Lời từ biệt của Lý Quang Diệu dành cho vợ

by finandlife24/03/2015 08:40

Không chỉ là một lãnh đạo kiết xuất, Ông Lý Quang Diệu còn là một người đàn ông của gia đình, người chồng biết chọn và yêu thương vợ - người bạn đời của mình.

Bài diễn văn từ biệt này ông đọc khi tiễn đưa bà Kha Ngọc Chi mất năm 2010 này đã làm bao nhiêu người xúc động, và nó vẫn còn nguyên giá trị nhân văn và những bài học về yêu thương.

Hãy đọc bài lần nữa để cảm nhận và để vĩnh biệt ông - một người vĩ đại.

“Bà là người bạn thân thiết nhất đối với tôi, là sức mạnh của tôi trong suốt ¾ chặng đường chúng ta bên nhau. Không ai có thể hiểu tôi và có thể cùng tôi chia sẻ cuộc đời này như những gì bà đã làm… kể từ khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, ra nước ngoài rồi chung một mái nhà, ở công ty luật, trên hành trình sự nghiệp, mà không có bà, tôi không thể như ngày hôm nay”.

Tôi và vợ ở bên nhau từ năm 1947 và sống với nhau hơn nửa đời người. Nỗi đau buồn của tôi khi Chi qua đời thật không thể diễn tả thành lời. Nhưng hôm nay, khi kể lại cuộc sống cùng nhau của chúng tôi, tôi muốn ca ngợi cuộc đời của bà ấy.

Gia đình của Chi đã từng nghĩ tôi không phải là một chàng rể lý tưởng bởi khi đó tôi là chàng thanh niên bỏ dở Đại học Raffles lại không nghề nghiệp ổn định. Tháng 9/1946, tôi tới Anh học luật, còn Chi trở lại Đại học Raffles để cố gắng, giành học bổng do Nữ hoàng Anh trao tặng hàng năm. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm đoàn tụ cùng nhau tại Anh. Còn không, trước mặt chúng tôi là 3 năm xa cách

Vượt qua mọi rào cản từ phía gia đình và trong cả việc học tập, tôi và bà làm đám cưới bí mật vào tháng 12/1947 tại Stratford-upon-Avon, khi đó chỉ có hai chúng tôi với nhau và sau đó, tại Đại học Cambridge, chúng tôi dồn hết tâm sức vào việc học luật.

Trở về Singapore, vợ chồng tôi làm trợ lý pháp luật cho công ty luật Laycock & Ong trên đường Malacca. Vào tháng 9/1950, chúng tôi chính thức kết hôn lần 2 theo nguyện vọng của bố mẹ và bạn bè.

Khi Hiển Long chào đời 2/1952, Chi xin nghỉ việc ở nhà một năm để chăm con. Trong thời gian nghỉ sinh, Chi vẫn giúp tôi chỉnh sửa câu văn trong các bản thảo, giúp chúng trở nên đơn giản và rõ ràng. Qua nhiều năm, bà ấy ảnh hưởng tới phong cách viết của tôi. Giờ thì tôi viết những câu ngắn gọn với văn phong tích cực. Vợ chồng tôi cũng điều chỉnh thói quen của mình để hòa hợp với nhau.

“Khi Vỹ Linh và Hiển Dương chào đời 1955 và 1957, Chi đã nuôi dạy các con thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, lịch sự, biết quan tâm tới người khác và không bao giờ kiêu căng tự đắc vì mình là con thủ tướng. Công việc của một luật sư giúp bà ấy kiếm đủ tiền để tôi không còn cảm thấy lo lắng về tương lai của các con. Công dưỡng dục của bà đã cho các con một hành trang vững chắc cho cuộc sống tương lai tại một quốc gia đa ngôn ngữ”.

Tôi và bà chưa bao giờ phải tranh cãi về cách nuôi dạy con cái hay về tài chính. Thu nhập và tài sản của chúng tôi đều đứng tên cả hai người. Chúng tôi luôn tin tưởng nhau tuyệt đối.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, Chi là người đã giúp tôi soạn thảo Hiến pháp của đảng Nhân dân Hành động (PAP). Trong buổi họp chính thức đầu tiên của đảng vào ngày 4/11/1954, bà đã tập hợp phu nhân các thành viên sáng lập đảng để thêu nút thắt hoa hồng cho những người lên sân khấu.

Bà có biệt tài đọc tính cách người khác. Bà vẫn nhắc tôi phải cẩn trọng với một số người nhất định; và quan sát của bà về những người này thường chính xác.

Tháng 10/2003 là một cú sốc tinh thần lớn trong cuộc đời tôi khi Chi bị đột quỵ lần đầu lúc chúng tôi đang ở London. Chi mất đi một nửa thị giác, ảnh hưởng tới việc đọc sách. Nhưng bằng nghị lực mà tôi vẫn thường thấy, Chi học cách thích nghi và vẫn có thể công du cùng tôi, vẫn bơi đều đặn mỗi tối và giữ liên lạc với gia đình và bạn bè.

Bà vẫn giữ thói quen nghe những bản nhạc giao hưởng, những bài ca bất hủ bà sưu tập được. Bà vẫn nói đùa rằng cuộc đời bà có thể được chia làm hai giai đoạn, trước và sau đột quỵ, như trước và sau công nguyên vậy.

Nhưng cơn đột quỵ thứ hai của bà, vào ngày 12/5/2008, nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi cố gắng động viên bà, cùng với sự trợ giúp của các y bác sĩ và nhân viên trị liệu xuất sắc. Họ cũng yêu mến bà vì sự quan tâm của bà đối với họ.

Vào cái ngày 24/6/2008 ấy, khi kết quả chụp CT phát hiện bà xuất huyết não. Không còn thuốc men hay phẫu thuật gì có thể cải thiện được tình hình. Các bác sĩ nói với tôi thời gian chỉ còn vài tuần. Ngày 3/7/2008, tôi đã đưa bà ấy về nhà. Thế rồi bà ấy vẫn ở bên tôi thêm 2 năm, 3 tháng; cho tới ngày 2/10/2010.

Hai năm cuối của cuộc đời bà thật khó nhọc. Bà không thể nói được nhưng bà nhận thức được những gì xung quanh. Bà luôn chờ đợi tôi mỗi tối đến bên bà, kể lại cho bà những gì tôi làm trong ngày, đọc những bài thơ bà yêu thích. Cho đến khi bà chìm vào giấc ngủ.

Trước khi ra đi, bà đã chia sẻ với tôi ước nguyện cuối cùng của cuộc đời, bà nhờ tôi dặn các con đặt hộp tro của chúng tôi bên cạnh nhau, cũng như tôi và bà đã ở bên nhau suốt cả đời này vậy.

Chúng tôi đã có 63 năm bên nhau đầy ắp kỷ niệm. “Không còn bà ấy, tôi sẽ là một con người khác, với một cuộc sống khác. Bà đã dành trọn cuộc đời cho tôi, và cho các con. Bà đã ở bên tôi mỗi khi tôi cần. Bà đã sống trọn cuộc đời tràn đầy sự ấm áp và có ý nghĩa.

Tôi tìm thấy sự an ủi rằng trong suốt 89 năm cuộc đời, bà đã sống vui vẻ. Nhưng ở thời khắc cuối cùng này, trái tim tôi nặng trĩu buồn đau. 

Siêu tầm…

---------------------------

Lý Quang Diệu viết về những ngày cuối đời

Trình tự công việc hằng ngày của tôi đã được định sẵn. Tôi thức dậy, kiểm tra email, đọc tin tức, tập thể dục và ăn trưa. Sau đó, tôi đến văn phòng tại Instana, kiểm tra các văn bản và viết các bài báo hoặc bài phát biểu. Vào buổi chiều hoặc tối, tôi thỉnh thoảng có lịch phỏng vấn với các nhà báo, sau đó tôi có thể dành một hoặc hai giờ học tiếng Hoa.

Tôi tập thể dục như một thói quen hằng ngày. Ở tuổi 89, tôi có thể đứng lên mà không cần đến gậy đỡ. Khi tôi còn ở độ tuổi 30, tôi thích hút thuốc và uống bia. Tôi bỏ thuốc lá vì nó đã làm tôi mất giọng trong các chiến dịch tranh cử. Việc này xảy ra trước khi có những nghiên cứu y tế về việc hút thuốc có thể dẫn đến ung thư phổi và cổ họng. Kỳ lạ hơn, sau đó tôi trở nên dị ứng với thuốc lá.

Việc uống bia nhiều khiến tôi có “bụng bia” và nó đã được chụp trong những bức ảnh trên báo chí. Tôi đã bắt đầu chơi golf nhiều hơn để giữ thân hình, nhưng sau đó phải chuyển sang việc chạy bộ và đi bơi, những hoạt động này tốn ít thời gian hơn để đạt được cùng khối lượng luyện tập thể dục. Hiện tại, tôi đi bộ trên máy tập 3 lần mỗi ngày: 12 phút buổi sáng, 15 phút sau giờ trưa và 15 phút sau buổi tối. Trước buổi tối, tôi từng bơi 20 đến 25 phút. Nếu không có nó, tôi không thể có được sức khỏe tốt như hiện nay. Đó là một quy tắc.

Tôi tiếp tục có hẹn gặp những người khác. Bạn phải gặp gỡ người khác vì bạn bắt buộc phải có quan hệ xã hội nếu như bạn muốn mở rộng quan điểm của mình. Bên cạnh người Singapore, tôi gặp cả người từ Malaysia, Indonesia và rất nhiều lần, người Trung Quốc, Châu Âu và người Mỹ. Tôi cố gắng không chỉ gặp những bạn cũ và các chính trị gia hàng đầu mà còn những người từ nhiều lĩnh vực khác nhau như các học giả, người kinh doanh, nhà báo và cả những người bình thường.

Tôi hạn chế nhiều những chuyến bay xa bởi vì hiện tượng chênh lệch múi giờ, đặc biệt là khi tôi đến thăm Mỹ. Cho đến năm 2012, tôi vẫn đến Nhật mỗi năm một lần để nói chuyện tại Hội thảo Tương lai Châu Á- hiện tại là lần thứ 19, được tổ chức bởi tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nihon Keizai Shimbun (Nikkei). Có khoảng thời gian, tôi đến thăm Trung Quốc gần như mỗi năm một lần, mặc dù hiện tại tôi không thích đến Bắc Kinh vì sự ô nhiễm ở đấy. Nhưng các nhà lãnh đạo (Trung Quốc) ở đó nên bạn vẫn phải đến đó để gặp họ. Hội đồng Quốc tế JP Morgan, nơi tôi là một thành viên, đã vinh danh tôi khi tổ chức cuộc gặp thường niên năm 2012 tại Singapore, và Hội đồng Cố vấn của hãng Total cũng vậy. Đi Pháp thì không có vấn đề gì. Mất 12 tiếng bay thẳng trên chiếc Airbus 380, tới đó rồi về. Nhưng đến Mỹ thì mệt mỏi hơn rất nhiều, đặc biệt là vì thay đổi múi giờ, từ ngày trở thành đêm và ngược lại. Đi ra nước ngoài giúp tôi mở mang tầm nhìn. Tôi thấy được cách thức những nước khác phát triển. Không một nước hay thành phố nào đứng yên, tôi đã chứng kiến London và Paris thay đổi, hết lần này qua lần khác.

Rời khỏi chính trường tức là tôi không còn được biết rõ như trước về những việc đang diễn ra và những áp lực phải thay đổi. Vì thế nhìn chung tôi đồng thuận theo quyết định của các bộ trưởng. Tôi hiếm khi bày tỏ những quan điểm trái ngược, ít ra là hiếm khi hơn so với khi tôi còn làm việc trong chính phủ và tham dự các cuộc họp nội các, điều giúp tôi có thể tham gia đầy đủ vào các cuộc tranh luận.

Thỉnh thoảng, khi tôi nhất quyết không đồng ý với việc gì đó, tôi bày tỏ quan điểm với Thủ tướng. Một ví dụ là khi chính phủ định giới thiệu lại các chương trình bằng tiếng địa phương Trung Quốc trên các kênh truyền hình miễn phí. Một ý kiến đã được đưa ra: “Hiện tại tiếng Quan thoại đã được thiết lập vững chắc trong người dân rồi, bây giờ chúng ta hãy quay lại tiếng địa phương để những người già có thể thưởng thức các phim truyền hình.” Tôi đã phản đối, chỉ ra rằng khi còn là thủ tướng, tôi đã phải trả một cái giá rất đắt để xóa bỏ các chương trình tiếng địa phương, để khuyến khích mọi người nói tiếng Quan thoại. Vì vậy tại sao giờ phải quay ngược lại? Tôi đã làm cả một thế hệ người gốc Hoa nổi giận, vì các chương trình tiếng địa phương yêu thích của họ đã bị cắt bỏ. Đã từng có một người kể chuyện rất hay tên là Lee Dai Sor trên kênh Rediffusion, và chúng tôi đã phải cắt bỏ chương trình này. Tại sao giờ tôi lại phải đồng ý để tiếng Quảng Đông và Phúc Kiến xâm nhập vào thế hệ tiếp theo? Nếu bạn để chúng quay lại, bạn sẽ thấy nhiều người lớn tuổi bắt đầu nói chuyện với con cháu bằng tiếng địa phương. Điều đó sẽ quay trở lại, chậm rãi nhưng chắc chắn.

Mỗi đất nước cần một thứ ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được. Việc tích hợp bốn loại ngôn ngữ lại với nhau sau khi người Anh ra đi đã từng là một nhiệm vụ khó khăn của chúng ta. Những trường học của người Hoa, nơi mà phần lớn những học sinh gốc Hoa theo học, tự hào về ngôn ngữ của họ, đặc biệt sau khi có sự trỗi dậy của Trung Quốc Cộng sản năm 1949. Tôi phải đấu tranh rất nhiều để biến Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chung cho tất cả các trường học và tiếng mẹ đẻ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Những nhà sô-vanh ủng hộ tiếng Hoa đã chống lại chính sách này rất gay gắt. Những nhà báo và trường học của người Hoa muốn tăng số học sinh và độc giả của họ. Vì sự kiểm soát của tôi đối với người Hoa lúc đó chưa đủ, nên bộ trưởng báo chí của tôi lúc đó là Li Vei Chen đã phải kiểm soát khắt khe các tòa báo tiếng Hoa, các trường trung học tiếng Hoa cũng như trường Đại học Nanyang cùng nhân viên của họ để hạn chế và ngăn chặn biểu tình, đình công và lãn công.

Cuối cùng thì chính giá trị thị trường của nền giáo dục bằng tiếng Anh đã giải quyết được vấn đề. Vì thế, chúng ta có Singapore ngày nay, với việc tiếng Anh kết nối chúng ta với thế giới và thu hút những tập đoàn đa quốc gia, và tiếng mẹ đẻ được xem như là ngôn ngữ thứ hai, giúp chúng ta có sự gắn kết với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Đó từng là một bước đột phá vượt bậc. Nếu người dân chọn con đường khác, Singapore đã bị đẩy lùi lại.

Vì những lý do tình cảm và thực tiễn trong giao thương với Trung Quốc, chúng ta cần tiếng Hoa như là ngôn ngữ thứ hai. Nhưng chúng ta chắc chắn không cần các tiếng địa phương. Việc đảo ngược quá trình gỡ bỏ tiếng địa phương ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng – điều mà chúng ta đã phải mất rất nhiều thời gian, năng lượng và nguồn vốn chính trị đạt được – sẽ là một điều hết sức ngớ ngẩn.

***

      Cuộc sống tốt hơn là cái chết. Nhưng cái chết cuối cùng cũng đến với tất cả mọi người. Đó là thứ mà ở tuổi thanh xuân con người không nghĩ đến. Nhưng ở tuổi 89, tôi thấy lãng tránh vấn đề này là vô ích. Việc tôi quan tâm đó là: Tôi sẽ ra đi như thế nào? Sự kết thúc có đến nhanh chóng không, bằng một cơn đột quỵ ở một trong số các động mạch vành? Hay sẽ là một cơn đột quỵ trong não khiến tôi nằm liệt trên giường bệnh nhiều tháng, trong trạng thái bán hôn mê? Trong số 2 cách đó, tôi thích cách nhanh chóng hơn.

Một thời gian trước đây, tôi đã cho soạn một bản hướng dẫn điều trị y tế cao cấp. Bản hướng nói rằng nếu tôi phải được cho ăn bằng đường ống và không thể hồi phục và ngồi dậy, bác sỹ của tôi sẽ phải tháo ống tube và cho tôi ra đi sớm. Tôi đã để tờ hướng dẫn được ký bởi một người bạn làm luật sư và một bác sĩ.

Nếu bạn không kí một tờ hướng dẫn như vậy, người ta sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi đã chứng kiến điều này trong nhiều trường hợp khác. Anh rể của vợ tôi, Yong Nyuk Lin, phải đeo ống. Ông ấy ở nhà, và vợ ông ấy cũng nằm liệt giường, trong thân hình tàn tạ. Tâm trí ông ấy đã trở nên vô thức. Hiện tại ông ấy đã chết. Nhưng họ giữ ông ấy như thế trong một vài năm. Làm vậy để làm gì? Thường thì các bác sỹ và người thân của bệnh nhân tin rằng họ nên kéo dài cuộc sống, nhưng tôi thì không đồng ý. Mọi thứ đều đến lúc phải kết thúc và tôi muốn nó xảy ra với tôi càng nhanh và càng ít đau đớn càng tốt, chứ không phải để tôi nằm bất động bán hôn mê trên giường bệnh với một cái ống dịch chuyền thức ăn xuống dạ dày. Trong những trường hợp ấy, người ta chỉ còn là một cái xác mà thôi.

Tôi không thích tự gắn ý nghĩa cho cuộc sống – hoặc nghĩ ra những câu chuyện lớn lao về cuộc đời – mà chỉ tìm cách đo lường nó bằng những gì bạn nghĩ bạn muốn làm trong cuộc sống. Đối với tôi, tôi đã hoàn thành những việc tôi muốn làm, trong khả năng lớn nhất của tôi và tôi hài lòng với việc đó.

Những xã hội khác nhau có những quan điểm triết học khác nhau về cuộc sống hiện tại và kiếp sau. Nếu bạn đến nước Mỹ, bạn sẽ tìm thấy những người theo đạo Thiên chúa nhiệt thành, đặc biệt là trong nhóm người bảo thủ ở vùng Vành đai Kinh Thánh (Bible Belt) chiếm phần lớn miền Nam nước Mỹ. Ở Trung Quốc, mặc dù qua nhiều thập kỷ truyền bá chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao, việc thờ cúng tổ tiên và những phong tục tín ngưỡng khác dựa trên đạo Phật và Đạo Giáo vẫn còn phổ biến. Ở Ấn Độ, niềm tin vào kiếp luân hồi vẫn tồn tại rộng rãi.

Tôi không phải là người theo thuyết vô thần. Tôi không công nhận cũng không phủ nhận việc Chúa tồn tại. Vũ trụ được cho rằng sinh ra từ vụ nổ Big Bang. Nhưng những con người trên thế giới này đã phát triển hơn 20.000 năm qua, trở thành những sinh vật biết suy nghĩ, và có thể có cái nhìn vượt ra ngoài bản thân và khám phá về bản thân. Đó là kết quả của thuyết Tiến hóa Darwin hay đó là do Chúa? Tôi cũng không biết nữa. Do đó tôi không cười nhạo những người tin vào Chúa. Nhưng tôi không nhất thiết phải tin vào Chúa – hay phủ nhận rằng Chúa tồn tại.

Tôi đã có một người bạn rất thân, Hon Sui Sen, một tín đồ Công giáo La mã ngoan đạo. Khi ông ấy gần mất, các linh mục đã ở bên cạnh ông ấy. Ở tuổi 68, ông ấy khá trẻ để ra đi nhưng ông ấy hoàn toàn không tỏ ra sợ hãi. Là người Công giáo La mã, ông ấy tin rằng ông sẽ gặp lại vợ mình vào kiếp sau. Tôi ước rằng tôi cũng có thể gặp lại vợ mình ở kiếp sau nhưng tôi thực sự không tin vào điều đó. Tôi chỉ không còn tồn tại tương tự như bà ấy không còn tồn tại nữa – chứ nếu không thế giới bên kia sẽ bị quá tải dân số. Thiên đường có phải đủ rộng lớn và không có giới hạn để luôn đủ chỗ cho tất cả mọi người trên thế giới trong hàng ngàn năm qua không? Tôi rất nghi ngờ về điều đó. Nhưng Sui Sen đã tin vào điều đó và nó đã mang lại cho ông ấy sự bình yên nhất định trong tư tưởng khi ông ấy vượt qua những thời khắc cuối cùng bên cạnh các linh mục. Vợ ông ấy, người đã mất vào tháng 11 năm 2012, đã tin rằng họ sẽ gặp lại nhau lần nữa.

Những người xung quanh từng khuyên tôi, rằng tôi sớm muộn gì cũng như thế, đã không còn làm như vậy nữa bởi vì họ biết rằng điều đó vô ích. Vợ tôi có một người bạn thời đi học, cô ta rất sùng đạo và đã không ngừng cố gắng truyền đạo cho vợ tôi. Nhưng cuối cùng, vợ tôi đã tránh xa khỏi người bạn đó và nói rằng: “Thật vô lý. Mỗi lần gặp mặt cô ta đều muốn tôi trở thành một người theo đạo Thiên chúa.” Vợ tôi không tin vào kiếp sau, mặc dù đúng là sẽ thoải mái hơn nếu bạn tin vào kiếp sau dù nó không thực sự tồn tại.

Cứ mỗi ngày trôi qua tôi cảm thấy thể xác mình mất thêm năng lượng và ngày càng ít năng động hơn. Nếu bạn muốn tôi ra ngoài khi nắng nóng lúc hai giờ trưa để gặp gỡ người khác, bắt tay và ôm hôn các em bé, tôi sẽ không thể làm được nữa. Tôi có thể làm như vậy 20, 30 năm trước, nhưng giờ thì không thể. Bạn chấp nhận cuộc sống khi nó tới, với sự già đi của thể xác qua thời gian. Thỉnh thoảng người thư ký của tôi nhìn thấy tôi nghỉ ngơi trong phòng làm việc và hỏi tôi có cần hoãn cuộc gặp tiếp theo hay không. Tôi thỉnh thoảng vẫn nói: “Không, hãy để nó tiếp tục”. Tôi cần 15 phút chợp mắt để đầu óc sau đó có thể hoàn toàn tập trung được. Nhưng nếu tôi không thể, tôi sẽ nói rằng: “Được, hoãn lại đi. Để tôi ngủ một lát”. Bạn không thể dự đoán được cơ thể bạn sẽ trở nên như thế nào. Dù tôi có mạnh mẽ và kỉ luật tới đâu, tình trạng của tôi vẫn sẽ tiếp tục xuống dốc.

Cuối cùng, sự hài lòng lớn nhất của tôi đối với cuộc đời đến từ thực tế rằng tôi đã dành nhiều năm tập hợp sự hỗ trợ, ý chí để biến đất nước này thành một nơi nhân tài được trọng dụng, sạch bóng tham nhũng và bình đẳng cho mọi sắc tộc. Điều đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi tôi ra đi. Nó không giống như khi tôi mới nhậm chức. Chính phủ Lim Yew Hock lúc đó đã tham nhũng rồi. Những người Singapore trẻ tuổi có thể sẽ không biết đến cái tên Mak Pak Shee, một thành viên của chính phủ đó. Ông ấy là một người lai Ấn Độ và Quảng Đông với một bộ ria mép, và được gọi người “dàn xếp” – tức giúp hoàn thành các ưu đãi để đổi lấy một khoản phí.

Singapore như hiện tại là một địa chỉ sạch bóng tham nhũng trong một khu vực mà nạn tham nhũng rất phổ biến. Các thể chế đã được lập ra để giữ cho nó như vậy, ví dụ như văn phòng chống tham nhũng. Mọi người thăng tiến dựa trên năng lực của họ chứ không phải sắc tộc, ngôn ngữ hay tín ngưỡng của họ. Nếu chúng ta giữ vững được những thể chế này, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bộ. Đó là hi vọng lớn nhất của tôi.

Đây là phần cuối cùng trong cuốn One Man’s View of the World được Nghiencuuquocte.net biên dịch. Bản dịch các phần khác của cuốn sách có thể xem được tạ

 

Nguồn: nghiencuuquocte.net

Tags:

StoriesofLife

Cái tết ngèo

by Life23/03/2015 17:14

Một buổi chiều tà đang dần bao trùm lên khắp thành phố, thấp thoáng chiếc bóng thon nhỏ kéo dài tận xa xa rồi bất chợt hòa vào bóng râm nơi gầm cầu, mất khuất. Trong khung cảnh tĩnh mịch, ánh sáng lờ mờ hắt từ mặt nước phản chiếu từ ánh đèn trên cầu, một giọng nói trầm ấm cất lên:

- Bữa nay mày bán được không mà sao vẻ mặt ủ rũ thế, nhóc Đô?

Bàn tay run run vì cơn lạnh trong tiết trời cuối năm, đôi mắt thâm quầng của nó từ từ nhìn lên rồi đáp lại trong thanh điệu ngập ngừng.

- Dạ... cũng đỡ hơn hôm qua chút chút. Thế còn ...chị Sang thì sao?

- Ui dào, tao thì có gì mà hỏi, mọi ngày như mọi ngày. - Chị nói trong sự buông xuôi, cứ như là cho có câu trả lời.

Cuộc sống dưới gầm cầu nơi phố phường thật vô vị và chán chường, cùng sự nhọc nhằn mưu sinh, thiếu vắng tình thương của những đứa trẻ cứ như là "sống tạm". Đêm xuống, ánh đèn đường bên kia đường hắt qua cũng đủ leo loét vài chùm sáng nhỏ nhoi. Như những sinh linh nhỏ bé đang cùng nhịp thở với thời gian, ngày này qua ngày khác vẫn như vậy, một vòng tuần hoàn của cuộc sống không chút hối hả, âm vị hay hi vọng cho ngày mai. Nhưng rồi thời gian cứ thế thấm thoát trôi đi, năm cũ cũng sắp qua đi để rồi một cái tết cổ truyền đang đến gần. Hình như đây cũng là một cái gì đó, hay là một chút sắc màu cho cuộc sống của chúng. Xuân đang về....

- Tết này mấy đứa có dự định gì không? - Chị Sang cất lời hỏi sau một hồi im lặng, mỗi người ngồi một xó xĩnh.

Tiếng nhao nhao của đám trẻ làm rộn ràng cả khu gầm cầu, đứa nào cũng muốn thỏa sức để những giấc mơ của mình được bay lên, dẫu cho là mơ hồ.

- Tao muốn được có quần áo mới, được đi đây đó diện cùng mọi người.

- Còn tao thì muốn được ăn một bữa thật thịnh soạn trong những ngày này.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những điều ước thật giản đơn, điển hình như nhóc Đô.

- Còn em muốn được dắt tay ba mẹ dạo quanh chợ hoa, quây quần bên nhau cắt chia những mẩu bánh chưng thơm lừng.

Cả đám lao xao với những lời tâm sự trẻ thơ, đôi chút xen lẫn giọt nước mắt tủi hờn âm thầm lăn nhẹ len vào cõi lòng tái tê.

Nhìn sang bên kia phố, trên con đường lớn trải dài với ánh đèn vàng sáng rực và rộng khắp. Từng dòng người xuôi ngược xen lẫn vào các hàng quán, khóm hoa, chậu kiểng... cùng những khúc hát mừng xuân rộn ràng bật lên một góc chợ hoa xuân ngày tết của Sài thành.

- Các em có muốn đi chơi chợ hoa với chị không nào?

Một đứa tỏ rõ sự hớn hở mà tán thành:

- Ý kiến hay đó chị Sang. Ban ngày tụi mình rong rủi khắp nơi kiếm tiền rồi, giờ cũng phải hòa mình vào niềm vui cùng mọi người chứ.

Đứa khác lại chen ngang...

- Nhưng mà mình đâu có tiền đâu chứ mà ra chợ.

- Giời à! Đâu nhất thiết phải có tiền mới đi được chứ! – Chị Sang trấn an nó.

- Phải ha, thì mình ra đó dạo quanh thưởng ngoạn cho vui thôi chứ có động chi đến mấy thứ đó.

Nói rồi cả đám nô nức tung tăng đến chợ hoa trong niềm vui sướng, quên hẳn đi sự khó nhọc từ sáng giờ và lo lắng về ngày mai.

- Ê nhìn kìa tụi bây, năm nay hoa mai nhiều ghê, có cả quất nữa kìa.

- Vui ghê ha, nhìn mấy bạn nhỏ đang tay trong tay cha mẹ dạo quanh các hàng quán kìa, trông họ mới thật hạnh phúc làm sao.

Đến đây, cả đám chợt lặng đi giây lát, sự mủi lòng làm những tâm hồn trẻ thơ ấy thắt lại. Một đứa trong nhóm cố xua đi nỗi ê chề ấy.

- Ôi! Những con cá cảnh này mới đẹp sao, tao mà có nó chắc tao phải kiếm một cái bể thật to cho nó tha hồ vùng vẫy.

- Hay là mày để dành tiền mua cá rồi thả xuống sông Sài Gòn nơi tụi mình đang ở đi.

Rồi cả bọn ồ cười lên trước sự bỡn cợt của đôi bạn, quên đi sự chạnh lòng vừa mới khi.

Đêm đã về khuya, màn đêm không thể giăng kín cả con đường hoa bởi ánh đèn đường mãi sáng, rồi những dây đèn đốt nóng vây kín cả vườn mai để hối thúc cây kịp ra hoa. Con đường mới nãy còn nhộn nhịp tưng bừng sắc xuân giờ đã vắng tanh, các chủ vườn đã yên giấc bên những cành hoa, các bạn nhỏ cũng đã quay về tự khi nào. Ánh trăng lồng lộng trên trời cao cùng muôn Vì sao lấp lánh xin hẹn đến mai lại đến khi bình minh lên cao. Cũng như không khí những ngày cuối năm nơi đây xin hẹn lại tối mai rồi sẽ lại tới, để chào đón những phút giây thiêng liêng trong giao thừa.

Trăng khuất, bình minh dần lên cao báo hiệu ngày mới bắt đầu. Ánh mặt trời vờn trên cành lá, những cánh hoa tươi tắn lóe sáng lên bởi giọt sương đêm đọng lại phản chiếu ánh nắng ban mai. Ong bướm nô nức kéo đến hòa mình vào sắc hoa ngào ngạt ngát hương nồng, bay nhấp nhô trên con đường hoa. Gió nhẹ nhàng đưa thoang thoảng dịu mát, làm những cành hoa đong đưa qua lại như đang đón chào một mùa xuân mới. Các chủ vườn vẫn với những công việc thường nhật, chăm sóc các chậu cây cảnh. Và các bạn nhỏ nơi gầm cầu cũng thế, vẫn tiếp tục trên con đường mưu sinh của mình trong ngày cuối năm.

- Báo đây! Báo đây! Báo với những trang tin về ngày xuân đây!

Với những tờ báo số xuân, chị Sang cùng những đứa khác như những cánh chim én trở về, đem mùa xuân sang nơi nơi. Bên cạnh đó, nhóc Đô cũng ra sức cho ngày cuối năm.

- Mời cô chú mua vé số ạ! Mua nhiều trúng nhiều ăn tết lớn, chúc cô chú gặp nhiều may mắn!

Những ngày cuối năm này ai ai cũng đều hớn hở vào ngày mai, ngày tết cổ truyền. Những cô cậu sinh viên háo hức trở về quê nhà sau một kỳ học căng thẳng, người đi làm luôn mong mỏi một điều là sẽ kiếm thật nhiều tiền để tết này được đầy đủ sung túc trong gia đình. Còn những em nhỏ lang thang trên phố thì sao? Họ muốn gì, cần gì và sẽ về đâu khi một phần thiết yếu của ngày tết là được sum vầy bên gia đình. Cuộc đời họ như bị mù quáng lối đi, "đi" để biết mình đang "chuyển động" chứ chẳng hề biết mình sẽ đi đâu về đâu? Như đang bị một đám mây đen vây kín không tìm thấy được niềm mơ ước, dù là nhỏ nhoi. Và rồi... hoàng hôn cuối cùng trong năm đang dần buông xuống, dốc màn đêm lạnh lẽo lên cả phố phường; kết thúc cho một ngày dài và khép lại một năm trời ròng rã. Nơi gầm cầu, những đứa trẻ đã tụ lại đông đủ sau một ngày phiêu bạt trên dòng đời.

- Chị Sang ơi! Tết này chúng ta sẽ tổ chức gì không?

- Tổ chức gì là sao? - Chị tỏ ra ngỡ ngàng trước câu hỏi ngây ngô của đứa em nhỏ.

- Thì...như là đi chơi hay là mua gì đó ngon hơn một chút để cùng ăn uống trong ngày ấy.

Ngẫm nghĩ chập lát, chỉ mới đáp lại.

- Ừm! Thì chị cũng tính kêu mấy đứa chung tiền lại mua vài cái bánh chưng để sáng mồng một chia nhau ăn cho có không khí ấy mà.

- Vậy chúng mình cùng góp lại đi, ai có ít nhiều gì cũng được.

. . . .

Cả đám chụm đầu lại để đề xuất đủ những ý kiến cho ngày mai thật rôm rả và hăng hái, dù không biết là thực hiện được bao nhiêu. Còn nhóc Đô thì đang co rúm lại xó khác. Lòng gợi buồn man mác khi những kí ức xưa chợt ùa về trong cô quạnh. Thấy vậy, chị Sang bèn tách ra sự sôi nổi bên ấy để đến bên ân cần hỏi han, sẵn sàng tâm sự cùng như một người chị thâm tình.

- Em làm sao vậy, tụi nó bên kia đang vui thế cơ mà?Nó vẫn rưng rưng nước mắt, đành quay mặt sang chỗ khác hòng lánh đi ánh mắt đồng cảm của chị Sang.

- Nhóc Đô này, chị đang nói chuyện với em mà. Có đau ốm gì không đấy?

- Em không sao đâu chị à, chẳng qua em thấy buồn nên vậy thôi!

- Tại sao vậy, có thể trải lòng cho chị cùng được không?

Lặng thầm một lát, nó ngước nhìn chị Sang rồi từ tốn trả lời.

- Gia đình em trước đây cũng thuộc dạng bình thường, đủ ăn đủ mặc bước qua ngày tháng. Nhưng khi gia đình gặp chút trở ngại trong kinh tế thì yên bình không còn trong mái ấm này nữa.

. . .

- Em cứ tiếp đi, cứ nói ra hết những nỗi niềm của mình em sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

- Trong những lúc thế này đáng lí ra ba mẹ phải cùng nhau vượt qua, ngặt nỗi ba em tỏ ra chán nản, rượu chè cờ bạc đến nỗi mang nợ đầy đầu. Những lần say xỉn về lại lôi mẹ ra chửi bới đánh đập, rồi từ đó em buộc phải chia tay mái trường thân thương.

Đến đây, bờ mi kia đã không ngăn được dòng lệ ứa ra hoen cay. Nhắm mắt cố ngăn lại dòng lệ tuôn trào, đành đưa tay gạt ngang những giọt nước mắt tủi hờn, nó lại tiếp...

- Sầu thảm, bị chấn thương sau những trận đòn ấy, mẹ cũng ra đi. Còn ba thì bị bỏ tù vì không xoay sở được số nợ cứ ngày mỗi lớn theo lãi suất, em đành trôi dạt lên đây mưu sinh nhờ một nhà thuyền buôn tốt bụng cho đi nhờ cùng với dăm ba đồng trong tay.

Không khí nơi đây thật ngột ngạt, cùng tiếng ồn ã trên cầu lại làm cho nơi đây thật não nề. Chị Sang cũng muốn xua đi những u buồn ấy nhưng không thể, bởi vì hoàn cảnh của chị cũng thật đáng thương như ai kia chẳng kém gì.

- Giờ nếu cho em một phần thưởng cuối năm, em sẽ muốn gì?

Nhóc Đô cười nhẹ trên bờ môi, coi đó là một chuyện đùa cho vui của chị. Bởi vì trước giờ cậu chưa từng được thưởng thết gì ngoài những phần thưởng học sinh giỏi trong những năm còn cắp sách đến trường. Chị Sang hỏi lại cứ như nửa thật nửa đùa.

-Thì em cứ nói thử xem!

- Em muốn... được về lại mái nhà xưa.

- Em vẫn còn luyến thương nơi ấy à?

- Ba em giờ chắc đã mãn hạn tù rồi, dù năm tháng qua căm hận ông ấy nhưng em vẫn muốn quay về đoàn tụ, bỏ qua tất cả để cùng đón một cái tết của dân tộc, thắp nén nhang cho tổ tiên và mẹ.

- Chị thật cảm động trước tấm lòng của em.

- Nhưng em biết sẽ không còn phần thưởng nào nữa rồi. Dù sao cũng cảm ơn chị đã lắng nghe những chuyện không vui của em.

Và hôm nay như những ngày trước đó, chợ hoa gần đó lại náo nhiệt hơn hẳn. Những chậu hoa cuối cùng đã được chuyển từ vườn lên đây hết. Trời càng về khuya càng rét, gió vẫn thổi từng cơn lạnh buốt, càng giá băng hơn cả tâm hồn thơ dại với những đứa trẻ đường phố. Một đứa hồng hộc chạy vào... 

- Chị Sang ơi, em đã mua về rồi đây!

Nhóc Đô đang lim dim ngủ thì bật dậy.

- Ủa? Khuya rồi mà còn mua đồ ăn về à?

- Có đâu, đây là tấm vé xe về Long An của em đó.

 Niềm vui bất ngờ từ tấm vé về quê mà bao ngày qua hằng ao ước làm nó khựng lại. Lòng rưng rưng nỗi xúc động, nước mắt lại rơi ra như thay cho lời muốn nói.

- Cảm ơn chị Sang, vậy là phần thưởng mà lúc nãy chị nói đây sao?

- Đúng vậy, nhưng không phải là của mình chị, mà đây là tấm lòng của tất cả các bạn ở đây dành cho em. Bọn chị đã bàn nhau và lấy ra một phần tiền quỹ ăn tết của chúng mình mua cho em đó. Hãy về quê sum vầy bên gia đình thật vui vẻ, em nhé!

- Cảm ơn! Cảm ơn chị, em sẽ không bao giờ quên ân tình này của mọi người. Em rất hạnh phúc về món quà này dù cho đó có là phần thưởng cuối cùng của mình.

- Thôi không còn sớm nữa. Em mau thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra bến cho kịp chuyến, ngay sáng sớm mai là em đã ở nhà mình và cùng nhau đón tết nồng ấm rồi.

Tại bến xe miền đông, quang cảnh về tết thật rộn ràng. Từng đoàn xe nối đuôi nhau rời bến đi về các tỉnh lẻ, rồi đây sẽ trở nên vắng lặng khi thâu đêm canh tàn hôm nay. Nhóc Đô lên xe về quê trong niềm hớn hở vui mừng trực trào. Xe chuyển bánh rời bến về lại quê nhà, người chưa đến nơi nhưng tâm hồn nó như đã nhảy múa hoan hỉ nơi đó rồi.

Vào thời khắc giao thừa, đám bạn nhỏ đường phố tập trung trên thành cầu cùng ngước mắt lên trời cao ngắm nhìn từng tràng phảo bông bắn tung tóe vang rần trời với đủ sắc màu.

Và hay chăng nhóc Đô cũng đang nhìn từ ô cửa kính xe ra nơi ấy, cùng đón giao thừa phút thiêng liêng. Tuy không kề bên tháng ngày nhưng con tim, ánh mắt luôn hướng nhìn về nhau. Cái tết của những đứa trẻ ấy thật nghèo về vật chất, nhưng nghĩa tình thì thật nhiều, chan chứa thật giàu có hơn gì hết.

 

 

 

 

 

Tags:

StoriesofLife

Bà Tư

by Life16/03/2015 13:19

Mặt trời chưa kịp nhú lên khỏi đằng Đông thì bà Tư đã lom com chuẩn bị cho ngày làm việc vất vả. Hôm nay bà và đứa cháu mới hơn hai tuổi sẽ đi ba điểm cũ: đầu chợ, siêu thị và một ngã tư có đèn xanh đèn đỏ. Bà nấu cơm, nước sôi đem theo để bươn chải cả ngày.

***

Căn nhà lụp xụp, rách nát là nơi nương náo của hai bà cháu. Bà Tư năm nay đã hơn tám mươi. Đứa nhỏ gọi bà bằng ngoại là con của đứa con gái xấu số. Con bà mất sau khi sinh, không lâu sau thì đứa thằng rể cũng bỏ bê đứa con ruột mà lấy người khác. Bên nội không ai muốn nhận nuôi vì cũng không giàu có gì, nên bà đằng ngậm ngùi ôm nắm ruột của đứa con gái duy nhất về nhà. Cuộc sống hàng ngày đã khó khăn, đem con bé về lại càng chật vật hơn, nhưng răng phải cắn, đắng phải nuốt, khổ phải cam. Nào tiền sữa, tiền tả, tiền thuốc men….đủ thứ tiền trên trời dưới đất. Túng quá, bà làm liều ra đường ăn xin.

Những ngày đầu, người đi đường thấy bà già khắc khổ mà thương, nên bà được kha khá để lo cho cháu ngoại vài hôm. Nhưng mấy ai lại có lắm tiền để cho bà hoài, hoặc dù có thì cũng bố thí cho người khác nữa chứ. Mấy hôm có mưa, bà mặc áo mưa ngồi dầm dề cứ mặc cho mưa tạt, mưa trút xối xả xuống người. Bà nghĩ thấy càng tội càng tốt. Không ngờ hôm sau bà bệnh nặng, nóng, sốt, ho, nhức đầu. Bao nhiêu tiền xin được đều nhờ hàng xóm mua thuốc uống. Lúc đó bà khóc, bà trách ông trời sao không cho bà chết quách đi cho xong, để bà sống làm chi mà đày đọa bà quá. Nhưng khi nhìn qua cháu ngoại, bà lại thương “mình chết rồi ai lo cho nó?”. Đứa cháu mỗi lúc một lớn thêm, cần thêm nhiều thứ nữa. Thế là thành ra, bà ngồi ngoài đường mỗi ngày. Con bé lớn thêm tí nữa, nghe lời người ta, bà dẫn nó theo để thêm phần khổ sở cho thiên hạ thương. Ban đầu nó quấy khóc vì nắng, vì mệt, vì khói bụi, nhưng rồi cũng quen.

Cơm nước đã xong, bà Tư vào buồng lay đứa cháu thức dậy để chuẩn bị theo bà. Nó cứ ngoeo nguẩy muốn ngủ thêm chút nữa. Bà chậc lưỡi tội nghiệp “nó tuổi ăn tuổi ngủ mà”. Nhưng cũng phải đi vì ở nhà không ai lo cho nó. Tay trái bà xách cái túi cũ mềm đựng cà mèn cơm và bình nước, tay phải dắt đứa cháu, bà đội cái nón lá rách tươm, dù trời rất nóng nhưng bà mặc đến hai cái áo bà ba. Gương mặt bà nhăn nheo, đôi mắt đã không còn nhìn rõ lắm, miệng đã móm vì không còn răng, những nếp nhăn điểm lên sự khắc khổ một đời bà phải chịu. Lưng khom khom, bà bước đi vội nhưng không nhanh trên đôi dép đã mòn gót. Dụng cụ hành nghề của bà đơn giản lắm, chỉ cần lót đôi dép, ngồi xuống rồi lật ngược cái nón lá lại, chìa ra ngoài là xong. Bà phải đi sớm vì giờ này chợ đông. Xế trưa thì ít người hẳn, mà nắng lại gắt hơn nên bà cùng cháu đi sang siêu thị. Con nhỏ cũng lăng xăng theo bà ngoại, có khi nó nghịch phá bà phải la nó, nhưng bà yếu quá, nó có chịu nghe bà đâu. Chiều nắng dịu, bà dẫn cháu đến chỗ ngã tư giao nhau của đường Nguyễn Đáng và Kiên Thị Nhẫn. Mỗi khi đèn đỏ, người ta dừng lại, thấy bà đang ôm đứa cháu nhỏ nằm ngủ, động lòng rồi cho vài ba ngàn. Có khi ngồi đến tối, trời nổi gió lạnh, nhưng trong nón chỉ có ba bốn tờ một ngàn. Hôm nay cũng vậy, đi cả ngày mà bà chỉ được cho mười một ngàn. Đứa nhỏ đang nằm ngủ ngon lành trên tay bà sau khi khóc đòi đi qua bên kia đường chơi. Bà Tư quay sang hỏi chú xe ôm:

-  “Mấy giờ rồi chú?”

-  “Sáu giờ rưỡi rồi bà ơi!”. Bà gật đầu để đáp lại, rồi nhìn vào cái nón lá, xong bà thở hắc ra lắc đầu “Ngày mai biết ăn gì đây?”

Bà Tư gọi con bé dậy, gom tiền bỏ vào túi áo bà ba, rồi bà đứng dậy, xỏ chân vào dép, đội lại cái nón lá lên đầu. Bà khom xuống cần lấy cái túi trên tay trái, tay phải bà lại nắm bàn tay nhỏ nhắn của đứa cháu. Bà lê từng bước về nhà, lần này bà không cần vội. Ánh đèn đường leo loét in bóng hai bà cháu xuống mặt đường nhựa như một chiếc lá nâu sắp lìa cành, và một chiếc lá xanh nỏn mới vừa nhú lên dắt díu nhau đi qua những năm tháng lao khổ của cuộc đời.(st truyenngan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

Nghèo đói là trường đại học tốt nhất

by finandlife03/03/2015 09:29

“Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi”.

Câu chuyện về ý chí phấn đấu, vươn lên đầy hoài bão này đã thực sự lay động lòng người. Và hơn hết, đó còn là câu chuyện về đức hy sinh của người mẹ. Đã có rất nhiều website đăng tải lại câu chuyện cảm động mà tiến sĩ An Kim Bằng (Jinpeng An), người Trung Quốc, tốt nghiệp toán học tại Đại học Harvard, kể về người mẹ nghèo của mình.

Ngày 5/9/1997, là ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở Đại học Bắc Kinh, khoa Toán. Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân tập tễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những bột mì này có được nhờ mẹ đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.

Bưng bát mì, tôi đã khóc. Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống đất… Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, tôi có một người mẹ tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà. Nhà tôi vô cùng nghèo khó.

Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi, tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, những món nợ trong nhà lớn dần theo năm. Khi bảy tuổi, tôi được đi học, học phí là mẹ vay người khác. Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc nó lên một cái que rồi viết tiếp, hoặc dùng một cái dây chun xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó.

Mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc đi vay vài hào của hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi. Nhưng cũng có những khi mẹ vui vẻ, là khi bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm. Dưới sự khích lệ của mẹ, tôi càng học càng thấy ham thích. Tôi thực sự không hiểu trên đời còn có gì vui sướng hơn được học hành.

Chưa đi học lớp một tôi đã thông thạo cộng, trừ, nhân, chia và phân số, số phần trăm; khi học tiểu học tôi đã tự học để nắm vững Toán, Lý, Hoá của bậc trung học phổ thông. Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu. Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà.

Nào ngờ, khi tôi báo tin vui cho cả nhà, mặt bố mẹ chất chứa toàn những đau khổ; bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang gần kề cái chết, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười nghìn Nhân dân tệ rồi. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt như mưa suốt một ngày. Đến tối, tôi nghe thấy ở ngoài nhà có tiếng ồn ào. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng ba tôi không chịu. Tiếng ồn ào làm ông nội nghe thấy, ông đang bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời. Sau lễ an táng ông nội, nhà tôi lại mắc thêm vài nghìn tệ tiền nợ nữa.

Tôi không còn dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất "Giấy báo nhập học" thật kỹ vào vỏ gối, hàng ngày tôi ra đồng làm việc cùng mẹ. Sau hai hôm, tôi và ba tôi cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi. Ba tôi sắt mặt lại, hỏi mẹ tôi:

- Bà bán con lừa con rồi à? Bà bị thần kinh à? Sau này lấy gì kéo, lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?

Hôm đó mẹ tôi khóc, mẹ tôi dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để gào lại ba tôi:

- Con cái mình đòi đi học thì có gì sai? Nó thi lên được trường số 1 của thành phố nó là đứa duy nhất của cả huyện này đấy, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho nó đi học…

Cầm sáu trăm tệ mẹ vừa bán lừa, tôi thật sự chỉ muốn quỳ xuống dập đầu trước mẹ. Tôi đã thích được học quá rồi, mà còn học tiếp, thì mẹ sẽ khổ sở bao nhiêu, vất vả bươn trải thêm bao nhiêu?

Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy mặt ba tôi vàng như sáp, gầy da bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ bình thản bảo: "Có gì đâu, bị cảm, sắp khỏi rồi". Ai ngờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của ba, thì thấy đó là thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển. Tôi kéo mẹ ra ngoài nhà, khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào, mẹ bảo, từ sau khi tôi đi học, ba bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên.

Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa ba lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là u nhu ruột bowel polyps, bác sĩ yêu cầu ba phải mổ gấp. Mẹ chuẩn bị đi vay tiền tiếp, nhưng ba kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa!

Hàng xóm kể với tôi, mẹ dùng một phương pháp nguyên thuỷ và bi tráng nhất để gặt lúa mạch. Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to…Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối quỳ còn chảy máu, đi đường cứ cà nhắc…Không đợi hàng xóm kể hết, tôi chạy như bay về nhà, khóc to gọi mẹ: "Mẹ, mẹ, con không thể đi học nữa đâu…".

Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường. Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ 60 đến 80 tệ, thật thảm hại nếu so với những người bạn học khác mỗi tháng có 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng, có lúc dành dụm không đủ đã phải giật tạm vài đôi chục. Mà cha tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa. Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì tôm với giá bán buôn.

Rồi mỗi cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ ra một xưởng in ngoài thị trấn cách nhà 6km để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. (Cắt tóc nam rẻ nhất Thiên Tân cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn).

Khi nói, mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn xa xăm ra con đường đất ngoài kia, như thể con đường ấy dẫn tới tận Thiên Tân, tới Bắc Kinh.

Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi, chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra, chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (alkali - chất kiềm, dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước soda) là xong. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ, làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào.

Hồi mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi ù cạc. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, ai ngờ mẹ chỉ cười bảo: "Mẹ chỉ biết con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa".

Tôi hơi bị nói lắp, có người bảo, học tiếng Anh đầu tiên cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường kiếm một hòn sỏi ngậm vào miệng mình, rồi gắng đọc tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi tôi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng để kiên trì. Nửa năm trôi qua, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn đi, lưỡi tôi cũng đã nhẵn, tôi đã thành người giỏi tiếng Anh thứ 3 của lớp. Tôi vô cùng cảm ơn mẹ, lời mẹ khích lệ tôi vượt qua khó khăn lớn trong học tập.

Năm 1996, lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic toàn Trung quốc môn Vật lý. "Đoạt lấy chiếc Cup giải Nhất toàn Trung quốc tặng mẹ, rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới", tôi không ngăn được nỗi khao khát trong lòng, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi. Kết quả, tôi chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, không ăn không uống. Dù tôi là người đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân đi thi, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng!

Tôi về trường, các thầy ngồi phân tích nguyên nhân thất bại cho tôi thấy: tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán, Lý, Hoá, những mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng.

Nếu giờ tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định tôi thắng. Tháng 1 năm 1997, tôi cuối cùng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia, cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Nộp xong phí báo danh, tôi gói những sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường. Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của tôi ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi tôi: "Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?"

Tôi chả biết nói sao, vội đáp: "Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa - trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp tổng thống Clinton em cũng chẳng thấy ngượng".

Ngày 27/7, Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 chính thức khai mạc. Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả, đầu tiên công bố huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình; sau đó công bố huy chương Bạc, cuối cùng, công bố huy chương Vàng, người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi. Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: "Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!".

Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa. Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học Trung Quốc tổ chức.

Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, tôi muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ… Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, cuối cùng tôi đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ tôi. Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt…

Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng. Ngày 12/8, trường Trung học số một của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:

"Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. Năm tôi học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách "Đại từ điển Anh -Trung" để học tiếng Anh, mẹ tôi không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi. Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn 40 km bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay.

Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ. Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 8 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí. Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mắt chóng mặt, lúc này tôi mới nhớ ra tôi đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa.

Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: 'Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ".

Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh. Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa... Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi".

Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn…

 

Theo ngoisao

Tags:

StoriesofLife

22 Câu Nói Có Thể Thay Đổi Cuộc Đời Bạn

by finandlife01/03/2015 09:46

Đầu năm nói chuyện tốt J.

1.Tiền xu luôn gây ra tiếng động… nhưng tiền giấy lại luôn im lặng. Vì thế khi giá trị của bạn tăng lên, hãy giữ cho mình luôn khiêm tốn và nói ít đi!

2. Càng nói ít, càng nghe được nhiều.– Alexander Solshenitsen

3. Khi người khác hỏi những điều mà bạn không muốn trả lời, xin hãy cười và nói “tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”

4. Không ai cần đến một nụ cười nhiều như người không thể cho đi nụ cười.

5. Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần bị vấp ngã!

6. Rất nhiều người không dám nói lên những gì họ muốn. Đó là lý do tại sao họ không có được chúng. - Madonna

7. Khi trưởng thành, tôi ngày càng ít quan tâm đến những gì mọi người nói. Tôi chỉ xem những gì họ làm được. – Andrew Carnegie

8. Kiên trì làm việc tốt sẽ mang lại nhiều thứ. Như mặt trời có thể làm tan băng, lòng tốt có thể làm bốc hơi sự hiểu lầm, hoài nghi và thù địch. - Albert Schweitzer

9. Cuộc sống giống như một cuốn sách. Một vài chương khá buồn, một số chương hạnh phúc và một số chương rất thú vị. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ lật thử một trang bạn sẽ không bao giờ biết được những gì ở chương tiếp theo!

10. Bạn có thể kết bạn được nhiều hơn trong vòng hai tháng bằng cách quan tâm đến người khác hơn là hai năm cố gắng bắt người khác quan tâm đến bạn. - Dale Carnegie

11. Tình bạn là một tâm hồn trú ngụ trong hai cơ thể. – Aristotle

12. Tôi tiến bộ bằng cách ở cạnh với những người tốt đẹp hơn mình và lắng nghe họ. Và tôi giả sử rằng mọi người đều tốt đẹp hơn tôi ở một mặt nào đó. – Henry J. Kaiser

13. Tranh cãi với một kẻ ngốc sẽ chứng minh rằng có hai kẻ ngốc. – Doris M. Smith

14. Những người làm việc cùng bạn phản ánh chính thái độ của bạn - Beatrice Vincent

15. Đừng quá khắt khe với chính mình. Thậm chí những sai lầm cũng có nghĩa là bạn đang cố gắng!

16. Không có hành động tử tế nào, dù nhỏ, lại bị xem là lãng phí. – Aesop

17. Bất luận lúc nào khi bạn nghe điện thoại, khi nhấc điện thoại lên xin bạn hãy cười lên, vì đối phương sẽ cảm nhận được nụ cười của bạn!

18. Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó! - Bill Gates

19. Lưỡi không xương nhưng đủ cứng để làm vỡ nát một trái tim… vì thế hãy cẩn thận với ngôn từ của bạn!

20. Đừng bao giờ cố giải thích con người bạn với bất cứ ai. Vì những người tin bạn không cần điều đó còn những người không thích bạn sẽ không tin lời bạn đâu!

21. Nhu cầu cơ bản nhất của con người là nhu cầu thấu hiểu và được thấu hiểu.- Ralph Nichols

22. Hãy ghi nhớ 3 điều: CỐ GẮNG, KIÊN ĐỊNH, TIN TƯỞNG

CỐ GẮNG cho một tương lai tốt hơn

KIÊN ĐỊNH với công việc

TIN TƯỞNG vào bản thân

Và thành công sẽ thuộc về bạn!

 

(PS: Tôi hy vọng rằng năm nay, bạn sẽ phạm lỗi lầm. Có lỗi lầm vì bạn đang sáng tạo, thử nghiệm giải pháp mới, để thay đổi mình và thế giới. Có lỗi lầm vì bạn dám làm những chuyện mình chưa từng làm; và quan trọng hơn hết, bạn đã cố gắng làm một cái gì – Neil Gaiman).

Siêu tầm...

 

Tags:

StoriesofLife

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu