Thị trường đang giảm điểm thái quá

by finandlife24/08/2015 17:50

Tiếp nối đà giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán Mỹ cuối tuần trước, chứng khoán toàn Châu Á chứng kiến sự sụt giảm khủng khiếp trong phiên hôm nay, Hang Seng đã có lúc giảm >8%, Nikkei giảm gần 5% vào cuối giờ chiều.

Bất ổn vĩ mô Trung Quốc, căng thẳng Liên Triều, cộng hưởng với giá dầu suy giảm và ngày tăng lãi suất của FED đến gần là những tin xấu chủ đạo.

Trong nước, chúng ta đã chuyển từ giai đoạn ổn định vĩ mô sang giai đoạn bất ổn kể từ sau quyết định phá giá VND mạnh, ngoài dự kiến của SBV. Đây là kết quả không sớm thì muộn khi PBoC phá giá sốc đồng CNY trước đó. Ngay sau quyết định này, chúng tôi đã có những cảm nhận ban đầu và đã lưu lại ở bài Ảnh Hưởng Phá Giá CNYỔn ngắn, bất ổn dài. Tuy đã lường trước những bất lợi sẽ xảy đến với thị trường chứng khoán, nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ về mức độ nhanh và nguy hiểm. Chỉ 1 tháng trước, chúng ta vẫn còn vui vẻ với con sóng của ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, VNIndex biến động quanh mốc 630, thì nay, chỉ số đã bốc hơi >100 điểm, các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đã rớt giá 20%.

Liệu có thái quá?

Sau giai đoạn chủ động bán bớt cổ phiếu khi thị trường rơi vào giai đoạn tin tức tiêu cực, giá cả của nhiều cổ phiếu đã về vùng nhạy cảm. Những tài khoản có tỷ lệ vay nợ cao rơi vào tình trạng nguy hiểm, các công ty chứng khoán buộc phải bán bớt cổ phiếu để đảm bảo an toàn. Hoạt bán bớt cứ thế tiếp diễn và giá cổ phiếu cứ thế rớt cho đến làn sóng cắt giảm margin trên diện rộng đẩy thị trường rơi vào cảnh hoản loạn. Cảnh hoản loạn đó đã diễn ra trong 3 phiên giao dịch vừa qua.

Với nhiều người có tỷ lệ đòn bẩy cao, đây là thảm họa, nhưng đối với những nhà đầu tư yêu thích triết lý "hãy tham lam khi người khác sợ hãi" thì đây là cơ hội mua 1 Đô la với giá 50 Cent. Rất nhiều cổ phiếu khó mua trước đây vì giá cả đắc đỏ, nay dư bán với khối lượng lớn, trong đó có rất nhiều blue chips chất lượng. Chúng tôi cho rằng thị trường đang phản ứng thái quá, nhịp hồi ngắn hạn đang rất gần, vì:

Nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng 180 tỷ trong phiên hôm nay.

Lượng bắt đáy khá cao cho thấy sức cầu vùng giá thấp khá tốt.

Chỉ số đo sức mạnh tương đối (RSI) về mức 20.7 cho thấy tình trạng bán thái quá của thị trường.

VNIndex đã về vùng hỗ trợ mạnh của trendline dài hạn từ đầu 2014.

Chỉ số đo mức độ tham lam/sợ hãi đã về vùng khủng khiếp, vùng thấp nhất kể từ biến cố biển đông, giàn khoan HD981 vào tháng 05/2014. Theo nghiên cứu của chúng tôi, đây là vùng mà diễn biến bán ra mang yếu tố bắt buộc (margin call) hoặc do tâm lý hoản loạn thái quá. Thông thường lượng cung này khá giới hạn và một khi lực cầu hấp thụ đủ tốt, thị trường sẽ tạo đáy và nảy mạnh lên sau đó.

Cuối cùng, định giá cổ phiếu đang rất rẻ so với lịch sử, chúng ta chỉ phải trả 11 lần thu nhập doanh nghiệp để sở hữu cổ phiếu, so với mức trung bình 13.7 lần và mức >16 lần của tháng 9/2014.  

 

Tóm lại, thị trường diễn biến giảm khớp với những thông tin kinh tế bất lợi, nhưng mức độ và thời gian suy giảm là quá nhanh và có phần thái quá. Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư yêu thích rủi ro có thể mua vào cổ phiếu cho một nhịp pull back ngắn hạn sắp tới, những nhà đầu tư lâu dài cũng nên tranh thủ mua vào cổ phiếu tốt mục tiêu với giá đang sale off.

Nguồn: finandlife

Tags:

Psychology | StockAdvisory

Thống kê kết quả kinh doanh quý 2 năm 2015

by finandlife24/08/2015 09:58

KẾT QUẢ KINH DOANH CHUNG

Kết quả sản xuất kinh doanh chung trong quý 2 năm nay của các công ty niêm yết ghi nhận sự đột phá rất ấn tượng về lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu thuần của 581 công ty công bố báo cáo tài chính quý 2 đạt 244,000 tỷ đồng, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ, thì tổng lợi nhuận sau thuế lại đạt mức 23,443 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ quý 2/2014. Trong khi phần lớn các công ty này có lợi nhuận chung giảm gần 1% ngay trong quý 1/2015 vừa qua, thì mức tăng 63% quý này có thể nói là rất ấn tượng.

Về doanh thu, GAS vẫn là công ty có doanh thu quý 2 lớn nhất với mức 15,780 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù ảnh hưởng suy giảm từ GAS là không nhỏ, nhưng nhóm các công ty lớn đứng ngay sau GAS lại tăng trưởng rất tốt trong kỳ này, đáng chú ý nhất là bộ tứ: VNM, HPG, MSN và MWG với tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 14% đến 66%.

Quý 2 năm nay, biên lợi nhuận của các công ty niêm yết nhìn chung được cải thiện rất tích cực. Lợi nhuận gộp của 581 công ty đạt gần 43,000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp đã mở rộng đáng kể từ  16% trong quý 2/2014 lên gần 18% trong quý 2 năm nay.

 

Đóng góp đáng kể vào mức tăng lãi gộp chung phải kể đến đầu tiên là VNM. Quý 2 năm nay, dù doanh thu chỉ tăng 14%, nhưng nhờ giá sữa nguyên liệu đầu vào giảm, VNM đã cắt giảm được 8% chi phí nguyên liệu, giúp lãi gộp của công ty tăng vọt gần 40% so với cùng kỳ và đóng góp nhiều nhất cho lãi gộp chung của các công ty niêm yết. 

Trong kỳ này, mặc dù lãi gộp chung của các công ty niêm yết chỉ tăng 19% so với cùng kỳ quý 2/2014, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng đến 63%. Nguyên nhân chính lại đến từ cái tên KDC chứ không phải đến từ sữa của VNM hay bò của HAG. Quý 2 năm nay, KDC chính thức chuyển nhượng 80% BKD và ghi nhận một khoản doanh thu tài chính lên đến gần 6,600 tỷ đồng, làm lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt lên đến  8,254% so với cùng kỳ, đạt mức 5,123 tỷ đồng – lớn gấp 2 lần lợi nhuận sau thuế của GAS. Một số công ty khác có lợi nhuận sau thuế lớn và tăng trưởng cao như   VNM, HPG, HAG, CII, MSN… cũng góp đã phần không nhỏ để cùng KDC giúp lợi nhuận chung của các công ty niêm yết đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong kỳ này: đạt 23,443 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ quý 2/2014, bất chấp lợi nhuận sau thuế của “ông lớn” GAS suy giảm ở mức kỷ lục: -20%.

Như vậy, KDC và GAS là hai công ty ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả chung của các công ty niêm yết trong kỳ này. Quy mô rất lớn của GAS và sự đột biến của KDC đã làm thay đổi đáng kể kết quả chung của 581 công ty. Nếu loại bỏ hai công ty này. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong kỳ này của 579 công ty lần lượt đạt 204,600 tỷ đồng và 11,130 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11% và 41% so với cùng kỳ quý 2/2014.

 

Ngay cả khi loại bỏ hai công ty trên, mức tăng lợi nhuận trong kỳ này vẫn ở mức khá cao: 41%. Với con số tăng trưởng này, có thể nói, các doanh nghiệp niêm yết đã có kết quả kinh doanh rất tốt trong quý 2 năm nay.

CƠ CẤU CHI PHÍ

Ở khía cạnh cơ cấu chi phí, 581 công ty niêm yết kỳ này có tổng giá vốn hàng bán trong kỳ đạt 201,000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ quý 2 năm trước, thấp hơn mức tăng 9% của tổng doanh thu trong kỳ. GAS vẫn là công ty có giá vốn lớn nhất: 12,000 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí bán hàng chung của các công ty niêm yết kỳ này đạt mức 10,500 tỷ đồng, tăng khá cao so với mức 9,100 tỷ đồng của năm trước. Ba công ty có mức tăng chi phí bán hàng đáng kể là FPT, MSN và VNM với mức tăng trung bình lên đến 45%.

Trong khi chi phí bán hàng tăng đáng kể thì chi phí quản lý doanh nghiệp của các công ty trong kỳ này lại chỉ tăng 3%, từ mức 8,700 tỷ của quý 2/2014, chi phí quản lý doanh nghiệp quý 2/2015 đạt gần 9,000 tỷ đồng, chỉ tăng 3%. FPT và BVH là hai công ty có chi phí quản lý lớn nhất, tổng chi phí quản lý của riêng hai công ty này lên đến 1,000 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng chi phí quản lý chung của 581 công ty niêm yết, cũng chính hai công ty này là nguyên nhân chủ yếu làm chi phí quản lý chung giảm tốc: So với cùng kỳ năm trước, FPT và BVH có chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này giảm gần 18%.

Chi phí quản lý tăng chậm làm chi phí vận hành chung (SG&A cost) của các công ty kỳ này chỉ tăng 9.5%, không cao hơn bao nhiêu so với tốc độ tăng của doanh thu chung.

Chi phí tài chính chung của các công ty niêm yết trong quý 2 năm nay giảm nhẹ 0.6% so với cùng kỳ quý 2 năm trước.

THỐNG LÊ SỐ LƯỢNG CÔNG TY LÃI/LỖ

Quý 2 năm nay, trong tổng số 581 công ty niêm yết được thống kê, có 506 công ty kinh doanh có lãi, chiếm 87%. Dù số lượng công ty kinh doanh có lãi chỉ tăng 1%, nhưng số lãi bình quân lại đạt mức 45 tỷ đồng/công ty, tăng mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm trước.

 

Ở chiều ngược lại, trong quý 2 năm nay, số lượng công ty thua lỗ là 75 công ty, dù chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng mức lỗ và mức thua lỗ bình quân lại giảm mạnh so với cùng kỳ quý 2/2014: Tổng mức lỗ kỳ này đạt 840 tỷ, giảm 26%; mức lỗ bình quân chỉ còn 11 tỷ/công ty, giảm 23% so với con số lỗ bình quân 14 tỷ của quý năm trước.

Như vậy, qua thống kê số lượng và mức thua lỗ/lời lãi của các công ty niêm yết kỳ nãy cũng đã phản ánh một tình hình kinh doanh tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước 

Nếu như quý 1/2015, ngành thép vẫn duy trì được ví trí số 1 về quy mô doanh thu, thì đến quý 2 năm nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu lên đến 20% đã giúp ngành thực phẩm vươn lên vị trí số 1. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu chỉ ở mức 3%, ngành thép tụt lại vị trí số 2. Ngành xây dựng kỳ này nhờ doanh thu của CTD và PVX tăng ở mức khá cao đã giúp ngành tăng trưởng 19% so với cùng kỳ quý 2 năm trước.

 

Về lợi nhuận sau thế, với đóng góp rất lớn của KDC và VNM, nhóm ngành thực phẩm vươn lên vị trí số 1 về quy mô lợi nhuận với tổng mức gần 7,900 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ quý 2 năm trước. Với con số tăng trưởng ấn tượng này, quy mô lợi nhuận của ngành thực phẩm đã bỏ xa quy mô lợi nhuận của ngành phân phối xăng dầu & khí đốt vốn chiếm giữ vị trí số 1 bấy lâu nay bởi sự đóng góp của GAS.

 

Thống kê 10 ngành có tổng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao nhất trong quý 2 năm nay cho thấy: Cũng như quý 1 vừa qua, ngành ô tô vẫn chiếm giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận: Dù ngành này chỉ có 6 công ty: HHS, TMT, HTL, SVC, HAX, CMC nhưng lợi nhuận sau thuế quý 2 năm nay đạt gần 350 tỷ đồng, tăng gấp 8.5 lần so với quý 2/2014.

Với tốc độ tăng trưởng lần lượt ở mức 356% và 74% của CII và CTD, ngành xây dựng nói chung đã có được mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 460% so với quý 2/2014.

Ngành sản xuất và phân phối điện kỳ này cũng góp mặt trong top 5 ngành có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu đến từ PPC và NT2. Trong số 16 công ty cùng ngành thì riêng PPC và NT2 đã có lợi nhuận sau thuế đạt 440 tỷ đồng, chiếm 52% tổng lợi nhuận sau thuế của cả ngành và tăng trưởng gần 3,000% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nguồn: VFS Research

Tags: ,

Economics

Đọc giúp bạn|Một số vấn đề kinh tế Trung Quốc đang đối mặt

by finandlife24/08/2015 09:43

Vũ Quang Việt

Thứ Bảy,  22/8/2015, 07:57 (GMT+7)

(TBKTSG) - Kinh tế Trung Quốc đang phải đối phó với nhiều vấn đề khó khăn vừa ngắn hạn vừa dài hạn. Việc phải giải quyết và những vấn đề này cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như trước đây.

Thời hoàng kim đã qua, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng. Hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc thời gian qua cho thấy thay vì làm thị trường tin tưởng thì họ lại can thiệp thô bạo vào thị trường.

Tình hình kinh tế Trung Quốc có thể tóm tắt như sau:

- Trước tiên cần lưu ý là hộ gia đình ở Trung Quốc có tỷ lệ để dành rất lớn, lên đến 50% thu nhập, vì người dân phải tự lo cho tương lai khi về già, do chính sách chỉ có một con và do không có chính sách hưu trí cho những người không phải là nhân viên nhà nước. Tiền để dành này chủ yếu gửi ngân hàng với lãi suất rất thấp, nhiều khi thấp hơn lạm phát.

- Doanh nghiệp Trung Quốc đang gánh núi nợ rất lớn. Tỷ lệ nợ (gồm tín dụng ngân hàng và trái phiếu) trên GDP lên đến 280%, mà chủ yếu là nợ của doanh nghiệp.

Nguyên nhân nợ cao là do chính phủ đẩy mạnh cấp tín dụng cho doanh nghiệp và địa phương nhằm nâng cao tốc độ tăng GDP khi thế giới khủng hoảng từ những năm 2008. Báo The New York Times và The Wall Street Journal cho rằng tỷ lệ nợ của Trung Quốc đã lên đến 280-300% GDP, tức là trên 30.000 tỉ đô la Mỹ (GDP của Trung Quốc là 10.000 tỉ đô la).

Con số chắc chắn ở thời điểm năm 2013 (tín dụng + trái phiếu) - đã kiểm chứng dựa vào thông tin của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - là 220%. Do nợ cao như thế, số tiền chi trả lãi cũng cao.

- Năng suất lao động của Trung Quốc đã giảm và tiếp tục giảm. Trước đây đầu tư 3 đồng thì tạo ra 1 đồng. Bây giờ cần 4,9 đồng mới tạo ra 1 đồng như vậy.

Lương ở Trung Quốc đã tăng cao so với các nước khác, mỗi năm tăng hơn 10% trong 10 năm qua. Riêng ngành dệt, giá thành sản phẩm của Trung Quốc đã tương đương với ở Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc đang chuyển đầu tư sang Mỹ.

Lương công nhân sẽ tiếp tục tăng vì dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc đã không tăng và sẽ giảm mạnh những năm tới. Do các yếu tố trên, Trung Quốc sẽ không thể dùng xuất khẩu để tăng trưởng nữa.

- Có sự tháo chạy của ngoại tệ khỏi Trung Quốc. 300 tỉ đô la Mỹ đã bị rút ra khỏi Trung Quốc trong vòng sáu tháng qua (theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dự trữ ngoại tệ giảm 260 tỉ đô la trong ba tháng qua). Đây là số tiền không nhỏ so với tổng dự trữ của Trung Quốc là 4.000 tỉ đô la.

Sự can thiệp thô bạo

Chính sách của Trung Quốc với thị trường chứng khoán đã không được tính kỹ. Nhằm giảm nợ của doanh nghiệp, Trung Quốc đã thúc đẩy doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu, khuyến khích người dân bỏ tiền để dành và vay để mua cổ phiếu, với mục đích là doanh nghiệp thu được vốn qua bán cổ phiếu để lấy tiền giảm nợ.

Kết quả của chính sách này là thị trường chứng khoán tăng mạnh 150% trong 12 tháng, sau đó giảm 30% (từ 2.200 điểm vào tháng 8-2014 lên đỉnh là 5.100 điểm vào tháng 6-2015 và hiện nay còn 3.700 điểm). Đáng lẽ nên coi đây là chuyện bình thường như ở các thị trường tự do khác, nhưng Trung Quốc đã làm mọi cách để ngăn cổ phiếu xuống giá. Sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào thị trường thể hiện qua các biện pháp chính: ra lệnh cấm buôn bán nhiều loại cổ phiếu; Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chi ra 1.200 tỉ đô la Mỹ cho vay để mua chứng khoán các công ty lớn.

Tuần trước, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng bạc 2% nhưng có lúc xuống tới 5%. Các nhà phân tích đưa ra hai loại ý kiến giải thích:

Trung Quốc phá giá để đẩy mạnh xuất khẩu vì xuất khẩu tháng 7-2015 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Thật ra không phải Trung Quốc phá giá mà thả lỏng kiểm soát (mỗi ngày cho phép tăng giảm 2% so với ngày hôm trước trên một giá tham chiếu có dựa vào giá đóng cửa thị trường hôm trước) nhằm tiến tới đồng tiền tự do chuyển đổi, theo yêu cầu của IMF để đồng nhân dân tệ được công nhận là đồng tiền chuyển đổi, có thể dùng làm đồng tiền dự trữ.

Phá giá như thế là nhỏ, không đủ để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng dù sao cũng phù hợp với hai mục tiêu trên -  một mũi tên bắn hai con chim như tờ báo The New York Times nhận định.

Phá giá cũng không hẳn chỉ mang đến lợi ích. Nó có thể đưa đến tác hại do khả năng tiếp tục xuống giá có thể đưa đến nạn đầu cơ, ngoại hối bỏ chạy rồi trở lại để hưởng giá cao, gây khó khăn thêm cho việc trả nợ nước ngoài (vì phải mua ngoại tệ bằng giá cao), gây lạm phát nếu không có biện pháp rút tiền về (do phải tung ra nhiều nội tệ để mua ngoại hối).

 

Nguồn: TBKTSG

Tags:

Economics

Ổn định ngắn hạn, bất ổn dài hạn

by finandlife19/08/2015 11:09

Thị trường giảm mạnh kể từ thông tin PBoC phá giá sốc đồng CNY. Cả làng chờ đợi động thái không sớm thì muộn từ SBV, rằng thì mà là sẽ phá giá đối ứng với những gì PBoC đã làm.

SBV cũng đã rất năng động khi phải thức cả đêm hôm đó để ra cái quyết định nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%, mà bản chất là phá giá 1% đồng VND. Nhưng như thế vẫn chưa thấm vào đâu so với con số gần 5% mà Trung Quốc làm mất giá đồng tiền của mình trong 3 ngày liên tiếp.

Đến hôm nay, sau 8 ngày suy nghĩ, SBV đã quyết định tăng tỷ giá tham chiếu thêm 1%, đồng thời nới thêm biên độ biến động từ +/-2% lên +/-3%. Bản chất là phá giá VND thêm 2%. Như vậy, tính từ đầu năm, đồng VND đã mất giá 5.09% so với USD, đây là một năm mà biến động vĩ mô đã trở nên quá lớn so với 2 năm ổn định trước đó.

Tác động lên thị trường chứng khoán…

Sau động thái này, SBV đã giải tỏa sự chờ đợi phá giá VND mà nhà đầu tư đã lo sợ mấy ngày qua, tin xấu trên đầu đã được gỡ xuống. Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có thể sẽ ổn định và phục hồi trở lại. Nhưng hãy thận trọng những tác động dài hạn…

Biến động vĩ mô lớn, rất có thể sẽ dẫn đến lãi suất tăng trở lại. Theo dõi diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ những ngày qua, xu hướng tăng đã bắt đầu khởi động. Với diễn biến này, rất có thể lãi suất tiết kiệm và cho vay sẽ tăng theo trong vài tháng tới. Trao đổi sơ qua với một vài lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi nhận thấy sự lo ngại của họ là yếu tố chi phí tài chính khi lãi suất tăng và sức mua giảm. Trước mắt hai yếu tố này chưa tác động ngay đến doanh nghiệp, nhưng lại là sát thủ âm thầm làm earnings suy giảm về sau.

 

Nguồn: finandlife

Tags: ,

Economics

Những Ảnh Hưởng Khi Trung Quốc Phá Giá Sốc CNY

by finandlife12/08/2015 14:41

… thị trường tài chính toàn cầu

Chỉ trong 2 ngày, Trung Quốc đã phá giá đồng CNY (NDT) đến 3.5%, mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua. Điều này đã tạo ra vô vàn xáo trộn trong diễn biến kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.

Biểu đồ 1: Biến động tỷ giá CNY/USD

Nguồn: reuters

Cổ phiếu các hãng hàng không Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh, trung bình mức giảm có lúc lên đến gần 10%. Nhà đầu tư nhận định thu nhập các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đồng NDT mất giá. Tỷ giá tăng lên làm chi phí nhiên liệu vốn dĩ được neo với USD sẽ tăng lên nhanh chóng khi quy ra NDT, khi đó, tổng chi phí của các hãng bay sẽ tăng mạnh làm giảm biên lợi nhuận và ảnh hưởng đến thu nhập của các doanh nghiệp hàng không.

Những nhà sản xuất ô tô ở những quốc gia cách xa Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Giá cổ phiếu BMW đã có lúc giảm đến 2.7% trong đêm hôm qua. Nhà đầu tư lo ngại việc NDT mất giá sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm ô tô Âu Mỹ, trong khi ô tô Trung Quốc trở nên rẻ hơn.

Biểu đồ 2: Biến động giá cổ phiếu BMW

Nguồn: reuters

Thị trường hàng hóa thế giới đã có phiên động mạnh tối hôm qua, giá dầu thô đã mất giá >3%.

Biểu đồ 3: Biến động giá dầu thô

Nguồn: reuters

Không dừng lại ở đó, Đồng NDT giảm giá đã kéo hàng loạt đồng tiền của những quốc gia có quan hệ thương mại và phụ thuộc xuất khẩu vào Trung Quốc giảm theo, trong đó, Đô Úc và Đô New Zealand có mức suy giảm rất mạnh trong ngày hôm qua, mức giảm tương ứng là 1.31% và 1.13%. 

Biểu đồ 4: Quan hệ nhập khẩu một số quốc gia vào Trung Quốc

Biểu đồ 5: Biến động tỷ giá đồng Đô la Úc

Nguồn: reuters

 

… Việt Nam

Việt Nam không đứng ngoài vòng xoáy ảnh hưởng đó. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc 15 tỷ USD, và nhập khẩu ngược trở lại từ thị trường này lên đến 43.7 tỷ USD. Tính tổng lại, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng của Trung Quốc. Do vậy, khi đồng NDT giảm giá mạnh, sẽ làm giá cả hàng hóa Trung Quốc tại Việt Nam rẻ hơn và sức mạnh cạnh tranh hàng Trung Quốc tại Việt Nam sẽ tăng lên. Nếu không có chính sách tỷ giá đối ứng linh hoạt, hàng Việt Nam sẽ thua trên sân nhà. Và nếu cho phép nghiêm trọng hóa vấn đề, có thể nói “chính sách tỷ giá không linh hoạt sẽ triệt tiêu động lực phát triển sản xuất, và cắt nguồn dưỡng chất nuôi các doanh nghiệp sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa”.

Không những thế, đồng NDT giảm giá mạnh còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. NDT giảm đang kéo hàng loạt đồng tiền khác giảm theo, nếu VND vẫn cột chặt theo USD sẽ làm hàng hóa Việt Nam trở nên đắt đỏ một cách tương đối so với các đối thủ cạnh tranh. Khi đó, để duy trì khả năng cạnh tranh và không bị mất thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải giảm giá hàng bán làm biên lợi nhuận giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập doanh nghiệp.

Đứng trước những nguy cơ trực tiếp và gián tiếp ở trên, NHNN đã quyết định nới rộng biên độ tỷ giá từ 1% lên 2% vào sáng nay. Trên thị trường tự do, tỷ giá đã ngay lập tức phản ứng, khi diễn biến tỷ giá đang tăng theo chính sách điều hành này.

Biểu đồ 6: Biến động tỷ giá VND/USD

Nguồn: reuters

Không những tác động tiêu cực đến thu nhập các doanh nghiệp, mà chính sách tỷ giá mới của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến dòng tiền ngoại vào Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Việt Nam thực hiện chính sách tỷ giá ổn định nhằm huy động sức mạnh ngoại lực, chủ yếu là từ các nhà đầu tư nước ngoài thông qua nguồn vốn FDI, FII, kiều hối… để phục hồi kinh tế. Nhưng đứng trước những biến động mới và lớn của thị trường tiền tệ toàn cầu. Đây là lúc mà các nhà điều hành cần phải cân nhắc lại giữa được và mất của mô hình tăng trưởng dựa vào dòng vốn Ngoại. Động thái nới rộng biên độ tỷ giá như đề cập ở trên vừa mang tính “thị trường” vừa là bước chuẩn bị tốt cho quá trình phá giá (nếu có) sau đó. Trong tình hình khá nhạy cảm hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn biện pháp tạm dừng rót vốn thêm vào Việt Nam, riêng những dòng tiền nóng, ngắn hạn rất có thể sẽ bị rút ròng trong thời gian tới.

Tóm lại, NDT bị phá giá mạnh đã ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính thế giới. Riêng tại Việt Nam, diễn biến này đã và đang tạo áp lực lên việc điều hành tỷ giá của NHNN. Nếu không có chính sách tỷ giá đối ứng hoặc thiếu linh hoạt, hàng hóa Việt Nam không những thiếu tính cạnh tranh trong xuất khẩu mà còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Thêm vào đó, chúng tôi cho rằng dòng tiền ngoại sẽ hạn chế chảy vào Việt Nam, riêng một vài dòng tiền nóng, ngắn hạn còn có thể bị rút ròng. Hai nhân tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong dài hạn đang bị ảnh hưởng tiêu cực sau quyết định phá giá mạnh đồng NDT của Trung Quốc, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và ưu tiên kiểm soát rủi ro trong giai đoạn hiện nay.

 

Nguồn: finandlife

Tags: ,

Economics | Psychology

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu