Ý kiến về TOP 50 Forbes Việt Nam

by finandlife06/09/2013 14:15

Dạo gần đây thấy rất nhiều nhà đầu tư cũng như môi giới chứng khoán quan tâm đến danh sách 50 cổ phiếu niêm yết tốt nhất mà Forbes Việt Nam vừa công bố, tôi cũng tò mò vào xem.

Xem xong tôi không đồng ý với những cái tên sau: PXS (xếp hạng 19) và BHS (xếp hạng 41).

Theo như đánh giá của mình, nếu top cổ phiếu tốt nhất 2 sàn là 5 sao, top cổ phiếu lởm nhất là 1 sao, thì 2 cổ phiếu trên chỉ đạt 3 sao.

Cả 2 cổ phiếu này đều có chất lượng kinh doanh giảm đi trong mấy năm qua và 2 quý đầu năm 2013, trong khi đó, rủi ro tài chính lại tăng lên do tình hình công nợ ngày càng phình to so với nguồn vốn.

 

Cụ thể:

PXS:

 BHS:

Ngoài 2 cổ phiếu trên, còn có một số đại diện khác nữa mình chưa thật hài lòng. Vì đã gọi là TOP cổ phiếu tốt, không thể chỉ nhìn đó là cổ phiếu lớn được.

Danh sách của Forbes và đánh giá của finandlife như sau:

 

Nguồn: finandlife|Forbes Việt Nam

Tags:

Economics | StockAdvisory | Stocks

Giám đốc nhà máy tử vong và giá cổ phiếu IDI

by finandlife06/09/2013 09:12

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu 29 tỷ đồng. Đến nay vốn điều lệ của Công ty đã được tăng lên là 380 tỷ đồng. Sản phẩm kinh doanh chính của Công ty là cá tra xuất khẩu, các sản phẩm của Công ty bao gồm cá tra fillet, cá tra cắt khoanh, cá tra cắt miếng. Trong đó cá tra fillet là sản phẩm truyền thống mà Công ty đã tập trung đầu tư trong những năm qua. Hiện nay sản phẩm cá tra của Công ty đã có mặt tại khu vực Châu Phi, Đông Nam Á, Châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ với hơn 60 khách hàng.

Công ty đã duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 3 năm liên tiếp, 2 quý đầu 2013, doanh thu thuần tiếp tục tăng 20%, lợi nhuận sau thuế tăng 10% so với cùng kỳ. Nhìn tổng quan thì tình hình kinh doanh không đến nỗi nào nhưng tình hình tài chính lại cho thấy bức tranh khác, nợ lên đến 67% tài sản, trong đó nợ vay vượt 20% vốn chủ sở hữu không khỏi làm người ta lo ngại.

Nếu dùng 5 sao để xếp hạng cổ phiếu tốt nhất và 1 sao cho cổ phiếu xấu nhất trên thị trường niêm yết Việt Nam, thì IDI chỉ được 3 sao. Có lẽ vì tình hình công nợ và những vấn đề trong cơ cấu tài sản mà IDI chỉ được thị trường trả giá hơn 6000 đồng/cổ phiếu.

Vào ngày 04/09/2013, 6 người chết tại một nhà máy của Cty, trong đó có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc nhà máy đã làm cho giá cổ phiếu ngay lập tức giảm sàn (6%) vào ngày sau đó, ngày 05/09/2013. Với góc độ là một nhà đầu tư, liệu thông tin này sẽ ảnh hưởng đến mức nào trong biến động về giá?

Có 3 kiểu phản ứng về giá với thông tin trên thị trường. Thứ 1, giá ngay lập tức phản ảnh thông tin ngay khi thông tin xuất hiện, sau đó, giá cổ phiếu sẽ ổn định; thứ 2, giá cổ phiếu phản ứng chậm với thông tin, nghĩa là, khi thông tin xuất hiện, cổ phiếu sẽ thay đổi về giá trong vài ngày, vài tuần… sau khi đạt được mức cân bằng mới, giá sẽ ổn định; thứ 3, giá cổ phiếu phản ứng thái quá với thông tin và sau đó, giá sẽ điều chỉnh về mức ổn định.

Mô hình sau:

(Trường hợp: cổ phiếu xuất hiện tin tốt)

 

Vậy với thông tin trên, giá IDI sẽ phản ứng theo mô típ nào?

Muốn trả lời câu hỏi trên, ta phải dự ước tình hình hoạt động của cty sẽ ảnh hưởng nặng nề ra sao với thông tin trên?

Đây là một việc đau lòng, giám đốc và phó giám đốc nhà máy có tinh thần rất tốt. Nhưng một điều lạ là khi thông tin này tung ra thị trường, nhiều người hiểu nhầm, vị giám đốc và phó giám đốc tử nạn kia chính là tổng giám đốc và phó tổng giám đốc, nên có thể kích hoạt động thái bán thái quá.

Công ty có thể ngừng hoạt động trong 1 vài ngày vì sự cố, nhưng rồi đâu cũng vào đó, nhà máy cũng phải tiếp tục hoạt động, những người đứng đầu cty vẫn phải tiếp tục lèo lái con tàu  này.

Ngoài ra, IDI đã biến động trong khung giá từ 6000 đồng đến 7,700 đồng/cổ phiếu suốt >1 năm vừa qua. Trong đó, mức 7000 đồng có xác suất xuất hiện nhiều và dày đặc nhất. Việc xuất hiện tin xấu bất thường đã đẩy cổ phiếu nhanh chóng giảm về mức 6000 đồng/cổ phiếu, là vùng giá thấp nhất trong >1 năm qua. Vậy, với phân tích tác động thông tin này không ảnh hưởng quá lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì đây là cơ hội mua hàng giá rẻ cho những nhà đầu tư trên thị trường.

 

Nguồn: finandlife

Tags:

Stocks

Phân tích và khuyến nghị DQC (Cty Bóng Đèn Điện Quang)

by finandlife17/08/2013 10:29

Thanks VFS Research!

Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) vừa công bố báo cáo tài chính Quý II và 6 tháng đầu năm 2013 với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.

Chúng tôi đánh giá cao những chuyển biến tích cực từ khoản công nợ phải thu từ đối tác Cuba, góp phần cải thiện đáng kể dòng tiền và các khoản thu nhập tài chính cho công ty. Bên cạnh đó, với những tín hiệu khả quan từ thị trường xuất khẩu, dự án Việt – Ven và khả năng kiểm soát giá thành, chúng tôi cho rằng DQC sẽ tiếp tục có được kết quả kinh doanh ấn tượng trong thời gian tới.

Cuối cùng, với phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF, chúng tôi cho rằng, cổ phiếu DQC đang bị định giá thấp trên thị trường.

 

--------------------------------------------------------

Kết quả kinh doanh 6 tháng 2013 khả quan

Quý I/2013, thị trường xuất khẩu khó khăn khiến doanh thu của công ty chỉ đạt 169.5 tỷ đồng, sụt giảm 7.8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ giá ổn định, lãi suất tiền vay giảm và thu nhập tài chính gia tăng giúp công ty có được 18.4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang Quý II, thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại giúp công ty có được 260 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 100% so với cùng kỳ. Kiểm soát giá thành tốt giúp lợi nhuận gộp đạt 83.2 tỷ đồng, tăng 308% so với Quý II năm trước. Tuy nhiên, việc chi phí quản lý đột ngột tăng mạnh (tăng 130% so với cùng kỳ và gấp 3 lần so với trung bình các quý trước) khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 11.4 tỷ đồng, tăng 37.3% so với Quý II/2012.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 429.4 tỷ đồng, tăng 25.4%, lợi nhuận gộp đạt 134 tỷ đồng, tăng 73.6%, lợi nhuận sau thuế đạt gần 30 tỷ đồng, tăng 52% so với 6 tháng đầu năm 2012.

Như vậy, tính đến hết Quý II/2013, công ty đã hoàn thành được 62% kế hoạch doanh thu thuần, 57% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 giao phó.

Khả năng hoàn thành vượt kế hoạch

Chúng tôi cho rằng, 6 tháng cuối năm, doanh thu của công ty sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ thị trường xuất khẩu, đặc biệt từ dự án Việt – Ven. Công ty sẽ hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận nhờ biên lãi gộp gia tăng và ghi nhận các khoản lãi chênh lệch tỷ giá, lãi bán hàng trả chậm khi khách hàng Consumer Import thực hiện đúng tiến độ trả nợ.

Tình hình công nợ chuyển biến tích cực

Việc thu hồi công nợ Cuba luôn được Công ty chú trọng thông qua các hoạt động đàm phán trực tiếp tại nước bạn và các thư thông báo nợ. Năm 2010, công ty có được bước tiến nhảy vọt liên quan đến khoản nợ này khi đạt được cam kết trả nợ mới. Theo đó, phía bạn bắt đầu trả nợ từ tháng 01/2011.

Đến thời điểm cuối năm 2012, tổng số dư nợ còn lại bao gồm cả gốc và lãi là khoảng 39.3 triệu USD, tương đương 818.9 tỷ đồng. Với mức thanh toán khoảng 800,000 – 1,000,000 USD mỗi tháng, phía bạn cam kết đến hết năm 2016 sẽ thanh toán hết nợ cho công ty. Như vậy, mỗi năm DQC sẽ thu được khoảng 200 tỷ đồng, giúp cải thiện dòng tiền, khả năng thanh toán nợ vay và tài trợ cho các cơ hội tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, công ty còn nhận được thu nhập không nhỏ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá từ khoản phải thu này. Năm 2007, tỷ giá liên ngân hàng cuối năm chỉ là 16,114 VND/USD, với tỷ giá cuối năm 2012 là 20,820 VND/USD, DQC sẽ nhận khoảng 4,706 đồng lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện cho mỗi USD nhận được từ đối tác Cuba. Khoản lãi chênh lệch tỷ giá DQC ghi nhận cho năm 2012 là 48.9 tỷ trên số tiền thu được 9.8 triệu USD.

Cùng với các khoản lãi bán hàng trả chậm, lãi tiền gửi, cho vay, mỗi năm công ty ghi nhận khoảng 60 tỷ đồng thu nhập tài chính, chiếm  95% lợi nhuận trước thuế của công ty.

 

Khoản lãi trả chậm năm 2010 từ khách hàng Cuba là 6.16 triệu USD đã được DQC hạch toán một phần vào thu nhập hoạt động tài chính năm 2010. Phần lãi trả chậm còn lại 3.33 triệu USD tương đương 69.4 tỷ đồng vẫn đang được treo ở mục Doanh thu chưa thực hiện trong bảng cân đối kế toán. Theo ý kiến của công ty, khoản lãi và khoản nợ gốc phải thu này được thực hiện theo chương trình hợp tác liên chính phủ Việt Nam – Cu Ba, thực tế cho thấy khả năng thu hồi khoản nợ này là chưa chắc chắn, do đó công ty chưa hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính.

Ghi nhận doanh thu từ dự án Việt - Ven

Dự án Việt – Ven với công suất thiết kế hơn 74 triệu bóng đèn/năm, gồm 7 giai đoạn kéo dài từ năm 2010 đến năm 2017, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Dầu khí Venezuela đóng góp 70% và DQC đóng góp 30% (tùy từng giai đoạn mà tỷ lệ góp là từ 25% và giai đoạn cuối nâng lên 30%) dựa trên chuyển giao kỹ thuật công nghệ (không góp tiền, lãi chia theo tỷ lệ góp vốn).

Trong năm 2012 Điện Quang đã hoàn thành một số hạng mục quan trọng trong Hợp đồng tổng thầu, lắp đặt được 5 dây chuyền sản xuất đèn compact tiết kiệm điện; cử nhiều lượt cán bộ, chuyên gia sang Venezuela chuyển giao công nghệ cho nhà máy liên doanh. Kết quả, phân xưởng đầu tiên của khu liên hợp đã đi vào sản xuất và cho ra những sản phẩm đầu tiên kể từ ngày 21/5/2012 với công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 12 triệu bóng/năm. Dự kiến năm 2013, công ty sẽ ghi nhận khoảng 8 triệu USD doanh thu từ việc triển khai dự án này.

Bên cạnh đó, với việc cung cấp bán thành phẩm cho dự án, DQC sẽ có thêm một nguồn doanh thu ổn định đáng kể trong năm 2013 và các năm sau đó khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định (Bắt đầu ghi nhận từ tháng Quý II/2013 do bất ổn chính trị tại Venezuela).

Biên lãi gộp dần cải thiện

Cơ cấu tiêu thụ sản phẩm của công ty đang có những bước cải thiện đáng kể với tỷ trọng đèn tuýp huỳnh quang có lợi nhuận biên thấp đã giảm từ 21.5% năm 2008 xuống chỉ còn 9.5% năm 2012, trong khi tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm đèn compact tiết kiệm điện có tỷ suất lợi nhuận cao lại tăng từ 30.5% năm 2008 lên 36.7% năm 2012. Cùng với việc kiểm soát tốt giá thành sản xuất, biên lãi gộp của công ty đang có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2013.

Giảm bớt áp lực chi phí tài chính

Chi phí lãi vay hàng năm chiếm khoảng 60 – 70% chi phí tài chính của công ty, còn lại là các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá. Hiện tại, cơ cấu vay nợ của công ty chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động và khoản vay ưu đãi dài hạn dùng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu bóng đèn compact với nhà nhập khẩu Consumer Import (Cuba) đang đến hạn trả (lãi suất 7.5%/năm, thời gian ân hạn đến cuối năm 2015). Số dư nợ gốc của khoản vay này giảm dần từ năm 2009 cùng với việc lãi suất trong xu hướng giảm giúp công ty giảm bớt áp lực lãi vay. Trong khi đó tỷ giá ổn định trở lại cũng giúp công ty giảm thiểu khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá. Tỷ trọng chi phí tài chính trên doanh thu của công ty đang giảm dần giúp cải thiện biên lãi trước thuế và biên lãi ròng.

Chi phí quản lý, chi phí bán hàng gia tăng

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty tăng nhanh những năm qua do công ty đẩy mạnh công tác bán hàng, tăng cường các hoạt động quảng cáo, marketing và tăng lương cơ bản cho người lao động. Tỷ trọng chi phí bán hàng và chi phí quản lý trên doanh thu tăng nhanh từ mức 15% năm 2009 lên đến trên 21% năm 2012 và 24% trong 6 tháng đầu năm 2013. Đặc biệt, khoản chi phí quản lý doanh nghiệp Quý II năm 2013 đột ngột tăng mạnh, gần gấp 3 lần so với trung bình các quý trước.

Biên lãi ròng và hiệu quả hoạt động cải thiện

Mặc dù chi phí bán hàng và quản lý gia tăng nhưng việc biên lãi gộp cải thiện, thu nhập tài chính gia tăng và chi phí tài chính giảm dần đã giúp công ty có được lợi nhuận và biên lãi ròng khả quan hơn.

Việc một lượng vốn lớn bị chiếm dụng do đối tác Cuba thanh toán tiền không đúng hạn đã ảnh hưởng mạnh đến hiệu suất sử dụng tài sản và tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư của công ty những năm qua. Bắt đầu từ năm 2011, tiến độ thu tiền từ thương vụ này bắt đầu được đẩy nhanh trở lại giúp giảm bớt các khoản phải thu. Trong khi biên lợi nhuận gia tăng giúp công ty cải thiện các chỉ tiêu tỷ suất sinh lời và hiệu quả hoạt động.

Thương hiệu lâu đời, thị phần rộng lớn

Thị trường thiết bị chiếu sáng tại Việt Nam được phân chia theo tỷ lệ 60% hàng nội và 40% hàng ngoại. Trong đó, các thiết bị chiếu sáng dân dụng hầu như thuộc về doanh nghiệpnội địa. Một nghiên cứu về thị trường của Neilsen Vietnam vào đầu năm 2011 cho thấy, sản phẩm của Điện Quang đang chiếm khoảng 40% thị trường này. Thương hiệu Điện Quang trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển vẫn đang là thương hiệu có độ nhận biết mạnh nhất ngành bóng đèn điện và thiết bị chiếu sáng, nhờ hệ thống phân phối rộng khắp, sản phẩm đa dạng, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Bên cạnh đó, sản phẩm của Điện Quang còn được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu tập trung ở các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Đông…

Tăng trưởng nhờ nỗ lực vượt khó

Năm 2007, doanh thu của công ty tăng trưởng đột biến nhờ đơn hàng xuất khẩu với đối tác Consumer Import (Cu Ba). Việc đối tác này không thực hiện thanh toán tiền hàng đúng tiến độ đã dẫn đến rất nhiều khó khăn cho DQC những năm sau đó. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, doanh thu của công ty vẫn có được tốc độ tăng trưởng 13.5% mỗi năm (CAGR) trong giai đoạn 2008 - 2012. Với lợi thế thị phần, thương hiệu, chúng tôi cho rằng công ty sẽ cải thiện tình hình này trong thời gian tới khi tiến độ thu hồi các khoản nợ xấu được đẩy nhanh.

Doanh thu nội địa tăng trưởng ổn định

Xu hướng chuyển dần sang việc sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện trong nước giúp doanh thu nội địa của công ty tăng trưởng khá tốt từ năm 2009 đến nay. Tỷ lệ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2009 – 2012 đạt 16.7%/năm giúp khu vực nội địa trở thành thị trường chính đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu của công ty 2 năm gần đây.

Năm 2012, doanh thu nội địa tăng 8% so với năm 2011 chủ yếu nhờ các sản phẩm mang tính khác biệt cao như bộ đèn Doublewing tăng 64% và đèn compact chống ẩm  tăng 435% so với năm 2011.

Công tác xuất khẩu gặp nhiều khó khăn

Những năm gần đây, công tác xuất khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn do nhu cầu chung của thế giới bị giảm sút và sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp sản xuất bóng đèn Trung Quốc. Đặc biệt, tình hình bất ổn tại tại Ai Cập khiến cho việc xuất khẩu tại thị trường truyền thống này bị sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu chung.

Tuy nhiên, bắt đầu từ Quý II/2013, thị trường xuất khẩu của DQC đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, giúp doanh thu của công ty tăng trưởng đột biến.

Các quy định của Nhà nước liên quan đến việc cấm sản xuất và lưu thông các sản phẩm tiêu hao nhiều điện năng như đèn sợi đốt, chuyển sang sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện và quá trình đô thị hoá khu vực nông thôn đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra là cơ hội để các doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bóng đèn tiết kiệm điện như Điện Quang gia tăng sản lượng tiêu thụ, cải thiện tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thời gian tới.

So sánh với doanh nghiệp cùng ngành

Rào cản kỹ thuật đối với ngành bóng đèn là khá cao nên hiện tại ở Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp lớn sản xuất bóng đèn làĐiện Quang ở phía Nam và Rạng Đông (RAL) ở phía Bắc. Cả 2 doanh nghiệp này đều gặp phải khó khăn từ việc đối tác Cuba không thanh toán đủ tiền hàng năm 2007 nhưng DQC chịu thiệt hại nặng nề hơn. Chính điều này đã khiến doanh thu và lợi nhuận của DQC sau năm 2007 sụt giảm nghiêm trọng và tụt dần so với tốc độ tăng trưởng của RAL. Các chỉ số tài chính của DQC vì thế cũng thấp hơn nhiều so với RAL.

Dòng tiền cải thiện – định giá hấp dẫn

Với những dấu hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, dự án Việt Ven; khả năng kiểm soát giả thành, cải thiện biên lợi nhuận và đặc biệt là dòng tiền thu được từ các khoản công nợ phải thu, chúng tôi cho rằng, DQC sẽ cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh và hiệu quả hoạt động thời gian tới.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khẩu dòng tiền FCFF với một số các giả định cơ bản:

-          Khoản công nợ từ khách hàng Consumer Import được thu hồi đúng tiến độ cam kết.

-        Doanh thu thuần tăng trưởng 10%/năm trong vòng 5 năm tới (nhờ thị trường xuất khẩu, dự án Việt Ven…) sau đó giảm dần và bắt đầu tăng trưởng ổn định 5%/năm từ năm thứ 10.

-          Chi phí sử dụng vốn 15% cho giai đoạn ổn định.

Chúng tôi cho rằng cổ phiếu DQC đang được thị trường định giá khá thấp so với giá trị thực. Fair Value của DQC ở mức khoảng 38,100 đồng, cao hơn 42% so với giá đóng cửa ngày 15/8/2013.

 Nguồn: finandlife|Đức|VFS Research

Tags:

Stocks

Phân tích và khuyến nghị BTP (Cổ phiếu Cty Nhiệt Điện Bà Rịa)

by finandlife06/08/2013 20:41

 

Kế tiếp bài viết,
BTP - Cổ phiếu đột biến đến từ thay đổi cách hoạch toán kế toán, chúng tôi xin gởi đến bài khuyến nghị chi tiết từ VFS Research.

Công ty Cổ phần Nhiệt Điện Bà Rịa (BTP) không những tạo ra những con sóng lớn về giá trên thị trường mà còn có sự thay đổi mạnh mẽ trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi này chủ yếu đến từ việc thay đổi chính sách hạch toán kế toán chứ không đến từ sự cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiên liệu đầu vào không thật sự ổn định là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng sản xuất và doanh thu thuần của công ty “bấp bênh”. Trong khi đó, việc giá bán phụ thuộc quá nhiều vào công ty mẹ EVN khiến BTP khó cải thiện biên lợi nhuận.

Ngoài ra, theo tính toán của chúng tôi, P/E forward 2013 của BTP ở mức 11.2 lần, khá cao so với định giá của PPC. Không những thế, BTP cũng đã chốt quyền chi trả cổ tức bằng tiền mặt 11% vào ngày hôm nay, nên rất có thể không còn hiệu ứng ngày chốt quyền nào nữa trong thời gian gần tới.

Với tất cả yếu tố trên, chúng tôi cho rằng “BTP sẽ khó tạo thêm những con sóng tăng lớn như cổ phiếu này đã từng làm được vào cuối 2012 đầu 2013”.

-----------------------------------------------------------

Hưởng lợi nhờ phương pháp hạch toán mới

Năm 2000, để thực hiện dự án Đuôi Hơi 306-2 Nhà Máy Nhiệt Điện Bà Rịa, BTP phải vay khoảng 50 tỷ Won từ nguồn vốn vay quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc – EDCF. Trước năm 2012, công ty hạch toán số dư ngoại tệ khoản vay này theo tỷ giá Xuất nhập khẩu. Do đồng Won ít được giao dịch trên thị trường nên tỷ giá này chênh lệch khá cao so với tỷ giá thực tế tại ngân hàng thương mại. Dẫn đến việc mỗi năm BTP phải ghi nhận một khoản không nhỏ lỗ từ chênh lệch tỷ giá.

Tuy nhiên, từ ngày 24/10/2012, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 179/2012/TT-BTC quy định lại về việc ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái. Theo đó, năm 2012, thay vì phải hạch toán số dư ngoại tệ của khoản vay đồng Won theo tỷ giá xuất nhập khẩu (khoảng 19.41 VNĐ/Won), BTP chỉ phải hạch toán theo tỷ giá mua tại ngân hàng thương mại (khoảng 17.74 VNĐ/Won). Cùng với việc tỷ giá đồng Won trong năm ít biến động, công ty đã không còn phải ghi nhận lỗ do chênh lệch tỷ giá. Điều này giúp công ty tiết giảm hơn 102 tỷ đồng chi phí tài chính so với năm 2011.

Đây là nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận sau thuế năm qua của công ty tăng trưởng đột biến (+116%) mặc dù doanh thu thuần có sự sụt giảm mạnh (-40%) do sản lượng điện tiêu thụ giảm.

Lợi nhuận 6 tháng 2013 tiếp tục khả quan

Đầu năm 2013, công suất và sản lượng tiêu thụ của BTP gia tăng nhờ quyết định điều chuyển nhiên liệu khí thấp áp cấp cho các hộ công nghiệp sang cho BTP của PVN. Điều này giúp cho doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2013 của công ty đạt 791 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu cả năm.

Trong khi đó, việc đồng Won liên tục mất giá so với USD và cả VNĐ (có thời điểm giảm giá 8% so với đầu năm) giúp công ty ghi nhận gần 33 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá, đẩy lợi nhuận sau thuế lên hơn 70 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và vượt 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013.

Kế hoạch 2013 thận trọng

Năm 2013, với sản lượng điện tiêu thụ dự báo tăng, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1,739 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2012. Tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận sau thuế lại chỉ có 53.8 tỷ đồng, thấp hơn 60% so với thực hiện năm 2012.

Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan, chúng tôi cho rằng, công ty sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt mạnh kế hoạch lợi nhuận nhờ tỷ giá đồng Won tiếp tục diễn biến thuận lợi.

Sản lượng điện sản xuất không ổn định 

Nguồn nguyên liệu chính để vận hành nhà máy của BTP là nhiên liệu khí đồng hành được PVGas cung cấp từ mỏ Cửu Long và nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Nếu lượng khí Cửu Long suy giảm (ưu tiên hàng đầu là cung cấp cho nhà máy Đạm Phú Mỹ), công ty phải sử dụng dầu DO với chi phí rất cao.

Hiện tại sản lượng khí thu gom tại mỏ Cửu Long mỗi năm không ổn định và đang suy giảm, ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nhiên liệu đầu vào và sản lượng điện sản xuất của công ty. Trong trường hợp không còn khí Cửu Long, công ty mới được sử dụng khí Nam Côn Sơn theo hợp đồng đã ký với PVGas.

Sản lượng khí không đủ lại không được ưu tiên, có thể thấy BTP khá bị động đối với nguồn nguyên liệu đầu vào, điều đó lý giải phần nào doanh thu của BTP khá “bấp bênh” khi mà sản lượng điện hàng năm không ổn định, đặc biệt từ năm 2010 tới nay.

Từ tháng 3/2011 giá khí PVGas bán cho các nhà máy điện dần đi vào ổn định theo cơ chế tăng 4%/năm và kể từ tháng 3/2016 trở đi sẽ chỉ tăng 2%/năm. Việc giá khí được tăng theo lộ trình như vậy sẽ giúp BTP chủ động hơn trong việc cân đối chi phí đầu vào, bên cạnh đó EVN cũng cam kết sẽ mua điện với giá hợp lý để BTP luôn có lãi.

Hết khấu hao tài sản cố định sau năm 2014

Trung bình mỗi năm, chi phí khấu hao của BTP chiếm khoảng 13% tổng chi phí sản xuất. Với giá trị tài sản cố định còn lại của công ty vào thời điểm cuối năm 2012 khoảng 358 tỷ đồng, chi phí khấu hao mỗi năm khoảng 165 tỷ đồng (BTP trích khấu hao tài sản cố định theo phương pháp đường thẳng), về cơ bản tài sản cố định của BTP sẽ hết khấu hao sau năm 2014.

Điều này sẽ giúp BTP tiết giảm đáng kể chi phí giá thành sản xuất. Tuy nhiên, trao đổi với lãnh đạo công ty được biết, khi nhà máy hết khấu hao, việc đàm phán tăng giá bán điện của công ty cho EVN sẽ khó khăn hơn. Do đó, khả năng công ty cải thiện mạnh biên lợi nhuận sau khi hết khấu hao là không nhiều.

Dư tiền cải thiện, áp lực lãi vay không lớn

Nợ vay của BTP hiện tại chủ yếu là khoản vay dài hạn bằng đồng Won, chiếm 70% tổng nợ. Thời hạn vay 27 năm, bắt đầu từ năm 2001 (trong đó 7 năm đầu ân hạn chưa phải trả gốc). Hiện tại mỗi năm BTP phải trả khoảng 2.5 triệu Won nợ gốc (50 tỷ đồng) và lãi suất chỉ khoảng 2.2%/năm. Do đó, áp lực lãi vay của BTP là tương đối thấp.

Trong khi đó, các khoản phải thu của công ty đang giảm dần do thu được tiền từ EVN, đẩy lượng tiền mặt tăng dần, cải thiện khả năng thanh toán.

Cổ tức tiền mặt khá hấp dẫn

Lợi nhuận và dòng tiền cải thiện giúp công ty gia tăng mức cổ tức chi trả cho cổ đông những năm gần đây. Năm 2010, công ty chi trả 3% cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2011, mức cổ tức tăng lên 7%. Năm 2012, cổ tức kế hoạch của công ty là 8%, tuy nhiên với lợi nhuận đột biến, công ty đã quyết định chi trả 11% cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2012, tương ứng với mức DIY (so với giá ngày 6/8) là 7.7%, khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi hiện tại.

Với quy định không được chi trả cổ tức từ các khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện. Chúng tôi cho rằng, năm 2013, công ty sẽ giữ nguyên mức chi trả cổ tức 11% của năm 2012 (kế hoạch 8%).

Định giá

Trên cơ sở kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng cả năm BTP sẽ đạt khoảng 70 – 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (không tính đến các khoản lãi lỗ tỷ giá chưa thực hiện), tương ứng với mức EPS Forward khoảng 1,265 đồng. Với mức giá đóng cửa ngày 6/8/2013, BTP đang giao dịch ở mức PE Forward khoảng 11.2 lần khá cao so với định giá của PPC và tương đương với nhiệt điện Ninh Bình.

Nguồn: Mr Thành|VFS Research

Tags:

Stocks

Phân tích và khuyến nghị DRC (Cổ phiếu Cty Cao Su Đà Nẵng)

by finandlife30/07/2013 09:34

DRC luôn là một cổ phiếu được chúng tôi ưu tiên khuyến nghị đến khách hàng của mình trong nhiều năm qua.

DRC vừa có một clip cập nhật về tình hình doanh nghiệp, nhà đầu tư nên xem để hiểu hơn về doanh nghiệp.

Nhân đây, tôi cũng xin cập nhật thêm về tình hình phân tích kỹ thuật DRC hiện nay.

Hiện, DRC đang trong vùng nhạy cảm. Sau khi chỉ số giá vượt kháng cự vào cuối tháng 05/2013, DRC đang điều chỉnh trở lại và có dấu hiệu test ngưỡng hỗ trợ này.

Tôi cho rằng nhà đầu tư có thể đánh cược vào “động thái điều chỉnh test lại hỗ trợ để tăng” trong thời gian tới.

Nhà đầu tư có thể tham khảo bài phân tích của VFS Research vào cuối năm 2012.

Mức giá an toàn mua vào cổ phiếu DRC đã được chúng tôi điều chỉnh giảm nhẹ so với cập nhật trước đó. Điểm đáng mừng là DRC đã có kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2012 vô cùng ấn tượng, chi phí đầu vào giảm giúp biên lợi nhuận cải thiện mạnh. Ngoài ra, những dự án lớn của Công ty đều có tiến độ tốt, kỳ vọng dòng tiền từ dự án Radial sẽ bắt đầu xuất hiện trong năm 2013. Tuy nhiên, việc giảm giá bán 3% từ tháng 9 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong quý 4 và cả năm 2013. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai dự án tốt đồng nghĩa với việc nợ vay của Công ty tăng mạnh. Tuy áp lực lãi vay không đáng ngại trong 2012, nhưng rõ ràng chi phí tài chính sẽ là một gánh nặng của DRC từ năm 2013 trở đi.

Về diễn biến giao dịch và kỹ thuật cho thấy, thời kỳ “đua giá” và kỳ vọng lớn vào sự tăng trưởng chóng vánh của DRC đã ở lại sau lưng. Hiện cổ phiếu đang trong quá trình tích lũy, nhà đầu tư chỉ nên mua vào ở những đợt “bán hàng giá rẻ” tại vùng giá xác định trước.

--------------------------------------------------------------------------

Tăng trưởng doanh thu liên tục và ổn định

Năm 2011, doanh thu thuần của DRC đạt 2,636.7 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2011, vượt 11% kế hoạch đặt ra. Như vậy, năm 2011 là năm thứ 5 liên tiếp, doanh thu DRC ghi nhận sự tăng trưởng, nâng chỉ tiêu này lên 2.25 lần so với 5 năm trước.

Lợi nhuận sau thuế của DRC năm 2011 đạt 197.7 tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch đặt ra và tăng 0.76% so với năm 2010, khả quan hơn nhiều so với các mức giảm 72% của CSM và giảm 84% của SRC.

Phát triển dựa trên nền tảng sản phẩm đặc thù

Trên thị trường hiện nay có 3 nhà sản xuất săm lốp xe lớn là DRC, CSM và SRC. Ba nhà sản xuất này chiếm đến 68% thị phần năm 2011. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng. DRC là nhà sản xuất lốp xe tải, đặc biệt là lốp xe tải nặng và đặc chủng hàng đầu Việt Nam (30 – 35% thị phần). Dòng sản phẩm này chiếm trên 80% doanh thu thuần của DRC những năm gần đây.

 

Biên lợi nhuận và hiệu quả hoạt động cao

Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của DRC, luôn là một trong những công ty có hiệu quả hoạt động cao nhất ngành sản xuất săm lốp, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn (2011). Hiệu quả này có được nhờ khả năng kiểm soát chi phí tốt, quản trị hàng tồn kho hợp lý và công nghệ khá cao của công ty.

Chúng tôi kỳ vọng, DRC sẽ tiếp tục duy trì các chỉ tiêu hiệu quả này trong những năm tới. Hiện tại, DRC đang trong giai đoạn di dời nhà máy và đầu tư mạnh cho dự án mới nên vòng quay tổng tài sản có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi công tác này hoàn thành, kì vọng hiệu suất sử dụng tài sản của công ty sẽ được cải thiện. Khi đó, nhiều khả năng tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư sẽ tăng lên.

Cấu trúc vốn của DRC khá lành mạnh với tỷ lệ nợ trên tổng tài sản hiện tại là 48% (so với CSM là 45% và SRC là 59%). Cơ cấu nợ cũng đang dịch chuyển dần từ nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn. Dư nợ của các khoản Vay dài hạn đã tăng gấp đôi lên 515 tỷ đồng trong quý 3 để tài trợ cho các dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, chi phí lãi vay sẽ chưa tăng mạnh trong năm 2012 do các  khoản lãi vay dài hạn của DRC được ân hạn.

Kỳ vọng đột biến từ các dự án

Dự án “Di dời, đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất Xí nghiệp săm lốp xe đạp, xe máy từ Bắc Mỹ An vào Khu công nghiệp Liên Chiểu”:đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 10/2011. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chỉ khoảng 80 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với dự toán (129 tỷ đồng).

Dự án “Nhà máy sản xuất lốp xe tải radial công suất 600,000 lốp/năm”:Tổng mức đầu tư 2,992.7 tỷ đồng, tài trợ bằng 70% vốn vay thương mại và 30% vốn chủ sở hữu. Trao đổi với công ty được biết, dự án đang trong quá trình lắp đặt thiết bị, sẽ chạy thử và ra sản phẩm vào cuối năm nay. Công suất hoạt động dự kiến của nhà máy sẽ là 100,000 - 200,000 lốp trong năm 2013, tăng lên 200,000 lốp vào năm 2014 và sẽ chạy hết công suất 600,000 lốp vào năm 2015. Khi dự án hoàn thành, dự kiến sẽ mang về 2,000 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho công ty. Chúng tôi đánh giá cao sức bật của DRC khi dự án này đi vào hoạt động chính thức.

Dự án “Di dời Xí nghiệp săm lốp ô tô từ Bắc Mỹ An vào Khu công nghiệp Liên Chiểu”: Tổng mức đầu tư 673 tỷ đồng, từ 40% vốn chủ sở hữu và 60% vay thương mại. Dự án vừa được động thổ vào tháng 9/2012 và đang tiến hành giai đoạn đầu là xây dựng nhà xưởng. Quá trình di dời sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong vấn đề sản xuất, nhưng kì vọng chính sách tồn kho hợp lý sẽ giúp DRC đảm bảo sản lượng tiêu thụ, cung cấp cho khách hàng.

Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án lốp Radial tính đến thời điểm 30/6/2012 là 350 tỷ đồng, đến thời điểm 30/9/2012 là 867 tỷ đồng. Với kế hoạch giải ngân 1,245 tỷ đồng trong năm 2012; ước tính đến cuối năm 2012, giá trị giải ngân vào dự án sẽ đạt khoảng 1,500 tỷ, chiếm gần 1/2 tổng vốn đầu tư vào dự án. Hiện tại, công ty chủ yếu tài trợ cho dự án bằng các khoản vay dài hạn với lãi suất vay bằng lãi tham chiếu +3% đối với VNĐ và +2.5% đối với USD

Chi phí đầu vào, tỷ giá chuyển biến tích cực

Nguyên liệu đầu vào chiếm hơn 75% giá vốn hàng bán, chi phí tài chính chiếm gần 3% tổng chi phí. Do đó, biến động của danh mục chi phí này ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, giá cả nguyên vật liệu mà đặc biệt là cao su (chiếm 55% tổng chi phí nguyên vật liệu) tăng mạnh, là nguyên nhân chính dẫn đến giá vốn hàng bán tăng cao. Thêm vào đó, với 40% chi phí nguyên liệu được nhập khẩu, DRC bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tỷ giá tăng. Ngoài ra, lãi suất cao cũng làm gia tăng gánh nặng lãi vay. Tất cả những yếu tố trên khiến cho lợi nhuận sau thuế chỉ tăng chưa đến 1%, trong khi doanh thu tăng đến 22% trong năm 2011

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2012, giá cao su liên tục giảm, cùng với các biện pháp tồn kho nguyên vật liệu hợp lý, chi phí nguyên vật liệu của công ty được tiết giảm đáng kể. Thêm vào đó, lãi suất giảm và tỷ giá ổn định cũng giúp công ty tiết kiệm được một khoản lớn chi phí lãi vay và lỗ do chênh lệch tỷ giá. Biên lợi nhuận và hiệu quả hoạt động vì thế cũng được cải thiện đáng kể.

Lợi nhuận 9 tháng đột biến, cả năm vượt kế hoạch

Chín tháng đầu năm 2012, DRC đạt 2,193.8 tỷ đồng doanh thu, bằng 74% kế hoạch và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011. Chi phí nguyên vật liệu, chi phí tài chinh giảm giúplợi nhuận sau thuế của công ty đạt 217.9 tỷ đồng, tăng mạnh 57.2% so với cùng kỳvượt 26.3% kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, doanh thu thuần Quý 3/2012 lại cho thấy sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, chấm dứt thời kỳ dài tăng trưởng doanh thu thuần theo quý. Trao đổi với doanh nghiệp, được biết, doanh thu quý 3 giảm 4.2% so với cùng kỳ là do vào đầu tháng 9, công ty đã giảm giá bán 3% cho tất cả các sản phẩm để hỗ trợ cho khách hàng. Sản lượng tiêu thụ cũng sụt giảm nhẹ 1.26% so với cùng kỳ do tình hình thời tiết không thuận lợi. Việc giảm giá bán này hoàn toàn có thể chấp nhận được trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh thời gian qua.

Qúy 4 năm 2012, công ty đặt kế hoạch 660 tỷ đồng doanh thu, 67 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dự kiến doanh thu cả năm 2012 sẽ là 2,854 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 285 tỷ đồng vượt 65% so với kế hoạch đại hội cổ đông giao phó. EPS dự kiến cả năm 2012 của DRC sẽ vào khoảng 4,100 đồng.

Định giá

Sử dụng dữ liệu so sánh gồm 10 công ty cùng ngành trong khu vực Châu Á có vốn hóa gần với DRC. Chúng tôi tính toán được các mức định giá cơ bản của nhóm cổ phiếu này như sau: P/E trung bình đạt 11.3 lần; P/B trung bình đạt 1.3 lần.

Ngoài ra, DRC đã và sẽ không chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong một vài năm vì công ty đang cần vốn để đầu tư những dự án lớn. Do vậy, dòng thu nhập có được và tích lũy trong những năm tiếp theo có tính chất quyết định sự hấp dẫn khi đầu tư vào cổ phiếu này. Đứng trên quan điểm đó, chúng tôi đã sử dụng phương pháp định giá thu nhập giữ lại (RE) để xem xét mức giá hợp lý của DRC hiện nay. Kết quả định giá cho thấy mức giá hợp lý là 28,400 đồng/cổ phiếu.

Kết hợp phương pháp so sánh và thu nhập giữ lại, chúng tôi cho rằng fair value của DRC sẽ là 31,500 đồng. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa các phương pháp định giá khác nhau, do đó, chúng tôi chọn biên an toàn 25% để chiết khấu mức giá DRC về vùng an toàn nhất. Và theo đó, mức giá an toàn mà nhà đầu tư có thể sở hữu cổ phiếu DRC là dưới 23,600 đồng, giảm nhẹ so với lần cập nhật trước đó trong quý 2. Tại mức giá này, P/E F 2012 chỉ là 5.7 lần; P/B là 1.36, khá hấp dẫn so với mức trung bình của những công ty cùng ngành trong khu vực và so với trung bình thị trường.

Góc nhìn kỹ thuật, DRC đang tích lũy cho chu kỳ tăng mới

Sau quá trình quan sát lâu dài cách giao dịch của DRC, chúng tôi cho rằng, rất có thể DRC sẽ tiếp diễn quá trình tích lũy quanh mức giá 25,000 đồng trong 1 vài tháng nữa. Việc mua vào DRC chỉ nên được cân nhắc khi thị trường xuất hiện những phiên bi quan thái quá tạo nên đợt “bán hàng giá rẻ” cho chính DRC.

Thống kê giao dịch nội bộ trong 1 năm gần nhất cũng cho thấy DRC tồn tại vài vấn đề cản trở cho chu kỳ tăng sớm quay trở lại. Trái ngược với động thái mua vào những tháng đầu năm, khi DRC liên tục ghi nhận sự tăng giá, thì những tháng gần đây lại cho thấy chiều ngược lại, cổ đông nội bộ liên tục bán ra cổ phiếu, điều này không những góp phần làm gia tăng lực cung trên thị trường, mà còn tạo ra những nghi vấn cho những nhà đầu tư mới muốn mua vào cổ phiếu. (Số liệu thống kê, tổng mua vào: 279,150 cổ phiếu; tổng bán ra: 523,370 cổ phiếu).

Thanks VFS Research!

Nguồn: finandlife|Đức|VFS

Tags:

Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu