Ngành gạch ngày ấy và bây giờ

by finandlife16/05/2017 15:36

Đầu 2015 ngồi review ngành gạch ceramic, granite, cotto, thấy giá cổ phiếu khi ấy định quá rẻ so với giá trị, hầu hết các cổ phiếu trên sàn đều bán với giá discount mạnh, mạnh nhất là VCS, giao dịch với giá discount gần 60%, kế đến là VHL và VIT, cuối cùng là CVT. Nay nhìn lại, sau hai năm thì mỗi cổ phiếu đều có câu chuyện riêng, có cổ phiếu tăng đến 7 lần như VCS, có cổ phiếu tăng 3 lần như CVT, có cổ phiếu tăng 2.4 lần như VHL và có cổ phiếu chỉ tăng 2.2 lần như VIT. Đi cùng với mức độ tăng giá là sự tăng trưởng lợi nhuận không thể phủ nhận, VCS đã tăng 3.2 lần LNST tính từ 2016 so với 2014, CVT tăng 3 lần, VIT tăng 2.1 lần và VHL tăng 1.3 lần.

Điểm khác biệt có lẽ là những doanh nghiệp tư nhân như VCS và CVT có mức độ tăng trưởng rất nhanh về giá và lợi nhuận trong khi đó các doanh nghiệp còn gốc nhà nước như Viglacera tuy có tăng trưởng nhưng chậm chạp hơn. Chỉ còn 1 tuần nữa là hạn đăng ký đấu giá 120 triệu cổ phiếu VGC, đẩy sở hữu nhà nước tại Tổng này về dưới 51%, đây là một thương vụ ngon còn sót lại, cùng với đó, những công ty con và chất lượng như VHL, VIT sẽ được cởi trói, VIT sẽ là câu chuyện thú vị không thua kém CVT đã từng.

Bài liên quan:

Great Graphic|How valuation in granite and ceramic

 

FINANDLIFE

Tags: , , ,

Stocks

Great Graphic|How valuation in granite and ceramic

by finandlife11/11/2015 10:39

This is my note at the start of 2015

 

Finandlife

Tags: , , ,

Stocks

Ghi chú sau thăm doanh nghiệp Viglacera Hạ Long (VHL)

by finandlife11/09/2015 11:19

Chúng tôi đặt chuyến bay sớm từ Tân Sơn Nhất đi Cát Bi, Hải Phòng. Chuyến bay khá vắng khách. Chúng tôi đến nơi vào lúc 10:15AM ngày 09/09. Cảm nhận đầu tiên là sân bay Cát Bi khá nhỏ, khách khứa lèo tèo và hạ tầng kém. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn cứ nghĩ Hải Phòng là một thành phố lớn, cửa ngỏ của Miền Bắc, chắc hẳn là phát triển lắm. Nhưng sự thật không được như vậy!

Đến nơi, chúng tôi vội vã lên TAXI chạy thẳng về Hạ Long, khởi hành trời nắng đẹp, nhưng đến nơi trời mưa tầm tã. Vội chạy lên café Sao Biển trên đỉnh một ngọn đồi sau khi đi qua đầu bên kia của cầu Bãi Cháy. Quán café có view nhìn vịnh rất đẹp nhưng không may vì trời đổ mưa nên biển trời nhập thành một dãi mờ mờ không phân định rõ.

Café được 30 phút, chúng tôi về khách sạn Hồng Gai, khách sạn cũ kỹ và được điều hành như một đơn vị nhà nước. Lấy 1 phòng có view nhìn ra Vịnh Hạ Long, với mức giá thấp nhất, chỉ 400 ngàn đồng/đêm. Mở cửa sổ lớn nhìn ra Vịnh, chúng tôi không thấy gì khác ngoài công trình lấn biển dang dở mà VinGroup đang thi công. Đất đai luôn là một tài sản lớn, vị trí là tài sản lớn nhất của đất, VinGroup dùng sức mạnh tài chính để tự tạo cho mình 1 vị trí đẹp nhất có thể. Họ san bằng những ngọn đồi, lấy đất đó để lấn 1km biển. Tạm không bàn về những tác động thiên nhiên có thể xảy đến, chúng tôi chỉ còn biết hi vọng vào một ngày mai tươi sáng với những công trình chất lượng, hiện đại và tiện nghi cao nhất.

Chúng tôi ghé 1 quán cơm ven đường, lúc đó đang là 1:00PM. Quán không một bóng khách, chủ quán tác phong chậm chạp, lờ đờ, sau 15 phút, bữa cơm gồm trứng và canh ngao cũng được dọn ra, công nhận ngon miệng, chắc do đói :). 

Cơm nước xong xuôi chúng tôi lên TAXI đi thăm doanh nghiệp Viglacera Hạ Long. Đây là một doanh nghiệp có quy mô vốn hóa khoảng 560 tỷ đồng, doanh thu một năm khoảng 1500 tỷ, lợi nhuận ròng 90 tỷ. Chúng tôi khá bất ngờ về sự sạch sẽ, tác phong công nhân và văn hóa doanh nghiệp. Những nhà máy gạch đầu tiên được công ty xây dự từ năm 1976 do Bỉ đầu tư. Trải qua thời kỳ bao cấp, rồi tập trung sản xuất theo lối của chủ nghĩa xã hội đã giúp VHL xây dựng một lối sống tốt, một cách chăm sóc công nhân tuyệt vời.

Bên trong nhà máy sản xuất ngói mà chúng tôi đi thăm kế bên Trụ Sở chính, nhà máy không một cọng rác, sạch sẽ, tinh tươm. Công nhân đều gật đầu chào vị Phó tổng giám đốc dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy. Nhà máy rộng rãi, 1 bên là bờ sông, 1 bên là quốc lộ rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Nói về quy trình sản xuất ngói, sau khi được trộn đất sét với một số phụ gia và gạch mồi (được tán nhuyễn từ gạch sau khi nung xong), đất sét được dập vào khuôn và đưa ra dây chuyền, công nhân sẽ xếp ngói vào khay nung, khay nung được đẩy vào lò nung, sau 1 ngày khay nung di chuyển trong lò nung từ đầu bên này sang đầu bên kia, ngói sẽ thành phẩm. Nói thật, mô hình sản xuất là khá đơn giản, không có nhiều điều để nói. Tuy vậy, khi chúng tôi hỏi làm thế nào để duy trì sự cạnh tranh cho sản phẩm trong khi công nghệ là khá đơn giản? Ban lãnh đạo cho chúng tôi biết, việc đầu tư mới 1 nhà máy sẽ lên đến 1000 tỷ đồng, trong khi đó, VHL đã có sẵn và suất đầu tư ban đầu thấp nên thoải mái cạnh tranh.

Quay lại với đời sống công nhân viên tại VHL. Chúng tôi được ban lãnh đạo dắt đi thăm những phòng ở của nhân viên. Trong khuôn viên nhà máy, 200 phòng được xây dựng, mỗi phòng ở khoảng 3 người, có tivi, phòng tắm. Công nhân không cần phải giặt dũ quần áo, công ty sẽ làm thay việc đó cho họ. Và mỗi tháng công nhân chỉ phải đóng 50 ngàn đồng tượng trưng. Chưa hết, chúng tôi được biết VHL còn làm phòng ăn tập thể, và miễn phí cho công nhân. Vệ sinh xung quanh phải nói là “TUYỆT VỜI”. Đọc báo cáo tài chính của công ty, chúng tôi nhận thấy mỗi năm VHL đã chi gần 300 tỷ đồng cho nhân viên, với số lượng 3000 công nhân, thu nhập 1 năm của cán bộ công nhân viên VHL tương đương 100 triệu đồng. Một thu nhập rất tốt cho một địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Ninh.

Trong mô hình kinh doanh bền vững, chúng tôi buộc phải quan tâm đến tất cả khía cạnh của một công ty từ tài chính, kinh doanh đến chăm lo đời sống và văn hóa doanh nghiệp. VHL đạt tất cả tiêu chuẩn đó, vấn đề còn lại chỉ là "liệu cái giá 35 ngàn đồng/cổ phiếu vào ngày 10/09/2015, VHL có còn là một thương vụ đầu tư hiệu quả?"

Hiện nay, mỗi năm công ty tạo giá trị khoảng 6 ngàn đồng/cổ phiếu. Nếu chúng tôi đầu tư với giá 35 ngàn đồng và giả định công ty không tăng trưởng cũng không thụt lùi thì sau gần 6 năm chúng tôi sẽ thu hồi vốn. Đây là một thời gian thu hồi vốn khá ngắn so với tiêu chuẩn trung bình 10 năm. Trong 6 năm tiếp theo, riêng tiền cổ tức chúng tôi nhận được cũng đã là 15 ngàn đồng (chính sách chi trả cổ tức mỗi năm là 2500 đồng/cổ phiếu), khi đó, giá trị đầu tư của chúng tôi vào VHL chỉ còn 20 ngàn đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế, không bao giờ có chuyện công ty không tăng trưởng/không thụt lùi. Doanh nghiệp cũng giống như một con người có tăng trưởng, có hấp thụ, có ốm đau. Hiện tại, VHL đang chạy FULL công suất, 3 ca/ngày và để tăng trưởng thêm về mặt doanh số công ty chỉ còn cách mở rộng công suất, đầu tư thêm nhà máy. Năm 2014 công ty đã phát hành 70 tỷ vốn góp để mua lại nhà máy gạch Clinker từ các đối tác trong tổng công ty. Dự kiến ban đầu nhà máy này sẽ chỉ sản xuất gạch clinker với công suất giai đoạn 1 là 2.5 triệu m2, giai đoạn 2 thêm 2.5 triệu m2 nữa. Nhưng thực tế có những thay đổi, gạch clinker vẫn chưa được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận do giá cả quá đắc (gạch cotto chỉ từ 90 ngàn đồng/m2 thì clinker lên đến >200 ngàn đồng). Do vậy, công ty hiện chỉ sản xuất 1 lượng nhỏ gạch clinker để xuất khẩu, còn lại phần lớn là sản xuất gạch cotto.

Nhà máy mới này chính thức sản xuất từ giữa tháng 5 năm 2015, và chạy FULL công suất giai đoạn 1 ngay khi đi vào vận hành. Dự kiến, riêng nhà máy mới sẽ mang về cho công ty thêm 100 tỷ đồng doanh thu trong 2 quý cuối năm 2015, giai đoạn đầu vận hành tốn nhiều chi phí (khấu hao: 1 tỷ/tháng, quản lý, vận hành...) nên chưa thể có lợi nhuận.

Trong năm 2016, công ty sẽ giảm/ngưng sản xuất gạch ống, vì sản phẩm này sản xuất ra không sinh lãi, mà còn chịu lỗ mỗi năm 20 tỷ đồng. Nhưng thời gian qua bắt buộc phải sản xuất vì cách đốt gạch của công ty vẫn theo cách xếp gạch ống ở ngoài, xếp ngói ở trong để quá trình đốt hoàn thiện và sản phẩm có chất lượng tốt. Nếu thay đổi cách đốt, không cần phải xếp gạch ở ngoài nữa, công ty sẽ tiết kiệm 20 tỷ đồng/năm.

Đứng ở khía cạnh nhân tố làm giảm lợi nhuận, năm 2015 công ty đã phải bỏ thêm 4 tỷ đồng cho việc giá điện tăng thêm (tăng từ >1000 đồng/KWh lên 1400 đồng/KWh). Không những thế, từ 2016 nhiều khả năng công ty còn phải tốn thêm 4 tỷ đồng để đáp ứng chính sách tăng lương tối thiểu của nhà nước, 4 tỷ đồng này chủ yếu là tiền bảo hiểm phải đóng thêm cho cán bộ công nhân viên.

Khi chúng tôi hỏi về chiến lược bán hàng, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, công ty đã thành lập 1 công ty con chuyên về bán hàng. Công ty bán hàng tại kho thông qua 300 đại lý, sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ dân dụng chứ ít cho công trình vì giá đắc. Vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn quanh câu chuyện này, nhưng rõ ràng đây là 1 động thái tích cực, nhằm chuyên môn hóa khâu phân phối.

Tóm lại, VHL là một doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp tốt, có cách chăm lo đời sống công nhân viên tuyệt vời, có cơ cấu tài chính lành mạnh, có hiệu quả kinh doanh. Trong những năm tới, VHL sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ hạn chế vì giới hạn công suất và đầu tư mới khá chậm. VHL đang được bán với giá bằng 6 lần thu nhập, chi trả cổ tức mỗi năm 2500 đồng, một cổ phiếu rẻ và yên tâm để nắm giữ lâu dài.

Chúng tôi hoàn thành chuyến đi với 1 chầu Cafe sáng ngắm biển, 1 bữa trưa với nem cua bể và bánh đa cua tại quán Bà Cụ, 170 Cầu Đất Hải Phòng. Chuyến bay hạ cánh tại Tân Sơn Nhất vào lúc 3:00PM. Quay về công ty khi thị trường vừa kết thúc phiên giao dịch, không khí vui buồn lẫn lộn vì danh mục có xanh, có đỏ. Nhưng dẫu sao vẫn cảm thấy hài lòng về 1 chuyến đi, được tiếp xúc với một doanh nghiệp tuy công nghệ không cao, nhưng lại có văn hóa doanh nghiệp tốt và kinh doanh khá chắc chắn. 

 

Nguồn: finandlife 

Tags:

Stocks

Báo cáo phân tích cổ phiếu VHL Vigalcera Hạ Long

by finandlife14/07/2015 10:08

Công ty cổ phần Vigalcera Hạ Long (VHL) là công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gạch ngói, gạch ốp lát bằng đất sét nung truyền thống. VHL là công ty có quy mô lớn nhất trong ngành trên sàn niêm yết, với tổng tài sản và doanh thu năm 2014 lần lượt đạt 890 tỷ và 1,450 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng VHL sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong nhiều năm tới nhờ kịp thời tăng năng lực sản xuất để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đang tăng nhanh trong khu vực Đông Bắc Bộ.

Với dự báo EPS năm 2015 của VHL đạt mức 7,000 đồng, chúng tôi khuyến nghị mua vào cổ phiếu VHL với giá mục tiêu 50,000 đồng.

“Lưu ý: đây là loại cổ phiếu đầu tư lâu dài, không phù hợp cho nhà lướt sóng cũng như cho người đầu tư với kỳ vọng sinh lời theo tuần.” finandlife

-------------------------------------------------

GIỚI THIỆU

Công ty cổ phần Vigalcera Hạ Long (VHL) được thành lập từ năm 1978, hoạt động chính của công ty hiện nay là sản xuất và kinh doanh sản phẩm gạch ngói với thương hiệu khá nổi tiếng: Gạch ngói Vigalcera Hạ Long. VHL có trụ sở và nhà máy chính đặt tại tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay, VHL là công ty sản xuất gạch ngói đất sét nung có quy mô lớn nhất trên sàn với tổng số lao động lên đến 3,350 người; tổng tài sản của công ty đạt hơn 952 tỷ đồng và tổng doanh thu 12 tháng gần nhất của VHL lên đến 1,500 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của VHL đang phục hồi mạnh nhờ vào 2 nguyên nhân chính: Ngành bất động sản và xây dựng đang phục hồi nhanh; VHL cắt giảm chi phí rất hiệu quả trong 2 năm qua. Chúng tôi tin VHL sẽ còn tiếp tục tăng trưởng cao trong vài năm tới. Với mức P/E hiện nay chỉ bằng ½ so với P/E trung bình của thị trường, chúng tôi đánh giá VHL là một cổ phiếu còn nhiều tiềm năng trong cả ngắn hạn và dài hạn.

SẢN PHẨM CHÍNH

Sản phẩm gạch ngói Vigalcera Hạ Long được chia thành 3 nhóm: 1) Gạch xây;  2) Ngói lợp các loại  và  3) Gạch ốp lát (gạch cotto, gạch clinker)

Năm 2014, VHL sản xuất gần 180 triệu viên gạch xây, tăng 12% so với năm 2013. Ngói các loại trong năm qua cũng có sản lượng đạt 127 triệu viên, tăng 6% so với năm 2013. Lượng gạch ốp lát đạt 7.1 triệu mét vuông sản phẩm, giảm nhẹ so với mức sản lượng 7.3 triệu mét vuông sản phẩm năm 2013. 

ĐẦU VÀO

Nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm gạch ngói các loại của Viglacera Hạ Long là đất sét truyền thống. Phần lớn nguồn đất sét cung cấp cho các nhà máy hiện nay của công ty được khai thác tại khu vực Giếng Đáy. Theo công ty, lượng đất sét nguyên liệu tại đây đủ để công ty sản xuất liên tục trong 8-10 năm tới. Để đảm bảo cho sự phát triển của VHL trong dài hạn, hiện nay công ty đang thăm dò và xin cấp phép khai thác đất sét tại 3 mỏ mới cũng tại Quảng Ninh. Nguồn đất sét có chất lượng tốt, trữ lượng còn lớn và rất gần nhà máy giúp VHL có được lợi thế cạnh tranh khá tốt so với nhiều công ty sản xuất gạch ngói khác trong khu vực.

Ngoài đất sét truyền thống làm nguyên liệu chính, VHL còn sử dụng đất sét trắng tại Đông Triều, Quảng Ninh; oxit tạo màu nhập từ Trung Quốc; điện; than và xăng dầu làm nhiên liệu. Hiện nay VHL đang dần thay thế nhiên liệu bằng dầu khí để thay cho nhiên liệu bằng than, quá trình này đã góp phần giúp cho công ty giảm chi phí rất tốt trong năm 2014.

Hoạt động sản xuất của VHL đang sử dụng rất nhiều lao động. Để tạo ra hơn 1,400 tỷ đồng doanh thu năm 2014, VHL cần đến 3,350 lao động, doanh thu trung bình trên mỗi lao động đang ở mức 35 triệu đồng/tháng. Trong dài hạn, VHL sẽ đứng trước áp lực tăng năng suất lao động lên mức cao hơn nhiều so với hiện nay khi mà tốc độ tăng lương đang cao hơn tốc độ tăng giá bán sản phẩm của công ty.

NHÀ MÁY VÀ NĂNG LỰC SẢN XUẤT

Viglacera Hạ Long hiện nay đang có 4 nhà máy đang hoạt động rất ổn định.

Tất cả 4 nhà máy này đều đặt tại tỉnh Quảng Ninh, từ đây sản phẩm sản xuất ra được chuyên trở  đến các đại lý của công ty tương đối nhanh (gần 60% doanh số của công ty nằm trong bán kính 150km bao quanh 4 nhà máy sàn xuất). Trong năm nay, VHL đã đầu tư thêm nhà máy mới: Nhà máy gạch clinker vừa đi vào hoạt động với vốn đầu tư 250 tỷ đồng đặt tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh cũng đang có tình hình sản xuất rất tốt với lượng sản phẩm sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn thiết kế và được thị trường tiêu thụ toàn bộ.

Sản phẩm gạch ngói của VHL được sản xuất tại 2 nhà máy: Tiêu Giao và Hoành Bồ. Tổng công suất gạch ngói của 2 nhà máy này hiện nay đang ở mức 280 triệu viên QTC/năm. Nhà máy gạch Cotto Giếng Đáy của VHL cũng đang vận hành rất tốt với tổng công suất thiết kế và sản lượng năm 2014 lần lượt đạt 7.5 và 7.3 triệu mét vuông sả sản phẩm QTC/năm.

 

ĐẦU RA VÀ THỊ TRƯỜNG:

Sản phẩm gạch ngói của VHL được tiêu thụ chủ yếu tại khu vực Đông Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) và khu 4 cũ (phía Bắc của khu vực Bắc Trung Bộ: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định). Do đặc tính của sản phẩm gạch ngói xây dựng nên sản phẩm của VHL có mức đóng góp vào doanh thu càng nhỏ khi thị trường càng xa. Nếu thị trường trong bán kính 150km quanh nhà máy chiếm gần 60% doanh số, thì thị trường miền Trung chỉ chiếm 5.5% và miền Nam chỉ chiếm 2.9% tổng doanh số của công ty hàng năm.

Thị phần: Tại khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh, VHL là công ty có quy mô và thị phần lớn nhất trong ngành sản xuất gạch ngói, theo sau là công ty cổ phần Gốm Đất Việt với công suất 180 triệu viên QTC/năm.

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI RỘNG KHẮP KHU VỰC:

Sản phẩm gạch ngói của Viglacera Hạ Long được tiêu thụ thông qua hơn 300 đại lý cấp 1 và hàng trăm đại lý cấp 2. Hệ thống đại lý của VHL chủ yếu phân bổ ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

 

ĐỐI THỦ CẠNH TRANH

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp:

Tại khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh, VHL là công ty có quy mô và thị phần lớn nhất, theo sau là công ty cổ phần Gốm Đất Việt. Trong 2 năm trở lại đây, sản phẩm gạch cotto của Gốm Đất Việt đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt, năm 2014, sản lượng gạch lát Cotto của Gốm Đất Việt đã vượt 5 triệu mét vuông sản phẩm, chỉ thấp hơn 30% sản lượng của Viglacera Hạ Long. Mặt hàng gạch ngói các loại của Gốm Đất Việt hiện nay cũng đang có công suất lên đến 180 triệu viên QTC/năm, thấp hơn 40% so với tổng công suất của Viglacera Hạ Long hiện nay. Mặc dù có giá bán cao hơn Gốm Đất Việt, nhưng sản phẩm của Vigalcera Hạ Long lại có mức tăng trưởng tốt và ổn định hơn nhờ hệ thống hàng trăm đại lý, cửa hàng rải rác trong khu vực của mình, trong khi đó, sản phẩm của Gốm Đất Việt thường tập trung vào các dự án xây dựng lớn, tiêu thụ ít ổn định hơn so với VHL.

Đối thủ cạnh tranh gián tiếp:

Bên cạnh đối thủ trực tiếp là Gốm Đất Việt, Viglacera Hạ Long còn đối diện với sự cạnh tranh từ các sản phẩm gạch ốp lát của Vicostone và CMC, nhưng sự cạnh tranh từ các sản phẩm thay thế hiện nay chưa thực sự đáng lo ngại. Dòng gạch ceramic nói chung và gạch ốp lát Cotto của VHL nói riêng thường có nhu cầu khá ổn định và hầu như không thể bị thay thế hoàn toàn bởi dòng gạch granite nói chung.

LỢI THẾ CẠNH TRANH

Ngành sản xuất gạch ngói truyền thống có sản phẩm rất ít khác biệt, các công ty trong ngành cạnh tranh với nhau giựa vào lợi thế về chi phí (quy mô nhà máy và khoảng cách vận chuyển nguyên liệu/sản phẩm có yếu tố quyết định đến chi phí) và hệ thống phân phối của mình. Vigalcera Hạ Long là công ty có lợi thế tốt nhất hiện nay trong khu vực Đông Bắc Bộ về cả 2 mặt này.

VỊ THẾ TRONG NGÀNH

Trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói, gạch ốp lát, Viglacera Hạ Long là công ty có quy mô lớn trong tốp đầu:

               Doanh thu năm 2014 đạt 1,440 tỷ đồng, chỉ đứng sau VCS

               Lợi nhuận sau thuế (83 tỷ đồng) chỉ đứng thứ 2 sau VCS

               Biên lợi nhuận: Ôn định ở mức 20% - đứng thứ 3 sau VCS và GMX.

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH NGẮN HẠN

Trong ngành sản xuất gạch ngói các loại, phần lớn các công ty đều đang sử dụng đòn bẩy tài chính tương đối cao. Bốn công ty lớn nhất trên sàn hiện đang có tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn trung bình chỉ ở mức 0.35 lần. Trong đó, VHL có tỷ lệ đòn bẩy và vay nợ ở mức thấp hơn.

NĂM 2013 TRỞ LẠI ĐẦY ẤN TƯỢNG BẰNG NỘI LỰC

Năm 2012 là năm thứ 3 liên tiếp doanh thu bán hàng của VHL sụt giảm. Thị trường bất động sản đóng băng, ngành xây dựng trì trệ làm doanh thu năm 2012 chỉ đạt 1,228 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với năm trước, nhưng lợi nhuận gộp lại giảm mạnh đến hơn 20% và chỉ đạt 212 tỷ đồng -  mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm của công ty. Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của VHL chạm mức 0 đồng.

Sang năm 2013, ngành xây dựng chưa hoàn toàn phục hồi, doanh thu bán hàng của công ty tăng nhẹ trở lại với 1,262 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2012. Nhưng ám ảnh từ mức lợi nhuận 0 đồng của năm trước đã làm lãnh đạo công ty quyết định cắt giảm chi phí mạnh tay: Trong năm 2013, VHL đã cắt giảm 434 lao động – một con số cắt giảm kỷ lục của Viglacera Hạ Long; chi phí nguyên vật liệu cũng được công ty cắt giảm đáng kể tại tất cả 3 nhà máy; năm 2013, sản lượng bán hàng tăng rất chậm, nhưng để giảm mạnh chi phí, mở rộng biên lợi nhuận từ 17% lên 21%, VHL đã thực thi chính sách thay đổi cơ cấu sản phảm rất hiệu quả: Giảm sản xuất gạch xây – sản phẩm tiêu thụ nhiều nguyên liệu, nhiên liệu nhưng lợi nhuận thấp là gạch và tăng cường sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm có biên lợi nhuận rộng hơn như ngói trang trí, gạch cotto, chiến lược này đã góp phần làm giảm chi phí nguyên vật liệu đáng kể. Thực thi hàng loạt chính sách trên một cách hiệu quả đã giúp VHL tăng mạnh lợi nhuận gộp lên hơn 25% so với năm 2012 (trong khi doanh thu chỉ tăng nhẹ hơn 2%).

Hoạt động tài chính trong năm 2013 cũng đánh dấu một nỗ lực rất lớn của ban lãnh đạo: cắt giảm gần 70 tỷ đồng nợ vay ngân hàng (hơn 20%) giúp công ty giảm mạnh chi phí tài chính trong năm.

VHL kết thúc năm 2013 rất thành công: lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, tăng gấp 170 lần so với năm 2012.

PHỤC HỒI MẠNH TỪ 2014

Năm 2014, nền kinh tế phục hồi và khởi sắc trở lại, ngành bất động sản phá băng, lĩnh vực xây dựng dân dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại giúp doanh thu của Viglacera Hạ Long tăng trưởng 14% so với năm 2013. Mặc dù lợi nhuận gộp chỉ tăng 11%, nhưng dư nợ vay và lãi suất cho vay giảm nhanh trong năm 2014 đã giúp VHL cắt giảm được 22 tỷ đồng chi phí lãi vay, giảm gần một nửa so với năm 2013. Cả năm 2014, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 84 tỷ đồng, tăng 65% so với 2013.

 

DỰ ÁN NHÀ MÁY MỚI: NHÀ MÁY GẠCH CLINKER

Từ năm 2010, Viglacera Hạ Long đã khởi công xây dựng nhà máy gạch clinker tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh với tổng vố đầu tư 250 tỷ đồng. Năm 2014 VHL tiến hành phát hành 7 triệu cổ phiếu, huy động thêm gần 70 tỷ đồng nguồn vốn để tập trung đầu tư mạnh cho nhà máy. Đến tháng 5/2015, giai đoạn 1 của nhà máy gạch clinker đã chính thức đi vào vận hành với dây truyền có công suất thiết kế đạt 2 triệu mét vuông sản phẩm mỗi năm.

Sản phẩm gạch clinker của nhà máy mới này vẫn là một loại gạch đất sét nung như gạch Cotto Viglacera Hạ Long, nhưng được công ty cải tiến nhiều để có độ bền cao hơn, có thể chịu đựng được trong nhiều điện kiện khắc nghiệt và cũng giá bán cao hơn so với gạch cotto hiện nay của công ty. Đến nay, sản phẩm gạch clinker của nhà máy Clinker Đông Triều đang được bán ra rất thành công cho cả thị trường trong và ngoài nước (Malaysia, Hàn Quốc). Hoạt động bán hàng đang tiến triển rất tốt đã thúc đẩy ban lãnh đạo công ty quyết định đầu tư tiếp giai đoạn 2 của nhà máy với vốn đầu tư 120 tỷ đồng để nâng tổng công suất nhà máy lên 4 triệu mét vuông sản phẩm QTC/năm ngay trong năm nay.

Chúng tôi đánh giá nhà máy gạch Clinker Đông Triều sẽ giúp VHL tăng trưởng tốt từ cuối năm nay trở đi. Nhu cầu còn lớn về xây dựng các khu du lịch, resort ven biển; các công trình công nghiệp và dân dụng khác có nhu cầu về gạch lát đất sét nung có độ bền vượt trội … sẽ tạo ra cơ hội lớn giúp VHL tiêu thụ thành công sản phẩm gạch ốp lát clinker mới của công ty.

DỰ BÁO KẾT QUẢ KINH DOANH NĂM 2015

Năm 2015, nhóm sản phẩm gạch ốp lát sẽ tăng trưởng khá tốt nhờ nhà máy gạch clinker bắt đầu hoạt động và bán hàng thành công từ đầu quý 3. Sản lượng bán ra năm nay của nhà máy gạch clinker theo chúng tôi sẽ đạt khoảng 600,000 mét vuông, tương đương 30% công suất của dây truyền số một. Nhà máy gạch clinker đi vào hoạt động sẽ giúp doanh số sản phẩm gạch ốp lát của VHL đạt 7.8 triệu mét vuông, tăng 10% so với năm 2014. Doanh thu nhóm sản phẩm gạch ốp lát dự báo sẽ đạt khoảng 700 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2014. Nhóm sản phẩm ngói các loại sẽ tiêu thụ được khoảng 140 triệu viên và mang về cho công ty khoảng 780 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với năm 2014.

Với sức tiêu thụ sản phẩm rất tốt như trên, doanh thu của công ty năm 2015 theo chúng tôi ước tính sẽ đạt khoảng 1,640 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014. Lãi gộp đạt 350 tỷ đồng, dù chỉ tăng 18% so với cùng kỳ, nhưng chi phí tài chính giảm 36% sẽ làm lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty đạt 112 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2014.

EPS năm 2015 của VHL sẽ đạt khoảng 7,000 đồng/cổ phiếu, tăng 36% so với năm 2014. Với con số này, VHL sẽ là một trong những công ty có EPS cao nhất sản HNX.

TRIỂN VỌNG DÀI HẠN

Đô thị hóa đang tăng chóng mặt

Trong nhiều năm qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam luôn thuộc nhóm cao nhất Châu Á. Dân số đô thị năm 2010 ở mức 26% thì 4 năm sau đã tăng lên gần 35%. Theo dự báo của chính phủ, tỷ lệ dân số đô thị của Việt Nam sẽ đạt khoảng 45% vào năm 2020. Diện tích đô thị hiện nay cũng đã tăng 40% so với cách đây 10 năm. Dự báo, đến năm 2020, tổng diện tích đô thị cả nước sẽ lên đến 460,000 ha, tăng gấp 3 lần so với diện tích đất đô thị hiện nay. Tốc độ đô thị hóa tăng chóng mặt sẽ làm tăng nhu cầu về xây dựng nhà ở và nhu cầu về vật liệu xây dựng trong 5 năm tới.

Ngành xây dựng tăng trưởng ngày càng nhanh

Từ 2013 đến nay, ngành xây dựng (cùng với ngành công nghiệp) đang làm động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP ngành xây dựng chỉ cao hơn GDP của nền kinh tế 0.5%, thì đến năm 2014, khoảng cách này là 1.1% và đến quý 1-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành xây dựng đã vượt 2.4% so với GDP của cả nước. Ngành xây dựng đang tăng trưởng ngày càng nhanh hơn so với nền kinh tế là một động lực rất lớn cho các công ty sản xuất vật liệu xây dựng như VHL có thể tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung. Tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 20% trong quý 1-2015 của VHL là một chứng minh rất rõ cho xu hướng này.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

VHL đang đi vào quỹ đạo tăng trưởng cao nhờ vào cả 3 yếu tố:

               Chủ động tái cơ cấu sản phẩm để tăng trưởng tốt hơn

               Nhu cầu sản phẩm đang tăng nhanh nhờ tốc độ đô thị hóa và ngành xây dựng trong khu vực đang tăng rất nhanh.

               Mở rộng năng lực sản xuất với nhà máy gạch clinker

Từ năm 2015, sản phẩm gạch clinker của nhà máy gạch Clinker Đông Triều sẽ được tung ra thị trường, chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng của sản phẩm mới này. Với đặc tính vượt trội và mức giá cạnh tranh của gạch clinker Viglacera Hạ Long, VHL có thể sẽ tận dụng tốt làn sóng đầu tư với hàng loạt nhà đầu tư lớn như Vingroup; Sun Group; FLC; Las Vegas Sands; Texhong; Amata; Limitless World… đang tập trung đầu tư vào khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh. Với năng lực sản xuất đang tăng lên đáng kể và năng lực cạnh tranh khá tốt của Viglacera Hạ Long, chúng tôi đánh giá VHL tăng trưởng rất tốt trong nhiều năm tới.

Dự báo, EPS năm 2015 của VHL đạt 7,000 đồng, với mức giá ngày 07/07/2015 ở mức 33,800 đồng, VHL đang được giao dịch với hệ số P/E forward = 4.8 lần, thấp hơn gần 60% so với mức 11.5 lần của HNX Index.

Tiềm năng tăng trưởng còn nhiều trong khi mức giá hiện tại đang ở mức thấp là cơ sở để chúng tôi tin tưởng cổ phiếu VHL có thể sẽ giúp nhà đầu tư gặt hái được nhiều thành công trong tương cả ngắn và dài hạn.

Trong ngắn hạn (12 tháng), chúng tôi khuyến nghị MUA VÀO cổ phiếu VHL với mức giá mục tiêu 50,000 đồng, cao hơn 48% so với mức giá hiện nay (giá mục tiêu đã bao gồm cổ tức năm 2015).

RỦI RO

1.            Rủi ro tài chính: Với hệ số thanh toán nhanh hiện chỉ ở mức 0.4 lần, tình hình tài chính của công ty sẽ trở nên căng thẳng nếu xảy ra biến động thị trường lớn làm công ty không thể tiêu thụ được sản phẩm như mong đợi.

2.            Rủi ro thanh khoản: Trong 30 ngày qua, khối lượng giao dịch của VHL chỉ đạt trung bình 5,000 cổ phiếu/phiên. Mức thanh khoản thấp của VHL sẽ gây khó khăn hoạt động mua vào và bán ra cổ phiếu trên thị trường.

3.            Ngoài ra, VHL cũng đối diện với rủi ro kinh doanh (bị các đối thủ như Gốm Đất Việt … chiếm thị phần; tình hình kinh tế vĩ mô diễn biến xấu làm tiêu thụ hàng chậm lại…) và rủi ro quản trị liên quan đến phần vốn nhà nước khá cao…

 

Nguồn: Analyst Nguyễn Văn Tiến, VFS Research

Tags:

Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu