đang được lái"

“Vãi linh hồn”

“Vỡ mồm con chó”. Câu này có vẻ bốc đồng, nhưng lại là câu cửa miệng của 1 khách VIP khi bị bán hớ

"Mịa, Nó rút giàn khoan rồi, đua thôi mấy chú..."

"Lợi T không bằng lợi giá" Mr Chi

Một số hành động thường thấy trên thị trường chứng khoán

" ...cầm cổ phiếu mãi không lên vừa bán đi thì nó tăng..."

"... ôm cổ từ trên đỉnh xuống tận đáy rồi mà mới tăng hoặc ngoi lên mặt đất đã bán đi, bán xong nó cứ tăng..."

"...vừa cắt lỗ đúng đáy..."

"... cứ hit stoploss rồi lại phi, mà không đặt stoploss thì lại sợ cháy "

"... trong uptrend vẫn thấy nhiều người mất tiền.." 

"... hàng xịn không chơi, toàn chơi hàng lởm..."

 

Nguồn: finandlife

Tags:

StoriesofLife

Thống kê kết quả kinh doanh quý 1 năm 2014

by finandlife26/05/2014 09:33

Kết quả sản xuất kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy một bức tranh với nét vẽ mới từ chi phí bán hàng. Khoản mục chi phí này đã tăng gần 16% so với cùng kỳ, nhanh hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng 12.5% của doanh số làm lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ còn tăng trưởng 6.2%.

Ngoài ra, việc thiếu vắng những khoản lợi nhuận khác và lợi nhuận từ hoạt động tài chính đã góp phần làm lợi nhuận sau thuế quý 1 giảm 4.2% so với cùng kỳ.

Điểm đáng ghi nhận là tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức khá cao, cho thấy nhu cầu thị trường và đầu ra đang dần cải thiện. Thêm vào đó, chi phí đầu vàokhông có nhiều đột biến đã giúp lợi nhuận gộp tăng trưởng tương đồng với tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần.

Chúng tôi cho rằng, trong những quý tới khi nhu cầu tiếp tục cải thiện, những khoản đầu tư mạnh cho công tác bán hàng vào đầu năm sẽ giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu và cải thiện lợi nhuận.

--------------------------------------

Tổng doanh thu thuần và lãi gộp của 615 doanh nghiệp niêm yết (không bao gồm ngân hàng) Quý 1/2014 tăng 12.5% so với cùng kỳ. Trong khi đó tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng 6.2%, tổng lợi nhuận sau thuế giảm 4.2%.

So sánh với quý 4/2013, trong khi tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết Quý 1/2014 so với cùng kỳ cao hơn nhưng tăng trưởng lợi nhuận lại giảm đi đáng kể.

 

Quý 1/2014, tổng doanh thu thuần và giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp trong mẫu tăng 12.5% giúp lãi gộp tăng với tốc độ tương ứng. Lãi vay giảm giúp chi phí tài chính giảm 7.6% so với cùng kỳ (chi phí lãi vay giảm 12.6%). Chi phí quản lý cũng được kiểm soát khá tốt khi chỉ tăng 9.1%, thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu và lãi gộp.

Mặc dù vậy với việc chi phí bán hàng tăng đến 15.9%, thu nhập tài chính giảm đến 28.2%, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của 615 doanh nghiệp trong mẫu chỉ tăng 6.1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, với việc không còn những khoản lợi nhuận khác lớn như Quý 1/2013 (tiêu biểu trường hợp của GAS), lợi nhuận khác ròng Quý 1/2014 đã giảm 72.7%, góp phần làm lợi nhuận trước thuế giảm 0.9%, lợi nhuận sau thuế giảm 4.2% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với kết quả đạt được trong Quý 4 và cả năm 2013.

Phân tích chi tiết chi phí bán hàng có thể thấy, tổng chi phí bán hàng Quý 1 năm nay tăng mạnh hơn tốc độ tăng của doanh thu chủ yếu là do các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mãi nhằm giữ thị phần trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn (tiêu biểu như VNM). Trong khi đó, thu nhập tài chính giảm do lãi tiền gửi giảm và một số doanh nghiệp không còn ghi nhận các khoản doanh thu tài chính bất thường như VIC (thanh lý công ty con & liên kết), PPC (lãi chênh lệch tỷ giá)… 

Như vậy, thống kê cho thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết Quý 1/2014 không cao như kì vọng. Tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp tăng trưởng doanh thu. Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố biến động bất thường như thu nhập tài chính, thu nhập khác… Doanh thu và lãi gộp của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Việc chi phí bán hàng tăng mạnh hơn doanh thu cũng cho thấy áp lực cạnh tranh cao hơn trong bối cảnh nhu cầu ngày một cải thiện.

 

Để có cái nhìn đầy đủ hơn về bức tranh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi loại bỏ các doanh nghiệp ngành Bảo hiểm, Dịch vụ tài chính, Bất Động Sản và Xây dựng ra khỏi mẫu. Chúng tôi cũng điều chỉnh một số yếu tố bất thường có thể ảnh hưởng lớn tới kết quả thống kê như khoản lợi nhuận khác trong Quý 1/2013 của GAS, khoản lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá Quý 1/2013 của PPC… Kết quả thống kê cho kết quả như sau:

Doanh thu thuần tăng trưởng 11.2% so với cùng kỳ, trong khi đó giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn với mức tăng 12.2% dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ tăng 6.3% so với cùng kỳ. Điều này khá phù hợp với kết quả khảo sát của HSBC thông qua các báo cáo PMI các tháng trong Quý 1/2014: Sản lượng và giá cả đầu vào tăng trong khi giá bán đầu ra không tăng tương ứng.

Thu nhập tài chính sau khi điều chỉnh khoản thu nhập từ chênh lệch tỷ giá của PPC giảm 20.7% so với cùng kỳ. Mặc dù lãi vay giảm giúp chi phí lãi vay giảm đến 13.3% nhưng tổng chi phí tài chính hầu như không giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí bán hàng tăng đến 20% là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm 3.9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế sau khi điều chỉnh khoản lợi nhuận khác của GAS trong Quý 1/2013 giảm 3.4%, lợi nhuận sau thuế giảm 3.6% so với cùng kỳ.

 

Quý 1/2014 có 515 trên tổng số 615 doanh nghiệp báo lãi, cao hơn so với 508 doanh nghiệp báo lãi của Quý 1/2013. Số doanh nghiệp báo lỗ cũng giảm với chỉ 99 doanh nghiệp báo lỗ so với 107 doanh nghiệp cùng kỳ.

Tuy vậy, tổng lãi của các doanh nghiệp có lãi lại sụt giảm so với cùng kỳ, trong khi tổng lỗ của các doanh nghiệp báo lỗ lại phình to ra.

 

Mặc dù tổng lợi nhuận sụt giảm, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ lại tăng. Quý 1/2014, có 362 trên tổng số 615 doanh nghiệp trong mẫu có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ 59%, cao hơn so với tỷ lệ 47% và 54% của Quý 1/2013 và Quý 4/2013.

 

Tại thời điểm cuối quý 1 năm 2014, tổng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết tăng 7.7%, Vốn chủ sở hữu tăng 7.3%, Tổng vay nợ tăng 1.6%, Hàng tồn kho tăng 3.6% so với cùng thời điểm năm trước.

 

Bất động sản là ngành có giá trị tồn kho cao nhất hiện nay, chiếm 33.8% tổng giá trị hàng tồn kho. Tiếp theo là ngành Xây dựng & vật liệu. Giá trị tồn kho 2 ngành này lần lượt giảm 4.8% và 1.4% so với cùng thời điểm năm trước.

Một số ngành có giá trị tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là Bán lẻ (+102%); Điện, nước, xăng dầu, khí đốt (+39%); Dầu khí (+28%), Y tế (+21%)…

 

Phân tích chi tiết cho thấy, kết quả kinh doanh có sự phân hoá theo nhóm ngành. Ngành truyền thông(chủ yếu là các doanh nghiệp sách & sản phẩm văn hoá) có kết quả lợi nhuận Q1/2014 sụt giảm mạnh nhất (-130.4%), chủ yếu do chi phí giá vốn tăng. Các ngành Du lịch & giải trí, Hoá chất, Thực phẩm & Đồ uống, Bán lẻ… cũng có lợi nhuận giảm do nhu cầu sụt giảm.

Trong khi đó, một số ngành mang tính phòng thủ như Y tế, dầu khívẫn có được kết quả tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Một số ngành hưởng lợi nhờ chi phí đầu vào giảm như Lốp xe tiếp tục có kết quả tăng trưởng lợi nhuận ổn định.

Ngành bất động sản có sự cải thiện lợi nhuận mạnh mẽ nhất (+256%) phần nào thể hiện sự cải thiện của hoạt động kinh doanh bất động sản trong nước. Ngành dịch vụ tài chính (chủ yếu là môi giới chứng khoán) cũng có kết quả lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ thị trường chứng khoán sôi động.

Kết quả trên mặc dù có thể còn tồn tại một số đột biến do hạn chế về số liệu quan sát. Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả phản ánh khá chính xác tình hình hoạt động của các nhóm ngành, lĩnh vực trong Quý 1 năm 2014.

 

Số liệu thống kê kết quả kinh doanh Quý 1/2014 của VN 30 và GAS cũng cho kết quả tương đồng với tổng thể. Doanh thu thuần và lãi gộp tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 24.8% và 20.4%. Tuy nhiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lại chỉ tăng 6%, lợi nhuận ròng giảm đến 6.6% so với cùng kỳ.

 

Doanh thu tài chính, lợi nhuận khác của VN 30 và GAS sụt giảm mạnh hơn tổng thể , trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý gia tăng mạnh hơn. Tổng chi phí tài chính Quý 1/2014 của VN 30 và GAS tăng 12.4% so với cùng kỳ

 

Tổng tài sản của VN 30 và GAS tại thời điểm cuối quý 1/2014 tăng 15.2%, vốn chủ sở hữu tăng 12%, tổng vay nợ tăng 13.2% và tổng tồn kho tăng 0.9% so với cùng thời điểm năm trước. 

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags: ,

Economics | VietnamData | Quarter

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu