Nếu nhìn vào những biểu đồ bên dưới, chúng ta sẽ phần nào hiểu được tầm quan trọng của chỉ báo này.
Nghiên cứu trên thị trường Mỹ cho thấy, PMI có mối tương quan tương đối với GDP và SP500, hai chỉ số có tầm ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Biểu đồ 1: Mối quan hệ giữa PMI và GDP của Mỹ
Biểu đồ 2: Mối quan hệ giữa PMI và SP500 trên thị trường Mỹ
Kết quả tính toán cho thấy, tương quan giữa PMI và GDP Growth là 0.14 và tương quan giữa PMI và SP500 là 0.27.
Một điểm thú vị nữa khi tìm hiểu ảnh hưởng của PMI đến những chỉ báo lớn ở trên là dường như PMI có độ trễ trong tác động đến GDP và SP500. Kết quả tính toán cho thấy, tương quan giữa PMI và GDP tăng lên 0.17 với độ trễ 3 tháng và tăng lên 0.20 với độ trễ 6 tháng; tương tự vậy, tương quan giữa PMI và SP500 tăng lên 0.34 với độ trễ 3 tháng và 0.35 với độ trễ 6 tháng.
Biểu đồ 3: PMI có độ trễ nhất định trong tác động đến GDP và SP500
Như vậy, tìm hiểu ở thị trường Mỹ cho chúng ta những kết quả bước đầu lý giải tại sao nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến chỉ số PMI. Theo đó, chỉ số PMI là một chỉ báo để nhà đầu tư có thể dự đoán diễn biến tương lai của nền kinh tế và thị trường chứng khoán, khi PMI tăng trưởng nhà đầu tư sẽ dự báo kinh tế và chứng khoán trong 3 đến 6 tháng tới có thể diễn biến tích cực. Ngoài ra, tìm hiểu bước đầu này cũng cho thấy PMI có độ trễ trong tác động đến GDP và SP500 trong 6 tháng mạnh hơn 3 tháng và ngay tức thì.
Ở Việt Nam, tác động của PMI đến thị trường chứng khoán sẽ như thế nào?
Tác giả tạm chấp nhận hạn chế dữ liệu lịch sử ít của PMI Việt Nam để đi tìm hiểu những kết quả ban đầu. Kết quả tại Việt Nam cũng tương tự với thị trường Mỹ, mối tương quan giữa PMI và VNIndex đạt 0.30.
Biểu đồ 4: Mối quan hệ giữa PMI và VNIndex trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Như vậy, việc theo dõi chỉ số PMI cũng có thể cho phép nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào dự báo diễn biến tiếp theo trên thị trường chứng khoán.
*PMI – Purchasing Managers Index – là chỉ số tóm tắt kết quả một cuộc khảo sát doanh nghiệp hàng tháng. Chỉ số này được xây dựng trên dữ liệu thu thập hàng tháng từ những nhà quản trị mua hàng. Các nhà quản trị mua hàng sẽ phải lựa chọn một trong ba phương án: tốt hơn, không đổi, kém hơn cho danh sách những câu hỏi được thiết kế với nội dung liên quan đến đơn đặt hàng mới, sản lượng sản xuất, việc làm, lượng hàng tồn kho… Chỉ số này là tổng của số phần trăm các câu trả lời tốt cộng một nửa số phần trăm câu trả lời không đổi. Như vậy, nếu chỉ số bằng 50 điểm thì hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến câu hỏi đó không đổi so với tháng trước, trên 50 là tốt hơn, còn dưới 50 là tệ đi.
Nguồn: finandlife