TÌNH HÌNH KINH TẾ VIỆT NAM THÁNG 11.2015

by finandlife16/12/2015 09:37

Như chúng tôi đã nhận định trong Báo cáo chiến lược tháng trước: “Nền kinh tế Việt Nam sau một giai đoạn phục hồi tương đối rõ rệt đang chịu áp lực tăng trưởng chững lại trong quý IV. Tuy vậy, áp lực tăng trưởng chậm lại này là chưa rõ nét khi chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức kinh tế tài chính lớn trên thế giới đánh giá là một trong những điểm sáng hiếm hoi của khu vực, nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm lại của các thị trường mới nổi”… Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 11 tiếp tục củng cố cho nhận định đó. Áp lực tăng trưởng chậm lại tiếp tục thể hiện ở các chỉ tiêu PMI ngành sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP, kim ngạch xuất khẩu… Trong khi đó, căng thẳng trên thị trường ngoại hối và thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng tiếp tục gây áp lực lên chính sách tỷ giá và lãi suất năm 2016.

Sản xuất tiếp tục chững lại

Chỉ số PMI, IIP và xuất khẩu tháng này tiếp tục khẳng định xu hướng tăng trưởng chững lại của lĩnh vực sản xuất – động lực tăng trưởng chính của GDP năm nay - như đã đề cập trong tháng trước. Cụ thể:

Sau khi khi phục hồi nhẹ trong tháng 10 lên mức 50.1, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam lại tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng không thay đổi lần thứ 2 trong năm, đạt 49.4 điểm và là mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Những điểm nổi bật:

·         Sản lượng ổn định mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ

·         Việc làm giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3

·         Chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tiếp tục giảm mạnh

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, mặc dù chỉ là giảm nhẹ. Tương tự, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm tháng thứ sáu liên tiếp. Mặc dù vậy sản lượng sản xuất vẫn được duy trì sau khi tăng nhẹ trong tháng 10. Trong khi số lượng việc làm đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP cũng tiếp tục xu hướng tăng trưởng chững lại những tháng gần đây, mặc dù xu hướng này là chưa thực sự rõ nét. Cụ thể, theo GSO, IIP tính chung 11 tháng đầu năm ước tăng 9.7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng của 10 tháng và thấp hơn mức tăng 9.8% của 9 tháng…

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2015 cũng chỉ tăng 8.3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 8.5% của 10 tháng và 13.6% của cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ khu vực FDI khi KNXK 11 tháng đầu năm của khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm 29.3% và giảm 2.6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không tính dầu thô chiếm 68.3% KNXK và tăng 18.4% so với cùng kỳ. 

Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại chủ yếu do việc đồng tiền của các nước xuất khẩu khác giảm làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các nước này. Trong khi đó, nhu cầu thế giới giảm đặc biệt từ Trung Quốc dự kiến sẽ còn tác động tiêu cực đến xuất khẩu thời gian tới, từ đó tiếp tục tác động đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp – một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay. Điều này dẫn đến áp lực tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Việt Nam trong Quý IV.

Thị trường ngoại hối có dấu hiệu căng thẳng trở lại trước khả năng FED tăng lãi suất

Sau hai tháng lắng dịu, thị trường ngoại hối cuối tháng 11 và những ngày đầu tháng 12 có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Tỷ giá USD/VND niêm yết tại các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đang tiến sát mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đặc biệt, trong những ngày gần đây, tỷ giá bán của các NHTM đã tăng kịch trần. Khoảng cách giữa tỷ giá mua và bán cũng được thu hẹp. Ngân hàng đã nâng mạnh giá mua vào USD, trong khi giá bán ra không thể nâng tiếp do đã kịch trần cho thấy nhu cầu (và có thể là cả áp lực) mua vào là khá lớn.

Nguyên nhân tỷ giá tăng mạnh ngoài yếu tố mùa vụ, nhu cầu USD thanh toán cuối năm, chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước sự mất giá của đồng Nhân dân tệ và kỳ vọng FED tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới (15 – 16/12). Còn nhớ đợt Nhân dân tệ mất giá mạnh giữa tháng 8, thị trường hàng hóa thế giới đã mất giá mạnh, đồng tiền của hàng loạt các quốc gia có quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam cũng buộc phải phá giá đối ứng.

Chúng tôi cho rằng, với những áp lực hiện tại trên thị trường ngoại hối, nhiều khả năng NHNN sẽ phải điều chỉnh tỷ giá sớm trong năm 2016. Tuy vậy, với nguồn dự trữ ngoại hối ở mức khá cao hiện tại (mặc dù đã giảm 6.7 tỷ USD trong Quý 3 theo IMF), cùng với nguồn kiều hối dồi dào và lượng vốn FDI giải ngân tăng mạnh từ cuối Quý 2/2015… tỷ giá năm 2016 nhiều khả năng sẽ được điều hành theo hướng không có quá nhiều biến động (tránh cú sốc…).

Nguy cơ tăng lãi suất trong năm 2016

Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo chiến lược tháng trước, hiện nay, mặt bằng lãi suất vẫn đang diễn biến khá ổn định và được dự đoán không có nhiều biến động cho đến cuối năm 2015, tuy nhiên có một số dấu hiệu cho thấy lãi suất nhiều khả năng đã chạm đáy và nguy cơ tăng mặt bằng lãi suất có thể xảy ra trong năm 2016. Cụ thể (1) Tín dụng tăng trưởng nhanh hơn huy động gây áp lực lên thanh khoản hệ thống; (2) Thu ngân sách khó khăn do giá dầu giảm, áp lực bội chi ngân sách khiến chính phủ phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ, đồng thời tăng lãi suất trái phiếu để nhằm thu hút được lượng vốn cần thiết. Điều này làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất trong nước; (3) Khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp tới là gần như chắc chắn, điều này làm thu hẹp mức chênh lệch giữa lãi suất VND và USD, làm giảm sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, qua đó gây sức ép lên tỷ giá…

Theo thông tin từ NHNN, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 15.44% so với đầu năm, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 12.34% và tổng phương tiện thanh toán tăng 11.88% so với đầu năm. Đáng chú ý, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 10 theo số liệu của NHNN đã ở mức 89.3%. Trong đó, tỷ lệ này đối với nhóm Ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Ngân hàng chính sách xã hội, NHTM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam, NHTM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu, NHTM TNHH MTV Đại Dương) lên tới 97.95%. Việc tín dụng tăng trưởng nhanh hơn huy động nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây sức ép lớn lên thanh khoản hệ thống.

Ngân hàng nhà nước điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Để giải quyết tình trạng này, tuần đầu tháng 12, NHNN đã ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN về việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và có hiệu lực từ ngày 28/1/2016. Theo thông tư này, bắt đầu từ quý I năm sau, có hai nhóm đối tượng TCTD được áp dụng. Trong đó, đối với các nhóm TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được xem xét giảm về mức tối thiểu 0%. Đối với các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém được chỉ định, NHNN sẽ xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo từng TCTD cụ thể.

Đây là động thái nhằm khẳng định cam kết của NHNN đảm bảo cho các Ngân hàng lớn không bị thiệt hại khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Thông qua chính sách này, dư địa cho tăng trưởng tín dụng và lợi suất tài sản sinh lãi của các ngân hàng này sẽ tăng lên, thanh khoản cũng như công tác cải tiến hiệu quả của các ngân hàng yếu kém mà nhóm này “giúp đỡ” sẽ được hỗ trợ thêm. Nhìn rộng ra, có thể thấy, đây là một động thái nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lãi suất khó có thể giảm thêm như chúng tôi đã đề cập ở trên. Qua đó có thể phần nào thấy được định hướng chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm tới của NHNN.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước dự kiến sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong thới gian tới

Chúng tôi cho rằng, những tác động từ bên ngoài sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trở nên khó khăn hơn trong thới gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, thị trường xuất khẩu sẽ gặp phải khó khăn do việc đồng tiền của các nước xuất khẩu khác giảm làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các nước này. Bên cạnh đó, là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, thị trường nội địa Việt Nam đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh mạnh bởi hàng hóa giá rẻ tràn sang từ Trung Quốc, khi tăng trưởng tại quốc gia này sụt giảm dẫn đến vấn đề công suất dư thừa… Điều này không chỉ tác động tiêu cực lên thị phần, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp Việt, mà còn làm giá cả đầu ra có xu hướng giảm nhanh hơn giá đầu vào, như những gì đang xảy ra trong những tháng gần đây theo khảo sát PMI của Nikkei, dẫn đến việc lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.

Thứ hai, thu ngân sách khó khăn do giá dầu, xuất khẩu giảm. Áp lực bội chi ngân sách trong bối cảnh phát hành trái phiếu khó khăn có thể sẽ dẫn đến việc tận thu ngân sách bằng cách truy thu các loại thuế, làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thứ ba, nguy cơ tăng lãi suất, tỷ giá làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp…

 

Nguồn: Báo cáo chiến lược, VFS Research

Tags:

Economics

DIỄN BIẾN KINH TẾ THẾ GIỚI THÁNG 11.2015

by finandlife16/12/2015 09:19

Mỹ - Khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới gần như chắc chắn

Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo chiến lược tháng trước, nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh để FED có thể nâng lãi suất vào cuộc họp tháng 12 tới. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức mục tiêu của FED 5% trong tháng 10, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Cùng với đó, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế cũng đã ghi nhận sự phục hồi, trong đó lạm phát và lạm phát lõi đã tăng lần lượt 0.2% và 1.9% so với cùng kỳ, tiến sát ngưỡng lạm phát mục tiêu của FED. Do đó, chúng tôi cho rằng, khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc hợp vào ngày 15 – 16/12 tới là gần như chắc chắn. Mức tăng lãi suất lần này theo chúng tôi sẽ ở mức khoảng 0.25%.

Nguồn: Markit, VFS tổng hợp

ECB hạ lãi suất, giãn chương trình nói lỏng định lượng nhưng vẫn giữ nguyên mức mua trái phiếu chính phủ hàng tháng

Như đã đề cập trong các báo cáo chiến lược trước, nền kinh tế khu vực Eurozone đang phục hồi dần nhưng tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát vẫn chưa cho thấy tín hiệu cải thiện đáng kể. Điều này gây sức ép khiến ECB phải cân nhắc các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Sau khi giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp định kỳ tháng 10, ngân hàng này đã đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản 0.05% và đẩy lãi suất tiền gửi xuống mức -3% so với mức -2% hiện tại trong cuộc họp đầu tháng 12 vừa qua.

Bên cạnh đó, ECB cũng quyết định giãn chương trình nới lỏng định lượng (QE) thêm nửa năm, đến tháng 3-2017 (trước đó là tháng 9-2016), nhưng vẫn giữ nguyên mức mua trái phiếu chính phủ ở 60 tỷ EUR/tháng. Quyết định này gây thất vọng cho thị trường khi trước đó, thị trường kỳ vọng ECB sẽ tăng thêm khoảng 25% số tiền mua trái phiếu chính phủ hàng tháng. Vì vậy, đồng EUR đã lập tức tăng giá trong khi USD rớt giá mạnh sau quyết định này.

Trung Quốc – Sản xuất tiếp tục thu hẹp

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 49.6 điểm trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 08/2012. Trong khi đó, theo khảo sát của Caixin chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Trung Quốc mặc dù tăng nhẹ so với tháng trước lên mức 48.6 điểm nhưng tiếp tục cho thấy sản xuất nước này đã thu hẹp tháng thứ 9 liên tiếp.

Sáu lần hạ lãi suất trong năm qua của Ngân hàng trung ương nước này là không đủ để hồi phục khu vực sản xuất, trong bối cảnh suy thoái bất động sản và dư thừa công suất công nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% của Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể sẽ không đạt được, ngay cả khi có sự mở rộng trong ngành dịch vụ. Dự kiến, để ngăn chặn đà suy thoái, các chính sách nới lỏng sẽ tiếp tục được ban hành, bao gồm hạ lãi suất trong năm 2016 và tăng cường chi tiêu chính phủ.

Đồng Nhân dân tệ được thêm vào rổ SDR của IMF

Cuối tháng 11 vừa qua, IMF đã chính thức chấp thuận thêm đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ quốc tế SDR với tỷ trọng là 10.92%. Mặc dù còn khá lâu nữa quyết định này mới có hiệu lực (từ 1/10/2016), nhưng đồng tiền này đã liên tục giảm giá trong những ngày gần đây. Ngân hàng Trung Ương nước này đã liên tục hạ tỷ giá tham chiếu, xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.

Chúng tôi cho rằng, nếu như đợt giảm giá sốc vào đầu tháng 8 của đồng Nhân dân tệ là do Ngân hàng trung ương nước này thay đổi chính sách tỷ giá từ cột chặt với USD sang thả nổi trong biên độ, nhằm đáp ứng luật chơi mới nếu muốn vào rổ tiền tệ dự trữ quốc tế của IMF. Thì đợt mất giá lần này mang hơi hướng của việc đánh giá lại tương quan định giá của các đồng tiền, đặc biệt là sau khi CNY đã chính thực được chấp thuận vào SDR và thời điểm tăng lãi suất của FED đến gần. Giới quan sát cũng đang lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ trong bối cảnh dòng vốn thoái mạnh và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt đồng tiền của các quốc gia có quan hệ thương mại với Trung Quốc, thị trường hàng hóa và tài chính thế giới.

GIÁ CẢ HÀNG HÓA THẾ GIỚI GIẢM MẠNH TRONG THÁNG 11

Số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ số giá cả hàng hóa tháng 11/2015 giảm mạnh 5.5% so với tháng trước, kéo dài chuỗi giảm giá lên tháng thứ 6 liên tiếp, với sự sụt giảm ở cả 3 nhóm hàng hóa nông nghiệp, kim loại và năng lượng. Như vậy, sau 11 tháng, chỉ số giá cả hàng hóa đã giảm 25.5% so với đầu năm, trong đó giá năng lượng giảm 30.3%, giá cả hàng hóa kim loại và nông nghiệp lần lượt giảm 26.6% và 16.9% so với đầu năm.

Nguồn: IMF, VFS tổng hợp

Trong nhóm hàng hóa năng lượng, Giá dầu thô quay đầu giảm mạnh 8.1% xuống mức 43.13 $/thùng sau 2 tháng tăng nhẹ trước đó trong bối cảnh sản lượng của các nhà sản xuất dầu trên toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao (đặc biệt tại Mỹ và OPEC) và vượt xa đà tăng trưởng của lượng dầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, giá dầu giảm một phần cũng do sức ép từ đồng USD tăng mạnh.

Giá gas tự nhiên tại Mỹ tiếp tục giảm 10.3% trong tháng 11, trung bình ở mức 2.08 $/mmbtu, để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng trong hàng tồn kho và tình trạng dư cung. Trong khi đó, giá than (Australia) tăng nhẹ 0.6% trong tháng.

Đối với các hàng hóa nông nghiệp, giá thực phẩm và nguyên liệu nông nghiệp thô giảm 2.62% và 2.24% trong tháng 11, trong khi giá đồ uống chỉ giảm nhẹ 0.09%. Giá thịt heo và thịt bò giảm lần lượt 20% và 4% so với tháng trước, chủ yếu do sản lượng sản xuất tăng tại Châu Âu, Nga và Mỹ. Giá gạo, đậu nành và ngô giảm lần lượt 0.6%, 2.5% và 3.1% sau khi tăng nhẹ vào tháng trước. Giá cà phê quay đầu giảm 3.2% sau khi tăng 4.2% tháng trước đó, do kỳ vọng FED tăng lãi suất dẫn đến việc đồng USD tăng giá kéo theo sự giảm giá của đồng nội tệ của các nước sản xuất cà phê khác. Giá tôm quay đầu tăng 5.7% sau khi giảm mạnh 27.5% tháng trước. Trong khi đó Giá đường tiếp tục tăng 5.3%, khi thị trường chuyển sang trạng thái thâm hụt.

Giá kim loại tiếp tục giảm mạnh 7.5% trong tháng 10, ở hầu hết các mặt hàng, chủ yếu do sản lượng sản xuất yếu kém từ Trung Quốc. Cụ thể, Quặng sắt giảm mạnh nhất với mức giảm 12%, tiếp theo là Nickel giảm 10%, Kẽm và Đồng giảm 8%, Chỉ giảm 6% và nhôm giảm 3% so với tháng trước.

Nguồn: Báo cáo chiến lược, VFS Research

Tags:

Economics

Chứng khoán tháng rồi, xu hướng tháng tới 13/11/2015

by finandlife13/11/2015 11:14

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THÁNG 10

Sự tích cực của dòng tiền trước những thông tin hỗ trợ đan xen giúp thị trường tạo mặt bằng giá mới

Thị trường chứng khoán tháng 10 tăng điểm vượt các ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh (vùng 600 điểm của VNINDEX) nhờ sự tích cực của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền nội trước những thông tin hỗ trợ đan xen như hoàn tất đàm phán TPP (đầu tháng 11), lộ trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như VNM, FPT, BMP…, và kết quả kinh doanh Quý 3 khả quan của một số doanh nghiệp công bố trong tháng.

Biến động VNINDEX và các thông tin vĩ mô nổi bật trong tháng

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng, VNINDEX và HNXINDEX đóng cửa ở mức 607.37 điểm và 82.23 điểm, tăng lần lượt 8.0% và 5.5% so với cuối tháng trước. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình đạt 1,812 tỷ đồng/phiên trên HSX và 435 tỷ đồng/phiên trên HNX, tăng lần lượt 37.6% và 21.2% so với giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình tháng trước.

Khối ngoại quay lại mua ròng nhưng mức độ tác động đến thị trường không cao

Sau 2 tháng bán ròng liên tiếp trước đó, khối ngoại quay lại mua ròng 1,168 tỷ đồng trong tháng này, đưa tổng giá trị mua ròng lũy kế từ đầu năm lên lại mức 5,340 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong tháng là khá cao, nhưng nhìn chung giao dịch của khối này trong tháng 10 không thực sự mạnh và mức độ lan tỏa đến thị trường không cao.

Cụ thể, riêng phiên giao dịch ngày 08/10, khối ngoại đã mua ròng 804.4 tỷ, trong đó có hơn 640 tỷ là số tiền khối này tập trung mua cổ phiếu MBB, sau khi cổ phiếu này hở room do phát hành riêng lẻ (giao dịch thỏa thuận). Nếu loại trừ giá trị mua ròng cổ phiếu này, khối ngoại chỉ thực sự mua ròng khoảng 530 tỷ đồng trong tháng 10, với các phiên mua bán ròng xen kẽ.

 

TOP Mua ròng & Bán ròng Tháng 10 (tỷ đồng)

 

Diễn biến đáng chú ý nhất của giao dịch khối ngoại trong tháng là chuỗi ngày mua ròng liên tiếp của quỹ VNM ETF (07/10 – 15/10). Số lượng chứng chỉ quỹ phát hành thêm được trong khoảng thời gian này là 850,000 đơn vị, tương đương 14.64 triệu USD (328 tỷ đồng). Quỹ DB FTSE cũng huy động được thêm 562,000 chứng chỉ quỹ trong khoảng thời gian này (2 ngày 8/10 và 12/10), tương đương 13.8 triệu USD (309 tỷ đồng) góp phần giúp thị trường tăng điểm tích cực.

Sau khoảng thời gian đó, dòng vốn vào các quỹ này chững lại. VNM ETF huy động được thêm 200,000 chững chỉ quỹ trong tuần cuối tháng, trong khi DB FTSE bị rút ra 250,000 chứng chỉ quỹ. Giao dịch của khối ngoại giai đoạn này cũng èo uột hơn với những phiên mua bán ròng xen kẽ và giá trị không lớn.

Như vậy, có thể thấy, sau khi bán ròng mạnh trước những biến động của tình hình tài chính tiền tệ thế giới trong 2 tháng trước đó, giao dịch của khối ngoại đã trở lại cân bằng hơn trong tháng này.

Sự phân hóa diễn ra khá mạnh

Mặc dù sự tăng điểm diễn ra ở cả 4 nhóm vốn hóa thị trường trong tháng, tuy nhiên sự phân hóa vẫn diễn ra khá mạnh. Nhóm Large Cap tăng điểm tích cực trong giai đoạn các quỹ ETF hút thêm vốn (BVH, VCB…), trong khi thông tin về lộ trình thoái vốn của SCIC giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp như VNM, FPT… (Large Cap); BMP, NTP, BMI… (Mid cap) tăng điểm ấn tượng. Trong khi đó, nhóm các cổ phiếu Micro Cap và Small Cap không biến động nhiều trong tháng. Sự phân hóa cũng diễn ra mạnh hơn ở nhóm cổ phiếu này, tùy thuộc kết quả kinh doanh Quý 3 của từng doanh nghiệp.

Sự phân hóa cũng diễn ra mạnh ở các nhóm ngành, theo sau câu chuyện của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp. Một số nhóm ngành tăng trưởng đáng chú ý trong tháng có thể kể đến là bất động sản khu công nghiệp (giai đoạn đầu tháng theo sau thông tin hoàn tất đàm phán TPP); cảng biển – logistic (TPP và kết quả kinh doanh quý 3 khả quan); Bảo hiểm (giao dịch khối ngoại, SCIC thoái vốn); Bán lẻ Ô tô (kết quả kinh doanh quý 3 khả quan)…

XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG THÁNG 11

Dòng tiền tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường

Thị trường khởi đầu tháng 11 với những phiên tăng giảm xen kẽ trước khi bước vào những phiên điều chỉnh trên diện rộng kéo chỉ số về lại các ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh đã vượt qua trong tháng 10 (mốc 600 điểm của VNINDEX). Tuy vậy, thanh khoản nhìn chung vẫn được giữ ở quanh mức trung bình cho thấy dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra đứng ngoài thị trường. Việc thị trường tăng điểm ấn tượng trở lại kèm thanh khoản cao trong phiên chiều ngày 12/11 mở ra hy vọng quá trình điều chỉnh trong ngắn hạn đã kết thúc.

Tâm lý thị trường sau khi đón nhận những thông tin hỗ trợ trong tháng 10 hiện tại vẫn cho thấy sự tích cực, và sự tích cực này theo chúng tôi sẽ tiếp tục được duy trì trong giai đoạn còn lại của tháng 11 do:

Thứ nhất, diễn biến vĩ mô hiện tại vẫn cho thấy sự ổn định và chưa xuất hiện rủi ro nào quá lớn có thể làm đảo ngược quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện tại đang được nhiều tổ chức kinh tế tài chính lớn trên thế giới đánh giá là điểm sáng của khu vực, nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm của thị trường mới nổi… Thêm vào đó, việc Việt Nam gia nhập TPP cũng đang được giới đầu tư quốc tế đánh giá cao. Nhiều tổ chức nhận định Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều lợi ích kinh tế nhất trong số 12 quốc gia gia nhập TPP và TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn ở Việt Nam. Điều này sẽ góp phần làm tăng sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, giúp khối ngoại sớm quay lại mua ròng trong thời gian tới.

Thứ ba, hiện tại là thời điểm Quốc Hội đang thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 2015 và quyết các chỉ tiêu kinh tế lớn của năm 2016. Một số chỉ tiêu lớn như GDP (tăng 6.7%), Xuất khẩu (tăng 10%), CPI (dưới 5%)… đã được thông qua và theo chúng tôi các chỉ tiêu này là tương đối lạc quan trong bối cảnh hiện tại. Chúng tôi kỳ vọng việc thông qua những chỉ tiêu kinh tế lạc quan hơn trong năm 2016 cũng như cam kết hành động của Chính Phủ sẽ có tác động tốt đến tâm lý của thị trường tháng này.

Tóm lại, chúng tôi cho rằng sự cải thiện tâm lý ở cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài sẽ giúp duy trì sự tích cực của dòng tiền, hỗ trợ thị trường tiếp tục tăng điểm trong giai đoạn còn lại của tháng 11.

Cơ hội tích lũy các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng

Các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 khả quan sẽ có thể chịu áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư ngắn hạn sau khi thông tin chính thức được công bố. Tuy vậy, điều này lại mở ra cơ hội tích lũy các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, triển vọng tăng trưởng vẫn còn cao cho các nhà đầu tư dài hạn. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu có kết quả kinh doanh dự kiến khả quan, đặc biệt có yếu tố mùa vụ rơi vào quý 4 sẽ có thể hấp dẫn được dòng tiền trong thời gian tới.

 

Nguồn: VFS Research

Tags:

Economics | StockAdvisory

Áp lực tăng trưởng chậm lại trong quý 4.2015

by finandlife13/11/2015 11:06

Nền kinh tế Việt Nam sau một giai đoạn phục hồi tương đối rõ rệt đang chịu áp lực tăng trưởng chững lại trong quý IV trước các biến động của nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy vậy, theo chúng tôi, áp lực tăng trưởng chậm lại này là chưa rõ nét khi chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức kinh tế tài chính lớn trên thế giới đánh giá là một trong những điểm sáng hiếm hoi của khu vực, nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm lại của các thị trường mới nổi. Cùng với việc Hiệp định thương mại tự do TPP mà Việt Nam là một trong mười hai quốc gia tham gia đạt được thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán, đang giúp Việt Nam nổi lên như một địa điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác đầu tư nước ngoài. Trong khi dó, các vấn đề lãi suất, tỷ giá nhiều khả năng sẽ là những rủi ro Việt Nam có thể phải đối mặt trong giai đoạn sắp tới.

Áp lực tăng trưởng chậm lại trong Quý IV

Sau một giai đoạn phục hồi tương đối rõ rệt với sự cải thiện liên tục của nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đến nay, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng chững lại thể hiện qua tốc độ tăng trưởng chậm lại của các chỉ số sản xuất công nghiệp, PMI lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Thứ nhất, về chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP). Theo ước tính của GSO, IIP tính chung 10 tháng đầu năm ước tăng 9.7% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cải thiện nhiều so với mức tăng 7.0% của năm 2014, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 9.8% của 9 tháng, cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của lĩnh vực sản xuất công nghiệp – một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay. 

Thứ hai, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam sau khi quay đầu giảm về dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm (49.5) lần đầu tiên sau 2 năm trong tháng 9, đã có sự phục hồi lên mức 50.1 trong tháng 10, nhờ sự gia tăng của yếu tố sản lượng. Tuy vậy, chỉ số này vẫn xấp xỉ ngưỡng không thay đổi 50 điểm cho thấy sự cải thiện là chưa rõ nét. Đặc biệt, chỉ tiêu số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, trong đó xu hướng giảm trong nhiều tháng của đơn hàng xuất khẩu đang là một yếu tố đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, theo ước tính của GSO, trong tháng 10/2015, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước ước đạt 14.4 tỷ USD, tăng 4.2% sovới tháng trước và tăng 3.2% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 134.5 tỷ USD, chỉ tăng 8.5% so với cùng kỳ năm 2014, thấp hơn mức tăng 9.3% của 9 tháng và mức tăng 13.9% của cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ khu vực FDI khi KNXK 10 tháng đầu năm của khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm 29.5% và giảm 1.9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không tính dầu thô chiếm 68.3% KNXK và tăng 19.6% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại chủ yếu do việc đồng tiền của các nước xuất khẩu khác giảm làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các nước này. Trong khi đó, nhu cầu thế giới giảm do tác động của tình hình Trung Quốc dự kiến sẽ còn tác động tiêu cực đến xuất khẩu thời gian tới, từ đó tiếp tục tác động đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp – một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay. Điều này dẫn đến áp lực tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Việt Nam trong Quý IV.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài

Mặc dù các số liệu cho thấy sự tăng trưởng chậm lại, nhưng nguyên nhân của sự tăng trưởng chậm lại này lại chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài.

Thứ nhất, chỉ số PMI giảm chủ yếu là do số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ hai liên tiếp, tuy nhiên, tốc độ sụt giảm là khá nhẹ. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ năm liên tiếp, và với tốc độ nhanh thứ nhì trong lịch sử khảo sát.

Thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu giảm chủ yếu đến từ sự suy giảm xuất khẩu qua các nước thuộc khu vực Châu Á. Trong đó KNXK ở các nước ASEAN đạt 15.4 tỷ USD, giảm 3%, Nhật Bản đạt 11.7 tỷ USD, giảm 5.2% so với cùng kì. Trong khi đó xuất khẩu sang các nước châu Âu và châu Mỹ vẫn tích cực lần lượt đạt 27.8 tỷ USD và 25.3 tỷ USD tăng 18% và 11.9% so với cùng kỳ 2014. Đồng thời, theo khảo sát của Nielsen, niềm tin tiêu dùng trong quý Q3/2015 của các nền kinh tế Âu- Mỹ vẫn tăng so với quý trước. Như vậy, có cơ sở để kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển có thể bù đắp được sự suy giảm của các nền kinh tế đang phát triển, từ đó đà giảm của các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam chững lại, giữ ổn định cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực, nổi lên là một địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Mặc dù có một số dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức kinh tế tài chính lớn trên thế giới đánh giá là một trong những điểm sáng hiếm hoi của khu vực, nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm lại của các thị trường mới nổi. Theo theo báo cáo tháng 10 của ANZ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng mạnh 5.8 điểm so với tháng trước, đạt mức 141.1 điểm, và tăng 6.4 điểm so với cùng kỳ năm 2014. Có thể thấy sự lạc quan về triển vọng nền kinh tế của người tiêu dùng đã trở lại sau một vài tháng suy giảm.

Bên cạnh đó, việc Hiệp định thương mại tự do TPP mà Việt Nam là một trong mười hai quốc gia tham gia vừa đạt được thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán, giúp Việt Nam nổi lên như một địa điểm đầu tư hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài, chuyển dịch từ các từ các nước trong khu vực vào Việt Nam nhằm tận dụng những chính sách ưu đãi từ TPP.

Theo số liệu của GSO, tính đến 20/10/2015, cả nước có 1,657 dự án mới được cấpphép mới với số vốn đăng ký đạt 12.42 tỷ USD, tăng 24.8% so với cùng kỳ 2014. Tính chung cả đăng ký cấp mới và tăng thêm, FDI 10 tháng đầu năm đạt 19.29 tỷ USD, tăng 40.8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, FDI giải ngân tháng 10 đạt 2.1 tỷ USD tăng 75% so với tháng trước, nâng lượng FDI giải ngân lũy kế 10 tháng đầu năm lên 11.8 tỷ USD, tăng 16.3% so với cùng kỳ 2014.

Mặc dù thực tế là TPP, được coi là hiệp định thương mại tự do của thế kỷ 21, sẽ có thể đem đến rất nhiều thách thức, nhất là đối với Việt Nam, nước có nền kinh tế kém phát triển nhất trong số 12 quốc gia thành viên. Và TPP vẫn còn phải chờ thông qua bởi Quốc Hội các nước thành viên, vì vậy sẽ chưa có hiệu lực ngay lập tức (dự kiến sớm nhất vào cuối năm 2016). Tuy nhiên, việc Việt Nam có mặt trong 12 nước thành viên đã chứng tỏ vị thế của đất nước đang thay đổi nhanh và mạnh theo chiều hướng tốt. Tất nhiên, con đường đến tương lai sẽ còn rất nhiều chông gai, nhưng chúng tôi tin rằng Việt Nam đang chuyển biến để tốt lên, và TPP sẽ tiếp sức cho quá trình chuyển biến này nhanh và mạnh hơn

Nguy cơ tăng lãi suất trong năm 2016

Hiện nay, mặt bằng lãi suất vẫn đang diễn biến khá ổn định và được dự đoán không có nhiều biến động cho đến cuối năm 2015, tuy nhiên có một số dấu hiệu cho thấy nguy cơ tăng mặt bằng lãi suất có thể xảy ra trong năm 2016.

Một là, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng vốn huy động. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm 26/10/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 12.51% so với đầu năm, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 10.54% và tổng phương tiện thanh toán tăng 10.23% so với đầu năm.

Mặc dù, báo quản trị ngân hàng gần đây cho biết, SBV vừa bơm ròng hơn 50 ngàn tỷ vào thị trường tiền tệ nhằm tăng cường thanh khoản hệ thống. Điều này giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm trong tháng 10. Tỷ lệ cho vay/huy động của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức dưới 80% cho thấy thanh khoản đang tốt. Tuy nhiên, nếu chênh lệch giữa tăng trưởng cho vay và huy động vẫn tiếp tục gia tăng, áp lực lên thanh khoản hệ thống và mặt bằng lãi suất là không nhỏ.

Thứ hai, phát hành trái phiếu Chính phủ sau nhiều tháng ảm đạm đã sôi động trở lại trong tháng 10 với khối lượng huy động gấp 9.5 lần so với tháng trước, đạt xấp xỉ 25,000 tỷ đồng. Với lãi suất trái phiếu huy động cho kì hạn 5 năm và 10 năm đều lần lượt tăng lên mức 6.58% và 7.06% so với mức 6.43% và 7.04% của tháng 9, chỉ có lãi suất cho kỳ hạn 2 năm là giảm nhẹ về mức 5.35% so với mức 5.46% của tháng 9, cho thấy thị trường đang đánh giá lãi suất sẽ ổn định trọng ngắn hạn và kỳ vọng gia tăng trong dài hạn.

Thứ ba, câu chuyện FED liệu có tăng lãi suất trong những phiên họp sắp tới vẫn luôn là mối quan tâm của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sau 2 lần trì hoãn tăng lãi suất vào các phiên họp tháng 9 và tháng 10 vừa qua, nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong trong cuộc họp tháng 12 tới. Các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ mới được công bố trong thời gian gần đây đang ủng hộ cho quyết định này. Trong trường hợp đó, Việt Nam một mặt sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động tiền đồng, do kém hấp dẫn một cách tương đối khi lãi suất USD tăng dẫn đến áp lực tăng lãi suất VND. Mặt khác do chính sách tỷ giá tiền đồng được neo sát với biến động của USD sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu khi tiền đồng bị định giá cao so với các đồng tiền khác trong khu vực. Trong khi đó, nếu phá giá tiền đồng, sẽ có thể phá vỡ mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ của Chính phủ trong bối cảnh Việt Nam đang nổ lực tạo ra một sân chơi ổn định nhằm thu hút các đối tác đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, bội chi ngân sách nhà nước vẫn đang là áp lực đè nặng lên chính sách điều hành lãi suất. Theo ước tính của GSO, bội chi ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm là 140.97 tỷ đồng, xấp xỉ 62.4% so với dự toán và tăng 13.88% so với cùng kỳ 2014. Để bù đắp cho các khoản chi tiêu này, Chính Phủ có thể sẽ phải gia tăng nợ công bằng cách phát hành thêm trái phiếu chính phủ đồng thời tăng lãi suất trái phiếu để nhằm thu hút được lượng vốn cần thiết. Điều này lại càng làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất trong nước.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các phiên họp gần đây, Quốc hội đã quyết định thông qua phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm 2016. Trong trường hợp phát hành thành công, áp lực tăng lãi suất trong năm 2016 sẽ có thể được giảm bớt.

Nguồn: VFS Research

Tags:

Economics

Diễn biến kinh tế và giá hàng hóa thế giới tháng 10.15

by finandlife13/11/2015 10:28

DIỄN BIẾN KINH TẾ THẾ GIỚI

Kinh tế Mỹ đủ mạnh để FED có thể nâng lãi suất vào tháng 12…

Theo số liệu mới được công bố từ Bộ Lao động Mỹ (06/11/2015), nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tạo thêm 271,000 việc làm trong tháng 10/2015, cao gần gấp đôi so với số việc làm tạo thêm được trong tháng 9, và vượt xa mức dự báo của các chuyên gia phân tích. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Triển vọng của nền kinh tế Mỹ cũng sáng sủa hơn với số liệu thâm hụt thương mại tháng 9 ở mức thấp nhất trong 7 tháng, nhờ sự bứt lên của xuất khẩu, dấu hiệu ban đầu cho thấy tác động tồi tệ nhất từ việc đồng USD mạnh lên có thể đã qua.

Cùng với đó, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Mỹ tháng 10 (Markit) cũng tăng mạnh lên mức 54.1 điểm, cho thấy sự cải thiện đáng khích lệ của lĩnh vực sản xuất nước này sau khi tăng trưởng chậm lại trong quý 3 (chậm nhất trong vòng gần 2 năm qua), nhờ sự tăng nhanh của sản lượng, đơn đặt hàng mới và việc làm.

Nguồn: Markit, VFS tổng hợp

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 4/11, Chủ tịch Fed - Janet Yellen đánh giá các hoạt động kinh tế của Mỹ hiện nay là vững vàng, nền kinh tế được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ đủ để thị trường việc làm phục hồi hơn nữa và đưa lạm phát lên mức mục tiêu 2% trong trung hạn. Chủ tịch Fed cũng cho biết nếu các số liệu kinh tế sắp tới cho thấy chiều hướng đó thì khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 tới là khá cao. Tuy nhiên, bà cho biết lãi suất sẽ tăng chậm để có thể giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo rằng thị trường nhà ở và các thị trường chủ chốt khác sẽ không bị hẫng vì lãi suất tăng.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc, GDP của nước này trong quý III vừa qua tăng 6.9% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giảm tốc so với mức tăng trưởng 7% đạt được trong quý II, và là mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ quý I/2009. Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ sự trì trệ của hoạt động sản xuất và môi trường xuất khẩu yếu, trong khi các biện pháp kích cầu đến nay vẫn chưa tạo ra sự khác biệt đáng kể nào.

Cụ thể, theo khảo sát của Markit, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tháng 10 tiếp tục thu hẹp tháng thứ 8 liên tiếp với sự sụt giảm của sản lượng và đơn đặt hàng mới, mặc dù mức độ sụt giảm là chậm nhất kể từ tháng 6/2015.

Trong khi đó, Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 8/11, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong tháng 10 tính theo nhân dân tệ giảm 3.6% so với cùng kỳ (giảm 6.9% tính theo USD), là tháng giảm thứ 4 liên tiếp sau khi giảm 1.1% tháng trước đó. Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục đối mặt với trở ngại do nhu cầu yếu tại các thị trường chủ chốt như châu Âu và Nhật Bản. Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc gần đây của các thị trường mới nổi.

Đứng trước tình hình đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tiếp tục giảm lãi suất cơ bản và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng 10/2015 – là lần cắt giảm lãi suất thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 11/2014.

ECB quyết định giữ nguyên lãi suất, xem xét điều chỉnh chính sách tiền tệ vào cuối năm

Như đã đề cập trong các báo cáo chiến lược trước, nền kinh tế khu vực Eurozone đang phục hồi dần nhưng tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát vẫn chưa cho thấy tín hiệu cải thiện đáng kể. Điều này gây sức ép khiến ECB phải cân nhắc các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy vậy, trong cuộc họp định kỳ tháng 10 vừa qua, ngân hàng này đã tuyên bốtiếp tục giữ nguyên mức lãi suất tái cấp vốn thấp kỷ lục 0.05% và để ngỏ khả năng sẽ kéo dài chương trình kích thích kinh tế để đối phó với tình trạng giảm phát. Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết sẽ xem xét về việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tháng 12 tới. 

GIÁ CẢ HÀNG HÓA THẾ GIỚI TIẾP TỤC GIẢM NHẸ TRONG THÁNG 10

Số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ số giá cả hàng hóa tháng 10/2015 tiếp tục giảm nhẹ 0.2% so với tháng trước, kéo dài chuỗi giảm giá lên tháng thứ 5 liên tiếp, chủ yếu do sự sụt giảm của hàng hóa kim loại, mặc dù giá cả nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng nhẹ trong tháng. Như vậy, sau 10 tháng, chỉ số giá cả hàng hóa đã giảm 21% so với đầu năm, trong đó giá dầu thô giảm 22%, giá cả hàng hóa kim loại và nông nghiệp lần lượt giảm 16% và 14% so với đầu năm.

Nguồn: IMF, VFS tổng hợp

Trong nhóm hàng hóa năng lượng, Giá dầu thô tiếp tục tăng 1.4% trong tháng 10, trung bình ở mức 47 $/thùng. Đây là tháng tăng thứ 2 liên tiếp của giá dầu sau khi giảm mạnh 4 tháng trước đó, một phần do việc nới lỏng quy định cấm xuất khẩu dầu của Mỹ (có thể được phép xuất sang Mexico), mặt khác do số liệu dự trữ dầu thô Mỹ tăng thấp hơn kỳ vọng.

Giá gas tự nhiên tại Mỹ tiếp tục giảm 12.5% trong tháng 10, trung bình ở mức 2.32 $/mmbtu, để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng trong hàng tồn kho và tình trạng dư cung. Giá than (Australia) cũng giảm 4.7% trong tháng, do nguồn cung dư thừa và nhu cầu yếu.

Giá nông nghiệp tăng nhẹ 0.1% trong tháng 10, sau 3 tháng giảm liên tiếp trước đó. Giá thực phẩm và nguyên liệu nông nghiệp thô giảm nhẹ 0.5% và 0.2%, trong khi giá đồ uống tăng 0.8%. Giá gạo, lúa mì và đậu nành tăng lần lượt 0.5%, 0.7% và 1.2% trong tháng, sau khi giảm tương đối mạnh trong tháng trước. Giá cà phê đảo chiều tăng 4.2% sau khi giảm 7% tháng trước đó, do đồng USD suy yếu dẫn đến sự tăng giá của đồng nội tệ của các nước sản xuất cà phê khác và kỳ vọng sản lượng cà phê tại Indonesia và Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do Elnino kéo dài. Giá thịt bò tiếp tục giảm 9% do nguồn cung từ Mỹ tăng. Giá tôm tiếp tục giảm mạnh 27.5% so với tháng trước. Trong khi đó Giá đường tiếp tục tăng 16.5%, là kết quả của nguồn cung thấp từ Ấn Độ và xuất khẩu yếu từ Brazil.

 

Giá kim loại quay đầu giảm trờ lại 2.2% trong tháng 10. Sụt giảm mạnh nhất là Quặng sắt và Nhôm (giảm lần lượt 7% và 5% so với tháng trước). Đồng cũng giảm nhẹ sau số liệu sản xuất yếu kém của Trung Quốc. Giá Nickel bật tăng 4% trong tháng sau giai đoạn giảm mạnh trước đó, tuy vậy giá nikel cũng đang giảm trở lại sau số liệu sản xuất yếu kém của Trung Quốc. 

Nguồn: VFS Research

Tags:

Economics

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu