VCSC: Ưu tiên hiệu quả sử dụng vốn

by finandlife17/12/2019 13:41

 

(ĐTCK) Sức mạnh cạnh tranh của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) là mạng lưới khách hàng, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Thế mạnh này ngày càng được củng cố khi Bản Việt chứng minh được khả năng đem giá trị cho các bên, bao gồm cả khách hàng của Bản Việt và đối tác. Đến 90% số thương vụ M&A do Bản Việt tư vấn thành công là kết nối giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và một bên là nhà đầu tư nước ngoài.

Thế mạnh mảng IB tiếp tục được củng cố

Từ những ngày sơ khai của thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam, Bản Việt đã đầu tư mạnh vào mảng hoạt động dịch vụ khách hàng tổ chức. Đi tiên phong nên đến nay, Bản Việt đã xây dựng được hệ thống nhân sự có chuyên môn cao, yêu nghề, định vị vị thế và giá trị riêng của Công ty trên thị trường.

Cụ thể, với mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), Bản Việt tư vấn thành công nhiều giao dịch thuộc các ngành nghề và bản chất giao dịch khác nhau, gây được tiếng vang trên thị trường. Có thể kể tới các thương vụ IPO quy mô lớn và thu thu hút cộng đồng đầu tư danh tiếng trên thế giới tham gia vào doanh nghiệp Việt Nam thông qua các đợt chào bán của Vietjet, VPBank, Techcombank... Hay các thương vụ tư vấn các giao dịch mua bán và sáp nhập quy mô lớn nhất Việt Nam diễn ra tại Big C, Nguyễn Kim, Traphaco, LafargeHolcim, Masan…

Với tư cách tư vấn bên bán, Bản Việt đã tư vấn thành công cho Metro Pacific Tollways mua CTCP Cầu đường CII, F&N mua Vinamilk…Với tư cách tư vấn bên mua, Bản Việt tư vấn thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam phát hành để tăng vốn như Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Thủy sản Minh Phú, Thiên Long, Pops Worldwide…

Trong mảng môi giới, VCSC luôn ở Top đầu thị trường về môi giới khách hàng tổ chức. Đội ngũ môi giới Bản Việt có khả năng tìm kiếm các giao dịch thỏa thuận, hay giao dịch ngoài biên độ cho các cổ phiếu kín room, đem lại biên lợi nhuận hoạt động cao.

Bản Việt cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư trau dồi cho các tài sản riêng có, đó là đội ngũ nhân sự, mạng lưới khách hàng theo định hướng đã vạch ra. Thị trường dịch vụ tài chính tại Việt Nam từ nhiều năm nay vốn đã có các đối thủ mạnh về mọi mặt, đến từ trong nước cũng như nước ngoài. Đây là diễn biến lành mạnh cho riêng ngành chứng khoán, cũng như các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Phát triển mô hình kinh doanh khác biệt

Thống kê các năm đều cho thấy, ngoại trừ các đợt phát hành ESOP hàng năm, Bản Việt gần như chưa bao giờ nằm trong Top các công ty có vốn chủ sở hữu cao nhất trên thị trường. Lần duy nhất Công ty tăng vốn điều lệ (khoảng 14%) từ việc phát hành ra bên ngoài là ngay trước thềm niêm yết cổ phiếu VCI trên sàn HOSE (năm 2017). Còn lại các lần tăng vốn khác đều thông qua phân phối lợi nhuận giữ lại.

Theo Bản Việt, mô hình hoạt động của công ty tập trung vào hiệu quả sử dụng vốn hơn là mở rộng quy mô.

Trong chiến lược kinh doanh của Bản Việt, dù thị phần môi giới có thứ hạng trong Top đầu trên HOSE liên tục 5 năm gần đây, nhưng đây lại không phải là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kết quả kinh doanh của Công ty. Với vị trí thứ 3 về môi giới trên HOSE trong các năm gần đây (Top 5 từ năm 2012, Top 3 từ năm 2013), mảng môi giới chỉ đóng góp khoảng 20 - 25% tổng doanh thu hoạt động và 10 - 15% tổng lợi nhuận trước thuế.

VCSC khẳng định, đầu tư để tăng xếp hạng thị phần môi giới lên các vị trí đứng đầu không nằm trong chiến lược kinh doanh của Công ty. Trong khi thị trường khó khăn, thanh khoản giảm, nguồn thu từ môi giới giảm 40 - 50%, Công ty vẫn chủ động được kết quả hoạt động kinh doanh như kế hoạch, không có biến động lớn. Mục tiêu của Công ty là hiệu quả sử dụng vốn, mang lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông, chứ không chỉ là thị phần môi giới.

Vài năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận sự tham gia của các công ty chứng khoán ngoại có tiềm lực vốn mạnh. Các chủ thể này có thế mạnh về chi phí vốn khi sự chênh lệch về mặt bằng lãi suất giữa Việt Nam và nước sở tại là khá lớn. Nguồn vốn giá rẻ tại các công ty chứng khoán ngoại được sử dụng cho vay margin đang khiến nhiều công ty chứng khoán nội gặp khó khăn trong việc giữ khách hàng.

Tuy nhiên, tại Bản Việt, Công ty lại có quan điểm khác. Theo Bản Việt, các đối tượng nhà đầu tư quan tâm đến lãi suất margin rẻ chủ yếu là họ cần nguồn vốn vay trong dài hạn. Vì vậy, ảnh hưởng của vốn mới lên giá trị giao dịch và thị phần môi giới tại công ty chứng khoán chủ yếu chỉ có tác động trong đợt giải ngân lần đầu của khách hàng. Hơn nữa, trong cho vay margin, điều quan trọng nhất là phải quản trị tốt rủi ro. Thị trường đã chứng kiến nhiều trường hợp công ty chứng khoán mất vốn, suy kiệt vì không làm tốt khâu này.

Tại Bản Việt, số dư cho vay margin không nằm trong Top đầu nhưng lãi suất cho vay của Công ty cũng khá cạnh tranh so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, Bản Việt không chủ trương đẩy mạnh cho vay margin trong các giai đoạn thị trường rủi ro cao như gần đây.

Quan điểm của Bản Việt là hoàn toàn không sử dụng vốn chủ sở hữu để cho vay margin, vì như vậy sẽ làm giảm hệ số thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) mục tiêu của Công ty. Chỉ số ROE của Bản Việt thuộc hàng cao nhất trong khối công ty chứng khoán, đạt mức bình quân 27%/năm trong giai đoạn 2014 - 2018.

Từ năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam bỏ giới hạn sàn phí giao dịch, nên câu chuyện cạnh tranh trong ngành chứng khoán không chỉ đến từ cạnh tranh trong hoạt động cho vay margin, mà còn đối mặt với cuộc đua giảm phí giao dịch. Đây cũng là diễn biến chung của nhiều thị trường chứng khoán quốc tế như Hàn Quốc (áp dụng từ năm 1995); Nhật Bản (áp dụng từ năm 1999); Singapore (áp dụng từ năm 2001); Hồng Kông (áp dụng từ năm 2004);  Thái Lan (áp dụng từ năm 2012)… Với thị phần môi giới nằm trong Top đầu và chiến lược kinh doanh gồm nhiều mảng hoạt động hiện tại, VCSC có các nguồn lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh khác ngoài môi giới, đủ sức làm dư địa để hỗ trợ cho cuộc chiến về phí môi giới nếu xảy ra.

Tuy nhiên, Công ty chủ trương tạo ra giá trị gia tăng và các cơ hội đầu tư sinh lời đặc biệt cho khách hàng hơn là chỉ chú trọng vào phí giao dịch. VCSC đầu tư vào chất lượng báo cáo phân tích, hoạt động tiếp cận doanh nghiệp và nhất là chia sẻ các cơ hội tham gia đầu tư vào các thương vụ do khối ngân hàng đầu tư dẫn dắt cho khách hàng.

Các thay đổi tại thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại diễn ra tương đồng với diễn biến mà các thị trường phát triển hơn đã trải qua từ nhiều năm trước. Chia sẻ với người viết, lãnh đạo Bản Việt cho rằng, đây là quy luật tất yếu và Công ty không bị động trước các thay đổi về môi trường kinh doanh. Bản Việt tin rằng, thị trường Việt Nam sẽ phân hóa giống như tại các thị trường đi trước: Sẽ có một nhóm các công ty tập trung vào khách hàng tổ chức và hoạt động ngân hàng đầu tư với các tên tuổi nổi bật như Goldman Sachs, J.P. Morgan, Morgan Stanley... Cùng với đó là các công ty tập trung vào hoạt động môi giới với điểm nhấn là đưa vào các hệ thống tự động hóa và chi phí thấp nổi bật như Charles Schwab.

“Mô hình của chúng tôi sẽ đi theo nhóm số 1”, lãnh đạo Bản Việt chia sẻ.

Năm 2020, thanh khoản thị trường có thể tốt hơn

Thị trường chứng khoán luôn khó đoán trước, do ngoài các yếu tố nội tại của nền kinh tế thì thị trường chứng khoán ngày càng chịu tác động từ diễn biến của các thị trường thế giới trong bối cảnh nền kinh tế mở. Theo đó, các chu kỳ của thị trường sẽ ngày càng ngắn lại.

Dự báo năm 2020, Bản Việt cho rằng, về cơ bản, thị trường cổ phiếu niêm yết Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và biên độ dao động giá có thể không cao, tuy nhiên thanh khoản có thể được cải thiện tốt hơn so với năm 2019. Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia được hưởng lợi nhất định từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đang là tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu, các cổ phiếu của các doanh nghiệp có liên quan được kỳ vọng sẽ tiếp tục là cơ hội của thị trường Việt Nam trong năm 2020.

Tại Bản Việt, hoạt động môi giới chịu ảnh hưởng theo thị trường, nhưng ở mảng IB, Bản Việt có thế mạnh đã được định rõ. Hoạt động tư vấn M&A thường luôn đi ngược xu thế với thị trường niêm yết. Chẳng hạn, kể từ đầu năm 2019 đến nay, trong khi thị trường niêm yết có thanh khoản trầm lắng thì số thương vụ tư vấn M&A mà VCSC tư vấn thành công lại cao hơn nhiều năm 2017 và 2018, trải trên tất cả các lĩnh vực thủy sản, công nghiệp phụ trợ, giáo dục, bất động sản, ăn uống và tiêu dùng, văn phòng phẩm, hạ tầng, truyền thông và công nghệ.

Trong lĩnh vực đầu tư, chiến lược của Bản Việt là tập trung vào các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết. Hoạt động tự doanh cổ phiếu niêm yết của Bản Việt chỉ chiếm 1% hoặc ít hơn tổng giá trị giao dịch giao dịch môi giới Công ty. Nguồn lực của Bản Việt sẽ tiếp tục tập trung phát triển khách hàng tổ chức và hoạt động ngân hàng đầu tư, như một định hướng xuyên suốt của Công ty trong quá trình phát triển.

Tags:

Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu