Câu chuyện nhỏ ấm lòng về tình người

by Life25/08/2014 10:18

Lòng tôi dâng lên niềm vui khôn cùng. Có lẽ ai đó đã đưa các em đến đây, cho các em một cuộc sống khác, không còn những đánh đập, rầy la...

Cuộc sống này có phải quá đủ thứ dư thừa, quá nhiều thứ lấn áp trái tim con người rồi không? Có phải con người ta đã quá vì nhiều thứ mà đánh mất những điều ý nghĩa nhất cuộc sống rồi không?

Tôi là một người bình thường nhưng tôi hiểu rõ những điều cần làm và phải làm. Tôi sống và luôn đặt nghĩa vụ cách đối nhân xử thế lên đầu. Nhưng đau lòng làm sao, khi tôi nhận ra trong xã hội lại có những người trở nên lạnh lùng, vô cảm, và tàn nhẫn...

Sáng ấy trời mưa nhẹ, lạnh buốt đến thấu xương. Trời về đông mà, trách sao được. Tôi co rúm người lại, thở phì phèo làn khói trắng vào tay cho đỡ buốt, cầm ô đi lang thang trên đường để kiếm cho mình một bữa sáng cho ra hồn. Thú thật, dạo gần đó tôi nhịn sáng suốt, công việc bận quá, lại làm ca khuya nên sáng nào bảnh mắt cũng gần 10h.

Tôi dừng chân trước một quán ăn, nghe nói cũng ngon, nhiều khách ghé qua. Mấy đứa bạn cũng rủ tôi đi mãi mà chưa có dịp. Hôm nay lạnh, được dịp có hứng…

Mấy ông khách quần áo sang trọng đi ôtô con vừa vào, bà chủ đón tiếp khách niềm nở. Bà sai nhân viên dọn chỗ và mời cẩn thận. Tôi chỉ đứng đợi ngoài, liếc qua vài chỗ còn trống tí ngồi vào.

"Chị ăn gì ạ?". À, một bé gái. Bé ấy nhỏ quá, quá nhỏ để làm những việc này. Chắc bé chỉ mới lớp 3, lớp 4 thôi. Quần áo em rách nát mà cũ nhàu hết cả. Áo lại mỏng tèo và ướt nhẹp, chắc vừa đi mưa về hay sao.

"Chị bát bún nhé".

"Vâng, chị vào chỗ đi. Tí em bảo bà chủ ra làm chị liền nghe".

Bé mỉm cười niềm nở, nụ cười ấy làm tôi thấy ấm áp quá. Còn bà chủ vẫn đon đả tiếp những quý khách có vẻ ‘sang’ bỏ lại một vài người ngồi nhìn đồng hồ và đợi.

"Bà ơi! Bà làm cho mấy người kia đi", là bé ban nãy, bé kéo áo bảo bà chủ mà mặt mày nhìn có vẻ sợ sệt.

"Mày bảo con chị mày ra. Nó còn làm gì mà bây giờ con ở trỏng?".

"Chị cháu đau chân, chị còn đang bôi thuốc ở đó ạ".

"Bộ mày bị câm hả, mày cứ gọi là nó ra. Muốn tao trừ lương tụi bay hay sao mà đực mặt ra đó?".

Em ấy nhìn như sắp dưng nước mắt, gương mặt xị xuống, cầm gấu áo rồi chạy trong buồng. Mấy người bàn trên nhìn mà ái ngại cho bé. Bé còn nhỏ vậy, mà sao mắng em ghê quá. Tôi thấy tội em, chắc em là người ở nên bị bà nạt.

Lúc sau trời đổ cơn mưa to, mùa đông mà mưa, khác nào lạnh thêm lạnh. Tôi mặc bốn áo mà vẫn lạnh, xỏ tay túi áo rồi bần thần ngồi nhìn mưa. Những lúc thế này tâm trạng lại mang mác buồn.

Lát sau, một cô bé lớn hơn một xíu, chắc cũng chỉ lớp 7, 8 mà thôi. Em ấy bị gì đó mà chân sưng tấy, nhìn thâm tím đau đớn. Cô bé nhỏ đi cạnh, dìu  tay bước từng bước khập khiễng. Bà chủ chống tay vào hông mắng nhiếc:

"Khiếp! Đau có tí mà làm dáng, làm đỏng. Định làm thế để bà thêm tiền à? Con Trúc, còn không mau đưa chị mày đi nhanh lên. Ế khách tao ra".

Bà chủ bực tức mặt hằm hằm đi vào. Hai chị lạnh cầm cập mà không dám cãi lại bà chủ. Cô bé rón rén làm cẩn thận từng bát một. Bé con được nhiệm vụ dọn dẹp và mang đi từng bàn. Đến bàn nào bé cũng cười tươi và chúc “Quý khách ngon miệng ạ!” Cũng bởi bé như vậy, nên nhiều vị khách cố nán lại, ngồi ăn cho bé.

"Chúc chị ngon miệng! Xin lỗi vì đã làm chị đợi lâu nghen".

"Cảm ơn em".

Tôi mỉm cười nhìn em, đôi má em ửng đỏ hết lên nhưng trong con người đó lại toát lên vẻ ấm áp đến lạ kì. Em khiến tôi cảm thấy vui hơn nhiều, lòng tôi nhẹ nhàng hơn khi thấy nét tươi tắn trong nụ cười của em. Tôi húp xì xụp từng thìa, cái lạnh cũng gần như xua đi phần nào. Đúng là hương vị rất thơm ngon. Người ta khen tấm tắc quả không sai. Bé em đứng nhìn chị làm, mà thòm thèm. Thi thoảng bé lại chỉ chỏ, thủ thỉ bảo chị:

"Hai ơi! Hai cho em miếng bé bé này nghen". Cô chị thương em, muốn em ăn lắm nhưng sợ bà chủ la.

"Yên nào. Tí bà chủ cho mới được ăn. Ăn vào bà nạt, bà đánh. Chị thương".

Cô bé đứng đấy, mắt long lanh nhìn chị. Nhưng không làm được gì. Nhìn bé tủi thân lắm. Bà chủ từ trong buồng nhìn ra mà quát lớn.

"Con Trúc, mày đi bê dọn đi, ngồi đấy làm gì, chả biết việc hay sao. Tao chả hiểu bố mẹ mày dạy mày kiểu gì?".

"Xin lỗi bà, con làm ngay ạ!".

Chị bé thấy vậy thì bê liền, không để em phải làm việc nhiều.

"Để đấy, hai bê cho. Nóng, bỏng em ra".

"Đừng hai. Hai đưa em làm, chân hai đau, đi lại nhiều nó tấy, nó đau hai mà".

Nhìn chị em thương nhau mà ai cũng thấy buồn, cớ gì bà chủ lại mắng nhiếc, bắt nạt hai em ấy? Ai thấy cũng đau lòng khiến cả căn phòng trở nên im ắng hơn bao giờ hết. Cô chị tập tễnh, chân như muốn khụy xuống mà còn thương em, không muốn em phải làm.

"Trúc đi dọn đi Trúc, dọn nhanh rồi còn nghỉ chứ".

"Em đi liền đây".

Cô bé nhanh nhẹn cầm giẻ chạy vào, mắt cứ ngoái lại nhìn chị. Đúng là hai chị em, yêu thương nhau hết mực. Góc bàn cuối còn một vị khách đang ngồi đợi, ông nhìn đồng hồ mà miệng lầm bầm trách móc:

"Lề mề quá, nhanh lên cái".

"Xin lỗi ông, cháu bê tới liền".

Cô bé đi vội với từng bước. Mặc dầu ai cũng biết bé chân bé xót lắm. “Xoảng” một tiếng vỡ mạnh vừa xảy ra, rồi tiếp theo là những tiếng trách móc ầm ĩ…

"Làm cái quái gì thế hả? Có biết nóng đến mức nào không?".

"Xin lỗi, xin lỗi, cháu không cố ý. Cháu sẽ làm ngay cho ông bát khác ạ".

Chị bé Trúc vừa làm vỡ chiếc bát. Nước và bún đổ ập tung tóe lên người ông khách. Ông nhìn cô và mắng.

"Vừa làm trễ giờ, vừa bực, không thể chịu nổi thêm nữa", ông khách làu bàu, nhìn cô hằn học. Bất giác bà chủ từ nhà chạy ra cùng với bé Trúc.

"Gì vậy, nó làm gì ông?".

"Bà không nhìn thấy hay sao còn hỏi?".

Bé Trúc chạy lại chỗ chị hai thương xót

"Hai có sao không hai. Chị cháu bị thương ở chân, xin lỗi ông, mọi ngày chị cháu cẩn thận lắm ạ?". Cô bé có nói sao thì cũng không ngăn nổi cơn thịnh nộ của bà chủ nhà.

"Con này, cái con chết bầm chết dập này. Mày làm hỏng quần áo người ta, mày làm mất khách tao. Mày đáng tội gì?".

Bà chủ mạnh tay, tát thẳng ba cái vào mặt cô chị. Làm cô bé ngã khụy, mặt đỏ hằn lên từng vết. Trúc thương chị khóc lóc, xin van.

"Bà, làm ơn bà đừng đánh chị con. Chị con lần trước tại đau chân quá nên mới vậy ạ. Xin bà, bà đánh thì bà đánh cháu, xin đừng nạt chị cháu". Bà chủ vậy chưa tha, cầm cái chổi gần đó đánh mạnh vào người hai chị em.

"Đồ người ở mất dạy, làm hỏng đồ nhà bà, bà đánh cho mày chừa". Nhiều vị khách thấy vậy không tiếc lời bàn ra tán vào. Một vài người xì xào:

"Bà Tám chua ngoa cả xóm ai cũng biết. Bà ta đánh vài người ở thương tích đầy rồi mà còn chưa hả hay sao?".

Còn mấy người chỉ lắc đầu, chậc miệng vài ba cái rồi chả ai nói năng gì. Cả gian phòng chỉ toàn tiếng chửi rủa của bà chủ nhà. Nhiều người thấy thì đứng ngoài mà không ai can, để hai chị em đơn độc chịu đòn. Trúc khóc ròng van xin bà, bà chủ thì nào tha, bà được thể chửi kinh chửi ác hơn. Tôi thấy vậy mà không kìm được lòng, lên tiếng: "Bà Tám dừng lại đi, bà đừng có đánh hai em nữa".

Rồi tôi chạy lại chỗ hai chị em, xoa vết thương lan dài ở trên cánh tay của hai bé. Nhiều người cũng theo đó mà nói “Thôi thôi. Dừng lại đi bà Tám” , “đừng đánh nữa, hai đứa còn nhỏ”. Nhiều người thương hai em, chạy lại hỏi thăm hai bé. Trúc nín khóc, tôi vội lau nước mắt trên gương mặt hao gầy của cô bé. Rồi tôi nói:

"Bà chủ làm thế hỏi xem có được không? Hai em còn nhỏ, bà đánh đập hai em là phải tội. Bà làm thế mà coi được sao?". Bà Tám mặt đỡ hặm hực, cứ tảng lờ như không biết:

"Chuyện nhà tôi, mắc mớ gì cô mà cô nói".

Nhiều người thấy vậy mà bất đồng: "Bà Tám sai rồi, bao con ở bà đánh chúng thập tử nhất sinh cả xóm làng người ta đồn đại. Người ta biết, bà có dạy dỗ cũng đừng có đánh. Bà xem chúng bầm tím hết mình mẩy rồi kia. Bà làm vậy là phạm luật bạo lực trẻ em bà biết chưa?".

Bà Tám dửng dưng như không. Có lẽ bà ta đã quen với việc người ta trách móc. Nhưng bà Tám cũng chả quan tâm: 'Mấy người trả tiền rồi về. Định làm gì tôi, mà ở đây hoài vậy?".

Nhiều người thấy thì cứ lẳng lặng ra về như không quen biết, dần cũng lũ lượt về hết. Ai nấy chẳng thèm ngó ngàng, cứ mặc hai em ở vậy, thế nhưng cũng có vài người thương hai em, cho em chút tiền. Coi như để hai em có chút chăm lo bản thân. Tôi nâng hai em dậy, dìu em ngồi ghế, hai chị em nhìn nhau thương xót.

"Cảm ơn chị ạ". Bé Trúc nhìn tôi mỉm cười. Tôi cảm nhận sâu trong con người em. Một con người lạc quan nhưng đâu đó nỗi buồn không nói thành lời.

"Vậy tụi em định tính sao? Không lẽ cứ để bà đánh đập hoài vậy?".

"Tụi em mồ côi ba mẹ, từ bé đã sống ở đây rồi ạ. Bà nạt tụi em cũng nhiều rồi, tụi em quen mà". Bé mỉm cười, cố gắng che đậy nỗi buồn thầm lặng trong kín tâm hồn.

"Tại sao em cháu không vào cô nhi viện sống? Mấy người gần đó hỏi?", hai em lắc đầu, vẻ mặt buồn lắm. Có mấy người bảo rằng: "Chắc chắn phải đưa hai đứa nhỏ vào cô nhi sống. Để chúng ở đây thì ngày nào bà Tám chả mắng nhiếc, đánh đập".

Tôi ra về, hai em nhìn theo tôi chào tạm biệt. Mấy ngày sau, tôi ghé qua cô nhi viện, chợt tôi nhìn thấy hai gương mặt quen thuộc... là hai chị em đó ư? Đúng là hai em rồi, né Trúc gương mặt trong sáng, mặc trong bộ áo len trắng mới. Hai bé đáng yêu quá, cả hai đều đang cười thật hạnh phúc.

 Lòng tôi dâng lên niềm vui khôn cùng. Có lẽ ai đó đã đưa các em đến đây, cho các em một cuộc sống khác. Tôi vừa mừng, vừa ấm lòng. Đông nay lại trở lạnh, tôi lại dạo bước vội trên đường, xuyên qua màn mưa lạnh buốt.(st ione.vnexpress.net)

Tags:

StoriesofLife

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu