Đòn cân nợ và chiến lược đầu tư

by Admin24/04/2013 19:22

Trong bối cảnh lãi suất đang cao ngất ngưởng hiện nay, nợ vay bỗng chốc trở thành gánh nặng không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho cả NĐT chứng khoán (viết từ năm 2011)

Vậy nợ vay ảnh hưởng thế nào đến giá CP của chính DN? Đòn cân nợ này ảnh hưởng đến hệ số rủi ro của NĐT ra sao?

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu nợ vay, tài sản và biến động giá của tất cả CP niêm yết qua 2 giai đoạn: giai đoạn tăng bắt đầu từ ngày 24-2-2009 đến ngày 22-10-2009 và giai đoạn giảm bắt đầu từ ngày 22-10-2009 đến nay. Trong từng giai đoạn, việc nghiên cứu lại được tiến hành trên 3 nhóm CP có mức độ sử dụng nợ khác nhau.

Cụ thể giai đoạn tăng: nhóm DN có nợ vay trên tổng tài sản dưới 25%; nhóm DN có nợ vay trên tổng tài sản từ 25-50%; nhóm DN có nợ vay trên 50% tổng tài sản. Giai đoạn giảm: nhóm DN có nợ vay trên tổng tài sản dưới 20%; nhóm DN có nợ vay trên tổng tài sản từ 20-40%; và nhóm DN có nợ vay trên 40% tổng tài sản. Biến động giá của các CP được so sánh với HNX Index.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản của tất cả DN niêm yết trên thị trường trong giai đoạn tăng trưởng là 36,9% cao hơn giai đoạn suy thoái (31,8%) (biểu đồ 1). Đây là điều dễ hiểu vì trong giai đoạn tăng trưởng, nền kinh tế được hỗ trợ bởi mức lãi suất thấp, nhu cầu toàn xã hội tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng cường vay nợ. Còn trong giai đoạn giảm, lãi suất tăng cao, nhu cầu xã hội thấp, việc sản xuất, đầu tư gặp khó khăn, chiến lược ưu tiên là cắt giảm chi phí, thu hẹp hoạt động, giảm nợ vay.

Biểu đồ 1:

  

Phân tích tương quan cho thấy tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu tài sản của DN có ảnh hưởng đến mức độ biến động giá CP trên thị trường. Mối liên quan này rõ ràng hơn trong giai đoạn thị trường giảm khi hệ số tương quan trong giai đoạn này là -0,15, trong khi đó hệ số này trong giai đoạn thị trường tăng chỉ là 0,07. Dấu (-) của hệ số tương quan trong thị trường giảm cho biết những DN sử dụng nhiều nợ vay chịu áp lực giảm giá nhiều hơn so với các DN có cơ cấu nợ vay ít hơn. Dấu (+) của hệ số tương quan trong thị trường tăng cho biết những DN sử dụng nhiều nợ vay lại có khả năng tăng giá tốt hơn. Kết quả trên một lần nữa được khẳng định khi chúng ta xem xét xác suất lựa chọn CP có biến động giá tích cực hơn chỉ số chung toàn thị trường.

Trong giai đoạn thị trường bất lợi, xác suất chọn phải CP giảm giá mạnh hơn HNX Index ở nhóm nợ vay cao nhất lên đến 44,2%, xác suất này giảm dần ở nhóm nợ vay trung bình (38,3%) và chỉ còn 17,5% ở nhóm nợ vay thấp nhất. Như vậy, trong giai đoạn thị trường giảm, NĐT nên trú ẩn vào các CP có tình hình tài chính lành mạnh, tỷ lệ vay nợ thấp và tránh xa những CP có đòn cân nợ cao (biểu đồ 2).

Biểu đồ 2:

Thế nhưng, chiến lược trên không phải là chìa khoá vạn năng trong bất kỳ tình hình thị trường nào. Ở giai đoạn tăng, việc đặt cược vào nhóm CP có đòn cân nợ lớn không hẳn sẽ mang lại kết quả đáng buồn như trong giai đoạn thị trường giảm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm CP sử dụng nợ vay cao nhất có xác suất chiến thắng thị trường cao nhất (61%); nhóm sử dụng nợ vay thấp nhất xác suất này là 60%, nhóm vay nợ trung bình thấp nhất (chỉ 51,6%) (biểu đồ 3).

Biểu đồ 3:

 

Như vậy, để tận dụng những thuận lợi của thời kỳ tăng trưởng như lãi suất thấp, nhu cầu xã hội cao…, bên cạnh danh mục truyền thống đầu tư vào những CP vững mạnh, khả năng tạo tiền tốt, tỷ lệ nợ vay thấp, NĐT nên dành một phần danh mục của mình cho những CP có kế hoạch kinh doanh đột biến, những CP có nhiều tham vọng, dám sử dụng nhiều nợ vay nhằm tăng hiệu quả đa dạng hóa giúp mang lại suất sinh lợi cao nhất cho NĐT.

 

Kết quả nghiên cứu trên cùng với kết luận của Modigliali và Miller (MM): “Trong thị trường hoàn hảo, việc vay nợ để mua vào CK của NĐT cá nhân không khác biệt so với việc vay nợ của chính DN phát hành CP đó”. Nghĩa là NĐT có thể tự tạo đòn bẩy tài chính thay cho DN. Trong bối cảnh giao dịch ký quỹ (margin) sắp được hợp pháp hóa, NĐT nên bắt đầu nhìn nhận lại hệ số rủi ro tài chính của mình, trong đó nên xem xét thêm đòn cân nợ vay tại các DN đầu tư để tránh ước lượng mức rủi ro quá thấp so với nguy cơ thật sự phải chịu. 

Nguồn: finandlife|một version khác trên Báo Đầu Tư Tài Chính

Tags:

StockAdvisory

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu