Tóm tắt diễn biến vĩ mô tháng 03/2015:
§ Tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh trong quý 1 với GDP tăng 6.03% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý 1 trong vòng 5 năm qua.
§ Lạm phát ở mức thấp khi CPI tháng 03/2015 tăng nhẹ 0.15% so với tháng trước, bình quân quý 1 tăng 0.74% so với cùng kỳ là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
§ Sản xuất tiếp tục cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP quý 1 tăng 9.1%, (cùng kỳ năm trước tăng 5.3%), chỉ số PMI đạt 50.3 điểm. Ước tính nhập siêu 1.8 tỷ USD trong quý 1 để phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp.
§ Cầu tiêu dùng cải thiện khi tổng mức bán lẻ hàng hóa quý 1 tăng 9.2% so với cùng kỳ (sau khi loại yếu tố giá).
§ FDI cả cấp mới và tăng vốn đến 20/3 ước đạt 1.84 tỷ USD, bằng 55.1% cùng kỳ, FDI giải ngân đạt 3.05 tỷ USD, tăng 7%.
§ Thị trường tiền tệ tiếp tục được duy trì ổn định. Khu vực trái phiếu chính phủ, lợi suất giao dịch tăng ở tất cả kỳ hạn.
Tóm tắt diễn biến thị trường và nhận định:
§ VNINDEX đóng cửa ở mức 551.13 điểm, giảm 41.44 điểm, tương đương giảm 7% so với cuối tháng trước. HNXINDEX giảm 3.5 điểm, tương đương giảm 4% so với cuối tháng trước.
§ Trong tháng 3, sự sụt giảm xảy ra ở hầu hết các nhóm ngành, ngoại trừ nhóm Bất động sản (+4%) và Thương mại (+3%). Ngành thuỷ sản có mức độ sụt giảm mạnh nhất (-15%), tiếp theo là Ngành Bảo hiểm (-12%), Khai khoáng (-10%)…
§ Thị trường tiếp tục bước vào tháng 4 với những phiên giao dịch ảm đạm. Điểm số mặc dù có dấu hiệu ngừng rơi nhưng thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện. Quỹ VNM ETF tiếp tục bị rút ròng tạo tâm lý dè chừng trên thị trường.
§ Chúng tôi cho tằng, thị trường giảm điểm trong giai đoạn qua đã giúp nhiều cổ phiếu về vùng định giá rẻ, thêm vào đó, tâm lý sợ hãi đang bao trùm. Nghiên cứu lịch sử của 2 chỉ báo này, chúng tôi nhận thấy “đây là vùng mua có rủi ro trung hạn thấp nhất”. Ngoài ra, các chỉ báo kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế trong nước vẫn duy trì tốc độ phục hồi tốt, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
----------------------------
Các chỉ số chính:
§ Sản lượng sản xuất đạt 53.4 điểm, tăng từ 53.2 điểm tháng trước
§ Đơn đặt hàng mới tăng nhẹ lên 52.3 từ mức 52.2 tháng trước
§ Đơn đặt hàng xuất tăng nhẹ lên 50.9 từ mức 50.8 tháng trước
§ Việc làm mới đạt 50.7 điểm, thấp hơn 51.0 điểm của tháng trước
§ Giá đầu vào tăng đạt 49 điểm, cao hơn 48.7 điểm của tháng trước
§ Giá đầu ra đạt 49.7 điểm tăng nhẹ so với tháng trước (49.6 điểm)
Trong tháng 03/2015, lĩnh vực sản xuất toàn cầu tiếp tục mở rộng nhưng ở mức khiêm tốn và vẫn chưa ổn định, PMI đạt 51.8 điểm, thấp hơn một chút so với mức 51.9 điểm trong tháng 02, là tháng tăng trưởng thứ 28 liên tiếp.
Tại Mỹ, PMI đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua nhờ sự tăng nhanh hơn trong sản xuất và lượng đơn đặt hàng mới.
Khu vực Eurozone, sản xuất tăng mạnh với mức PMI cao nhất trong vòng 10 tháng qua và cao hơn trung bình toàn cầu lần đầu kể từ tháng 4/2014. Trong đó, sản xuất mở rộng tại Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và Ireland trong khi co hẹp tại Pháp, Áo, và Hy Lạp.
Tại châu Á, tăng trưởng sản xuất đã dịu bớt. Trong đó PMI dưới mốc 50 tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia trong khi mở rộng tại Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam nhưng là yếu hơn so với tháng trước.
Chi phí đầu vào giảm nhẹ trong tháng 03, mức giảm đã dịu so với hai tháng trước, xu hướng tương tự trong giá bán ra.
Nhìn chung, sản xuất toàn cầu tiếp tục mở rộng nhưng tốc độ yếu hơn trong quý 1. Việc sản lượng sản xuất và lượng đơn đặt hàng mới duy trì mức tăng như những tháng gần đây và sự sụt giảm trong hàng tồn kho thành phẩm là những dấu hiện tích cực, kỳ vọng sự phục hồi sẽ tăng tốc trong quý 2.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2015 ước tính tăng 6.03% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8.35%, đóng góp nhiều nhất trong mức tăng chung là 2.82 điểm phần trăm. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9.01%, cao hơn nhiều so với mức tăng của một số năm trước, ngành xây dựng tăng 4.40%, thấp hơn mức tăng 5.93% của cùng kỳ năm trước.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2.14%, đóng góp 0.28 điểm phần trăm. Trong đó, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 71%) nhưng tăng thấp ở mức 1.54%, thủy sản tăng 3.38%, lâm nghiệp tăng 6.02%.
Khu vực dịch vụ tăng 5.82%, đóng góp 2.36 điểm phần trăm. Một số ngành có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung: Bán buôn và bán lẻ tăng 7.11%; dịch vụ lưu trú và ăn uống +5.9%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5.65%; hoạt động kinh doanh bất động sản cải thiện với mức tăng 2.55% (năm trước là 2.28%).
Về cơ cấu, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12.35%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34.80%; khu vực dịch vụ chiếm 42.23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10.62%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03/2015tăng 0.15% so với tháng trước, chủ yếu do ảnh hưởng từ nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết nên giá nhiều loại hàng hóa tăng. Mặt khác giá gas và giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng cũng tác động vào CPI (đóng góp 0.04% vào mức tăng chung).
Nhóm hàng hóa và dịch vụ có giá tăng cao: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống +0.36%; văn hóa, giải trí và du lịch +0.18%; nhà ở và vật liệu xây dựng +0.16%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Thiết bị đồ dùng gia đình +0.09%; thuốc và dịch vụ y tế +0.04%; giáo dục +0.01%; giao thông -0.31%; đồ uống và thuốc lá -0.11%; may mặc, mũ nón, giày dép -0.04%; bưu chính viễn thông -0.02%.
Tổng kết, CPI tháng 03/2015 giảm 0.10% so với tháng 12/2014 và tăng 0.93% so với cùng kỳ năm trước, bình quân quý I năm nay tăng 0.74% so với bình quân cùng kỳ năm 2014, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại.
Theo dự báo từ UBGSTKQG, lạm phát cơ bản năm 2015 khoảng 3.5%. Trong điều kiện giá lương thực và năng lượng được dự báo giảm trong năm 2015, khả năng đạt mục tiêu 5% về lạm phát tổng thể sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ điều chỉnh giá điện. UBGSTCQG ước tính mức tăng giá điện bình quân 7.5% (ngày 16/3) có ảnh hưởng làm lạm phát cả năm tăng thêm khoảng 0.5 điểm %.
Những đặc điểm chính:
§ Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng.
§ Chi phí đầu vào tiếp tục giảm mạnh.
§ Việc làm giảm nhẹ.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 03/2015đạt 50.7 điểm, giảm so với mức 51.7 điểm của tháng trước, tuy nhiên vẫn cho thấy sự cải thiện về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tháng thứ 19 liên tiếp.
Nhân tố chính giúp cải thiện các điều kiện kinh doanh là cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục tăng. Sản lượng đã tăng tháng tăng thứ 18 liên tiếp với mức tăng là mạnh. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhưng mức tăng khiêm tốn. Trong đó, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng sau khi giảm trong tháng trước.
Việc làm ngành sản xuất đã giảm trong tháng 3 sau khi tăng liên tục trong sáu tháng qua, mức giảm là nhẹ một phần do thiếu hụt nhân công.
Chi phí đầu vào tiếp tục giảm mạnh chủ yếu do giá nhiên liệu giảm. Các công ty tiếp tục giảm giá đầu ra tuy nhiên mức giảm là chậm nhất trong 4 tháng qua. Tồn kho thành phẩm đã giảm và mức giảm là mạnh nhất kể từ tháng 6/2014.
Tổng kết, lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục mở rộng vào thời điểm cuối quý I, khi các công ty bảo đảm có được số lượng đơn đặt hàng mới lớn hơn từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài. Giá cả hàng hóa giảm trên thị trường thế giới tiếp tục góp phần làm giảm giá đầu vào, và nhờ đó các công ty có thể giảm giá bán đầu ra cho khách hàng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 03 ước tính tăng 9.1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2015 tăng 9.1%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5.3% của cùng kỳ năm trước.
Theo nhóm ngành, khai khoáng +6.7%, đóng góp 1.5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; chế biến chế tạo +9.6% đóng góp 6.8 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện +12.1%, đóng góp 0.8 điểm phần trăm; cung cấp, xử lý nước thải, rác thải +7.8%, đóng góp 0.1 điểm phần trăm.
Một số ngành có chỉ số sản xuất quý I tăng cao so với cùng kỳ năm trước: SX xe có động cơ +42.9%; SX da và các sản phẩm có liên quan +26.1%; SX sản phẩm điện tử, máy tính và quang học +22.6%; SX giấy và các sản phẩm từ giấy +20.4%; dệt +14.7%.
Mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp tại một số địa phương: Thái Nguyên tiếp tục tăng cao ở mức 568.1%; Hải Phòng +15.1%; Quảng Nam +13.4%; Cần Thơ +13.4%; Đồng Nai +8.3%; Đà Nẵng +8.2%; Hà Nội +7.7%; Hải Dương +6.1%; Bình Dương +5.9%; TP.HCM+5.5%.
Tại thời điểm 01/03/2015, chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10.9% so với cùng thời điểm năm 2014, chỉ số sử dụng lao động tăng 5.4%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 03ước đạt 253.5 nghìn tỷ đồng, giảm6.4% so với tháng trước và tăng 9.4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 77.3%, giảm 5.1% so với tháng trước và tăng 11.1% so với cùng kỳ năm trước. Do tháng 03 là tháng sau tết nên doanh thu một số ngành hàng giảm so với tháng trước: Lương thực, thực phẩm -8.4%; đồ dùng, dụng cụ gia đình -5.7%; phương tiện đi lại -5.1%; vật phẩm văn hoá giáo dục -3.3%; riêng nhóm hàng may mặc giảm nhiều ở mức 10,5%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm 10.4%, giảm 17.3% so với tháng trước và tăng 3.3% so với cùng kỳ.
Doanh thu du lịch lữ hành chiếm 0.8%, giảm 7.9% so với tháng trước và giảm 29.4% so với cùng kỳ. Một số địa phương tăng cao: Thừa Thiên Huế +17%, TP. HCM +3.5%, Hà Nội +0.8%, Bà Rịa Vũng Tàu +0.6%.
Doanh thu dịch vụ khác chiếm 11.6%, giảm 3.9% so với tháng trước và tăng 9.7% so với cùng kỳ.
Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 790.8 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 9.2%, cao hơn mức tăng 5.1% của cùng kỳ năm 2014.
VFS Research