Đọc giúp bạn|KHỞI NGHIỆP - MỘT PHONG TRÀO NGUY HIỂM

by finandlife03/11/2015 09:11

Mình làm công việc phỏng vấn doanh nhân trên truyền hình và dẫn chương trình các sự kiện doanh nghiệp cũng gần 6 năm nay, và mình tin những gì quan sát và tiếp thu được dù chưa thể phản ánh đầy đủ bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam, nhưng chí ít cũng có vài điểm lặp đi lặp lại mang tính chất quy luật. Và một trong số đó là, phong trào khởi nghiệp rất nguy hiểm. Sở dĩ tạm gọi là “phong trào“ vì so với cách đây 5 năm, số lượng các công ty khởi nghiệp xuất hiện rất đông đảo. Một phần cũng bắt nguồn từ làn sóng các du học sinh quay trở về nước. Dù thường xuyên phỏng vấn các bạn khởi nghiệp, tham gia nhiều hội thảo về khởi nghiệp...nhưng nếu hỏi mình có cỗ vũ cho cái gọi là phong trào khởi nghiệp không thì xin thưa là không. Khởi nghiệp ở đây mình xin đề cập chung cả startup (khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ) và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Dù startup và SME là rất khác và nhiều bạn muốn làm startup nhưng thật ra là đang làm SME. Ở đây xin được gọi chung là làm entrepreneur để đề cập đến một vấn đề nhiều bạn gặp phải. Một điều hiển nhiên, làm entrepreneur không dành cho tất cả mọi người.

Một đất nước kém phát triển, đi sau, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn, tổ chức nhà nước khiến cho thu nhập ở các lĩnh vực ngành nghề không đồng đều, tạo cho các bạn trẻ một tâm lý phổ biến là Phi thương bất phú, tức là muốn kiếm nhiều tiền, có cuộc sống sung túc thì phải làm kinh doanh. Kinh doanh là lĩnh vực có lẽ ít cần chuyên môn riêng biệt nhất. Học gì đi nữa thì cũng có thể làm kinh doanh. Các phương tiên truyền thông thì liên tục dập những câu như "Vietnam là điểm thu hút đầu tư...Vn đang phát triển, cơ hội kinh doanh rất tốt..." Những điều đó là không sai, nhưng không đúng với tất cả mọi người. Nếu theo dõi tin doanh nghiệp, chắc bạn cũng sẽ nghe nhiều những cụm từ như "hàng ngàn doanh nghiệp giải thể" "kinh doanh khó khăn" "doanh nghiệp khó tiếp cận vốn" "năng lực cạnh tranh kém"... Bên cạnh những tác nhân bên ngoài khiến doanh nghiệp thất bại, mình tự hỏi bao nhiêu entrepreneur trong số đó vốn sinh ra không phải để làm entrepreneur?

Một khi năng lực đã kém thì điều kiện khách quan có tốt cách mấy, doanh nghiệp cũng thất bại mà thôi. Mình thề với bạn, có không ít entrepreneur ở Việt Nam còn chưa thật sự hiểu về những điều căn bản của làm kinh doanh, của sales và marketing, nghiên cứu thị trường, của làm truyền thông, của cải tiến sản phẩm, hoặc nhiều khi xin lỗi, chỉ là quy luật cung và cầu. Đồng ý kinh doanh thì không có tuân theo sách vở, nhưng những thứ căn bản thì vẫn là căn bản không thể thiếu. Đã mất căn bản còn làm liều thì hậu quả khó lường.

Nhiều người làm kinh doanh chỉ bởi có quan hệ với các quan lớn, móc nối được những hợp đồng béo bở, bí mật, độc quyền, hoặc hùn hạp bạn bè, hoặc chợt thấy cái gì hay hay tiềm năng...chứ thực tế doanh nghiệp không có một tí gì là lợi thế cạnh tranh hết.

Trông lần làm moderator một hội nghị kinh doanh lớn ở Cần Thơ, mình nghe một đàn chị là người có tiếng trong cộng đồng doanh nghiệp bức xúc "tổ chức hội thảo dành cho doanh nhân nhiều khi chua lắm em ơi. Nhiều người hổng có quan tâm đến việc cải thiện kỹ năng hay kiến thức. Hội thảo có quan chức tham dự thì họ mới đi, không thì thôi. Vì họ kinh doanh dựa vào mối quan hệ mà. Chua lắm"

Bên cạnh đó, rất nhiều entrepreneur thậm chí còn không trả lời được câu hỏi, khác biệt của sản phẩm/dịch vụ của anh là gì? Nói chung là biết lao ra đại dương đỏ nhưng vẫn cứ lao. Vì bản lĩnh người trẻ mà, không ngại khó khăn thử thách mà, kinh doanh thì phải chông gai. Đúng vậy, kinh doanh thì rất chông gai, nhưng đâm đầu vào chỗ khó mà thiếu sự chuẩn bị tốt cả về tâm lý và nguồn lực thì đó là ngu dại. Và khi đã vào guồng rồi thì khó mà rút ra. Và nhiều người dành cả đời cho cái nghiệp kinh doanh cơ cực tại Việt Nam mà lẽ ra nó không dành cho mình. Có người nói, khởi nghiệp nếu thất bại thì cũng là bài học lớn. Đúng, thật sự nếu bạn là một entrepreneur thì khởi nghiệp thất bại bạn cũng chả hề hấn gì. Nhưng nếu không phải thì nó càng tác động tiêu cực đến tâm lý, và làm lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc, cả những mối quan hệ gia đình và xã hội.

Một tinh thần doanh nhân, một nền kinh tế mạnh với những ông chủ giỏi thì rất tuyệt vời, nhưng sẽ tai hại nếu các bạn trẻ bước ra đời với tinh thần...chỉ muốn làm chủ. Làm chủ kiểu gì khi mà những căn bản về kỹ năng, thái độ làm việc chuyên nghiệp còn chưa có? Nhiều bạn tách ra làm chủ chẳng qua vì không đáp ứng được yêu cầu năng lực khi làm thuê, hoặc nhà quá có điều kiện nên tiêu bớt tiền ông bà già, hoặc làm này làm kia hùn hạp với bạn bè mà chẳng hiểu rõ về sản phẩm... Còn mấy bạn khởi nghiệp công nghệ thì đôi khi đọc quá nhiều Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg mà quên rằng những người đó không phát triển ở môi trường Việt Nam! Có bạn sau khi thấy Hà Đông kiếm triệu đô với Flappy Bird thì nghỉ việc, tách ra viết game riêng, sau một thời gian thất bại lại muốn quay lại công ty cũ!

Kinh doanh, khởi nghiệp cũng chỉ là một phần của nền kinh tế. Cái chúng ta đang thiếu ở Việt Nam là giáo dục, văn hoá, và rất nhiều những thứ khác. Các phương tiên truyền thông có vẻ cũng ưu ái những tấm gương kinh doanh giỏi nhiều hơn các lĩnh vực khác nên các bạn trẻ càng ảo tưởng. Đất nước lại trong giai đoạn hội nhập, rõ ràng là cơ hội kinh doanh rất nhiều. Thế là lại sản sinh rất nhiều bạn trẻ có gan làm giàu, sau một thời gian thì ứa gan ứa mật. Nhiều người trong số đó, biết đâu có thể là một nhà giáo ưu tú, một nhà văn hoá xuất chúng, một cán bộ nhà nước mẫn cán, một kỹ sư tài ba, hay một bác sĩ tài năng? Những người vì hoàn cảnh mưu sinh, hoặc vì thế nào đó phải khởi nghiệp kinh doanh thì không nói. Nhưng nếu có thể lựa chọn, xin đừng lựa chọn kinh doanh nếu nó không phải dành cho mình.

Ở Việt Nam, phong trào khởi nghiệp thật sự là một phong trào nguy hiểm mà những thiệt hại và chi phí cơ hội là không thể tính hết. Mình sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với những chương trình liên quan đến khởi nghiệp kinh doanh, nhưng mình không cỗ vũ điều đó cho tất cả mọi người. Rất mong Vn tiếp tục xuất hiện những doanh nhân, người làm chủ xuất chúng, và cũng rất mong những người xuất chúng ở các lĩnh vực khác nữa.

P.S: Trong ảnh là hình ảnh mô hình Dreamplex, văn phòng chia sẻ quy mô lớn đầu tiên tại TPHCM sẽ khai trương vào giữa tháng 11, nơi hứa hẹn sẽ tập trung nhiều công ty khởi nghiệp trẻ. Mình dự định sẽ quay hình vài talk-show tại đây, với những chủ đề hướng nghiệp giúp nhiều bạn trẻ thoát khỏi cái phong trào nguy hiểm không dành cho họ!

 

Nguồn: Facebook Trần Quốc Khánh

Tags:

Economics

Báo cáo chiến lược tháng 10

by finandlife15/10/2015 09:25

DIỄN BIẾN KINH TẾ THẾ GIỚI

• Các tổ chức tài chính quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

• Mỹ: FED trì hoãn việc tăng lãi suất

• Trung Quốc: Sản xuất giảm mạnh tháng thứ 7 liên tiếp

• EuroZone: Tăng trưởng kinh tế và lạm phát chưa có những cải thiện đáng kể

GIÁ CẢ HÀNG HÓA THẾ GIỚI TIẾP TỤC GIẢM NHẸ TRONG THÁNG 9

TÌNH HÌNH KINH TẾ VIỆT NAM

• Tăng trưởng GDP cho thấy kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi trong Quý III

• Sản xuất tháng 9 phục hồi chậm lại

• Tiêu dùng và đầu tư cải thiện

• Xuất khẩu khó khăn gây áp lực kiểm soát nhập siêu

• Tỷ giá và thị trường ngoại hối dần ổn định trở lại

• Lạm phát thấp chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và năng lượng giảm

• Thị trường tiền tệ ổn định, tín dụng tiếp tục tăng trưởng nhanh

• Phát hành trái phiếu chính phủ khó khăn

• Áp lực cân đối ngân sách

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THÁNG 9

• Đi ngang trong biên độ hẹp

• Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh

XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG THÁNG 10

• Phụ thuộc vào sự tích cực của dòng tiền nội và lực mua của khối ngoại

• Cơ hội tích lũy các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng

Chi tiết xem ở Báo Cáo Chiến Lược Tháng 10.

 

Nguồn: VFS Research

Tags:

Economics

Daily Topic|Nóng và Nguội

by finandlife12/10/2015 09:17

Nhanh nóng, chóng nguội ?

Từ khi có thông tin chính thức về việc Bộ trưởng Thương Mại các nước thành viên hoàn tất đàm phán TPP vào ngày 05/10/2015, thị trường đã có 2 phiên giao dịch đầy phấn khích. Sau đó, tâm lý dè dặt đã xuất hiện, VN-Index bắt đầu những phiên tăng giảm xen kẽ.

Đã từ lâu, người ta thường nói thị trường Việt Nam nhanh nóng nhưng cũng chóng nguội. Liệu lần này câu nói đó có đúng với những gì sẽ diễn ra trên thị trường trong những phiên tới hay không ?

Thực tế là sau khi hồ hởi háo hức về TPP, giờ đây các nhà đầu tư đang cố gắng tiếp nhận, nghiền ngẫm và giải mã các thông tin nhiều chiều về TPP vốn đang được đăng tải liên tục trên báo chí. Qua đó, họ đang nhận ra TPP không phải là cây đũa thần cho nền kinh tế, có thể một sớm một chiều giúp các doanh nghiệp trong nước bùng nổ về kinh doanh, hoặc giúp người dân Việt Nam giàu lên nhanh chóng. Song song với cơ hội, TPP cũng đầy thách thức và rủi ro. Thậm chí, đã có cả những ý kiến lo sợ đổ vỡ sẽ xảy ra khi nền kinh tế còn nhiều điểm yếu phải đối mặt với những điều kiện khắt khe của TPP.

Sự lo ngại đó thể hiện rõ trên thị trường: sau khi tăng vọt vào ngày 05/10, số lượng các mã tăng giá trong các phiên sau đó đã giảm dần trong các phiên sau đó.

Chỉ số Breadth cũng đã giảm xuống dưới ngưỡng 55% sau khi bùng lên và chạm ngưỡng 60% vào ngày 06/10.

Dòng tiền tích cực

Chúng tôi không bất ngờ với những diễn biến tâm lý nói trên. Khi mà các thông tin về TPP còn chưa rõ ràng, khi nội dung đầy đủ của Hiệp định TPP còn chưa được công bố, thì vẫn còn chỗ cho những suy đoán cảm quan, và tâm lý dao động là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, dòng tiền lại đang cho thấy một sự tích cực rõ nét: HSX đã có 4 phiên liên tiếp có giá trị giao dịch trên 2.000 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch của HSX và HNX đạt gần 16.000 tỷ trong tuần lễ từ 05 – 09/10, tăng 84% so với tuần trước đó và tăng 38% so với trung bình 4 tuần gần nhất.

Trên HSX, giá trị giao dịch tích cực cũng đã tăng mạnh, vượt lên trên ngưỡng 1.250 tỷ đồng/phiên.

Từ đầu năm 2013 đến nay, mỗi lần giá trị giao dịch tích cực vượt lên trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng/phiên đều gắn liền với một đợt tăng điểm kéo dài. Điều mà chúng tôi kỳ vọng là lần này, giá trị giao dịch tích cực tăng mạnh cũng sẽ kéo theo một đợt tăng điểm của thị trường giống như vậy.

Có nên sợ TPP ?

Thực tế là TPP, được coi là hiệp định thương mại tự do của thế kỷ 21, sẽ mang lại nhiều cơ hội và rất nhiều thách thức, nhất là đối với Việt Nam, nước có nền kinh tế kém phát triển nhất trong số 12 quốc gia thành viên.

Thực tế là Việt Nam sẽ phải chịu rất nhiều áp lực về cải cách thể chế, cải tổ nền kinh tế, thay đổi tập quán kinh doanh.

Thực tế là không phải ngành, không phải doanh nghiệp nào cũng có lợi khi Việt Nam gia nhập TPP, thậm chí những ngành và doanh nghiệp được coi là sẽ có lợi cũng sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc và thử thách khắc nghiệt.

Tuy nhiên, liệu có vì thế mà sợ TPP ?

Chúng tôi đang xem lại quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong 15 năm qua, với 2 cột mốc lớn là Hiệp định Thương Mại Song phương (BTA) với Mỹ năm 2000 và gia nhập WTO năm 2007, để có cái nhìn rõ hơn về sự thay đổi của đất nước qua những lần gia nhập vào các khối liên kết thương mại lớn.

Chúng tôi xin trích lời Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, về việc có nên sợ TPP hay không:

“Trước kia, khi ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Mỹ, chúng ta đã rất lo ngại bởi kinh nghiệm chưa nhiều, DN của chúng ta lúc bấy giờ chưa trưởng thành. Thế nhưng, thực tế cho thấy con đường đấy vừa là tất yếu vừa đem lại lợi ích, kể cả sự trưởng thành cho đất nước và cho DN chỉ trong một thời gian vô cùng ngắn. Sau 1-2 năm, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng thương mại đã là một điều kỳ diệu khi trong vòng 15 năm, xuất khẩu sang thị trường này đã tăng 30 lần.

Như thế, không có lý gì khi chúng ta đang cải cách, chúng ta có kinh nghiệm, có điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn mà lại không nghĩ về một cơ hội và có thể tóm được cơ hội từ TPP. Cho nên, cẩn trọng, tính toán không thừa nhưng cần tự tin, không sợ hãi bởi bài học đã có rồi.” 

Cảm nhận của chúng tôi

TPP vẫn còn phải chờ thông qua bởi Quốc Hội các nước thành viên, vì vậy sẽ chưa có hiệu lực ngay lập tức.

Tuy nhiên, việc Việt Nam có mặt trong 12 nước thành viên đã chứng tỏ vị thế của đất nước đang thay đổi nhanh và mạnh theo chiều hướng tốt.

Thực tế là 15 năm qua, sau khi tự do hóa thương mại với Mỹ và WTO, kinh tế - xã hội Việt Nam đã thay đổi rất nhanh. Chúng ta không thể chối bỏ rằng những gì đang có hiện tại tốt hơn nhiều so với xuất phát điểm năm 2000.

Tất nhiên, con đường đến tương lai sẽ còn rất nhiều chông gai, nhưng chúng tôi tin rằng Việt Nam đang chuyển biến để tốt lên, và TPP sẽ tiếp sức cho quá trình chuyển biến này nhanh và mạnh hơn.

Với suy nghĩ đó, cảm nhận của chúng tôi là:

  • Thị trường có thể dao động lên hoặc xuống trong ngắn hạn, nhưng khó đảo chiều để hình thành một xu hướng đi xuống (downtrend) trong dài hạn, ngoại trừ khi xảy ra những biến cố lớn ngoài dự đoán trên thế giới.
  • Trong ngắn hạn, đà đi lên của thị trường sẽ phụ thuộc vào dòng tiền tích cực và lực mua của khối ngoại. Dòng tiền hiện nay đang khỏe. Trong tuần vừa qua, khối ngoại đã mua ròng trở lại khá lớn, đánh giá của các nhà phân tích trên thế giới đều theo hướng có lợi cho Việt Nam khi gia nhập TPP.
  • Rủi ro trong nước đã giảm nhiều, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm xuống dưới 3% vào cuối tháng 09/2015, việc xử lý sở hữu chéo hoặc các ngân hàng yếu kém sẽ vẫn tiếp tục, nhưng chúng tôi cho rằng Ngân Hàng Nhà Nước đã có đủ kinh nghiệm để khoanh vùng các đợt xử lý, không làm ảnh hưởng đến hệ thống.
  • Mùa kết quả kinh doanh Q3 đang đến, sự phân hóa trên thị trường sẽ rõ nét hơn, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt sẽ tiếp tục được chú ý.

Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư không nên quá lo lắng với các dao động ngắn hạn của thị trường qua từng phiên, tận dụng các phiên giảm điểm để tích lũy các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng.

Kính chúc Quý khách hàng đầu tư thành công.

 

Trân trọng.

VFS Research

Tags:

Economics | Psychology | StockAdvisory

Đọc giúp bạn|Thị trường, lãi suất đang có vấn đề

by finandlife12/10/2015 09:00

Cơ hội để giảm lãi suất không còn nữa. Lạm phát xuống đến đó là hết mức rồi mà lãi suất không giảm được nữa, có nghĩa vấn đề của lãi suất nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở ngân sách và ngân hàng, nợ công và nợ xấu.

Hải Lý

(TBKTSG Online) - “Lãi suất và thị trường là hai mấu chốt đang có vấn đề thực sự mà doanh nghiệp cần chú ý từ nay đến cuối năm và có thể cả năm sau”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn TBKTSG.

Ông nói: “Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) làm tôi lo ngại. Họ không còn nói kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hoặc phục hồi chậm như trước, mà dùng từ suy giảm dài hạn”.

TBKTSG: Có phải ý ông muốn đề cập đến giá hàng hóa cơ bản trên thị trường quốc tế vẫn đang đi xuống không?

- Ông Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Trên thị trường quốc tế sáu tháng đầu năm giá hàng hóa cơ bản giảm 6%, nhất là nông sản. Doanh nghiệp Việt Nam cách đây hai năm đầu tư nhiều để chuẩn bị đón đầu các hiệp định thương mại tự do. Họ đầu tư công nghệ theo kiểu nửa hiện đại, nửa cổ điển. Thí dụ máy xén giấy, họ mua dao cắt, phần điều khiển của Mỹ, của châu Âu, phần còn lại họ mua của Trung Quốc vì rẻ. Đó là cách đầu tư “liệu cơm gắp mắm” của người Việt, cũng tốt. Nhưng đáng lo là tất cả những khoản đầu tư đó đều hướng đến xuất khẩu. Nếu năm nay là đáy của giá hàng hóa, thì năm sau giá có thể lên. Tuy nhiên theo dự báo của IMF, năm nay có thể chưa là đáy, năm sau giá vẫn nằm ngang như thế, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Trên thị trường nội địa cung cũng quá dư thừa. Cung nội địa dư thừa với cầu nội địa, trong khi hàng hóa Trung Quốc vẫn tràn sang. Các nước khác cũng đang đưa hàng của họ vào không ít, từ bắp, đậu nành, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến các thành phẩm như thịt, sữa...

Tôi đang kinh doanh một doanh nghiệp xuất khẩu, thực tế rất rõ (ông Nghĩa hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất, xuất khẩu bao bì NHP, niêm yết trên sàn Hà Nội - NV). Đầu năm chúng tôi vẫn xuất khẩu thuận lợi, máy móc thiết bị chạy ba ca mà không kịp, nhưng ba tháng nay các hợp đồng xuất khẩu giảm đi và chúng tôi phải tìm kiếm thêm khách hàng Việt. Người mua nói họ tạm thời điều chỉnh, không nhập khẩu thêm nữa.

TBKTSG: Đầu ra co lại, nghĩa là phải giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất?

- Các doanh nghiệp nên thận trọng, đừng có đẩy cung lên quá mức, nên có sự điều chỉnh giữa tổng doanh thu, tổng chi phí và sản lượng.

Trên đồ thị, tổng doanh thu là đường đi lên, còn tổng chi phí là đường cong hình sin. Chẳng hạn tại mức A, tổng doanh thu bằng tổng chi phí, doanh nghiệp hòa vốn. Ở mức B tổng doanh thu và chi phí cách nhau lớn nhất, doanh nghiệp có lãi nhiều nhất, nhiều doanh nghiệp thấy lãi là ngon, đẩy tiếp sản lượng lên, đến mức thứ ba C là lỗ. Có hai quãng thời gian mà doanh nghiệp lỗ, đó là sản lượng thấp quá lỗ, cao quá cũng lỗ.

Tôi biết có doanh nghiệp sản xuất gạch đạt mức lãi cao nhất với sản lượng 1 triệu viên, thấy được dấn tiếp, tăng sản lượng lên 2 triệu viên, và thế là lỗ. Đáng lẽ khi lên 1 triệu viên, anh phải lùi lại, cố thủ ở mức A hòa vốn. Sản lượng giảm thì giá mới tăng lên được. Đấy là cung cầu. Anh có thể cố thủ 3-6 tháng, rồi mới nâng sản lượng lại. Còn nếu cứ tăng sản lượng, không bán được để tồn kho là “chết”. Người mua bao giờ cũng biết anh có hàng tồn kho, và họ sẽ không chịu nâng giá mua.

TBKTSG: Theo số liệu thống kê chính thức, hàng tồn kho đã giảm nhiều, thưa ông?

- Hàng tồn kho năm ngoái giảm được 60%, kéo theo nhiều dấu hiệu tích cực cho đến đầu tháng 9-2015. Chỉ số quản trị mua hàng PMI tháng 9 giảm dưới 50 điểm, lần giảm đầu tiên trong 25 tháng qua. Kinh tế Việt Nam năm tới vẫn còn khó khăn. IMF nói suy giảm dài hạn có thể là kinh tế thế giới vẫn nằm ngang. Và nếu như vậy, chúng ta sẽ khó khăn hơn do ta toàn xuất khẩu thô. Chưa kể nhiều lĩnh vực ta xuất khẩu được 100 triệu đô la Mỹ, thì đến 70 triệu là nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện...

TBKTSG: Ở trên ông nhắc đến lãi suất. Liệu lãi suất tới đây có khả quan hơn không, thưa ông?

- Trung Quốc lạm phát khoảng 1%; Mỹ 0,5%; Việt Nam xấp xỉ 1%. Dự trữ bắt buộc của Trung Quốc 18% (thắt chặt tiền tệ); Mỹ 10%; Việt Nam 3%. Lãi suất tiền gửi của Trung Quốc 2,5%; Mỹ 2%; Việt Nam 6% (bình quân cả trung, dài hạn). Lãi suất cho vay của Trung Quốc trần là 4,5%; Mỹ 4,5%; Việt Nam 10%.

Nhìn vào dữ liệu trên, doanh nghiệp Việt chịu sao nổi? Giá cả quốc tế thấp, giá cả trong nước cũng thấp. Tôi với anh mặt bằng giá cả như nhau, lạm phát gần như nhau, nhưng chi phí tài chính (lãi vay) quá cách biệt, làm sao doanh nghiệp ta cạnh tranh? Chưa kể hàm lượng đòn bẩy của doanh nghiệp Việt cao (tức tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có), càng đẩy chi phí lên.

TBKTSG: Lãi suất cho vay của ta gấp đôi thế giới, còn lãi suất tiền gửi gần gấp ba.

- Lãi suất đang có xu hướng tăng. Trước đây đã có thời vay ngắn hạn lãi suất cao hơn dài hạn do thanh khoản ngân hàng yếu. Nay chuyện này không còn, thay vào đó vay càng dài lãi suất càng cao, và lãi suất của vay trung, dài hạn đang đi lên. Tác động của việc tăng lãi suất lên doanh nghiệp không lớn về mặt thực thể, nhưng lớn về tâm lý. Lạm phát vừa thấp, lãi suất mới ổn định được hơn năm nay, doanh nghiệp quay lại đầu tư thì lãi suất lại nhấp nhổm tăng.

Muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm lãi suất tiền gửi, mà muốn giảm lãi suất tiền gửi, trước hết phải bớt phát hành trái phiếu Chính phủ. Lãi suất tiền gửi tăng là do phát hành trái phiếu nhiều. Chỉ tiêu phát hành năm nay tới 250.000 tỉ đồng mà người mua chủ yếu ngân hàng thương mại thì đương nhiên lãi suất phải tăng. Đã thế lại không cho phát hành ngắn hạn, toàn dài hạn từ năm năm trở lên, thì lãi suất càng cao. Nếu bây giờ quay lại phát hành ngắn hạn, lãi suất cao người ta mới mua. Lãi suất trái phiếu chính phủ hiện vẫn là đường cong chuẩn lãi suất thị trường, lãi suất trái phiếu cao, làm sao lãi suất cho vay hay tiền gửi thấp? Muốn mặt bằng lãi suất thấp, trái phiếu chính phủ phải phát hành có kế hoạch, có liều lượng.

TBKTSG: Mấy tháng gần đây trái phiếu Chính phủ không bán được, hoặc bán yếu ớt, nhưng lãi suất vẫn tăng. Theo ông còn yếu tố nào đang tác động lên lãi suất?

- Nợ xấu. Tất cả chi phí cho nợ xấu hiện chui hết vào lãi suất cho vay. Chi phí hoạt động ngân hàng (bao gồm nhân công và nợ xấu) trên tổng chi phí khoảng 20%. Tốt nhất như Vietcombank cũng phải 15%. Trong khi của nước ngoài khoảng 11-12%. Vì thế lãi suất tiền gửi không thể thấp được. Chủ yếu là trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Lợi nhuận cũng là lợi nhuận dự thu.

TBKTSG: Từ đầu tháng 10-2015 VAMC đã được phép mua nợ xấu theo giá thị trường, trả bằng trái phiếu thường, gần như tiền mặt. Ông có nghĩ điều này tạo chuyển biến cho xử lý nợ xấu?

- Bây giờ nếu VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường trả tiền mặt, nhiều ngân hàng không dám bán. Vì sao?

Vì ngân hàng đang hạch toán khoản nợ cả gốc và lãi, thí dụ 200 tỉ đồng, VAMC mua với giá 100 tỉ đồng, ngân hàng lỗ ngay 100 tỉ đồng, phải hạch toán và trích lập dự phòng ngay. Dại gì ngân hàng bán? Cứ để đấy thôi. Còn được tiếng là hoạt động có lãi. Bán nợ là lỗ thì ai bán?

Cơ hội để giảm lãi suất không còn nữa. Lạm phát xuống đến đó là hết mức rồi mà lãi suất không giảm được nữa, có nghĩa vấn đề của lãi suất nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở ngân sách và ngân hàng, nợ công và nợ xấu. Đó là những vấn đề mà kinh tế vĩ mô không thể bác bỏ.

Thực trạng một số ngân hàng quá yếu

Đây là chuyện thật. Có một cái nhà, ngân hàng cho vay 120 tỉ đồng, giờ trở thành nợ xấu. Công ty tôi muốn mua lại. Tôi gọi công ty định giá, họ xác định giá từ 40 đến 60 tỉ đồng. Chúng tôi tiếp xúc với ngân hàng, đồng ý mua giá 60 tỉ đồng. Đại diện ngân hàng nói: “Anh ơi không được. Ngân hàng đang hạch toán 120 tỉ đồng, cộng cả lãi gộp vào là 130 tỉ đồng. Giá thị trường hiện nay 60 tỉ đồng, các anh mua giá đó là tốt cho ngân hàng rồi. Nhưng bán một phát, chúng tôi phải hạch toán lỗ ngay 70 tỉ đồng”. Tôi bày cho họ cách làm là đưa khoản nợ xấu đó ra ngoại bảng, đưa về cho Công ty mua bán nợ và quản lý tài sản (AMC) của ngân hàng, sau đó công ty này thanh lý dần cho bên mua. Về mặt kỹ thuật, 4-5 tháng nay ngân hàng vẫn chưa xử lý xong. Đấy mới là một khoản nợ xấu. Khoản nào cũng làm thế này thì ngân hàng lỗ cả ngàn tỉ đồng. Mua bán ngay, trả tiền tươi thóc thật theo giá thị trường, cũng chưa chắc xử lý được nợ xấu. AMC là công ty con 100% vốn ngân hàng, vẫn phải hạch toán hợp nhất lỗ lãi.

(Theo ông Lê Xuân Nghĩa)

Nguồn: TBKTSG

Tags:

Economics

Đọc giúp bạn|Đàm phán TPP kết thúc thắng lợi

by finandlife06/10/2015 08:57

Sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định. Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu là 18 tháng.

-----------------------------

Ngày 5/10, sau khi Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất quá trình đàm phán hiệp định tại Atlanta, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có cuộc trả lời phỏng vấn của TTXVN về hiệp định lịch sử này.

Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn:

- Thưa Bộ trưởng, quá trình đàm phán Hiệp định TPP đã hoàn tất, x in Bộ trưởng cho biết về tiến trình thực hiện TPP tiếp theo đối với Việt Nam trong thời gian tới?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định. Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu là 18 tháng. Đây cũng là khoảng thời gian để các nước tham gia chuyển bị điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được tốt Hiệp định.

Về phía chúng ta, trên cơ sở thỏa thuận chung giữa các nước TPP, Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ sẽ công bố chính thức toàn văn của hiệp định TPP cho công chúng tham khảo và phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai việc rà soát và phê chuẩn hiệp định theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế. Ngoài ra, do tầm quan trọng của Hiệp định TPP, dự kiến Hiệp định sẽ được báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến chỉ đạo trước khi bắt đầu quá trình phê chuẩn Hiệp định.

Chính phủ đã có các chỉ đạo để các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hoàn thành dự thảo báo cáo Ban chấp hành Trung ương. Như đã trình bày, thời gian phê chuẩn Hiệp định cũng là thời gian để chúng ta chuẩn bị các công việc cần thiết, trong đó tập trung vào việc điều chính hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức khi Hiệp định TPP có hiệu lực. ​ ​

- TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương qui mô lớn , vậy x in Bộ trưởng cho biết về tác động của TPP đối với Việt Nam, Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào từ Hiệp định này và những lĩnh vực nào sẽ phải chịu tác động tiêu cực? ​

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: ​ Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, thể hiện trên các mặt như sau: ​ ​

- Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu cuả nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.

Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp ta có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. ​

- Về mặt thể chế, cũng như tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia TPP sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của ta, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền SHTT sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, thí dụ như sản xuất dược phẩm, trong đó có thuốc sinh học (đặc biệt là với vắcxin và một số sản phẩm ta có bước phát triển mạnh trong các năm qua). Thêm vào đó, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

- Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Do nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước TPP chưa có FTA với ta phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên nếu có một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia TPP. Đặc biệt, do Hiệp định TPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp ta tăng trưởng bền vững hơn. Tuy nhiên, tham gia TPP cũng đặt ra một số thách thức nhất định đối với Việt Nam. ​

- Về kinh tế, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của chúng ta trong một số ngành nghề chưa thực sự tốt, ví dụ như chăn nuôi. Dự kiến đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực. Đối với các ngành kinh tế khác, cạnh tranh cũng có thể xảy ra nhưng ở mức độ không lớn bởi vì các nền kinh tế TPP hiện nay có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung hơn là mang tính cạnh tranh với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

- Về xây dựng pháp luật, thể chế, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến để xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN, thực sự của dân, do dân và vì dân, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, kỷ luật, kỷ cương. ​

- Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít ngành nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.

- Việt Nam nhận thấy các lợi ích và cả ảnh hưởng tiêu cực từ TPP, vậy Việt Nam cần phải làm gì để giảm thiểu những tác động tiêu cực nêu trên thưa Bộ trưởng? ​

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đó, Việt Nam cần chú ý một số vấn đề như sau:

- Về nông nghiệp, Việt Nam sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học- công nghệ, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trang trại, đồn điền lớn để giảm chi phí sản xuất, dễ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như dễ ứng dụng các công nghệ sinh học vào lĩnh vực trồng trọt, canh tác, chăn nuôi, phù hợp với việc xây dựng các chiến lược về nông nghiệp. ​

- Về thể chế, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Tuy nhiên, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình. ​

- Về mặt xã hội, với cơ hội mới có được từ Hiệp định TPP, ta sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành ta thực sự có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các các biện pháp trợ giúp để chủ động xử lý kịp thời các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong đó có việc tổ chức đào tạo lại đội ngũ lao động. Với thời gian, thu hút đầu tư nước ngoài tăng lên, cơ cấu sản xuất sẽ được điều chỉnh và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.

- Trên thực tế thì hiện vẫn còn khoảng cách phát triển khá lớn giữa VN và các nước thành viên TPP khác, vậy chúng ta sẽ phải làm gì để thu hẹp khoảng cách này? ​

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Với Việt Nam, chúng ta đã chủ động và tích cực hội nhập từ khá lâu. Chúng ta đã gia nhập ASEAN từ năm 1996, tham gia Hiệp định BTA với Hoa Kỳ năm 2001, Hiệp định BIT với Nhật Bản năm 2003, gia nhập WTO vào năm 2007 và tiếp theo đó là rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực và trên thế thế giới. Gần đây nhất, trong năm 2015, chúng ta đã ký kết thêm 2 Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh Á-Âu, kết thúc đàm phán FTA với EU.

Như vậy, có thể nói, Việt Nam không còn quá xa lạ với hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù trình độ phát triển của Việt Nam còn một khoảng cách so với một số nước TPP và một số cam kết trong hiệp định này khá mới mẻ đối với chúng ta, như trong các lĩnh vực lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, v.v….

Bên cạnh đó, trên thực tế, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đang hướng tới một nền hành chính công hiệu quả, minh bạch, dễ dự đoán, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của tất cả các hiệp định quốc tế nên việc ta tham gia Hiệp định TPP là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc và định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Việc tham gia Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn cao cũng giúp đẩy nhanh các quá trình xây dựng lại các thực thể kinh tế, đẩy mạnh cơ chế kinh tế theo định hướng thị trường, trong đó có cả vấn đề về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Những chính sách này phù hợp với mục tiêu và tiêu chuẩn của Hiệp định TPP. Vì thế, ta cũng không hoàn toàn quá bị động khi thực thi các tiêu chuẩn của TPP. ​

Đương nhiên, có những tiêu chuẩn cao mà Việt Nam và các nước có trình độ phát triển thấp trong TPP cần thêm thời gian để nâng cao năng lực, sửa đổi pháp luật, thủ tục, quy trình, đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Đối với những lĩnh vực này, Việt Nam sẽ được áp dụng những thời gian chuyển đổi thích hợp, nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các nước TPP phát triển hơn để đảm bảo đến một thời điểm nào đó, ta có thể sẵn sàng thực thi, áp dụng những tiêu chuẩn ngang bằng các nước TPP phát triển. ​

- Xin cảm ơn Bộ trưởng! ​

Theo Thanh Tuấn

 

TTXVN

Tags:

Economics

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu