Rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy ở cả những thị trường phát triển và đang phát triển, tâm lý và hành vi vẫn chi phối giao dịch hàng ngày của thị trường. Một trong những diễn biến tâm lý khá phổ biến và chính hành động bất hợp lý này làm ảnh hưởng đến kết quả giao dịch đó là xu hướng nắm giữ cổ phiếu lỗ quá lâu và bán ra cổ phiếu lời quá sớm.
Nhiều học giả lý giải cho động thái kỳ lạ này là vì nhu cầu tự thể hiện, nhu cầu được mọi người tưởng thưởng. Trong đó, việc bán ra cổ phiếu lời sớm nhằm chứng tỏ quyết định đầu tư chính xác của mình, điều đó giúp nhà đầu tư thỏa mãn nhu cầu thể hiện sự giỏi giang; còn việc bán đi cổ phiếu lỗ là thừa nhận thất bại, thừa nhận sai lầm của mình và chính điều này làm nhà đầu tư trì hoãn hoặc ngần ngại đưa ra quyết định. Điều này rất phổ biến trong thực tế, hầu như nhà đầu tư nào tham gia thị trường cũng đều nhớ và kể lại rất rành mạch về những chiến tích, về những cổ phiếu tăng giá vài lần, mà khó tìm thấy những nhà đầu tư tự thú về những thua lỗ.
Giới học giả phương Tây gọi sự bất hợp lý trong giao dịch này là hiệu ứng ngược vị thế (Disposition Effect). Trong một nghiên cứu tiêu biểu ở Mỹ cho thấy, nhà đầu tư ở thị trường này có tỷ lệ hiện thực hóa các khoản đầu tư có lãi lên đến 33.7%, trong khi đó, tỷ lệ hiện thực hóa các khoản đầu tư thua lỗ chỉ là 25.2%. Một nghiên cứu trên thị trường Trung Quốc cũng cho thấy tỷ lệ hiện thực hóa khoản đầu tư có lãi lên đến 51.9%, trong khi đó, tỷ lệ hiện thực hóa các khoản đầu tư thua lỗ chỉ là 31%. Điều này có nghĩa là, nhà đầu tư trên thị trường Mỹ và Trung Quốc rất hứng thú chốt lãi, nhưng lại dè dặt trong cắt lỗ. Trong một nghiên cứu của tác giả cuối 2012, những biểu hiện tương tự cũng tồn tại ở thị trường chứng khoán Việt Nam, có đến 80% nhà đầu tư rơi vào hiệu ứng ngược vị thế, tức thích hiện thực hóa khoản lời hơn khoản lỗ, mức độ sẵn lòng bán cổ phiếu lời là 33.7%, trong khi đó, mức độ sẵn lòng bán cổ phiếu lỗ chỉ là 25.2%.
Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho thấy, những nhà đầu tư có giá trị giao dịch lớn và những tài khoản của nam giới ít chịu ảnh hưởng của xu hướng thích hiện thực hóa khoản đầu tư có lãi hơn so với khoản đầu tư thua lỗ. Như vậy, những nhà đầu tư có giá trị giao dịch thấp, những nhà đầu tư nữ bị ảnh hưởng của hiệu ứng ngược vị thế mạnh nhất. Theo suy luận của tác giả, những nhà đầu tư có giá trị giao dịch lớn là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, xem hoạt động đầu tư là một kênh mang về thu nhập thực thụ, do vậy ở họ có những nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức giao dịch, đòi hỏi kỹ năng giao dịch cao cấp giúp hạn chế hành động bất hợp lý. Trong khi đó, những nhà đầu tư có giá trị giao dịch thấp lại thiếu đi những điều này. Về giới tính, giáo sư Odean có lần nói rằng « đầu tư là công việc của nam giới ». Có lẽ chính việc xác định vị thế công việc thuộc về phái mạnh mà ở họ có sự đầu tư nhiều hơn về kiến thức và trải nghiệm. Do đó, nam giới có thể kiểm soát tốt hơn những giao dịch bất hợp lý so với nữ.
Trong nghiên cứu ở Mỹ, những cổ phiếu được chốt lãi sớm tiếp tục tăng giá 2.35% trong năm tiếp theo, trong khi đó, những cổ phiếu lỗ mà nhà đầu tư ngại bán ra lại tiếp tục giảm giá 1.06%. Như vậy hành động bất hợp lý đã làm nhà đầu tư đánh mất 3.41% tỷ suất sinh lợi trong một năm. Do vậy, việc nhìn nhận lại động thái giao dịch của chính mình có thể giúp nhà đầu tư cải thiện thành quả trong tương lai.
Thay cho lời kết, tác giả xin lược trích những nguyên tắc trong giao dịch mà Alexander Elder khuyên nhà đầu tư. Nếu bạn cảm thấy mình giao dịch nhiều nhưng kết quả vẫn nghèo nàn thì hãy ngưng giao dịch một thời gian và đánh giá lại những giao dịch đã qua của mình ; hãy lập kế hoạch trước và không nên ra quyết định mua bán trong giờ giao dịch ; hãy đặt mục tiêu sống sót sau một khoản thời gian dài, sau đó mới là sự tăng trưởng vững chắc của vốn đầu tư và cuối cùng là tạo ra lợi nhuận cao. Và cảnh giới cao nhất là “nhà giao dịch chứng khoán phải rèn luyện để đạt đến trình độ, chiến thắng không cảm thấy quá hưng phấn, thua lỗ không cảm thấy suy sụp”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Alexander Elder, sách Trading For A Living.
[2] Chen, Gong-Meng, Kenneth A. Kim, John R. Nofsinger, and Oliver M. Rui, 2004, Behavior and performance of emerging market investors: Evidence from China, working paper.
[3] Terrance Odean, 1998, “Are Investors Reluctant to Realize Their Losses?”, Journal of Finance, 53 (5), 1775-1798.
Nguồn: finandlife|một version khác trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn