Cập nhật nhanh cổ phiếu PVE 06/11/2014

by finandlife06/11/2014 09:37

Đơn vị duy nhất thuộc PVN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế dầu khí

PVE hiện là đơn vị duy nhất thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực tư vấn thiết kế các công trình dầu khí, đặc biệt là các dự án dầu khí ngoài khơi (offshore). Với chủ trương phát huy nội lực và sử dụng tối đa năng lực, dịch vụ của các đơn vị trong ngành của PVN, PVE hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ PVN trong việc tiếp cận các dự án lớn thuộc lĩnh vực dầu khí.

Mặc dù vậy, do năng lực và kinh nghiệm thiết kế còn hạn chế, sức cạnh tranh của PVE với các nhà thầu tư vấn thiết kế nước ngoài chưa thực sự cao. Một số đơn vị trong Tập đoàn là Chủ đầu tư, tổng thầu EPC dự án (như PVS, PVX) vẫn chưa ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành theo định hướng của Tập đoàn và hiện đang còn xu hướng chọn nhà thầu tư vấn thiết kế nước ngoài.

Chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu của PVN tại PVE

Hiện tại, về chủ trương, PVN vẫn nhất trí cao về sự hỗ trợ cho PVE. Chủ trương nâng tỷ lệ sỡ hữu của PVN tại PVE từ 29% lên 36% đã được phê duyệt, dự kiến sẽ thực hiện vào đầu năm 2015. Tuy vậy vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể từ PVN về phương án nâng tỷ lệ sở hữu bằng cách phát hành riêng lẻ cho PVN hay PVN mua cổ phần hiện hữu của PVE trên thị trường.

 

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 khả quan nhờ tiết giảm chi phí thuê chuyên gia nước ngoài

6 tháng đầu năm 2014, công ty đạt 258.5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu từ tư vấn thiết kế tăng 14.5%, chiếm 71.7% tổng doanh thu. Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu giảm từ 83.8% xuống còn 80% giúp lợi nhuận gộp đạt 49.8 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.4 tỷ đồng, tăng 113.6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân Giá vốn hàng bán giảm là do PVE đã dần tự chủ được nhiều khâu trong công tác tư vấn thiết kế và do đó tiết giảm được chi phí thuê chuyên gia nước ngoài (số lượng chuyên gia nước ngoài các năm trước từ 14 – 16 người, nay giảm còn 8 người).

  

Khả năng không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2014

Năm 2014, công ty đặt kế hoạch doanh thu 650 tỷ đồng doanh thu và 34.07 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 16.7% và 121.6% so với thực hiện năm 2013. Đây là kế hoạch kinh doanh khá cao mà ban lãnh đạo công ty đặt ra trên cơ sở đánh giá nguồn công việc trong năm và được PVN phê duyệt (PVE có lịch sử đặt kế hoạch khá cao, 2 năm gần đây công ty đều thực hiện thấp so với kế hoạch). Qua 6 tháng đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành 39.8% kế hoạch doanh thu thuần và 27.6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Qua trao đổi, ban lãnh đạo công ty đảm bảo khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu. Các dự án công ty đang triển khai vẫn theo đúng tiến độ. Tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận có thể không hoàn thành do chi phí lương và đào tạo nhân sự không theo kế hoạch.

Năm 2015 doanh thu dự kiến trên 1,000 tỷ đồng

Trên cơ sở đánh giá nguồn công việc hiện tại (các dự án gối đầu) và khả năng trúng thầu một số hạng mục thuộc dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đã trúng thầu 1 hợp đồng EPC thuộc dự án này trị giá khoảng 30 triệu USD), lãnh đạo công ty cho biết doanh thu năm 2015 của PVE có thể đạt trên 1,000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty cũng cho biết công ty vừa trúng thầu một dự án lọc dầu hợp tác với đối tác Malaysia triển khai tại Malaysia với giá trị khoảng 55 triệu USD sẽ thực hiện năm 2017.

Phương án phân chia lợi nhuận dự án Cao ốc văn phòng Dragon Tower

Dự án Cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay là PVGAS Tower) được đầu tư xây dựng năm 2009 với tổng vốn đầu tư 827 tỷ trong đó PVGAS góp 70%, PVE góp 20% (155 tỷ đồng) và công ty địa ốc Phú Long góp 10%. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012 trong đó PVE “thuê” 3 tầng của cao ốc này để làm văn phòng và trụ sở công ty với giá thuê tương đối cao, trong khi việc kinh doanh dự án này tỏ ra không hiệu quả. Vào ngày 11/6/2013, các bên đầu tư đã họp bàn để thảo luận việc chuyển đổi từ phương án phân chia lợi nhuận hiện hữu sang phương án kết hợp cả hình thức phân chia sản phẩm và phân chia doanh thu, chi phí. Hiện tại, các bên vẫn chưa hoàn tất thủ tục để thống nhất việc thay đổi phương án phân chia lợi nhuận.

 

Nguồn: VFS Research

Tags:

Stocks

Phân tích và khuyến nghị APC

by finandlife28/10/2014 09:27

Công ty CP chiếu xạ An Phú (APC) là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ chiếu xạ khử trùng đối với thực phẩm.

Trải qua những khó khăn trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khi diễn biến các ngành hỗ trợ không mấy thuận lợi gây sụt giảm nguồn thu trong khi gánh nặng chi phí cho đầu tư và vận hành nhà máy mới khá lớn, APC đã có sự khởi sắc mạnh mẽ khi thực hiện đẩy mạnh các biện pháp tái cơ cấu doanh nghiệp đặc biệt trong đa dạng hóa doanh thu, quản lý công nợ và chi phí hiệu quả hơn.

Cùng với việc khởi sắc của ngành thủy hải sản, trái cây tươi xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của APC và dự kiến tiếp tục lạc quan trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Nông Nghiệp Mỹ chính thức cho phép 2 loại trái cây mới của Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ kể từ 06/10/2014 là nhãn và vải mở ra những triển vọng tăng trưởng mới.

Những phương pháp định giá của chúng tôi cho thấy cổ phiếu APC đang giao dịch ở mức khá rẻ so với giá trị doanh nghiệp. Giá trị hợp lý theo tính toán của chúng tôi khoảng 24,248 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40% so với giá đóng của ngày 24/10/2014. Chúng tôi khuyến nghị MUA VÀO đối với cổ phiếu này.

--------------------------------------

DOANH THU TĂNG TRƯỞNG GIAI ĐOẠN 2005-2011

Ban đầu, thủy hải sản là mặt hàng chiếu xạ chủ lực, đóng góp trên 90% sản lượng chiếu xạ và 70% doanh thu hằng năm. APC có mức tăng trưởng cao những năm đầu hoạt động cùng biên lợi nhuận hấp dẫn do đặc thù ngành.

Tuy nhiên xuất khẩu thủy hải sản có những giai đoạn khó khăn ảnh hưởng đến tính ổn định trong tăng trưởng của APC. Tính mùa vụ của ngành cũng khiến Công ty không tận dụng hết công suất trong 6 tháng đầu năm. Việc tiếp cận các ngành hàng khác như y tế, công nghiệp, nông nghiệp khá khó khăn do nhiều doanh nghiệp chưa biết nhiều đến ứng dụng công nghệ chiếu xạ.

Tháng 07/2009, sau nhiều nỗ lực, APC trở thành doanh nghiệp thứ 2 cả nước (sau Sơn Sơn) được Mỹ cấp phép đạt chuẩn nhà máy chiếu xạ trái cây sang thị trường này, mở ra những triển vọng đóng góp mới cho doanh nghiệp.

Công ty thực hiện đầu tư nhà máy mới tại Vĩnh Long từ tháng 04/2010 để tiếp cận gần hơn khách hàng thủy hải sản khu vực miền Tây trước việc đối thủ Thái Sơn mới hoạt động tại đây và đón đầu triển vọng từ chiếu xạ trái cây tươi xuất sang Mỹ.

Kết quả kinh doanh của APC nhìn chung tăng trưởng qua các năm, đặc biệt là năm 2011 khi cầu thủy hải sản trên thế giới hồi phục sau khủng khoảng và mảng chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu (thanh long) tăng mạnh, Công ty còn trực tiếp xuất khẩu thanh long từ Q4/2010.

 

Biên lợi nhuận trước thuế có sự sụt giảm từ năm 2010 do chi phí gia tăng cho đầu tư nhà máy mới tại Vĩnh Long và việc trực tiếp xuất khẩu trái cây của Công ty có biên lợi nhuận thấp hơn.

Giai đoạn này Công ty được hưởng những ưu đãi miễn thuế TNDN trong 2 năm 2005, 2006 và giảm 50% thuế TNDN trong 4 năm tiếp theo.

NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG NĂM 2012

Việc phụ thuộc nhiều vào chiếu xạ một mặt hàng là thủy hải sản khiến hoạt động kinh doanh của Công ty năm 2012 đối mặt với nhiều khó khăn:

Doanh thu suy giảm trước ảnh hưởng hàng loạt các doanh nghiệp thủy hải sản phá sản do khó khăn về thị trường và vốn. Ngoài ra, việc trực tiếp xuất khẩu trái cây tươi (thanh long)sang Mỹ cũng không đạt hiệu quả khi hư hỏng do thời tiết trên đường vận chuyển.

Sản lượng sụt giảm không đáp ứng đủ nhu cầu công suất 02 nhà máy, đặc biệt là nhà máy mới mới vận hành từ tháng 10/2011, khiến biên lợi nhuận gộp của công ty bị sụt giảm mạnh trước những gánh nặng về chi phí cố định.

Tình hình tài chính của Công ty cũng trở nên suy yếu khi lượng nợ quá hạn tăng mạnh do các công ty thủy sản lần lượt khất nợ, APC phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên đến 2.6 tỷđồng áp lực chi trả lãi vay cho việc đầu tư vào nhà máy chiếu xạ ở Vĩnh Long (khoảng 10.8 tỷ đồng). Ngoài ra từ năm 2012, Công ty phải chịu áp mức giá điện theo giá dịch vụ và truy thu chênh lệch giá điện từ năm 2011 trở về trước hơn 1.8 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận ròng sụt giảm mạnh chỉ còn 13% trong năm 2012.

Năm 2013, trước tình hình những khó khăn vẫn còn tiếp diễn, Công ty đã chủ trương thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp trên một loạt các phương diện.

ĐA DẠNG CÁC MẶT HÀNG CHIẾU XẠ GIÚP DUY TRÌ DOANH THU NĂM 2013

Nhìn chung doanh nghiệp khá bị động trước nhu cầu chiếu xạ của mỗi mặt hàng qua các năm. Với năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chiếu xạ trên nhiều loại mặt hàng so với đối thủ, đẩy mạnh đa dạng hóa cơ cấu doanh thu trong năm 2013 giúp APC tránh phụ thuộc quá nhiều vào một mặt hàng như những năm trước đó.

Điển hình trong năm 2013, doanh thu chiếu xạ mặt hàng nông sản như bột gia vị, thực phẩm khô tăng mạnh nhờ vào nhu cầu lớn của một khách hàng phát sinh trong năm. Theo đó đã giúp bù đắp những sụt giảm trong chiếu xạ thủy hải sản.

Mảng chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu đóng góp doanh thu khá ổn định và tiếp tục tăng trưởngmạnh 47% trong năm 2013. Bên cạnh đó, APC không còn trực tiếp xuất khẩu thanh long mà chỉ tập trung chiếu xạ để giảm thiểu rủi ro và xung đột lợi ích với khách hàng.

Công ty cũng đã đổi mới và đẩy mạnh chiến lược marketing, từ việc chỉ tập trung marketing vào chiếu xạ khử trùng đã được đẩy mạnh thêm 02 điểm là chiếu xạ bảo quản và tăng chất lượng sản phẩm.

Cùng với dư địa tăng trưởng của ngành chiếu xạ vẫn còn rất lớn và APC có những lợi thế riêng biệt trong ngành sẽ tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.

HỒI PHỤC MẠNH TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2014

Thông tin từ APC, 6 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của APC có sự hồi phục đáng kể khi doanh thu đạt 44.3 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuếđạt 10.9 tỷ đồng, tăng gấp 2.3 lần so với cùng kỳ. Theo đó, APC hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 67% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Doanh thu mảng chiếu xạ tăng 7% so với cùng kỳ, đóng góp 86% tổng doanh thu trong 6T2014. Trong đó, chiếu xạ thủy hải sản và trái cây tươi quay trở lại là hai mặt hàng chiếu xạ chủ yếu nhờ vào những chuyển biến tích cực:

  • 6T2014, kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản hồi phục khi tăng 27% so với cùng kỳ, đặc biệt tăng mạnh 41% trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
  • Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng khá thuận lợi khi 6T2014 tăng đến 44% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ tăng 15%.

Thông tin từ APC, năm 2013 đóng góp từ chiếu xạ mặt hàng nông sản đã giảm do khách hàng lớn trước đó đã tìm được phương pháp khắc phục. Các mặt hàng chiếu xạ khác như thiết bị y tế, đông nam dược vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Ngoài ra, hoạt động cho thuê kho lạnh và bốc xếp cũng tăng mạnh, đóng góp tỷ trọng lần lượt 9% và 3% trên tổng doanh thu (trong khi cùng kỳ lần lượt là 5% và 2%).

 

Động lực chính giúp lợi nhuận ròng có mức cải thiện đáng kể so với doanh thu:

Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnhđạt 50% từ mức 40% cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng trong sản lượng và giá dịch vụ là nguyên nhân chính giúp cải thiện biên lợi nhuận khi phần lớn các chi phí là định phí như nguồn xạ, nhân công, khấu hao, điện, nước… (khoảng 90%). Bên cạnh đó, sự chuyển dịch trong cơ cấu doanh thu cũng có tác động đến biên lợi nhuận.

Chi phí lãi vay giảm mạnh 50% so với cùng kỳ với tỷ trọng trên doanh thu thuần giảm đáng kể từ mức 9% trong 6T2013 còn 4% trong 6T2014 nhờ công ty đã trả bớt nợ (tỷ lệ vay nợ còn 19.6% tổng tài sản trong khi cùng kỳ là 27.2%) và mặt bằng lãi suất đã giảm.

Theo chính sách “quản lý công nợ hiệu quả” trong chiến lược tái cấu trúc của Công ty bằng cách cơ cấu nợ và đàm phán trả trước hạn, dự kiến đến năm 2017 công ty sẽ trả hết nợ.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhìn chung chưa có chuyển biến khi vẫn chiếm 15% trong 6T2014, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, biên lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2014 đạt 24.6% trong khi cùng kỳ chỉ là 8.5%.

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CẢI THIỆN

Tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của công ty (khoảng 80-85%) bao gồm tài sản cố định và trả trước dài hạn. Tài sản ngắn hạn chủ yếu là các khoản phải thu, tiền và tương đương tiền và tài sản lưu động khác.

APC có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao khoảng 71% tổng nguồn vốn (cuối năm 2013). Phần còn lại là nợ phải trả, bao gồm nợ ngắn hạn chiếm khoảng 12% tổng tài sản và nợ dài hạn khoảng 18%. Đến nay, tỷ trọng nợ vay trên tổng tài sản đã giảm nhiều, ở mức 23% cuối năm 2013 và 19.5% cuối Q2/2014.

Tính đến cuối quý 2/2014, dòng tiền thuần trong kỳ của APC đã có nhiều cải thiện và ở mức 11.2 tỷ đồng. Theo đó công ty đã trả cổ tức năm 2013 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt vào tháng 08/2014.

Khả năng thanh toán của công ty đã dồi dào trở lại. Hiệu quả hoạt động của công ty cũng đạt nhiều cải thiện khi tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu ROE và trên tổng tài sản ROA 4 quý gần nhất đạt lần lượt 14.3% và 10.2%, cải thiện so với mức 10% và 6.6% năm 2013 và mức 8.4% và 5% trong năm 2012.

TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG TRONG TƯƠNG LAI

Thêm 02 loại trái cây là nhãn và vải của Việt Nam có thể xuất sang Mỹ

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cấp phép cho nhãn, vải của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ (trừ Florida), hiệu lực từ ngày 06/10/2014. Một trong 05 điều kiện bắt buộc là trái cây phải được xử lý qua chiếu xạ.

Cũng theo USDA, số lượng vải nhãn Việt Nam dự kiến ​​xuất khẩu sang Mỹ lần lượt là 600 tấn/năm và 1,200 tấn/năm, tương đương 17% và 69%sản lượng nhập khẩu trung bình hàng năm của Mỹ cho hai loại quả này giai đoạn 2007-2010. 

Trong năm nay, vải đã hết mùa, dự kiến nếu hoàn thành sớm các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, nhất là kết quả của “bản đồ chiếu xạ đối với nhãn” gửi sang Mỹ được chấp thuận sẽ là cơ sở để khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu nhãn trong năm nay và bước đầu thăm dò thị trường.

Chúng tôi cho rằng triển vọng từ 02 mặt hàng trái cây mới này sẽ là tín hiệu lạc quan trong tăng trưởng doanh thu mảng chiếu xạ trái cây tươi của APC trong những năm sắp tới.

Sản phẩm mới tinh thể nước L.A.P

L.A.P là hạt siêu hấp thụ nước, được kết hợp với công nghệ chiếu xạ có khả năng đặc biệt trong việc hấp thụ nước giữ nước cho cây trồng. Sản phẩm do APC nghiên cứu hơn 10 năm và tự sản xuất, dự kiến mang lại nguồn thu lớn trong tương lai. Tuy nhiên đây là lộ trình dài hạn, dự án hiện đang tìm nguồn tài trợ và thông tin chính thức sẽ đượcAPC công bố sau.

DỰ BÁO & ĐỊNH GIÁ

Thông tin từ Ban lãnh đạo APC, ước tính 9T2014, Công ty đã hoàn thành vượt 1 tỷ đồng kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm, tương đương đạt 17.2 tỷ đồng, tăng 86% yoy, trong đó riêng Q3/2014 tăng 5% so với cùng kỳ.

Theo tính mùa vụ, xuất khẩu thủy hải sản Q4 thường tăng so với Q3, trong khi giảm nhẹ trong kim ngạch xuất khẩu rau quả. Chưa tính đến nguồn thu từ 02 loại trái cây mới trong năm nay, chúng tôi ước tính cả năm 2014, APC có thể đạt doanh thu 99.0 tỷ đồng (vượt 7% kế hoạch), tuy nhiên LNST ước tính vượt 40% kế hoạch, đạt khoảng 22.6 tỷ đồng. EPS F 2014 đã pha loãng là 1,827 đồng/cổ phiếu. Với mức P/E khoảng 12x, giá hợp lý của APC sẽ là 21,927 đ/cổ phiếu.

Theo phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, mức giá hợp lý của cổ phiếu sẽ là 30,089 đ/cổ phiếu.

Kết hợp cả 2 phương pháp định giá trên theo nguyên tắc thận trọng, 70% tỷ trọng P/E và 30% FCFF, giá hợp lý của APC sẽ là 24,248 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40% so với thị giá ngày 24/10/2014.

 

Giả định phương pháp FCFF:

Dựa vào triển vọng tăng trưởng của Công ty, chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu của APC có thể đạt 8% trong 2014, và giảm dần về mức 4% năm 2018. Từ 2019 trở đi, tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ ổn định ở mức 3%/năm. Với suất chiết khấu WACC 13.5%, chúng tôi cho rằng giá hợp lý theo mô hình chiết khấu dòng tiền FCFF là 29,664 đ/CP.

TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP

Công ty CP Chiếu xạ An Phú (APC) được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Công ty bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 05/2005 và chính thức niêm yết trên sàn HOSE tháng 01/2010.

Ban đầu, Công ty chủ yếu chiếu xạ mặt hàng thủy hải sản. Tháng 07/2009, Công ty được Mỹ cấp phép chiếu xạ trái cây tươi sang thị trường này, mở ra những triển vọng tăng trưởng mới. Đến nay, Công ty tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng chiếu xạ trên đa dạng các mặt hàng.

Công ty hiện có 02 nhà máy chiếu xạ một tại Bình Dương và một nhà máy mới tại Vĩnh Long dưới sự quản lý của Công ty con (100% vốn). Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Công ty, APC hiện sở hữu một trong những nhà máy chiếu xạ lớn nhất khu vực ASEAN.

Chiếu xạ khử trùng là một ngành triển vọng. Tuy nhiên trong nước hiện chỉ có 03 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Trong đó, An Phú là doanh nghiệp dẫn đầu với những lợi thế riêng biệt trước những rào cản gia nhập ngành cao.

APC – DOANH NGHIỆP DẪN ĐẦU NGÀNH

Đứng đầu về công suất nhà máy giúp APC đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng lớn. Công ty hiện có 02 nhà máy chiếu xạ vớicông suất hiện tại khoảng 230 tấn sản phẩm/ngày. Trong đó, nhà máy tại Bình Dươngchiếu xạ nhiều mặt hàng và hiện đã chạy đầy công suất; nhà máy mới An Phú Bình Minh tại Vĩnh Long (được đầu tư giai đoạn I và đưa vào hoạt động từ tháng 09/2011) chủ yếu chiếu xạ thủy hải sản, hiện đang chạy khoảng 75% công suất. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Công ty, nhà máy APC sở hữu là một trong những nhà máy chiếu xạ lớn nhất khu vực ASEAN.

Năng lực chiếu xạ nhiều loại mặt hàng. Quy trình chiếu xạ cho mỗi mặt hàng là khác nhau và rất phức tạp. Công ty đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chiếu xạ trên các mặt hàng khác nhau so với các đối thủ khác trong ngành.

Dẫn đầu về thị phần. Chưa có số liệu thống kê cụ thể về thị phần chiếu xạ giữa các doanh nghiệp trong ngành. Theo đánh giá của Ban Lãnh đạo APC, hiện An Phú chia sẻ khoảng 30% thị phần chiếu xạ thủy hải sản với Thái Sơn và khoảng 50% thị phần chiếu xạ trái cây tươi với Sơn Sơn, các mặt hàng chiếu xạ khác chiếm phần lớn thị phần. 

Lợi thế nguồn xạ giá rẻ. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào chủ yếu là nguồn chiếu xạ Cobalt 60 nhập từ Anh Quốc, chiếm khoảng 20% giá vốn. Thời gian gần đây, định kỳ 1 năm một lần công ty phải nhập bổ sungmột phần nguồn xạ mới. Giá nguồn xạ đã tăng mạnh theo thời gian theo đó APC có nhiều lợi thế so với những doanh nghiệp mới gia nhập ngành.

Sản phẩm & Dịch vụ

APC hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chiếu xạ khử trùng các loại thực phẩm như thủy hải sản, trái cây, nông sản… đóng góp trên 90% doanh thu hàng năm. Song song, Công ty còn cung cấp dịch vụ cho thuê kho lạnh phục vụ trực tiếp khách hàng đến chiếu xạ.

CƠ CẤU CỔ ĐÔNG CÓ NHIỀU THAY ĐỔI

Trong quá trình hoạt động, APC nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều tổ chức trong và ngoài nước là các cổ đông lớn nắm giữ với vị thế trung và dài hạn nhờ vào những lợi thế trong mô hình kinh doanh, triển vọng tăng trưởng và chính sách cổ tức hấp dẫn của Công ty.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, cơ cấu cổ đông của APC có nhiều thay đổi khi các cổ đông lớn như Công ty Quản lý Quỹ SSI, Cao su Bà Rịa Vũng Tàu, Transimex - Sài Gòn lần lượt thoái toàn bộ vốn chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 01 tháng. Trong khi đó gia tăng tỷ lệ sở hữu của đối thủ cạnh tranh là Công ty Thái Sơn (trở thành cổ đông lớn nhất) và 03 nhà đầu tư cá nhân.

Nhiều thành viên HĐQT và thành Ban Kiểm soát cũng lần lượt xin từ nhiệm. Theo đó, ngày 26/11/2014 tới APC dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông bất thường bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban Kiểm Soát cho Công ty. Điều này cho thấy sắp tới sẽ có sự thay đổi lớn trong Ban Quản trị doanh nghiệp.

Ngày 07/10/2014 vừa qua, APC đã thực hiện phát hành 572,400 cổ phiếu ESOP cho người lao động Công ty mệnh giá 10,000 đồng/cp với mục đích nhập bổ sung nguồn xạ và tài trợ vốn lưu động, ngày giao dịch dự kiến là 15/12/2014, nâng tổng lượng cổ phiếu lưu hành lên 12,020,400 cổ phiếu.

ĐÔI NÉT VỀ CHIẾU XẠ THỰC PHẨM

Chiếu xạ thực phẩm là công nghệ lành sử dụng năng lượng bức xạ ion hoáđể xử lý thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh và an toàn thựcphẩm. Công nghệ này được nghiên cứu từ những năm 1980 nhưng chỉ mới bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn trong thời gian gần đây khi ngày càng có nhiều lo ngại về ô nhiễm, hư hại cũng như những căn bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Nhiều nước như Mỹ, Úc, Israel và một số nước châu Âu yêu cầu các loại thực phẩm nhập khẩu phải được kiểm dịch bằng bức xạ. Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và một số nước châu Âu khác không yêu cầu bắt buộc nhưng chấp nhận biện pháp kiểm dịch bằng bức xạ.

Tại châu Á, sản lượng thực phẩm chiếu xạ ngày càng tăng trưởng, trong đó Việt Nam là nước đứng thứ hai về sản lượng chiếu xạ (sau Trung Quốc) trong năm 2010 và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2005-2010.

Tuy nhiên, chiếu xạthực phẩm là một ngành phức tạp với những rào cản gia nhập ngành lớn cả về pháp lý và kỹ thuật. Hiện nay trong nước ngoài 02 đơn vị nghiên cứu thuộc Nhà nước là Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt và Trung tâm Vinagama tại Thủ Đức, chỉ có 03 doanh nghiệp tư nhânđang hoạt động kinh doanh là An Phú, Sơn Sơn và Thái Sơn. Trong đó, An Phú là doanh nghiệp dẫn đầu ngành với những lợi thế riêng biệt.

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags:

Stocks

SBA, NKG, PVB kết quả kinh doanh quý 3/2014

by finandlife22/10/2014 15:17

SBA công bố KQKD quý 3 khả quan với 67 tỷ DTT tăng gần 20% so với cùng kỳ Q3 năm trước. LNST đạt 25.9 tỷ đồng tăng gần 16%. Như vậy lũy kế hết Q3/2014 DTT đạt 139.5 tỷ tăng gần 34%, LNST đạt gần 42 tỷ, gấp hơn 4.3 lần so với 9.7 tỷ Q3 năm trước.

Bên cạnh việc sản lượng tăng trưởng 16% thì giá bán trung bình cũng tăng 3.2%, biên lãi gộp cải thiện giúp LN tăng trưởng mạnh. So với KH cả năm đặt ra thì cty đã hoàn thành 60% kế hoạch DT và 54% kế hoạch LN. Đây là một kết quả tương đối tốt.

Như vậy với EPS Q3 (tính trượt 4 quý) đạt 1,639 đồng, với mức giá đóng cửa hôm nay là 12k thì P/E đang ở mức 7.3, so với trung bình ngành là 12.6 -> SBA đang khá thấp. Cộng với việc Q4 sẽ là mùa cao điểm của năm và năm nay tình hình thủy văn thực tế vẫn cho thấy khá thuận lợi. Do đó việc mua vào đối với CP này được ủng hộ với kỳ vọng KQKD Q4 sẽ tiếp tục tích cực.

 

NKG: Riêng Q3 DTT đạt 1,381 tỷ tăng trưởng 22% vs cùng kỳ, LNST đạt 22.7 tỷ tăng mạnh so với 1.9 tỷ cùng kỳ năm trước. Lũy kế hoàn thành 91% kế hoạch DT và vượt 18% kế hoạch LN cả năm 2014. Có được sự tăng trưởng mạnh nhờ đầu ra ổn định, máy móc hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Cty vẫn đang đầu tư mạnh vào dây chuyền cán nguội 200k tấn và dự kiến hoàn thành cuối năm nay và năm sau có thể chính thức đi vào hoạt động -> KQKD của NKG năm sau sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

 

PVB: doanh thu thuần Quý 3 đạt hơn 230.7 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng hơn 11%, đạt hơn 38.3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 23.3 tỷ đồng, tăng 22.1% so với quý 3/2013 nhưng khá thấp so với mức 89 tỷ đồng quý 2/2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, PVB đạt hơn 132.2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2.7 lần 9 tháng đầu năm 2013, vượt 50% kế hoạch năm. EPS 9 tháng đầu năm đạt 6,122 đồng/CP.

Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của PVB trong quý 3 khá thấp so với quý 2 có thể do trong quý 3 khối lượng công việc (bọc ống) của PVB thấp hơn. Kết quả kinh doanh của PVB dự kiến sẽ khả quan hơn trong 3 – 6 tháng tới khi dự án bọc ống đường ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 bước vào giai đoạn cao điểm.

Hết quý 3/2014, tiền và các khoản tương đương tiền của PVB đạt hơn 265.3 tỷ đồng, gấp 3.2 lần so với số đầu năm. Đáng chú ý có khoản ứng trước hơn 314 tỷ đồng của PV GAS cho dự án bọc ống đường ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1.

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags: , ,

Stocks

CMI cập nhật 09/10/2014

by finandlife09/10/2014 14:56

Tổng quan

Công ty CP CMISTONE Việt Nam (CMISTONE) tiền thân là Công ty CP CAVICO Khoáng sản và Công nghiệp. CMISTONE có nhiều ngành nghề kinh doanh trong đó lĩnh vực xây lắp, khai thác, sản xuất chế biến đá, khoáng sản là một trong những lĩnh vực chủ chốt. Hiện nay công ty đang triển khai các dự án khai thác mỏ đá tại Hà Tĩnh, Nghệ An; dự án khai thác quặng sắt tại Yên Bái, Quảng Trị, Lào… Bên cạnh đó CMI cũng đang sở hữu các dự án liên quan khác như: dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột đá siêu mịn, dự án xây dựng nhà máy sản xuất đá ốp lát xuất khẩu đều tại Tỉnh Nghệ An.

 

Trong lĩnh vực bất động sản, công ty đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho đầu tư xây dựng dự án trung tâm thương mại Mễ Trì với diện tích 6,000 m2 tại Mễ Trì – Từ Liêm – Hà Nội. Trong lĩnh vực xây lắp công ty cũng là một trong những nhà thầu chính đảm nhiệm sản xuất và cung cấp toàn bộ các loại đá xây dựng cho công trình thủy điện ĐăkRinh thuộc tỉnh Quảng Ngãi (đã hoàn thành).

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng đột biến

6 tháng đầu năm, CMI đạt 52.75 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh so với mức 741 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.9 tỷ đồng, vượt trội so với mức lỗ 4.25 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2013. Nguyên nhân theo giải trình của công ty là do trong 6 tháng đầu năm 2013 các mỏ sắt của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào khai thác, công ty chỉ có một phần nhỏ doanh thu từ hoạt động xây lắp và thương mại. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2014, mỏ sắt Trấn Hưng – Yên Bái đã đi vào khai thác ổn định (từ tháng 8/2013), bên cạnh đó hoạt động cung cấp đá xây dựng tại Hà Tĩnh của công ty cũng mang lại doanh thu ổn định (từ Quý 3/2013) dẫn đến doanh thu và lợi nhuận đột biến.

 

Mặc dù vậy chúng tôi cho rằng kết quả trên không thực sự ấn tượng so với kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2013, cụ thể:

-                      Quặng sắt:

Mỏ quặng sắt Trấn Hưng bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2013 đem lại 38 tỷ đồng doanh thu thuần và 25 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho công ty trong năm 2013. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù tiếp tục đem lại 40.8 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng mỏ này chỉ đem lại 19 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho công ty. Biên lãi gộp chỉ đạt 46.6% (so với mức 66% của năm 2013). Nguyên nhân theo chúng tôi là do giá quặng sắt trong nước giảm mạnh (giá quặng sắt thế giới từ đầu năm đến nay giảm ~40%).

-                      Đá xây dựng:

Hoạt động cung cấp đá xây dựng tại mỏ Vạn Xuân – Hà Tĩnh bắt đầu từ Quý 3/2013 đem lại 14.82 tỷ đồng doanh thu thuần 2013 (quý 3: 8.1 tỷ đồng, quý 4: 6.8 tỷ đồng). Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2014, hoạt động này chỉ đem lại 8.4 tỷ đồng doanh thu thuần (quý 1: 4.7 tỷ đồng, quý 2: 3.7 tỷ đồng). Mặc dù vậy sự sụt giảm này không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của công ty trong 6 tháng đầu năm 2014 do biên lãi gộp của hoạt động này khá thấp (chỉ khoảng 1 – 2%).

Kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm dự kiến khả quan hơn

Năm 2014, CMI đặt kế hoạch doanh thu 153 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 161% và 213% so với kết quả thực hiện năm 2013 dựa trên hoạt động tại mỏ quặng sắt Chấn Hưng, mỏ đá Vạn Xuân và mỏ quặng sắt Khămbang – Lào:

 

Mặc dù vậy đến nay do dự án mỏ sắt Khămbang – Lào chưa đi vào hoạt động (chậm tiến độ) nên kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm còn khá thấp so với kế hoạch. Cụ thế qua 6 tháng CMI mới chỉ hoàn thành 34.5% kế hoạch doanh thu thuần và 25% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Chúng tôi cho rằng 6 thángcuối năm, kết quả kinh doanh của CMI kỳ vọng sẽ khả quan hơn 6 tháng đầu năm nhờ: (1) Mỏ quặng sắt Trấn Hưng tiếp tục khai thác ổn định, đầu ra tiếp tục được bao tiêu toàn bộ, (2) Hoạt động cung cấp đá xây dựng tại mỏ Vạn Xuân – Hà Tĩnh ổn định, doanh thu cải thiện so với 6 tháng đầu năm và (3) Mỏ quặng sắt Làng Hồ - Quảng Trị bắt đầu khai thác từ đầu Quý 3 mang lại doanh thu và lợi nhuận đột biến cho công ty trong 6 tháng cuối năm.

Triển vọng và khuyến nghị:

Với việcsở hữu nhiều dự án lớn, chúng tôi cho rằng tiềm năng tăng trưởng và khả năng mở rộng quy mô trong ngành khai khoáng và lấn sân sang các lĩnh vực khác như sản xuất vật liệu xây dựng và bất động sản của CMI là khá cao khi ngành xây dựng và bất động sản trong nước phục hồi.

Trên quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng năm 2014 công ty sẽ đạt khoảng 130 tỷ đồng doanh thu thuần (dự án Khămbang – Lào chưa đi vào hoạt động) và 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 85% kế hoạch doanh thu thuần và 63% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. EPS forward tương ứng đạt khoảng 2,778 đồng/cổ phiếu. PE forward 2014 so với giá đóng cửa ngày 7/10/2014 ở mức khoảng 7.7 lần, khá thấp so với trung bình thị trường. Công ty cũng đang có kế hoạch thông qua chi trả 10% cổ tức tiền mặt cho năm 2013 và thay đổi phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi thành phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược để tăng vốn trong buổi ĐHCĐ bất thường tổ chức vào ngày 22/10/2014 sắp tới.

Kỹ thuật

Mua, giá mục tiêu gần là 25, mục tiêu xa là 35.

 

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags:

Stocks

FMC cập nhật 23/09/2014

by finandlife26/09/2014 09:56

Kết quả kinh doanh 6T2014 của FMC tăng trưởng ấn tượng với DT tăng 95% và LN ròng tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ. Tăng trưởng trên trong KQKD của công ty nhờ hưởng lợi từ những chuyển biến tích cực của ngành thủy sản cả về sản lượng và giá bán khi hoạt động chính của công ty là nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu (đóng góp 98% DT). Uy tín thương hiệu của FMC ngày càng tốt trên cả 3 thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu đặc biệt là Hoa Kỳ với mức tăng 130% yoy đóng góp đến 48% DT. Đây cũng là thị trường tiềm năng trong trọng tâm thúc đẩy thâm nhập của FMC.

Biên LN gộp và biên LNTT cải thiện đạt lần lượt 6.3% và 2.4% trong 6T2014. Với chủ trương nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi khi đầu tư khoảng 160ha tại Vĩnh Tân (Sóc Trăng), hiện công ty đã làm chủ được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu. Với việc lượng nguyên liệu tương đối ổn định, giá nguyên liệu đầu vào ít biến động, cùng với việc kiểm soát tốt chi phí tài chính và chi phí hoạt động, biên LN của FMC đang có những cải thiện đáng kể.

FMC duy trì tỷ lệ vay nợ ở mức 55% TTS trong những năm gần đây, hầu hết là khoản vay USD nhằm giảm chi phí trên cơ sở tỷ giá ổn định. Các chỉ số thanh khoán tương đối tốt và cải thiện. Trong số các doanh nghiệp thủy hải sảncó LN tăng trưởng mạnh trong 6T2014, FMC là doanh nghiệp khả quan hơn cả về hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu và tài sản,đồng thời cao hơn trung bình ngành (lần lượt là 16.9% và 6.2%).

Để nâng cao năng lực tài chính cũng như quy mô của công ty, ĐHĐCĐ 2014 đã thông qua kế hoạch phát hành 7 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 130 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng trong năm nay với 6.5 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ là 2:1, giá chào bán 15,000đ/cp và 500,000 cổ phiếu ESOP giới hạn thời gian chuyển nhượng 1 năm cho CBCNV. Thời điểm phát hành thích hợp sẽ được lựa chọn và công bố sau.

Kế hoạch đầu tư: FMC hiện có năng lực chế biến tôm lớn thứ tư cả nước với tổng công suất thiết kế 18,000 tấn nguyên liệu/năm. Dự kiến tháng 11/2014, xưởng chế biến tôm cao cấp sẽ đi vào hoạt động, nâng năng lực sản xuất lên tối đa 21,500 tấn nguyên liệu/năm. Hiện tại, công ty gần như đã tận dụng tối đa công suất chế biến đang có.

Triển vọngngành tích cực:

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong 8T2014, xuất khẩu tôm đạt giá trị cao nhất là 2,56 tỷ USD, tăng đến 48,3% so với cùng kỳ và chiếm tới 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS), các nguồn cung lớn trên thế giới như Thái Lan và Trung Quốc phục hồi chậm, trong khi giá cả tại nhiều thị trường nhập khẩu tăng cao giúp cho tôm Việt Nam cùng Ecuador, Indonesia và Ấn Độ trở thành những nguồn cung quan trọng trên thế giới.

Nhu cầu đặt hàng tôm tăng tại thị trường Mỹ, đẩy giá tôm tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam tăng lên trong nhiều tháng qua. Nửa đầu năm nay, giá trung bình của tôm nhập khẩu vào Mỹ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào Nga vừa được Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) gỡ bỏ, cho phép thêm một số Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Kỹ thuật:

Sau khi chạm kháng cự dài hạn tại 36, FMC đã giảm mạnh trở lại. Nhà đầu tư có thể mua dần ở vùng hỗ trợ gần nhất 30.

 

Khuyến nghị:

Tính đến 8 tháng đầu năm, FMC cho biết sản lượng đã tăng 25.2% và doanh số tăng 48.8% so với cùng kỳ.Với dự kiến nhu cầu tiêu thụ cuối năm tiếp tục tăng trưởng mạnh trên toàn thế giới và theo mùa vụ, sự bất cân đối cung cầu sẽlà những nhân tố chính giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam mở rộng thị phần, tăng sản lượng cùng với kỳ vọng thu lợi từ việc giá tôm sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.Mới đây, FMC cũng được xếp vào một trong số 5 doanh nghiệp thủy sản được xếp diện ưu tiên.

Năm 2014, FMC đặt kế hoạch DT tiêu thụ đạt 2,200 tỷ đồng (tăng 0.6% yoy) và LNTT tối thiểu đạt 40 tỷ đồng (tăng 12.4% yoy), mức cổ tức dự kiến ít nhất là 15%.Trước tình hình kinh doanh khả quan, FMC cho rằng năm 2014 nhiều khả năng sẽ hoàn thành vượt kế hoạch từ 20% trở lên.Theo đó, EPS forward vào khoảng 4,000 đ/cp, P/E forward là 7.8x với mức giá ngày 23/09/2014. Hiện tại FMC đang giao dịch tại mức P/E và P/B lần lượt là 7.1x và 1.7x, (trung bình ngành P/E là 14.8x và P/B là 1.8x) vẫn còn tương đối hấp dẫn.

Ghi chú : (*) Công ty đang tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi về Thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ như sau :

- Được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 15% trong 12 năm (2002-2013);

- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 03 năm (2003-2005);

- Được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 07 năm (2006-2012).

Các loại thuế khác theo quy định hiện hành tại Việt Nam.

 

Đến năm 2014 thì hết ưu đãi

--------------------------------

FMC có bị ảnh hưởng bởi những rào cản thuế quan mà Mỹ đã áp cho VN vừa qua hay không?

Ngày 20/9/2014, Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo mức phán quyết cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam bán vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8).

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) phải chịu mức thuế chống bán phá giá 6,37%.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc FMC, về mặt tài chính, FMC không bị thiệt hại bởi quyết định nói trên vì tôm tiêu thụ của công ty tới Hoa Kỳ trong đợt xem xét hành chính được bán theo giá CFR. Trong khi đó chỉ những doanh nghiệp nào bán theo giá DDP mới có thể bị thiệt hại, do mức thuế sơ bộ giai đoạn đó là 0%, nay phải đóng thuế bù cho Hải quan Hoa Kỳ.

Tìm hiểu rõ hơn về việc FMC không bị thiệt hại bởi quyết định nói trên khi tôm tiêu thụ của công ty tới Hoa Kỳ trong đợt xem xét hành chính được bán theo giá CFR:

DDP (Delivered Duty Paid) là một thuật ngữ của quy tắc thương mại quốc tế Incoterms. Nó có nghĩa là bên bán hàng phải thanh toán mọi cước phí vận chuyển và gánh chịu mọi rủi ro cho đến khi hàng hóa được giao cho bên mua hàng cũng như phải nộp mọi thứ thuế (nếu có) trước khi hàng được giao cho bên mua, chẳng hạn thuế nhập khẩu. Bên mua phải chịu chi phí bốc dỡ hàng khi hàng đã vận chuyển đến nơi nhận.

Ú Nếu doanh nghiệp bán theo giá DDP đã chịu mức thuế nhập khẩu giai đoạn đó là 0%, nay theo phát quyết POR8 sẽ phải đóng thuế bù cho Hải quan Hoa Kỳ.

Trong khi CFR (Cost, Insurance and Freight), người bán kí kết hợp đồng chuyên chở đường biển và trả cước để chuyển hàng đến cảng đích, nộp thuế và lệ phí xuất khẩu, giao hàng lên tàu và trả tiền chi phí bốc dỡ hàng lên tàu. Thuật ngữ giao hàng  trong Incoterms® 2010 được sử dụng để chỉ địa điểm tại đó rủi ro về việc hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng được chuyển giao từ người bán sang người mua.

Ú Nếu doanh nghiệp bán theo giá CFR chỉ đóng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ do nhà nhập khẩu là một bên thứ 3 chịu. Do đó sẽ không phải đóng bù thuế nhập khẩu cho Hải quan Hoa Kỳ theo phán quyết trên.

Tuy nhiên, POR8 sẽ khiến các nhà nhập khẩu tôm từ Hoa Kỳ quan tâm tới tôm từ thị trường khác như Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ.

Trước tình hình đó, FMC đã có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu thị trường, đã có nhiều đơn hàng từ EU và tất cả các đơn hàng đã bán vào Hoa Kỳ đều theo giá CFR.

Phụ lục International Commerce Terms (Incoterms)

Các điều khoản thương mại quốc tế International Commerce Terms (Incoterms) là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Incoterm quy định những quy tắc có liên quan đến giá cả và trách nhiệm của các bên (bên bán và bên mua) trong một hoạt động thương mại quốc tế.

11 điều kiện Incoterms® 2010 (phiên bản mới nhất của Incoterm) được chia thành hai nhóm riêng biệt:

Các điều kiện áp dụng cho mọi phương thức vận tải: EXW: Giao tại xưởng; FCA: Giao cho người chuyên chở; CPT: Cước phí trả tới; CIP: Cước phí và bảo hiểm trả tới; DAT: Giao tại bến; DAP: Giao tại nơi đến; DDP: Giao hàng đã nộp thuế.

Các điều kiện áp dụng cho vận tải đường biển và đường thủy nội địa: FAS: Giao dọc mạn tàu; FOB: Giao lên tàu; CFR: Tiền hàng và cước phí; CIF: Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí.

Ngày 13/10/2014 vừa rồi, FMC đã chốt quyền mua 2:1 cho cổ đông hiện hữu, với giá phát hành là 15,000 đồng/cổ phiếu. Việc chốt quyền làm biểu đồ giá được điều chỉnh tương ứng như trên.

FMC thỏa mãn tất cả những tiêu chỉ của cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu chu kỳ.

Analyst Nguyễn Trịnh Ngọc Thủy, VFS Research

Nguồn

Phòng Thương mại Quốc tế International Chamber of Commerce (ICC). 

Wiki: http://vi.wikipedia.org/wiki/Incoterm 

---------------------------------------

Cập nhật kết quả kinh doanh Q4 và cả năm 2014 (Analyst Thủy)

    Tăng trưởng doanh thu chững lại trong Q4, đạt 742 tỷ đồng (giảm 17% so với Q3 và tăng 9% so với cùng kỳ 2013), trong khi các quý trước đều có mức tăng trưởng cao (Q1 tăng 87%, Q2 tăng 52%, Q3 tăng 19%). Nguyên nhân do (1) hệ lụy từ việc thị trường lớn là Mỹ áp thuế chống bán phá giá trong đợt xem xét hành chính POR8 ở mức cao nhất từ trước đến nay và (2) nhu cầu và giá tôm chân trắng trên thị trường Mỹ giảm xuống khi đã tích trữ lớn những tháng đầu năm.

    Lợi nhuận Q4 giảm so với cùng kỳ do chi phí hoạt động tăng cao và không còn hưởng lợi thuế TNDN. Cụ thể trong Q4, mặc dù biên lợi nhuận gộp cải thiệnđạt 12.3% nhờ giá nguyên liệu ít biến động cao, tuy nhiên do (1) chi phí tài chính và chi phí hoạt động tăng cao (lần lượt tăng 43% và 163% so với cùng kỳ) cùng với việc (2) FMC không còn được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN kể từ năm 2014 đã giảm đà tăng của lợi nhuận ròng, khi đạt 18.8 tỷ đồng (tăng 14% so với quý trước và giảm 32% so với cùng kỳ).

    Tính chung cả năm, KQKD của FMC vẫn khá ấn tượng với doanh thu đạt 2,881 tỷ đồng (tăng 32% so với 2013) và lợi nhuận ròng đạt 57.3 tỷ đồng (tăng đến 75% so với 2013), vượt 87% kế hoạch lợi nhuận. EPS pha loãng từ đợt phát hành thêm 7 triệp cp trong Q4 đạt 4,379 đồng/cp, EPS tính theo KLCPLH cuối năm là 2,863 đ/cp. FMC cũng có kế hoạch tạm ứng cổ tức 2014 tỷ lệ 15% tiền mặt vào ngày 24/03 tới.

    Tổng tài sản cuối năm 2014 tăng 55% so với đầu kỳ, chủ yếu là tài sản ngắn hạn tăng 68%. Trong đó, hàng tồn kho tăng 64%, chiếm 43% tổng tài sản (tỷ lệ này của cuối năm 2013 là 40%).

    Các chỉ số sinh lợi cải thiện trong năm 2014 với ROE đạt 18.5% và ROA đạt 6%, cao hơn mức 16.7% và 5.5% của năm 2013.

Triển vọng ngành 2015

Năm 2015, XK tôm Việt Nam kỳ vọng đón nhận nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức:

 

    Nguồn cung tôm trên thế giới được dự báo vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn trong năm 2015 sẽ là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam. Theo Rabobank, trước nhu cầu tôm toàn cầu vẫn đang tăng, nguồn cung ứng tôm từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia được cho rằng chưa thể đáp ứng đủ. Tuy nhiên, giá tôm sẽ giảm dần sau một năm đứng mức cao khi sản xuất tôm một số nước chiu tác động của dịch bệnh EMS đang dần cải thiện.

    Thách thức từ thị trường Mỹ. Kinh tế Mỹ tăng trưởng giúp gia tăng nhu cầu tôm nhập khẩu từ nước này. Tuy nhiên với mức thuế chống bán phá giá cao, tôm Việt Nam chịu nhiều thách thức khi phải cạnh tranh với những nước khác như Indonesia, Ecuador, Ấn Độ.

    Tích cực hơn từ các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản khi kinh tế tại các khu vực này đang có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh các cơ hội đến từ các mối quan hệ hợp tác song phương với các nước này, những diễn biến như (1) Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc khi XK tôm Trung Quốc và Thái Lan sang nước này giảm mạnh, (2) XK tôm Thái Lan sang EU không còn được hưởng thuế ưu đãi, (3) tôm Ấn Độ đối mặt với cảnh báo từ phía EU về tình trạng tôm nhiễm kháng sinh,… sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp tục gia tăng thị phần.

    Hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam vẫn tiềm ẩn những rủi ro khi dịch bệnh trên tôm chưa được giải quyết căn cơ và đồng bộ từ khâu con giống sạch bệnh, cũng như ngành chưa đưa ra được quy trình nuôi phù hợp.  Tình trạng tôm XK còn dư lượng kháng sinh, sử dụng chất cấm còn tồn tại gây nguy cơ vướng phải các rào cản kỹ thuật, các rào cản an toàn thực phẩm cũng như ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm Việt Nam.

Khuyến nghị “MUA”

 

Năm 2015, dựa trên các yếu tố (1) FMC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 30% so với 2014 (mức tăng trưởng dự báo ngành thủy sản theo VASEP là 20%) và lợi nhuận tăng trưởng 150%, (2) chủ trương gia tăng năng lực sản xuất khi xưởng chế biến thủy sản bắt đầu hoạt động vào năm 2015 nhắm đến thị trường Hoa Kỳ và EU, và (3) triển vọng ngành, VFS đưa ra mức dự báo thận trọng cho FMC năm 2015 là DT+20% và LN+20%, EPS forward 2015 vào khoảng 3,436 đ/cp. Với mức PE mục tiêu 9x, giá trị hợp lý cho cổ phiếu vào khoảng 30,900 đ/cp (chưa tính cổ tức), cao hơn 35% so với giá đóng cửa ngày 03/02/2015.

VFS Research

Tags:

Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu