[CSM] KQKD Q2.17

by finandlife21/07/2017 09:59

Doanh thu tăng nhẹ, biên lãi giảm mạnh, lãi giảm 62%.

Nợ tăng, tương lai u ám.

 

FINANDLIFE

Tags: ,

Stocks

Ngành săm lốp|Cạnh tranh làm giá bán giảm mạnh

by finandlife21/10/2016 08:18

DRC: Giá bán trung bình giảm mạnh, khấu hao tăng, ảnh hưởng đến KQLN 9 tháng đầu năm.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái vì sản lượng tăng nhưng bù lại giá bán trung bình giảm. Doanh thu từ lốp bias giảm 9,4% (sản lượng tăng 5,2%, giá bán trung bình giảm 13,9%) trong khi doanh thu từ lốp radial tăng 8,5% (sản lượng tăng 30,8%, giá bán trung bình giảm 17,%).

Do chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu tổng doanh thu (25,3% so với 23% cùng kỳ năm ngoái), lốp radial là yếu tố chính ảnh hưởng đến lợi nhuận, với biên lợi nhuận gộp âm 10,3% trong 9 tháng đầu năm 2016 so với 2,4% cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp âm trong 9 tháng đầu năm 2016 chủ yếu do (1) Thời gian khấu hao nhà máy lốp radial giảm, khiến chi phí khấu hao 9 tháng đầu năm tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; và (2) Giá bán trung bình giảm, khiến biên lợi nhuận gộp (không tính khấu hao) giảm xuống 14,5% từ 24,1% cùng kỳ năm ngoái. Lỗ do lốp radial khiến lợi nhuận từ HĐKD của DRC giảm 15,6% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.

LNST giảm chậm hơn, 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái vì lỗ tài chính giảm, phần nào bù đắp cho kết quả hoạt động kém. Lỗ tài chính ròng của DRC giảm 56,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ (1) Lãi tài chính 6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 so với lỗ 31,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái nhờ đồng nội tệ năm nay mạnh trong khi DRC có nợ bằng USD; và (2) Chi phí lãi vay giảm 23,1% do số dư nợ giảm.

KQLN 9 tháng đầu năm 2016 củng cố quan điểm tiêu cực của chúng tôi dành cho DRC vì công ty tiếp tục gặp áp lực về giá bán do cạnh tranh từ Trung Quốc và rủi ro giá cao su phục hồi.

CSM: LNST cốt lõi tăng 8,3% trong 9 tháng 2016 nhờ chi phí tài chính thấp hơn.

CTCP Cao su Công nghiệp miền Nam (CSM) đã công bố LNST giảm 15,5% trong 9 tháng 2016 so với 9 tháng 2015 khi trong 9 tháng 2015, CSM ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ thoái vốn BĐS 60 tỷ đồng (2,7 tỷ USD). Không tính đến khoản này, LNST của CSM đã tăng 8,3% trong 9 tháng 2015. Kết quả này phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Diễn biến KQKD cốt lõi: doanh thu và lợi nhuận từ HĐKD giảm lần lượt 4,2% và 9,2% so với 9 tháng 2015, cho thấy giá bán trung bình giảm do cạnh trạnh trong bối cảnh giá cao su giảm đã che mờ tăng trưởng khối lượng bán ra. Mặt khác, chi phí tài chính giảm 48,1% so với 9 tháng 2015 nhờ chi phí lãi vay thấp hơn đến từ cán cân nợ và lỗ tỷ giá thấp hơn, khi đồng VND duy trì ổn định trong năm nay. Sự sụt giảm thuế TNDN từ mức 22% năm 2015 còn 20% năm 2016 tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng LNST cốt lõi.

 

VCSC

Tags: ,

Stocks

CSM|Cập nhật kết quả kinh doanh quý 4/2014

by finandlife16/11/2015 22:17

CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM - HOSE) vừa công bố tình hình kinh doanh quý 4 và cả năm 2014 với kết quả như sau:

Doanh thu quý 4 của Casumina đạt 910.8 tỷ đồng, tăng 12.4% so với quý 4/2013. Tuy nhiên, giá vốn tăng nhanh hơn khiến lãi gộp giảm nhẹ 2.1% xuống còn 214 tỷ đồng.

Trong khi đó, các chi phí bán hàng và quản lý đều tăng mạnh, dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 23% từ 139 tỷ xuống 108 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2014, Casumina đạt 3,178 tỷ đồng doanh thu, tăng 1.4% so với năm 2013, chỉ hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu đặt ra đầu năm. Lợi nhuận trước thuế giảm 55 tỷ, tương ứng giảm 11%, từ 481 tỷ xuống 426 tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 331 tỷ đồng, giảm 8%, tương ứng với EPS đạt hơn 4,900 đồng.

Doanh thu không đạt kế hoạch do sản lượng tiêu thụ lốp Radial không như dự kiến

Năm 2014 CSM không hoàn thành kế hoạch doanh thu 3,350 tỷ đồng do đóng góp từ lốp radial thấp hơn kế hoạch ban đầu và giá bán bình quân giảm.

Trong quý 2 CSM đã giới thiệu ra thị trường đợt sản phẩm Radial mẫu đầu tiên và chính thức đưa nhà máy vào sản xuất kể từ đầu quý 3 với kỳ vọng sẽ tiêu thụ được khoảng 50,000 lốp trong năm 2014. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ thực tế chậm hơn dự kiến. Trong quý 3 CSM chỉ tiêu thụ được khoảng 12,000 lốp và quý 4 tiêu thụ khoảng 14,000 lốp.

Biên lãi gộp giảm do chi phí khấu hao nhà máy lốp Radial

Biên lãi gộp của CSM năm 2014 là 26%, giảm so với mức 26.7% đạt được trong năm 2013 do sản lượng tiêu thụ lốp Radial trong giai đoạn đầu của nhà máy còn thấp, chi phí khấu hao trên mỗi sản phẩm cao. Tuy vậy nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm nên mức độ sụt giảm của biên lãi gộp được giảm bớt. Chúng tôi cho rằng nếu loại bỏ ảnh hưởng của việc đưa vào tiêu thụ lốp radial, biên lãi gộp của CSM trong năm 2014 vẫn cải thiện đáng kể nhờ giá cao su tự nhiên và giá dầu giảm

 

Lợi nhuận sau thuế giảm do chi phí bán hàng và lãi vay tăng

Mặc dù lợi nhuận gộp của CSM năm 2014 chỉ giảm 1.4% so với năm 2013 nhưng lợi nhuận trước và sau thuế giảm mạnh hơn (lần lượt giảm 11% và 8%) là do chi phí bán hàng và chi phí lãi vay tăng mạnh.

Chi phí bán hàng năm 2014 tăng 37% từ mức 97.1 tỷ cùng kỳ lên 133.2 tỷ do công ty đẩy mạnh quảng cáo và tăng khuyến mãi nhằm đẩy mạnh bán hàng trong và ngoài nước.

Chi phí lãi vay năm 2014 tăng 33% từ mức 40.6 tỷ cùng kỳ lên 54 tỷ do việc đưa dự án nhà máy lốp Radial vào hoạt động chính thức trong Quý 3 dẫn đến việc chi phí lãi vay trong 6 tháng cuối năm không còn được vốn hoá vào chi phí dự án.

Mặc dù vậy, chi phí tài chính năm 2014 của CSM vẫn giảm 28% từ mức 102 tỷ cùng kỳ xuống còn 73.4 tỷ do năm 2013 công ty có khoản chi phí tài chính phát sinh do bán cổ phiếu cao su Phước Hoà (giá vốn).

Chưa hoàn tất việc chuyển nhượng dự án 09 Nguyễn Khoái

Năm 2014, HĐQT CSM đã thông qua nghị quyết về việc thoái vốn tại 2 dự án 09 Nguyễn Khoái và 504 Nguyễn Tất Thành. Do có sự thay đổi trong thiết kế kỹ thuật tại dự án 09 Nguyễn Khoái, quá trình bán dự án này cho Novaland mất nhiều thời gian hơn dự kiến. CSM phải chờ phê duyệt chính thức trước khi có thể ghi nhận lợi nhuận của thương vụ này. Lợi nhuận dự kiến từ việc thoái vốn khỏi dự án này là 70 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ được ghi nhận trong năm 2015.

Triển vọng kinh doanh 2015

Theo Công ty chứng khoán HSC, năm 2015, CSM đặt kế hoạch doanh thu 3,560 tỷ đồng (tăng trưởng 12%) và lợi nhuận trước thuế (không tính lợi nhuận từ dự án bất động sản) là 405 tỷ đồng (giảm 4%).

Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận giảm do (1) chi phí khấu hao từ nhà máy mới và chi phí lãi vay sẽ được ghi nhận cả năm (6 tháng đầu năm 2014 CSM vẫn chưa trích khấu hao cho nhà máy Radial và lãi vay vẫn được vốn hoá vào chi phí dự án); (2) công suất hoạt động của nhà máy nhiều khả năng sẽ vẫn dưới mức hòa vốn; (3) chi phí bán hàng & quản lý tăng do công ty đầu tư tiếp thị các sản phẩm lốp radial.

CSM dự kiến đạt doanh thu xuất khẩu là 1,213 tỷ đồng, tăng trưởng 27% và đóng góp 34% vào doanh thu (năm 2014 là 30%) nhờ sản lượng lốp radial tăng.

Ngày 9/1/2015 vừa qua, CSM đã chính thức ký kết hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm lốp bố thép, thương hiệu Casumina Radial sang thị trường Mỹ với Công ty US TIREX. Ngay sau lễ ký kết, hai bên đã ký một hợp đồng thương mại, theo đó 8 container lốp xe bố thép Casumina Radial sẽ được xuất sang Mỹ trong tháng 1/2015. Dự kiến tổng lượng lốp toàn thép Casumina Radial xuất khẩu sang thị trường Mỹ đến cuối năm 2015 là 200,000 chiếc, tương đương 57 triệu USD.

Chúng tôi cho rằng đây là thông tin rất tích cực đối với CSM. Nếu sản lượng xuất khẩu đạt đến con số dự kiến (200,000 lốp), biên lợi nhuận của sản phẩm lốp radial trong năm 2015 sẽ được cải thiện do vượt qua điểm hoà vốn giai đoạn 1 của dự án (khoảng 180,000 lốp/năm). Bên cạnh đó, việc giá cả nguyên liệu đầu vào đang giảm do giá dầu giảm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho biên lãi gộp của công ty trong năm 2015.

Trên quan điểm thận trọng, chúng tôi dự kiến năm 2015 CSM sẽ tiêu thụ được khoảng 130,000 - 150,000 lốp Radial. Tổng doanh thu dự kiến đạt 3,900 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 317.6 tỷ đồng (không tính đến lợi nhuận từ thoái vốn bất động sản), giảm 4% so với năm 2014, tương ứng với EPS đạt 4,720 đồng/cổ phiếu. PE Forward so với giá đóng cửa ngày 27/01/2015 là 8.8 lần, khá hấp dẫn. 

Nguồn: Analyst Phan Minh Đức, VFS Research

Tags:

Stocks

Thị trường sẽ vào giai đoạn phân hóa

by finandlife26/02/2014 16:00

Sau khi thị trường vượt đỉnh hộp hôm 12/2/14, VNIndex tiếp tục ghi nhận sự tăng điểm. Nhưng quá trình tăng điểm này bắt đầu gian nan hơn trước và phiên kỷ lục mới về khối lượng giao dịch ngày 20/2/14 là một hồi chuông cảnh báo cho xu hướng phân hóa sắp tới.

 

Vậy phải làm thế nào trong thời gian tới?

Thị trường chứng khoán như 1 dòng suối, chảy qua rồi thì hãy chấp nhận nó đã qua. Tâm lý của nhà đầu tư rất khó lý giải, và nó cũng chính là cái nét hay, tạo nên thị trường với muôn màu sắc thái. Rất nhiều nhà đầu tư có chút tiếc nuối khi nhìn lại lịch sử tăng giá 2 tháng vừa qua của thị trường, họ bắt đầu điệp khúc “giá như…”, giá như tôi cầm hết nhà cửa để mua cổ phiếu 2 tháng trước thì giờ này tôi đã sung sướng rồi.

Nhưng các bạn đừng làm liều nhé, nếu nhìn vào quá khứ oai hùng đó mà phát họa tương lai sắp đến tương tự như vậy có thể sẽ phải trả giá.

Thị trường đang tiếp cận mốc tâm lý nhạy cảm ở 600 điểm, qua mốc này thị trường có thể sẽ phân hóa mạnh. Mà cuộc chơi trong thời phân hóa sẽ là cuộc chơi của người chuyên nghiệp. Các bạn cứ để ý mà xem. Không giống như thời điểm tôi viết bài VN-Index vẫn đang "vật lộn" ở vùng gần thấp nhất lịch sử, P/E sàn Thành phố Hồ Chí Minh đã lên mức hơn 14 lần, đang cao hơn mức trung bình của lịch sử và không còn rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do vậy, muốn tăng mạnh nữa, phải có những tin tức cực kỳ shock và dòng tiền vào cực kỳ khỏe.

Nếu không có hai nhân tố trên, thời kỳ phân hóa sẽ diễn ra trong thời gian tới. Khá nhiều nhà đầu tư đang nói đến nhóm ngành, nhưng tôi cho rằng “nhóm cổ phiếu đã gặp khó khăn trong khủng hoảng và đang phục hồi trở lại” mới chính là nhóm tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 2014.

Danh sách những cổ phiếu cải thiện kinh doanh và tài chính liên tục 8 quý gần nhất có những cái tên rất quen thuộc như: PPC, CSM, DQC, LAF, S74…

Danh sách những cổ phiếu cải thiện mạnh kinh doanh và tài chính so với cùng kỳ năm trước có những cổ phiếu như: VHG, TCM, KLS, SCL…

Muốn tìm hiểu thêm, mời inbox vào hộp thư admin@finandlife.com

 

Nguồn: finandlife

 

Tags: , , , ,

Psychology | StockAdvisory

Phân tích và khuyến nghị CSM

by finandlife13/02/2014 09:03

Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (CSM) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 4 với kết quả kinh doanh năm 2013 tăng trưởng ấn tượng. Mặc dù doanh thu thuần chỉ tăng trưởng nhẹ so với năm trước do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm, nhưng công ty vẫn có được lợi nhuận tăng trưởng đột biến nhờ giá cao su nguyên liệu giảm, tỷ giá ổn định và chi phí lãi vay giảm.

Dự báo năm 2014, doanh thu của công ty sẽ tăng khoảng 20% nhờ tiêu thụ sản phẩm mới của dự án nhà máy sản xuất lốp Radial. Lợi nhuận sau thuế có thể sụt giảm do doanh thu từ sản phẩm mới chưa đủ bù đắp chi phí lãi vay và khấu hao. Chúng tôi cho rằng, với dự án này, tiềm năng tăng trưởng của CSM trong trung và dài hạn là khá tích cực

Cuối cùng, các phương pháp định giá của chúng tôi cho kết quả giá cổ phiếu CSM trên thị trường đang ở mức khá sát với giá trị thực.

Kết quả kinh doanh 2013 ấn tượng

Công ty cổ phần Cao su miền Nam (CSM)  vừa công bố báo cáo tài chính Quý 4 với kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu thuần đạt 801.2 tỷ đồng, tăng 5.1% so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh công tác bán hàng, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Giá cả nguyên liệu, vật tư ổn định giúp giá vốn chỉ tăng 4.6%, lợi nhuận gộp đạt 218.6 tỷ đồng, tăng 6.52% so với cùng kỳ. Trong kỳ chi phí tài chính giảm mạnh (-56%) chủ yếu do chi phí lãi vay và chiết khấu thanh toán giảm, trong khi doanh thu tài chính tăng 16.7 tỷ đồng do trong kì công ty thoái vốn cổ phiếu Cao su Phước Hoà. Cùng với việc kiểm soát tốt chi phí bán hàng, chi phí quản lý, CSM đạt 140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 56.4% so với Quý 4/2012.

Luỹ kế cả năm 2013, CSM đạt 3,133.8 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ tăng gần 3% so với năm 2012 và đạt 96.4% kế hoạch đặt ra đầu năm. Giá nguyên liệu cao su sụt giảm giúp giá vốn giảm 1.73% đạt 2,296.4 tỷ đồng, lãi gộp tăng đến 18.4% đạt 837.4 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng trong khi chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay sụt giảm mạnh, chi phí bán hàng đươc kiểm soát tốt… nên mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30%, kết quả lợi nhuận trước và sau thuế của công ty vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt 481.4 tỷ đồng, tăng 42.7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 360.6 tỷ đồng, tăng 42%, vượt 75% kế hoạch đặt ra đầu năm.

Uy tín thương hiệu, thị phần rộng lớn

Hiện nay, Casumina là doanh nghiệp săm lốp chiếm thị phần cao nhất cả nước với khoảng 33% thị phần. DRC đứng thứ 2 với khoàng 25%, SRC đứng thứ 3 với khoảng 10%. 32% còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài và một số doanh nghiệp trong nước khác. Trong đó, CSM vượt trội trong phân khúc săm lốp xe máy. DRC chiếm lĩnh thị trường lốp xe tải nặngvà chuyên dụng. SRC có thế mạnh về lốp xe đạp. Xét riêng săm lốp ô tô và xe máy, CSM chiếm 25% thị phần săm lốp ô tô và 35% thị phần săm lốp xe máy trên phạm vi cả nước. Điều này cho thấy vị thế khá vững chắc của CSM trong ngành, giúp CSM duy trì được khả năng cạnh tranh cao trên thị trường hiện nay.

 

Với hơn 35 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất săm lốp, thương hiệu Casumina đã và đang trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Hiện tại, công ty có hơn 200 đại lý cấp I và đã xây dựng mạng lưới tiêu thụ thông qua các nhà phân phối tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ để quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Trong cơ cấu doanh thu hàng năm của CSM, tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 22-25%, tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 75-80%. Mục tiêu đến năm 2015, doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm khoảng 35% tổng doanh thu của công ty.

Doanh thu tăng trưởng ổn định

Doanh thu của CSM tăng trưởng tương đối ổn định từ năm 2007 đến nay với tốc độ tăng trưởng bình quân CAGR 8.2%/năm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu của CSM có xu hướng chậm lại kể từ năm 2009 do năng lực hoạt động đang dần đạt tối đa công suất thiết kế. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 3 – 4% trong 2 năm 2012 và 2013 là đáng ghi nhận trong bối cảnh tổng cầu và sức mua trong nước sụt giảm, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Chúng tôi cho rằng, bắt đầu từ năm 2014, doanh thu của CSM sẽ có sự cải thiện đáng kể nhờ dự án lốp Radial toàn thép sắp sửa hoàn thành và đi vào hoạt động trong Quý I/2014.

Săm lốp ô tô và xe máy là hai sản phẩm chủ lực của Casumina từ khi thành lập đến nay. Săm lốp ô tô chiếm khoảng 45 – 51% doanh thu thuần và 45 – 55% lợi nhuận gộp của CSM hàng năm. Trong khi đó, săm lốp xe máy chiếm khoảng 35 – 41% doanh thu thuần và 35 – 40% lợi nhuận gộp.

Nguyên liệu đầu vào chuyển biến tích cực

Nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm của công ty bao gồm: Cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp, vải mành, than đen, thép tanh và một số loại hóa chất khác. Trong đó chỉ có cao su thiên nhiên công ty mua trong nước, còn lại hầu hết các nguyên vật liệu khác (chiếm khoảng 60% chi phí nguyên liệu) công ty phải nhập khẩu. Các nguyên vật liệu này chiếm đến 60 – 65% giá thành sản phẩm. Do đó, biến động giá nguyên vật liệu (đặc biệt là giá cao su) và tỷ giá ảnh hưởng đáng kể đến chi phí giá thành, biên lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của công ty.

Năm 2010 – 2011, nhu cầu tăng cao ở các nước tiêu thụ chủ yếu như Trung Quốc, Hàn Quốc, EU khiến giá cao su thiên nhiên tăng cao. Cùng với việc tỷ giá trong nước  tăng mạnh khiến biên lãi gộp và hiệu quả hoạt động của công ty sụt giảm. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, giá cao su liên tục giảm trong khi tỷ giá ít biến động giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận và hiệu quả hoạt động.

Dự báo giá cao su thiên nhiên thời gian tới sẽ chỉ biến động trong biên độ hẹp do nguồn cung vẫn ở mức cao giúp công ty tiếp tục có được lợi nhuận khả quan.

Nhà máy radial bắt đầu hoạt động năm 2014

Dự án Nhà máy sản xuất lốp Radial toàn thép công suất 1,000,000 lốp/năm được công ty bắt đầu đầu tư từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 3,500 tỷ đồng hiện đang được công ty gấp rút hoàn thành giai đoạn 1 (công suất 350,000 lốp/năm).

Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này dự kiến khoảng 2,000 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối năm 2013, CSM đã giải ngân 1,100 tỷ đồng cho dự án này. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và chạy thử trong Quý 1/2014. Từ đầu Quý 2/2014 sản phẩm mới sẽ bắt đầu được tiêu thụ trên thị trường. Sản lượng tiêu thụ dự kiến trong năm 2014 là 175,000 lốp (50% công suất thiết kế giai đoạn 1) tương đương trên 800 tỷ đồng doanh thu.

Chúng tôi cho rằng, với uy tín thương hiệu, thị phần và những đặc tính ưu việt so với lốp Bias thông thường, sản phẩm lốp Radial của công ty sản xuất ra sẽ được thị trường đón nhận tích cực. Doanh thu năm 2014 có thể tăng trưởng 20% nhờ tiêu thụ sản phẩm mới này.

Tuy nhiên, thời gian đầu nhà máy hoạt động, doanh thu tiêu thụ sản phẩm có thể không đủ bù đắp chi phí khấu hao và lãi vay. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến biên lợi nhuận của công ty trong ngắn hạn.

Xu hướng hiện nay trên thế giới đang chuyển dần từ việc sử dụng các sản phẩm lốp Bias sang lốp Radial. Trong khi đó sản phẩm lốp Radial tiêu thụ ở Việt Nam hiện chủ yếu là nhập khẩu (đầu Quý 4/2013 có thêm sản phẩm lốp radial của DRC tuy nhiên sản lượng không đáng kể). Đặc biệt mức độ cạnh tranh ở phân khúc lốp ô tô tải Radial hiện tại tương đối thấp do các doanh nghiệp sản xuất lốp xe nước ngoài tại Việt Nam như Kumho… chủ yếu sản xuất lốp radial cho xe con và phục vụ thị trường xuất khẩu. Do đó, chúng tôi cho rằng dự án này sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng cao cho CSM trong trung và dài hạn.

Gánh nặng vay nợ

Để đầu tư cho dự án lốp Radial, CSM phải vay thương mại khoảng 2,200 tỷ đồng. Điều này sẽ dẫn đến gánh nặng vay nợ cao cho công ty trong thời gian tới (Lãi vay VNĐ dài hạn khoảng 11%/năm, lãi vay USD dài hạn khoảng 5%/năm). Tính đến thời điểm cuối năm 2013, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản và nợ vay trên tổng tài sản của CSM là 0.58 và 0.43, tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2012. Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng nợ cũng giảm dần do công ty chủ yếu vay nợ dài hạn để tài trợ cho dự án. Số dư vay nợ dài hạn đến thời điểm 31/12/2013 của công ty là 813 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn là 444.3 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay năm 2013 giảm mạnh 47% so với năm 2012 tương đương gần 37 tỷ đồng do lãi vay giảm. Tuy nhiên, chi phí tài chính chỉ giảm 8% tương đương 8.6 tỷ đồng do công ty gia tăng các khoản chiết khấu thanh toán trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm. Thời gian tới, chi phí lãi vay cho dự án Radial sẽ là gánh nặng  cho công ty, đặc biệt trong giai đoạn đầu của dự án. 

Chi phí quản lý tăng mạnh

Chi phí quản lý (chủ yếu là chi phí nhân viên quản lý) năm 2012 – 2013 tăng khá mạnh so với các năm trước, chiếm 5 – 7% tổng doanh thu của công ty (khá cao so với mức 2 – 3% của DRC) đẩy tổng chi phí hoạt động lên mức 13 – 14% tổng doanh thu, cao hơn so với mức 8 – 9% của năm 2010 – 2011.

Biên lợi nhuận có thể sụt giảm trong ngắn hạn

Có thể thấy biên lãi gộp của công ty tương quan khá chặt chẽ với biến động giá cao su tự nhiên. Năm 2011, giá cao su đạt đỉnh khiến biên lãi gộp chỉ đạt 9%. Năm 2012 – 2013 giá cao su giảm giúp biên lãi gộp cải thiện mạnh ở mức 23% và 27%.

Chúng tôi cho rằng, giá cao su thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2014, chi phí khấu hao của nhà máy sản xuất lốp Radial sẽ làm giảm biên lãi gộp của công ty đặc biệt trong giai đoạn đầu của dự án (sản lượng tiêu thụ chưa đạt mức hoà vốn). 

Tổng tài sản tăng nhanh trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư trong khi doanh thu tăng trưởng chậm lại khiến hiệu suất sử dụng tài sản của CSM sụt giảm. Tuy nhiên với việc biên lãi gộp tăng mạnh, các chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn của CSM được cải thiện đáng kể và ở mức cao so với các doanh nghiệp cùng ngành trong năm 2012 – 2013.

Năm 2014, biên lợi nhuận có thể sụt giảm do gánh nặng lãi vay và chi phí khấu hao. Tuy nhiên với việc tiêu thụ sản phẩm mới lốp Radial, doanh thu của CSM sẽ cải thiện đáng kể. Điều này sẽ giúp công ty tiếp tục có được tỷ suất sinh lời trên vốn cao.

So sánh với doanh nghiệp cùng ngành

So với các doanh nghiệp săm lốp nội địa đang niêm yết, các chỉ số ROE và ROA của CSM năm 2013 nhỉnh hơn so với DRC và vượt trội so với SRC do năm 2013 DRC đã bắt đầu gánh chịu chi phí lãi vay và khấu hao cho dự án lốp Radial.

Với hoạt động ổn định, tiềm năng tăng trưởng và tỷ suất sinh lời cao hơn, cổ phiếu DRC và CSM đang được thị trường định giá khá cao so với cổ phiếu SRC, thể hiện ở chỉ số PE & PB của 3 doanh nghiệp này.

Lợi nhuận năm 2014 có thể sụt giảm

Chúng tôi cho rằng, nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động đúng tiến độ trong năm 2014 giúp công ty tiêu thụ được khoảng 125 – 150 ngàn lốp Radial. Doanh thu của công ty năm 2014 sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2013 đạt 3,761 tỷ đồng. Chi phí khấu hao và lãi vay cho dự án sẽ làm giảm biên lãi gộp về khoảng 22%. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt khoảng 243.1 tỷ đồng, giảm 32.6% so với năm 2013.

Định giá tương đối hợp lý

Mô hình định giá theo phương pháp FCFF của chúng tôi (tốc độ tăng trưởng dài hạn 5%/năm, chi phí sử dụng vốn bình quân WACC 17.28%) cho kết quả giá trị cổ phiếu CSM ở mức 40,714 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 2% so với giá đóng cửa ngày 07/02/2014.

Trong khi đó, phương pháp định giá so sánh tương đối PE (trung bình các công ty cùng ngành trong khu vực) cho kết quả cao hơn ở mức 47,496 đồng/cổ phiếu, cao hơn 14.4% so với giá đóng cửa ngày 07/02/2014.

Giá trị cổ phiếu CSM khi kết hợp cả 2 phương pháp định giá này theo tỷ trọng 50:50 là khoảng 44,105 đồng, cao hơn 6.3% so với giá đóng cửa ngày 07/02/2014.

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags: , , ,

Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu