Đọc giúp bạn|Giấc mơ trở thành nhà phân tích tài chính

by finandlife21/11/2013 10:14

Dưới đây là một bài viết trên fgate, được dịch từ investopedia. Vì là một bài dịch trên trang đầu tư lớn, do vậy, nội dung của bài mô tả nghề nghiệp phân tích tài chính tại những thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu. Tại Việt Nam, một thị trường chỉ phát triển hơn 10 năm nay, nghề nghiệp này có nhiều sự khác biệt, và không hẳn giống như những mô tả mà các bạn đọc bên dưới.

Tôi hoàn toàn đồng ý những đòi hỏi về kiến thức và kỹ năng cho nghề nghiệp này, với nghề này bạn phải trang bị cho mình một nền tảng tốt, không dừng lại ở đó, bạn còn phải liên tục học tập và nâng cao vốn kiến thức của bạn. Nhưng có lẽ thị trường Việt Nam quá nhỏ bẻ, những định chế tài chính khác nhau sẽ có sự vận dụng khác nhau đối với những chuyên viên phân tích, và một số trong đó chưa hẳn đã làm đúng thế mạnh của họ, quyết định đầu tư ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những “chủ trương”, lãnh đạo 2 bên gặp nhau và đưa ra quyết định đầu tư mà nhiều khi chưa phân tích chi tiết, công việc phân tích là một bước hợp thức hóa những quyết định đó. Ở góc độ sell-side analysis, nhiều phân tích buộc phải viết theo chỉ đạo và sự sắp xếp của cấp trên, khuyến nghị trái với nguyên tắc nghề nghiệp. Đó là một trong những góc khuất mà không phải là ít phổ biến ở thị trường chúng ta. Đứng ở góc độ làm nghề, tôi phản đối những hành động bẻ cong lý lẽ đó, đạo đức nghề nghiệp vẫn là quy tắc đầu tiên và quan trọng nhất cho người làm phân tích.

-----------------------------------------------------------------------

Trong ngành dịch vụ tài chính, một trong những nghề được mơ ước nhiều nhất là trở thành nhà phân tích tài chính. Những nhà phân tích tài chính có thể làm việc ở cấp độ trung và cao cấp trong các doanh nghiệp, và là bước đệm cho những ai theo đuổi nó đến với các cơ hội nghề nghiệp khác. Ngành dịch vụ tài chính cạnh tranh rất khốc liệt, vì thế, nếu bạn có ý định dấn thân vào lĩnh vực phân tích, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, nếu bạn biết chuẩn bị hành trang cho mình đúng cách, bạn sẽ thành công với nghề này.

Nhà phân tích tài chính làm gì?

Công việc của một nhà phân tích tài chính là nghiên cứu các điều kiện kinh tế vi mô và vĩ mô, các giá trị nền tảng (fundamentals) của doanh nghiệp để đưa ra các khuyến nghị kinh doanh, ngành hoặc nhóm ngành. Nhà phân tích tài chính còn tư vấn trong việc mua hay bán chứng khoán công ty dựa trên sức mạnh hiện tại hoặc tiên đoán về doanh nghiệp. Một nhà phân tích tài chính phải hiểu thấu đáo tình hình phát triển hiện tại của ngành mình đang phụ trách, tập trung vào việc chuẩn bị các mô hình tài chính (financial modeling) để dự báo các điều kiện kinh tế tương lai khi các đầu vào thay đổi.

Nền tảng nhà phân tích tài chính cần chuẩn bị

Nếu bạn còn đang là sinh viên và muốn trở thành nhà phân tích tài chính, cách tốt nhất là bạn tham gia các khóa học về kinh doanh, kinh tế học, kế toán và toán học. Những ngành học khác mà bạn có thể trau dồi thêm nên gồm có khoa học máy tính, sinh học, vật lý, thậm chí là kĩ sư. Nhiều nhà phân tích ở cấp độ thấp mà các doanh nghiệp tuyển dụng có nền tảng kiến thức ở các lĩnh vực trên, bởi bản chất khi phân tích doanh nghiệp, người phân tích cần phải hiểu công cuộc kinh doanh cốt lõi, ngành mà doanh nghiệp đó đang hoạt động, trong khi các ứng viên có tấm bằng MBA (Thạc sỹ Quản trị kinh doanh)  từ các trường kinh doanh thường được tuyển vào làm nhà phân tích ở cấp độ cao.

Bên cạnh đó, nhiều người còn theo học và lấy thêm các bằng cấp chuyên môn chuyên sâu như CFA Charter để trang bị thêm kiến thức tài chính đầu tư thực tế, phục vụ cho nghề nghiệp.

                                Nguồn: CFA Institute

Những nghề nghiệp mà nhà phân tích tài chính có thể theo đuổi 

Những nhà phân tích tài chính có xu hướng tập trung chuyên môn nghề nghiệp của mình tùy vào định chế, tổ chức mà họ làm việc. Các ngân hàng, các công ty đầu tư bên bán và bên mua (buy-side và sell-side), các công ty bảo hiểm, các ngân hàng đầu tư chính là các tổ chức tuyển các vị trí phân tích tài chính. Trong số đó, các công ty đầu tư “bên bán”, các công ty đầu tư “bên mua” và các ngân hàng đầu tư có nhu cầu tuyển dụng các chuyên viên phân tích nhiều nhất.

Những nhà phân tích tài chính làm việc cho các công ty đầu tư “bên mua” có nhiệm vụ nghiên cứu cổ phiếu phục vụ cho mục đích mua bán nội bộ của quỹ công ty, trong khi các nhà phân chính làm việc cho các công ty đầu tư “bên bán” có nhiệm vụ viết các báo cáo nghiên cứu về cổ phiếu để cung cấp cho các công ty “bên mua”.

Các công ty đầu tư “bên mua” là những tổ chức đầu tư quản lý quỹ đầu tư riêng của mình. Khi làm việc ở các công ty này, các nhà phân tích nghiên cứu các công ty tiềm năng, lựa chọn các cổ phiếu phù hợp với chiến lược đầu tư để bổ sung vào quỹ đầu tư của công ty. Họ còn theo dõi các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của quỹ để xác định thời điểm và vị thế lời lỗ của quỹ đầu tư khi bán cổ phiếu đó.

Các nhà phân tích bên các công ty đầu tư “bên bán” có nhiệm vụ định giá và so sánh chất lượng các loại chứng khoán trong một ngành hoặc nhóm ngành. Dựa trên những phân tích này, nhà phân tích sẽ viết các báo cáo để đưa ra các khuyến nghị như: mua, bán, mua mạnh, bán mạnh hoặc nắm giữ chứng khoán đó. Những khuyến nghị này cung cấp một khối lượng lớn thông tin cho ngành đầu tư, khi các nhà phân tích làm việc với các công ty đầu tư “bên mua”.
Chuyên sâu hơn, có nhà phân tích được bổ nhiệm chuyên theo dõi và phân tích cổ phiếu công ty, trong khi các nhà phân tích khác sẽ nghiên cứu về các công cụ trái phiếu công ty và chính phủ. Nhiều nhà phân tích còn được phân ngành hoặc các nhóm ngành cụ thể mà mình sẽ phụ trách để nâng cao tính chuyên sâu khi phân tích. Chẳng hạn một nhà phân tích có thể chuyên phụ trách mảng đầu tư cổ phiếu trong ngành năng lượng hoặc công nghệ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích làm việc cho các ngân hàng đầu tư lại chuyên sâu trình độ khác so với các nhà phân tích hoạt động ở các công ty bên mua hoặc bên bán nói trên, khi nhiệm vụ chính của họ là xác định tính khả thi nên hay không thực hiện các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), mua bán và sáp nhập (M&A), dựa trên các giá trị nền tảng của doanh nghiệp liên quan đến thương vụ đó. Những nhà phân tích này sẽ đánh giá tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp, cũng như lập các mô hình tài chính và dự báo để ra khuyến nghị cho các đối tác cấp cao quyết định có nên hay không sáp nhập doanh nghiệp cho một khách hàng của ngân hàng đầu tư, hoặc nên hay không đầu tư vốn mạo hiểm (venture capital) vào một công ty nhất định cho khách hàng khác.

Nghề phân tích tài chính đòi hỏi gì?

Những nhà phân tích tài chính cần thận trọng khi tổng hợp các thông tin tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như các thông tin về một doanh nghiệp cụ thể và các giá trị nền tảng vi mô thể hiện trên các báo cáo tài chính (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu  chuyển tiền tệ). Để nắm bắt các thông tin mới nhất, các nhà phân tích cần phải liên tục cập nhật các thông tin tài chính kinh tế mới nhất liên tục mỗi ngày, ở các ấn phẩm uy tín như The Wall Street JournalThe Financial Times hay The Economist, cũng như các website tài chính chuyên nghiệp khác.

Trở thành một nhà phân tích tài chính còn đòi hỏi người theo đuổi nó có một sức khỏe tốt, bởi công việc đòi hỏi phải di chuyển và công tác nhiều. Nhiều nhà phân tích có các chuyến thăm đến các công ty để có cái nhìn trực tiếp về hoạt động của doanh nghiệp ở cấp độ ban đầu, cũng như có các cuộc họp đối thoại với các đồng nghiệp để chia sẻ các thông tin công việc mình đang làm.

Khi ở văn phòng công ty, các nhà phân tích phải học hỏi để trở thành chuyên gia làm việc với các bảng tính (spreadsheet), cơ sở dữ liệu liên quan, các biểu đồ, các số liệu thống kê để có thể phát triển và đưa ra các khuyến nghị cho ban quản lý cấp cao, cũng như phát triển các bài thuyết trình chi tiết, lập các báo cáo tài chính để dự báo, phân tích chi phí lợi ích, phân tích các xu hướng và kết quả đầu tư. Những nhà phân tích còn phải giải thích các giao dịch tài chính và xác minh các tài liệu liên quan cho phù hợp với các quy định của chính phủ.

Cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến

Với tính chất năng động của công việc, các nhà phân tích tài chính phải giao tiếp và làm việc với nhau cũng như các đồng nghiệp khi lập các báo cáo trình lên nhà quản lý danh mục đầu tư hoặc các chuyên viên quản lý cấp cao khác. Một nhà phân tích cấp thấp như sinh viên mới ra trường có thể mất từ 3 đến 5 năm để trở thành một nhà phân tích cấp cao. Riêng đối với các nhà phân tích cấp cao đang tìm kiếm các cơ hội khác để mở mang nghề nghiệp, họ có thể chọn trở thành các nhà quản lý danh mục đầu tư, đối tác với các ngân hàng đầu tư hoặc trở thành thành viên quản lý cấp cao ở ngân hàng bán lẻ hoặc công ty bảo hiểm. Một vài nhà phân tích chọn con đường trở thành nhà tư vấn đầu tư hoặc nhà tư vấn tài chính để tiếp tục phát triển con đường nghề nghiệp của mình.

Những chia sẻ để thành công với nghề phân tích tài chính

Những nhà phân tích cấp thấp thành công nhất là những người thông thạo khi làm việc với các bảng tính, cơ sở dữ liệu, thành thạo khi thuyết trình PowerPoint và học, áp dụng các phần mềm ứng dụng khác trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích cấp cao không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực và làm việc miệt mài, họ còn phải mở rộng các mối quan hệ với các giám sát viên và chỉ bảo cho các nhà phân tích cấp thấp. Những nhà phân tích nhanh chóng thăng tiến với nghề này còn phải học cách phát triển kĩ năng giao tiếp và đối nhân xử thế, đặc biệt là kĩ năng viết và thuyết trình để gây ấn tượng với ban quản lý cấp cao.

Lời kết

Tuy nghề đầu tư tài chính đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ càng và nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ, “trái ngọt” mà nó mang lại không chỉ là các phần thưởng tài chính, mà khiến những ai theo đuổi nó cảm thấy vai trò to lớn vì những đóng góp không hề nhỏ của mình vào bức tranh tổng thể kinh doanh nói chung của doanh nghiệp. 

Nguồn: finandlife|Fgate  

Tags:

Economics | Psychology | StoriesofLife

Mẹ con và mùa lũ

by Life20/11/2013 15:26

Sáng nay, bầu trời âm u xám xịt với những đợt gió quần vũ như khiến ông trời muốn đổ sụp vì những cơn mưa xối xả không ngừng.

Thẫn thờ nhìn trời đất với nét mặt đầy lo âu, mẹ liên tục chặc lưỡi thở dài với giọng thật buồn: "Trời sắp hành cơn lũ lớn!"

Với kinh nghiệm của người từng sống bao năm trên mảnh đất luôn xảy ra những cơn lũ thảm khốc, mẹ nhìn sắc trời, sắc nước, tiên đoán được những gì sắp xảy đến.

Lũ trẻ vẫn hồn nhiên vô tư nô đùa nhìn con nước chảy trên dòng sông trước ngõ.

Nước theo cơn mưa đổ, đang lên dần, lên dần... mẹ hối hả gọi tôi mang tơi, xăn cao quần, lội ra mảnh vườn nhà, cố nhặt nhạnh thật nhanh những hoa màu trong vườn vì đêm nay lũ về, tất cả sẽ bị cuốn đi.

Dưới mưa, mặt mẹ ướt đầm, dáng gầy đang ra sức vật lộn với cây ba lùn có buồng chuối non đã ngả nghiêng vì mưa gió. Mẹ kéo lê cả buồng chuối vào nhà. Tôi nhặt mấy mớ rau lang, bông ngót, rau dền... nơi những luống rau sắp bị dòng nước bạc ngập tràn; nhổ nhanh mấy bụi sắn củ còn non; hái nhanh mấy trái khế chua trên cành cây đã tả tơi vì gió... những thức không mong đợi ấy, là miếng ăn trong những ngày sắp tới nếu cơn lũ đổ về cầm chân không thể ra chợ mua sắm như mọi ngày.

Cơn mưa vẫn xối xả. Con nước đục ngầu đang mấp mé ngoài bờ sông. Tiếng loa đài thúc dục phòng chống bão lụt vang lên ra rả... Mẹ lặng lẽ ngồi nấu những món ăn.

mùa lũ

Tôi lẩn quẩn bên mẹ để phụ giúp. Cắt thân chuối sứ nơi cuối vườn vừa gãy đổ, mẹ làm món dưa chuối của quê nghèo. Chỉ hai ngày ủ muối, sẽ có món dưa chuối, thêm một chén nước ruốc kho, dậy hương chanh và tỏi ớt, đủ cho ta cầm hơi qua những ngày lũ đến...

Mẹ lột vỏ củ sắn ngâm vào thau nước. Phần để luộc, phần để kho. Những củ sắn non chưa đến vụ bị cơn lũ tràn về ngập úng nên phải nhổ nhanh kẻo thối.

Bụng đói phải nấu cái gì nhanh mới được!

Mẹ nấu tạm món sắn luộc chấm muối ớt. Trong cơn lành lạnh của buổi trời mới lập đông, cái tất bật chạy lũ đang đổ về miền đất thấp trũng... những miếng sắn chín mềm thơm thơm được chấm với muối ớt giã mịn, đủ tiếp sức ta qua cơn đói lòng khi cơn lũ đã tràn ngập vườn.

Nước đã lên, nước đang tiếp tục dâng lên!

Vừa lội trong lũ, vừa ăn củ sắn luộc chấm muối ớt bùi bùi cay cay! Ngoài trời mưa vẫn xối xả. Lũ vẫn sẽ còn lên cao. Món sắn kho với chút mỡ và ruốc của quê mình cũng là món ăn ngon khi đã đói run vì lội nước. Múc ra tô, trên nền sắn trắng, điểm mấy giọt ớt màu đỏ, mấy cọng hành ngò xanh... vừa ăn vừa thổi, vừa cảm nhận cái bùi bùi, thơm thơm, mằn mặn... thật là một miếng khi đói bằng gói khi no.

Lột vỏ phần vỏ cứng bên ngoài, lấy lớp vỏ sắn màu hồng, mẹ xếp chồng nhau rồi cắt từng sợi nhỏ, ngâm trong nước muối để khi ăn khỏi phải bị say. Những vỏ sắn vốn dĩ chỉ tận dụng làm thức ăn cho lũ heo nuôi trong chuồng, nay lại được mẹ chế biến thành món dưa chua. Nước hâm ấm ấm, vị muối mằn mặn, thêm lượng nước cháo hồ... Mẹ cho vỏ sắn vào hũ sành, cài chặt miệng, đổ nước ngập đầy. Một hai ngày sau, dưa chuyển hương thơm, vị chua... cái hương vị vừa dân dã vừa lạ lùng ấy cũng đã từng cho tôi được thưởng thức trong những mùa lũ đến.

Con nước đang cuồn cuộn tràn bờ sông. Bác Tư đi đánh mẻ cá về ngang qua cổng, gọi cho một mớ để kho khô. Tôi chạy ra nhận mớ cá từ lòng hảo tâm của người hàng xóm. Mớ cá mùa lũ quen thân gồm đông đủ họ nhà Tràu, Giếc, Trê, Cấn, Mại... bé tẻo teo.

Những ai đã từng ở Huế trong mùa lũ, từng được ăn món cá mùa lũ kho khô khi chân đang phải ngâm lạnh giá trong nước lũ mới thấy hết cái hương vị nhớ đời của nó.

Người Huế có cái thú đi đánh rớ cá nước lũ. Một người đánh cá, hàng chục người đứng xem. Khi mớ cá vừa cất lên, người ta có thể cho nhau hoặc bán kiếm chút tiền mọn.

Những mớ cá bé tẻo teo này không hẳn là miếng ngon, nhưng nếu khéo chế biến, chúng sẽ thành những dĩa cá vàng nâu, bóng mượt. Khi đói lòng ta nhìn chỉ muốn ăn ngay.

Mẹ vội vã kho trách cá để cả nhà ăn dần.

Những quả ớt kim nho nhỏ màu đỏ, được mẹ bỏ vào kho cùng. Ớt cay sẽ xua đi cái tanh của những con cá chép.

Bữa cơm chiều, mẹ lại nấu cho cả nhà món chuối ba lùn kho ruốc. Nồi chuối kho dậy hương thơm, khi lũ đã vào tận mé sân nhà

Chuối kho nóng hôi hổi được múc ra bát, thêm hành lá, rau răm, ngò... hương thơm của các loại rau gia vị, phả vào cái mũi của lũ trẻ háu ăn.

Buổi tối, nước lũ đã vào nhà. Tôi phụ giúp Mẹ kê ghế nâng bốn chân giường. Các em tôi leo lên ngồi trên đó với một mớ ngổn ngang áo quần sách vở. Chúng ngồi xếp thuyền giấy thả xuống bập bềnh trên nước với những nụ cười sung sướng của con trẻ.

Mắt mẹ tối sầm lại khi con nước vẫn đang lạnh lùng dâng... Mẹ sai tôi nấu nhanh một nồi cơm lớn, băm bó sả vừa nhổ trong vườn, xào với ruốc thành món muối sả đơn giản của kẻ nghèo. Tôi chưa hiểu sao phải nấu cơm khi đêm đã buông? nhưng mẹ bảo cứ làm theo. Nước lùa nhanh vào nhà xuyên qua ống chân. Khi nồi cơm vừa chín thì bếp lò bị nước đẩy trôi bập bềnh. Ôi thôi! cái ghế nhựa, cái thau, cái xô, đôi dép, đôi giầy... cả hũ dưa sáng nay vừa muối đang trôi mất rồi!

Mẹ nhanh tay lấy cây rựa gác lên cao; Quơ vội mấy thức có thể ăn được: nồi cơm, nồi cá kho, hũ muối sả, mấy gói mỳ ăn liền, bịch nước uống... lên giường.

Chiếc giường giờ như một chiếc tàu chở cả nhà tôi cùng mấy thứ còn lại trong cái gia sản nghèo nàn này.

Lội trong nước, tôi cố đưa lên cao những gì còn lại... Khi nước lên cao ngang bụng hai mẹ con không còn đủ sức. Cơn lạnh đột ngột toát ra từ tận xương tủy. Mẹ kéo tôi lên chiếc giường. Mấy đứa em đã ôm nhau ngủ lăn lóc như mấy củ khoai của quê nghèo. Mẹ ôm lũ con vào lòng. Trong bóng tối, tôi cảm nhận hơi ấm của mẹ đang ấp ủ cho cả lũ chúng tôi. Tôi nhắm mắt tận hưởng cái cảm giác êm đềm ấy, cố ru mình ngủ lấy lại sức cho một ngày sắp đến.

Nhưng đêm đã không tĩnh lặng. Con nước vẫn đang tiếp tục dâng cao hơn. Khi biển nước mênh mông đã sắp nhấn chìm xóm nhỏ của chúng tôi, tôi đã nghe muôn âm thanh kêu gọi nhau từ nhà này vọng sang nhà khác. Tôi sợ hãi đến muốn oà khóc. Nhưng tôi cố gượng. Tôi không khóc. Vì tôi là chỗ dựa duy nhất của mẹ trong đời này, trong chính khoảnh khắc này. Giờ đây nếu tôi tỏ sự yếu hèn, thử hỏi mẹ biết trông cậy vào ai?

Tôi nghe có tiếng ai đó kêu vang tên mẹ con tôi:

"Mạ con mụ Bê có còn đó không?

Có chi để ăn không?"

Mẹ chồm người lên, nhanh như sóc, đu người lên đòn tay, dùng cây rựa, phá vỡ một khoảng trống trên mái nhà. Mẹ nhoài ra trong cái khoảng bóng tối mênh mông ấy kêu gào lên đáp lại:

"Mạ con tui còn đây!"

Tôi bất chợt tủi thân khóc òa.

Tiếng khóc của tôi đánh thức lũ em dậy. Giờ chúng mới thấu hiểu được nỗi kinh hoàng của lũ khi thấy bốn bề nước mênh mông, cất tiếng khóc phụ họa, tạo nên một bản hòa tấu thê lương.

Mẹ cũng khóc.

Mẹ đưa tay áo lau khô nước mắt leo lên cái tra trên tận sát mái nhà, lần lượt đưa mấy đứa em tôi lên nằm trên ấy. Nồi cơm, trách cá cũng được chuyển lên cùng.

Mẹ bảo: "Đi đâu thì miếng ăn phải theo đó."

Khi mà ngọn lửa kỳ diệu của bếp không thể bập bùng trong lũ, thì ra mẹ đã lo xa, sai tôi nấu nồi cơm to là thế!

Có tiếng chèo khua từ chiếc ghe nhỏ đang áp sát mái nhà. Người láng giềng tốt bụng hôm qua cho tôi mớ cá, nay lại bơi ghe đi tiếp cứu những gia đình neo đơn trong xóm nhỏ...

Tôi ngồi bó gối trong bóng đêm. Bên ngoài là biển nước mênh mông. Tiếng mưa xối xả. Đó đây lại vẳng lên tiếng kêu gọi nhau đan xen trong tiếng mưa xối xả. Khi tiếng gọi không còn đủ sức vọng, người ta lại khua soong nồi để tạo tiếng vang xa hơn. Vang xa hơn để hỏi nhau ai còn, ai mất, vang xa hơn như những lời kêu cứu...

Đêm trôi thật chậm... thật chậm... Lũ em lại tỉnh giấc, bốc cơm nguội ăn với cá kho, muối sả...

Lũ sẽ còn về mãi trên đất Huế quê tôi. Người Huế sẽ mãi lưu truyền những kinh nghiệm để sống chung với lũ, gìn giữ những tấm lòng khi tắt lửa tối đèn, mênh mang trong lũ.

Tags:

StoriesofLife

Đọc giúp bạn|Nước cờ trái phiếu lợi tức cao của Vingroup

by finandlife16/11/2013 09:29

 

Thời báo kinh tế Sài Gòn số ra ngày 14/11/2013 có một góc nhìn khá thú vị của Tác giả Hải Lý về việc Vingroup (VIC) vừa phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế với lãi suất cao chưa từng có (11.625%). Thông thường người ta sẽ nhìn nhận vấn đề này theo chiều hướng xấu, các doanh nghiệp trong nước có mức tín nhiệm quá thấp nên buộc phải chấp nhận một mức giá cao để có vốn từ quốc tế, nhưng góc nhìn của Tác giả lại cho thấy những lý do có vẻ như là đáng để đánh đổi cho mức lãi suất rất cao này.

Thứ 1, Việt Nam chưa từng có một công ty bất động sản nào có quy mô đủ lớn tham gia vào thị trường trái phiếu quốc tế để những tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới nhìn đó làm tham khảo. Do vậy, việc tạo ra tiền lệ là cần thiết, và bao giờ cũng vậy, deal đầu tiên để làm quen và hướng đến những “bạn hàng” lâu dài về sau dẫn đến việc cân đong đo đếm thiệt hơn về “giá” là không cần thiết. Đây cũng là việc mà những doanh nghiệp Trung Quốc đã từng làm trước đây, những công ty tại quốc gia này khi lần đầu tham gia vào thị trường trái phiếu quốc tế cũng đã phải chấp nhận lãi suất lên đến 12%, nhưng hiện nay mức lãi suất này chỉ còn từ 7-9%.

Thứ 2, Dường như không thể thực hiện món vay này ở Việt Nam vì hầu như các tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam chỉ cho vay có tài sản đảm bảo.

Thứ 3, Hiện mặt bằng lãi suất toàn cầu đang ở mức khá thấp do Mỹ vẫn chưa dừng gói nới lỏng định lượng, một khi QE3 bị thu hẹp thì có thể lãi suất thế giới sẽ tăng nhanh, do vậy đây được xem là thời điểm khá thuận lợi.

(Thông tin thêm về đợt phát hành: tổng huy động 200 triệu USD, lãi suất cố định 11.625%/năm, phí tư vấn 2.25%, kỳ hạn 4.5 năm) 

Nguồn: finandlife|thesaigontimes

Tags: , ,

Economics

Phân tích và khuyến nghị DQC|KQKD Q3 ấn tượng

by finandlife15/11/2013 10:07

Tiếp theo những đánh giá rất khả quan mà chúng tôi đã viết trong “DQC-Báo cáo lần đầu”, chúng tôi tiếp tục gởi đến những thông tin mới nhất về kết quả kinh doanh quý 3, một kỳ làm ăn vô cùng ấn tượng, kết quả này củng cố nhận định và mức giá mục tiêu rất cao mà chúng tôi hướng đến trước đó.

Quý 3 năm 2013, DQC đạt 187 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 31 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2013, DQC đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu, 115% kế hoạch lợi nhuận, tương ứng với tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần 31% và lợi nhuận sau thuế 62% so với cùng kỳ. Rõ ràng, việc tìm kiếm những cổ phiếu đang cải thiện về kết quả kinh doanh và có sự tăng trưởng mạnh trở lại là rất ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chống đỡ với tổng cầu suy giảm. Chúng tôi tin rằng những doanh nghiệp như vậy sẽ trở thành những điểm sáng đầu tư thú vị.

Sự cải thiện của DQC chủ yếu đến từ 3 nhân tố:

Thứ nhất, Công ty đã đẩy mạnh bán hàng trong nước thông qua một số sản phẩm mới và mở rộng xuất khẩu. Điều này đã giúp doanh thu 3 quý đầu năm 2013 tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng 2 năm liền kề chỉ ở mức 5%/năm.

Hình 1, Doanh thu thuần và tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần

 

Thứ hai, Công ty đã chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng những sản phẩm có mức sinh lãi trên doanh thu thấp và tăng những sản phẩm có mức sinh lãi trên doanh thu cao. Chính xu hướng này đã làm tỷ trọng đèn tuýp huỳnh quang giảm mạnh từ mức 21.5% doanh thu năm 2008 xuống chỉ còn 9.5% năm 2012. Trong khi đó, đèn compact tiết kiệm điện lại tăng tỷ trọng từ 30.5% năm 2008 lên 36.7% năm 2012. Ngoài ra, đầu 2013, DQC đẩy mạnh sản xuất và tiêu đèn LED, một loại đèn tiết kiệm hiệu quả hơn cả đèn compact, dự kiến tỷ trọng loại đèn này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. 9 tháng đầu năm 2013, DQC đã gia tăng mức lãi gộp trung bình trên 100 đồng doanh thu từ 21 đồng lên 32 đồng.

Hình 2, Biên lãi qua các năm

 

Thứ ba, Công ty đã hưởng lợi lớn từ xu hướng lãi suất thấp và diễn biến tỷ giá ổn định. Trong những năm trước, trung bình chi phí tài chính lên đến 14% doanh thu thuần, nhưng đến 9 tháng đầu năm 2013, con số này chỉ còn 5%. Nhờ những diễn biến thuận về lãi suất và tỷ giá mà công ty đã trút bỏ gánh nặng chi phí tài chính, một trong những loại chi phí cao nhất mà DQC phải gánh chịu nhiều năm qua.

Hình 3, Biến động chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu

 

 

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags: , ,

StockAdvisory | Stocks

ÁC KHẨU VÀ QUẢ BÁO

by Life14/11/2013 20:20

Ngày xưa trong thành Xá Vệ có một người nhà rất giàu, tên gọi là Sư Chất, đã hơn 40 tuổi rồi mà chưa có con. Hai vợ chồng rất lo lắng, đến nhà Bà La Môn xin bốc một quẻ bói xem sau này có sinh được đứa con trai hay con gái nào không? Nhưng họ vô cùng thất vọng nghe thầy bói trả lời rằng suốt đời họ sẽ không có con.

***

Sư Chất nghe thế không chịu tin, lại đi tìm một ông thầy tướng số khác, cao tay ấn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn xin bốc quẻ. Lạ thay, vị thầy tướng này vốn được mọi người tôn kính và khen ngợi là bói linh như thần, lại cũng làm cho Sư Chất thất vọng.

Sư Chất đi về mà lòng phiền muộn, bỗng sực nhớ đến bậc đại thánh Thích Ca Mâu Ni, tự nghĩ:

- Đức Phật là giáo chủ của trời và người, là bậc Nhất thiết trí, không có gì là Ngài không biết, không có gì là Ngài không hiểu, tại sao ta lại không đến gặp Ngài xin chỉ giáo?

Nghĩ đến đây ông bèn nhắm hướng Kỳ Viên tinh xá mà đi. Cung kính đảnh lễ Đức Phật xong, ông chắp tay bạch :

- Bạch Đức Thế Tôn đại bi, xin Ngài thương xót chúng sinh ngu si mà chỉ giáo: con có chút ưu tư, năm nay đã hơn 40 mà chưa có đứa con trai nối dõi, đó là do nhân duyên gì, cúi xin Đức Phật khai thị.

Đức Phật trả lời:

- Không lâu nữa ông sẽ có một đứa con trai, vừa có phúc lại vừa có đức, chỉ có điều là khi nó vừa lớn nó sẽ xin xuất gia.

Nghe tin này Sư Chất rất đỗi vui mừng, thành tâm đảnh lễ chân Phật, rồi thỉnh cầu:

- Cầu xin Thế Tôn và chư tăng cho phép chúng con được cúng dường vào trưa mai, để chúng con được kết thêm thiện duyên và trồng chủng tử vào ruộng phước của Như Lai.

Đức Phật nhận lời rồi, Sư Chất hoan hỉ quay về chuẩn bị đàn trai. Hôm sau ông dẫn đầu gia nhân, chân thành cúng dường những món ăn thức uống ngon lành đẹp mắt nhất.

Đức Phật nhận cúng dường xong, thuyết một thời pháp rồi dẫn đầu tăng chúng quay về tinh xá. Đi được nửa đường, Đức Phật và tăng chúng ngồi dưới một gốc cây bên bờ sông nghỉ ngơi. Bỗng từ trên cây, một con khỉ nhẩy xuống xin mượn bình bát của Đức Phật. Nó ôm bình bát chạy đi thật xa rồi quay về, trong bình bát chứa đầy mật ngọt. Nó dùng hai tay kính cẩn dâng bình bát lên Đức Phật, Ngài nhận lấy và chia cho chư tăng dùng để con khỉ được nhiều phúc đức. Con khỉ thấy thế mừng rỡ nhẩy nhót.

Không lâu sau nó đến ngày tận số, đầu thai làm người, sinh vào nhà của Sư Chất.

Lúc nó sinh ra, trong nhà phàm có vật dụng gì có thể chứa đựng thức ăn, thì vật dụng ấy bỗng đầy ắp mật và đường. Vợ chồng Sư Chất thấy điều quái dị, bèn do nhân duyên này đặt tên con là Mật Thắng.

Thời gian vùn vụt trôi mau như tên bắn, hơn mười năm trôi qua như trong nháy mắt, Mật Thắng nay đã lớn khôn. Chú bé chán ngán chuyện thế tục, xin phép cha mẹ cho mình được xuất gia, cha mẹ hết sức vui mừng mà trả lời:

- Lúc con chưa ra đời, Đức Phật đã biết sẽ có ngày hôm nay. Bây giờ con muốn xuất gia, cha mẹ rất hoan hỉ. Không bao giờ cha mẹ ngăn chận con một cách vô lý.

Được cha mẹ hoan hỉ cho phép rồi, Mật Thắng đến Kỳ Viên tinh xá xin xuất gia với Đức Phật. Nhờ có tiền duyên, Mật Thắng chứng quả rất mau.

Một hôm, thầy đang trên đường đi độ hóa với các bạn đồng tu, cảm thấy vừa nóng vừa khát lạ thường, ai nấy đều ao ước có một cái gì uống. Tỳ kheo Mật Thắng bèn cầm bát tung lên trời rồi sau đó dùng hai tay tiếp lấy bát trở về. Bấy giờ trong bát đựng đầy mật ngọt, Mật Thắng bèn chia cho chúng tăng giải khát.

Về tới tinh xá, một vị tỳ kheo đi tìm Đức Phật xin thỉnh giáo:

- Trong quá khứ tỳ kheo Mật Thắng đã tu được phúc đức gì mà bây giờ bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có thể có đường và mật?

Đức Phật trả lời:

- Các ông có nhớ có một lần lâu lắm rồi, có một con khỉ đem mật ngọt đến cúng dường Như Lai và chúng tăng không? Nhờ bố thí với thiện tâm, chết rồi nó được sinh ra làm người và nhờ nó chân thành cúng mật ngọt cho Phật nên kiếp này nó có thể được mật bất cứ lúc nào và ở đâu.

Đức Phật nói xong, vị tỳ kheo nọ hỏi tiếp:

- Bạch Thế Tôn! Thế thì tiền kiếp Mật Thắng do nhân duyên gì mà bị đọa xuống làm khỉ?

Lúc ấy xung quanh Đức Phật có rất nhiều đệ tử vân tập, Ngài nhìn họ một lúc rồi đáp:

- Thầy ấy bị đọa xuống làm khỉ là do một nhân duyên xẩy ra cách đây 500 kiếp trước, thời Ca Diếp Như Lai còn tại thế. Lúc đó có một vị tỳ kheo trẻ tuổi, tình cờ thấy một vị tỳ kheo khác đang băng qua một con suối nhỏ, vị trẻ tuổi bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ kheo kia giống hệt như con khỉ. Vị tỳ kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên bị đọa xuống làm khỉ, nhưng sau đó thầy ấy biết lỗi lầm của mình, đến xin sám hối với vị tỳ kheo mà mình đã chế nhạo. Nhờ thắng duyên ấy mà kiếp này mới được gặp Phật và được Phật độ, chứng quả A La Hán một cách mau chóng.

Nghe đức Phật giảng xong, các vị tỳ kheo đều nhận ra rằng một câu nói ác cũng có thể chiêu cảm nghiệp khổ, vì thế không còn ai dám ác khẩu, ngay cả đến một câu nói đùa cũng không dám nói.

Bởi vì nhân quả không nhường bất cứ một người nào.(truyenngan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu