Bài học về nghệ thuật phê bình từ tổng thống Lincoln

by Life25/03/2015 16:48

Thời trẻ, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) là một luật sư tài giỏi nhưng ngạo mạn và hiếu thắng. Ông thường viết những bài báo phê bình, châm chọc và phơi bày chuyện riêng tư của những người nổi tiếng thời bấy giờ.

Head shot of older, clean shaven Lincoln

Hôm ấy, Lincoln ngồi đọc bài báo mới đăng của mình nói về đời tư của một chính khách, vừa đọc vừa cười rất khoái trá vì nghĩ đến bộ mặt méo xẹo của người này khi biết chuyện đời tư của mình bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ.

Chiều hôm ấy, người đồng nghiệp cũng là bạn thân của Abraham Lincoln xô cửa chạy vào, vẻ mặt hốt hoảng, trên tay cầm phong thư vừa bóc, nói: “Cậu còn ngồi đấy mà cười đi, tôi đã nói rồi, đừng gửi đăng bài báo ấy nữa, cậu đã chọc ông ta nhiều lần rồi, lần này ông ta sẽ không để yên đâu”. Lincoln vênh mặt nói: “Tôi có nói gì sai sự thật đâu mà phải sợ, xem ông ta làm gì tôi”. “Đây, ông ta gửi thư nói muốn đấu súng với cậu, hẹn cậu 6h sáng mai ở bìa rừng. To chuyện rồi, giờ làm thế nào đây?”

Lincoln giật mình, lúng túng nhưng vẫn nói: “Có mỗi bài báo mà ông ta đã đòi đấu súng sao, tôi mà không đi thì thể nào cũng bị bêu riếu là hèn nhát, mai tôi sẽ đi”. Người bạn kêu lên: “Cậu có điên không, cậu không hiểu đấu súng có nghĩa là một trong hai người sẽ thiệt mạng sao?”. “Tôi biết nhưng phải làm sao đây?”, Lincoln vò đầu gục xuống bàn.

Sáng sớm hôm sau, Lincoln và vị chính khách kia cùng tới đúng giờ. Vị chính khách nói: “Anh rất đúng hẹn, chúng ta chẳng có gì phải nói với nhau. Sau cuộc đấu súng hôm nay, một trong hai chúng ta sẽ  bảo toàn được danh dự, anh sẵn sàng chưa?”.

Hai người phóng ngựa ra hai phía và chuẩn bị rút súng ra thì người bạn Lincoln phi ngựa tới, hét lớn: “Khoan đã, hãy dừng ngay lại, hai người điên cả rồi, chỉ vì một xích mích nhỏ đó mà phải đánh đổi cả tính mạng, thử hỏi có đáng không? Khúc mắc có thể giải quyết bằng nhiều cách mà đâu phải có mỗi cách này?”.

Lincoln lúc ấy mới hoàn hồn nói: “Cậu ấy nói đúng đấy thưa ngài, chúng ta không nên phí hoài mạng sống của mình. Sáng mai mời ngài tới văn phòng của tôi chúng ta sẽ giải quyết khúc mắc này”. Vị chính khách cũng bình tĩnh lại và đồng ý.

Sau bài học này, Lincoln đã nhận ra được đạo lý, từ đó ông không bao giờ chỉ trích người khác quá lời mà luôn tìm cách góp ý một cách nhẹ nhàng nhất, đồng thời sống hài hoà, không tỏ ra hiếu thắng. Sau này Lincoln có dạy các cấp dưới của mình rằng: “Một lời phê bình quá mức có thể đem lại những hậu quả khôn lường”. (Theo ANTĐ – giadinh.net.vn)

Tags:

StoriesofLife

Cái tết ngèo

by Life23/03/2015 17:14

Một buổi chiều tà đang dần bao trùm lên khắp thành phố, thấp thoáng chiếc bóng thon nhỏ kéo dài tận xa xa rồi bất chợt hòa vào bóng râm nơi gầm cầu, mất khuất. Trong khung cảnh tĩnh mịch, ánh sáng lờ mờ hắt từ mặt nước phản chiếu từ ánh đèn trên cầu, một giọng nói trầm ấm cất lên:

- Bữa nay mày bán được không mà sao vẻ mặt ủ rũ thế, nhóc Đô?

Bàn tay run run vì cơn lạnh trong tiết trời cuối năm, đôi mắt thâm quầng của nó từ từ nhìn lên rồi đáp lại trong thanh điệu ngập ngừng.

- Dạ... cũng đỡ hơn hôm qua chút chút. Thế còn ...chị Sang thì sao?

- Ui dào, tao thì có gì mà hỏi, mọi ngày như mọi ngày. - Chị nói trong sự buông xuôi, cứ như là cho có câu trả lời.

Cuộc sống dưới gầm cầu nơi phố phường thật vô vị và chán chường, cùng sự nhọc nhằn mưu sinh, thiếu vắng tình thương của những đứa trẻ cứ như là "sống tạm". Đêm xuống, ánh đèn đường bên kia đường hắt qua cũng đủ leo loét vài chùm sáng nhỏ nhoi. Như những sinh linh nhỏ bé đang cùng nhịp thở với thời gian, ngày này qua ngày khác vẫn như vậy, một vòng tuần hoàn của cuộc sống không chút hối hả, âm vị hay hi vọng cho ngày mai. Nhưng rồi thời gian cứ thế thấm thoát trôi đi, năm cũ cũng sắp qua đi để rồi một cái tết cổ truyền đang đến gần. Hình như đây cũng là một cái gì đó, hay là một chút sắc màu cho cuộc sống của chúng. Xuân đang về....

- Tết này mấy đứa có dự định gì không? - Chị Sang cất lời hỏi sau một hồi im lặng, mỗi người ngồi một xó xĩnh.

Tiếng nhao nhao của đám trẻ làm rộn ràng cả khu gầm cầu, đứa nào cũng muốn thỏa sức để những giấc mơ của mình được bay lên, dẫu cho là mơ hồ.

- Tao muốn được có quần áo mới, được đi đây đó diện cùng mọi người.

- Còn tao thì muốn được ăn một bữa thật thịnh soạn trong những ngày này.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những điều ước thật giản đơn, điển hình như nhóc Đô.

- Còn em muốn được dắt tay ba mẹ dạo quanh chợ hoa, quây quần bên nhau cắt chia những mẩu bánh chưng thơm lừng.

Cả đám lao xao với những lời tâm sự trẻ thơ, đôi chút xen lẫn giọt nước mắt tủi hờn âm thầm lăn nhẹ len vào cõi lòng tái tê.

Nhìn sang bên kia phố, trên con đường lớn trải dài với ánh đèn vàng sáng rực và rộng khắp. Từng dòng người xuôi ngược xen lẫn vào các hàng quán, khóm hoa, chậu kiểng... cùng những khúc hát mừng xuân rộn ràng bật lên một góc chợ hoa xuân ngày tết của Sài thành.

- Các em có muốn đi chơi chợ hoa với chị không nào?

Một đứa tỏ rõ sự hớn hở mà tán thành:

- Ý kiến hay đó chị Sang. Ban ngày tụi mình rong rủi khắp nơi kiếm tiền rồi, giờ cũng phải hòa mình vào niềm vui cùng mọi người chứ.

Đứa khác lại chen ngang...

- Nhưng mà mình đâu có tiền đâu chứ mà ra chợ.

- Giời à! Đâu nhất thiết phải có tiền mới đi được chứ! – Chị Sang trấn an nó.

- Phải ha, thì mình ra đó dạo quanh thưởng ngoạn cho vui thôi chứ có động chi đến mấy thứ đó.

Nói rồi cả đám nô nức tung tăng đến chợ hoa trong niềm vui sướng, quên hẳn đi sự khó nhọc từ sáng giờ và lo lắng về ngày mai.

- Ê nhìn kìa tụi bây, năm nay hoa mai nhiều ghê, có cả quất nữa kìa.

- Vui ghê ha, nhìn mấy bạn nhỏ đang tay trong tay cha mẹ dạo quanh các hàng quán kìa, trông họ mới thật hạnh phúc làm sao.

Đến đây, cả đám chợt lặng đi giây lát, sự mủi lòng làm những tâm hồn trẻ thơ ấy thắt lại. Một đứa trong nhóm cố xua đi nỗi ê chề ấy.

- Ôi! Những con cá cảnh này mới đẹp sao, tao mà có nó chắc tao phải kiếm một cái bể thật to cho nó tha hồ vùng vẫy.

- Hay là mày để dành tiền mua cá rồi thả xuống sông Sài Gòn nơi tụi mình đang ở đi.

Rồi cả bọn ồ cười lên trước sự bỡn cợt của đôi bạn, quên đi sự chạnh lòng vừa mới khi.

Đêm đã về khuya, màn đêm không thể giăng kín cả con đường hoa bởi ánh đèn đường mãi sáng, rồi những dây đèn đốt nóng vây kín cả vườn mai để hối thúc cây kịp ra hoa. Con đường mới nãy còn nhộn nhịp tưng bừng sắc xuân giờ đã vắng tanh, các chủ vườn đã yên giấc bên những cành hoa, các bạn nhỏ cũng đã quay về tự khi nào. Ánh trăng lồng lộng trên trời cao cùng muôn Vì sao lấp lánh xin hẹn đến mai lại đến khi bình minh lên cao. Cũng như không khí những ngày cuối năm nơi đây xin hẹn lại tối mai rồi sẽ lại tới, để chào đón những phút giây thiêng liêng trong giao thừa.

Trăng khuất, bình minh dần lên cao báo hiệu ngày mới bắt đầu. Ánh mặt trời vờn trên cành lá, những cánh hoa tươi tắn lóe sáng lên bởi giọt sương đêm đọng lại phản chiếu ánh nắng ban mai. Ong bướm nô nức kéo đến hòa mình vào sắc hoa ngào ngạt ngát hương nồng, bay nhấp nhô trên con đường hoa. Gió nhẹ nhàng đưa thoang thoảng dịu mát, làm những cành hoa đong đưa qua lại như đang đón chào một mùa xuân mới. Các chủ vườn vẫn với những công việc thường nhật, chăm sóc các chậu cây cảnh. Và các bạn nhỏ nơi gầm cầu cũng thế, vẫn tiếp tục trên con đường mưu sinh của mình trong ngày cuối năm.

- Báo đây! Báo đây! Báo với những trang tin về ngày xuân đây!

Với những tờ báo số xuân, chị Sang cùng những đứa khác như những cánh chim én trở về, đem mùa xuân sang nơi nơi. Bên cạnh đó, nhóc Đô cũng ra sức cho ngày cuối năm.

- Mời cô chú mua vé số ạ! Mua nhiều trúng nhiều ăn tết lớn, chúc cô chú gặp nhiều may mắn!

Những ngày cuối năm này ai ai cũng đều hớn hở vào ngày mai, ngày tết cổ truyền. Những cô cậu sinh viên háo hức trở về quê nhà sau một kỳ học căng thẳng, người đi làm luôn mong mỏi một điều là sẽ kiếm thật nhiều tiền để tết này được đầy đủ sung túc trong gia đình. Còn những em nhỏ lang thang trên phố thì sao? Họ muốn gì, cần gì và sẽ về đâu khi một phần thiết yếu của ngày tết là được sum vầy bên gia đình. Cuộc đời họ như bị mù quáng lối đi, "đi" để biết mình đang "chuyển động" chứ chẳng hề biết mình sẽ đi đâu về đâu? Như đang bị một đám mây đen vây kín không tìm thấy được niềm mơ ước, dù là nhỏ nhoi. Và rồi... hoàng hôn cuối cùng trong năm đang dần buông xuống, dốc màn đêm lạnh lẽo lên cả phố phường; kết thúc cho một ngày dài và khép lại một năm trời ròng rã. Nơi gầm cầu, những đứa trẻ đã tụ lại đông đủ sau một ngày phiêu bạt trên dòng đời.

- Chị Sang ơi! Tết này chúng ta sẽ tổ chức gì không?

- Tổ chức gì là sao? - Chị tỏ ra ngỡ ngàng trước câu hỏi ngây ngô của đứa em nhỏ.

- Thì...như là đi chơi hay là mua gì đó ngon hơn một chút để cùng ăn uống trong ngày ấy.

Ngẫm nghĩ chập lát, chỉ mới đáp lại.

- Ừm! Thì chị cũng tính kêu mấy đứa chung tiền lại mua vài cái bánh chưng để sáng mồng một chia nhau ăn cho có không khí ấy mà.

- Vậy chúng mình cùng góp lại đi, ai có ít nhiều gì cũng được.

. . . .

Cả đám chụm đầu lại để đề xuất đủ những ý kiến cho ngày mai thật rôm rả và hăng hái, dù không biết là thực hiện được bao nhiêu. Còn nhóc Đô thì đang co rúm lại xó khác. Lòng gợi buồn man mác khi những kí ức xưa chợt ùa về trong cô quạnh. Thấy vậy, chị Sang bèn tách ra sự sôi nổi bên ấy để đến bên ân cần hỏi han, sẵn sàng tâm sự cùng như một người chị thâm tình.

- Em làm sao vậy, tụi nó bên kia đang vui thế cơ mà?Nó vẫn rưng rưng nước mắt, đành quay mặt sang chỗ khác hòng lánh đi ánh mắt đồng cảm của chị Sang.

- Nhóc Đô này, chị đang nói chuyện với em mà. Có đau ốm gì không đấy?

- Em không sao đâu chị à, chẳng qua em thấy buồn nên vậy thôi!

- Tại sao vậy, có thể trải lòng cho chị cùng được không?

Lặng thầm một lát, nó ngước nhìn chị Sang rồi từ tốn trả lời.

- Gia đình em trước đây cũng thuộc dạng bình thường, đủ ăn đủ mặc bước qua ngày tháng. Nhưng khi gia đình gặp chút trở ngại trong kinh tế thì yên bình không còn trong mái ấm này nữa.

. . .

- Em cứ tiếp đi, cứ nói ra hết những nỗi niềm của mình em sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

- Trong những lúc thế này đáng lí ra ba mẹ phải cùng nhau vượt qua, ngặt nỗi ba em tỏ ra chán nản, rượu chè cờ bạc đến nỗi mang nợ đầy đầu. Những lần say xỉn về lại lôi mẹ ra chửi bới đánh đập, rồi từ đó em buộc phải chia tay mái trường thân thương.

Đến đây, bờ mi kia đã không ngăn được dòng lệ ứa ra hoen cay. Nhắm mắt cố ngăn lại dòng lệ tuôn trào, đành đưa tay gạt ngang những giọt nước mắt tủi hờn, nó lại tiếp...

- Sầu thảm, bị chấn thương sau những trận đòn ấy, mẹ cũng ra đi. Còn ba thì bị bỏ tù vì không xoay sở được số nợ cứ ngày mỗi lớn theo lãi suất, em đành trôi dạt lên đây mưu sinh nhờ một nhà thuyền buôn tốt bụng cho đi nhờ cùng với dăm ba đồng trong tay.

Không khí nơi đây thật ngột ngạt, cùng tiếng ồn ã trên cầu lại làm cho nơi đây thật não nề. Chị Sang cũng muốn xua đi những u buồn ấy nhưng không thể, bởi vì hoàn cảnh của chị cũng thật đáng thương như ai kia chẳng kém gì.

- Giờ nếu cho em một phần thưởng cuối năm, em sẽ muốn gì?

Nhóc Đô cười nhẹ trên bờ môi, coi đó là một chuyện đùa cho vui của chị. Bởi vì trước giờ cậu chưa từng được thưởng thết gì ngoài những phần thưởng học sinh giỏi trong những năm còn cắp sách đến trường. Chị Sang hỏi lại cứ như nửa thật nửa đùa.

-Thì em cứ nói thử xem!

- Em muốn... được về lại mái nhà xưa.

- Em vẫn còn luyến thương nơi ấy à?

- Ba em giờ chắc đã mãn hạn tù rồi, dù năm tháng qua căm hận ông ấy nhưng em vẫn muốn quay về đoàn tụ, bỏ qua tất cả để cùng đón một cái tết của dân tộc, thắp nén nhang cho tổ tiên và mẹ.

- Chị thật cảm động trước tấm lòng của em.

- Nhưng em biết sẽ không còn phần thưởng nào nữa rồi. Dù sao cũng cảm ơn chị đã lắng nghe những chuyện không vui của em.

Và hôm nay như những ngày trước đó, chợ hoa gần đó lại náo nhiệt hơn hẳn. Những chậu hoa cuối cùng đã được chuyển từ vườn lên đây hết. Trời càng về khuya càng rét, gió vẫn thổi từng cơn lạnh buốt, càng giá băng hơn cả tâm hồn thơ dại với những đứa trẻ đường phố. Một đứa hồng hộc chạy vào... 

- Chị Sang ơi, em đã mua về rồi đây!

Nhóc Đô đang lim dim ngủ thì bật dậy.

- Ủa? Khuya rồi mà còn mua đồ ăn về à?

- Có đâu, đây là tấm vé xe về Long An của em đó.

 Niềm vui bất ngờ từ tấm vé về quê mà bao ngày qua hằng ao ước làm nó khựng lại. Lòng rưng rưng nỗi xúc động, nước mắt lại rơi ra như thay cho lời muốn nói.

- Cảm ơn chị Sang, vậy là phần thưởng mà lúc nãy chị nói đây sao?

- Đúng vậy, nhưng không phải là của mình chị, mà đây là tấm lòng của tất cả các bạn ở đây dành cho em. Bọn chị đã bàn nhau và lấy ra một phần tiền quỹ ăn tết của chúng mình mua cho em đó. Hãy về quê sum vầy bên gia đình thật vui vẻ, em nhé!

- Cảm ơn! Cảm ơn chị, em sẽ không bao giờ quên ân tình này của mọi người. Em rất hạnh phúc về món quà này dù cho đó có là phần thưởng cuối cùng của mình.

- Thôi không còn sớm nữa. Em mau thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra bến cho kịp chuyến, ngay sáng sớm mai là em đã ở nhà mình và cùng nhau đón tết nồng ấm rồi.

Tại bến xe miền đông, quang cảnh về tết thật rộn ràng. Từng đoàn xe nối đuôi nhau rời bến đi về các tỉnh lẻ, rồi đây sẽ trở nên vắng lặng khi thâu đêm canh tàn hôm nay. Nhóc Đô lên xe về quê trong niềm hớn hở vui mừng trực trào. Xe chuyển bánh rời bến về lại quê nhà, người chưa đến nơi nhưng tâm hồn nó như đã nhảy múa hoan hỉ nơi đó rồi.

Vào thời khắc giao thừa, đám bạn nhỏ đường phố tập trung trên thành cầu cùng ngước mắt lên trời cao ngắm nhìn từng tràng phảo bông bắn tung tóe vang rần trời với đủ sắc màu.

Và hay chăng nhóc Đô cũng đang nhìn từ ô cửa kính xe ra nơi ấy, cùng đón giao thừa phút thiêng liêng. Tuy không kề bên tháng ngày nhưng con tim, ánh mắt luôn hướng nhìn về nhau. Cái tết của những đứa trẻ ấy thật nghèo về vật chất, nhưng nghĩa tình thì thật nhiều, chan chứa thật giàu có hơn gì hết.

 

 

 

 

 

Tags:

StoriesofLife

Bà Tư

by Life16/03/2015 13:19

Mặt trời chưa kịp nhú lên khỏi đằng Đông thì bà Tư đã lom com chuẩn bị cho ngày làm việc vất vả. Hôm nay bà và đứa cháu mới hơn hai tuổi sẽ đi ba điểm cũ: đầu chợ, siêu thị và một ngã tư có đèn xanh đèn đỏ. Bà nấu cơm, nước sôi đem theo để bươn chải cả ngày.

***

Căn nhà lụp xụp, rách nát là nơi nương náo của hai bà cháu. Bà Tư năm nay đã hơn tám mươi. Đứa nhỏ gọi bà bằng ngoại là con của đứa con gái xấu số. Con bà mất sau khi sinh, không lâu sau thì đứa thằng rể cũng bỏ bê đứa con ruột mà lấy người khác. Bên nội không ai muốn nhận nuôi vì cũng không giàu có gì, nên bà đằng ngậm ngùi ôm nắm ruột của đứa con gái duy nhất về nhà. Cuộc sống hàng ngày đã khó khăn, đem con bé về lại càng chật vật hơn, nhưng răng phải cắn, đắng phải nuốt, khổ phải cam. Nào tiền sữa, tiền tả, tiền thuốc men….đủ thứ tiền trên trời dưới đất. Túng quá, bà làm liều ra đường ăn xin.

Những ngày đầu, người đi đường thấy bà già khắc khổ mà thương, nên bà được kha khá để lo cho cháu ngoại vài hôm. Nhưng mấy ai lại có lắm tiền để cho bà hoài, hoặc dù có thì cũng bố thí cho người khác nữa chứ. Mấy hôm có mưa, bà mặc áo mưa ngồi dầm dề cứ mặc cho mưa tạt, mưa trút xối xả xuống người. Bà nghĩ thấy càng tội càng tốt. Không ngờ hôm sau bà bệnh nặng, nóng, sốt, ho, nhức đầu. Bao nhiêu tiền xin được đều nhờ hàng xóm mua thuốc uống. Lúc đó bà khóc, bà trách ông trời sao không cho bà chết quách đi cho xong, để bà sống làm chi mà đày đọa bà quá. Nhưng khi nhìn qua cháu ngoại, bà lại thương “mình chết rồi ai lo cho nó?”. Đứa cháu mỗi lúc một lớn thêm, cần thêm nhiều thứ nữa. Thế là thành ra, bà ngồi ngoài đường mỗi ngày. Con bé lớn thêm tí nữa, nghe lời người ta, bà dẫn nó theo để thêm phần khổ sở cho thiên hạ thương. Ban đầu nó quấy khóc vì nắng, vì mệt, vì khói bụi, nhưng rồi cũng quen.

Cơm nước đã xong, bà Tư vào buồng lay đứa cháu thức dậy để chuẩn bị theo bà. Nó cứ ngoeo nguẩy muốn ngủ thêm chút nữa. Bà chậc lưỡi tội nghiệp “nó tuổi ăn tuổi ngủ mà”. Nhưng cũng phải đi vì ở nhà không ai lo cho nó. Tay trái bà xách cái túi cũ mềm đựng cà mèn cơm và bình nước, tay phải dắt đứa cháu, bà đội cái nón lá rách tươm, dù trời rất nóng nhưng bà mặc đến hai cái áo bà ba. Gương mặt bà nhăn nheo, đôi mắt đã không còn nhìn rõ lắm, miệng đã móm vì không còn răng, những nếp nhăn điểm lên sự khắc khổ một đời bà phải chịu. Lưng khom khom, bà bước đi vội nhưng không nhanh trên đôi dép đã mòn gót. Dụng cụ hành nghề của bà đơn giản lắm, chỉ cần lót đôi dép, ngồi xuống rồi lật ngược cái nón lá lại, chìa ra ngoài là xong. Bà phải đi sớm vì giờ này chợ đông. Xế trưa thì ít người hẳn, mà nắng lại gắt hơn nên bà cùng cháu đi sang siêu thị. Con nhỏ cũng lăng xăng theo bà ngoại, có khi nó nghịch phá bà phải la nó, nhưng bà yếu quá, nó có chịu nghe bà đâu. Chiều nắng dịu, bà dẫn cháu đến chỗ ngã tư giao nhau của đường Nguyễn Đáng và Kiên Thị Nhẫn. Mỗi khi đèn đỏ, người ta dừng lại, thấy bà đang ôm đứa cháu nhỏ nằm ngủ, động lòng rồi cho vài ba ngàn. Có khi ngồi đến tối, trời nổi gió lạnh, nhưng trong nón chỉ có ba bốn tờ một ngàn. Hôm nay cũng vậy, đi cả ngày mà bà chỉ được cho mười một ngàn. Đứa nhỏ đang nằm ngủ ngon lành trên tay bà sau khi khóc đòi đi qua bên kia đường chơi. Bà Tư quay sang hỏi chú xe ôm:

-  “Mấy giờ rồi chú?”

-  “Sáu giờ rưỡi rồi bà ơi!”. Bà gật đầu để đáp lại, rồi nhìn vào cái nón lá, xong bà thở hắc ra lắc đầu “Ngày mai biết ăn gì đây?”

Bà Tư gọi con bé dậy, gom tiền bỏ vào túi áo bà ba, rồi bà đứng dậy, xỏ chân vào dép, đội lại cái nón lá lên đầu. Bà khom xuống cần lấy cái túi trên tay trái, tay phải bà lại nắm bàn tay nhỏ nhắn của đứa cháu. Bà lê từng bước về nhà, lần này bà không cần vội. Ánh đèn đường leo loét in bóng hai bà cháu xuống mặt đường nhựa như một chiếc lá nâu sắp lìa cành, và một chiếc lá xanh nỏn mới vừa nhú lên dắt díu nhau đi qua những năm tháng lao khổ của cuộc đời.(st truyenngan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

Lòng tin là vô cùng quan trọng

by Life27/02/2015 10:30

Lòng tin và sự chân thành giúp mỗi người thành công hơn trong cuộc sống.

Luck và Carter là bạn thuở nhỏ, lớn lên Luck đi làm ăn xa còn Carter ở lại quê nhà mở một lò cơ khí nhỏ làm và bán các loại đinh ốc vít nối nghiệp cha. Một lần Luck về quê và đến thăm Carter.

Ngồi uống chén trà trong cửa hàng chật chội, nóng nực của bạn, Luck thấy khó chịu, nhất là cứ vừa nói chuyện Carter vừa bán hàng, khách ra vào rất đông nhưng toàn mua vài con ốc giá chỉ mấy đồng xu nhưng Carter rất nhiệt tình. Luck nói với bạn: “Buôn bán như anh đến bao giờ mới giàu, có vài con ốc giá mấy đồng xu lẻ mà anh mất công hì hục tìm kiếm, cười nói, tay chân, quần áo thì lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ”. Carter chỉ cười còn Luck thì cáo từ luôn.

Hai năm sau, Luck trở về nhà trắng tay vì buôn bán chộp giật, làm giàu bằng mọi cách. Khi đi qua nhà Carter, Luck không tin vào mắt mình khi nhìn thấy một toà nhà cao lớn sừng sững có biển đề tên công ty thay vì quán hàng nhỏ chật chội khi xưa. Carter giờ đã là giám đốc của công ty sản xuất đinh ốc vít lớn nhất trong vùng, Luck nghĩ mãi cũng không thể hiểu người cù lần, chậm chạp như Carter sao mà có thể thành công như vậy được.

Vào thăm bạn, Luck tận mắt chứng kiến những đơn hàng với giá trị khổng lồ của công ty Carter, Luck nghĩ phải tìm ra bí quyết thành công của bạn. Carter rất vui vẻ khi gặp lại bạn cũ, anh mời bạn vào nhà uống trà. Đang nói chuyện thì một người công nhân người đầy dầu mỡ chạy xộc vào, tay cầm một con ốc đưa cho Carter và hỏi: “Ở đây ông có con ốc này không?”. Carter vội đứng lên, cầm con ốc, xem xét rồi bảo: “Loại ốc này là loại rất lâu rồi, giờ rất ít nơi sản xuất nó, anh có cần nhiều không?”. Người công nhân trả lời: “Tôi chỉ cần một con thôi ạ”. Carter bảo: “Anh ngồi đây, chờ tôi một lát tôi tìm cho”.

Luck ngồi yên quan sát và nghĩ trong đầu: “Thì ra bí quyết làm giàu là đây, nói rằng hàng này hiếm, rồi mất công tìm, rồi tìm thấy và bán với giá cắt cổ. Thì ra là vậy, tưởng gì”.

Mười lăm phút sau, Carter mới đi từ dưới kho lên, người nhễ nhại mồ hôi và tay đầy dầu mỡ, hồ hởi cầm con ốc đưa cho người công nhân: “Xin lỗi anh phải chờ lâu, tôi phải xuống tận kho mới tìm thấy, loại này lâu lắm rồi mà”. Người công nhân vui mừng cảm ơn Carter rối rít rồi hỏi giá. Khi nghe Carter nói giá 5 xu, Luck há hốc mồm ngạc nhiên. Luck hỏi: “Giờ anh đã là ông chủ lớn rồi mà chỉ vì một con ốc giá 5 xu sao phải mất công sức như vậy?”.

Lúc này Carter mới mỉm cười nói: “Anh bạn ạ, 5 xu chỉ là giá cả của một con ốc nhưng không phải giá trị của một khách hàng. Phục vụ khách hàng phải phục vụ bằng cả tấm lòng và sự chân thành của mình như vậy họ mới tin tưởng và gắn bó với mình. Lần này anh ta chỉ mua một con ốc nhưng tôi tin lần sau có thể anh ta sẽ mua vài trăm vài nghìn con ốc, nhưng quan trọng là bất cứ khi nào cần họ sẽ tìm đến mình. Khách hàng lớn mà anh thấy lúc đầu đó chính là một người khách cũ cũng đến mua một con ốc của tôi trước đây”.(st giadinh.net.vn)

Tags:

StoriesofLife

Nhớ tết xưa ngồi nhuộm áo

by Life25/02/2015 08:56

Sáng nào ngoại tôi cũng lom khom đi xé lịch trên tường để đếm ngày đếm tháng. Trong những ngày năm cùng tháng tận, ngoại thường nói, "sắp hết năm rồi bây ơi". Chập choạng ít hôm nữa là ăn tết rồi. Ngày tháng thoi đưa...

***

Mỗi lần nghe ngoại "cảnh báo" về thời gian chuẩn bị tết, tuy lòng biết rõ còn bao nhiêu hôm nữa là đón giao thừa nhưng lòng vẫn bồn chồn như hồi còn trẻ con. Những ngày lưng chừng xuân như thế, tôi lại nhớ về làng Dương nơi cù lao Bắc Phước, ở đó tuổi thơ tôi đã đón những mùa xuân bình yên đầy sắc màu.

Ngày xưa cù lao chưa có cầu, muốn đi lại giao lưu với các vùng khác phải đi đò. Cứ mỗi mùa xuân tôi thường đứng ở bến đò đợi mẹ đi chợ về. Từng chuyến đò ngang chở hàng về cù lao đầy màu sắc. Hoa tươi nào là cúc, vạn thọ từ An Lạc, Đông Hà đưa về; hoa giấy từ Phường Lang đem qua. Những gói cổ, bánh thuẫn của các bà bán rong luôn làm những đứa trẻ như tôi thèm thuồng. Tôi chờ mẹ để lấy con tò he xanh đỏ mà mẹ hứa ở nhà trông đàn lợn sẽ mua. Những đứa trẻ làng Dương đều có ước muốn như vậy, vì ngoài điều đó sẽ chẳng trông đợi được điều gì nữa khi áo mới, quần mới, bánh kẹo, bóng bay từ chợ tỉnh là một thứ xa xỉ.

Ngoài con tò he xanh đỏ của mẹ, lũ trẻ chúng tôi còn đợi một điều trong dịp tết là "làm mới áo quần" bằng cách nhuộm. Một năm học mẹ chỉ mua một bộ áo quần. Bộ còn lại của anh hai bị ngắn cho tôi. Cả năm mặc đi mặc lại chỉ chừng đó nên việc bạc màu, bị dính mủ mít, mủ chuối làm cho những chiếc áo, quần trở nên nham nhở là điều khó tránh khỏi. Tôi nhớ mỗi lần đi học về là thay áo quần ngay, nếu bẩn thì giặt, không thì mắc lên, vuốt ve một cách tươm tất để hôm khác mặc. Có hôm không đến trường được cũng vì mùa đông mưa dầm dề áo quần phơi không khô.

Chẳng riêng gì mấy anh em, ba mẹ cũng vậy, mặc những đồ rách, vá. Riêng bộ đồ "nhất" ba mẹ luôn mặc khi có việc như các ngày giỗ, cưới hỏi và ngày tết.

Khi công việc đồng áng xong xuôi, ngoài việc gói bánh, làm bánh in, bánh thuẫn thì ba tôi nấu một nồi nước phẩm để "luộc" lại áo quần. Những lon phẩm màu từ thuở nào nằm trong xó bếp giờ đưa ra lại làm cả nhà ngạc nhiên, hăm hở đợi chờ "sự hoá phép", làm mới áo quần.

Cái áo trắng của anh hai năm qua đầy mủ chuối giờ thành áo xanh của tôi, cái quần xanh bạc phếch nhuộm đen để xoa đi những vết xước, láng mòn do ngồi mài trên ghế lâu ngày. Nồi nước luộc sôi sùng sục, mùi hắc xông lên khó chịu nhưng ai cũng muốn chính tay mình làm một bộ cánh mới đi khoe với đám bạn trong ngày mùng một tết.

Nhuộm xong phơi lên sào, bắc chiếc ghế ngồi một bên đợi. Không phải sợ mất mà vẫn ngồi đợi. Đợi xem khi áo khô cái màu nhuộm có vừa ý mình không, nếu không thì lại nhuộm, rồi lại phơi... Để cho chỉnh chu một chút nữa tôi thường qua nhà hàng xóm mượn cái bàn là đốt than về là cho đẹp. Ở nông thôn ngày xưa mà có bàn là bằng đồng quạt than là thuộc loại giàu có. Vừa là vừa quạt than, bụi than bay mù trời. Đứa nào cũng sợ lửa than rơi cháy áo, cháy quần chứ chẳng sợ khói, bụi.

Tôi đã có những cái tết như thế. Tết cả nhà ngồi nhuộm áo cho nhau. Những chiếc áo từ năm nào khi tết trở thành áo mới như mua từ chợ tỉnh. Trong khói hương trầm và mùi bánh chưng, nếu tinh tế một chút sẽ ngửi thấy mùi ngai ngái của thuốc nhuộm. Sáng đầu năm, nhìn ai cũng có một bộ áo quần mới. Tay bắt mặt mừng, cứ khoe nhau xem đứa nào nhuộm đẹp hơn. Có đứa ôm mặt khóc nức nở khi phát hiện áo mình bị rách do vết sờn...

Có nhiều cái tết đầm ấm đi qua. Những sắc màu, hương vị của tết luôn làm mỗi chúng ta phải hoài niệm về một thời xa xưa. Quê hương giờ đã đổi sắc. Không biết tết này có ai còn nhuộm áo cho ai?(st truyengan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu