Lượng margin hiện nay có thật sự đáng ngại?

by finandlife22/10/2014 15:33

Dear quí anh/chị

Theo thống kê của trang Đầu Tư Chứng Khoán (link), tại ngày 30/9/2014, ước tính số dư cho vay margin của tất cả các công ty chứng khoán trên thị trường xấp xỉ khoảng 21,000 tỷ đồng. (riêng 22 công ty chứng khoán trong danh sách đã đạt 13,900 tỷ đồng).

Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức và chính xác về dư nợ margin của tất cả các công ty chứng khoán tại Việt Nam. Nhưng con số 21,000 tỷ đồng trên của ĐTCK là mới nhất hiện nay và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng đầu tư . Nếu chúng ta giả định rằng, đây là con số tương đối phù hợp. Vậy: 21,000 tỷ đồng dư nợ margin có đáng lo ngại?

Trang ĐTCK đã so sánh con số dư nợ margin giả định này với vốn hóa thị trường. Kết quả, 21,000 tỷ đồng chỉ tương đương với 1.72% của vốn hóa thị trường. ĐTCK đã nhìn vào con số 1.72% này và kết luận: Không đáng lo ngại.

Trước khi kết luận, chúng ta cần điều chỉnh lại một chút. Không nên dùng con số vốn hóa thị trường chung chung để đem so sánh với qui mô dư nợ margin, cần phải điều chỉnh vốn hóa thị trường theo tỷ lệ Free Float mới đảm bảo được ý nghĩa của việc so sánh. Ví dụ: GAS, công ty này có vốn hóa hơn 200,000 tỷ đồng, nhưng sở hữu của nhà nước (PVN) lại chiếm đến 96.7%, để việc so sánh có ý nghĩa, chúng ta cần loại bỏ những lượng cổ phần “bị đóng băng” này.

Sau khi điều chỉnh theo free float, vốn hóa thị trường điều chỉnh để sử dụng cho việc so sánh chỉ còn 422,770 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 1,219,800 tỷ đồng trước điều chỉnh. Theo đó, dư nợ margin toàn thị trường (con số ước lượng) 21,000 tỷ đồng sẽ tương đương với 5% vốn hóa thị trường sau điều chỉnh.

5% giá trị thị trường chứng khoán hiện nay được tài trợ bởi nợ vay. Đây không phải là điều đáng lo ngại.

Nhưng áp lực giải chấp vẫn hiện hữu như một bóng ma ám ảnh tất cả chúng ta. Một phần, margin tập trung chủ yếu ở các mã cổ phiếu lớn, được giao dịch sôi động: GAS, PVD… Bất chấp việc tỷ lệ margin về mặt bằng chung là không đáng lo ngại, mỗi khi thị trường điều chỉnh đáng kể như tuần qua, áp lực giải chấp lại hiện lên rõ nét ở những cổ phiếu phổ biến nhất. Ở một khía cạnh khác, sự ám ảnh giải chấp còn bắt nguồn từ tâm lý chung của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư hiện nay rất quan tâm đến áp lực giải chấp mỗi khi thị trường giảm điểm mạnh. Dù họ chưa bị call margin, nhưng họ lại lo ngại nếu thị trường tiếp tục giảm, nhiều người khác sẽ bị call margin và kéo thị trường xuống nhanh hơn.

Dư địa cho vay margin còn khá lớn.

Chúng tôi còn phát hiện ra một vấn đề khác rất đáng lưu ý: Danh sách 22 công ty chứng khoán hàng đầu ở phía trên, tính đến hết 30/9/2014 đang có tổng vốn chủ sở hữu đạt 27,200 tỷ đồng. Theo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán mà Ủy ban chứng khoán nhà nước đã ban hành, các công ty này có thể cho vay ký quỹ với giá trị gấp 200% vốn chủ sở hữu, tức là khoảng 54,400 tỷ đồng. Nhưng cho đến nay, dư nợ margin của 22 công ty này chỉ đạt 13,900 tỷ đồng, tương đương 25.6% giá trị có thể cho vay, hay chỉ bằng 51% tổng vốn chủ sở hữu tại các cty chứng khoán này. Chúng tôi ước lượng, vốn chủ sở hữu của tất cả các công ty chứng khoán hiện nay vào khoảng 41,000 tỷ đồng, dư nợ cho vay margin tối đa sẽ đạt khoảng 82,000 tỷ đồng. Với con số dư nợ margin mà chúng ta đã ước lượng hiện nay khoảng 21,000 tỷ đồng, thị trường chứng khoán còn dư địa cho vay margin là rất lớn: 61,000 tỷ đồng.

Kết luận:

Dư nợ margin của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là không lớn. Nhưng giá trị margin lại có tính tập trung cao và có ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý chung của nhà đầu tư.

Dư địa cho vay margin của thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá lớn, ước lượng vào khoảng 61,000 tỷ đồng, gấp 3 lần dư nợ margin hiện nay.

Trên là nhận chúng tôi về vấn đề: Dư nợ margin hiện nay có đáng lo ngại cho thị trường? Xin chia sẻ với quí anh/chị như vậy để cùng nhau nắm bắt rõ hơn tình hình thị trường hiện nay.

Chúc quí anh/chị thành công

Analyst Nguyễn Văn Tiến, VFS Research

Tags:

Economics | Psychology

Cách đầu tư theo lý thuyết chu kỳ

by finandlife12/10/2014 10:28

Nhìn vào 6 chỉ số mà Fedelity sử dụng để xác định chu kỳ kinh doanh, có thể nói rằng, kinh tế Việt Nam đang chuyển tiếp từ trạng thái suy thoái (RECESSION) sang trạng thái sớm (EARLY). Theo đó, 5 trong 6 biểu hiện cho thấy nền kinh tế đang trong trạng thái EARLY như: (1) GDP và sản xuất công nghiệp phục hồi (2) Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trở lại (3) Chính sách kinh tế kích cầu (4) Tồn kho đang ở mức thấp (5) Doanh số bắt đầu tăng. Tuy nhiên, vẫn còn 1 biểu hiện của thời kỳ RECESSION là tín dụng vẫn chưa tăng nổi.

Điều này cũng phù hợp với lý thuyết chu kỳ của Kondratieff. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mùa từ “Mùa Đông” sang “Mùa Xuân”.

Lãi suất đã giảm mạnh trước đó, sau đó tăng do những khó khăn thanh khoản hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011, và hiện nay giảm về vùng rất thấp. Diễn biến này khớp với chu kỳ “MÙA ĐÔNG” và “MÙA XUÂN”. Lưu ý: Việt Nam chưa xảy ra khủng hoảng tín dụng thật sự, nhưng sự mất thanh khoản và hệ thống đặt trước vấn đề sống còn trong năm 2011 được xem như “cuộc khủng hoảng tín dụng kiểu Việt Nam”.

Tăng trưởng tín dụng đang rất chậm chạp, phù hợp với chu kỳ của “MÙA XUÂN”.

Lạm phát giảm rất nhanh và đang duy trì ở vùng thấp, phù hợp với chu kỳ của “MÙA ĐÔNG”. Lưu ý, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nên không xảy ra giảm phát hoàn toàn, hiện tượng lạm phát thấp như hiện nay cũng được xem như “giảm phát kiểu Việt Nam”.

Lòng tin người dân: Sau giai đoạn lo lắng, sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng, hiện Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn “lòng tin mong manh”, phù hợp với chu kỳ “MÙA XUÂN”.

Một điểm lý thú và mang tính ứng dụng hữu ích của cả 2 lý thuyết chu kỳ này là việc phân bổ danh mục đầu tư vào từng lớp tài sản. Với từng trạng thái kinh tế khác nhau, tác giả khuyến nghị chúng ta nên lựa chọn những loại tài sản khác nhau nhằm tối ưu hóa lợi ích mà tài sản đó mang lại. Theo đó, với trạng thái kinh tế hiện tại của Việt Nam, chúng ta nên lựa chọn việc mua vào cổ phiếu, hạn chế giữ trái phiếu và gửi tiền tiết kiệm vì giá cổ phiếu thường tăng trưởng rất mạnh trong giai đoạn này. Liên hệ thực tế tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự tăng điểm ngoạn mục của thị trường chứng khoán trong 1 năm qua, và xu hướng này chưa sớm dừng lại, chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên mua vào cổ phiếu.

 

Nguồn: finandlife

Tags: ,

Economics | Psychology

Nhà đầu tư chỉ muốn được “rỉ tai” để… lướt sóng?

by finandlife14/08/2014 13:14

Đây là bài viết mới của finandlife đăng tải trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số 14/08/2014.

------------------------------------

Việc tư vấn đầu tư phải được tiến hành một cách chuẩn mực, bài bản và đâu ra đó. Từ những câu hỏi để xác định khả năng chấp nhận rủi ro và tỷ suất sinh lợi mong đợi trong 6 tháng, 1 năm tới, cho đến giai đoạn tìm kiếm những tài sản có mức độ rủi ro và tỷ suất sinh lời phù hợp, và phối hợp những tài sản đó lại với nhau trong một danh mục hoàn hảo…

Với hàng loạt công việc đòi hỏi độ chính xác, nghệ thuật và chuyên cần, tư vấn đầu tư luôn là một lĩnh vực mà hầu hết người ta nghĩ đến với sự chuyên nghiệp và sạch sẽ. Tuy nhiên, điều đó sẽ không hoàn hảo ở Việt Nam.

Trong bán hàng, người ta hay bảo “hãy bán thứ mà khách hàng muốn”. Khẩu vị khách hàng ở Việt Nam là gì? Hầu hết họ là nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên sâu về tài chính, chứng khoán. Họ là những người cầm tiền vào thị trường với mong muốn kiếm lãi thật nhanh và thoát khỏi thị trường bất cứ lúc nào. Họ là nhà đầu tư ngắn hạn, những tay chơi cổ phiếu thứ thiệt.

Vì phải phục vụ một tầng lớp khách hàng như vậy, nhà tư vấn đầu tư ở Việt Nam buộc phải thay đổi chính mình. Nhà tư vấn chuyển từ việc phân tích chi tiết, kỹ càng, thận trọng sang tư vấn nhanh, thông tin càng nóng hổi càng tốt, rỉ tai càng hay càng được việc… Và hậu quả là gì? Toàn thị trường không còn mấy ai quan tâm đến hàn lâm, làm việc cật lực, siêng năng, cân nhắc kỹ càng vào từng cơ hội đầu tư. Những nhà phân tích đi theo hướng này hầu hết là những người đam mê, đạo đức nghề nghiệp tốt và làm việc để thỏa con người nghiên cứu, nhưng đến khi sản phẩm hoàn thiện được công bố rộng rãi, nhà đầu tư đều lắc đầu. Họ phàn nàn “báo cáo dài quá”, họ chỉ hỏi “tóm lại là sao, mua hay bán, mục tiêu lãi bao nhiêu, trong bao lâu?”. Mong muốn của khách hàng luôn là chính đáng, người bán hàng luôn tìm cách để thỏa mãn nhu cầu khách hàng, và cuối cùng họ cũng chỉ tổng kết lại những dòng cơ bản nhất để rỉ tai nhau.

Peter Lynch, tác giả cuốn sách One Up On Wall Street, có lần nói rằng “những tuyên bố không chính thống, hoặc những tin tức được vò nát trong một loại giấy rẻ tiền luôn có sức thuyết phục hơn những tuyên bố chính thống, được trình bày đẹp đẽ trên một loại giấy đắc tiền”, nghịch lý đó rất đúng trên chứng trường Việt Nam. Và khi điều này trở thành xu hướng kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, những nhà tư vấn, đặc biệt là các bạn môi giới sẽ tận dụng triệt để tâm lý tiêu dùng này để “sáng tạo” những câu chuyện ly kỳ về cổ phiếu, về những dự án trên mây và khả năng tìm kiếm lợi nhuận siêu lớn trong thời gian rất ngắn để rỉ tai khách hàng và kích thích họ giao dịch.

“Liệu quy luật thị trường có đào thải họ?” Điều đó có thể xảy ra, nhưng chưa thể triệt tiêu cách làm này ở hiện tại, khi mà khách hàng vẫn mong muốn được nhận càng nhiều tin giật gân, tin rỉ tai càng tốt. Điều đó có nghĩa “khách hàng chỉ chuyển từ nhà tư vấn đã mất uy tín sang nhà tư vấn chưa mất uy tín”. Và thị trường chứng khoán vẫn thế, vẫn đầy rẩy những tin rác, đầy rẫy những tin tức khó tin nhưng rất được trọng dụng…

Nhiều nhà tư vấn đầu tư đang an ủi nhau. Dù sao đi nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam như cậu thiếu niên đang lớn và rất dễ mắc những sai lầm. Hãy chấp nhận những xu hướng bất khả kháng trên con đường trưởng thành, tạm gác những kiến thức bài bản kia cho đến khi khách hàng thích đầu tư thật sự thay cho thị hiếu “rỉ tai” để lướt sóng…

Bài liên quan:

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những thay đổi về chất

 

Nguồn: finandlife|TBKTSG

Tags:

Psychology | StoriesofLife

Great Graphic|The Average Investor Underperforms

by finandlife30/07/2014 09:00

Có vẻ khó tin nhỉ? Nhưng thống kê của Black Rock lại cho thấy trung bình nhà đầu tư hoạt động kém hơn thị trường đến 5.7%/năm. Nếu nhà đầu tư tự mình kiếm tiền từ thị trường chứng khoán, họ chỉ kiếm được 2.1%/năm, thấp hơn cả lạm phát 2.6%, thấp hơn cả vàng 7.7%...

Khoảng cách giữ tỷ suất sinh lời nghèo nàn mà nhà đầu tư tự mình kiếm được so với những tài sản khác là do yếu tố về tâm lý, hành vi. Trong một nghiên cứu của tôi về hiệu ứng ngược (Disposition Effect), nhà đầu tư thường thích thú bán sớm những cổ phiếu có lời và ngại ngùng bán những cổ phiếu bị lỗ. Đây là hành vi bất hợp lý, vì những cổ phiếu có lãi kia thường lại tiếp tục ghi nhận sự tăng giá sau khi bị bán ra, trong khi đó, những cổ phiếu bị lỗ thường lại tiếp tục giảm giá. Tất cả những quyết định bất hợp lý đó là do tâm lý, hành vi của nhà đầu tư.

Đó là lý do tại sao “các bạn nên ủy thác đầu tư cho người chuyên nghiệp”.

 

Nguồn: Finandlife

Tags:

Psychology | StockAdvisory

Đóc giúp bạn|Tại sao nhà đầu tư đưa ra những lựa chọn sai lầm?

by finandlife12/04/2014 08:20

Đây là một bài dịch của Hồng Tuyết, Đầu Tư Chứng Khoán của bài “Why Do Investors Make Bad Choices?” trên Bloomberg. Tài chính hành vi vẫn là nhân tố dẫn dắt hầu hết quyết định mua bán ngắn hạn của nhà đầu tư.

Bài này có đề cập đến “hiệu ứng ngược” như tôi đã từng viết trước đây, trong bài “Tâm lý chốt lãi và thực tế thua lỗ”. Theo đó, nhà đầu tư có xu hướng bán sớm những cổ phiếu lời để chứng tỏ sự khôn ngoan và đúng đắn của mình, trong khi đó, họ lại nắm giữ quá lâu những cổ phiếu thua lỗ, vì họ không dám đối mặt với thất bại.

-----------------------------

Giáo sư Cass R. Sunstein của Đại học Robert Walmsley thuộc Harvard Law School, người từ lâu tập trung nghiên cứu hành vi con người gồm cả những quyết định sai lầm do nhà đầu tư tạo ra, cũng đã từng mắc sai sót trong đầu tư.

Đó là thời điểm năm 2011, khi thị trường chứng khoán đang dần phục hồi từ những tàn tích khủng khiếp trong thời kỳ đại suy thoái. Nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường lại trở nên bấp bênh, khiến vị giáo sư trở nên lo lắng, liệu rằng thị trường có sụp đổ một lần nữa?

Sở dĩ Cass R. Sunstein lo sợ vì trên vai ông còn là cuộc sống của gia đình nhỏ với 3 đứa con thơ. Sunstein băn khoăn liệu có nên bán tất cả tài sản và bỏ chúng vào một chứng chỉ tiền gửi an toàn, đáng tin cậy hơn không?

Rõ ràng, các nhà kinh tế học đều hiểu rõ nếu bạn đầu tư vào cổ phiếu, bạn nên lựa chọn những tổ chức được quản lý chặt chẽ, các quỹ chỉ số đa dạng cao. Sunstein cũng không ngoại lệ khi tính toán từng bước kỹ lưỡng như thế. Song, chứng kiến giá trị quỹ giảm mạnh, Sunstein đã đưa ra quyết định bán một số tài sản quan trọng. Trước khi hành động, Sunstein đã gửi email đến người bạn Richard Thaler, nhà kinh tế học hành vi, đồng thời là đồng tác giả với ông trong cuốn "Nudge" để xin lời khuyên. Kết quả câu trả lời của Thaler là "hãy đọc lại sách của chúng ta".

Sunstein hiểu những gì mà anh ta nói nhưng đối với ông, nó vẫn khá mơ hồ vì cuốn sách đó vốn đã xuất bản từ lâu. Không chần chừ, Sunstein quyết định tiến hành bán số tài sản đó như đã định. Sau khi tin tức lan truyền đến tai Thaler, anh ta đã kêu lên với Sunstein, "Tại sao anh lại bán đi? "Nudge" giải thích rằng anh không nên bán".

Kết cục, đến nay quỹ đầu tư mà Sunstein bán đi tăng xấp xỉ 66%. Và Thaler đã đúng.

Trong quá trình nghiên cứu hành vi con người trong đầu tư, Sunstein tìm ra 3 nguyên nhân chính. Trong đó, cái đầu tiên được gọi là "sự thiên vị cái có sẵn".Những nhà khoa học hành vi đã chỉ ra rằng, nếu điều gì đó xảy ra trong quá khứ gần đây, đó là nhận thức "có sẵn" và người ta thường có khuynh hướng khuếch trương khả năng điều đã xảy ra sẽ tái hiện một lần nữa trong tương lai.

Thiên vị cái có sẵn không hẳn là sai lầm nhưng nó có thể gây ra sai sót. Mặc dù thị trường chứng khoán đã từng sụp đổ năm 2008, nhưng dấu hiệu sụp đổ không xảy ra thường xuyên. Theo vị giáo sư, lẽ ra ông không nên quá chú tâm đến nguy cơ của sự đổ vỡ tiếp theo.

Sai lầm thứ hai Sunstein phạm phải có liên quan đến "cảm giác mất mát". Nghĩa là con người thường ghét những thất bại xảy đến với mình, thậm chí cảm giác ghét còn nhiều hơn so với cảm giác thích thú trước lợi nhuận tương đương. Thứ cảm giác đột nhiên đánh mất 10.000 USD sẽ khiến bạn khủng hoảng hơn cảm giác sung sướng khi thu về 10.000 USD.

Trớ trêu thay, nếu chúng ta đưa ra quyết định dựa trên cảm giác mất mát, sẽ chỉ khiến ta trở thành những kẻ thất bại. Khi thị trường cổ phiếu có dấu hiệu giảm, bạn muốn ngăn chặn việc thất thoát thì kết quả là bạn sẽ mất nhiều hơn nữa.

Hành vi thứ ba là "bỏ bê xác suất".Con người thường chú trọng đến những kịch bản của trường hợp xấu nhất, đặc biệt khi cảm xúc của họ đang ở cao trào, mà bỏ quên việc tính toán xác suất trường hợp xấu nhất đó thực sự có thể xảy ra.

Đối với hành vi của nhà đầu tư, kinh nghiệm cho thấy, họ thường bán những cổ phiếu giá trị cao quá nhanh trong khi giữ lại quá lâu những cổ phiếu mất giá.

Thêm vào đó, những nhà đầu tư cá nhân hay quá tự tin vào năng lực bản thân. Ở đây, nam giới được xem là có sự tự tin thái quá hơn so với nữ. Họ cho rằng, họ có thể tạo ra điều kỳ diệu để kiếm được rất nhiều tiền. Quên điều đó đi, đây là thị trường chứng khoán mà chúng ta đang đề cập tới chứ không phải là một bộ phim của Steven Spielberg.

Lời khuyên tốt nhất cho nhà đầu tư vốn được nhắc đi nhắc lại quá nhiều, đó là hãy có một danh mục đầu tư đa dạng bao gồm cả các quỹ chỉ số chi phí thấp, giữ tiền mặt khi bạn cần và dành nhiều thời gian cho các trang thể thao.

Nếu cảm xúc của bạn bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát, và bạn cho rằng đã đến lúc hành động theo một chiều hướng khác, cách tốt nhất là hãy giữ giọng nói của Thaler trong đầu, rằng: "Đừng".

 

Nguồn: finandlife|ĐTCK|Bloomberg

Tags:

Psychology

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu