Quy định Margin 87/QĐ-UBCK

by Michael06/02/2017 13:05

Ngày 25/01/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 87/QĐ-UBCK về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán mới thay thế Quyết định số 637/QĐ-UBCK ngày 30/8/2011 về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán và Quyết định số 09/QĐ-UBCK ngày 08 tháng 01 năm 2013 về việc sửa đổi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2017.

Theo quyết định này, chỉ những chứng khoán niêm yết trên Sở GDCK đủ thời gian niêm yết từ 6 tháng trở lên mới được lựa chọn để được giao dịch kí quỹ. 

có thể hiểu trong thời gian tới các cổ phiếu giao dịch trên Upcom vẫn chưa được cấp margin, kể cả các cổ phiếu trong Upcom Premium.

Tỷ lệ ký quỹ ban đầu vẫn được giữ nguyên so với quy định đã năm hành năm 2013, theo đó tỷ lệ ký quỹ ban đầu do công ty chứng khoán quy định nhưng không thấp hơn 50% và tỷ lệ ký quỹ duy trì không thấp hơn 30%. Trong trường hợp tỷ lệ ký quỹ của khách hàng thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì thì khách hàng phải bổ sung tài sản thế chấp trong vòng 3 ngày. Nếu khách hàng không bổ sung đúng thời hạn, CTCK có quyền bán chứng khoán thế chấp, nhưng trước khi bán CTCK phải thông báo cho khách hàng và sau khi bán CTCK gửi sao kê kết quả giao dịch bán chứng khoán thế chấp theo phương thức thỏa thuận bằng văn bản giữa CTCK và khách hàng.

Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán; --> MAX = 4.2k tỷ

Tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán đối với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán; --> MAX = 63 tỷ

Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán đối với một loại chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán; --> MAX = 210 tỷ

Tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của tổ chức niêm yết. --> MAX = 5%*KLNY của 1 Cty.

--------------

Bảo lãnh:

- Giá trị bảo lãnh = 150%NAV

- Mỗi ngày được bảo lãnh 1 lần

- Maximum giá trị bảo lãnh hàng ngày cấp trưởng phòng Môi Giới = 20 tỷ 

Theo NDH

Tags:

StockAdvisory

Lỗ hổng margin

by Michael04/07/2016 13:32

(TBKTSG) - Theo luật, các công ty chứng khoán được phép cấp margin tỷ lệ 5:5 cho nhà đầu tư đối với những cổ phiếu đủ tiêu chuẩn. Tức, nhà đầu tư có một đồng tài sản sẽ được công ty chứng khoán cho vay thêm một đồng để mua cổ phiếu đủ chuẩn.

Với số lượng cổ phiếu đủ chuẩn đang cao ngất ngưởng, cùng với quy định lỏng lẻo về cổ phiếu được phép margin, các đội đánh chuyên nghiệp đang khai thác tối đa lỗ hổng này để sinh lãi, và khuếch trương thanh thế.

Mẹo nhận diện cổ phiếu bị đội lái sử dụng

Có một số mẹo để nhận biết những cổ phiếu được các đội đánh, đội lái sử dụng để thu hút dòng tiền, tạo ra những trò chơi vô tiền khoán hậu và tìm cách hè đổ vỏ lên đầu những công ty chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân tay mơ khác.

Thứ nhất, các cổ phiếu có vòng quay cổ phần (share turnover) cao ngất ngưởng. Tiêu chí này được tính bằng cách lấy khối lượng giao dịch một thời gian đem chia cho khối lượng cổ phiếu lưu hành. Người ta thường sử dụng tiêu chí này để đo mức độ thanh khoản của một cổ phiếu. Theo đó, vòng quay cổ phần càng cao cho thấy thanh khoản cổ phiếu đó tốt và ngược lại. Trên thị trường Việt Nam thời gian qua xuất hiện những cổ phiếu có vòng quay vốn cổ phần lên đến gần 3,5 lần trong một tháng, nghĩa là chỉ trong vòng một tháng, tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch gấp 3,5 lần so với tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành. Một doanh nghiệp, mà lượng cổ phiếu trao tay khủng khiếp như vậy sẽ đặt dấu chấm hỏi lớn về độ ổn định quản trị.

Thứ hai, các cổ phiếu có mức độ pha loãng kinh hoàng. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có một sợi dây liên hệ rất mật thiết giữa những cổ phiếu có vòng quay cổ phần cao và mức độ tăng vốn lớn. Theo đó, những cổ phiếu có vòng quay cổ phần cao thường có lịch sử phát hành phi mã, cổ phiếu pha loãng không tưởng. Có những cổ phiếu chỉ có quy mô vài chục tỉ đồng vốn góp vào năm 2013 nhưng đến nay, con số đó đã lên vài trăm tỉ đồng, cá biệt có doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 1 tỉ đồng vào năm 2013 nhưng nay đã là 200 tỉ đồng.

Thứ ba, lịch sử tăng vốn khủng khiếp lại không đi kèm với sự cải thiện các chỉ số hiệu quả hoạt động. Hầu hết những doanh nghiệp này thường có tỷ suất sinh lãi trên vốn cổ phần rất thấp, chỉ vài phần trăm. Điều đó, phần nào cho thấy hiệu quả sử dụng đồng vốn không theo kịp tốc độ tăng của vốn.

Thứ tư, rất nhiều cổ phiếu trong danh sách này luôn nằm sẵn trong tay các môi giới, họ cố gắng đẩy các cổ phiếu đó từ công ty chứng khoán này sang công ty chứng khoán khác, ẩn dưới mỹ từ “deals vài chục tỉ, deals vài trăm tỉ”. Nếu đã là một thành viên có liên quan đến các bộ phận môi giới các công ty chứng khoán, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về mức độ xuất hiện những “deals” được chào từ các cổ phiếu nằm trong danh sách bên trên.

Cách thức hoạt động

Một nhóm nhà đầu tư mua và sở hữu một lượng lớn cổ phiếu của một công ty không có gì đặc sắc. Vì là công ty không đặc sắc nên giá sẽ rất rẻ (nhiều người gọi vui là “cổ phiếu rau muống”). Sau khi mua đủ số lượng, nhóm nhà đầu tư này sẽ cố gắng đẩy giá cổ phiếu và tạo thanh khoản nhằm thu hút nhà đầu tư mới, cũng như dư luận. Có một điều kỳ lạ trên thị trường chứng khoán, đó là, khi một cổ phiếu tăng giá mạnh, nhà đầu tư sẽ nhìn vào đó, cổ phiếu đó luôn có mặt trong danh sách tăng giá mà các công ty chứng khoán tổng kết năm. Và nó như một luồng thông tin cộng hưởng tự phát, cứ lan tỏa một cách miễn phí.

Khi giá cổ phiếu lên một vị thế mới, thường phải gấp đôi, gấp ba giá ban đầu, thì những dự án vĩ cuồng bắt đầu được tung ra dưới dạng thông tin ở thì tương lai. Các nhà môi giới hiểu rõ lòng tham của những nhà đầu tư tay mơ, lấy các cổ phiếu đó làm ví dụ cho việc kiếm tiền dễ dãi. Câu chuyện đi bán đã có sẵn trong tay, và nó chính là câu chuyện mà nhóm nhà đầu tư ban đầu thêu dệt. Các bạn môi giới bỗng trở thành những đại sứ thông tin tốt bụng và cực dễ dãi.

Một lớp nhà đầu tư mới mua vào cổ phiếu, và giá cổ phiếu giờ đây có thể đã tăng lên gấp năm, gấp bảy lần so với ban đầu. Nhóm nhà đầu tư cũ sẽ toan tính một con đường mới, vừa giúp tiếp tục tận dụng lỗ hổng để sinh lãi và vừa khuếch trương thanh thế trên thị trường chứng khoán. Khi đó, M&A một doanh nghiệp khác là một ý không tồi.

Lỗ hổng margin ở đâu?

Nếu không nhờ margin từ các công ty chứng khoán, quá trình tạo thanh khoản và nâng giá sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu nhóm nhà đầu tư này chỉ bỏ ra 20 tỉ ban đầu thì theo luật, công ty chứng khoán cho vay tiếp 20 tỉ để nhóm nhà đầu tư này mua cổ phiếu. Họ có thể cố tình mua đẩy giá cổ phiếu lên, vì như vậy, họ sẽ được lợi, vì khi giá cổ phiếu tăng, thì tài sản đảm bảo của họ lên giá, và theo nguyên tắc 5:5, công ty chứng khoán tiếp tục cấp thêm sức mua cho nhà đầu tư này mua thêm cổ phiếu.

Và cứ thế, khi giá cổ phiếu tăng gấp đôi, nhà đầu tư từ chỗ ban đầu chỉ bỏ ra 20 tỉ đồng đã sở hữu tài sản lên đến 80 tỉ đồng; trong đó, 20 tỉ đồng là nợ vay cũ, tài sản có của nhà đầu tư nâng lên 60 tỉ đồng.

Không dừng lại ở đó, nhà đầu tư tiếp tục sử dụng margin để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu lên. Giờ đây với vốn tự có 60 tỉ đồng, công ty chứng khoán sẽ cấp khoản vay tương ứng 60 tỉ đồng để nhà đầu tư đi mua cổ phiếu. Như vậy, thương vụ trót lọt, nhà đầu tư đã một bước nâng tài sản từ 20 tỉ đồng lên 120 tỉ đồng chỉ sau một thời gian.

Tôi giả định, 20 tỉ đồng đầu tư ban đầu của nhà đầu tư thực chất cũng chỉ là tiền đi vay mượn. Giờ đây, nhà đầu tư có thể dễ dàng bán ra cổ phiếu đang được thị trường tay mơ săn đón, thu về 20 tỉ đồng trả nợ (giả sử lãi suất = 0 cho đỡ rắc rối). Vậy, nhà đầu tư vẫn đang còn 40 tỉ tài sản tự có, và vẫn vay được 40 tỉ từ công ty chứng khoán để sở hữu 80 tỉ giá trị cổ phiếu công ty, mà bản chất họ đã rút hết vốn đầu tư ban đầu ra rồi.

Tới bước này, nhà đầu tư sẽ có hai cách để thoái vốn và chốt lãi. Cách thứ nhất những nhà đầu cơ tay mơ hay làm, là đi tìm các công ty chứng khoán cũng tay mơ nốt, ký với họ hợp đồng hợp tác tạo thanh khoản (đối với cổ phiếu không nằm trong danh sách margin), hoặc repo cổ phiếu cho công ty chứng khoán để rút tiền ra, mà bản chất là ôm tiền bỏ đi, phần cổ phiếu kia công ty chứng khoán muốn làm gì làm.

Cách thứ hai, cho người chuyên nghiệp và tham lam hơn. Họ sẽ tìm cách để công ty của họ (bản chất cũng là một công ty bị rút ruột như công ty tôi đề cập ở trên) mua lại công ty này với mức giá trên trời. Thông qua thương vụ này, họ thoái vốn hoặc chốt lãi.

Chứng khoán tăng giá, doanh nghiệp được M&A, nhà đầu tư khôn lõi ban đầu rút vốn êm đẹp và lãi khủng. Khi họ đang tận hưởng mùa hè ở Hawaii nhờ tiền margin của các công ty chứng khoán thì ở trong nước, các công ty chứng khoán kia phải bạc tóc nhìn giá cổ phiếu rớt sàn liên tiếp mà không sao bán giải chấp được.

 

Huỳnh Ngọc Thương, TBKTSG

Tags:

Economics | Psychology

Lượng margin hiện nay có thật sự đáng ngại?

by finandlife22/10/2014 15:33

Dear quí anh/chị

Theo thống kê của trang Đầu Tư Chứng Khoán (link), tại ngày 30/9/2014, ước tính số dư cho vay margin của tất cả các công ty chứng khoán trên thị trường xấp xỉ khoảng 21,000 tỷ đồng. (riêng 22 công ty chứng khoán trong danh sách đã đạt 13,900 tỷ đồng).

Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức và chính xác về dư nợ margin của tất cả các công ty chứng khoán tại Việt Nam. Nhưng con số 21,000 tỷ đồng trên của ĐTCK là mới nhất hiện nay và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng đầu tư . Nếu chúng ta giả định rằng, đây là con số tương đối phù hợp. Vậy: 21,000 tỷ đồng dư nợ margin có đáng lo ngại?

Trang ĐTCK đã so sánh con số dư nợ margin giả định này với vốn hóa thị trường. Kết quả, 21,000 tỷ đồng chỉ tương đương với 1.72% của vốn hóa thị trường. ĐTCK đã nhìn vào con số 1.72% này và kết luận: Không đáng lo ngại.

Trước khi kết luận, chúng ta cần điều chỉnh lại một chút. Không nên dùng con số vốn hóa thị trường chung chung để đem so sánh với qui mô dư nợ margin, cần phải điều chỉnh vốn hóa thị trường theo tỷ lệ Free Float mới đảm bảo được ý nghĩa của việc so sánh. Ví dụ: GAS, công ty này có vốn hóa hơn 200,000 tỷ đồng, nhưng sở hữu của nhà nước (PVN) lại chiếm đến 96.7%, để việc so sánh có ý nghĩa, chúng ta cần loại bỏ những lượng cổ phần “bị đóng băng” này.

Sau khi điều chỉnh theo free float, vốn hóa thị trường điều chỉnh để sử dụng cho việc so sánh chỉ còn 422,770 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 1,219,800 tỷ đồng trước điều chỉnh. Theo đó, dư nợ margin toàn thị trường (con số ước lượng) 21,000 tỷ đồng sẽ tương đương với 5% vốn hóa thị trường sau điều chỉnh.

5% giá trị thị trường chứng khoán hiện nay được tài trợ bởi nợ vay. Đây không phải là điều đáng lo ngại.

Nhưng áp lực giải chấp vẫn hiện hữu như một bóng ma ám ảnh tất cả chúng ta. Một phần, margin tập trung chủ yếu ở các mã cổ phiếu lớn, được giao dịch sôi động: GAS, PVD… Bất chấp việc tỷ lệ margin về mặt bằng chung là không đáng lo ngại, mỗi khi thị trường điều chỉnh đáng kể như tuần qua, áp lực giải chấp lại hiện lên rõ nét ở những cổ phiếu phổ biến nhất. Ở một khía cạnh khác, sự ám ảnh giải chấp còn bắt nguồn từ tâm lý chung của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư hiện nay rất quan tâm đến áp lực giải chấp mỗi khi thị trường giảm điểm mạnh. Dù họ chưa bị call margin, nhưng họ lại lo ngại nếu thị trường tiếp tục giảm, nhiều người khác sẽ bị call margin và kéo thị trường xuống nhanh hơn.

Dư địa cho vay margin còn khá lớn.

Chúng tôi còn phát hiện ra một vấn đề khác rất đáng lưu ý: Danh sách 22 công ty chứng khoán hàng đầu ở phía trên, tính đến hết 30/9/2014 đang có tổng vốn chủ sở hữu đạt 27,200 tỷ đồng. Theo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán mà Ủy ban chứng khoán nhà nước đã ban hành, các công ty này có thể cho vay ký quỹ với giá trị gấp 200% vốn chủ sở hữu, tức là khoảng 54,400 tỷ đồng. Nhưng cho đến nay, dư nợ margin của 22 công ty này chỉ đạt 13,900 tỷ đồng, tương đương 25.6% giá trị có thể cho vay, hay chỉ bằng 51% tổng vốn chủ sở hữu tại các cty chứng khoán này. Chúng tôi ước lượng, vốn chủ sở hữu của tất cả các công ty chứng khoán hiện nay vào khoảng 41,000 tỷ đồng, dư nợ cho vay margin tối đa sẽ đạt khoảng 82,000 tỷ đồng. Với con số dư nợ margin mà chúng ta đã ước lượng hiện nay khoảng 21,000 tỷ đồng, thị trường chứng khoán còn dư địa cho vay margin là rất lớn: 61,000 tỷ đồng.

Kết luận:

Dư nợ margin của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là không lớn. Nhưng giá trị margin lại có tính tập trung cao và có ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý chung của nhà đầu tư.

Dư địa cho vay margin của thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá lớn, ước lượng vào khoảng 61,000 tỷ đồng, gấp 3 lần dư nợ margin hiện nay.

Trên là nhận chúng tôi về vấn đề: Dư nợ margin hiện nay có đáng lo ngại cho thị trường? Xin chia sẻ với quí anh/chị như vậy để cùng nhau nắm bắt rõ hơn tình hình thị trường hiện nay.

Chúc quí anh/chị thành công

Analyst Nguyễn Văn Tiến, VFS Research

Tags:

Economics | Psychology

Nợ margin tại sàn NYSE lên mức cao kỷ lục

by finandlife29/10/2013 08:51

S&P 500 (top), NYSE margin debt 12-month ROC (center), & NYSE margin debt (bottom)

Nhìn vào diễn biến lịch sử của 3 biểu đồ trên, chúng ta thấy rằng, dường như nợ margin và S&P500 có mối tương quan khá chặt chẽ. Mỗi khi nợ margin đạt đỉnh cao và giảm trở lại thì S&P500 cũng suy giảm sau đó.

Và không may, hiện nợ margin đang ở mức cao kỷ lục, và đó có thể là một tín hiệu dự báo thị trường chứng khoán sắp tới có thể sẽ rơi vào chu kỳ suy giảm (bearish)

 

Nguồn: finandlife|Barry Ritholtz

Tags:

Economics

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu