[Đọc giúp bạn] CÁC CÁCH MỚI THẨM ĐỊNH ĐÁNH GIÁ CÔNG TY

by finandlife28/07/2017 08:46

Các Giám đốc quản lý quỹ (Fund Managers) đang tìm kiếm các cách mới để tiến hành đánh giá (Due Diligence) kỹ lưỡng các công ty Trung Quốc, bao gồm sử dụng công nghệ và thậm chí làm quen với vợ cũ của giám đốc công ty.

Các công ty ở đây được nói đến là các công ty Trung Quốc, niêm yết trên sàn Hongkong mà họ muốn đầu tư.

"Nếu một công ty đang làm điều gì đó bất thường trên BCTC, thì xét tổng thể họ đang làm rất nhiều thứ bất thường" - Gillem Tulloch, Người sáng lập GMT Research có trụ sở tại Hongkong.

Gần đây, GMT đã sử dụng hình ảnh vệ tinh từ Google Earth để xem một số lượng lớn các dự án thuộc tập đoàn Evergrande của Trung Quốc, công ty phát triển bất động sản lớn nhất nước này. GMT cáo buộc rằng những hình ảnh cho thấy tiến độ xây dựng đã bị đình trệ tại một số dự án của Evergrande. GMT đưa ra báo cáo tuyên bố rằng Evergrande thực tế có khả năng phá sản: Các chuyên gia phân tích của GMT cũng đã đến hiện trường khoảng 40 dự án của Evergrande để xác minh.

Evergrande đã không phản hồi yêu cầu đưa ra nhận định. Cổ phiếu của công ty đã tăng gấp ba lần trong năm nay sau khi thực hiện một loạt các đợt mua lại cổ phần (Share buy back).

Một số công ty ở Trung hoa Đại lục đã rất khôn khéo đối phó với các đợt đi điều tra thực địa (site visit) này. Sean Chen, Giám đốc chiến lược của Blackpeak Group của Hồng Kông, một công ty nghiên cứu và tư vấn rủi ro cho biết, trong khi hỗ trợ một nhà đầu tư điều tra một công ty niêm yết tại Đại lục, nhóm của ông đã nhận thấy rằng một trong những nhà máy sản xuất điện ở Quảng Đông trống ngoác, không có bất kỳ hoạt động gì.

"Khi chúng tôi hỏi các nhân viên an ninh của nhà máy lân cận, họ nói với chúng tôi rằng vài ngày trước chuyến thăm của chúng tôi, công ty kia đã đề nghị trả 100 nhân dân tệ cho người dân địa phương để đến nhà máy, mặc mũ cứng và giả vờ làm công nhân để gây ấn tượng với một số nhà đầu tư nước ngoài đang đến thăm", ông Chen nói.

Một số công ty nghiên cứu triển khai các công cụ công nghệ mới nhất để soát xét dữ liệu tài chính để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo. Họ thiết lập các dấu hiệu gian lận thông dụng nhất và sử dụng công nghệ để rà soát các công ty trong thực tế.

Một số phương pháp nghiên cứu hướng vào cá nhân, nhà đầu tư cố gắng chỉ ra và gỡ rối các giao dịch phức tạp của công ty được gọi là "giao dịch bên liên quan" với vợ/chồng, thành viên gia đình và các cộng sự thân thiết khác, hoặc các công ty do các cá nhân này kiểm soát. Các giao dịch này có thể gây thiệt hại lớn cho cổ đông thiểu số.

Một giám đốc quản lý danh mục đầu tư dấu tên cho biết cô đã từng cố gắng tìm hiểu chi tiết về vợ cũ của giám đốc hoặc trường học của con cái giám đốc công ty, để tìm kiếm thông tin về công ty.

Nội dung trên lược dịch từ tờ Wall Street Journal, bài viết có tiêu đề: "Ex-Wives and Kids’ Schools: Digging for Dirt on Chinese Stocks Gets Personal".

https://www.wsj.com/…/as-china-markets-open-up-investors-di…

Thực tế lại rất gần với thị trường Việt Nam. Nhiều công ty đang hoặc sẽ công bố thông tin lợi nhuận Quý 2/2017 "khủng", nhưng lợi nhuận đó lại đến chủ yếu từ bán tài sản cho chính công ty mình lập ra, hoặc cho công ty "người nhà" mình kiểm soát.

Các công ty Việt Nam giờ cũng học tập các anh Trung Hoa, đối phó hoặc thậm chí chủ động bố trí những đợt Site Visit thật đẹp cho các Fund Managers. Thậm chí học cả "Đa cấp", bố trí người ngồi khen dự án như cách đây hai ngày

http://tuoitre.vn/…/cho-la-ban-to-chuc-cai-ngu…/1358101.htm

Vậy thông tin đánh giá là đa chiều, giờ phương pháp đánh giá cũng quá đa dạng. Dùng cả Google Earth lẫn xem vợ cũ của sếp công ty có tiêu nhiều tiền không, con sếp có học trường quốc tế không để đánh giá xem công ty làm ăn có ổn không.

Some useful comments:

Đọc bài về doanh nghiệp TQ thuê diễn viên quần chúng đóng giả công nhân lao động hăng say để gây ấn tượng với quỹ đầu tư nước ngoài hôm nay, chợt nhớ tới cuốn này. Trong cuốn tự truyện này TT đương nhiệm Donald Trump kể lại rất nhiều mánh khóe làm ăn mà ông ta sử dụng - những việc mà nhiều người cho là lừa lọc, nhưng Trump gọi chúng là truthful hyperbole (sự phóng đại chân thật). Một trong những phi vụ làm ăn mà Trump tự hào nhất là liên doanh với Holiday Inn để xây dựng một sòng bạc ở Atlantic City. Vì trót nổ tưng bừng trước đó, nên khi ban lãnh đạo của Holiday Inn muốn đến thị sát việc xây dựng sòng bạc trước khi quyết định có tham gia liên doanh không, Trump rất lo lắng vì sự thực là ông ta mới chỉ có bãi đất trống chứ chưa xây dựng gì. Để che mắt đối tác, Trump cho huy động rất nhiều máy móc và công nhân đến đó, giả vờ như đang xây dựng nhưng thực ra chỉ chạy qua chạy lại, đào đất chỗ nọ đổ sang chỗ kia. Khi một thành viên trong ban lãnh đạo Holiday Inn thắc mắc vì sao có mấy công nhân cứ đào đất lên rồi lại lấp chính cái hố mình vừa đào, Trump đã khéo léo lái sang chuyện khác. May cho Trump là vị lãnh đạo kia chỉ tò mò chứ không thực sự nghi ngờ gì.

Bài học cho các KTV: Kiểm tra chứng từ, sổ sách chưa đủ thì rõ rồi, nhưng ngay cả kiểm tra thực địa cũng chưa chắc những gì các bạn thấy đã phản ánh đúng sự thực đâu. Gặp phải các khách hàng lão luyện như Trump thì cũng mệt đấy nhỉ.

*Môi giới đưa sổ đỏ cho xem và ca hết lời về mảnh đất, trên sổ đỏ tuy không có địa chỉ cụ thể nhưng lại có ... toạ độ. Từ toạ độ trong sổ đỏ convert ra hệ quốc tế nhập vào Google Maps biết luôn cả ... đi từ nhà mình ra chỗ đó mất bn km, bn phút. Khỏi qua mặt.

* Chủ đầu tư hay quảng bá diện tích dành cho cây xanh là xxx sqm. Lên Google Earth đo phần diện tích dành cho cây xanh thực tế so với phần diện tích cây xanh công bố.

* Cách kiểm tra traffic của một khu vực. Lấy ví dụ khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Lê Thánh Tôn, dùng Google Earth đo diện tích mặt đường, sau đó cộng GFA (diện tích sàn xây dựng) các dự án gần đó, lấy GFA chia 25 nhân với 40% để ước lượng số người, rồi lấy diện tích mặt đường chia cho số người để biết traffic thế nào. Ở Saigapore thì thường traffic có tương quan đến giá đất.

 

Nguồn: FB Long Phan

Tags:

Psychology

Đọc giúp bạn|NIÊM YẾT CỬA SAU VÀ START-UP PHÔNG BẠT

by finandlife12/07/2017 08:24

Thị trường Việt Nam gần đây rộ lên phong trào Niêm yết cửa sau (Back door listing). Có nghĩa là một doanh nghiệp chưa niêm yết sáp nhập (dưới nhiều hình thức) với một công ty đã niêm yết trên sàn, và như thế nghiễm nhiên doanh nghiệp chưa niêm yết kia thành niêm yết.

Giao dịch này còn được gọi là Reverse Merger, một giao dịch hoàn toàn hợp pháp. Nhưng vấn đề ở chỗ, khi thực hiện giao dịch merger, thông tin phải được cung cấp một cách đầy đủ và minh bạch đến cho nhà đầu tư. Thị trường Việt Nam, những giao dịch này lại được thực hiện với rất nhiều vấn đề đằng sau, vốn ảo, thiếu minh bạch thậm chí gian lận thông tin tài chính, khai khống doanh thu, giấu nợ vay ...

Cách đây gần 10 năm, làn sóng các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, đặc biệt Nasdaq có đến 70 công ty Trung Quốc niêm yết đang giao dịch được thực hiện thông qua Back Door Listing.

Back Door Listing hay Reverse Merger sẽ giúp các công ty niêm yết cổ phiếu của mình trong khi tránh được rất nhiều các thủ tục và đánh giá cần thiết để đáp ứng Quy chế niêm yết (listing rules) rất khắt khe tại Mỹ.

Mặc dù giao dịch này hoàn toàn hợp pháp, nhưng đã có quá nhiều quan ngại liên quan đến các công ty Trung Quốc niêm yết cửa sau này. Những vấn đề thiếu minh bạch tài chính, thậm chí nhiều công ty bị kết tội lừa đảo. Nhiều nhà đầu tư tổ chức ở Mỹ đã "bị lừa' và phải tham gia những vụ kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của mình khi đầu tư vào những công ty Trung Quốc niêm yết cửa sau. Một số nhà đầu tư đã phải tự thừa nhận họ là Nạn nhân của gian lận tài chính (Financial Misconduct).

PCAOB

Uỷ ban Giám sát Kế toán các Công ty đại chúng Mỹ (Public Company Accounting Oversight Board - PCAOB) được thành lập theo Luật Sarbanes Oxley sau sự kiện gian lận BCTC nổi tiếng của Enron. PCAOB ra đời với nhiệm vụ giám sát BCTC và các công ty kiểm toán của các công ty niêm yết. Và rất nhiều công ty Trung Quốc niêm yết cửa sau trên các sàn chứng khoán Mỹ đã không được PCAOB giám sát đầy đủ BCTC được kiểm toán.

Một câu hỏi được đặt ra là "tại sao họ có thể niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ khi BCTC của họ không được giám sát một cách phù hợp?" Nên nhớ tiêu chuẩn giám sát BCTC và kiểm toán của PCAOB rất khắt khe.

Sau này, UBCK Mỹ (SEC) đã đưa ra quy định gây khó khăn và nhằm ngăn ngừa những "vụ lừa đảo" từ Back Door Listing là các công ty sau khi có Reverse Merger thì phải chờ ít nhất một năm thì mới có cơ hội niêm yết trên sàn Mỹ. Thời gian này chắc đủ để PCAOB giám sát tốt thông tin tài chính được công bố.

START-UP PHÔNG BẠT

Khái niệm Start-up Phông bạt, hay Làm giầu Phông bạt nhằm chỉ những công ty lập ra chỉ nhằm mục tiêu tô vẽ, chứ không tính đến kinh doanh hiệu quả thực sự, thậm chí là để lừa đảo.

Cách đây 3 ngày, mình có sang làm việc với một công ty điều hành bệnh viện tư cùng với một chuỗi các clinic trên cả nước. Hiện họ hoạt động hiệu quả. Vấn đề của họ đang đối mặt là dự án mở rộng và tìm nhà đầu tư chiến lược để đại chúng hoá và tăng cường quản trị. Trước đó, họ cũng đã làm việc với một công ty chứng khoán lớn bậc nhất Việt Nam. Lời khuyên của họ nhận được từ công ty chứng khoán này là "Anh/chị mở thêm 20 clinic nữa đi, để em bán cổ phiếu giá cao giúp anh chị'" :D

Một lợi khuyên rất thiết thực, tiền thấy ngay. Chỉ có điều các lãnh đạo công ty từ chối. Họ không muốn chỉ cứ mở thêm chuỗi để bán cổ phiếu, vì họ hiểu hơn ai hết chiến lược và hiệu quả kinh doanh của họ.

Rất tiếc, giờ ở ta xu hướng "phông bạt" rất phổ biến.

BACK DOOR LISTING KẾT HỢP VỚI START-UP PHÔNG BẠT

Có công ty lởm khởm niêm yết trên sàn có listing rules yếu như HNX hay UpCom. Thành lập một start-up phông bạt, chủ yếu kiếm dòng tiền theo cơ chế Ponzi (tức là lấy tiền người sau trả cho người trước với lời hứa lợi nhuận cao), để mở rộng chuỗi. Bước tiếp theo là start-up phông bạt đó được mua bởi công ty trên sàn kia, sau khi công ty đó tăng vốn ảo lên. Start-up phông bạt được định giá với con số không tưởng. Tất nhiên trong giao dịch này, tiền vào rồi ra ngay, thậm chỉ chả có đồng tiền nào mà chỉ là các bút toán kế toán.

Như thế, một start-up phông bạt được niêm yết trên sàn với giá định giá một cách "siêu thực". Thậm chí vừa rồi có một công ty trên sàn HNX tăng vốn từ 21 tỷ lên 271 tỷ rồi dùng tiền vừa tăng mua một công ty vừa được thành lập vài tháng (2/2017) vừa qua, chưa cần biết làm ăn ra sao.

Nhưng như thế vẫn chưa kiếm được tiền của thiên hạ. Bước tiếp theo sẽ là phát hành thêm ra thị trường hoặc "xả" cái đống vốn ảo kia ra thị trường nhỏ lẻ. Lúc này bán một ngàn cũng lãi.

Một số ý kiến cho rằng, giờ chi phí cho những hoạt động như thế này khá cao, cũng là một rào cản ngăn ngừa bớt những giao dịch ảo dạng này. Nhưng thực tế lại đang cho thấy ngược lại. Thị trường vẫn ngày càng diễn ra back door listing thiếu minh bạch hơn. Bởi cơ bản cơ chế giám sát của thị trường ta còn khá yếu.

Bao giờ Việt Nam có PCAOB hoạt động thực sự hiệu quả?

Câu hỏi này khá khó cho các cơ quan quản lý thị trường. Bởi chính bản thân các cơ quan cũng bị giới hạn bởi Listing Rules còn yếu kém, bởi sự thiếu hụt của các chuẩn mực kế toán, thiếu hụt các chế tài đủ mạnh để tăng tính Thực thi (Enforcement) của các quy chế.

Trước khi có điều đó từ các cơ quan quản lý, không còn cách nào khác là nhà đầu tư phải tự bảo vệ chính mình.

Tránh cách start-up phông bạt, niêm yết "lừa đảo". Các nhà tạo lập thị trường như các công ty chứng khoán cũng cần thay đổi cách tiếp cận. Cứ mở thêm một clinic là có tiền chăng, hay mở thêm một trung tâm tiếng Anh thì "hốt" ngay được tiền? nguyên tắc kinh doanh căn bản là cứ mở rộng thì hiệu quả sẽ xuống ngay, thậm chí lỗ ngay, nếu quản trị chưa đủ mạnh và thị trường chưa hấp thụ.

Link tham khảo:

http://www.cnbc.com/id/37832391

https://pcaobus.org/…/issuer_audit_clients_of_certain_non-U…

https://www.gsb.stanford.edu/…/charles-lee-how-well-do-chin…

 

Nguồn: Long Phan FB

Tags:

StockAdvisory

Đọc giúp bạn|CHIÊU MỚI - VỐN ẢO?

by finandlife12/07/2017 08:17

Dạo này dân tình cứ kháo nhau về các kiểu nâng vốn ảo đang có vẻ là xu thế của đầu năm 2017 này. Thực ra mấy cái vụ vốn ảo này tồn tại từ khi thị trường chứng khoán bắt đầu, nó tồn tại trong sở hữu chéo ngân hàng từ cả chục năm nay rồi. Dân ta gọi là "bán giấy".

Trước đây vài năm, việc "bán giấy" có vẻ khá thuận lợi, nhiều doanh nghiệp tay không mà giàu lên nhờ phát hành được cổ phiếu ảo ra thị trường rồi lấy tiền đi đầu tư. Giờ mấy chuyên gia có uy tín chống chế "tay không bắt giặc" kiểu này là biết dùng tiền, nhưng là tiền của người khác.

2 năm trở lại đây, việc bán giấy không còn dễ dàng và trắng trợn như trước nữa. Vì thế, đủ các kiểu thủ thuật được áp dụng.

Một trong những "trò" đầu năm 2017 này được áp dụng nhiều nhất là "niêm yết cửa sau" với định giá một công ty nào đó chưa niêm yết lên con số không tưởng.

Đội JVC sau scandal "biến mất" 500 tỷ tiền mặt của công ty, chủ tịch bị bắt, cổ đông mất trắng tiền,... giờ xuất hiện tại AMV.

Một công ty bé tí, niêm yết trên HNX từ đời nào. Giờ phát hành riêng lẻ cho 5 cá nhân, tăng vốn một phát từ 21 tỷ lên 271 tỷ. Nhưng 250 tỷ vừa tăng được dùng ngay để mua Bệnh viện Việt Mỹ - công ty này có trụ sở tại tỉnh Phú Thọ, mới được thành lập vào ngày 13/02/2017 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Công ty có 3 cổ đông sáng lập là CTCP Kanpeki Nhật Bản (nắm 98%), ông Lê Đức Khánh (nắm 1%) và bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (nắm 1%).

Cổ đông lớn nhất của Bệnh viện này là CTCP Kanpeki Nhật Bản thành lập năm 2015, địa chỉ chỗ JVC luôn.

JVC có tiền sử sử dụng khoản vốn 750 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu ra công chúng để chi trả một số khoản không nằm trong kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua, bao gồm thanh toán thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chậm nộp thuế với tổng giá trị gần 104 tỷ đồng và góp vốn vào công ty liên kết trị giá 500 triệu đồng mà không hề có công bố nào.

Vậy quy trình in giấy ở đây như sau:

Một công ty nhỏ đã niêm yết trên sàn => phát hành riêng lẻ tăng vốn khủng => ngay lập tức dùng vốn tăng mua một công ty chưa niêm yết với giá khủng (cho dù công ty này mới thành lập) => Tiền tăng vốn về tay cổ đông cá nhân (rất có thể chính là những người vừa góp vào).

Cái này gọi là niêm yết cửa sau (back door listing) của cái công ty chưa niêm yết kia. Có vài công ty khác trên sàn (cả UpCom) cũng đang chơi trò này. Vì thế, chiêu này cũng chả mới, mà nhiều công ty holdings áp dụng nhiều năm nay ở ta rồi. Tại thị trường quốc tế, cổ phiếu các công ty holdings bao giờ cũng bị các quỹ chiết khấu khoảng 15%-20%.

Tất nhiên, khi phát hành riêng lẻ thì cổ phiếu bị hạn chế.

Những câu hỏi đặt ra là:

- Giá trị cái công ty không niêm yết vừa được mua kia là bao nhiêu?

- Công ty vừa thành lập được 4 tháng mà định giá cả vài trăm tỷ, vậy định giá căn cứ vào đâu? có phải dựa trên "bánh vẽ".

- Khi nào thì mấy cái cổ phiếu phát hành thêm này được xả ra thị trường để thu tiền tươi về cho các cá nhân vừa góp vốn riêng lẻ? lúc này giấy thành tiền, bán một nghìn cũng lãi.

Một số cp có dấu hiệu: HKB, DST, IBC, NKG, SHN, Apax Holdings, CDO, VHG,…

 

Nguồn: Long Phan FB

Tags:

Psychology

Review SGO (Dầu thực vật Sài Gòn)

by finandlife24/03/2016 13:31

Dear Anh,

Tình hình tài chính của SGO khá ảo và không chắc chắn, từ một công ty với vốn 1 tỷ đồng 2013, qua 2 lần tăng vốn đã leo lên 200 tỷ đồng cuối 2015. Vốn tăng thêm chủ yếu đầu tư vào các công ty liên kết chưa có báo cáo tài chính (có khả năng phát hành đường vòng nâng vốn nhưng không thật). Nguồn doanh thu có được chủ yếu bán nguyên liệu cho các công ty liên kết.

Theo công bố, không có cổ đông lớn nào đang sở hữu SGO, toàn bộ là cổ đông nhỏ lẻ.

Analyst Nguyên đã gọi điện cho công ty cả số bàn và di động nhưng không ai nghe máy.

………………..

Tăng vốn nhanh, chủ yếu đầu tư vào vào công ty liên kết

Lần 1: năm 2014, phát hành cho cổ đông hiện hữu giá 10,000 nâng vốn điều lệ từ 1 tỷ lên 100 tỷ

- Đầu tư vào Phúc Quang – Hồng Anh 30 tỷ

- Đầu tư Nhà máy sản xuất dầu thực vật tại Vĩnh Long 25 tỷ (dự kiến quý 1 2016 đi vào hoạt động), tuy nhiên đến cuối năm 2015 CP xây dựng dở dang chỉ 4.5 tỷ, công ty không có tài sản cố định. Theo thuyết minh, toàn bộ giá trị TSCĐ khoảng 800 tỷ (chủ yếu là là phượng tiện vận tải) đã được thanh lý hết vào cuối năm 2013.

- Bổ sung nguồn vốn kinh doanh : 44 tỷ

Lần 2: đầu năm 2015, phát hành cho cổ đông hiện hữu 100 tỷ nâng vốn điều lệ lên 200 tỷ, giá phát hành 10,000 đồng

- Bổ sung nguồn vốn kinh doanh 15 tỷ

- Đầu tư thêm vào Phúc Quang – Hồng Anh : 65 tỷ và hợp tác kinh doanh Xay xát lúa và xủa lý cám gạo với công ty này 20 tỷ

Như vậy sau 2 lần tăng vốn thêm 200 tỷ, SGO đã đầu từ vào Phúc Quang – Hồng Anh 115 tỷ.

Doanh thu chủ yếu đến từ công ty liên kết

Doanh thu của SGO hơn 95% đến từ việc bán nguyên liệu cho Phúc Quang – Hồng Anh (công ty sản xuất dầu thực vật lấy thương hiệu là Dầu Tràng An)

Cổ đông, thành viên HĐQT

- 95% cổ đông của SGO là cá nhân, và không có cổ đông nào nắm giữ trên 5% vốn.

- Các thành viên tham gia HĐQT của SGO đều là thành viên của Phúc Quang – Hồng Anh

 

Analyst Trương Thanh Nguyên

Tags: ,

Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu