HAG Tour tháng 12 năm 2013 - Thông tin

by finandlife20/12/2013 10:31

Finandlife xin tóm lượt báo cáo của Analyst Nguyễn Trung Hòa, Maybank Kimeng về những thông tin đáng quan tâm trong chuyến thăm dự án của HAG vào tháng 12 năm 2013.

-----------------------------------------------------------

HAG đặc biệt chú trọng đến yếu tố “lợi thế về quy mô”. Mức độ tập trung của dự án mía đường và cao su rất cao: 10.000 ha diện tích của dự án mía đường và hơn 25.000 ha diện tích dự án cao su tại Lào tập trung tại cùng 1 khu vực rộng lớn. Nhờ đó HAG dễ dàng “cơ giới hóa” các dự án này và đây là lợi thế mà rất ít công ty mía đường hoặc cao su nào có được.

Mía đường.

Dự án mía đường gần 10.000ha của HAG đã cho thành quả đầu tiên trong năm 2013. HAG cho biết năng suất mía đạt khoảng 120 tấn/ha với chữ đường khoảng 14%. Trong 9T13 thì DT từ mía đường đạt 644 tỷ đồng (chiếm 32% tổng DT) với LN gộp biên lên đến 64%. Đây là nhân tố chính giúp HAG tăng DT và LN trong năm 2013.

Cao su.

HAG hiện đầu tư gần 50.000ha cao su tại Gia Lai (Việt Nam), Lào và Campuchia. Trong năm 2013 thì có hơn 4.500ha đã được đưa vào cạo mủ. Năng suất bình quân kỳ vọng của HAG khoảng 2,5-3 tấn mủ quy khô/ha. Đến 2016 thì có khoảng gần 30.000ha trong số diện tích này đang và sẽ được đưa vào cạo mủ. HAG chọn mẫu và cân thử thì 1 cây cho 2 lạng mủ trên 1 lần cạo, cứ 3 ngày cây được cạo mủ 1 lần, và cứ 10 kg mủ sẽ cho ra 3.5 kg cao su SVR thành phẩm.

Dầu cọ.

Hiện HAG đang trồng khoảng 6.000 ha diện tích dầu cọ, gồm 2.000 ha tại Lào và khoảng 4.000 ha tại Campuchia. Cây dầu cọ sẽ cho thu hoạch sau khoảng 2,5 năm kể từ khi trồng. Gần như 100% nhu cầu dầu cọ cho thị trường này đều phải được nhập khẩu từ Malaysia.

Chuỗi giá trị khép kín.

Công ty đã đầu tư 1 nhà máy tinh luyện đường RS có công suất 7.000 tấn mía/ngày, đảm bảo sử dụng hết 10.000ha diện tích mía nguyên liệu của công ty. HAG cũng đầu tư 1 nhà máy nhiệt điện để tận dụng phụ phẩm trong sản xuất đường là “bã mía” để phát điện. Nhà máy này có công suất 30MW, trong đó HAG chỉ sử dụng khoảng 20% và phần còn lại được bán cho chính phủ Lào với giá $6 cent/kwh. Ngoài ra, HAG cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm 1 nhà máy sản xuất cồn để sản xuất cồn từ mật rỉ (phụ phẩm trong sản xuất đường) và 1 nhà máy phân bón để sản xuất phân bón từ bã bùn (phụ phẩm trong sản xuất đường). Cuối cùng HAG đã đầu tư 1 nhà máy xử lý nước thải công suất khoảng 600m3/ngày để xử lý nước thải từ nhà máy đường. Nước thải sau khi xử lý sẽ được tái sử dụng để tưới nước cho cây mía thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

Từ cây cao su đến sản phẩm cao su SVR 10, 20: bên cạnh gần 50.000ha diện tích cây cao su, HAG hiện đang có 1 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 25.000 tấn mủ quy khô/năm tại Lào. Sản phẩm của nhà máy này chủ yếu là mủ khối SVR 10, 20 được sử dụng để sản xuất săm lốp.  

Hệ thống tưới nước nhỏ giọt – yếu tố tạo nên sự khác biệt

Đây là công nghệ được HAG nhập khẩu “100%” từ Israel và là công nghệ tiên tiến hiện nay. Ưu điểm của công nghệ này là đảm bảo cung cấp “đủ nước” cho cây mía và cao su theo cách “tiết kiệm nước” và chi phí tối đa. Cụ thể mỗi vị trí tưới sẽ cung cấp khoảng 1 lít nước/giờ cho cây mía và khoảng 2 lít nước/giờ cho cây cao su, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây trong mùa khô. Chi phí đầu tư cho hệ thống tưới nước nhỏ giọt này khoảng 2.000 đô-la/ha mía và khoảng 700 đô-la/ha cao su. Nhờ được cung cấp đủ nước mà cây mía có thể phát triển liên tục 12 tháng trong năm và nhờ vậy năng suất và chữ đường cao hơn. Tương tự đối với cây cao su, nhờ được cung cấp đủ nước mà thời gian đưa vào khai thác sớm hơn, thời gian cạo mủ trong năm dài hơn và do đó năng suất cao hơn.

Sử dụng công nghệ trong chăm sóc Nhờ có hệ thống tưới nước nhỏ giọt mà HAG có thể chăm sóc cây mía và cao su theo cách không thể tiết kiệm hơn. Theo đó, HAG sẽ tiến hành phân tích mẫu đất để xác định nhu cầu dinh dưỡng thật sự của cây. Sau đó, phân bón hoặc dinh dưỡng sẽ được pha vào hồ chứa nước và cung cấp trực tiếp cho cây trồng thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

Ưu điểm của phương pháp này là cây trồng có thể hấp thụ “đúng và đủ” nhu cầu dinh dưỡng và không cần phải tốn nhiều chi phí nhân công. Vì vậy, chi phí chăm sóc cây mía và cao su của HAG thấp hơn rất nhiều so với các công ty trong ngành tại Việt Nam và Thái Lan.  

Năng suất cao nhất trong khu vực

Theo ước tính toán của công ty thì năng suất mía của HAG đạt khoảng 120 tấn/ha, với chữ đường (CCS) đạt khoảng 14% và năng suất cao su có thể đạt khoảng 2,5-3 tấn mủ quy khô trên mỗi ha.

Năng suất này cao hơn rất nhiều so với khoảng 65 tấn/ha với mức ccs dưới 10% tại Việt Nam và so với khoảng 77 tấn/ha với chữ đường khoảng 10,4% tại Thái Lan (Nguồn: FAS). Tương tự, năng suất cao su cao hơn nhiều so với năng suất bình quân khoảng 1,7-1,8 tấn/ha tại Việt Nam.  

Cơ giới hóa khâu thu hoạch

HAG hiện có khoảng 10 máy thu hoạch mía, mỗi máy thu hoạch có thể thay thế từ 20-50 lao động. Mía sau khi thu hoạch sẽ được chở thẳng về nhà máy để ép. Nhờ vậy, HAG vừa có thể tiết kiệm được chi phí nhân công khá lớn vừa duy trì được chất lượng mía sau khi thu hoạch nhờ thời gian và khoảng cách vận chuyển ngắn.

Giá thành sản xuất rất cạnh tranh

Theo HAG thì giá thành sản xuất đường của công ty khoảng 4,7 triệu đồng/tấn, thấp hơn khoảng 41% so với mức giá khoảng 8 triệu đồng/tấn tại Thái Lan và thấp hơn khoảng 61% so với mức giá khoảng 12 triệu đồng/tấn tại Việt Nam.

Tương tự, giá thành cao su của HAG cũng chỉ ở mức khoảng 23 triệu đồng/tấn (theo công bố của công ty), thấp hơn khoảng 40% so với giá thành khoảng 40 triệu đồng/tấn của Cao su Đồng Phú, công ty có tỷ suất lợi nhuận tốt nhất tại Việt Nam hiện nay.

Nông nghiệp trở thành ngành trọng điểm

 

 

Link full ở đây

Nguồn: finandlife|Maybank Kimeng

Tags: ,

Stocks

Loại trừ yếu tố lạm phát, VN-Index vẫn đang "vật lộn" ở vùng gần thấp nhất lịch sử

by finandlife15/12/2013 08:35

VN-Index hiện đang ở vùng 510 điểm, nhưng nếu loại trừ yếu tố lạm phát, VN-Index hiện tại chỉ tương đương mức 173.17 điểm.

Dù chậm rãi nhưng VN-Index đến những ngày đầu tháng 12/2013 vẫn tăng 23% năm thứ 2 liên tiếp, đủ làm mát lòng các nhà đầu tư.

Tuy vậy, cũng vì đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần thăng trầm của thị trường, các nhà đầu tư dường như ngày càng đa cảm hơn. Trước mỗi đợt tăng điểm, họ luôn tự hỏi “liệu ngày vui có qua mau?”. Cũng khó mà phản bác họ, khi mà thị trường cứ tăng trong lúc tình hình kinh tế vĩ mô và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa cải thiện nhiều như họ mong đợi.

Mặc dù không dám mong đưa ra được câu trả lời cụ thể, chúng tôi hy vọng những dữ liệu và phân tích dưới đây sẽ giúp ích phần nào cho các nhà đầu tư khi dự đoán những diễn biến tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng thực của VN-Index còn thấp …

Nếu chỉ nhìn vào mức tăng điểm của VN-Index trong 2 năm qua, người ta dễ có cảm nhận rằng thị trường đã tăng quá nhanh so với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng thực của VNIndex từ khi thành lập cho đến nay khá thấp, chỉ đạt mức tăng trưởng kép 12.8%/năm. 

Hình 1: VN-Index từ năm 2000 đến nay 

Mức tăng trưởng này chắc chắn không làm hài lòng các nhà đầu tư nước ngoài khi khi quyết định bỏ vốn vào một thị trường rủi ro như Việt Nam. Theo tính toán của Aswath Damodaran (giáo sư tài chínhcủa Stern School of Businessthuộc New York University), phần bù rủi ro vốn cổ phần ở Việt Nam lên đến 12%, có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam phải tăng trưởng thực trên 12% mới có thể bù đắp rủi ro mà họ chấp nhận.

… và còn thấp hơn sau khi loại trừ lạm phát

Không chỉ có vậy, nếu loại trừ yếu tố lạm phát, VN-Index chỉ còn tăng thực ở mức 4.1%/năm tính từ năm 2000 đến nay. 

Hình 2: VN-Index sau khi loại trừ lạm phát từ năm 2000 đến nay

VN-Index hiện đang ở vùng 510 điểm, cao nhất từ năm 2011 đến nay và cao hơn mức trung bình 404 điểm trong suốt quá trình hoạt động, nhưng đồ thị trên lại cho thấy thị trường cuối năm 2013 vẫn đang vật lộn ở vùng gần mức thấp nhất trong lịch sử.

Quả thật, nếu loại trừ yếu tố lạm phát, VN-Index hiện tại chỉ tương đương mức 173.17 điểm, thấp hơn 31.9% so với mức trung bình và thấp hơn 14% so với mức trung vị của chỉ số này.Do lạm phát cao trong giai đoạn vừa qua, con số thật sự mà nhà đầu tư nhận được sau trượt giá cònkhá khiêm tốn.

Chỉ số P/E của thị trường cũng chưa hẳn là đã cao 

Hình 3 : P/E của VN-Index từ 2009 đến nay 

Nhìn vào mức tăng tuyệt đối của VN-Index (như chúng tôi đã đề cập ở trên), không ít nhà đầu tư cho rằng P/E của thị trường hiện nay đang ở mức đắt đỏ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với dữ liệu quá khứ, chúng ta sẽ thấy không hẳn là như vậy. Chỉ số P/E của VN-index hiện tại là 12,8 lần, thấp hơn so với mức bình quân 13,1 lần nếu tính từ năm 2009 đến nay.

Mặt khác, P/E của VN-Index cũng đang thấp hơn phần lớn các chỉ số trong khu vực như STI của Singapore (13,7), KLCI của Malaysia (17,14), SET của Thailand (15,14), PSEi của Philippines (19,4) và JCI của Indonesia (19).

Còn chậm, nhưng đang tốt dần lên

Thực tế cuối cùng mà chúng tôi muốn đề cập là tình hình chung đang tốt dần lên.

Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong thời gian qua cho thấy nền kinh tế đang phục hồi, mặc dù tốc độ phục hồi còn chậm. 

Doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2013 của các doanh nghiệp niêm yết lần lượt tăng 9.6% và 11.8% so với cùng kỳ năm 2012, tăng trưởng GDP quý 3/2013 cũng có sự cải thiện hơn so với 2 quý liền trước.

Mức tăng trưởng thực khiêm tốn của VN-Index một mặt cho thấy khó khăn của thị trường Việt Nam trong những năm qua, mặt khác cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường cỏn rộng mở khi nền kinh tế phục hồi.

Trong bối cảnh đó, thị trường Việt Nam lại đang có lợi thế nhất định nhờ rẻ hơn tương đối so với khu vực, đồng thời nền kinh tếđang có những dấu hiệu cải thiện khá rõ ràng, mặc dù tốc độ còn chậm.

Do vậy, chúng tôi cho rằng diễn biến trong thời gian tới sẽ thiên về kịch bản tích cựcvà “ngày vui” sẽ không dễ qua mau.

Link trên Cafef ở đây.

Nguồn: finandlife|Cafef

Tags: , ,

Economics | StockAdvisory

If you give a little love you can get a little love of your own

by finandlife10/12/2013 14:56

I believe that.

 

Nguồn: finandlife|Youtube

Tags:

StoriesofLife

Ứng dụng trực giác trong các quyết định đầu tư

by finandlife09/12/2013 12:07

“Trực giác là một món quà thiên liên và lý trí là một người đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh người đầy tớ và lãng quên món quà đáng giá.”

Albert Einstein

Trực giác là một khả năng hay sức mạnh tự nhiên mà qua đó chúng ta có thể biết được một số vấn đề mà không cần nguồn gốc hay chứng cứ; một cảm giác dẫn dắt con người hành động theo một cách nào đó mà không cần phải hiểu đầy đủ tại sao.

Rất nhiều nhà đầu tư sử dụng trực giác trong các quyết định của mình. Nhưng chính xác trực giác đến từ đâu và làm thế nào để phân biệt nó với thiên hướng và cái tôi?

Tác giả của trang The Big Picture có lần nói rằng,

“Tôi nghĩ rằng những nhà giao dịch xuất sắc có quá trình tự học rất đáng nể qua thời gian, và những gì xuất hiện trong trực giác thật sự chỉ là kết quả của hàng ngàn giờ làm việc, nghiên cứu, thực hành và trải nghiệm vất vả.”

Đây là một nền tảng tốt để ứng dụng ý nghĩa của từ trực giác. Nó có thể xuất hiện như một bản năng nhưng bản năng đó thực sự là một đỉnh cao của hiểu biết được học tập và kinh nghiệm.

Thật vậy, những cầu thủ bóng rổ xuất sắc thường đưa ra những quyết định đi bóng, chuyền bóng và dứt điểm mang tính tự phát và chóng vánh. Nhưng rõ ràng để có được bản năng của một cầu thủ giỏi họ phải luyện tập vô cùng vất vả, sự tự phát đó không đến một cách ngẫu nhiên.

Bạn có bao giờ rơi vào trạng thái cố gọi tên một vấn đề gì đó mà bạn cảm thấy vô cùng quen thuộc nhưng bạn đã không có cách nào nhớ ra ngay lập tức? Tuy nhiên, một thời gian sau, thông tin mà bạn đang tìm kiếm lại đột nhiên xuất hiện trong tâm trí bạn. Đây là kết quả của sự vận động trí não một cách vô thức, theo đó, một phần trí não của bạn đã được sử dụng để nhớ lại và tìm ra câu trả lời.

Trong một vài nghiên cứu, người ta phát hiện bộ não chúng ta được phân thành 2 hệ thống, một hệ thống đáp ứng cho việc nhớ lại và lý luận; một hệ thống khác đáp ứng cho tình cảm, cảm xúc. Do vậy, trong cùng một nhà đầu tư sẽ tồn tại đồng thời một nhà khoa học và một người nghệ sỹ. Con người khoa học đưa ra những quyết định dựa vào phân tích một khối lượng lớn dữ liệu và con người này thường lấn lướt con người nghệ sỹ trong một nhà đầu tư.

Vậy nhà đầu tư có thể ứng dụng trực giác như thế nào?

“Tự do từ mong muốn cho một câu trả lời là cần thiết để hiểu về một vấn đề”

Jiddu Krishnamurti

Bạn nên cố gắng làm tốt công tác nghiên cứu và phân tích nhằm thỏa mãn con người khoa học bên trong của bạn. Khi công việc phân tích được hoàn thành, hãy thử làm một việc hoàn toàn khác như đi dạo, đọc sách, nghe nhạc, thiền định hoặc thậm chí có thể nghỉ ngơi một chút. Hành động này sẽ khơi dậy con người nghệ sỹ trong bạn và bạn có thể sẽ phải bất ngờ về năng suất của ý tưởng đến với bạn, bởi vì đơn giản khi đó bạn cảm thấy được “tự do” và không cố tìm kiếm ý tưởng. Đây cũng là nghệ thuật của trực giác. 

Nguồn: finandlife|Kent

Tags: ,

Psychology

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những thay đổi về chất

by finandlife05/12/2013 21:53

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua hơn 13 năm vận hành và phát triển với bao nhiêu điều tiếng. Nhưng có lẽ đó là một tất yếu khách quan của sự trưởng thành một thị trường cao cấp. Hiện thị trường đang có những chuyển biến mới vô cùng tích cực về chất. Chuyển biến đó đến cả từ phía những nhà đầu tư tham gia thị trường và những người làm nghề chứng khoán.

Buổi sơ khai của thị trường, lượng cung trên thị trường hạn chế cộng với một lượng tiền lớn sau gia nhập WTO đã đẩy thị trường lên mức cao chưa từng có. Thời đó, những nhà đầu tư chứng khoán không cần hiểu rõ về doanh nghiệp mình đầu tư. Họ chỉ cần quan tâm làm thế nào để mua được cổ phiếu và làm thế nào để mua được nhiều hơn nữa, vì đơn giản “cứ mua là thắng”. Sự dễ dãi trong tăng giá đã làm những nhà đầu tư “say mồi” chiến thắng và bỏ quên quản lý rủi ro, bỏ quên nguyên tắc cơ bản trong tài chính đó là “lợi nhuận lớn đi kèm rủi ro cao”.

Ở khía cạnh những người làm nghề chứng khoán, họ cũng quay cuồng với những khoản lợi nhuận lớn và cố gắng tối đa trong đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhằm mang lợi cho bản thân. Thời gian đó, mọi dịch vụ của công ty chứng khoán đều xoay quanh việc làm thế nào để khách hàng có thể nâng càng cao giá trị giao dịch càng tốt. Chính vì vậy, hoạt động cấp tín dụng và “phím hàng” vô tội vạ bỗng chốc trở thành thế mạnh trong cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán với nhau. Sự điên cuồng của thị trường một lần nữa làm những người làm nghề chứng khoán lúc đó quên mất nguyên tắc “lợi nhuận lớn đi kèm rủi ro cao”.

Và mô hình kinh doanh với hàng loạt lỗ hỏng đã buộc thị trường chứng khoán phải trả giá sau đó. Nhà đầu tư rơi vào thua lỗ triền miên, nhân sự chứng khoán phải chịu cảnh thắt chặt và mang nhiều tiếng xấu.

Nhưng đến nay, những bất cập ở trên bắt đầu được nhìn nhận và khắc phục, thị trường chứng khoán đang dần thay đổi về chất. Nhà đầu tư sau quá trình thua lỗ đã bắt đầu đến gần hơn với đầu tư thật sự, họ đã bắt đầu ngần ngại với các khoản vay được cung cấp bởi công ty chứng khoán, thận trọng trong các quyết định đầu tư, và bắt đầu công tác nghiên cứu, phân tích cơ bản doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư thay đổi tư duy từ “làm giàu nhanh từ chứng khoán” sang “chứng khoán là một kênh đầu tư giá trị dài hạn”.

Cùng với sự thay đổi trong nhận thức của nhà đầu tư, các công ty chứng khoán cũng đã tập trung cung cấp dịch vụ và tiện ích cho những nhà đầu tư thật sự. Điểm đáng ghi nhận nhất, đó là đạo đức nghề nghiệp được chú trọng hơn, cách lôi kéo và “phím hàng” vô tội vạ được hạn chế. Người làm nghề chứng khoán đã nhận ra giá trị thật sự và cao quý nhất cho phát triển nghề nghiệp của mình là “uy tín”. Do vậy, hoạt động tư vấn đầu tư bắt đầu có sự chuyển dịch rất cơ bản so với trước kia, họ ưu tiên tìm kiếm những cơ hội đầu tư thật tốt và phân tích kỹ lưỡng trước khi cân nhắc khuyến nghị cho khách hàng của mình.

Tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những thay đổi về chất trong cách nhìn nhận và đầu tư. Nhà đầu tư bắt đầu xem thị trường là một kênh đầu tư giá trị dài hạn, nhân sự công ty chứng khoán đã quan tâm hơn vấn đề đạo đức nghề nghiệp, hướng đến sự nâng cao tay nghề trong phân tích, phát hiện cơ hội đầu tư và phục vụ khách hàng. Đây là những thay đổi rất đáng ghi nhận trên con đường “lớn lên” của một thị trường cao cấp. 

Nguồn: finandlife

Tags:

Psychology

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu