Trong bối cảnh thị trường chứng khoán khá ảm đạm, nhưng Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON (FCN) vẫn dũng cảm theo đuổi chiến lược phát hành khủng. Động lực nào giúp FCN đưa ra quyết định này? Liệu rằng khả năng thành công có cao?
FCN đã liên tục trúng thầu những dự án lớn trong thời gian qua như: Dự án thi công nền móng khu liên hợp Gang thép Formusa, Hà Tĩnh; Dự án Nhà máy điện Thái Bình 1 và Thái Bình 2; Dự án Cảng Lạch Huyện; Dự án xây dựng nhà máy Samsung, Thái Nguyên; Dự án đê chắn sóng ở cảng Nghi Sơn; Dự án nhà máy LG Hải Phòng.Những dự án được ký kết đã đẩy nhu cầu đầu tư tăng cao, buộc FCN phải huy động thêm vốn từ thị trường.
Thật ra, nhu cầu vốn đã được thể hiện trong đề án phát hành vào tháng 10 năm 2012. Theo đề án đó, FCN đã thông báo kế hoạch phát hành 5.09 triệu cổ phiếu, bao gồm chi trả cổ tức 2.76 triệu cổ phiếu; 0.53 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 20,000 đồng/cổ phiếu và 1.8 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông chiến lược với giá 20,000đ/cổ phiếu. Nhưng đề án phát hành đã thất bại, công ty chỉ phân phối được 2.76 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức và 162 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Số tiền huy động được chỉ là 3.2 triệu đồng, rất bé so với con số mà công ty hướng đến (gần 50 tỷ đồng). Nguyên nhân thất bại chủ yếu do giá cổ phiếu trên sàn diễn biến bất lợi trong thời kỳ phát hành, trong thời gian từ ngày 25/10/2012 đến ngày 11/01/2013, giá FCN chỉ dao động trong khoảng 8,500 đến 12,200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức giá phát hành 20,000 đồng, dẫn đến động lực đóng tiền mua mới không còn nữa.
Tuy thất bại trong huy động vốn từ thị trường vào cuối 2012, nhưng chính nhu cầu vốn đang rất cao đã thúc đẩy công ty tiếp tục đề án phát hành mới trong tháng 7 năm 2013.
Theo đó,
- Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông hiện hữu thực hiện quyền nhận cổ tức và quyền mua chứng khoán phát hành thêm: ngày 12/08/2013;
- Thời gian chuyển nhượng quyền mua và thời gian đăng ký đặt mua, nộp tiền mua cổ phiếu: từ ngày 19/08/2013 – 16/09/2013;
- Thời hạn nộp hồ sơ đặt mua cổ phiếu, chuyển tiền đặt mua và thực hiện giao dịch: ngày 18/09/2013;
- Thời gian dự kiến đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường có tổ chức: trong tháng 10/2013;
- Thời gian phân phối cổ phiếu: trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được Giấy phép phát hành của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước.
Rút kinh nghiệm thất bại của đợt phát hành năm 2012, FCN đã đổi nhà tư vấn từ Công ty Chứng khoán MB sang Công ty Chứng khoán HSC, đồng thời ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với nhà cung cấp dịch vụ tư vấn, cụ thể, HSC cam kết sẽ mua toàn bộ cổ phiếu phát hành mới nếu cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền của mình, mức giá bảo lãnh là 12,000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khả năng thành công của đợt phát hành này gần như chắc chắn.
Theo kế hoạch, mức vốn dự kiến thu hút lên đến 198.8 tỷ đồng (gấp 4 lần so với đề án cuối năm 2012). Tiền thu hút được sẽ tài trợ cho những khoản mục sau:
Đối tượng sử dụng vốn
|
Số tiền
|
Đầu tư máy móc, thiết bị thi công
|
140,000,000,000
|
Máy cọc cắt đầm chặt
|
15,000,000,000
|
Máy đóng cọc
|
35,000,000,000
|
Máy phụ trợ
|
15,000,000,000
|
Máy công trình ngầm Jet-grouting
|
75,000,000,000
|
Góp vốn bổ sung cho liên doanh FECON Shanghai Harbour
|
32,000,000,000
|
Bổ sung vốn lưu động
|
26,795,930,000
|
Giả sử tất cả những thông tin mà doanh nghiệp công bố và cam kết thực hiện là đúng, vấn đề còn lại của nhà đầu tư vào FCN chỉ là phân tích khả năng tạo ra dòng tiền trong thời gian tới và kiểm tra mức độ pha loãng khi lượng cổ phiếu khủng được lưu hành.
Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đủ thông tin để đánh giá dòng tiền trong một vài năm tới của FCN, chúng tôi sẽ bổ sung vấn đề này trong báo cáo khuyến nghị chi tiết về FCN (dự kiến phát hành sau khi chúng tôi tiếp xúc được với doanh nghiệp). Theo kế hoạch của công ty, trong năm 2013, một số dự án đóng góp doanh thu chủ yếu sẽ là: Siêu dự án nhà máy gang thép Formosa tại Hà Tĩnh: 500 tỷ đồng; Nhiệt điện Thái Bình 1: 160 tỷ đồng; Nhiệt điện Thái Bình 2: 134 tỷ đồng; Nhiệt điện Thái Bình 2 với phần cọc (đợt 1: dự kiến 120 tỷ đồng, đợt 2: 200 tỷ đồng)…
Về rủi ro pha loãng, việc phát hành khủng sẽ làm thu nhập trên mỗi cổ phần của FCN không còn cao như trước nữa (EPS năm 2011: 6,750 đồng/cổ phiếu; EPS năm 2012: 6,847 đồng/cổ phiếu). Theo tính toán của chúng tôi, nếu công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2013, EPS 2013 cuối kỳ cũng chỉ đạt 3,018 đồng/cổ phiếu. Giá trị sổ sách cũng sẽ giảm từ 26,379 đồng cuối năm 2012 xuống 17,618 đồng/cổ phiếu cuối năm 2013.
Tóm lại, nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư đã thúc đẩy FCN tiến hành phát hành cổ phiếu với số lượng “khủng”. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi, đây là một hành động dũng cảm. Rút kinh nghiệm thất bại trong năm 2012, FCN đã ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với nhà cung cấp dịch vụ tư vấn, đây là hành động nhằm tăng tính chắc chắn cho đợt phát hành. Đứng ở góc độ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, chúng ta phải tính toán được dòng tiền từ hoạt động của công ty trong những năm tới, đồng thời kiểm tra lại sự pha loãng. Đối với yếu tố dòng tiền, chúng tôi cần thêm thông tin để xác nhận, trong khi đó, với thị giá đang khá thấp hiện nay, sự pha loãng cổ phiếu FCN sau phát hành không đến nỗi quá nghiêm trọng.
Nguồn: VFS Research|finandlife