BMP - Đánh giá vụ truy thu thuế

by finandlife18/10/2013 13:29

 

 

Quyết trịnh truy thu thuế đối với BMP được công bố hôm nay (ngày 18/10/2013) tại đây.

Theo đó, BMP bị truy thuế 75 tỷ đồng và bị phạt vi phạm hành chính về thuế 42 tỷ đồng. Đây là một thông tin bất ngờ đối với hầu hết nhà đầu tư. Hiện, doanh nghiệp vẫn đang phản đối việc truy thu này và cho rằng Công ty đã làm đúng luật! Tuy nhiên quyết định của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vẫn có sức nặng riêng. Chúng tôi giả sử doanh nghiệp vẫn phải đóng đủ 117 tỷ đồng theo quyết định truy thu của cơ quan nhà nước, thì thông tin này sẽ tác động thế nào đến giá cổ phiếu BMP và doanh nghiệp Nhựa Bình Minh?

Với một lượng tiền lớn bị chảy ra khỏi công ty chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến định giá doanh nghiệp và tâm lý nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Do vậy, cổ phiếu BMP bị giảm giá sau khi ra tin là rất dễ đoán biết. Nhưng mức giảm đến đâu là hợp lý?

Theo chúng tôi, BMP là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất ống nhựa, lợi thế sản phẩm và hiệu quả trong quản lý tài chính, quản lý chi phí của doanh nghiệp trong những năm vừa qua là rất đáng ghi nhận. Việc truy thu thuế lần này được xem là một “tai nạn” hơn là một thông tin gây ảnh hưởng xấu đến mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Được biết, 9 tháng đầu năm, doanh thu sản xuất đạt 1,535 tỷ đồng, tăng 12.5% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 367 tỷ đồng, tăng 5.2% so với cùng kỳ.

Mặt khác, lượng tiền mặt của BMP đang khá dồi dào (hơn 500 tỷ đồng), tình hình thanh khoản rất tốt, do vậy với 117 tỷ đồng bị truy thu cũng chưa thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của doanh nghiệp.

Như vậy, vấn đề còn lại chỉ là BMP sẽ bị định giá thế nào sau thông tin này.

Có 2 kịch bản:

q  Kịch bản thứ 1, chúng tôi giả sử nhà đầu tư trên thị trường phản ứng thái quá với thông tin này, cho đây là một thông tin nghiêm trọng ảnh hưởng đến thu nhập công ty, do đó chỉ chịu chấp nhận trả một mức độ định giá hợp lý với thu nhập trên mỗi cổ phần có được trong năm 2013. Khi đó, định giá P/E với thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS F) của 2013 được đưa vào tính toán lại giá trị doanh nghiệp, và định giá của BMP sẽ bị giảm đến 13.8% sau thông tin trên.

q  Kịch bản thứ 2, việc truy thu thuế sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả lợi nhuận của năm 2013 nhưng cái xấu này chỉ xảy ra cho năm 2013. Mô hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn tốt cho nên những năm tiếp theo lợi nhuận sẽ quay lại mức cao (dự phóng của chúng tôi, BMP vẫn đạt 381 tỷ lợi nhuận sau thuế trong năm 2014). Do vậy, chúng tôi loại ảnh hưởng từ định giá theo phương pháp P/E ra khỏi tác động lên định giá chung đối với BMP trong thông tin này. Khi đó, định giá của BMP theo phương pháp chiết khấu dòng tiền và P/B chỉ bị giảm 5.4% sau thông tin này.

Đứng ở góc độ một nhà phân tích tài chính doanh nghiệp, chúng tôi nghiêng hơn về kịch bản thứ 2 vì đây là một kịch bản khá hợp lý cả về mặt mô hình kinh doanh lẫn định giá. Lượng tiền truy thu thuế ngoài dự kiến là khoản chi 1 lần, có ảnh hưởng nhiều hơn lên giá trị sổ sách và dòng tiền của năm 2013 chứ không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của doanh nghiệp trong dài hạn. 

Xem thêm về cách phản ứng với thông tin của giá chứng khoán ở đây

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags:

StockAdvisory | Stocks

Thị trường ngành bao bì

by finandlife17/10/2013 09:44

Thị trường ngành bao bì

Một bài viết hay về ngành bao bì Việt Nam.

Bài viết của Đỗ Hải, đăng trên DNSG

 

Con số thống kê mới nhất của Euromonitor International (EUI) về ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống trên đầu người trong năm 2013 tiếp tục tăng trưởng và con số này không giảm cho đến năm 2017.

Sự gia tăng này là tác nhân thúc đẩy nhu cầu về bao bì, trong khi về mặt thị trường, bao bì cũng là yếu tố quyết định đến sự cạnh tranh. Về vấn đề này, ông Kamimura Yosuke, Trưởng phòng Marketing Công ty Kirin, cho rằng, khi khách hàng cân nhắc mua một sản phẩm, yếu tố quan trọng nhất là cách họ cảm nhận về sản phẩm thông qua bao bì.

Kỹ thuật thiết kế và in ấn sẽ giúp cải thiện hình ảnh sản phẩm cũng như ảnh hưởng đến sự hiện diện của sản phẩm khi trưng bày tại các cửa hàng bán lẻ.

PET trong tay Ngọc Nghĩa

Trong khi bao bì giấy, carton nằm trong tay các công ty Đài Loan và Hàn Quốc thì bao bì nhựa, với thị phần lớn nhất là chai PET, lại do hai công ty nội địa là Ngọc Nghĩa và Bảo Vân thâu tóm.

Theo EUI, tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm tại thị trường Việt Nam đạt 6,4%/năm đến năm 2007, là 8,4%. EUI cũng nêu rõ, doanh số của ngành nước uống đóng chai nói chung (soft drink) trong năm 2013 tăng trưởng ở mức 13,4% và dự đoán 2017 là 13,7%.

Mặt khác, năm 2009, tổ chức này cũng từng đưa ra con số khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư xem xét: ở Việt Nam, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn chiếm 24,3 tỷ USD, tương ứng 38% trong tổng chi tiêu của người tiêu dùng. Con số này ở Canada là 9%, ở Mỹ là 7% và EU là 13%.

Chính sự tăng trưởng này đã tạo chỗ đứng cho các nhà sản xuất và cung ứng bao bì thực phẩm. Bao bì dành cho ngành thực phẩm và đồ uống có khá nhiều chất liệu, như thủy tinh, nhựa, kim loại, giấy. Song, bao bì nhựa vẫn đang có chỗ đứng nhất định khi ngành đồ uống vẫn tăng trưởng đều đặn.

Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, 66% giá trị xuất khẩu của ngành nhựa xuất phát từ bao bì. Theo số liệu nhập khẩu hạt nhựa từ Tổng cục Hải quan, năm 2012, đạt 6,2 tỷ USD, trong đó, mảng bao bì nhựa chiếm 39%, tức chiếm khoảng 2,4 tỷ USD.

Cũng theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, 5 năm gần đây, ngành bao bì nhựa phát triển khá nhanh, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là trên 25%.

Ở phân khúc này, hiện các nhà sản xuất trong nước đang chiếm ưu thế trên thị trường. Cụ thể, với bao bì nhựa tổng hợp, quy mô thị trường hiện đạt 410 triệu USD, trong đó, chai PET chiếm đến 282 triệu USD (phần còn lại là hộp nhựa PE, PP - chủ yếu dùng trong nông nghiệp, đóng gói gạo, đường, cà phê và hóa chất; thị trường này không nhỏ vì mỗi năm tiêu thụ khoảng 1,5 tỷ bao bì). Một thống kê khác của StoxPlus cũng cho thấy, chai PET và túi nhựa tái chế có mức tăng trưởng ước tính 20%/năm.

Trước năm 2000, các nhà sản xuất đồ uống, thực phẩm chủ yếu phải nhập khẩu chai PET và hộp nhựa. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Ngọc Nghĩa và Công ty Bảo Vân (có trụ sở chính ở Bình Dương) đã trở thành nhà sản xuất và cung ứng chai PET lớn nhất với thị phần khoảng 80%.

Tuy nhiên, nếu xét về mặt doanh số và quy mô đầu tư, Ngọc Nghĩa có phần nhỉnh hơn. Theo đó, tổng doanh thu từ sản phẩm nhựa của Ngọc Nghĩa năm 2011 đạt 85 triệu USD, trong khi Bảo Vân chỉ đạt 40 triệu USD (năm 2012, doanh thu của Ngọc Nghĩa đạt 84,5 triệu USD).

Mặt khác, doanh thu xuất khẩu các loại bao bì nhựa thực phẩm mang về 104,5 triệu USD (tăng 29,8% so với năm 2011), chủ yếu đến từ Công ty Ngọc Nghĩa và Bảo Vân, riêng Ngọc Nghĩa đạt giá trị xuất khẩu 22,5 triệu USD trong năm vừa rồi.

Hiện Ngọc Nghĩa đang sở hữu hơn 1.000 khách hàng, chủ yếu trong ngành nước uống đóng chai và thực phẩm. Trong đó, hai thương hiệu lớn trong ngành nước uống có gas là PepsiCo Coca-Colađang trở thành khách hàng "chiến lược" của Công ty.

Ở Việt Nam, Coca-Cola sử dụng chai PET cho nước uống có gas, nước uống đóng chai... Trong khi trước đó, năm 2005, Ngọc Nghĩa cũng đã ký kết hợp đồng 10 năm với PepsiCo trong việc tích hợp một dây chuyền sản xuất chai PET tại nhà máy của PepsiCo ở Hóc Môn.

Ngoài ra, Ngọc Nghĩa cũng là cung ứng chai PET cho các sản phẩm nước trái cây, sữa... của nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam Vinamilk sau khi Ngọc Nghĩa niêm yết vào năm 2007. Ngoài ra, Lavie, Dầu ăn Tường An...cũng là đối tác lớn của công ty này.

Chỉ tính riêng Vinamilk, trong số 6 loại bao bì mà Công ty đang sử dụng thì bao bì giấy, thiếc và chai nhựa PET đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, trong đó, năm 2012, đã tiêu thụ hơn 30,4 triệu chai PET, trên 22.000 tấn bao bì thiếc và khoảng 9,4 nghìn tấn bao bì giấy. Đó là chưa kể bao bì dạng ly nhựa và màng HIPS.

Chính mảng kinh doanh chai PET đã mang về doanh thu chủ yếu cho Ngọc Nghĩa, trong khi ngành thực phẩm (đầu tư từ giữa 2009) chưa mang về doanh thu đáng kể nếu không muốn nói là làm lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm trong năm 2011.

Tetra Pak độc chiếm hộp sữa

Khi nhắc đến bao bì cao cấp cho ngành thực phẩm Việt Nam thì chỉ có cái tên Tetra Pak.

Trong khi mảng bao bì nhựa là "cuộc chơi" của các nhà cung ứng nội địa, thì bao bì giấy cho ngành thực phẩm dạng lỏng đang bị các nhà sản xuất và cung ứng nước ngoài thao túng, đặc biệt là bao bì cho ngành sữa. Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Tiến Sỹ, Giám đốc Thương hiệu cấp cao của Lantabrand, phân tích, hầu hết bao bì các loại sữa nước đều do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp vì có yêu cầu kỹ thuật rất cao để đảm bảo giữ được sản phẩm dễ hư hỏng như sữa.

Hai công ty bao bì sữa lớn nhất trên thế giới là Tetra Pak (Thụy Sĩ) và Combibloc (Đức) đều đã có mặt ở Việt Nam và cung cấp hầu như gần hết các loại bao bì cho các công ty sữa.

Trong khi một số loại bao bì sữa khác như sữa chua, sữa đặc, sữa bột thì các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp được với giá thành tốt hơn nhập khẩu.

Cũng theo chia sẻ của ông Sỹ, thường chi phí bao bì chiếm khoảng 10% - 20% giá thành sản phẩm, nên với quy mô thị trường khoảng 15.000 tỷđồng sữa nước như hiện nay thì chi phí bao bì không nhỏ.

Đại diện Lantabrand nói thêm, bao bì sữa có cấu trúc phức tạp với 5 - 6 lớp, từ giấy, màng nhôm, màng poly,... để đảm bảo vi khuẩn, ánh sáng không xâm nhập vào làm hư hỏng sữa, giữ được chất lượng sữa ổn định trong từ 6 - 8 tháng.

Do công nghệ chế biến sữa phức tạp và hiện đại nên hầu hết máy móc đều do nhà sản xuất bao bì cung cấp và lắp đặt, sau đó họ bán bao bì cho các công ty sữa. Đây là điều mà hiện nay Tetra Pak đang làm.

Tại thị trường Việt Nam, Tetra Pakkhông chỉ cung ứng bao bì mà còn là đối tác lâu năm trong việc cung ứng thiết bị, dây chuyền đóng gói cho Vinamilk. Điều này có thể thấy qua nhà máy 110 triệu USD vừa khởi công gần đây của Vinamilk ở Bình Dương.

Ngoài ra, nhà cung ứng bao bì này cũng đang là nhà cung cấp bao bì cho hai doanh nghiệp khác trong ngành sữa là TH Milk và Dutch Ladytại thị trường Việt Nam.

Thông tin từ Tetra Pak cho thấy, hiện mỗi năm hãng này cung cấp hơn 150 tỷ bao bì giấy tiệt trùng cho 170 quốc gia. Tại thị trường Việt Nam, con số vỏ hộp mà Tetra Pak cung cấp cho hàng trăm nhãn hàng lên tới hàng tỷ mỗi năm.

Với sự hợp tác của Tetra Pak, Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến đã xây dựng nhà máy tái chế hoàn thiện vỏ hộp sữa giấy đầu tiên tại tỉnh Bình Dương. Dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa có công suất 50 tấn/ngày. Hiện Công ty đã có 21 trạm thu mua vỏ hộp sữa, thu mua khoảng 250.000kg/tháng.

Dù chưa đầu tư nhà máy tại Việt Nam, nhưng vào tháng 5/2013, Tetra Pak đã hoàn tất việc đầu tư một nhà máy mới ở Ấn Độ với tổng vốn lên đến 156 triệu USD. Mục tiêu của khoản đầu tư này, theo đại diện của Tetra Pak là để hỗ trợ mức tăng trưởng về nhu cầu sử dụng bao bì ngày một gia tăng ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.

Mặt khác, tập đoàn này cũng đã đánh dấu sự hiện diện của mình với nhà máy ở Trung Quốc, một trong hai thị trường tiêu thụ sữa nước lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh hai thị trường này, đại diện của Tetra Pak cho biết, tại châu Á - Thái Bình Dương, Tetra Pak đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam và Indonesia.

Theo chia sẻ của một chuyên gia trong ngành sữa, do đến sớm nên Tetra Pak có ưu thế hơn Combibloc tại thị trường Việt Nam. Hơn nữa, việc sử dụng bao bì của nhà cung ứng nào thường đi kèm với dây chuyền đóng gói của nhà cung ứng đó.

Song, do quy mô thị trường chưa đủ lớn nên hiện cả hai tập đoàn này đều chưa đầu tư nhà máy ở Việt Nam. Trong khi Tetra Pak có nhà máy ở Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc..., thì Combibloc có nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan. à Người ta chê mình nhỏ, sao mình không làm công ty nhỏ để đáp ứng thị trường “nhỏ” của mình?

Đối với ngành bao bì thực phẩm dạng lỏng, do yêu cầu kỹ thuật nên các nhà cung ứng nội địa chỉ tham gia vào một công đoạn nào đó. Theo bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam, sở dĩ bao bì thực phẩm nói chung và bao bì dành cho ngành sữa nước đòi hỏi kỹ thuật khá cao, nên các doanh nghiệp trong nước khó chen chân vào.

Nếu tham gia vào thị trường, DN phải có tiềm lực và tuân thủ các quy tắc nhất định, song chỉ dừng lại ở một số sản phẩm nhất định. Cụ thể như trường hợp của New Toyo, công ty đang đưa ra thị trường ly giấy cách nhiệt (sử dụng cho mì gói). Đây là sản phẩm các DN nước ngoài đã sản xuất cách đây khá lâu nhưng tại thị trường Việt Nam, New Toyo là DN đi tiên phong. Theo bà Nhan Húc Quân, sản phẩm này chủ yếu cung cấp cho các DN sản xuất có sản phẩm "xuất ngoại".

Đại diện New Toyo cho rằng, do DN bao bì thực phẩm trong nước mất lợi thế sân nhà do có quy mô nhỏ, lẻ, hoạt động theo hình thức mua đi bán lại nên không có giá thành tốt.

Do đó, khi có đơn hàng đột ngột thì khó để đáp ứng. Nhận thấy được yếu tố rủi ro này nên các nhà sản xuất không thể mạo hiểm "bắt tay" với nhà cung ứng "nội".

-------------------------------------------------------------

Một trong những công ty bao bì nhỏ được chúng tôi đánh giá rất tốt về mặt chỉ tiêu tài chính, yếu tố cơ bản là VPK.

Những điểm yếu của VPK cũng không nằm ngoài những cái mà đại diện New Toyo phát biểu như làm ăn nhỏ lẻ, công suất thấp, khi có đơn hàng lớn thì khó mà đáp ứng ngay được.

Một số khách hàng chính của VPK là Vinamilk và các công ty dầu thực vật. VPK chủ yếu cung cấp bao bì caton, một phần khác cung cấp chai PET.

Khi đến tận doanh nghiệp để quan sát cách thức làm việc, chúng tôi nhận thấy VPK thật nhỏ bé, máy móc tương đối là đơn giản và lạc hậu. Những điểm yếu chết người này làm cho VPK khó có thể cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ khác trên thị trường. Tuy nhiên, VPK lại có quan hệ khá tốt với những khách hàng truyền thống như Vinamilk và các công ty dầu thực vật, nên vẫn đảm bảo đơn hàng và sản xuất hàng năm.

Và chính mối quan hệ hữu hảo đó, mà sự thịnh vượng về tài chính, dòng tiền, hiệu quả của VPK được duy trì tốt trong những năm qua. Hiện VPK vẫn là một trong những doanh nghiệp nhỏ được chúng tôi đánh giá tốt nhất trên thị trường niêm yết.

Tuy vậy, đứng ở góc độ một nhà đầu tư gắng kết lợi ích lâu dài với công ty, chúng ta không thể hài lòng về bộ mặt hiện tại của doanh nghiệp này được, VPK phải đầu tư mạnh hơn nữa về máy móc thiết bị, đầu tư mạnh hơn nữa về công nghệ và chất lượng sản phẩm. Chỉ khi nào doanh nghiệp làm được việc đó, sản phẩm của công ty cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ khác trên thị trường, ngay cả những đối thủ ngoại thì những nhà đầu tư mới thật sự yên tâm.

Được biết, trong quý 2/2013, công ty đã mua mới một máy in với giá trị vài chục tỷ đồng, đây là bước đi ban đầu cần thiết, hãy phát huy hơn nữa VPK nhé!

Nguồn: finandlife|DNSG

Tags: ,

Economics | Stocks

TIE thoái vốn tại SAMSUNG VINA, kết cục của một liên doanh!

by finandlife27/09/2013 09:44

 

Sau gần 20 năm kể từ lúc TIE là đại diện phần vốn nhà nước Việt Nam liên doanh với SAMSUNG. Ngày liên doanh được thành lập cũng là ngày mà bao nhiêu kỳ vọng về việc học tập và phát triển tương lai điện tử nước nhà được nhen nhóm. Thế nhưng sau 20 năm “kết hôn”, 2 bên vẫn chưa có với nhau “mụn con” nào, và đành nói lời chia tay với 1 ít của bố thí.

TIE đến với SAMSUNG VINA không khác gì một tay đầu tư tài chính. Hầu hết lợi nhuận hàng năm TIE nhận được đều đến từ lợi nhuận được chia bởi liên doanh, trong khi đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của riêng công ty thì vô cùng nghèo nàn. (Hình 1 cho thấy, vai trò của doanh thu tài chính ngày càng lớn trong đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty).

 

Nếu loại lợi nhuận tài chính (trong đó chủ yếu là lợi nhuận từ liên doanh) ra khoản lợi nhuận trước thuế của TIE, thì Công ty thường xuyên lâm vào cảnh lỗ lã (năm 2011 lỗ trước thuế là 7.3 tỷ đồng, năm 2012 mức lỗ lên đến 19.3 tỷ đồng). Đây là bức tranh hoàn toàn trái ngược với con số lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng và cổ tức thực chia 1,500 đồng mà TIE báo cáo và thực hiện những năm qua.

Một điểm khác cũng rất đáng quan tâm là chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp có xu hướng tăng rất nhanh những năm gần đây trong khi đó, doanh thu lại không tăng trưởng tương ứng. Thông thường đây là biểu hiện của sự kém hiệu quả, hoặc Công ty đang theo đuổi chiến lược R&D lớn, nhưng theo những thông tin được công bố, dường như không có công cuộc R&D nào cả.

Những số liệu ở trên nói lên điều gì? Dòng tiền nuôi sống TIE trong những năm qua chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ liên doanh SAMSUNG VINA. Công ty không tự xây dựng riêng cho mình mô hình kinh doanh vượt trội nào. TIE chỉ dám đi con đường ngắn hạn, dễ ăn và ít tốn chất xám nhất là phân phối, mà không dám đầu tư, dấn thân vào lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu, doanh thu bán hàng hóa chiếm 90% trong cơ cấu doanh thu thuần nhưng biên lãi gộp chỉ là 4% đã cho thấy điều này. Như vậy, bao nhiêu kỳ vọng học hỏi công nghệ, kỹ thuật… ban đầu đã trở nên công cốc.

Tất cả sự việc là thế, nhưng ngay khi có thông tin SAMSUNG mẹ chấp nhận bỏ ra 96 tỷ để mua lại phần vốn của TIE trong liên doanh thì lập tức nhà đầu tư đã phản ứng tích cực. Giá cổ phiếu đã tăng 17% chỉ trong ba phiên giao dịch quanh ngày công bố thông tin. Nhưng liệu đây có phải là thông tin thật sự tích cực?

TIE sẽ nhận được 96 tỷ đồng trong khi thời hạn liên doanh còn lại chỉ là 1 năm rưỡi và giá trị sổ sách của khoản vốn góp chỉ là 53.6 tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang thiếu tiền, đây là số tiền có vẻ ấn tượng!

Tôi chưa được đọc hợp đồng liên doanh (TIE không công bố thông tin này) nên còn nhiều cái chưa thật sự tường tận, nhưng theo tôi thì:

Thứ 1, việc TIE góp 20% vốn vào liên doanh, đã được TIE thu về khá nhiều, thông qua lợi nhuận liên doanh được chia hàng năm. Do vậy, giá trị sổ sách 53.6 tỷ kia cũng chỉ là giá trị sổ sách ghi nhận ban đầu khi góp vốn, chứ giá trị còn lại không còn nhiều đến thế. Vì đất đai thuộc sở hữu nhà nước, TIE chỉ được giao đất có thời hạn nhất định, và do đó, sau mấy chục năm sử dụng, giá trị quyền sử dụng đất còn lại đã giảm đi đáng kể.

 

Thứ 2, Lợi nhuận được chia từ liên doanh lên đến 50 tỷ đồng năm 2012. Với tốc độ tăng trưởng trung bình >20%/năm, lợi nhuận trong gần 1 năm rưỡi còn lại cũng lên đến hơn 90 tỷ đồng (cụ thể xem hình 2). Đây là khoản lợi nhuận đáng lý ra TIE sẽ được hưởng nếu không bán lại phần vốn liên doanh cho SAMSUNG mẹ. Do đó, đây cũng là cái giá hợp lý chứ không hời như nhiều nhà đầu tư trên sàn vẫn nghĩ. Thêm vào đó, lợi nhuận từ liên doanh không phải đóng thêm thuế (vì đã được Công ty liên doanh đóng thuế), trong khi đó, khoản lợi nhuận do bán phần vốn lại được hoạch toán vào lợi nhuận bất thường, TIE phải có nghĩa vụ đóng thuế trên khoản lợi nhuận này, nên giá trị mà TIE có khả năng sử dụng chỉ khoảng 85 tỷ đồng, chứ không phải 96 tỷ đồng như nhiều người nhìn vào (cụ thể xem bảng tính bên dưới).

Bảng tính khoản thuế thu nhập phải trả (đồng)

Giá chuyển nhượng

96,150,464,919

Giá sổ sách

53,665,056,000

Lãi trước thuế

42,485,408,919

Thuế (25%)

10,621,352,230

Lãi sau thuế

31,864,056,689

 

Một phóng viên trên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã từng hỏi người đứng đầu TIE, sau khi kết thúc liên doanh, công ty có kế hoạch kinh doanh gì trong thời gian tới? Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, công ty đã có tính toán “cụ tỉ”, nhưng đây là bí mật. TIE là một doanh nghiệp đại chúng, niêm yết, do vậy việc công bố thông tin và minh bạch thông tin là cực kỳ quan trọng, đặc biệt với thông tin về sử dụng vốn và chiến lược kinh doanh thì càng phải giải thích thấu đáo cho cổ đông nắm. Tôi hi vọng trong thời gian tới công ty nên có lý giải thấu đáo hơn.

Như vậy, việc chia tay với SAMSUNG VINA mặc dầu đã mang về cho TIE một số tiền lớn, nhưng đây là số tiền đến một lần, nhà đầu tư nên thận trọng khi đánh giá thông tin dạng này. Công ty dường như chỉ theo đuổi công việc phân phối và thương mại trong suốt thời kỳ liên doanh, hoạt động học tập, nghiên cứu và phát triển vốn dĩ được kỳ vọng ban đầu lại không được đầu tư thỏa đáng. Thêm vào đó, chiến lược kinh doanh sắp tới ra sao, dòng tiền sẽ được tạo ra thế nào khi mảng nuôi sống công ty bao nhiêu năm qua không còn nữa vẫn là những câu hỏi lớn cần được công ty làm rõ. 

Nguồn: finandlife

Tags:

StockAdvisory | Stocks

FCN phát hành "khủng"

by finandlife18/09/2013 08:26

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán khá ảm đạm, nhưng Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON (FCN) vẫn dũng cảm theo đuổi chiến lược phát hành khủng. Động lực nào giúp FCN đưa ra quyết định này? Liệu rằng khả năng thành công có cao?

FCN đã liên tục trúng thầu những dự án lớn trong thời gian qua như: Dự án thi công nền móng khu liên hợp Gang thép Formusa, Hà Tĩnh; Dự án Nhà máy điện Thái Bình 1 và Thái Bình 2; Dự án Cảng Lạch Huyện; Dự án xây dựng nhà máy Samsung, Thái Nguyên; Dự án đê chắn sóng ở cảng Nghi Sơn; Dự án nhà máy LG Hải Phòng.Những dự án được ký kết đã đẩy nhu cầu đầu tư tăng cao, buộc FCN phải huy động thêm vốn từ thị trường.

Thật ra, nhu cầu vốn đã được thể hiện trong đề án phát hành vào tháng 10 năm 2012. Theo đề án đó, FCN đã thông báo kế hoạch phát hành 5.09 triệu cổ phiếu, bao gồm chi trả cổ tức 2.76 triệu cổ phiếu; 0.53 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 20,000 đồng/cổ phiếu và 1.8 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông chiến lược với giá 20,000đ/cổ phiếu. Nhưng đề án phát hành đã thất bại, công ty chỉ phân phối được 2.76 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức và 162 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Số tiền huy động được chỉ là 3.2 triệu đồng, rất bé so với con số mà công ty hướng đến (gần 50 tỷ đồng). Nguyên nhân thất bại chủ yếu do giá cổ phiếu trên sàn diễn biến bất lợi trong thời kỳ phát hành, trong thời gian từ ngày 25/10/2012 đến ngày 11/01/2013, giá FCN chỉ dao động trong khoảng 8,500 đến 12,200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức giá phát hành 20,000 đồng, dẫn đến động lực đóng tiền mua mới không còn nữa.

Tuy thất bại trong huy động vốn từ thị trường vào cuối 2012, nhưng chính nhu cầu vốn đang rất cao đã thúc đẩy công ty tiếp tục đề án phát hành mới trong tháng 7 năm 2013.

Theo đó,

  • Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông hiện hữu thực hiện quyền nhận cổ tức và quyền mua chứng khoán phát hành thêm: ngày 12/08/2013;
  • Thời gian chuyển nhượng quyền mua và thời gian đăng ký đặt mua, nộp tiền mua cổ phiếu: từ ngày 19/08/2013 – 16/09/2013;
  • Thời hạn nộp hồ sơ đặt mua cổ phiếu, chuyển tiền đặt mua và thực hiện giao dịch: ngày 18/09/2013;
  • Thời gian dự kiến đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường có tổ chức: trong tháng 10/2013;
  • Thời gian phân phối cổ phiếu: trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được Giấy phép phát hành của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước.

Rút kinh nghiệm thất bại của đợt phát hành năm 2012, FCN đã đổi nhà tư vấn từ Công ty Chứng khoán MB sang Công ty Chứng khoán HSC, đồng thời ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với nhà cung cấp dịch vụ tư vấn, cụ thể, HSC cam kết sẽ mua toàn bộ cổ phiếu phát hành mới nếu cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền của mình, mức giá bảo lãnh là 12,000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khả năng thành công của đợt phát hành này gần như chắc chắn.

Theo kế hoạch, mức vốn dự kiến thu hút lên đến 198.8 tỷ đồng (gấp 4 lần so với đề án cuối năm 2012). Tiền thu hút được sẽ tài trợ cho những khoản mục sau:

 

Đối tượng sử dụng vốn

Số tiền

Đầu tư máy móc, thiết bị thi công

140,000,000,000

Máy cọc cắt đầm chặt

15,000,000,000

Máy đóng cọc

35,000,000,000

Máy phụ trợ

15,000,000,000

Máy công trình ngầm Jet-grouting

75,000,000,000

Góp vốn bổ sung cho liên doanh FECON Shanghai Harbour

32,000,000,000

Bổ sung vốn lưu động

26,795,930,000

 

Giả sử tất cả những thông tin mà doanh nghiệp công bố và cam kết thực hiện là đúng, vấn đề còn lại của nhà đầu tư vào FCN chỉ là phân tích khả năng tạo ra dòng tiền trong thời gian tới và kiểm tra mức độ pha loãng khi lượng cổ phiếu khủng được lưu hành.

Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đủ thông tin để đánh giá dòng tiền trong một vài năm tới của FCN, chúng tôi sẽ bổ sung vấn đề này trong báo cáo khuyến nghị chi tiết về FCN (dự kiến phát hành sau khi chúng tôi tiếp xúc được với doanh nghiệp). Theo kế hoạch của công ty, trong năm 2013, một số dự án đóng góp doanh thu chủ yếu sẽ là: Siêu dự án nhà máy gang thép Formosa tại Hà Tĩnh: 500 tỷ đồng; Nhiệt điện Thái Bình 1: 160 tỷ đồng; Nhiệt điện Thái Bình 2: 134 tỷ đồng; Nhiệt điện Thái Bình 2 với phần cọc (đợt 1: dự kiến 120 tỷ đồng, đợt 2: 200 tỷ đồng)…

Về rủi ro pha loãng, việc phát hành khủng sẽ làm thu nhập trên mỗi cổ phần của FCN không còn cao như trước nữa (EPS năm 2011: 6,750 đồng/cổ phiếu; EPS năm 2012: 6,847 đồng/cổ phiếu). Theo tính toán của chúng tôi, nếu công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2013, EPS 2013 cuối kỳ cũng chỉ đạt 3,018 đồng/cổ phiếu. Giá trị sổ sách cũng sẽ giảm từ 26,379 đồng cuối năm 2012 xuống 17,618 đồng/cổ phiếu cuối năm 2013.

Tóm lại, nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư đã thúc đẩy FCN tiến hành phát hành cổ phiếu với số lượng “khủng”. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi, đây là một hành động dũng cảm. Rút kinh nghiệm thất bại trong năm 2012, FCN đã ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với nhà cung cấp dịch vụ tư vấn, đây là hành động nhằm tăng tính chắc chắn cho đợt phát hành. Đứng ở góc độ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, chúng ta phải tính toán được dòng tiền từ hoạt động của công ty trong những năm tới, đồng thời kiểm tra lại sự pha loãng. Đối với yếu tố dòng tiền, chúng tôi cần thêm thông tin để xác nhận, trong khi đó, với thị giá đang khá thấp hiện nay, sự pha loãng cổ phiếu FCN sau phát hành không đến nỗi quá nghiêm trọng. 

Nguồn: VFS Research|finandlife

Tags:

Economics | Stocks

Ý kiến về TOP 50 Forbes Việt Nam

by finandlife06/09/2013 14:15

Dạo gần đây thấy rất nhiều nhà đầu tư cũng như môi giới chứng khoán quan tâm đến danh sách 50 cổ phiếu niêm yết tốt nhất mà Forbes Việt Nam vừa công bố, tôi cũng tò mò vào xem.

Xem xong tôi không đồng ý với những cái tên sau: PXS (xếp hạng 19) và BHS (xếp hạng 41).

Theo như đánh giá của mình, nếu top cổ phiếu tốt nhất 2 sàn là 5 sao, top cổ phiếu lởm nhất là 1 sao, thì 2 cổ phiếu trên chỉ đạt 3 sao.

Cả 2 cổ phiếu này đều có chất lượng kinh doanh giảm đi trong mấy năm qua và 2 quý đầu năm 2013, trong khi đó, rủi ro tài chính lại tăng lên do tình hình công nợ ngày càng phình to so với nguồn vốn.

 

Cụ thể:

PXS:

 BHS:

Ngoài 2 cổ phiếu trên, còn có một số đại diện khác nữa mình chưa thật hài lòng. Vì đã gọi là TOP cổ phiếu tốt, không thể chỉ nhìn đó là cổ phiếu lớn được.

Danh sách của Forbes và đánh giá của finandlife như sau:

 

Nguồn: finandlife|Forbes Việt Nam

Tags:

Economics | StockAdvisory | Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu