Đọc giúp bạn|Giấc mơ trở thành nhà phân tích tài chính

by finandlife21/11/2013 10:14

Dưới đây là một bài viết trên fgate, được dịch từ investopedia. Vì là một bài dịch trên trang đầu tư lớn, do vậy, nội dung của bài mô tả nghề nghiệp phân tích tài chính tại những thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu. Tại Việt Nam, một thị trường chỉ phát triển hơn 10 năm nay, nghề nghiệp này có nhiều sự khác biệt, và không hẳn giống như những mô tả mà các bạn đọc bên dưới.

Tôi hoàn toàn đồng ý những đòi hỏi về kiến thức và kỹ năng cho nghề nghiệp này, với nghề này bạn phải trang bị cho mình một nền tảng tốt, không dừng lại ở đó, bạn còn phải liên tục học tập và nâng cao vốn kiến thức của bạn. Nhưng có lẽ thị trường Việt Nam quá nhỏ bẻ, những định chế tài chính khác nhau sẽ có sự vận dụng khác nhau đối với những chuyên viên phân tích, và một số trong đó chưa hẳn đã làm đúng thế mạnh của họ, quyết định đầu tư ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những “chủ trương”, lãnh đạo 2 bên gặp nhau và đưa ra quyết định đầu tư mà nhiều khi chưa phân tích chi tiết, công việc phân tích là một bước hợp thức hóa những quyết định đó. Ở góc độ sell-side analysis, nhiều phân tích buộc phải viết theo chỉ đạo và sự sắp xếp của cấp trên, khuyến nghị trái với nguyên tắc nghề nghiệp. Đó là một trong những góc khuất mà không phải là ít phổ biến ở thị trường chúng ta. Đứng ở góc độ làm nghề, tôi phản đối những hành động bẻ cong lý lẽ đó, đạo đức nghề nghiệp vẫn là quy tắc đầu tiên và quan trọng nhất cho người làm phân tích.

-----------------------------------------------------------------------

Trong ngành dịch vụ tài chính, một trong những nghề được mơ ước nhiều nhất là trở thành nhà phân tích tài chính. Những nhà phân tích tài chính có thể làm việc ở cấp độ trung và cao cấp trong các doanh nghiệp, và là bước đệm cho những ai theo đuổi nó đến với các cơ hội nghề nghiệp khác. Ngành dịch vụ tài chính cạnh tranh rất khốc liệt, vì thế, nếu bạn có ý định dấn thân vào lĩnh vực phân tích, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, nếu bạn biết chuẩn bị hành trang cho mình đúng cách, bạn sẽ thành công với nghề này.

Nhà phân tích tài chính làm gì?

Công việc của một nhà phân tích tài chính là nghiên cứu các điều kiện kinh tế vi mô và vĩ mô, các giá trị nền tảng (fundamentals) của doanh nghiệp để đưa ra các khuyến nghị kinh doanh, ngành hoặc nhóm ngành. Nhà phân tích tài chính còn tư vấn trong việc mua hay bán chứng khoán công ty dựa trên sức mạnh hiện tại hoặc tiên đoán về doanh nghiệp. Một nhà phân tích tài chính phải hiểu thấu đáo tình hình phát triển hiện tại của ngành mình đang phụ trách, tập trung vào việc chuẩn bị các mô hình tài chính (financial modeling) để dự báo các điều kiện kinh tế tương lai khi các đầu vào thay đổi.

Nền tảng nhà phân tích tài chính cần chuẩn bị

Nếu bạn còn đang là sinh viên và muốn trở thành nhà phân tích tài chính, cách tốt nhất là bạn tham gia các khóa học về kinh doanh, kinh tế học, kế toán và toán học. Những ngành học khác mà bạn có thể trau dồi thêm nên gồm có khoa học máy tính, sinh học, vật lý, thậm chí là kĩ sư. Nhiều nhà phân tích ở cấp độ thấp mà các doanh nghiệp tuyển dụng có nền tảng kiến thức ở các lĩnh vực trên, bởi bản chất khi phân tích doanh nghiệp, người phân tích cần phải hiểu công cuộc kinh doanh cốt lõi, ngành mà doanh nghiệp đó đang hoạt động, trong khi các ứng viên có tấm bằng MBA (Thạc sỹ Quản trị kinh doanh)  từ các trường kinh doanh thường được tuyển vào làm nhà phân tích ở cấp độ cao.

Bên cạnh đó, nhiều người còn theo học và lấy thêm các bằng cấp chuyên môn chuyên sâu như CFA Charter để trang bị thêm kiến thức tài chính đầu tư thực tế, phục vụ cho nghề nghiệp.

                                Nguồn: CFA Institute

Những nghề nghiệp mà nhà phân tích tài chính có thể theo đuổi 

Những nhà phân tích tài chính có xu hướng tập trung chuyên môn nghề nghiệp của mình tùy vào định chế, tổ chức mà họ làm việc. Các ngân hàng, các công ty đầu tư bên bán và bên mua (buy-side và sell-side), các công ty bảo hiểm, các ngân hàng đầu tư chính là các tổ chức tuyển các vị trí phân tích tài chính. Trong số đó, các công ty đầu tư “bên bán”, các công ty đầu tư “bên mua” và các ngân hàng đầu tư có nhu cầu tuyển dụng các chuyên viên phân tích nhiều nhất.

Những nhà phân tích tài chính làm việc cho các công ty đầu tư “bên mua” có nhiệm vụ nghiên cứu cổ phiếu phục vụ cho mục đích mua bán nội bộ của quỹ công ty, trong khi các nhà phân chính làm việc cho các công ty đầu tư “bên bán” có nhiệm vụ viết các báo cáo nghiên cứu về cổ phiếu để cung cấp cho các công ty “bên mua”.

Các công ty đầu tư “bên mua” là những tổ chức đầu tư quản lý quỹ đầu tư riêng của mình. Khi làm việc ở các công ty này, các nhà phân tích nghiên cứu các công ty tiềm năng, lựa chọn các cổ phiếu phù hợp với chiến lược đầu tư để bổ sung vào quỹ đầu tư của công ty. Họ còn theo dõi các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của quỹ để xác định thời điểm và vị thế lời lỗ của quỹ đầu tư khi bán cổ phiếu đó.

Các nhà phân tích bên các công ty đầu tư “bên bán” có nhiệm vụ định giá và so sánh chất lượng các loại chứng khoán trong một ngành hoặc nhóm ngành. Dựa trên những phân tích này, nhà phân tích sẽ viết các báo cáo để đưa ra các khuyến nghị như: mua, bán, mua mạnh, bán mạnh hoặc nắm giữ chứng khoán đó. Những khuyến nghị này cung cấp một khối lượng lớn thông tin cho ngành đầu tư, khi các nhà phân tích làm việc với các công ty đầu tư “bên mua”.
Chuyên sâu hơn, có nhà phân tích được bổ nhiệm chuyên theo dõi và phân tích cổ phiếu công ty, trong khi các nhà phân tích khác sẽ nghiên cứu về các công cụ trái phiếu công ty và chính phủ. Nhiều nhà phân tích còn được phân ngành hoặc các nhóm ngành cụ thể mà mình sẽ phụ trách để nâng cao tính chuyên sâu khi phân tích. Chẳng hạn một nhà phân tích có thể chuyên phụ trách mảng đầu tư cổ phiếu trong ngành năng lượng hoặc công nghệ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích làm việc cho các ngân hàng đầu tư lại chuyên sâu trình độ khác so với các nhà phân tích hoạt động ở các công ty bên mua hoặc bên bán nói trên, khi nhiệm vụ chính của họ là xác định tính khả thi nên hay không thực hiện các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), mua bán và sáp nhập (M&A), dựa trên các giá trị nền tảng của doanh nghiệp liên quan đến thương vụ đó. Những nhà phân tích này sẽ đánh giá tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp, cũng như lập các mô hình tài chính và dự báo để ra khuyến nghị cho các đối tác cấp cao quyết định có nên hay không sáp nhập doanh nghiệp cho một khách hàng của ngân hàng đầu tư, hoặc nên hay không đầu tư vốn mạo hiểm (venture capital) vào một công ty nhất định cho khách hàng khác.

Nghề phân tích tài chính đòi hỏi gì?

Những nhà phân tích tài chính cần thận trọng khi tổng hợp các thông tin tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như các thông tin về một doanh nghiệp cụ thể và các giá trị nền tảng vi mô thể hiện trên các báo cáo tài chính (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu  chuyển tiền tệ). Để nắm bắt các thông tin mới nhất, các nhà phân tích cần phải liên tục cập nhật các thông tin tài chính kinh tế mới nhất liên tục mỗi ngày, ở các ấn phẩm uy tín như The Wall Street JournalThe Financial Times hay The Economist, cũng như các website tài chính chuyên nghiệp khác.

Trở thành một nhà phân tích tài chính còn đòi hỏi người theo đuổi nó có một sức khỏe tốt, bởi công việc đòi hỏi phải di chuyển và công tác nhiều. Nhiều nhà phân tích có các chuyến thăm đến các công ty để có cái nhìn trực tiếp về hoạt động của doanh nghiệp ở cấp độ ban đầu, cũng như có các cuộc họp đối thoại với các đồng nghiệp để chia sẻ các thông tin công việc mình đang làm.

Khi ở văn phòng công ty, các nhà phân tích phải học hỏi để trở thành chuyên gia làm việc với các bảng tính (spreadsheet), cơ sở dữ liệu liên quan, các biểu đồ, các số liệu thống kê để có thể phát triển và đưa ra các khuyến nghị cho ban quản lý cấp cao, cũng như phát triển các bài thuyết trình chi tiết, lập các báo cáo tài chính để dự báo, phân tích chi phí lợi ích, phân tích các xu hướng và kết quả đầu tư. Những nhà phân tích còn phải giải thích các giao dịch tài chính và xác minh các tài liệu liên quan cho phù hợp với các quy định của chính phủ.

Cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến

Với tính chất năng động của công việc, các nhà phân tích tài chính phải giao tiếp và làm việc với nhau cũng như các đồng nghiệp khi lập các báo cáo trình lên nhà quản lý danh mục đầu tư hoặc các chuyên viên quản lý cấp cao khác. Một nhà phân tích cấp thấp như sinh viên mới ra trường có thể mất từ 3 đến 5 năm để trở thành một nhà phân tích cấp cao. Riêng đối với các nhà phân tích cấp cao đang tìm kiếm các cơ hội khác để mở mang nghề nghiệp, họ có thể chọn trở thành các nhà quản lý danh mục đầu tư, đối tác với các ngân hàng đầu tư hoặc trở thành thành viên quản lý cấp cao ở ngân hàng bán lẻ hoặc công ty bảo hiểm. Một vài nhà phân tích chọn con đường trở thành nhà tư vấn đầu tư hoặc nhà tư vấn tài chính để tiếp tục phát triển con đường nghề nghiệp của mình.

Những chia sẻ để thành công với nghề phân tích tài chính

Những nhà phân tích cấp thấp thành công nhất là những người thông thạo khi làm việc với các bảng tính, cơ sở dữ liệu, thành thạo khi thuyết trình PowerPoint và học, áp dụng các phần mềm ứng dụng khác trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích cấp cao không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực và làm việc miệt mài, họ còn phải mở rộng các mối quan hệ với các giám sát viên và chỉ bảo cho các nhà phân tích cấp thấp. Những nhà phân tích nhanh chóng thăng tiến với nghề này còn phải học cách phát triển kĩ năng giao tiếp và đối nhân xử thế, đặc biệt là kĩ năng viết và thuyết trình để gây ấn tượng với ban quản lý cấp cao.

Lời kết

Tuy nghề đầu tư tài chính đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ càng và nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ, “trái ngọt” mà nó mang lại không chỉ là các phần thưởng tài chính, mà khiến những ai theo đuổi nó cảm thấy vai trò to lớn vì những đóng góp không hề nhỏ của mình vào bức tranh tổng thể kinh doanh nói chung của doanh nghiệp. 

Nguồn: finandlife|Fgate  

Tags:

Economics | Psychology | StoriesofLife

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu