Định kiến

by Life15/11/2014 20:39

Hãy bắt đầu một ngày mới không định kiến.

***

Tôi xin bắt đầu bài viết bằng một câu chuyện cười, mà nhiều người chắc cũng biết.

Có một thanh niên mắc bệnh sợ gà, cứ trông thấy gà là chạy.

Hỏi tại sao thì anh ta trả lời: "Con gà nó nghĩ tôi là con giun, nên phải chạy ngay không nó mổ chết".

Gia đình đưa anh ta đến bệnh viện tâm thần để chữa trị. Hàng ngày, ngoài việc uống thuốc, anh phải học thuộc lòng câu "tôi không phải là giun, nên tôi chẳng việc gì phải sợ gà".

Sau ba tháng chữa trị, bác sĩ làm bài kiểm tra:

- Anh có phải là giun không?

- Tôi không phải là giun.

- Anh có còn sợ gà không?

- Tôi không phải là giun, nên tôi chẳng việc gì phải sợ gà.

Thấy không còn triệu chứng gì bất thường, bác sĩ cho anh ra viện.

Vừa ra tới cổng bênh viện, nhìn thấy một con gà, anh ta vẫn sợ hãi, chạy bán sống bán chết. Mọi người xúm vào hỏi:

- Anh có phải là giun đâu mà sợ gà?

Anh ta trả lời:

- Đúng thế. Nhưng ba tháng qua chỉ có mình tôi được học, nên chỉ mình tôi biết, tôi không phải là giun. Chứ con gà có được học hành gì đâu. Nhỡ nó vẫn tưởng tôi là giun thì sao?

Bài học ở đây rất thú vị.

Ví dụ, ban đầu bạn là một nhân viên yếu kém. Đối với sếp, bạn chỉ là một con giun. Rồi sau đó bạn cố gắng học tập, rèn luyện và trở thành một con người khác. Nhưng đối với sếp, có thể bạn vẫn chỉ là một con giun, vì ông ta không biết bạn đã thay đổi. Lúc này bạn chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc tìm cách làm cho sếp biết mình không còn là "con giun" nữa mà đã tiến bộ rất nhiều (việc này tuyệt nhiên là rất khó), hoặc tìm chỗ làm mới.

Nhiều lãnh đạo, khi đánh giá nhân viên trong một kỳ mới, thường bị chi phối bởi những định kiến có sẵn từ kết quả đánh giá của các kỳ trước. Vì thế, những nhân viên bị sếp có ấn tượng xấu, mãi mãi bất lợi.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng có dịp gặp lại bạn bè thời học phổ thông. Ngày xưa ai học giỏi bây giờ vẫn được tôn trọng, ai học kém vẫn tiếp tục bị coi thường. Mấy chục năm xa cách, mọi người đều thay đổi rất nhiều, nhưng cái định kiến về thứ hạng vẫn giữ nguyên!

Sống lâu sẽ có nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm nói chung là tốt, nhưng nó cũng hình thành trong ta vô số định kiến, khiến cho ta không nhìn được cái mới. Chúng ta sẽ không tin thiên nga lại có thể mầu đen, vì quen nhìn thấy thiên nga mầu trắng. Một thí sinh vẽ tranh thủy mạc, vẽ cây trúc mầu đỏ. Các giám khảo bĩu môi hỏi "làm gì có trúc mầu đỏ"? Nhưng nếu thí sinh này vẽ trúc mầu đen thì lại bình thường, mặc dù cũng không có cây trúc nào mầu đen. Chẳng qua, các bức tranh thủy mạc từ xưa tới nay luôn vẽ trúc mầu đen.

Định kiến là thứ rất khó tẩy khỏi não. Trong hồi ký của mình, Nelson Madela thú nhận: "Một lần lên máy bay, nhìn thấy phi công là người da đen, tôi đã rất lo lắng và cảm giác lo lắng đó kéo dài cho đến hết chuyến bay. Sau đó tôi đã rất xấu hổ, vì bản thân mình cũng là người da đen, cả cuộc đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, nhưng lại không tin nổi một người da đen có thể lái máy bay an toàn".

Để giảm bớt tác hại của định kiến, chúng ta phải hết sức cảnh giác với những kinh nghiệm của chính mình, đồng thời phải nhận thức được sự vận động liên tục của vạn vật: cái gì cũng có thể tốt lên hoặc xấu đi. Ngày xưa có câu: ba ngày không gặp nhau, gặp lại sẽ là người khác.

Hãy bắt đầu một ngày mới không định kiến. Nếu bạn là lãnh đạo thì điều này càng quan trọng, bởi vì, định kiến của lãnh đạo chính là sự cản trở lớn nhất đối với sự phát triển nhân viên.(sttruyenngan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

Chỉ 5k

by Life30/10/2014 09:49

Ta quên mất cách phải tôn trọng người khác - như người - cũng giống mình.

***

Ông già giữ xe có xăm một con hổ trên cánh tay. Chỗ giữ xe của ông đông khách đến bực mình. Giá rẻ, không "kỳ thị" xe gì. Nhận hết. Ông thường không từ chối khách giữ xe, vì ai cũng có việc cần mới đi lên cái cơ quan bên hông bãi đó. Nhưng một sáng, ông nói: Cô để xe lên kia giúp tôi. Ông chỉ vào chỗ trống. Cô gái không để xe vào vị trí được chỉ dẫn, mà chỉ de lên lề, xuống và tháo khẩu trang, đóng cốp xe, và hỏi ông phiếu giữ xe. Ông im lặng... Và gầm lên:

- Đi chỗ khác gửi. Đây hết chỗ rồi!

Cô gái không hề kém cạnh, cô hỏi sao không đưa phiếu cho cô.

Ông ngang bướng:

- Cô đi chỗ khác, tôi hết chỗ rồi!

Trong khi đó, bãi xe còn một đoạn dài chưa có xe nào để, và tất nhiên, chỗ ông đã chỉ dẫn cô cũng chưa có ai đậu.

Tôi nghe xong câu chuyện thì đi vào khu xin giấy tờ. Cũng không để ý nhiều.

Cho đến một lần khác, tôi quay lại tòa nhà đó, và đi thẳng xuống hầm để xe vì trời mưa, không đậu xe chỗ ông.

Một hàng xe dài dâng lên liên tục vì ai cũng muốn vào làm giấy tờ, lại giờ cao điểm. Bốn anh thanh niên mặc đồ bảo vệ cao to, còng lưng đẩy từng chiếc xe đậu lung tung vào chỗ. Chỉ 2 phút sau, mọi việc mất kiểm soát, vì tất cả mọi người đều đậu bất cứ chỗ nào mình thích. Cuối cùng, chú bảo vệ già nhất làm việc điều tiết phải la lên: Các anh chị ơi, đậu sát vào vị trí trong vạch dùm tôi, cả ngàn chiếc, anh em xếp sao được.

Mặc kệ. Mọi người chỉ đơn giản là thắng xe, gạt chống, lột áo mưa và bỏ chiếc xe nằm ở bất cứ chỗ nào họ thấy tiện. Trong hầm nóng, 4 anh bảo vệ cúi gằm mặt đẩy, kéo từng chiếc xe vào đúng vạch sơn vàng và thẳng hàng, áo nhễ nhại mồ hôi.

Lúc đó, tôi đã nghĩ đến ông giữ xe có hình xăm bên ngoài và trò ngang bướng của ông ở trên kia. Có những người rất kỳ lạ, họ nghĩ rằng họ bỏ ra 5k-10k tiền giữ xe, và họ có quyền ném xe dưới lề đường, bất chấp tình huống của một bãi giữ xe hàng ngàn chiếc và sự vất vả của người làm công việc này.

Cô gái kia, quen thuộc y như lũ người tôi gặp, họ đang mải mê đi xin giấy tờ. Họ cần o bế một ai khác. Họ không quan tâm đến những người thấp kém, người cởi trần, người mặc áo bảo vệ, người dưới hầm. Họ có 5k - đủ sức chi trả để lên xe xuống ngựa, vứt xe đấy, mặc cho ai phải xoay sở cực khổ thế nào với việc họ phải làm, thế mới đáng số tiền bỏ ra.

5k có đủ một bữa cơm cho người giữ xe không? 5k có đủ để biến một người thành đẳng cấp hơn so với một người khác không? - Hay những người giữ xe là những kẻ không xứng đáng được đối thoại, được tôn trọng, hay đáng đời họ làm giữ xe thì phải đẩy xe, kéo xe chứ, than phiền gì nữa?

Ta quá quen với cách tưởng thưởng cho mình quyền được trèo lên lưng người khác cưỡi vì có đủ tiền bỏ ra mua dịch vụ, hay phải cảm thấy được cưỡi thì mới xứng đáng với số tiền bỏ ra. Ta quên mất cách phải tôn trọng người khác - như người - cũng giống mình.

 

Họ quên mất rằng, chỉ cần đạp ga xe, chạy nhấn lên 2 giây nữa, vượt qua vạch vàng, và kéo chiếc xe sát vào chiếc bên cạnh, họ đã giúp những người bảo vệ bớt đi bao nhiêu mồ hôi, cơn mệt mỏi, và cả sự ức chế trong không gian ngột ngạt thiếu khí của hầm để xe. Hoặc nếu ai giỏi tưởng tượng hơn, những anh bảo vệ đó không xứng đáng bị đối xử thô thiển như vậy, vì họ đang làm thuê với những đồng lương rẻ mạt và cực nhọc của người lao động tay chân.

Với em khách giữ xe thanh lịch có 5k kiểu vậy, gầm lên và đuổi đi như ông giữ xe già , có lẽ là trò rất bực mình mà ông ấy phải làm, để khỏi phải cầu xin như chú bảo vệ bên dưới hầm, với 1 lũ vô tâm kỳ lạ.(Khải Đơn-truyenngan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

Ebola, rồi sẽ qua ?

by Life28/10/2014 08:10

Có thể bạn sẽ bất ngờ vì nhờ Ebola, bạn có thể hình dung sâu sắc và tỉ mỉ hơn về một người Tây Phi.

***

"Hello everybody, my name is Magna. I am from Sierra Leone.[1]" (Xin chào, tôi tên Magna, đến từ Sierra Leone.)

Giờ thì hẳn bạn đã "à" nhận ra ngay: "Sierra Leone", miếng bánh tròn kẹp giữa Guinea and Liberia. Xen lẫn các tán cọ nhiệt đới xanh rì trải dài ba đất nước này là dãy hàng rào đen đúa chen chúc nhốt gọn điểm phát dịch Ebola.[2] Tiếp theo, trí óc bạn sẽ tự động vẽ nốt bức chân dung của người nói - Magna: một phụ nữ Tây Phi phủ da sậm màu, răng trắng ẩn sau môi dày, xõa mái tóc nhiều sợi thắt bím nhỏ từ gốc đến ngọn. Bức phác thảo đã hoàn tác, chỉ cần điểm thêm một vài nét riêng: Magna thường vận chiếc áo bà ba của người Việt mỗi khi đến lớp. Hiện cô đã sống ở Việt Nam năm năm để giảng dạy bộ môn Kế Toán, tại trường Đại Học Quốc Tế X, Quận Y, thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể bạn sẽ bất ngờ vì nhờ Ebola, bạn có thể hình dung sâu sắc và tỉ mỉ hơn về một người Tây Phi. Quả vậy, cách đây chỉ sáu tháng, cùng một câu giới thiệu trên, cô giáo Magna chỉ thu lại lại được sự ngơ ngác đến hờ hững của sinh viên Việt Nam. Đối với họ, ba câu Tiếng Anh trên có đến hai từ mới: "Magna" và một tên đất nước Châu Phi dài ngoằng, xa xôi hẻo lánh đến khuất tầm Châu Á. Do vậy, sau khi lẩm bẩm lại tên giáo viên để tránh bất lịch sự khi hỏi bài, sinh viên lại tiếp tục gà gật mơ màng bên Ipad, Iphone, Facebook...

ebola-roi-se-qua

Sự gà gật ấy chấm dứt khi Ebola bùng phát, cũng khéo là lúc cô Magna đột nhiên "nổi danh" tại trường. Một lần, khi đứng quay lưng vào bảng, Magna lắng nghe tiếng xì xào của học viên quanh câu: "Where is she from?"(Cô giáo từ đâu đến?).Câu hỏi mà cô đã trả lời rõ ràng từ đầu khóa. Tiếp theo là những phát âm ngọng nghịu của hai từ "Sierra Leone", nhưng đanh thép và vang to rành rọt nhất vẫn là một từ "EBOLA". Magna nhói tim quay lại nhìn nơi phát ra lời nói . Đó là một cậu bé lai tóc đen mắt xanh, miệng vẫn chưa thôi dứt ra khỏi tai của cô bé tóc đen dài ngồi cạnh. Thấy cô nhìn, cô bé nhanh tay đẩy cậu ra. Cả hai cùng nhìn cô giáo cười tội, nhưng ánh nhìn của chúng đánh nhanh từ mắt cô giáo trượt xuống cốc nước cô cầm tay.

Ánh nhìn đó, như chính virus Ebola, đã nhanh chóng lây lan cả trường những ngày sau đó. Dù không ở tại Sierra Leoone, nhưng quanh Magna đột nhiên cắm rễ một rào chắn vô hình. Mọi thứ cô dùng dường như thu được sự chú ý kĩ càng hơn của đồng nghiệp. Những cái ôm chào, nắm tay rớt nhanh về con số 0, để bù vào một cái vẫy, cùng hai bước lùi đứng cách giữ ý. Ebola chưa tới Việt Nam, nhưng dư âm của nó đã bò vào thân thể Magna qua những ánh nhìn bám đẵng sau lưng.

Ngày qua ngày, Magna gắng tập ghìm những cơn ho hen suyễn mãn tính thúc lồng ngực liên hồi. Vì chỉ khẽ húng hắng thôi, cô sẽ thấy không gian quanh mình ngồi chợt lắng xuống đáng sợ. Hoặc tệ hơn, vài đôi mắt sẽ lập tức quay lại cắt nghĩa tiếng ho của cô. Do vậy, cô giáo phải cố gượng bước bình thản vào nhà vệ sinh để xổ dài những tiếng ho. Rồi, cô nhìn quanh quất, chỉnh tóc và trang phục, uống thuốc, điều chỉnh lại vỏ bọc "khỏe khoắn" trước khi bước ngược vào xã hội khỏe mạnh của người Việt Nam.

Nhưng lần này, trên khoảng đất trống sau trường, sau chuỗi ho khẽ của cô, chợt lú ra một chiếc đầu. Bất giác cô lùi lại sợ hãi. Cậu sinh viên lai với cái nhìn ám ảnh dày vò cô từng ngày đang tiến lại gần cô, miệng mấp máy "EBOLA", nhưng lần này:

"Cô không bị Ebola nên không cần phải giấu bệnh suyễn của chính mình." Cậu bé chìa khăn giấy. "Em biết cô đang chịu đựng sự kỳ thị vô cớ. Nó tái diễn bất cứ khi nào chiến tranh và bệnh tật xảy ra, đồng thời giết chết sự thông cảm và nhân ái của con người." Mắt cậu chợt ánh lên nét dịu dàng khiến đôi chân Magna mềm nhũng. Cô ngỡ ngàng xúc động đáp, "Cám ơn em."

Cậu bé nắm lấy tay cô tiếp lời. "Em cũng giống như cô: đang gắng giấu diếm những người bình thường xung quanh để tránh bị qui kết vào cơn dịch chết chóc. Cha em là bác sĩ của WHO[3]. Ông vừa mới trở về từ sau chuyến viếng bệnh Ebola ở phía Bắc Liberia. Nhà em đang được giám sát và cách ly cẩn mật." Bất giác, Magna ho dài. Đó là những tiếng ho vui sướng của tự do như lần đầu tiên cô được phép ho lại bình thường trước mặt một đồng loại khác.

"Em đã tìm cô mấy ngày nay." Câu mỉm cười nhìn đôi mắt tròn xoe của cô giáo."Em sắp đi Sierra Leoone cùng cha mình như hai người tình nguyện sống cùng dịch. Em đến để chào cô."

"Em không được đi." Magna ngắt lời, mắt hằn lên tia sợ hãi. "Cô, thay mặt người dân Sierra Leoone, cám ơn tấm lòng nhân hậu của em và cha em. Nhưng, em bị bệnh thì sẽ không còn đường quay về. Vacxin chữa bệnh chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm... "

Cậu bé cười, "Chúng ta né tránh, dồn nhốt Ebola vào vùng Tây Phi. Đó là phòng dịch hay "ủ dịch" thưa cô? Đó là cách ly hay để dân Tây Phi chết không thể lây dịch với các nước khác? Các đoàn bác sĩ, tình nguyện viên đã nhanh chóng rời bỏ nơi này. Người dân thì sống sau những hàng rào như cầm chân trong chuồng. Họ bị tha hóa dần nhân tính để đói, đau, giết nhau bởi dịch bệnh. Ebola là một con quái vật nhưng em nhận thấy một con quái vật khác đang lớn dần trong những người lành lặn: Đó là sự hèn nhát, vô cảm, sợ hãi."

Sự hèn nhát khiến Magna lại lần nữa thấy nhói tim xấu hổ trước học trò. Chính cô cũng đã quyết không trở về quê hương. Cô đã chọn "đeo" mình lại ở lại xã hội "khỏe khoắn" này. Dẫu nó không chấp nhận cô bởi kỳ thị, nó gạt cô lăn vào rãnh tối của cô đơn và sợ hãi. Magna khuỵu xuống nức nở. Ngày hôm ấy, cô đã để cho học trò dìu mình trở lại lớp, cũng như để nước mắt mình thỏa sức rơi trước mặt cậu bé và những người qua lại.

Một tháng sau, khi vừa nhấc điện thoại, Magna nhận ra ngay giọng nói quen thuộc của cậu sinh viên lai: "Em đã ở Sierra Leone được hai tuần." Cô nghe rõ tiếng Krio[4] quen thuộc của người bản xứ vọng vào loa, tiếng chân không chạy nện trên nền đất rắn chắc, nhắc cô về những cánh đồng lúa vàng rực rỡ.

"Ebola.." Tiếng nói của cậu bé chợt khiến cô thức tỉnh vì hiện diện của Ebola.

"Rồi...sẽ qua hết... phải không em? " Cô nối lời đứt quãng.

Tiếng cười vỗ nhẹ điện thoại, "Vâng, rồi sẽ qua hết cô ạ. Khi cô trở về với thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp hoang sơ này, Ebola chỉ là một cơn nắng hạn xóa nhòa sau mưa. Mưa đã về, cô ạ. Cô có về đây không cô?"

Magna nghe tiếng mưa đổ rào trên quê mình. Bất giác, cô lại ho. Mặc cho vài ba cái đầu đen ló ra lố nhố nhìn mình, Magna chỉ còn thấy những gương mặt cùng màu da, môi dày há to cười giòn, để cô cũng cười. Đôt nhiên, đôi chân Magna vô thức nhịp theo điệu mưa trên đất Sierra Leone. (Thế Sơn truyenngan.com.vn)

 

[1] Sierra Leone: Nước Cộng Hòa Sierra Leone nằm ở vùng Tây Phi, giữa Guinea ở phía Bắc và Liberia ở phía Nam, và giáp Đại Tây Dương ở phía Tây Nam. Tổng diện tích Sierra Leone chiếm khoảng 71,740 km2, cùng với 6 triệu cư dân sinh sống. Vào ngày 04/08/2014, dịch Ebola tràn vào Sierra Leone và các nước lân cận. Hiện tại, WHO ghi nhận 691 ca, trong đó 286 trường hợp tử vong.

[2] Ebola: (hoặc sốt xuất huyết Ebola (EHF)) là bệnh trên người bị gây ra bởi virus Ebola, lấy từ tên con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi mà virus này đã bộc phát lớn lần đầu tiên vào năm 1976. Bệnh này thường bắt đầu với dấu hiệu và các triệu chứng giống bệnh cúm như sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, khớp và cơ bụng. Hiện tại, bệnh chưa có thuốc chữa đặc trị. Các vacxin chỉ mới đi vào giai đoạn thử nghiệm trên vật.

[3] WHO (World Health Organization): Tổ chức Y tế Thế Giới, là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. WHO đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế.

 [4] Tiếng Krio: Ngôn ngữ bản xứ của người dân Sierra Leone

Tags:

StoriesofLife

Mẹ đã làm tất cả cho con chưa?

by Life20/10/2014 15:37

Dưới đây là những dòng tâm sự đầy yêu thương của một người mẹ gửi đến đứa con gái đang ở ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Có thể thấy trong đó là tình mẫu tử cao cả, sự hi sinh, lo lắng, cũng như sự tôn trọng dành cho con cái. Điều đó càng làm ta thêm kính phục những người mẹ như vậy.

Con thương yêu,

Khi gần đến lần sinh nhật thứ 18 và con đã sắp tốt nghiệp trung học, mẹ bỗng thấy lòng mình ngập tràn những tình cảm vui buồn lẫn lộn.

Mẹ sung sướng vì con đã trưởng thành nhưng mẹ cũng lo âu vì chưa làm được gì nhiều cho con mà thời gian trôi nhanh quá.

Mẹ buồn vì con sắp từ bỏ ngôi nhà mình để hội nhập vào thế giới bên ngoài, tuy nhiên mẹ biết rằng con đã sẵn sàng và cũng đã đến lúc. Mẹ nôn nóng cho con được nhận thức thế giới, học hỏi và trưởng thành, nhưng mẹ cũng lo lắng vì sẽ có nhiều người mà con phải chạm trán, đương đầu. Mẹ nôn nao một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra trước mắt con nhưng cũng lo âu rằng con sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những điều khác nữa. Mẹ tự hào khi con sắp bước vào đại học, nhưng mẹ lo lắng cho khả năng quản lý sắp xếp thời gian, những hoạch định và dự án của con.

Mẹ biết con xinh đẹp, rạng rỡ, quả quyết, mạnh mẽ, tháo vát, ăn nói lưu loát và có đầy khả năng thành tựu trong bất cứ mục đích nào của con, tuy nhiên mẹ tự hỏi không biết con có tận dụng những khả năng của mình và học hỏi từ những kinh nghiệm hay không.

Mẹ biết con là một người xuất sắc, còn mẹ thì e rằng mình đã không chu toàn tất cả, đã không là người mẹ tuyệt vời.

Mẹ tự hỏi không biết mẹ đã làm đủ tất cả bổn phận đối với con chưa?

Mẹ đã làm cho con tất cả những điều tỉ mỉ vụn vặt chưa?

Mẹ đã đọc cho con nghe đủ mọi chuyện trên đời chưa?

Mẹ đã chơi với con, sát cánh cùng con đủ thời gian chưa?

Mẹ đã ôm con và âu yếm con đủ để con biết rằng bao giờ mẹ cũng vẫn rất yêu thương con chưa?

Thời gian mẹ ở cạnh con có đủ để mang lại một ý nghĩa cho suốt phần đời còn lại của con không?

Mẹ sẽ có cư xử khác đi nếu hoàn cảnh của cuộc đời thay đổi khác hay không?

Mẹ có hối tiếc không? – Không, mẹ không hề hối tiếc.

Mẹ có ước muốn làm lại không? –  Không. Nhưng mẹ hy vọng rằng trong suốt thời gian 18 năm qua chưa có điều gì mẹ không làm cho con; trên tất cả mọi thứ con là kho báu. Mẹ tin ở con và biết rằng con đã có mọi thứ cần thiết để tạo lập cuộc đời theo ý con muốn.

Con là một ngôi sao – không phải vì mẹ, mà vì con.

Mẹ đã từng có những sai lầm – và từ đó học được những bài học – cũng như con cũng sẽ gặp phải. Sẽ là sự thử thách cho cả hai chúng ta nếu con gặp phải việc không như ý bởi vì con quá cầu toàn. Con sẽ phải khoan dung với chính mình và mẹ sẽ phải chấp nhận sự thất vọng, nhưng mặt khác, chúng ta sẽ cùng nhau chúc mừng và hân hoan đón nhận sự thành công của con.

Ðây là lúc phải thay đổi, là lúc phải xác định lại, là thời điểm để tạo ra một mối quan hệ mới giữa chúng ta – 2 người bạn gái với nhau.

Giờ đây chính con phải chọn lựa, dựa trên niềm tin của con, trái tim của con, nghị lực của con và tâm linh của con. Ðó là lúc tìm kiếm và ngắm nhìn tâm hồn mình trong gương.

Con sẽ nhìn thấy ai? Con muốn nhìn thấy ai? Nhân vật trong gương đó muốn nói với con điều gì? Con thực sự mong muốn điều gì trong cuộc sống?

Ðó chính là giờ phút của một sự bắt đầu mới – con đang dấn bước vào đời đó con ạ.

Không gì hơn, con gái thân yêu, mẹ muốn thế giới này sẽ cho tất cả những giấc mơ của con thành sự thật.

Mẹ yêu thương con vô cùng!

Mẹ.                                                                                     (st ima.edu.vn)

Tags:

StoriesofLife

Phép màu của sự thay đổi

by Life16/10/2014 14:50

Thay đổi là điều không thể tránh được trong đời – có khi đó là một việc bình thường nhưng cũng có lúc là sự mất mát vĩnh hằng. Và ở một góc độ nào đó, cái chết cũng là mẹ của sự sống.

Chuyện xưa kể rằng, một hôm Thần Chết xuống dương gian để đưa 1 vị thánh về trời. Thượng Đế – người của lòng nhân ái vô biên, đã dặn dò Thần Chết rằng hãy ban tặng cho vị thánh này bất cứ ân huệ nào mà ông ta muốn, vì ông là 1 bậc chân tu, người ta đã cống hiến trọn đời cho lòng bác ái.

Ước nguyện tha thiết nhất của vị thánh này là cầu xin Thượng Đế cho Thần Chết ‘nghỉ việc’ để loài người có thể trường sinh bất tử trong một thế giới thanh bình và không có bất kỳ một sự thay đổi nào. Ngay khi ước nguyện của ông thành hiện thực, cuộc sống trên trái đất trở nên ngưng đọng.

Hạt giống rụng xuống không thể tách vỏ nảy lên mầm sống mới.

Mây trắng trên trời đứng tĩnh lặng, không thể tạo những cơn mưa ban sự sống.

Mặt đất nứt nẻ bị nung nóng dưới ánh nắng mặt trời chói chang vì ngày không bao giờ lụi tàn.

Từ đó không còn đêm để mỗi sáng mọi người được chiêm ngưỡng ánh bình minh.

Chẳng bao lâu sau đó, những cư dân trên thế giới không có sự thay đổi trở nên đói khát, đôi mắt trũng sâu vì tuyệt vọng. Họ nhận ra mình bị giam hãm trong nỗi thống khổ, bế tắc vĩnh viễn.

Khát vọng tạo nên cuộc sống cho nhân loại bằng cách ngăn cản cái chết của vị thánh đã vô tình gây ra sự hủy diệt muôn loài. Chứng kiến cảnh tàn sát khủng khiếp do sự bất biến gây ra, ông vô cùng hối tiếc. Ông nhận ra rằng, càng muốn giữ chặt cái gì đó, cho dù có quý giá đến đâu, thì người ta càng bị trói chặt hơn trong xiềng xích ảo tưởng, và những điều mới mẻ sẽ không được nảy sinh.

Và ở một góc độ nào đó, cái chết thật sự là mẹ của sự sống! (st ima.edu.vn)

Tags:

StoriesofLife

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu