Báo cáo phân tích và khuyến nghị DQC, cập nhật tháng 04 năm 2014

by finandlife18/04/2014 09:12

Chúng tôi đánh giá cao những chuyển biến tích cực ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu của công ty thời gian qua. Những chuyển biến này đã giúp doanh thu của công ty tăng trưởng cao và ổn định. Bên cạnh đó, các khoản chi phí được kiểm soát tốt và tiến độ thu hồi công nợ được duy trì giúp cải thiện dòng tiền, khả năng thanh toán và tăng trưởng lợi nhuận cho công ty. Tuy nhiên, việc công ty chưa đàm phán được hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị cũ sản xuất cho Cuba trước đây có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty trong thời gian tới.

Chúng tôi cho rằng, năm 2014, công ty sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận, mặc dù lợi nhuận đạt được có thể thấp hơn so với năm 2013.

Với những tín hiệu khả quan từ tăng trưởng doanh thu, tiến độ thu hồi công nợ, chúng tôi nâng mức định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF của cổ phiếu DQC lên 47,154 đồng, cao hơn 21% so với giá đóng cửa ngày 14/04/2014.

VFS Research

Báo cáo Phân tích và khuyến nghị DQC, lần đầu

--------------------------------

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng

Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang vừa trải qua năm 2013 với kết quả kinh doanh ấn tượng. Doanh thu thuần tăng 26.1% so với năm trước đạt 795.1 tỷ đồng, trong khi giá vốn chỉ tăng 10.9% giúp công ty đạt 248.9 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 80.4%.

Trong năm, hoạt động thu hồi công nợ phải thu từ khách hàng Consumer Import (Cuba) được duy trì ổn định giúp công ty tiếp tục có được khoản doanh thu tài chính lớn từ chênh lệch tỷ giá và lãi bán hàng trả chậm (115.2 tỷ so với 117.3 tỷ năm 2012). Cùng với đó là việc kiểm soát tốt các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp. Kết quả lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 121.3 tỷ đồng, tăng 147.5% so với năm 2012, vượt 130% kế hoạch đặt ra.

Kế hoạch lợi nhuận 2014 thận trọng

Bước sang năm 2014, công ty đặt kế hoạch 1,000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với thực hiện 2013 trên cơ sở đánh giá chi tiết khả năng tiêu thụ ở các thị trường nội địa, xuất khẩu và các kênh tiêu thụ hiện có của công ty. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận công ty đặt ra lại rất khiêm tốn. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch chỉ đạt 82 tỷ đồng, giảm 50% so với kết quả thực hiện năm 2013.

Ban lãnh đạo công ty lý giải rằng, năm 2013 công ty tìm kiếm được đối tác tiêu thụ vật tư thiết bị tồn kho sản xuất cho Cuba trước đây với giá bán tương đối cao so với giá vốn đem lại giá trị kinh tế và lợi nhuận cao cho công ty. Năm 2014, việc đàm phán tiếp tục hợp đồng cũng như tìm kiếm đối tác tiêu thụ mới đến thời điểm này chưa đem lại kết quả. Do đó, để đảm bảo tính thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh, công ty chưa đưa khoản lợi nhuận này vào kế hoạch năm 2014.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng, với kế hoạch doanh thu tăng trưởng mạnh, tiến độ thu hồi công nợ phải thu tiếp tục được duy trì ổn định, nhiều khả năng công ty sẽ hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra.

Doanh thu xuất khẩu tăng trưởng đột biến

Năm 2013, mặc dù gặp không ít khó khăn do bất ổn chính trị ở thị trường Ai Cập và sự cạnh tranh gay gắt đến từ các sản phẩm chiếu sáng Trung Quốc… doanh thu xuất khẩu của DQC vẫn tăng trưởng 236% so với năm 2012, đạt 301 tỷ đồng, chiếm 37.8% tổng doanh thu của công ty. Đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng đột biến này theo ban lãnh đạo công ty là do trong năm công ty tìm kiếm được đối tác tiêu thụ lượng vật tư thiết bị tồn kho sản xuất cho Cuba trước đây. Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống tại Đông Nam Á, Trung và Nam Mỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt. Trong năm công ty cũng đã mở thêm được một thị trường mới ở Trung Đông.

Công ty cũng cho biết hiện tại đang xúc tiến thâm nhập vào thị trường Chi Lê để đón đầu việc Việt Nam gia nhập TPP. Dự kiến công ty sẽ hưởng lợi không nhỏ nếu hiệp định này được kí kết.

Doanh thu nội địa tăng trưởng khá

Năm 2013, doanh thu nội địa đạt 478 tỷ đồng, giảm 44 tỷ đồng so với năm 2012. Nguyên nhân là do năm 2013 doanh thu từ công ty con đóng góp bị giảm do DQC tái cơ cấu ngành hàng, sản phẩm công ty con được phân phối, chỉ phân phối sản phẩm có hiệu quả. Còn lại, doanh thu các kênh tiêu thụ nội địa chính đều tăng trưởng so với năm 2012. Trong đó, kênh tiêu thụ truyền thống đạt mức tăng trưởng 15%. Kênh tiêu thụ hiện đại đạt mức tăng trưởng 87% về doanh thu.

Chúng tôi cho rằng, công tác xuất khẩu của công ty thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đến từ yếu tố chính trị, cạnh tranh… Đặc biệt, việc công ty chưa đàm phán được hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị tồn kho sản xuất cho Cuba trước đây có thể sẽ ảnh hưởng phần nào đến doanh thu xuất khẩu của công ty năm 2014. Trong khi đó, doanh thu nội địa sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhờ đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm mới, đặc biệt dòng sản phẩm LED và nâng cấp các kênh tiêu thụ như kênh công trình – dự án; siêu thị, trung tâm điện máy, truyền hình…

Biên lãi gộp có thể sụt giảm

Biên lãi gộp của công ty năm 2013 cải thiện mạnh nhờ đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm khác biệt có lợi nhuận biên cao như đèn compact chống ẩm, đèn DoubleWing, đèn LEDs… và đặc biệt là việc tiêu thụ được một phần vật tư hàng hoá tồn kho sản xuất cho Cuba trước đây với giá vốn thấp. Vì vậy, bước sang năm 2014, biên lãi gộp của DQC có thể sụt giảm nếu công ty không tìm kiếm được đối tác tiêu thụ lượng vật tư hàng hoá này hoặc lượng vật tư hàng hoá tồn kho không còn nhiều như năm 2013. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, mức độ sụt giảm biên lãi gộp là không nhiều. Với dự báo doanh thu tăng trưởng mạnh, lãi gộp năm 2014 có thể ở mức tương đương với năm 2013.

Kiểm soát chi phí tốt hơn

Cả Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều được kiểm soát tốt hơn trong năm 2013 giúp công ty cải thiện biên lãi trước thuế và biên lãi ròng.

Năm 2014, chi phí lãi vay nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm do lãi suất giảm và dư nợ dài hạn đến hạn trả giảm dần (mỗi năm công ty thanh toán được khoảng 100 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả). Kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục quản lý tốt hơn chi phí bán hàng, chi phí quản lý, qua đó tiếp tục có được biên lợi nhuận khả quan.

Công nợ tiếp tục chuyển biến tích cực

Tiến độ thu hồi khoản phải thu từ đối tác Consumer Import- Cuba tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2013. Tổng công nợ thu được trong năm là khoảng 9 triệu USD, tương đương 178.4 tỷ đồng, phù hợp với lịch thanh toán hai bên đã thống nhất. Tổng số nợ mà khách hàng Cuba phải trả cho DQC đến thời điểm 31/12/2013 là khoảng 30.3 triệu USD, tương đương 640.5 tỷ đồng. Số tiền này sẽ tiếp tục được thanh toán dần đều trong 3 năm tới.

Cùng với đó, công ty tiếp tục nhận được khoản lãi chênh lệch tỷ giá lớn. Năm 2007, tỷ giá liên ngân hàng cuối năm chỉ là 16,114 VND/USD, với tỷ giá hạch toán cuối năm 2013 là 21,125 VND/USD, DQC sẽ nhận khoảng 5,011 đồng lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện cho mỗi USD nhận được từ đối tác Cuba. Khoản lãi chênh lệch tỷ giá DQC ghi nhận trong năm 2013 là 49.21 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chênh lệch tỷ giá khoản phải thu từ đối tác Cuba.

Chúng tôi cho rằng, với việc duy trì tiến độ trả nợ trong 3 năm liên tiếp gần đây, khách hàng Cuba sẽ tiếp tục thanh toán đúng hẹn cho DQC trong năm 2014 giúp công ty cải thiện dòng tiền, thu xếp nguồn tiền trả nợ vay dài hạn và có được khoàng 48 – 50 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá.

Với khoản tiền thu hồi công nợ lớn mỗi năm, DQC thu xếp một phần để trả nợ vay dài hạn đã vay để thực hiện dự án với đối tác Cuba. Số dư nợ gốc của khoản vay này giảm dần từ năm 2009 (mỗi năm trả được khoảng 100 tỷ) đến cuối năm 2013 còn khoảng 210 tỷ đồng (lãi suất 9%/năm, thời gian ân hạn đến 10/12/2015) giúp công ty giảm bớt áp lực vay nợ, cải thiện các chỉ tiêu khả năng thanh toán.

Chưa ghi nhận doanh thu từ dự án Việt - Ven

Năm 2013, dự án liên doanh Việt - Ven đã đi vào sản xuất ổn định (giai đoạn 1) cung cấp sản phẩm tiết kiệm điện cho các chương trình của Chính phủ Venezuela giúp DQC có được nguồn doanh thu ổn định từ việc cung cấp bán thành phẩm cho dự án. Bên cạnh đó, DQC còn khoảng 8 triệu USD doanh thu từ việc cung cấp máy móc thiết bị, dây chuyền lắp đặt cho dự án này (hợp đồng EPC). Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong năm công ty chưa hạch toán khoản doanh thu này do chưa nghiệm thu xong giai đoạn 1 của dự án. Việc nghiệm thu phụ thuộc nhiều vào phía bạn do đó công ty cũng chưa xác định được thời điểm cụ thể sẽ hạch toán khoản doanh thu này.

Công tác đầu tư xây dựng

Năm 2013, nhằm nâng cao năng lực và tăng cường tính chủ động trong sản xuất, DQC đã đầu tư mới 1 dây chuyền sản xuất vỏ bóng compact công suất lớn tại xí nghiệp Đèn Ống, cải tạo dây chuyền sản xuất bóng đèn FPL tại chi nhánh Đồng An, lắp đặt thêm 1 dây chuyền lắp ráp đèn Compact tại xí nghiệp Ống Thuỷ Tinh.

Bước sang năm 2014, DQC lên kế hoạch dành khoảng 120 tỷ đồng cho công tác đầu tư xây dựng, trong đó 58 tỷ đồng dành cho đầu tư mặt bằng nhà xưởng, văn phòng làm việc. Công ty dự định sử dụng khoảng 75 tỷ đồng vốn tự có và vay ngân hàng phần còn lại để tài trợ cho kế hoạch này.

Hiện tại, công ty đang có 2 xí nghiệp đặt tại KCN Biên Hoà 1. Trước thông tin KCN này sẽ phải di dời thời gian tới, ban lãnh đạo công ty vạch ra 2 hướng giải quyết. Một là có thể mua đất mới đầu tư nhà xưởng. Và Hai là mở rộng chi nhánh Đồng An hiện tại. Đây cũng là một trong những khó khăn, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh của công ty năm 2014.

Cổ tức 2013 vượt kế hoạch

Nghị quyết hội đồng quản trị ngày 10/04/2014 của công ty đã thông qua chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức  đợt 2 năm 2013 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Như vậy, cổ tức thực hiện năm 2013 của DQC là 20% tiền mặt, vượt 33% so với kế hoạch đặt ra đầu năm. Năm 2014, công ty tiếp tục đăt kế hoạch chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt.

Dự phóng và định giá

Ban lãnh đạo công ty cho biết, Quý 1/2014, doanh thu của công ty ước đạt 215 tỷ đồng, tăng 14.3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 26 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.

Chúng tôi cho rằng, năm 2014, DQC sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu 1,000 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp ước đạt 270 tỷ đồng (biên lãi gộp giảm). Tiến độ thu hồi công nợ tiếp tục duy trì đúng hẹn giúp công ty có khoảng 75 tỷ đồng doanh thu từ lãi chênh lệch tỷ giá và lãi bán hàng trả chậm (lãi bán hàng trả chậm giảm). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 125 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2013, vượt 52.4% kế hoạch 2014.

Với những tín hiệu khả quan từ tăng trưởng doanh thu, tiến độ thu hồi công nợ, chúng tôi nâng mức định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF của cổ phiếu DQC lên 47,154 đồng, cao hơn 21% so với giá đóng cửa ngày 14/04/2014.

 

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags:

Stocks

Cập nhật thông tin ĐHCĐ FDC 18/03/2014

by finandlife18/03/2014 16:41

CTCP Ngoại Thương Và Phát Triển Đầu Tư TPHCM - FIDECO

Tình hình hoạt động kinh doanh năm 2013

Kết quả kinh doanh đột biến nhờ bán toà nhà Fideco Tower.

v  Doanh thu: 684.8 tỷ đồng, tăng gấp 4.1 lần so với năm 2012 và tăng gấp 6.45 lần so với kế hoạch 2013. Trong đó chủ yếu là khoản doanh thu tài chính đến từ việc thoái vốn tại FidecoLand (404.8 tỷ đồng).

v  Lợi nhuận trước thuế đạt 326.5 tỷ đồng, tăng gấp 8.3 lần so với năm 2012 và tăng gấp 6.14 lần so với kế hoạch năm 2013.

Tình hình tài chính lành mạnh

v  Tài sản ngắn hạn cuối năm 2013 đạt 899.2 tỷ đồng, gấp 2.84 lần so với đầu năm chủ yếu do tăng các khoản tương đương tiền (gần 500 tỷ đồng) và các khoản phải thu từ chuyển nhượng cổ phần FidecoLand.

v  Tài sản dài hạn cuối năm 2013 đạt 140.1 tỷ đồng, giảm 60% so với đầu năm do giảm bất động sản đầu tư (chuyển nhượng toà nhà Fideco Tower).

v  Cơ cấu vốn lành mạnh. Tổng nợ/Tổng tài sản = 30%. Công ty gần như không có vay nợ (0.2 tỷ đồng).

Chưa thể tiếp tục đầu tư vào các dự án bất động sản dở dang

v  Dự án Khu dân cư – thương mại – dịch vụ Đông Bình Dương – 127.6 ha:

§   Hoàn tất thi công san lấp đợt 1, tạm ngưng san lấp đợt 2 do UBND xã đang thi công hệ thống thoát nước toàn thị xã

§   Tổng diện tích đã đền bù của dự án là 110.2 ha. Năm 2013 không thoả thuận đền bù thêm hộ nào do đa số hộ dân không đồng ý với giá đền bù được phê duyệt.

v  Dự án khu nhà ở phường Bình Trung Đông – 5ha: Đang chuẩn bị hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

v  Dự án khu nhà ở huyện Cần Giờ - 29.8 ha: Tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng do tình hình kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

v  Dự án khu đô thị dịch vụ Trảng Bàng (KCN Trảng Bàng) – 150ha:

§   Được quản lý và triển khai bởi CTCP đầu tư Fideco Trảng Bàng trong đó Fideco chiếm 30% vốn điều lệ.

§   29/8/2013: nhất trí ngưng đầu tư vào dự án. Fideco Trảng Bàng đang tiến hành các thủ tục có liên quan để nghị UBND tỉnh thu hồi dự án giao cho Nhà đầu tư khác có nhu cầu và tiến hành thủ tục giải thể công ty. Ngày 9/10/2013, UBND tình Tây Ninh đã có văn bản thu hồi chủ trương đầu tư của dự án.

v  Dự án KCN & KDC phục vụ KCN Tân Đức – 1,200ha:

§   Dự án được quản lý bởi CTCP Ngoại thương Phát triển và Đầu tư Đức Lợi, trong đó Fideco chiếm 60% vốn điều lệ.

§   Quy mô dự án bị điều chỉnh giảm từ 908.2 ha xuống 300 ha à ngày 31/12/2013: hội đồng quản trị Fideco thống nhất thoái vốn tại CTCP Ngoại thương Phát triển và Đầu tư Đức Lợi.

Hoạt động cho thuê văn phòng khá ổn định

v  Văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan: Doanh thu năm 2013 đạt 14.2 tỷ đồng, giarm1.8% so với cùng kỳ, vượt 2.2% kế hoạch.

v  Cao ốc Fideco Riverview: Doanh thu năm 2013 đạt 4.3 tỷ đồng, giảm 5.8% so với cùng kỳ, vượt 4.44% kế hoạch.

v  Cao ốc Fideco Tower (đã chuyển nhượng): Doanh thu tính đến 31/10/2013 là 68.05 tỷ đồng, đạt 84.36% kế hoạch 2013 và bằng 82.77% so với doanh thu cả năm 2012.

Hoạt động đầu tư chứng khoán

v  Đầu tư ngắn hạn: Giá vốn tồn kho đến 31/12/2013 là 102.62 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 8.62 tỷ đồng.

v  Đầu tư dài hạn: Giá vốn tồn kho đến 31/12/2013 là 81.44 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 21.65 tỷ đồng. Thu tiền cổ tức trong năm là 6.58 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh 2014

Chỉ tiêu tài chính:

v  Doanh thu: 71.927 tỷ đồng.

v  Lợi nhuận trước thuế: 45.043 tỷ đồng.

v  Lợi nhuận sau thuế: 36.849 tỷ đồng.

v  Cổ tức dự kiến: 12%.

Các dự án đầu tư

v  Công ty tiếp tục theo dõi và duy trì các dự án: Dự án khu dân cư – thương mại – dịch vụ Đông Bình Dương, Dự án Khu nhà ở Bình Trưng Đông và dự án Khu nhà ở huyện Cần Giờ.

v  Ngoài ra dự kiến năm 2014 công ty sẽ tiếp tục xúc tiến các bước chuẩn bị để triển khai dự án xây mới toà nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan (trụ sở hiện tại của công ty).

Cho thuê văn phòng

Doanh thu dự kiến từ cho thuê văn phòng năm 2014 đạt 17.75 tỷ đồng, trong đó Văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan đạt 14 tỷ đồng, Cao ốc Fideco Riverview đạt 3.75 tỷ đồng.

Đầu tư tài chính (dự kiến là hoạt động mang lại doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho công ty năm 2014).

v  Năm 2014 công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính nhằm tạo ra thu nhập tối đa cho cổ đông thông qua việc đầu tư vào các đơn vị có tình hình kinh doanh tốt, rủi ro thấp. Dự kiến kế hoạch thu từ hoạt động tài chính năm 2014 là 46 tỷ đồng.

v  Tiếp tục tham gia đầu tư vào các đơn vị mà Công ty là đối tác chiến lược khi các đơn vị này phát hành chứng khoán

v  Thực hiện kinh doanh chứng khoán trên thị trường niêm yết

Thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2013:

Chi trả cổ tức 30% bằng tiền mặt (kế hoạch 12%) trong đó công ty đã thực hiện tạm ứng đợt 1 9% trong tháng 11/2013.

Thông qua việc thay đổi mục đích sử dụng vốn huy động của đợt phát hành cổ phiếu chào bán năm 2013

Theo phương án sử dụng vốn đã công bố trong Bản cáo bạch phát hành ra công chúng đợt tháng 9/2013, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư: Đầu tư mỏ cát và mỏ đá thuộc dự án Khu công nghiệp Tân Đức (62.1 tỷ đồng) và Dự án Khu đô thị - thương mại dịch vụ và dân cư Đông Bình Dương (60 tỷ đồng). Tuy nhiên do thị trường bất động sản khó khăn công ty chưa thể tiếp tục đầu tư triển khai hai dự án nói trên vì hiệu quả không khả thi (Công ty đã thoái vốn tại CTCP Ngoại Thương phát triển và đầu tư Đức Lợi (trong đó có dự án đầu tư khai thác mỏ cát và mỏ đá thuộc khu công nghiệp Tân Đức). Dự án Khu Đô thị - thương mại dịch vụ và dân cư Đông Bình Dương thì đang gặp khó khăn trong vấn đề thoả thuận đền bù giải phóng hợp đồng).

Nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông, đại hội cổ đông thống nhất chấp thuận cho thay đổi mục đích sử dụng số vốn 122.1 tỷ đồng của đợt phát hành cổ phiếu 2013 để đầu tư vào Dự án xây mới Toà nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan – Q1 – TPHCM dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2014.

Tóm lại: Năm 2014 công ty sẽ khó có được kết quả kinh doanh đột biến như trong năm 2013, tuy nhiên với thanh khoản dồi dào (trên 500 tỷ đồng tiền mặt), kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục có được kết quả kinh doanh khả quan, vượt kế hoạch nhờ hoạt động đầu tư tài chính trong thời gian tới.

 

Nguồn: Analyst Phan Minh Đức, VFS Research

Tags: ,

Stocks

Phân tích và khuyến nghị SBA (Cổ phiếu Cty Sông Ba)

by finandlife18/02/2014 20:40

Đây là một báo cáo mới của VFS Research, được xuất bản chiều ngày 18/02/2014. Thanks VFS Research!

“Chúng tôi quan tâm đến Công ty cổ phần Sông Ba (SBA), một công ty sở hữu hai nhà máy thủy điện, nhà máy Khe Diên tại Quảng Nam có công suất 9MW và nhà máy Krông H’năng tại Phú Yên có công suất 64MW, vì những chuyển mới hết sức tích cực về cơ bản doanh nghiệp trong thời gian qua và mức định giá hấp dẫn.

Thứ nhất, đây là doanh nghiệp khá tiêu biểu cho việc đi lên từ khó khăn. Cụ thể, trong năm 2013, SBA đã được EVN tăng giá mua điện thêm 40% cho nhà máy thủy điện Krông H’năng, giúp doanh thu tăng 32%, lợi nhuận sau thuế tăng 256% so với năm 2012. Thêm vào đó, tình hình tài chính và thanh khoản doanh nghiệp đã bớt xấu hơn, SBA đã hoàn thành việc phát hành riêng lẻ cho Tổng Công Ty Điện Lực Miền Trung thu về 78 tỷ đồng trong quý 4. Ngoài ra, dự báo thủy văn cho thấy lượng nước sẽ về hồ nhiều hơn những năm tới.

Thứ hai, SBA đang bị thị trường đánh giá thấp so với giá trị thực của doanh nghiệp. Theo dữ liệu thu thập được và phương pháp định giá của chúng tôi, giá hợp lý của SBA ở mức 14,000 đồng một cổ phiếu, tức cao hơn 40% so với giá đóng cửa ngày 17 tháng 02 năm 2014.”

-----------------------------------------------

Giá bán điện tăng mạnh trong năm 2013

Hiện tại, Giá bán điện tại Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Khe Diên được vận hành theo biểu giá chi phí tránh được, do nhà máy này có công suất dưới 30 MW. Trong khi đó, giá bán điện tại Nhà máy thủy điện K Rông H’Năng lại vận hành theo Thị trường phát điện cạnh tranh. Giá bán điện theo 2 hình thức có nhiều khác biệt, trong đó, giá bán khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh có mức ổn định cao hơn.

Từ tháng 06 năm 2013, SBA đã đàm phán thành công việc tăng giá bán điện của nhà máy thủy điện K Rông H’Năng thêm 40%. Đây là một điểm cộng đáng ghi nhận nhất trong năm vừa qua cũng như những năm tới. K Rông H’Năng mang lại 80% doanh số của Công ty, do vậy, sự tăng giá bán hứa hẹn mang lại sự thay đổi đáng kể về dòng thu nhập cũng như dòng tiền các năm tiếp theo.

Hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2013

Việc điều chỉnh tăng mạnh giá bán điện cho NMTĐ Krông H’năng trong năm 2013 đã giúp công ty có được sự tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu thuần (DTT) đạt 222.2 tỷ đồng, tăng 32% so 2012. Biên lãi gộp đang dần cải thiện theo hướng đi lên sau khi giảm nhẹ vào năm 2012 và đạt mức 66% trong năm 2013 – cao nhất trong các năm.

Lợi nhuận sau thuế (LNST) năm 2013 của công ty đạt 66.6 tỷ đồng, tăng hơn 3.6 lần so với cùng kỳ, vượt 32% so với kế hoạch và là kết quả tốt nhất từ trước tới nay.

Tỉ trọng chi phí trên DTT giảm mạnh trong 2013

Giá vốn hàng bán trên doanh thu thường xuyên duy trì ở mức cao hơn 37% những năm trước đã giảm xuống 34% trong năm 2013. Bên cạnh đó, chi phí tài chính (CPTC) (phần lớn là lãi vay) cũng đã giảm từ mức trung bình 43% trên doanh thu xuống còn 32% trong năm 2013. Đây là hai khoản mục chi phí lớn nhất đối với SBA, và đều có sự chuyển biến tích cực trong năm 2013, do vậy, biên lãi gộp và biên lãi sau thuế đã cải thiện một cách đáng kể.

Sản lượng điện duy trì ở mức ổn định trong 2013

Nguồn thu nhập của công ty chủ yếu đến từ 2 nhà máy thủy điện: Khe Diên nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Krông H’năng thuộc địa phận 2 tỉnh Đắk Lắc – Phú Yên. Với công suất 9MW, sản lượng điện của nhà máy thủy điện Khe Diên chỉ chiếm 20% doanh thu. 80% doanh thu còn lại đến từ nhà máy thủy điện Krông H’năng, với công suất 64MW.

Năm 2013 tỉnh Quảng Nam đối mặt với tình trạng mùa khô tới sớm và kéo dài hơn mọi năm khiến sản lượng của nhà máy thủy điện Khe Diên chỉ đạt 31.49 Tr.kWh giảm 23% so với năm trước. Nhưng  bù lại thời tiết tại Đắk Lắk và Phú Yên tương đối ổn định giúp nhà máy thủy điện Krông H’năng đạt sản lượng 166.86 Tr.kWh tăng 8% so với năm trước. Như vậy ước sản lượng điện cả năm 2013 công ty đạt hơn 198.39 Tr.kWh tăng nhẹ 1% so với 2012.

Lãi suất vay ưu đãi

Chi phí lãi vay lớn do công ty vay nợ nhiều để đầu tư cho 2 nhà máy thủy điện. Hầu hết các khoản vay nợ của công ty là nợ vay dài hạn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với lãi suất ưu đãi cố định từ 6.9% - 8.4%/năm cho nhà máy thủy điện Krông H’năng và cá biệt chỉ có 3.9%/năm cho nhà máy thủy điện Khe Diên.

Vay nợ nhiều trong khi tài sản ngắn hạn ít khiến các chỉ số thanh toán của công ty ở mức khá thấp. Mặc dù vậy, nhờ vào việc phát hành thành công 80 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng Công ty Điện lực miền Trung trong năm 2013, chỉ số thanh toán đã cho thấy sự cải thiện hơn so với các năm trước.

 

Trong năm 2014 công ty tiếp tục được VDB phê duyệt chỉ phải trả hơn 52 tỷ đồng nợ vay gốc, giảm gần 60% so với kế hoạch ban đầu là 128 tỷ. Như vậy, năm 2014 cũng sẽ là một năm thuận lợi hơn cho dòng tiền của công ty.

Được ưu đãi lớn từ chính sách thuế TNDN

NMTĐ Khe Diên: được Chính phủ miễn 50% thuế trong 5 năm (năm 2014 là năm cuối cùng được hưởng) và được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thêm 5 năm kể từ khi hết thời hạn miễn giảm thuế của Chính phủ.

NMTĐ Krông H’năng: được miễn thuế 4 năm kể từ năm 2010 và giảm 50% cho 7 năm tiếp theo. Như vậy năm 2013 sẽ là năm cuối cùng được miễn thuế và bắt đầu từ năm 2014 công ty mới phải đóng 50% thuế TNDN.

 

(Qua trao đổi với doanh nghiệp, chúng tôi được biết hiện SBA đang trình Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Phú Yên mức thuế suất thu nhập ưu đãi là 10%, nhiều khả năng mức thuế suất mới này sẽ được chấp nhận từ 2014)

Dự phóng những năm tới

Số liệu dự báo thủy văn của SBA cho thấy những năm tới lượng nước sẽ về các hồ thủy điện khá tốt, năm 2014 dự kiến sản lượng điện đạt 234 triệu kWh, tăng 18% so với 2013, và đạt đỉnh 342 triệu kWh năm 2015 (xem biểu đồ bên phải). Chính vì thế mà trong báo cáo kế hoạch dự kiến về thu nhập của Công ty cũng cải thiện đáng kể.

 

Tuy vậy, đứng ở khía cạnh là nhà đầu tư tài chính, chúng tôi phải thận trọng hơn trước những con số dự kiến này. Thu nhập trên mỗi cổ phần dự phóng năm 2014 của chúng tôi chỉ là 1,192 đồng, khá khiêm tốn so với con số 1,644 đồng dự kiến của Công ty.

* Số liệu dự kiến của Công ty SBA trong những năm tới.

Cổ tức dự kiến ổn định ở mức 10%

Với diễn biến kết quả kinh doanh năm 2013 khả quan, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng SBA sẽ chi trả cổ tức cao hơn so với kế hoạch 5% (hiện tại, Công ty chưa ứng cổ tức đợt nào). Qua trao đổi với doanh nghiệp, chúng tôi được biết, mức chi trả dự kiến sẽ cố định ở 1000 đồng/cổ phiếu cho 2013 và những năm tới.

Với mức giá hiện tại, suất sinh lời cổ tức của SBA đạt 10%/năm.

Định giá

Các chỉ số định giá so sánh hiện tại cho thấy SBA đang bị thị trường đánh giá thấp. Trong đó, P/B đang ở mức thấp nhất so với các cổ phiếu trong ngành, thị giá chỉ bằng 0.87 lần so với giá trị sổ sách.

Kết hợp phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF với phương pháp định giá so sánh P/E, P/B, chúng tôi cho rằng giá hợp lý của SBA là 14,000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40% so với giá đóng cửa ngày 17 tháng 02 năm 2014.

Dự án mới: Thủy điện Krông H’năng 2

Công trình thủy điện Krông H’năng 2 nằm cách Krông H’năng 1 khoảng 7km về hướng hạ du. Vẫn đang hoàn tất các thủ tục pháp lý. Tổng mức đầu tư 300 đến 320 tỷ đồng, công suất 15MW. Theo số liệu của Công ty SBA, mức đầu tư trong năm 2014 đối với công trình này là 10 tỷ đồng, năm 2015 và 2016 sẽ đầu tư mạnh hơn, mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.

 

Nguồn: finandlife|Analyst Thành|VFS Research

Tags: ,

Stocks

Phân tích và khuyến nghị CSM

by finandlife13/02/2014 09:03

Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (CSM) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 4 với kết quả kinh doanh năm 2013 tăng trưởng ấn tượng. Mặc dù doanh thu thuần chỉ tăng trưởng nhẹ so với năm trước do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm, nhưng công ty vẫn có được lợi nhuận tăng trưởng đột biến nhờ giá cao su nguyên liệu giảm, tỷ giá ổn định và chi phí lãi vay giảm.

Dự báo năm 2014, doanh thu của công ty sẽ tăng khoảng 20% nhờ tiêu thụ sản phẩm mới của dự án nhà máy sản xuất lốp Radial. Lợi nhuận sau thuế có thể sụt giảm do doanh thu từ sản phẩm mới chưa đủ bù đắp chi phí lãi vay và khấu hao. Chúng tôi cho rằng, với dự án này, tiềm năng tăng trưởng của CSM trong trung và dài hạn là khá tích cực

Cuối cùng, các phương pháp định giá của chúng tôi cho kết quả giá cổ phiếu CSM trên thị trường đang ở mức khá sát với giá trị thực.

Kết quả kinh doanh 2013 ấn tượng

Công ty cổ phần Cao su miền Nam (CSM)  vừa công bố báo cáo tài chính Quý 4 với kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu thuần đạt 801.2 tỷ đồng, tăng 5.1% so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh công tác bán hàng, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Giá cả nguyên liệu, vật tư ổn định giúp giá vốn chỉ tăng 4.6%, lợi nhuận gộp đạt 218.6 tỷ đồng, tăng 6.52% so với cùng kỳ. Trong kỳ chi phí tài chính giảm mạnh (-56%) chủ yếu do chi phí lãi vay và chiết khấu thanh toán giảm, trong khi doanh thu tài chính tăng 16.7 tỷ đồng do trong kì công ty thoái vốn cổ phiếu Cao su Phước Hoà. Cùng với việc kiểm soát tốt chi phí bán hàng, chi phí quản lý, CSM đạt 140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 56.4% so với Quý 4/2012.

Luỹ kế cả năm 2013, CSM đạt 3,133.8 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ tăng gần 3% so với năm 2012 và đạt 96.4% kế hoạch đặt ra đầu năm. Giá nguyên liệu cao su sụt giảm giúp giá vốn giảm 1.73% đạt 2,296.4 tỷ đồng, lãi gộp tăng đến 18.4% đạt 837.4 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng trong khi chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay sụt giảm mạnh, chi phí bán hàng đươc kiểm soát tốt… nên mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30%, kết quả lợi nhuận trước và sau thuế của công ty vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt 481.4 tỷ đồng, tăng 42.7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 360.6 tỷ đồng, tăng 42%, vượt 75% kế hoạch đặt ra đầu năm.

Uy tín thương hiệu, thị phần rộng lớn

Hiện nay, Casumina là doanh nghiệp săm lốp chiếm thị phần cao nhất cả nước với khoảng 33% thị phần. DRC đứng thứ 2 với khoàng 25%, SRC đứng thứ 3 với khoảng 10%. 32% còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài và một số doanh nghiệp trong nước khác. Trong đó, CSM vượt trội trong phân khúc săm lốp xe máy. DRC chiếm lĩnh thị trường lốp xe tải nặngvà chuyên dụng. SRC có thế mạnh về lốp xe đạp. Xét riêng săm lốp ô tô và xe máy, CSM chiếm 25% thị phần săm lốp ô tô và 35% thị phần săm lốp xe máy trên phạm vi cả nước. Điều này cho thấy vị thế khá vững chắc của CSM trong ngành, giúp CSM duy trì được khả năng cạnh tranh cao trên thị trường hiện nay.

 

Với hơn 35 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất săm lốp, thương hiệu Casumina đã và đang trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Hiện tại, công ty có hơn 200 đại lý cấp I và đã xây dựng mạng lưới tiêu thụ thông qua các nhà phân phối tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ để quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Trong cơ cấu doanh thu hàng năm của CSM, tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 22-25%, tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 75-80%. Mục tiêu đến năm 2015, doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm khoảng 35% tổng doanh thu của công ty.

Doanh thu tăng trưởng ổn định

Doanh thu của CSM tăng trưởng tương đối ổn định từ năm 2007 đến nay với tốc độ tăng trưởng bình quân CAGR 8.2%/năm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu của CSM có xu hướng chậm lại kể từ năm 2009 do năng lực hoạt động đang dần đạt tối đa công suất thiết kế. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 3 – 4% trong 2 năm 2012 và 2013 là đáng ghi nhận trong bối cảnh tổng cầu và sức mua trong nước sụt giảm, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Chúng tôi cho rằng, bắt đầu từ năm 2014, doanh thu của CSM sẽ có sự cải thiện đáng kể nhờ dự án lốp Radial toàn thép sắp sửa hoàn thành và đi vào hoạt động trong Quý I/2014.

Săm lốp ô tô và xe máy là hai sản phẩm chủ lực của Casumina từ khi thành lập đến nay. Săm lốp ô tô chiếm khoảng 45 – 51% doanh thu thuần và 45 – 55% lợi nhuận gộp của CSM hàng năm. Trong khi đó, săm lốp xe máy chiếm khoảng 35 – 41% doanh thu thuần và 35 – 40% lợi nhuận gộp.

Nguyên liệu đầu vào chuyển biến tích cực

Nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm của công ty bao gồm: Cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp, vải mành, than đen, thép tanh và một số loại hóa chất khác. Trong đó chỉ có cao su thiên nhiên công ty mua trong nước, còn lại hầu hết các nguyên vật liệu khác (chiếm khoảng 60% chi phí nguyên liệu) công ty phải nhập khẩu. Các nguyên vật liệu này chiếm đến 60 – 65% giá thành sản phẩm. Do đó, biến động giá nguyên vật liệu (đặc biệt là giá cao su) và tỷ giá ảnh hưởng đáng kể đến chi phí giá thành, biên lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của công ty.

Năm 2010 – 2011, nhu cầu tăng cao ở các nước tiêu thụ chủ yếu như Trung Quốc, Hàn Quốc, EU khiến giá cao su thiên nhiên tăng cao. Cùng với việc tỷ giá trong nước  tăng mạnh khiến biên lãi gộp và hiệu quả hoạt động của công ty sụt giảm. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, giá cao su liên tục giảm trong khi tỷ giá ít biến động giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận và hiệu quả hoạt động.

Dự báo giá cao su thiên nhiên thời gian tới sẽ chỉ biến động trong biên độ hẹp do nguồn cung vẫn ở mức cao giúp công ty tiếp tục có được lợi nhuận khả quan.

Nhà máy radial bắt đầu hoạt động năm 2014

Dự án Nhà máy sản xuất lốp Radial toàn thép công suất 1,000,000 lốp/năm được công ty bắt đầu đầu tư từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 3,500 tỷ đồng hiện đang được công ty gấp rút hoàn thành giai đoạn 1 (công suất 350,000 lốp/năm).

Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này dự kiến khoảng 2,000 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối năm 2013, CSM đã giải ngân 1,100 tỷ đồng cho dự án này. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và chạy thử trong Quý 1/2014. Từ đầu Quý 2/2014 sản phẩm mới sẽ bắt đầu được tiêu thụ trên thị trường. Sản lượng tiêu thụ dự kiến trong năm 2014 là 175,000 lốp (50% công suất thiết kế giai đoạn 1) tương đương trên 800 tỷ đồng doanh thu.

Chúng tôi cho rằng, với uy tín thương hiệu, thị phần và những đặc tính ưu việt so với lốp Bias thông thường, sản phẩm lốp Radial của công ty sản xuất ra sẽ được thị trường đón nhận tích cực. Doanh thu năm 2014 có thể tăng trưởng 20% nhờ tiêu thụ sản phẩm mới này.

Tuy nhiên, thời gian đầu nhà máy hoạt động, doanh thu tiêu thụ sản phẩm có thể không đủ bù đắp chi phí khấu hao và lãi vay. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến biên lợi nhuận của công ty trong ngắn hạn.

Xu hướng hiện nay trên thế giới đang chuyển dần từ việc sử dụng các sản phẩm lốp Bias sang lốp Radial. Trong khi đó sản phẩm lốp Radial tiêu thụ ở Việt Nam hiện chủ yếu là nhập khẩu (đầu Quý 4/2013 có thêm sản phẩm lốp radial của DRC tuy nhiên sản lượng không đáng kể). Đặc biệt mức độ cạnh tranh ở phân khúc lốp ô tô tải Radial hiện tại tương đối thấp do các doanh nghiệp sản xuất lốp xe nước ngoài tại Việt Nam như Kumho… chủ yếu sản xuất lốp radial cho xe con và phục vụ thị trường xuất khẩu. Do đó, chúng tôi cho rằng dự án này sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng cao cho CSM trong trung và dài hạn.

Gánh nặng vay nợ

Để đầu tư cho dự án lốp Radial, CSM phải vay thương mại khoảng 2,200 tỷ đồng. Điều này sẽ dẫn đến gánh nặng vay nợ cao cho công ty trong thời gian tới (Lãi vay VNĐ dài hạn khoảng 11%/năm, lãi vay USD dài hạn khoảng 5%/năm). Tính đến thời điểm cuối năm 2013, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản và nợ vay trên tổng tài sản của CSM là 0.58 và 0.43, tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2012. Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng nợ cũng giảm dần do công ty chủ yếu vay nợ dài hạn để tài trợ cho dự án. Số dư vay nợ dài hạn đến thời điểm 31/12/2013 của công ty là 813 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn là 444.3 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay năm 2013 giảm mạnh 47% so với năm 2012 tương đương gần 37 tỷ đồng do lãi vay giảm. Tuy nhiên, chi phí tài chính chỉ giảm 8% tương đương 8.6 tỷ đồng do công ty gia tăng các khoản chiết khấu thanh toán trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm. Thời gian tới, chi phí lãi vay cho dự án Radial sẽ là gánh nặng  cho công ty, đặc biệt trong giai đoạn đầu của dự án. 

Chi phí quản lý tăng mạnh

Chi phí quản lý (chủ yếu là chi phí nhân viên quản lý) năm 2012 – 2013 tăng khá mạnh so với các năm trước, chiếm 5 – 7% tổng doanh thu của công ty (khá cao so với mức 2 – 3% của DRC) đẩy tổng chi phí hoạt động lên mức 13 – 14% tổng doanh thu, cao hơn so với mức 8 – 9% của năm 2010 – 2011.

Biên lợi nhuận có thể sụt giảm trong ngắn hạn

Có thể thấy biên lãi gộp của công ty tương quan khá chặt chẽ với biến động giá cao su tự nhiên. Năm 2011, giá cao su đạt đỉnh khiến biên lãi gộp chỉ đạt 9%. Năm 2012 – 2013 giá cao su giảm giúp biên lãi gộp cải thiện mạnh ở mức 23% và 27%.

Chúng tôi cho rằng, giá cao su thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2014, chi phí khấu hao của nhà máy sản xuất lốp Radial sẽ làm giảm biên lãi gộp của công ty đặc biệt trong giai đoạn đầu của dự án (sản lượng tiêu thụ chưa đạt mức hoà vốn). 

Tổng tài sản tăng nhanh trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư trong khi doanh thu tăng trưởng chậm lại khiến hiệu suất sử dụng tài sản của CSM sụt giảm. Tuy nhiên với việc biên lãi gộp tăng mạnh, các chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn của CSM được cải thiện đáng kể và ở mức cao so với các doanh nghiệp cùng ngành trong năm 2012 – 2013.

Năm 2014, biên lợi nhuận có thể sụt giảm do gánh nặng lãi vay và chi phí khấu hao. Tuy nhiên với việc tiêu thụ sản phẩm mới lốp Radial, doanh thu của CSM sẽ cải thiện đáng kể. Điều này sẽ giúp công ty tiếp tục có được tỷ suất sinh lời trên vốn cao.

So sánh với doanh nghiệp cùng ngành

So với các doanh nghiệp săm lốp nội địa đang niêm yết, các chỉ số ROE và ROA của CSM năm 2013 nhỉnh hơn so với DRC và vượt trội so với SRC do năm 2013 DRC đã bắt đầu gánh chịu chi phí lãi vay và khấu hao cho dự án lốp Radial.

Với hoạt động ổn định, tiềm năng tăng trưởng và tỷ suất sinh lời cao hơn, cổ phiếu DRC và CSM đang được thị trường định giá khá cao so với cổ phiếu SRC, thể hiện ở chỉ số PE & PB của 3 doanh nghiệp này.

Lợi nhuận năm 2014 có thể sụt giảm

Chúng tôi cho rằng, nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động đúng tiến độ trong năm 2014 giúp công ty tiêu thụ được khoảng 125 – 150 ngàn lốp Radial. Doanh thu của công ty năm 2014 sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2013 đạt 3,761 tỷ đồng. Chi phí khấu hao và lãi vay cho dự án sẽ làm giảm biên lãi gộp về khoảng 22%. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt khoảng 243.1 tỷ đồng, giảm 32.6% so với năm 2013.

Định giá tương đối hợp lý

Mô hình định giá theo phương pháp FCFF của chúng tôi (tốc độ tăng trưởng dài hạn 5%/năm, chi phí sử dụng vốn bình quân WACC 17.28%) cho kết quả giá trị cổ phiếu CSM ở mức 40,714 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 2% so với giá đóng cửa ngày 07/02/2014.

Trong khi đó, phương pháp định giá so sánh tương đối PE (trung bình các công ty cùng ngành trong khu vực) cho kết quả cao hơn ở mức 47,496 đồng/cổ phiếu, cao hơn 14.4% so với giá đóng cửa ngày 07/02/2014.

Giá trị cổ phiếu CSM khi kết hợp cả 2 phương pháp định giá này theo tỷ trọng 50:50 là khoảng 44,105 đồng, cao hơn 6.3% so với giá đóng cửa ngày 07/02/2014.

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags: , , ,

Stocks

Phân tích và khuyến nghị BMC

by finandlife07/01/2014 18:26

Ngay sau khi SQC, công ty Khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn, đơn vị lớn nhất trong sản xuất Titan tại Bình Định công bố quyết định “dừng sản xuất vì lý do thiếu nguyên liệu”. Rất nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi liệu BMC, công ty Khoáng sản Bình Định, liệu có rơi vào tình trạng tương tự.

Bản thân tôi là một nhà phân tích từng khuyến nghị nhà đầu tư mua vào BMC trước đây, cũng đã có cơ hội đi thăm nhà máy sản xuất xỉ tại Cụm Công nghiệp Cát Nhơn. Tôi có một số cập nhật sau đây, hi vọng sẽ giải quyết những vướn mắc của nhà đầu tư.

  • BMC là một doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch nhất trong lĩnh vực sản xuất titan nói riêng và khoáng sản nói chung.
  • BMC đã bị loại ra khỏi danh mục theo dõi từ quý 1 năm 2013.
  • Bị loại không vì doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hay bị rủi ro bất thường nào, mà chủ yếu vì xu hướng ngành đang xấu đi.
  • Cụ thể: giá xỉ titan vẫn còn trong xu hướng giảm; sản lượng sản xuất ra không còn tiêu thu tốt như trước; nhà nước đang có xu hướng siết những doanh nghiệp khoáng sản nói chung.
  • Về xu hướng thị trường ngành, một người làm trong ngành lâu năm cho rằng xu hướng khó khăn vẫn còn trong 2014, nếu có chăng từ quý 4 năm 2014 mới có những chuyển biến. Từ 2014, BMC có cái lợi là thuế xuất khẩu Ilmenite đã giảm từ 40% xuống 30%.

Hi vọng cập nhật của finandlife sẽ phần nào giúp nhà đầu tư có câu trả lời về case BMC. 

 

Nguồn: finandlife

Tags:

Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu