Phân tích và khuyến nghị NKG

by finandlife22/07/2014 10:57

Chấm dứt hoạt động thương mại trong năm 2014

Năm 2014, NKG đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ khoảng 250 – 270 ngàn tấn, doanh thu khoảng 4,800 – 5,000 tỷ đồng. Công ty sẽ chấm dứt hẳn hoạt động kinh doanh thương mại và tập trung toàn bộ vào sản xuất trong năm 2014 qua đó cải thiện biên lãi gộp (dự kiến khoảng 7.2 – 7.5%). Như vậy, lãi gộp năm 2014 của công ty ước đạt 350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 50 – 80 tỷ đồng (từ giảm 10% đến tăng 45% so với năm 2013).

Doanh thu quý 1/2014 tăng trưởng đột biến, biên lãi gộp thấp so với kế hoạch

Quý 1/2014 doanh thu thuần của công ty tăng 69% so với cùng kỳ đạt 1,466 tỷ đồng, tương ứng khoảng 30% kế hoạch doanh thu 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ đạt 72.4 tỷ đồng, giảm 20.6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do năm nay các hạng mục xây dựng cơ bản dở dang đã hoàn thành đưa vào sử dụng (nhà máy tại KCN Đồng An 2) nên chi phí khấu hao tài sản cố định tăng, chi phí vận chuyển, điện… tăng so với cùng kỳ năm trước trong khi đầu ra cạnh tranh khá lớn. 

Đưa thêm 01 dây chuyền cán nguội vào sản xuất từ tháng 12/2014

Công ty cho biết, hiện tại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, dây chuyền sản xuất cán nguội (công suất 200,000 tấn/năm) của công ty đang chạy tối đa công suất, kể cả ngày nghỉ lễ. Hiện tại, công ty đang triển khai kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất này, đầu tư thêm một dây chuyền cán nguội (công suất 200,000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào sản xuất vào tháng 12/2014) và một dây chuyền mạ lạnh công nghệ (công suất 100,000 tấn/năm, dự kiến đưa vào sản xuất vào tháng 6/2015) với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp công ty cải thiện mạnh năng lực sản xuất, doanh thu và lợi nhuận.

Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu

Năm 2014, NKG đặt kế hoạch đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng tỷ trọng xuất khẩu tôn mạ lên 50% trên tổng sản lượng năm 2014. Doanh thu xuất khẩu dự kiến năm 2014 chiếm khoảng 44% tổng doanh thu. Công ty cho biết, ngoài thị trường chính Đông Nam Á, công ty đang đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông, Úc… để thúc đẩy tăng trưởng và giảm phụ thuộc vào thị trường Đông Nam Á. Công ty cũng đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường Nam Mỹ để đón đầu cơ hội từ hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.

Với kết quả quý 1/2014, doanh thu nội địa đạt 921.6 tỷ đồng tăng 84%, doanh thu xuất khẩu đạt 540.4 tỷ đồng, tăng 48%, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu chỉ đạt 37% tổng doanh thu. Thời gian tới, chúng tôi cho rằng công ty sẽ đẩy mạnh hơn nữa mảng xuất khẩu do áp lực cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu hiện tại thấp hơn thị trường nội địa, qua đó cải thiện biên lãi gộp.

Phát hành thành công cho đối tác chiến lược

NKG đã phát hành thành công 10 triệu cổ phiếu cho Cty TNHH Dịch vụ Đầu tư  P&Q, thu về 100 tỷ đồng trong quý 2/2014.

Giá HRC ổn định và thay đổi chính sách nhập hàng

Thép cán nóng (HRC) là nguyên liệu đầu vào chính và cũng là là chi phí lớn nhất của công ty. Biến động giá HRC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến KQKD cuối cùng. Nếu như trước đây việc nhập nguyên liệu thường được chốt giá trước 2 tháng thì nay công ty tiến hành chốt giá ngay thời điểm có được hợp đồng. Điều này giúp công ty có thể chủ động hơn đồng thời giảm hẳn rủi ro về biến động bất thường của giá nguyên liệu đầu vào.

Hiện tại giá HRC vẫn đang ở mức thấp và khá ổn định, nếu giá tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới  kỳ vọng công ty sẽ có được kết quả tốt trong năm nay.

 

Kết quả quý 2 khả quan

Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) thì trong 6 tháng đầu năm nay Nam Kim có mức tăng sản lượng ống thép hàn bán ra cao nhất ngành, với 127% (tăng 11,933 tấn), tiếp theo là Hoa Sen (+117%) và Hòa Phát (+66.22%)…

Kết thúc quý 2, NKG đạt 1531 tỷ doanh thu, 26 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 30% và 73% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, NKG đã hoàn thành 60% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2014. Đây là những bước cải thiện rất tốt.

Khuyến nghị: Chúng tôi cho rằng NKG sẽ hoàn thành vượt khoảng 15% kế hoạch 4,800 – 5,000 tỷ doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận năm 2014. EPS F cuối kỳ đạt 1,861 đồng/cổ phiếu. Mức giá mục tiêu mà NKG hoàn toàn có thể đạt được là 13,000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E 7x, cao hơn 30% so với giá hiện tại.

 

Nguồn: finandlife|VFS Research

Tags:

Stocks

Có những mùa mưa như thế

by Life14/07/2014 20:11

Tôi chợt hiểu, trước những cơn mưa của cuộc đời, phải chuẩn bị cho mình chiếc ô, sự kiên trì và mạnh mẽ để rồi bước tiếp. Mưa rồi sẽ tạnh, khó khăn rồi sẽ qua, chỉ cần bước đi rồi sẽ thấy Mặt Trời tỏa nắng.

Sài Gòn mưa, những cơn mưa rào thoáng qua vội vã, chợt đến rồi vội đi nhưng cũng đủ để lòng nguời se lại với ký ức của một thời xa xưa. Đó là thời, tôi ghét và sợ mưa, sợ con đường ngày ngày tôi đi học nhầy nhụa sau mỗi trận mưa dài...

Hồi đó, ngôi trường tôi học cách xa nhà và con đường dẫn đến nó là một con đường đất đỏ. Mỗi khi mùa mưa đến, nó giận dỗi trở mình, biến thành con đường nhầy nhụa, trơn trượt, đầy bùn đất, khiến bất cứ ai cũng ngại đi qua. Tôi cũng thế, cũng không muốn đi học bằng con đường ấy, nhưng chẳng còn cách nào khác, mỗi lần trời mưa, tôi đều phải đi bộ đến trường để nhiều khi bị muộn học và trên người dính đầy màu đỏ của đất bị bắn lên. Những ngày trời mưa dầm, mưa dai dẳng cả tuần lễ, con đường biến thành cơn ác mộng, ám ảnh tôi từng ngày đến lớp. Đôi chân tôi cao thêm mấy centi vì dính nhiều bùn đất, nó trở nên nặng nhọc và khó bước đi. Tới trường, tôi ngại ngùng vì những ánh mắt bạn bè nhìn tôi khi người tôi chẳng còn được sạch sẽ vì bùn, vì đất, vì những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má.

Tôi ghét và sợ mưa. Những cơn mưa chiều ở quê tôi dường như còn muốn ngăn bước chân tôi từ trường về nhà. Những buổi chiều có mưa ấy là những buổi chiều tôi về đến nhà khi trời đã tối khuya, đã có lần tôi khóc, vì con đường về còn dài, mà trời cứ mưa không ngớt, và con đường trơn như đổ mỡ vắng bóng chẳng còn ai. Tôi ước gì trời đừng mưa, tôi ước gì con đường tôi đi không phải là con đường đất đỏ để tôi đi học được dễ dàng hơn. Nhưng mưa là vấn đề của tạo hóa và tôi thì chẳng thay đổi được gì.

Trời mưa và có lần tôi muốn nghỉ học như mấy đứa bạn cùng xóm. Tôi sợ ướt át, sợ bạn bè cười, sợ mình sẽ trượt ngã bất cứ lúc nào trên con đường dài ấy. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi đã chẳng hề nghỉ một buổi học nào. Trời mưa và tôi vẫn bước đi, dù là trong sợ hãi. Chợt nhận ra vì trời mưa mà tôi thêm mạnh mẽ, không vội vàng gục ngã trước khó khăn. Vì trời mưa mà tôi thêm quý trọng từng giây phút được nghe thầy cô giảng bài, vì dẫu sao tôi đã thật vất vả để có được nó. Những cơn mưa ấy đã cho tôi một ước mơ, rằng ngày sau phải thành công để có thể xây con đường mới đẹp hơn cho quê mình bớt khổ.

Giờ đây, tôi không còn sợ mưa nữa. Sài Gòn - nơi tôi đang sống không có những cơn mưa dài ẩm ương, dai dẳng, cũng chẳng có những con đường bùn đất như xưa. Nhưng nơi đây cho tôi những thử thách, những khó khăn và nỗi sợ hãi mới để nhiều lúc tôi đã muốn gục ngã và buông xuôi. Và khi ấy, ký ức của những cơn mưa ngày nào đã nhắc nhở tôi rằng: hãy đứng dậy và bước đi, hãy bước xuyên qua khó khăn và sự sợ hãi ây, như đã từng bước xuyên qua cơn mưa.

Tôi chợt hiểu, trước những cơn mưa của cuộc đời, phải chuẩn bị cho mình chiếc ô, sự kiên trì và mạnh mẽ để rồi bước tiếp. Mưa rồi sẽ tạnh, khó khăn rồi sẽ qua, chỉ cần bước đi rồi sẽ thấy Mặt Trời tỏa nắng.(st truyenngan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

Cung vượt cầu sẽ tiếp tục làm giá cao su suy giảm hai năm tới

by finandlife10/07/2014 09:08

Rubber glut /glʌt/ n  (a supply of something, especially a product or crop, that is more than is needed) seen persisting (continue) two more years on slowdown

A sixth year of global surplus could depress rubber prices through 2016, as maturing (adult) trees boost production and slowing growth reduces demand in China, the biggest consumer, according to an industry adviser.

Dư thừa toàn cầu năm thứ 6 đẩy giá cao su giảm đến năm 2016, khi những cây trưởng thành đẩy sản lượng tăng và nhu cầu tăng chậm lại tại Trung Quốc, Quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất.

Supply will outpace (to go faster, do better, or develop more quickly than someone or something else) demand by 316,000 tonnes in 2016, compared with 483,000 tonnes in 2015, according to the London-based The Rubber Economist. The adviser increased its forecast for this year’s glut by 78 per cent in March as output in Thailand, the largest grower and exporter, surpassed predictions. The International Rubber Study Group also raised its estimate saying production will increase as trees planted between 2006 and 2008 mature.

Cung sẽ vượt cao khoảng 316,000 tấn trong 2016, con số này sẽ là 483,000 tấn năm 2015. Tháng 3 năm nay, cung vượt cầu 78% khi sản lượng tại Thái Lan vượt dự kiến (TL là nước tăng trưởng và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới).

Futures in Tokyo, the global benchmark contract, have tumbled 26 per cent this year, touching a four-year low in April. Lower prices may boost earnings at tire makers including Pirelli & C SpA and Bridgestone Corp (5108), while squeezing profits for small farmers who account for about 80 per cent of world supply. China's economy is forecast to grow 7.3 per cent this year, the weakest pace since 1990, based on the median estimate in a Bloomberg survey.

Giá cao su đã giảm 26% năm nay, chạm vùng thấp nhất 4 năm vào tháng 4. Giá thấp hơn sẽ đẩy thu nhập của những công ty chế tạo lốp xe như Pirelli & CSpA, Bridgestone, DRC, CSM…, trong khi đó lợi nhuận của những nông dân nhỏ sẽ bị ép lại (hiện 80% sản lượng cung cấp toàn cầu do những người nông dân nhỏ lẻ sản xuất). Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

“The natural rubber market may remain in surplus until 2016,” Prachaya Jumpasut, managing director of The Rubber Economist, said in an e-mailed response to questions from Bloomberg. “Prices may remain bearish until then, unless demand picks up faster than I anticipate in China and other major consuming countries.” Futures on the Tokyo Commodity Exchange settled at ¥203.4 a kg ($2,015 a tonne) on Wednesday, down 62 per cent from a record in 2011, and fell into a bear market in January as stockpiles in China climbed.

China reserves

Inventories in Qingdao, China’s main rubber-trading hub, reached a record 270,000 tonnes as of May 16, according to Qingdao International Rubber Exchange Market.

Tồn kho tại Qingdao, trung tâm giao dịch cao su chính tại Trung Quốc, đã đạt mức cao kỷ lục, 270,000 tấn vào ngày 16 tháng 5.

Imports could expand 10.7 per cent this year to 4.26 million tonnes, slowing from last year’s growth of 14.3 per cent, the Association of Natural Rubber Producing Countries said this month.

Nhập khẩu có thể mở rộng 10.7% năm nay, đạt 4.26 triệu tấn, chậm hơn so với 14.3% của cùng kỳ năm trước.

“We’re in a period of, I would say, instability in the industry,” Stephen Evans, secretary-general of IRSG, the Singapore-based inter-governmental group, told a conference yesterday in Singapore. “It’ll probably last for another year or two until we see a shift in global economic performance.”
While a looming El Niño may not be enough to reduce the glut, the weather event that brings drought
/draut/ n (a long period of dry weather when there is not enough water for plants and animals to live) to the Asia-Pacific region might curb the decline in prices, according to Prachaya. The El Niño during 1997-1998 slowed production growth to 0.4 per cent in 1997 from 6 per cent in 1996, he said. There’s no evidence of any impact during occurrences in 1982-1983 and 1987-1988, according to Prachaya.

El Niño

“The impact of drought and El Niño on production will not be enough to counter the current large and rising amount of natural rubber surplus,” Prachaya said. “But, it may help to slow down the declining price trend.” Futures rose as much as 1.3 per cent on Wednesday on speculation that Thailand’s plan to reduce state stockpiles of 200,000 tonnes could be delayed after the military imposed martial law.

Ảnh hưởng của khô hạn và El Nino lên sản lượng sẽ không đủ để chống lại sản lượng dư thừa cao su tự nhiên đang tăng lên và rất lớn hiện tại, nhưng nó có thể giúp quá trình giảm giá chậm lại.

Global demand in 2014 may grow close to the IRSG’s lowest estimate of four per cent, said Lekshmi Nair, its senior economist.

“What might support rubber prices is, obviously, increased demand,” Evans said. “What is stopping everybody getting excited about the possibility of the US and European recovery is that China is apparently slowing down.”

 

Nguồn: finandlife|Bloomberg

Tags: , ,

Economics | Stocks

Đối thoại về hạnh phúc

by Life07/07/2014 13:56

- Chú cho phép cháu ngồi đây một chút nhé?

Thanh giật mình nhìn sang bên cạnh. Một con bé khoảng mười tuổi, đang co ro vì lạnh, tay thọc sâu vào túi chiếc áo khoác cũ, mắt nhìn Thanh chờ đợi. Thanh lẳng lặng dịch sang một bên nhường chỗ cho nó trên ghế đá rồi lại đăm đăm nhìn về phía xa.

Phía trên cao bên phải, nơi ánh sáng cuối ngày đang chiếu có đám lá đã úa vàng. Vậy mà hai tháng trước, Thanh thầm nghĩ, khi mình với Dung qua đây đám lá đó vẫn còn xanh. Xa hơn nữa là đám mây xám giống như cụ già đang vác bị lặng lẽ đi.

***

- Chú cũng chờ nhìn thấy nó bay à?

Con bé nói, Thanh quay sang nó và bây giờ Thanh mới thấy nó có cái nhìn thật chăm chú.

- Cái gì bay? Cháu nói đám mây phải không?

Con bé ngạc nhiên:

- Đám mây nào, cháu định nói con gà mà?

- Chú có thấy con gà nào đâu, đến cả chim cũng chẳng thấy nữa là...

Con bé ra dấu:

- Chú ngồi xích lại chỗ cháu chút nữa đi. Đấy, chú nhìn xem đàng sau chòm cây kia kìa...

Thanh nghiêng đầu về phía nó tìm kiếm, vài sợi tóc của con bé bay lất phất vào mặt Thanh. Hóa ra đấy là con gà bằng đồng đứng trên đỉnh nhà thờ lớn trong vùng. Nhưng đặc biệt là ngồi ở đây, các vòm cây che lấp nóc nhà thờ, chỉ có riêng con gà nhô lên thành một vệt mảnh, đơn độc trên nền trời chiều.

Thanh bật cười:

- Này cháu ơi, con gà đó bị gắn chặt trên ấy mà!

Con bé trả lời, giọng nghiêm túc:

- Đấy là người ta không nói cho chú biết. Mẹ cháu bảo cứ ngồi ở đây nhìn mãi, đến một ngày nào đó con gà nhất định sẽ bay lên, lượn quanh một vòng và nhảy múa.

Rồi nó thì thầm:

- Nếu ai thấy con gà bay lên, người ấy sẽ hạnh phúc.

Nó nói từ hạnh phúc có vẻ trang trọng quá làm Thanh phải nhìn nó hồi lâu.

- Cháu cần hạnh phúc để làm gì?

- Chú biết không, bố và mẹ cháu hay giận nhau lắm. Mỗi lần như vậy cháu bị bắt đi chơi. Nhưng cháu lại lên gác, cháu nghe bố bảo: "Sống với cô tôi chẳng hạnh phúc chút nào!", còn mẹ nói: "Làm sao có hạnh phúc được với những người như anh!"...

Nó nói tiếp, mắt nhìn xuống, chân đung đưa, giọng hơi buồn:

- Sao người ta cần hạnh phúc thế hả chú? Cháu không biết tìm ở đâu nên cháu ra đây. Con gà mà bay lên là cháu có hạnh phúc đem về.

Thanh định cười ý nghĩ ngộ nghĩnh của nó, nhưng giọng nó tin tưởng quá nên Thanh không muốn làm nó thất vọng:

- Thế chiều nào cháu cũng ra đây sao?

- Không chú à, chỉ khi mẹ đến nhà ngoại. Mọi ngưòi nói chuyện, còn cháu chạy ngay ra đây.

Cả hai lại im lặng. Con bé tiếp tục theo dõi con gà đồng, còn Thanh nhìn về phía đám mây có hình cụ già, đám mây giờ lại giống một đàn bò đang đi. Chiều lên chầm chậm, các dãy phố phía dưới chân đồi đã lên đèn. Thanh bỗng muốn nói chuyện với con bé:

- Chú cũng chờ nhìn thấy hạnh phúc đây, nhưng mà khác với cháu. Khi mặt trời lặn, những tia sáng cuối cùng có thể màu xanh, màu xanh ngọc thật kỳ diệu. Và ai nhìn thấy nó một lần trong đời, người ấy sẽ thật sự hạnh phúc.

Thanh thấy vui vui khi con bé có vẻ tin lắm, đôi mắt nó long lanh, nó dịch lại gần Thanh:

- Dễ thấy tia sáng xanh đó không chú?

- Ồ không cháu à, hàng trăm lần, thậm chí hàng nghìn lần mặt trời lặn mới thấy một lần. Nhưng một lần là đủ. Hạnh phúc hiếm lắm cháu.

Thanh cười một mình, cười vì những ý nghĩ vu vơ, rồi nghĩ thầm: "Kể từ khi chia tay với Dung mình đâm ra suy nghĩ vớ vẩn..."

Con bé nhìn Thanh, giọng thông cảm:

- Chú cũng cần hạnh phúc lắm sao? Chắc bố mẹ chú hay giận nhau lắm hả?

- Chú cũng như cháu, chú cần hạnh phúc cho người khác.

Thanh chợt thấy buồn, nghĩ đến Dung, không biết rằng mình nói thật hay dối nữa.

- Sao họ lại không tự tìm hả chú?

Thanh bối rối:

- Cả con gà của cháu lẫn tia sáng xanh của chú không ai thèm nhìn đâu. Bởi vì...

Thanh ngẫm nghĩ tìm lời rồi tiếp:

- ...bởi vì họ không biết ngồi chờ. Mà muốn có hạnh phúc dứt khoát phải biết chờ đợi, như cháu đấy. Nhất định là cháu sẽ nhìn thấy con gà bay lên và sẽ có hạnh phúc, và cả chú nữa - Thanh cười.

Con bé nói, giọng tin cậy:

- Còn một cách thấy hạnh phúc nữa đó chú. Cháu đọc trong truyện "Cô bé bán diêm". Chú biết truyện đó không?

Mặc dù đã đọc vài lần câu chuyện của Andersen, nhưng Thanh muốn nghe con bé kể lại câu chuyện đó một lần nữa trong buổi chiều bình yên này. Chiều cứ lên, con bé cứ say sưa kể, cố sao cho giống lời văn trong sách. Nó kết luận:

- Chú tìm một bao diêm, ngồi trong tối rồi quẹt lên, chú sẽ thấy hạnh phúc. Cháu phải xin mãi mẹ mới cho cháu một bao diêm đấy.

Nó chìa cho Thanh xem bao diêm của nó. Thanh cầm lấy, hóa ra chỉ là bao diêm Hòa Bình thông thường, còn mới, cánh hoa mai vàng trên nền xanh lá cây. Con bé nói tiếp giọng thất vọng:

- Cháu lên gác rồi quẹt những năm cây. Lửa đốt bỏng cả tay, cháu chỉ lóa mắt mà không thấy gì...

Thanh mân mê bao diêm, an ủi nó:

- Có lẽ tại cháu có nhiều hạnh phúc rồi đấy.

Và Thanh chợt hiểu rằng chính trong cái hành động quẹt diêm và chờ mong thấy được hạnh phúc trong ánh sáng nhỏ bé của nó chứa đựng một thứ hạnh phúc lớn lao hơn. Hạnh phúc không từ việc bắt buộc thấy con gà bay lên nhảy múa, hay việc may mắn thấy được tia sáng xanh. Hạnh phúc thật sự là đã ngồi trong chiều thu yên tĩnh này, đã chờ đợi và đã hy vọng. Nghĩ đến đó Thanh cảm thấy lòng mình ấm lại vì có con bé cùng ngồi bên.

Bây giờ thì mặt trời đã xuống, vài vì sao lấp lánh. Cả hai lại im lặng, dường như cả hai hiểu rằng điều kỳ diệu chỉ xảy ra trong không khí tĩnh mịch của buổi chiều.

Bóng tối lan rất nhanh, chuông nhà thờ điểm thong thả. Có tiếng phụ nữ gọi to:

- Linh ơi! Con đâu rồi?

Con bé giật mình nói khẽ:

- Mẹ cháu gọi đấy. Thôi cháu phải về. Cháu chào chú.

Thanh cũng thì thầm, không hiểu vì sao giọng lại thiết tha:

- Cháu sẽ quay lại nhé! Chú sẽ chờ cùng với cháu.

- Nhất định cháu sẽ đến, nhất định... - Con bé kêu lên trong tối rồi chạy đi.

Thanh dõi theo rất lâu về phía con bé vừa đi và mất một lúc mới nhận ra mình chưa trả nó bao diêm.

- Mình sẽ quay trở lại đây mà, phải trở lại chứ, nhất định... - Thanh nói to vào bóng tối.

Trời đột nhiên lất phất mưa. Thọc sâu tay vào túi cho đỡ lạnh, Thanh theo lối mòn xuống phố.

Gần 8 giờ tối Thanh mới về đến nhà. Khu phố cúp điện. Thanh mò mẫm mãi mới tìm thấy cây nến bám đầy bụi nằm sâu trong hốc tủ. Bao diêm trong túi vẫn còn ấm hơi tay, Thanh định quẹt rồi nghĩ sao lại thôi. Trút hết bao diêm ra bàn Thanh chậm chạp đếm thầm trong tối, hai mươi ba que tất cả.

Thanh nằm lăn ra giường nhìn lên trần nhà tối đen:

- Ít quá, mình mà quẹt thì mất thêm một chút hạnh phúc của con bé.

Thanh lại cười một mình trong tối...

yeutre123 (truyenngan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

Phân tích và khuyến nghị DHC

by finandlife07/07/2014 10:08

Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC) có hoạt động sản xuất kinh doanh chính là giấy và bao bì carton.

Đến cuối năm 2013, DHC có qui mô ở mức trung bình với tổng lao động 275 người và tổng tài sản đạt 400 tỷ đồng. Cũng trong năm này, hoạt động kinh doanh của DHC đã phục hồi ấn tượng với 460 tỷ đồng doanh thu và 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lãi suất ngân hàng giảm mạnh từ năm 2013 cùng với việc tái cơ cấu doanh nghiệp, nỗ lực cắt giảm chi phí của ban lãnh đạo đã giúp DHC đạt được những thành quả rất tốt trong năm qua và có thể sẽ bước vào một giao đoạn mới phát triển ổn định hơn trong tương lai.

Kết quả kinh doanh dự kiến 6 tháng rất ấn tượng, theo đó, doanh thu có thể đạt 240 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế có thể đạt 20 tỷ đồng, tăng 174% so với cùng kỳ. Chúng tôi tiếp tục đánh giá tích cực tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong phần còn lại của năm 2014. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm có thể lên đến 501 tỷ và 38.8 tỷ đồng, tương đương tăng 10% và 44% so với năm 2013. EPS F đạt 2,600 đồng/cổ phiếu.

Chúng tôi khuyến nghị mua vào DHC với giá mục tiêu trong ngắn và trung hạn là 18,000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20% so với giá đóng cửa ngày 03/07/2014.

-----------------------------

TÓM TẮT

Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC) được thành lập năm 1994, hoạt động chính của công ty hiện nay là sản xuất kinh doanh giấy công nghiệp và bao bì carton. DHC có trụ sở chính đặt tại thành phố Bến Tre.

Đến cuối năm 2013, DHC có qui mô ở mức trung bình với tổng lao động 275 người và tổng tài sản đạt 400 tỷ đồng. Cũng trong năm này, hoạt động kinh doanh của DHC đã phục hồi ấn tượng với 460 tỷ đồng doanh thu và 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lãi suất ngân hàng giảm mạnh từ năm 2013 cùng với việc tái cơ cấu doanh nghiệp, nỗ lực cắt giảm chi phí của ban lãnh đạo đã giúp DHC đạt được những thành quả rất tốt trong năm qua và có thể sẽ bước vào một giao đoạn mới phát triển ổn định hơn trong tương lai.

SẢN PHẨM CHÍNH

Chiếm 70% doanh thu của toàn công ty hiện nay là sản phẩm giấy kraft phục phụ cho ngành công nghiệp bao gói. Năm 2013, DHC sản xuất được 38,800 tấn giấy kraft. Công ty đã tiêu thụ ra thị trường hết 32,000 tấn và mang về 310 tỷ đồng doanh thu trong năm. Phần còn lại 6,800 tấn, DHC sử dụng làm đầu vào để sản xuất ra sản phẩm thứ hai của công ty: Bao bì carton. Kết thúc năm 2013, DHC sản xuất và tiêu thụ được hơn 15.5 triệu đơn vị sản phẩm bao bì carton, đóng góp 141 tỷ đồng vào doanh thu cả năm (chiếm 30% tổng doanh thu).

ĐẦU VÀO

Để sản xuất ra giấy kraft, DHC sử dụng nguyên liệu chính là giấy phế liệu. Nguồn giấy phế liệu đầu vào để sản xuất giấy thành phẩm được công ty thu gom chủ yếu từ 6 đại lý nằm rải rác tại khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.

Hàng năm DHC cũng nhập giấy phế liệu từ nước ngoài với tỷ lệ khoảng 30% tổng nhu cầu nguyên liệu. Giấy phế liệu nhập từ nước ngoài có ưu điểm là tỷ lệ thu hồi bột giấy cao hơn, nhưng giá thành cũng cao hơn từ 10% đến 20% so với giá mua giấy phế liệu trong nước.

Tình hình giá mua vào giấy phế liệu trong nước hiện nay tương đối ổn định. Nguồn cung tăng khá nhanh trong một vài năm gần đây nhờ vào tốc độ tiêu dùng trong ngành giấy tăng ở mức hai con số trong nhiều năm qua đã làm tăng nguồn giấy phế liệu. Mặt khác, dù tỷ lệ thu hồi giấy phế thải mặc dù còn rất thấp so với các nước như Singgapo, Thái Lan… và chỉ đạt khoảng 30%, nhưng lại đang có xu hướng tăng theo thời gian.

DHC có hiệu suất sử dụng đầu vào đạt ở mức khá cao, trung bình đạt 1.17 lần. Tức là để sản xuất ra 1 tấn giấy kraft thành phẩm, DHC chỉ cần trung bình 1.17 tấn giấy phế liệu đầu vào.

 

NHÀ MÁY VÀ NĂNG LỰC SẢN XUẤT

Đông Hải Bến Tre hiện đang có hai nhà máy đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Nhà máy sản xuất bao bì của DHC có tổng công suất đạt 25 triệu mét vuông bao bì carton mỗi năm. Nhà máy sản xuất giấy Giao Long đặt tại huyện Châu Thành có tổng công suất đạt khoảng 50,000 tấn giấy kraft/năm. Hiện nhà máy này đang hoạt động với công suất thực tế trung bình đạt 80%.

DHC cũng đang có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy Giao Long giai đoạn 2 với công suất thiết kế lớn gần gấp đôi so với công suất hiện nay. Dự kiến DHC sẽ tiến hành đầu tư từ năm 2015, khi nhà máy đi vào hoạt động, tổng công suất sản xuất giấy sẽ đạt 140,000 tấn/năm.

 

ĐẦU RA VÀ THỊ PHẦN:

Sản phẩm giấy kraft:  DHC tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của mình trong khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.

Sản phẩm bao bì carton:  Chủ yếu bán cho các công ty chế biến thủy sản trong khu vực miền Tây Nam Bộ.

Thị phần:  Năm 2013, tổng mức tiêu thụ giấy của cả nước ước đạt 3 triệu tấn giấy các loại. Với sản lượng bán ra đạt gần 39,000 tấn giấy kraft và bao bì carton, DHC đang chiếm thị phần rất nhỏ: 1.3% thị phần của cả nước.

KHỞI ĐẦU KHÔNG ĐƯỢC SUÔN SẺ

Kể từ đầu năm 2011 - năm mà nhà máy giấy Giao Long chính thức đi vào vận hành, doanh thu trung bình toàn công ty đã tăng 30%, nhưng mức sản lượng bán ra thấp hơn hẳn so với tổng công suất thiết kế, trong khi định phí đang ở mức cao (khấu hao trong năm lên đến 24 tỷ đồng) làm lãi gộp của công ty giảm nhẹ. Mặt khác, phương án tài trợ vốn đầu tư của nhà máy giấy Giao Long bằng vốn vay ngân hàng với lãi suất cao đã dẫn đến hệ quả là chi phí tài chính xóa sạch lợi nhuận của cả năm.

THAY ĐỔI TỪ 2012

Năm 2012 là năm kinh doanh tồi tệ nhất của DHC với doanh thu giảm 32% và lãi ròng âm 2.5 tỷ đồng, kéo theo giá cổ phiếu của công ty cũng sụt giảm tới 50% trong năm. Nguyên nhân: Việc thoái vốn tại công ty con Besaco làm DHC mất hẳn doanh thu của hoạt động chế biến thủy sản truyền thống. Trong khi nhà máy Giao Long non trẻ có lãi gộp còn ít ỏi (43 tỷ đồng) đã phải gồng gánh toàn bộ 55 tỷ đồng chi phí tài chính và chi phí vận hành. Nếu không có khoản lợi nhuận 15 tỷ đồng từ việc thanh lý tài sản, lợi nhuận sau thuế của DHC đã âm đến 12 tỷ đồng.

Việc thoái vốn khỏi Besaco mặc dù làm doanh thu và lãi gộp giảm mạnh, nhưng đây cũng là khởi đầu của một giai đoạn mới tốt đẹp hơn cho DHC khi công ty có nhiều thay đổi trong ban lãnh đạo và cả mô hình kinh doanh theo hướng năng động và tinh gọn hơn.

BỨT PHÁ TỪ 2013

Ngoài việc sản lượng và doanh thu tăng do bán hàng hiệu quả hơn trong điều kiện nền kinh tế phục hồi, quyết định thay thế nguyên liệu đốt bằng trấu thay cho than củi và việc cắt giảm bớt lao động, tổ chức lại nhân sự đã giúp DHC cắt giảm chi phí đáng kể và mở rộng biên lãi gộp lên đến 19%, cao hơn hẳn so với mức 12% của năm 2012. Lãi gộp trong năm đạt 83 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2012.

Quan trọng nhất: cùng với những nỗ lực cắt giảm nợ vay của công ty, lãi suất ngân hàng giảm đáng kể đã giúp DHC giảm được 20% chi phí tài chính trong năm và mang về cho cổ đông 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Sự phục hồi mạnh mẽ của DHC là điển hình rõ nhất cho sự thành công của nhiều công ty công chúng Việt Nam trong năm qua nhờ kết hợp được hai yếu tố: sự chủ động và nỗ lực tái cơ cấu, cắt giảm chi phí và may mắn đến từ sự phục hồi của nền kinh tế cùng với lãi suất ngân hàng giảm nhanh chóng.

DỰ BÁO QUÍ 2 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2014

Tại đại hội cổ đông DHC ngày 21/06/2014 vừa qua, ban lãnh đạo công ty đã báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2014 với những thành quả vượt bậc. Theo đó, lũy kế 5 tháng, công ty đạt 190 tỷ đồng doanh thu và 18 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với ước tính khoảng 50 tỷ đồng doanh thu và 2 tỷ đồng lãi sau thuế trong tháng 6, chúng tôi dự báo 6 tháng đầu năm nay, DHC sẽ đạt được 240 tỷ đồng doanh thu và 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 20% và 174% so với cùng kỳ. Bên cạnh việc doanh thu tăng 20% giúp DHC tăng trưởng tốt lãi gộp, kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng này xuất phát chủ yếu từ việc chi phí tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ:

Thời điểm đầu năm 2014, DHC đã nỗ lực cắt giảm dư nợ vay đầu kỳ xuống 40% so với thời điểm đầu năm 2013, cùng với lãi suất vay trung bình cũng giảm từ mức 15% xuống chỉ còn 9% hiện nay đã làm DHC giảm được 6 tỷ đồng tiền lãi phải trả, dự báo 6 tháng đầu năm 2014, chi phí lãi vay chỉ ở mức 5.2 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Mặt khác, quí 2 năm 2013, DHC thoái vốn toàn bộ tại công ty thủy sản Bến Tre và phải ghi nhận một khoản lỗ 6.7 tỷ đồng, được hoạch toán trong chi phí tài chính cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm nay chi phí tài chính của DHC chỉ có 5.2 tỷ đồng tiền lãi vay.

Tóm lại: Chi phí tài chính 6 tháng đầu năm 2013 của DHC lên đến 18.1 tỷ đồng, trong khi quí này chỉ có 5.2 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu giúp DHC mang về cho cổ đông 1330 đồng EPS chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 174% so với cùng kỳ năm ngoái.

NĂM 2014 BẮT ĐẦU MỘT GIAI ĐOẠN MỚI ỔN ĐỊNH HƠN

Chúng tôi dự báo năm 2014 sẽ là một năm hoạt động hiệu quả và thành công của DHC với doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm lần lượt đạt 500 tỷ đồng và 38.8 tỷ đồng, tăng 10% và 44% so với năm 2013.

Nguyên nhân chủ yếu:

Việc đưa vào vận hành thành công lò đốt bằng trấu công suất 18 tấn/giờ để thay thế 2 lò hơi đốt củi làm công ty cắt giảm được chi phí nguyên liệu; Cắt giảm 8% nhân công nhưng vẫn đảm bảo được sản lượng đã giúp công ty tăng năng suất lao động trong năm. Hai nhân tố chủ yếu này giúp công ty có thể tiến hành tăng mạnh khấu hao để nhanh thu hồi vốn (từ mức 19.5 tỷ của năm 2013, tăng lên 29 tỷ đồng trong năm 2014) mà vẫn đảm bảo được lãi gộp tăng và biên lãi gộp chỉ giảm nhẹ từ 19% năm 2013 xuống mức 17% trong năm nay.

Điểm quan trọng nhất giúp DHC đạt được tốc độ tăng trưởng 44% trong năm nay và mang về gần 2,600 đồng EPS cho cổ đông là chi phí tài chính giảm mạnh so với năm 2013. Dự báo, năm 2014 DHC sẽ chỉ tốn khoảng 10 tỷ đồng cho chi phí tài chính, giảm 60% so với năm trước.

Dòng tiền của DHC cũng sẽ khỏe mạnh hơn khi công ty nỗ lực thực hiện đồng thời cả ba giải pháp: nỗ lực tăng hiệu quả bán hàng, giảm giá vốn; giảm nợ vay và tăng khấu hao. Nhờ đó, chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa, DHC sẽ bước vào một giai đoạn mới phát triển ổn định hơn khi không phải gánh trên vai những áp lực nợ nần nhiều như trong các năm qua.

RỦI RO KINH DOANH

Với quyết tâm và nỗ lực cắt giảm nợ vay trong hơn một năm qua của ban lãnh đạo và đang thực sự đạt được những thành công rõ nét từ nỗ lực này, chúng tôi tin rằng trong các năm tiếp theo, rủi ro tài chính không còn là rủi ro đáng kể đối với DHC mà thay vào đó là rủi ro kinh doanh khi mà cấu trúc ngành hiện nay đang có nhiều thay đổi đáng kể.

Bình quân 5 năm qua, ngành giấy Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng gấp đôi GDP. Mặc dù tăng trưởng cao, nhưng mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp và chỉ đạt 33 kg/người vào năm 2013, trong khi đó, con số ở các quốc gia phát triển như EU, Nhật Bản là 130 kg/người, trung bình của các quốc gia khu vực Châu Á đạt 40 kg/người.

Tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng còn rất lớn đã kéo theo rất nhiều nhà sản xuất trong và ngoài nước liên tục đầu tư vào ngành. Gần đây nhất là 3 dự án khổng lồ của các doanh nghiệp FDI:

1, Dự án nhà máy giấy công suất 600,000 tấn/năm của Lee&Man Paper đang khởi động lại ở tỉnh Hậu Giang, tổng vốn đầu tư 1.2 tỷ USD, dự kiến năm 2015 sẽ đi vào hoạt động (nguồn: BáoTuổiTrẻ).

2, Dự án sản xuất giấy bao bì công suất 350,000 tấn/năm tại Bình Dương của Nine Dragon – nhà sản xuất bao bì lớn nhất thế giới hiện nay. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ cuối 2015. (nguồn: An Bình)

3, Cũng tại Bình Dương, liên doanh Kraft Vina cũng rót 180 triệu đô la để đầu tư nhà máy giấy công suất 225,000 tấn/năm (nguồn: BáoĐầu)

 

Chỉ tính riêng ba dự án FDI điển hình ở trên, năng lực sản xuất cũng đã lên đến gần 1.2 triệu tấn/năm, chiếm 40% tổng nhu cầu của cả nước năm 2013. Nếu cả 3 dự án này đều đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nguồn cung sẽ tăng mạnh từ năm 2016 và cạnh tranh sẽ tăng lên đáng kể cho DHC.

Không chỉ các doanh nghiệp FDI mới dồn dập rót vốn đầu tư vào ngành giấy, các doanh nghiệp trong nước cũng đã đầu tư rất nhiều vào ngành, điển hình như dự án tăng công suất lên thêm 28,000 tấn/năm của Giấy Sài Gòn trong năm 2014…

Với nguồn cung tăng mạnh trong các năm tới, tình hình cạnh tranh sẽ thêm gay gắt và rủi ro kinh doanh của DHC sẽ tăng lên đáng kể.

RỦI RO GIAO DỊCH

Bên cạnh rủi ro kinh doanh, nhà đầu tư cần lưu ý đến một rủi ro đáng kể khác là rủi ro giao dịch khi hai cổ đông lớn của DHC hiện nay là ông Đoàn Văn Đạo (cựu chủ tịch DHC) và công ty cổ phần Thủy Sản Bến Tre (ABT) đang liên tục thoái vốn khỏi DHC. Cụ thể:

1, Giao dịch của cổ đông ABT:

Vào thời điểm đầu năm 2014, ABT sỡ hữu 1.44 triệu cổ phần, tương đương 9.6% tại DHC. Từ đó đến nay, ABT đã liên tục bán ra. Tính đến hết ngày 24/06/2014, ABT đã bán thành công 700,000 cổ phiếu và đến nay chỉ còn sở hữu 744,000 cổ phiếu, tương đương 5% tại DHC. Có thể trong thời gian tới, ABT sẽ tiếp tục bán ra để thoái hết phần còn lại.

2, Giao dịch của cựu chủ tịch Đoàn Văn Đạo:

Trước tháng 7 năm 2013 – thời điểm mà DHC tiến hành chuyển giao lãnh đạo quan trọng, ông Đoàn Văn Đạo sở hữu 21.6% tại DHC (3.24 triệu cổ phần). Từ đó đến nay, ông Đoàn Văn Đạo đã tiến hành bán ra hai lần với tổng cộng hơn 2.6 triệu cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu của ông tại DHC đã giảm xuống chỉ còn 4.3% vào đầu tháng 7 năm nay.

Với đà bán đang mạnh của hai cổ đông lớn này, chúng tôi đặc biệt lưu ý các nhà đầu tư đang xem xét mua vào cổ phiếu DHC tại thời điểm hiện nay.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Chúng tôi đánh giá rất cao khả năng tái cơ cấu và lèo lái doanh nghiệp của thế hệ lãnh đạo mới hiện nay mà điển hình là tân chủ tịch Lê Bá Phương. Những nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, giảm nợ vay và cải thiện khả năng kinh doanh của công ty đã giúp DHC bứt lên từ một doanh nghiệp thua lỗ năm 2012 thành một doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hiếm có trong hai năm qua với tốc độ tăng trưởng EPS năm dự kiến năm nay sẽ lên đến 44% và đạt 2,600 đồng/cổ phiếu.

Từ việc EPS gộp bị âm 140 đồng/cổ phiếu trong 2 năm 2011 và 2012, DHC đã hoàn toàn thay đổi với EPS gộp của 2 năm 2013 và 2014 dự kiến đạt 4,400 đồng. Đây là cơ sở để DHC tiến hành chi trả cổ tức tổng cộng cho hai năm 2013 và 2014 với tỷ lệ lên đến 25% sau hai năm không chi trả.

Với những cải thiện đáng kể qua từng quí trong suốt một năm qua cùng với những triển vọng sáng sủa trong ngắn hạn, chúng tôi đánh giá DHC là một cổ phiếu tiềm năng. Với mức giá hiện nay, DHC rất đáng để mua vào và nắm giữ.

Giá mục tiêu trong ngắn và trung hạn: 18,000 đồng/cổ phiếu. Mức giá mục tiêu này tương đương với hệ số PE forward = 7x., chỉ bằng ½ hệ số PER trung bình của toàn thị trường hiện nay.

 

Analyst Nguyễn Văn Tiến, VFS Research

Tags:

Stocks

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu