Doanh nghiệp muốn vay tiền? Hãy quên ngân hàng đi – hãy khai thác hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking)

by finandlife14/11/2013 10:21

Tỷ trọng cho vay với doanh nghiệp chỉ chiếm một con số khá khiêm tốn trong tổng dư nợ ngân hàng và xu hướng ngày ngày càng giảm.

Trong giai đoạn 2002 đến 2004, tỷ trọng này giảm mạnh vì tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản tăng quá nhanh. Từ 2004 đến 2008, tỷ trọng này tăng trưởng trở lại nhưng xu hướng này đã bị gãy khi khủng hoảng kinh tế xảy ra năm 2008 do quá trình deleverage. Từ 2011, tỷ trọng tín dụng cho vay doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại, nhưng 2 năm trở lại đây xu hướng lại chững lại.

Khi xem cấu thành tín dụng, ta lại thấy tỷ trọng đóng góp của tín dụng phi ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn, tỷ trọng tín dụng từ ngân hàng chỉ chiếm từ 32% năm 2009, đến 2012 chỉ còn 22%, một tỷ trọng khá khiêm tốn.

Có lẽ vì thế mà “khi doanh nghiệp cần vay tiền, hãy quên ngân hàng đi, hãy đến với hệ thống ngân hàng bóng tối”. 

Nguồn: finandlife|soberlook

Tags: ,

Economics

Great Graphic: Lạm phát tại Mỹ, Nhật và Châu Âu

by finandlife14/11/2013 09:47

Sau nhiều năm mua vào tài sản bởi các ngân hàng trung ương, và việc sử dụng những biện pháp kích thích khác, đặc biệt là nới lỏng tiền tệ, tình hình giá cả đã không cho thấy lạm phát lớn như nhiều nhà quan sát đã lo sợ. Thực tế, còn diễn ra điều ngược lại.

Biểu đồ minh họa ở trên do Bloomberg cung cấp cho thấy lạm phát của Nhật (màu trắng), của Mỹ (màu vàng) và của khối Châu Âu (màu xanh).

Ngân hàng trung ương Nhật vẫn đang tích cực theo đuổi các chương trình nới lỏng định lượng để đẩy lạm phát lên mức cao hơn. Tính đến nay, sự tăng lên trong CPI tổng thể là kết quả của giá lương thực, thực phẩm và năng lượng. Ngân hàng trung ương Châu Âu đã làm bất ngờ nhiều nhà quan sát khi đã cắt giảm 25 điểm lãi suất vào tuần trước để chống lại quá trình lạm phát đang suy giảm.

Vào thứ 6, khu vực Châu Âu xác nhận lạm phát tháng 10 khoảng 0.7%, lạm phát tháng 9 của Nhật là 1.1%, của Mỹ là 1.2%. Ngân hàng trung ương Nhật vẫn kiên định với định hướng đẩy lạm phát cao hơn nữa. Lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức thấp như Nhật Bản, nhưng nhiều nhận định cho thấy FED có thể bắt đầu cắt giảm gói nới lỏng định lượng trong tháng tới. 

Nguồn: finandlife|marctomarket

Tags: , , ,

Economics

Đọc giúp bạn|Tản mản về chuyện học kinh tế lượng

by finandlife14/11/2013 09:03

Trước đây, tôi đã từng gặp khá nhiều khó khăn trong việc ứng dụng kinh tế lượng, chạy các mô hình để nghiên cứu và phân tích kinh tế. Tôi cũng đã cố gắng đọc về econometrics nhưng mức độ đến hiện nay cũng chỉ ở tầm trung bình, tình cờ đọc bài này trên blog kinhteking, tôi lưu lại ở đây 1 phần làm tư liệu cho mình, 1 phần chia sẻ cho các bạn đang làm nghiên cứu.

-----------------------------------------------------------------------------

Trước hết, cảm ơn một bạn đọc (Mrs Left) đã gửi bài cho Website về những quy tắc ngầm dành cho các nhà kinh tế lượng ứng dụng (Link download tại: http://www.uta.edu/faculty/crowder/papers/1467-6419.00179.pdf ). Đây là một vài viết hay, tuy nhiên khá triết lý, sâu sắc và dành cho nhóm đối tượng cụ thể -các nhà kinh tế lượng ứng dụng, những nhà nghiên cứu, và các sinh viên sau đại học (Tiến sĩ hoặc thạc sĩ- những nhà nghiên cứu tiềm năng). Với nhóm đối tượng phổ thông, ví dụ như sinh viên đại học, các bạn có thể đọc thêm để biết, bởi chỉ có trải nghiệm mới thật sự hiểu những vấn đề đề cập, trải nghiệm càng nhiều thì mức độ hiểu càng cao. Nhân đây, tản mạn một tý về kinh tế lượng vì có bạn đề cập đến vấn đề học tập kinh tế lượng ở bậc đại học (Góp ý của bạn có đề cập đến đối tượng cụ thể nhưng mục tiêu của website có tính phổ quát nên tôi sẽ không đề cập đến đối tượng đấy). Những tản mạn này là từ góc nhìn cá nhân tôi, dĩ nhiên không loại trừ những cá nhân khác nhau có những góc nhìn khác nhau. Tản mạn phù hợp cho những bạn sinh viên lựa chọn con đường nghiên cứu kinh tế.

Có 3 sự thật mà tôi muốn đề cập:

- Khi bạn nộp hồ sơ cho chương trình Tiến sỹ Kinh tế học hay kể cả Kinh tế lượng ở nước ngoài, sẽ không có bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến việc bạn biết chạy phần mềm hay không. Nói cách khác việc bạn biết chạy phần mềm không ảnh hưởng lắm đến việc bạn được lựa chọn. Việc biết các phần mềm này sẽ giúp bạn có lợi thế khi học, tuy nhiên lợi thế này không thật sự quá lớn.

- Lớp tôi học, có 1/3 sinh viên có xuất phát từ Toán (Không biết gì về kinh tế lượng và các phần mềm kinh tế), 2/3 còn lại ít nhiều liên quan đến kinh tế, nhưng không quá 1/3 trong số này biết việc sử dụng các phần mềm kinh tế lượng (có lẽ rất ít bạn hiểu được ý nghĩa của các mô hình kinh tế lượng). Tuy nhiên, điểm chung của tất cả các sinh viên là kỹ năng Toán rất tốt. Do vậy, nếu bạn dự định theo con đường nghiên cứu, bạn nên chuẩn bị Toán thật tốt. (Đừng đồng nghĩa việc này với việc giỏi toán ở Việt Nam. Toán dành cho kinh tế không cần đến mức quá thông minh để tạo ra một cái gì mới, mà chính là kỹ năng để vận dụng các kiến thức toán đã học- Chỉ cần bạn không sợ, học nhiều sẽ quen thôi. Có bạn sẽ đặt vấn đề rằng, Toán học quá vô biên, nên chuẩn bị những gì? Câu trả lời có thể tìm thấy từ blog của Mankiw (Giáo sư kinh tế Harvard) – http://gregmankiw.blogspot.co.uk/2006/05/which-math-courses.html

- Sử dụng phần mềm không phải là toàn bộ của thế giới kinh tế và nó không có gì quá vĩ đại nếu bạn cảm thấy quen thuộc với nó. Thế giới kinh tế này có thể chia thành: nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng. Trong giới nghiên cứu lý thuyết, nhiều giáo sư kinh tế hàng đầu thậm chí không biết dùng bất kỳ một phần mềm nào. (Ví dụ những giáo sư trong nhóm Lý thuyết Trò chơi). Sở thích của họ là dùng “bút chì và giấy” để chơi với Toán học. Sẽ không quá ngạc nhiên, khi bạn thấy những nhà kinh tế lượng lý thuyết không biết dùng bất kỳ phần mềm nào.

Với ba sự thật này, tôi KHÔNG hàm ý rằng SINH VIÊN Ở BẬC CỬ NHÂN không cần quan tâm bất kỳ ứng dụng phần mềm kinh tế lượng nào. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng:

1. Với các bạn sinh viên Kinh tế ở bậc cử nhân có dự định theo con đường nghiên cứu, hãy cố gắng đầu tư thời gian cho học tập, càng nhiều càng tốt, đặc biệt là Toán và các môn kinh tế học. Hãy thích ứng với hoàn cảnh bạn được đào tạo và luôn cố gắng hết mình. Có thể chương trình của trường bạn không phải là tốt nhất, nhưng nếu vì thế mà bạn không chuẩn bị cho mình một tinh thần học tốt thì phần nào đó bạn chưa chuẩn bị để học trong một môi trường tốt hơn. Cụ thể về kinh tế lượng, tôi cũng có quan sát và rằng nội dung kinh tế lượng trong các chương trình cử nhân Kinh tế nhìn chung ở US và UK không quá phức tạp, nhưng tính hệ thống và liên kết của họ cao- từ việc chuẩn bị toán và thống kê. Tuy nhiên, tôi và những người bạn của tôi cũng học cử nhân trong nước, nhưng khi học môi trường quốc tế, chúng tôi vẫn khá tự tin. Từ góc nhìn của chúng tôi, môi trường là quan trọng, nhưng sức mạnh ý chí và nội lực sẽ giúp bạn vượt qua những giới hạn của môi trường.

2. Đừng quá cuồng tín vào kinh tế lượng, bởi không có bất kỳ phương pháp hay phần mềm nào được đặt cho một cái tên là hoàn hảo. Luôn thận trọng khi bạn chọn phương pháp nghiên cứu định lượng, trong đó có 1 vài điểm quan trọng sau:

a. Đầu tiên, khi xây dựng mô hình hồi quy, bạn cần phải nghiên cứu thật rõ các biến nào nên đưa vào mô hình? Giải thích tại sao bạn chọn biến đấy: Dựa trên lý thuyết kinh tế hoặc dựa trên các nghiên cứu thực nghiệm trước đây? Do vậy, phần phân tích định tính cần phải được đầu tư kỹ lưỡng. Điều này đặc biệt quan trọng với các bạn sinh viên đại học vì: (i)- rèn luyện kỹ năng tư duy nghiên cứu, liên hệ với các lý thuyết đã học; (ii)- kỹ thuật xử lý mô hình ở giai đoạn này của các bạn còn thô sơ nên nếu nghiên cứu định tính không phù hợp sẽ dẫn đến những kết quả định lượng không phản ánh chính xác mối quan hệ thực. Do vậy, nếu các bạn làm nghiên cứu khoa học, yếu tố này nên được quan tâm. Ngoài ra, nên chọn những đề tài ở mức độ hợp lý, tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo trước khi quyết định. Và luôn ghi nhớ rằng, bài nghiên cứu hay không hẳn là do sử dụng một công cụ kinh tế lượng mới và phức tạp.

b. Đừng quên đánh giá tính phù hợp của mô hình thông qua các test kiểm định hay các chỉ số đánh giá mô hình.

c. Nếu các kết quả có phần ngược với lý thuyết, bạn cần đưa ra lời giải thích tại sao? Đừng vội kết luận bởi có thể mô hình của bạn không phù hợp. Tương tự, nếu một trong các chỉ số đánh giá mô hình không phù hợp, bạn cần xem lại data, biến liên quan và khắc phục mô hình, hoặc đưa ra lời giải thích cho điều này. Ngay cả khi kết quả phù hợp với lý thuyết, bạn cũng cần sử dụng các test để đảm bảo tính phù hợp mô hình.

d. Bạn cần học và rèn luyện để hiểu ý nghĩa của các kết quả từ phần mềm kinh tế lượng. Sẽ tốt hơn nếu bạn biết “quy trình phần mềm xử lý để có kết quả đấy”. Cái quy trình này chính là “bút chì và giấy” của các nhà kinh tế lượng lý thuyết. Đối với sinh viên đại học, nếu các bạn hiểu rõ được quy trình của phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS) cũng đã là rất tốt. Bởi đây là nền tảng để mở rộng xa hơn. Ngày xưa, tôi cũng đã từng nghĩ rằng biết chạy phần mềm mới là quan trọng, nhưng giờ tôi nhận thấy rằng “chạy phần mềm như nấu nồi cơm điện”- học để chạy phần mềm không khó, cái khó nhất là hiểu bản chất kinh tế lượng nằm ẩn sau mô hình đấy. Nếu nắm bản chất này thì bạn sẽ không mất quá lâu để học các phần mềm tích hợp: EVIEW, STATA, SPSS, GRETL,…Tuy nhiên, bạn nên chọn phần mềm nào mà bạn cảm thấy dễ dàng. Cá nhân tôi, những vấn đề phức tạp tôi hay dùng MATLAB hoặc R, với các vấn đề đơn giản đã được tích hợp trong các phần mềm, tôi thường dùng EVIEW cho Macroeconometrics và STATA cho Microeconometrics. Tôi vẫn còn giữ tập ghi chép ngày xưa tôi học đại học, chủ yếu là toán để giải các hồi quy đơn giản bằng OLS, nhưng quả thật nó rất ý nghĩa với tôi. Và cách tôi học kinh tế lượng bây giờ cũng tương tự, dùng giấy và bút chì để giải quy trình có được kết quả – Hàng loạt công thức toán học (nhưng thực chất nếu các bạn làm nhiều các bạn sẽ quen- kiểu toán ứng dụng này- chỉ là những kỹ năng đại số). Sau đó, tôi mới dùng phần mềm đề tìm kết quả cụ thể.

3. Nếu bạn thích nghiên cứu kinh tế, nhưng “ái ngại” kinh tế lượng vì những gì bạn được học dường như quá phức tạp, thì vẫn có nhiều cánh cửa khác cho bạn. Nó không đang sợ đến mức để bạn từ bỏ đam mê của bạn đâu.Tuy nhiên, nếu bạn theo đuổi nghiên cứu, có thể bạn sẽ thích nó, vì việc chạy phần mềm không khó. Đôi lúc nó quá dễ, và chính sự dễ dàng này phần nào đó đã “hủy hoại” một bộ phận giới nghiên cứu kinh tế vì quá phụ thuộc vào kết quả mô hình. Việc bạn dành 5 năm học tiến sĩ (hoặc 2 năm thạc sĩ – 3 năm tiến sĩ) không phải là để học chạy phần mềm mà là học về bản chất của vấn đề kinh tế (nghiên cứu kinh tế học) hoặc/và là học về quy trình dẫn đến kết quả (kinh tế lượng). Và khi đấy, nếu bạn theo kinh tế lượng ứng dụng, thì link ở phần đầu của bài viết này là dành cho bạn.

Tổng kết lại những điều tôi đã đề cập ở trên:

1- Việc biết chạy mô hình hay không ở bậc cử nhân sẽ không thật sự ảnh hưởng nhiều đến con đường nghiên cứu của bạn. Bạn sẽ được học một cách chính thống và đầy đủ ở các chương trình cao hơn. Do vậy, nếu bạn được đào tạo kinh tế lượng ở bậc cử nhân, hãy cố gắng học tốt chương trình bạn đang học, không phân biệt là bạn đang học theo tiếp cận lý thuyết hay tiếp cận ứng dụng. Bởi rèn luyện kỹ năng sẽ luôn có ích cho bạn

2- Rèn luyện kỹ năng Toán, xác suất và thống kê và hiểu rõ các bản chất kinh tế của các nội dung được đề cập ở cả Kinh tế vi mô và vĩ mô.

3- Nếu bạn thích nghiên cứu định lượng, DIY – “Do it yourself”- tận dụng Internet và sách vở để tự học và rèn luyện kỹ năng của mình, để học những cái bạn quan tâm và ứng dụng những cái bạn thích. Tuy nhiên, cố gắng nghiêm túc và thận trọng khi dùng tiếp cận định lượng bởi nó có thể hủy hoại tư duy nghiên cứu của bạn. 

Nguồn: kinhteking.wordpress.com

Tags: ,

Economics

Thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng đầu 2013

by finandlife13/11/2013 09:02

Các báo cáo vĩ mô gần đây của chúng tôi cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đang dần ổn định trở lại đặc biệt nhờ vào hoạt động xuất khẩu và sự hỗ trợ của dòng vốn FDI. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, tồn kho thành phẩm giảm, doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc tăng giá bán để đối phó với việc giá cả nguyên vật liệu gia tăng.

Liệu rằng, tình trạng này có xảy ra đối với các doanh nghiệp đang niêm yết? Với số liệu kết quả kinh doanh Quý 3 và 9 tháng đầu năm 2013 của 434 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn đã công bố báo cáo hợp nhất Quý 3, thống kê sau đây của chúng tôi sẽ trả lời cho câu hỏi đó:

Tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của 434 doanh nghiệp quan sát Quý 3/2013 tăng 8.4% và 24.9% so với Quý 3/2012. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu thuần tăng 9.6%, tổng lợi nhuận tăng 11.8% so với cùng kỳ năm trước

Kết quả thống kê cũng cho thấy, doanh thu tăng trưởng khá nhưng các loại chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng & chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm nhẹ so với cùng kỳ làm cho lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của doanh thu và lãi gộp.

Số lượng doanh nghiệp báo lãi tăng nhẹ so với cùng kỳ. Quý 3/2013, có 83.6% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát báo lãi, tăng so với 82.3% của Quý 3/2012. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2013, có 81.1% doanh nghiệp báo lãi, tăng so với 80.4% của 9 tháng đầu năm 2012

Kết quả thống kê cũng cho thấy: 52.8% số doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho kết quả lợi nhuận sau thuế Quý 3 tăng trưởng so với cùng kỳ, tăng so với 47.9% của 6 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng đầu năm, lại chỉ có 47.2% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tổng giá trị lãi của các doanh nghiệp báo lãi Quý 3 và 9 tháng đầu năm tăng lần lượt 11.1% và 11.3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng giá trị lỗ của các doanh nghiệp báo lỗ Quý 3 lại giảm mạnh so với cùng kỳ (-55.2%) Tuy nhiên, tổng thua lỗ của các doanh nghiệp báo lỗ 9 tháng đầu năm 2013 vẫn tăng nhẹ.

Sau 9 tháng đầu năm 2013, có 95 doanh nghiệp, tương đương 21.9% số doanh nghiệp trong mẫu khảo sát đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013. 80 doanh nghiệp (tương đương 18.4% số doanh nghiệp trong mẫu khảo sát) hoàn thành từ 75% đến 100% kế hoạch lợi nhuận. 72 doanh nghiệp (tương đương 16.6%) hoàn thành từ 50% - 75% kế hoạch lợi nhuận. Số doanh nghiệp có tỷ lệ thực hiện so với lợi nhuận dưới 50% chiếm tỷ lệ cao nhất 43.1% với 187 doanh nghiệp.

 

* Điều chỉnh kế hoạch từ lỗ 20 tỷ thành lãi 130 tỷ đồng (31/8/2013)

Tổng tài sản, Tổng nợ và Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2013 tăng khoảng 8% so với cùng thời điểm năm trước và tăng khoảng 5% so với đầu năm. Trong khi đó, vay nợ của nhóm doanh nghiệp khảo sát chỉ tăng 6.2% so với cùng thời điểm năm trước và 1.3% so với đầu năm. Điều này giúp tỷ lệ vay nợ trên tổng tài sản của mẫu khảo sát giảm từ 29.3% đầu năm xuống chỉ còn 28.2% vào cuối Quý 3 năm 2013.

Tổng Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2013 của 10 doanh nghiệp này chiếm đến 67% tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng của mẫu khảo sát (tăng 30.6% so với cùng kỳ). Nếu loại bỏ 10 doanh nghiệp này ra khỏi mẫu khảo sát, tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng của mẫu sụt giảm 13.3% so với cùng kỳ, trong khi tổng doanh thu vẫn tăng 3.6%.

Phân tích chi tiết cho thấy, kết quả kinh doanh có sự phân hoá theo nhóm ngành. Ngành bất động sản và Vật liệu xây dựng có kết quả lợi nhuận 9 tháng 2013 sụt giảm mạnh nhất (-54% và -47%). Các ngành Du lịch & giải trí, bảo hiểm… cũng lợi nhuận giảm do kinh tế suy thoái, nhu cầu sụt giảm. Trong khi đó, một số ngành mang tính phòng thủ như Điện, nước & xăng dầu khí đốt, Hàng cá nhân & gia dụng, y tế… vẫn có được lợi nhuận khả quan. Một số ngành hưởng lợi nhờ chi phí đầu vào giảm như Lốp xe (Ô tô và Phụ tùng) tiếp tục có kết quả tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Ngành dịch vụ tài chính – môi giới chứng khoán sau 9 tháng có được lợi nhuận tăng trưởng khả quan nhờ thị trường chứng khoán phục hồi.

Kết quả trên mặc dù có thể còn tồn tại một số đột biến do hạn chế về số liệu quan sát. Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả phản ánh khá chính xác tình hình hoạt động của các nhóm ngành, lĩnh vực 9 tháng đầu năm 2013. 

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags:

Economics

Đọc giúp bạn|Kinh nghiệm tìm việc ở Nhật (Kì 1)

by finandlife10/11/2013 08:55

Nếu bạn xin được việc ở Nhật thì sẽ không phải sợ xin việc ở bất kỳ nơi nào khác“.

Câu nói này phần nào cho thấy sự khó khăn để có được một việc làm toàn thời gian ở Nhật. Và mình tin chắc rằng đó là điều không hề dễ dàng đối với sinh viên (SV) quốc tế mong muốn có được công việc đúng chuyên ngành, lại không nói được tiếng Nhật, thậm chí không dễ dàng ngay cả với nhiều SV Nhật Bản (bằng chứng là tụi Nhật lab mình vẫn đang lao đao kiếm việc đến giờ phút này khi mình đã đáp cánh an toàn được hơn 1 tháng). Và mình cũng từng rất rất e ngại và bế tắc với vốn tiếng Nhật chỉ khoảng 30%. 

Trên thực tế thị trường làm việc ở Nhật là không nhỏ, thậm chí là rất lớn với khoảng 141 loại ngành công nghiệp, 30,000 công ty tuyển dụng mỗi năm và nhiều cơ hội cho tất cả các ngành nghề phù hợp với mọi chuyên ngành từ xã hội đến kỹ thuật, từ sản xuất đến dịch vụ và có chu trình tuyển dụng rõ ràng được lặp lại hàng năm. 

Theo thống kê (Hình 1), số lượng SV quốc tế học tập ở Nhật mỗi năm khoảng 140,000 người (JASSO, 2011) thì số trụ lại làm việc ở Nhật là 8,586 người (Immigration Bureau of Japan, 2011). Trong đó 70% là ngành dịch vụ – xã hội và 20% là nghành kỹ thuật, 10% các ngành khác. Một con số không lớn. Vậy lý do là gì?

 

Hình 1 – Số lượng Sinh viên quốc tế theo nguồn trợ cấp 1983-2011, JASSO. Năm 2011: Tổng số SV : 138.075 Tự túc: 124.939 Học bổng Nhật: 9.396 Học bổng của CP nước chủ nhà: 3.505

Trong bài này Phần 1 mình sẽ trả lời cho câu hỏi đó, ngoài ra mình cũng nói về các nguyên tắc khi xin việc và so sánh sự khác biệt trong quy trình và văn hóa tìm việc ở Nhật so với VN.

Phần 2 mình sẽ nói về kinh nghiệm của bản thân khi kiếm việc ở đây. Hy vọng có thể giúp được chút ít cho những bạn đang, sẽ và mong muốn kiếm việc tại Nhật. GOOD LUCK !!!

1. Thị trường việc làm ở Nhật: cạnh tranh công bằng, công khai 

Các công ty Nhật Bản hiện nay đã cởi mở hơn trong việc tuyển dụng SV nước ngoài, nhất là SV đến từ các nước đang phát triển như Đông Nam Á, Trung Quốc, và châu Phi. Xu hướng của các công ty Nhật ngày nay là tập trung tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường Châu Á và Châu Phi hơn là thị trường các châu lục khác. Các nước này là điểm đáp của các dự án mà Nhật đang muốn đầu tư vào và mở rộng ra. Có 2 lý do: thứ nhất là 2 châu lục này có nhiều nước đang phát triển vẫn rất cần công nghệ của Nhật, Nhật có thể dễ dàng bán lại công nghệ, hoặc làm chủ thầu cho các dự án sử dụng vốn ODA mà chính Nhật tài trợ cho các nước đó, hợp tác có lợi cho cả 2 bên. Thứ 2 là Nhật muốn kết nối với các nước Đông Nam Á về mặt kinh tế từ đó tiến tới mối giao hữu về mặt chính trị, để tạo ra cán cân đối trọng với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Như vậy có nghĩa là cơ hội xin việc cho các bạn Việt Nam ngày càng mở rộng! Nên dù có e ngại, các bạn hãy cứ chiến đấu đến cùng rồi cũng sẽ có được công ty mình mong muốn. 

Ví dụ, công ty mình sắp làm là công ty tư vấn kỹ thuật nhận thầu là các dự án sử dụng vốn ODA từ chính phủ (CP) Nhật để tư vấn, thiết kế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải và năng lượng tái tạo ở các nước Đông Nam Á. 

Khi du học, CP Nhật cấp học bổng cho SV các nước Đông Nam Á rất nhiều nhưng hầu như không cấp cho SV Trung Quốc. SV Trung Quốc đến Nhật học bằng tiền tư nhân hoặc do học bổng CP Trung Quốc. Tuy nhiên trong thị trường việc làm thì rất công bằng, SV Trung Quốc vẫn có giá trị cạnh tranh cao hơn SV bất cứ nước nào khác vì có lợi thế là hiểu/ viết được tiếng Nhật. 

Ngoài ra, sự đón tiếp của các công ty Nhật dành cho SV nước ngoài và SV Nhật là hoàn toàn như nhau, nghĩa là cạnh tranh ngang bằng với SV Nhật, hành động và cư xử cũng phải theo văn hóa của họ. Không có bất kì sự ưu đãi hay phân biệt đối xử nào khác biệt. Nên không có gì phải lo lắng sợ bị phân biệt, hay lại càng không được ỷ lại. 

Lợi thế của người Nhật là tiếng Nhật (hiển nhiên), được đào tạo bài bản từ nhỏ, am hiểu quy trình và tác phong xin việc. Yếu điểm của họ là ngoại ngữ (tiếng Anh) và sự hiểu biết, va chạm với các nước khác. SV Nhật có thể viết tiếng Anh rất giỏi, có thể nghe hiểu tốt nhưng ngại nói. SV Nhật không thèm đi du học ở các nước khác, họ nghĩ học ở nước họ là đủ và cũng một phần là do ngại nói tiếng Anh. Lợi thế của SV nước ngoài là kiến thức chuyên môn không chỉ gặt hái được trong quá trình học tập tại Nhật mà còn là kinh nghiệm từ nước nhà mà SV Nhật không có được, sự hoạt bát tự tin, ngoài ra tiếng Anh cũng là một lợi thế của SV nước ngoài.Yếu điểm của SV nước ngoài cũng là ngoại ngữ (tiếng Nhật), và sự cả thèm chóng chán. 

Vì thế, nhà tuyển dụng Nhật mong mỏi ở SV nước ngoài là: kiến thức chuyên môn và nhuần nhuyễn tiếng Nhật và tiếng Anh. Trong đó tiếng Nhật quan trọng hơn. Sẽ thực sự rất khó cho những người chỉ nói tiếng Anh. Thiếu một trong 2 yếu tố này, công cuộc săn việc sẽ là một thử thách lớn. Điều này trả lời cho câu hỏi tại sao xin việc tại Nhật không dễ. Vì công ty tuyển dụng Nhật đòi hỏi không những cao về chuyên môn mà còn thành thạo được ít nhất tiếng Nhật hoặc 2 thứ tiếng. SV Việt Nam thường gặp trở ngại khi xin việc vì chỉ nói được hoặc Nhật, hoặc Anh. NHƯNG ĐIỀU NÀY KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG THỂ!!! Bài này mình chủ yếu dành cho những người không nói được tiếng Nhật như mình. 

2. Một số sự khác biệt cơ bản giữa việc làm Nhật so với Việt Nam 

Trước khi đi vào tìm hiểu quy trình và thủ tục xin việc tại Nhật, hãy trang bị cho mình kiến thức về văn hóa xin việc của Nhật và những khác biệt với xin việc làm tại Việt Nam để chuẩn bị tinh thần khỏi phải bỡ ngỡ, phòng tránh những thiếu sót đáng tiếc sau này, nhất là về mặt thời gian. Vì mùa xin việc phù hợp qua rồi thì cơ hội sẽ khó hơn. 

2.1 SV ở Nhật bắt đầu kiếm việc 1 năm trước khi tốt nghiệp. 

Cụ thể, SV ĐH năm 3, thạc sĩ năm 1, và tiến sĩ năm 2 phải bắt đầu tìm việc. Khi kiếm được việc, họ sẽ bắt đầu công việc vào năm sau. Vì có 1 chu trình như thế nên nếu vì bất cứ lý do gì mà tốt nghiệp rồi vẫn chưa xin được việc, sẽ bị coi là thất bại trong việc tìm việc và cơ hội càng khó hơn, công ty tuyển dụng sẽ đặt dấu hỏi tại sao. Điều này áp dụng với SV Nhật, với SV nước ngoài công ty Nhật có phần thông cảm hơn vì nhiều người không biết nguyên tắc này. Vì vậy, những SV Nhật chưa xin được việc có xu hướng tiếp tục học lên Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ để có thêm thời gian xin việc. Lý do cho việc tuyển dụng sớm này là vì người Nhật làm gì cũng lên kế hoạch từ rất sớm, đã theo 1 quy trình và họ chủ yếu chào đón các SV mới ra trường, tâm trí còn như “tờ giấy trắng” để đào tạo bài bản lại từ đầu trở thành người của công ty. Dù bạn giỏi cỡ nào, kinh nghiệm tới đâu cũng sẽ phải trải qua khóa huấn luyện từ đầu như bao người khác, có khi kéo dài đến 2 năm. Cho nên có những bạn dù trái ngành học nhưng nếu có đủ yếu tố phù hợp với công ty và công việc thì họ vẫn tuyển dụng để đào tạo lại từ đầu. 

Ngày bắt đầu làm việc cũng giống như “ngày tựu trường”, 1 năm chỉ có 2 ngày 1/4 và 1/10. Dựa vào thời gian ra trường của SV Nhật là vào tháng 3, hầu hết các công ty yêu cầu bạn làm việc vào ngày 1/4. Tuy nhiên, vẫn có thể thảo luận với công ty ngày bạn muốn bắt đầu, có thể là năm sau.

2.2   Nếu đi làm ở công ty Nhật, bằng Tiến sĩ hầu như không cần thiết. 

Rất ít SV Nhật học Tiến sĩ, phần lớn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, phần nhỏ hơn là Thạc sĩ, phần hiếm là Tiến sĩ. Lý do: các công ty thường không muốn tuyển tiến sĩ vì phải trả lương cao hơn trong khi cũng phải đào tạo họ lại từ đầu như SV ĐH. Hơn nữa, Tiến sĩ thường có suy nghĩ “khác” bình thường. Do đó, Sv Nhật cũng không muốn tốn thời gian để học Tiến sĩ, trừ khi muốn theo con đường nghiên cứu trong các trường ĐH. 

2.3 Thư giới thiệu: con dao 2 lưỡi. 

Cũng như xin học bổng, xin việc cũng có thể dùng thư giới thiệu. Thư giới thiệu được cấp do trường, thông qua sự đồng ý của giáo sư hướng dẫn bạn. Phải nói trước rằng, có thư giới thiệu của trường không đồng nghĩa là xác suất xin được việc là trên 80% nhé (chứ đừng nói 100%), vẫn rất nhiều trường hợp bị từ chối như thường. Thư giới thiệu chỉ giúp tăng điểm số cho bạn trong phạm vi giới hạn, ví dụ được cộng thêm 20% lợi thế, hoặc nếu bạn nộp đơn trễ, thư giới thiệu có thể giúp đơn của bạn được tiếp nhận vô, thậm chí là mở 1 cuộc tuyển dụng chỉ có mình bạn. Bằng cách nào đi nữa, điều quan trọng là bạn có cơ hội để giới thiệu mình cho công ty và họ chỉ quan tâm trình độ của bạn tới đâu. 

Tại sao mình nói nó là con dao 2 lưỡi? Ở Nhật, thư giới thiệu có một ý nghĩa rất quan trọng với danh dự của giáo sư. Họ chỉ đồng ý cấp cho bạn 1 lần vào 1 công ty DUY NHẤT. Một khi bạn dùng đến thư giới thiệu có nghĩa là bạn đã cam kết nếu vượt qua cuộc tuyển dụng, bạn sẽ phải làm việc cho công ty đó bằng mọi giá. Như vậy, thư giới thiệu một mặt giúp bạn, mặt khác là lá đơn bãi bỏ quyền chọn lựa và quyền từ chối làm cho công ty đó nếu bạn đậu. Đã có rất nhiều trường hợp như sau, thi tuyển vào 1 công ty lớn và yêu thích, trong thời gian thi tuyển kéo dài, vì lo sợ thất bại, nên đã dùng thư giới thiệu nộp tiếp vào công ty khác nhỏ hơn hoặc không yêu thích bằng, rồi sau đó đậu cả 2 công ty, đành nuốt nước mắt từ chối công ty yêu thích để làm việc cho công ty thứ 2. 

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi dùng đến Thư giới thiệu. Bạn có thể vẫn đậu mà không cần đến nó nếu bạn đủ tự tin. Dùng đến nó bạn có thể vẫn rớt nếu bạn không đủ trình độ. Vậy nhé! 

2.4 Người Nhật rất ít thay đổi chỗ làm. 

Mọi công ty đều đánh giá cao sự trung thành cống hiến hết mình cho công ty của nhân viên. Họ quan niệm rằng nếu bạn đổi công ty quá nhiều lần, bạn chỉ làm mất thời gian mà chẳng học được gì từ công việc cũ (mình hoàn toàn đồng ý), không có sự kiên nhẫn đối mặt với khó khăn trong công việc, không đủ tin cậy để thuê nên sẽ rất khó khăn để xin việc nơi khác và một profile không tốt cũng khó để vay mượn tiền từ ngân hàng. Người Nhật thường chỉ làm cho 1-3 công ty trong suốt cuộc đời. Nhiều người tự hào khi khoe rằng họ đã làm ở đây 19-20 năm. Và quả thật, lương bổng và vị trí tăng theo số thâm niên của họ tại công ty. Các công ty Nhật thường than phiền rằng SV quốc tế sau khi in được việc ở Nhật, chỉ trụ lại được vài ba năm. Nếu bạn có ý định làm việc tại Nhật, hãy cân nhắc kỹ về điều này. 

2.5 Ngành hot nhất tại Nhật hiện nay. 

Ngoài việc làm tại các công ty, công việc hot nhất đối với các SV Nhật là làm công chức trong các cơ quan chính phủ địa phương. Hàng năm các cuộc thi công chức được tổ chức tập trung như các cuộc thi ĐH ở VN, bao gồm thi viết và phỏng vấn (2 vòng). Ai cũng mong thi đậu để được làm công chức. Lý do: công việc ổn định, ít áp lực và không bị sa thải. 

2.6 Hệ thống lương của Nhật theo 1 chuẩn chung và hầu như không khác biệt mấy ở mọi công ty, mọi vùng miền. 

Chính vì thế trong các trang web tuyển dụng, mức lương và các điều kiện phúc lợi xã hội cũng được niêm yết. Mức cơ bản nhất là từ SV đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, sự chênh lệch chỉ khoảng 5% mỗi cấp.Đối với thâm niên tuổi tác, mốc từ 35 tuổi trở lên sẽ có số lương vượt bậc, hơn gấp rưỡi người tuổi 20. Tất nhiên là đủ sống. Vì vậy, không cần vương vấn quá nhiều về vấn đề lương. Khi phỏng vấn cũng chẳng bao giờ hỏi bạn muốn lương bao nhiêu. Hỏi về lương ngay trong cuộc phỏng vấn là điều không nên làm, khi nhận được hợp đồng làm việc rồi, bạn có thể thương lượng với công ty sau. 

2.7 Có 2 loại hợp đồng chính: hợp đồng ngắn hạn (tái ký kết hàng năm) và hợp đồng dài hạn (trọn đời). 

Hợp đồng ký kết hàng năm có nhiều yếu tố bất lợi: lương không bao giờ tăng, không bonus mỗi năm, không lương hưu, và có thể bị sa thải. Ngược lại, hợp đồng trọn đời toàn yếu tố có lợi: lương tăng mỗi năm, bonus 2 tháng lương (vào giữa và cuối năm) và khi nghỉ hưu, sẽ nhận được 1 cọc tiền lương hưu tùy theo số năm đóng góp cho công ty. Hợp đồng trọn đời ai cũng mong muốn nhưng tất nhiên số lượng rất có hạn nên phải xuất sắc mới có được. Cái này thì nên tranh đấu cho nó. 

2.8 Tinh thần hợp tác giữa các công ty cùng ngành tại Nhật. 

Các công ty cùng ngành nếu là ở VN sẽ thường được coi là ” đối thủ” của nhau, nhưng ở Nhật, sự hợp tác giữa họ là rất đáng ngưỡng mộ. Họ làm việc trên tinh thần đối tác, chia sẻ thị phần công việc và việc ai người ấy làm. Nói như vậy không có nghĩa là họ sẽ chia sẻ tất cả bí mật kinh doanh của mình cho các công ty khác biết. Chiến lược kinh doanh, thông tin về các dự án vẫn luôn được hết sức bảo mật. Mình chỉ nộp đơn vào 2 công ty, và trong quá trình thi tuyển, cả 2 công ty đều thông tin cho nhau về tiến độ của mình, và sau này, khi mình từ chối làm việc cho công ty thứ 1 để vào làm cho công ty thứ 2, boss ở công ty thứ 1 đã gửi email cho mình nói rằng ông lấy làm xấu hổ vì để mình đi và sau này nếu cần giúp đỡ, hãy đến tìm ông ấy bất cứ lúc nào !!! Mình đã rất xúc động với cách hành xử fairplay như vậy. 

Nguyễn Minh.

Link gốc: http://on.fb.me/19Jbgrt

Nguồn: http://asianeducation.info

Tags: ,

StoriesofLife

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu