Hạt giấy

by Life11/02/2015 10:55

Có những món quà thật đơn giản nhưng chứa đựng biết bao nhiêu chân tình. Tôi biết một chàng trai đã gấp 1000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì xán lạn nhưng họ vẫn luôn hạnh phúc bên nhau. Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa . Nàng rất lấy làm tiếc nhưng rồi nỗi đau của chàng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người.

Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều trước đây vì thiếu nó mà người yêu đã rời bỏ anh, mà còn giúp anh xua đuổi ra khỏi tâm trí mình một điều gì đó của tháng ngày xưa cũ.

Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ra đó chính là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại.

Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng bây giờ anh đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ đã từ chối đã làm được điều đó.

Đôi vợ chồng cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, như thể thời gian không bao giờ làm thay đổi nụ cười ấy, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ. Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào.

Đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc một căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Vì vậy nàng quyết định xa anh. Nàng mong ước cha mẹ sẽ dặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.

Chàng trai bật khóc.

Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn bên ta nữa. Chỉ bởi vì họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ. Nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có. Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu . Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại.

Trong tình yêu chẳng có gì tồi tệ hơn để nhớ thương một người là ngồi cạnh họ và lo sợ rằng sẽ mất họ.(st http://vforum.vn/)

Tags:

StoriesofLife

Bức họa không nét vẽ

by Life09/02/2015 16:34

Lòng người có những khoảng lặng, vui chẳng được mấy chốc mà sao buồn thì cứ dài mãi...

***

Dạo này đi làm về tôi hay vất balo lên ghế rồi lang thang ra đầu ngõ ngồi làm cốc trà đá. Một phần vì muồn xả stress, suốt ngày ngồi gõ gạc bàn phím fix lỗi, rồi thì 2 cái điện thoại ốp vào 2 tai hỗ trợ, đỏ lừ, ngày nào cũng như ngày nào. Một phần vì ở đó có cạ buôn dưa lê bán dưa cà rất vui, mặc dù chênh lệch nhau khá nhiều tuổi.

Đó là một ông lão gần 80 tuổi, gần nhà tôi trọ, tên Cẩn. Lão cũng già lắm rồi, tóc bạc phơ, hói, còn vài sợi mé thái dương, mặt nhăn hơn cả táo tàu chưa sắc. Tay chân lão cũng chẳng khá hơn. Cơ mà được cái lão vui tính cực, lúc nào cũng cười được. Cứ ra quán nước ấy tầm 6 rưỡi tối là lại gặp lão, rất đều đặn, chỉ trừ lúc ốm đau bệnh tật. Hai ông cháu hay truyện trò tếu táo. Lão cũng hơi nặng tai, nói phải nói to cơ lão mới nghe thấy rõ, có lần tôi hỏi lão:

- Chẳng hay sắp 80, ông có mừng thượng thọ ko thế?

Lão cười cười đáp:

- Tao còn sống được mấy nữa, chúng mày nếu muốn đến viếng thì viếng trước đi, đưa luôn phong bì đây tao nhận còn tiêu chứ tao lăn ra đấy đến viếng thì tao cần đếch gì nữa, có tiêu được đâu.

Đấy, hiểu nhầm mười thành tịt chỉ vì nặng tai. Thật là tai hại. Mà lão nói cũng đúng, lúc sống thì chẳng ai nuôi, lúc chết mới bâu vào, đám ma đưa ruồi. Ích gì. Nhề!

Lão đang sống 1 mình, nhà rộng nên lão cho thuê lại 2-3 phòng gì đấy, gọi là cũng đủ tiền tiêu cho mình lão, ăn uống rồi bắn thuốc lào thoả thích. Lão bảo lão cũng chỉ cần có thế, già lắm rồi, còn mong chờ gì đâu. Nhiều khi lão thở dài hướng cái nhìn ra phía xa, tôi biết lão buồn. Những người già thường như vậy, nhiều suy nghĩ và trăn trở. Hôm nay tôi đến, thấy lão có vẻ trầm tư, tôi kê ghế lại ngồi cùng cho vui. Sau vài câu hỏi linh tinh tôi mới biết hôm nay là ngày giỗ thằng cả, con lão. Haizzz...Lá vàng chưa đổ mà lá xanh rụng rồi...

Lão kể cuối những năm 70 hồi nhà còn nghèo đói, bữa cơm ăn chạy từng bữa ko đủ, thằng con cả theo bạn bè rủ rê vượt biên sang Thái Lan để thoát ly, nghe đâu sang đó dễ kiếm tiền và cuộc sống thoải mái lắm, nào ngờ chưa sang đến nơi thì bị cướp, rồi bắn chết châm lửa đốt cả tàu ko tìm thấy xác.

Vợ lão vì đau buồn mà lâm bệnh, đêm nào cũng lay vai lão dậy bảo lão dìu ra đầu ngõ để đón con, con nó đang gọi. Lão buồn, dậy ra ngoài lép sau cánh cửa ngồi khóc. Lão đạp xích lô ban ngày, rồi tối vào xưởng nhuộm để làm thêm đến gần nửa đêm mới về nhà mà vẫn không đủ tiền chữa bệnh cho vợ lão và nuôi 2 đứa con. Thằng con trai thứ thì hư, suốt ngày chơi bời, bỏ học theo đám thanh niên đàn đúm suốt ngày, đến năm nó 20 tuổi thì bỏ vào nam theo cái bọn ấy, lão cản không được, lần thứ 2 lão khóc, thấy mình bất lực, thấy cuộc đời sao khó khăn với lão quá. Vợ lão lúc ấy bệnh trở ngày càng nặng hơn, sốt, lên cơn co giật hàng ngày.

Rồi chuyện gì đến cũng đến, vợ lão sau trận sốt miên man 3 ngày liền thì mất. Hôm ấy trời mưa to lắm, lão đầu trần vội vã đạp xích lô đến trạm xá gọi người, nhưng lúc về đến nơi thì thấy con út nó khóc nấc lên trong nhà. Lão biết là không còn kịp nữa, đến gần bên giường môi mím chặt vào đưa 2 tay run run xoa lên má vợ. Đời người thật ngắn ngủi, niềm vui chẳng tày gang. Lão xoa vai con bé rồi lững thững ra tựa cửa ngồi, người như vô hồn, chẳng khóc nổi. Nghe đến cái đoạn này sao tự nhiên trời lại trở gió, làm mắt tôi cay hết cả...

Những năm tháng ấy khuất dần, chiến tranh biên giới với Trung Quốc cũng tan, lão bị viêm khớp gối không đạp nổi xích lô nữa. Lão mở quán nước rồi tạp hoá buôn bán đủ các thứ. Cái quán tuy nhỏ cũng đủ nuôi sống lão với con út. Được cái con út cũng ngoan, thương bố và rất chăm chỉ học. Nó học giỏi lắm, toàn đứng nhất lớp. Cuộc sống dần dễ thở hơn với gia đình lão. Rồi cũng đến lúc con út tốt nghiệp, nó thi đỗ đại học điểm cao, được cử đi Nga học 5 năm. Lão mừng lắm không giấu nổi, lần thứ 3 mắt lão sụt sùi nhỏ từng giọt lên vạt tay áo. Nhưng nó khác hẳn với những lần trước, lần này lão khóc vì vui, khóc vì niềm hạnh phúc và tự hào. Lão nghĩ cuộc đời đã không bất công với lão.

Hôm trước tiễn con bé lên máy bay, lão dốc sạch tiền dành dụm được mua quần áo và nhét vào vali cho nó. Lão ko nhớ là đã nhét được bao nhiêu gói lương khô nữa, chỉ sợ con bé sang đó lại đói. Con bé thì lầm dầm bảo lão toàn lo không đâu, nhà nước người ta nuôi hết rồi, vừa nói nó vừa nhặt để ra ngoài. Lão cười xuề xoà rồi bế cái điếu ra cửa châm đóm rít. Lão chợt nhớ thằng thứ quá, không biết giờ nó thế nào, lâu chẳng thấy có tin về. Lão lo...

Một hai năm sau đó thấy thằng thứ nó về, dắt theo cả vợ con. Nhìn thấy con trưởng thành và chín chắn hơn, lão vui lắm, tay cứ xoa xoa 2 đầu gối, mắt không rời khỏi đứa cháu kháu khỉnh. Thằng bé thì lấm lét, bám chặt lấy chân mẹ như sợ lão đụng vào. Chắc nó sợ cái khuôn mặt nhăn nhúm, sợ đôi bàn tay nứt nẻ sạm màu của lão. Haizzz... Thằng thứ ngồi xuống đối diện với lão. Nó nói lần này về để từ biệt lão, vợ chồng nó sang Séc định cư. Lão ngồi người cứng như khúc gỗ, không nhấc nổi chân lên khỏi ghế. Thắp nén nhang cho bà lão xong nó dẫn vợ con đi luôn trong chiều, chẳng kịp ở lại ăn lấy nổi bữa cơm với lão.

Lão khựng lại một lúc lâu không kể nữa, mặt đăm chiêu theo làn khói nhả. Lão cầm điếu lên rít liên tục một mạch hết nửa gói thuốc. Gió mùa đông bắc về, chân tay lão lại nhức quá, chắc lão đau nên 1 lúc lại cầm cái điều cày lên, cũng có thể lão thấy cuộc đời trống rỗng quá, chẳng có gì làm bạn và thân thiết với lão ngoài mấy bi thuốc lào. Đoạn lão đưa miệng hứng hớp nước chè, chép miệng.

Ngày con út tốt nghiệp về nước, lão ra sân bay đón mà 2 bố con mãi mới nhận ra nhau, con bé khác quá, điệu đà hơn, xinh hơn rất nhiều. Nó bảo lão khác quá, già hơn quá nhiều so với trước, nó ôm lão 1 lúc lâu mới buông ra. Rồi nó giới thiệu bạn, 1 anh chàng người Nga cao lớn, chỉ biết nói duy nhất 1 câu tiếng việt :"Chào bác, bác có được khỏe ko?" Lão cười trả lời :"Bác khoẻ, chào cháu" nó không hiểu cứ gãi đầu nhìn con út cầu cứu. Lâu lắm rồi lão mới thấy vui như thế.

Chừng nửa tháng con bé ngồi khoác tay người bạn Nga bảo với lão là có chuyện muốn nói, lão cười cười cầm cái điếu cày châm đóm như mọi khi. Lão có linh cảm có chuyện gì đó không ổn. Lão sợ cái điều mà lão đang nghĩ. Chần chừ 1 lúc, con bé nói nó sẽ kết hôn và sang Nga sống với anh chàng kia. Lão không nói gì, vác điếu cày ra cửa ngồi, rít rồi nhả cả đám khỏi ra bầu trời... Mịt mờ như bên trong cái đầu lão bây giờ. Lão chẳng biết phải làm sao, nhưng lão biết mình chẳng thể ngăn cản hạnh phúc của con bé được...

Lão thở dài, xong cười nhạt, lão lúc nào cũng thế, quanh năm suốt tháng chỉ có cái điệu cười ấy. Dường như lão lấy nó để che dấu đi mình, che dấu đi cái khoảng trống vô tận kia đang lấp hết trong lòng. Lão đặt cốc nước xuống ghế. Kể tiếp câu chuyện còn dang dở.

Cũng đã mấy năm rồi ko thấy đứa nào về, chỉ thỉnh thoảng có điện thoại, con bé gọi về buôn với lão vài câu vội vã. Chúng nó gửi tiền về cho lão xây nhà, hàng xóm cứ bảo lão sướng, số lão may mắn cuối đời được hưởng thụ. Nhưng không biết được cái mà lão muốn là điều gì. Lão lo, lo lúc mình về với đất chỉ có một mình. Sung sướng ư, may mắn ư? Có ai cần không lão sẽ nhường tất!!!

Tôi nhìn lão mà cũng buồn lây, bảo lão cho mượn cái điếu cày làm hơi cho thay đổi không khí. Càng buồn hơn, tôi rít 1 bi tụt cả hơi, mặt xanh lè ho sặc sụa. Lão vỗ lưng tôi cười ha hả.

- Mày chưa đến tuổi dùng cái này đâu con ạ, đừng nóng vội, đốt cháy giai đoạn, chả ngon được đâu.

Chắc lão nói đúng, hoặc có thể sai, nhưng cái cách cầm điếu, cái cách lão rít thuốc khác hẳn với những người tôi từng gặp. Lão rít vào thật sâu, tu hớp nước chè rồi mới nhả ra từng đợt, như kiểu lão muốn nuốt tất cả mọi đắng cay vào bên trong vậy, lão không muốn nó thoát ra ngoài, hay đúng hơn là lão muốn nén nó vào tận ruột gan mình cho bớt lạnh lẽo...

Lòng người có những khoảng lặng, vui chẳng được mấy chốc mà sao buồn thì cứ dài mãi...Có người nói cuộc sống như một bức tranh ta tự vẽ nấy, nhưng tôi thì thấy nó ko đúng, có những gam màu, có những nét nguệch ngoạc chen ngang của tạo hoá. Có chăng thì lòng người tự điều chỉnh mà thích nghi với những nét ấy mà thôi. Có người có bức tranh màu tươi vui, có người màu đậm, nhạt mà cũng có người màu buồn, màu mà chẳng bút nào vẽ ra được...(st truyenngan.com.vn)

Tags:

StoriesofLife

Ghi lại diễn biến vụ Ngân hàng Xây dựng bị mua lại 0 đồng

by finandlife05/02/2015 09:02

Việc Ngân hàng Xây Dựng được Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng là một tin nóng hổi và mang lại rất nhiều suy nghĩ trái chiều cả giới chức trách, luật sư và chuyên gia. Finandlife cũng muốn trích dẫn lại đây những bài viết đáng quan tâm để có thể ghi nhận một dấu mốc của “phá sản kiểu mới” trong lịch sử Ngân hàng thương mại tại Việt Nam, mà nhiều người ví không ngoa là “quốc hữu hóa”.

Trước thông tin này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế Quốc hội cho rằng “đây thực chất là một hình thức phá sản, phá sản về mặt cổ đông, còn người gửi tiền vẫn đảm bảo quyền lợi”, ngoài ra, ông còn cho rằng “đây là một may mắn với cổ đông của VNCB” vì NHNN phải thực hiện trả nợ lại cho người đi gửi tiền thay cho ngân hàng.

Trong khi đó, trả lời báo Đầu tư chứng khoán, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh khẳng định: "Trong giai đoạn hiện nay, để ổn định chính trị - xã hội của đất nước, Chính phủ yêu cầu trị bệnh phải trị cho hết chứ không để cho chết. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ nên NHNN thực hiện đúng chỉ đạo đó", Phó Thống đốc cho biết.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, đây không phải là quốc hữu hóa vì luật nước ta đã chính thức bác bỏ quốc hữu hóa trong Hiến pháp 2013, và đây cũng không phải là trưng thu tài sản, có nhiều điểm bất thường xung quanh vấn đề này.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì một ngân hàng chỉ có thể bị phá sản, giải thể hay bị hợp nhất, sáp nhập, nếu không còn đủ điều kiện để tồn tại và hoạt động. Nhưng trường hợp này, thì VNCB vẫn tiếp tục tồn tại là một pháp nhân độc lập, chỉ thay đổi chủ sở hữu từ 551 cổ đông thành một chủ sở hữu là Ngân hàng Nhà nước. Và không có quy định nào của pháp luật cho phép chuyển đổi một công ty cổ phần thành công ty TNHH 1 thành viên.

Góc nhìn của một chuyên gia độc lập, TS GiangLe cho rằng thực chất NHNN đang ngại sử dụng từ phá sản, và nêu ra nhiều sai lầm trong việc điều hành hệ thống Ngân Hàng của Việt Nam thời gian qua, thay vì quản lý chặt hệ số CAR, NHNN đã bắt các Ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ, hay việc thành lập VAMC để làm đẹp số liệu…

-------------------------------

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn liên quan đến trường hợp NHNN mua lại 100% vốn của ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đây là một hình thức phá sản ngân hàng theo kiểu mới.

"NHNN xử lý VNCB dựa trên 4 Luật: Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật phá sản và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Việc NHNN mua lại VNCB không phải là "quốc hữu hóa" ngân hàng mà thực chất là một hình thức phá sản, phá sản về mặt cổ đông, còn người gửi tiền vẫn được đảm bảo quyền lợi.  NHNN chỉ không để xảy ra ngân hàng phá sản để không ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền, tới an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống. Điều này là hợp lý bởi các cổ đông, lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra tình trạng thất thoát vốn tại ngân hàng của mình".

Với việc NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, 551 cổ đông hiện hữu của ngân hàng này bị chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông. Có ý kiến băn khoăn về việc toàn bộ cổ đông của ngân hàng này bỗng nhiên "tay trắng" sau khi bán cho NHNN. Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, trên thực tế, các cổ đông của VNCB đã mất hết vốn từ lâu. Không chỉ có thế, ngoài việc "trắng tay", mỗi cổ đông của ngân hàng này còn "gánh" thêm một đống nợ.

Chính vì vậy, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc NHNN đứng ra mua toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng là may mắn với cổ đông VNCB. Bởi khi mua lại VNCB, NHNN còn phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến VNCB, đặc biệt là nghĩa vụ trả tiền cho người gửi tại ngân hàng này.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, sau 3 lần ĐHCĐ bất thường, nghe báo cáo chi tiết về tổng tài sản, tổng nợ của ngân hàng này, các cổ đông của VNCB đã phải ngậm ngùi chấp nhận bán cổ phần 0 đồng cho NHNN.

Nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết, trên thực tế, với tình trạng mất hết vốn chủ sở hữu như VNCB, có thể nói ngân hàng này đã ở trong trạng thái phá sản về mặt kỹ thật. Việc NHNN mua lại là nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, không gây bất ổn tới hệ thống.

"VNCB phải bán với giá 0 đồng vì nợ xấu của ngân hàng này đã lớn hơn vốn điều lệ. Lẽ ra, với ngân hàng này, NHNN có thể cho phá sản. Song NHNN mua lại là không để cho người dân chịu thiệt", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long giải thích.

Trao đổi với báo Đầu tư, Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP cũng cho rằng, ở các nước, tình trạng quốc hữu hóa ngân hàng yếu kém, không có khả năng tự phục hồi diễn ra khá nhiều. Và đối với trường hợp đã âm vốn chủ sở hữu, thì giá trị cổ phiếu thường là 0 đồng.

"Tôi cho rằng, việc NHNN mua lại VNCB mà không cho phá sản là một quyết định thận trọng và hợp lý. Bởi phá sản ngân hàng thời điểm này có thể gây xáo trộn tới cả hệ thống", vị lãnh đạo này nói.

Vị Phó tổng Giám đốc trên cũng cho rằng, đây là trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam nên NHNN đang vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, trường hợp này cũng là đòn "cảnh báo" cho cổ đông các ngân hàng yếu kém khác nếu không tích cực khắc phục hậu quả.

Trước khi VNCB bị quốc hữu hóa, nhiều chuyên gia kinh tế trong đó có TS. Trần Du Lịch cho rằng, phải quốc hữu hóa những ngân hàng có hệ số vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản dưới 8%, mà nợ xấu lên tới trên 10%, tức là đã mất hết vốn. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, đây là một trong những giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, quốc hữu hóa là một giải pháp khá "tốn kém" vì chi phí xử lý nợ xấu sẽ rất khổng lồ, vì vậy, NHNN sẽ phải cân nhắc và lựa chọn.

Liên quan đến "số phận" của VNCB sau khi được NHNN mua lại, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, NHNN đã giao cho Vietcombank điều hành, Vietcombank sẽ "mổ xẻ" sức khỏe của ngân hàng này để có những quyết định tiếp theo.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất sau khi mua lại là NHNN bơm tiền, thay đổi toàn bộ nhân sự chủ chốt, mô hình quản lý, quản trị DN... của ngân hàng, làm ngân hàng này hồi phục. Một khi ngân hàng hồi phục, NHNN có thể bán ra để thu hồi vốn, thậm chí là có lời.

TS. Nguyễn Đức Kiên nói thêm, qua sự việc của VNCB, có thể thấy vai trò của ĐHCĐ, HĐQT và Ban kiểm soát tại mỗi DN là hết sức quan trọng. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã được sửa đổi dựa trên tinh thần này: DN nói chung, ngân hàng nói riêng lãi thì hưởng, lỗ phải chịu, không thể bắt người dân và xã hội gánh chịu. Nói cách khác, tình trạng ngân hàng lỗ vẫn chia thưởng, bắt cả xã hội "làm con tin" như trước đây sẽ phải chấm dứt.

Trong khi đó, trả lời báo Đầu tư chứng khoán, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh khẳng định: "Trong giai đoạn hiện nay, để ổn định chính trị - xã hội của đất nước, Chính phủ yêu cầu trị bệnh phải trị cho hết chứ không để cho chết. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ nên NHNN thực hiện đúng chỉ đạo đó", Phó Thống đốc cho biết.

Cũng theo Phó Thống đốc, đối với các công ty tài chính, nếu cần thiết NHNN sẽ cho giải thể đúng theo luật định vì tác động đến dân chúng không nhiều. Nhưng đối với hệ thống ngân hàng, NHNN sẽ cố gắng để làm sao không tuyên bố phá sản, vì nếu tuyên bố phá sản, người dân mất tiền từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, xã hội.

"Thà mất tiền (nhà nước chi trả-pv) để có sự bình ổn trong xã hội sẽ tốt hơn nếu người dân mất tiền sẽ dẫn đến niềm tin mất, bất ổn xã hội rồi dẫn đến nhiều vấn đề khác mà mức chi phí đó còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, NHNN đang và sẽ tiếp tục chọn phương án trên đối với ngân hàng thương mại", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Lãnh đạo NHNN cho biết thêm, trong trường hợp của VNCB, NHNN mua Ngân hàng để củng cố, phục hồi lại hoạt động, nhưng trước tiên và quan trọng nhất đó là nhằm mục tiêu có tiền trả cho người dân.

Theo Thùy Liên, Link bài gốc.

Baodautu.vn

----------------------------------

Sự kiện đáng chú ý nhất trong giới tài chính ngân hàng hiện nay có lẽ là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Sở dĩ sự kiện này thu hút sự quan tâm của nhiều người là do đây là trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng đầu tiên của của Việt Nam.

Xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trương Thanh Đức – Người có nhiều năm kinh nghiệm theo dõi ngành ngân hàng.

Ông đánh giá như thế nào về trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng đầu tiên này của Việt Nam?

Đúng là việc này hoàn toàn giống với việc việc quốc hữu hoá ngân hàng như quy định tại Điều 25 , Hiến pháp năm 1980 “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hoá không bồi thường”. Tuy nhiên, về pháp lý, thì lại không thể gọi đây là việc quốc hữu hoá, vì Hiến pháp năm 1992 trước đây cũng như Điều 51 Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” Tức là chế độ ta đã từ bỏ hẳn hình thức quốc hữu hoá.

Việc này cũng không phải là hình thức trưng thu tài sản, vì việc trưng thu cũng chỉ có trong Hiến pháp năm 1980, mà không có trong 2 bản Hiến pháp gần đây. Theo quy định tại Điều 32 của Hiến pháp hiện hành, thì “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Trường hợp này, nếu gọi là trưng thu, thì phải mua theo giá thị trường. Chưa thấy cơ sở pháp lý nào khẳng định rằng, giá thị trưởng của cổ phần VNCB là bằng 0.

Điều 149 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Ngân hàng Nhà nước có quyền “mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.” Tuy nhiên, chỉ có 2 cách mua lại . Nếu như mua lại toàn bộ tài sản của VNCB với giá 0 đồng, thì 551 cổ đông vẫn còn nguyên là cổ đông của ngân hàng. Còn nếu muốn loại bỏ 551 cổ đông, thì phải mua lại toàn bộ số cổ phần thuộc quyền sở hữu của tất cả cổ đông, chứ không thể mua từ ngân hàng.

Nhiều người đang muốn có câu trả lời rõ ràng về con số lỗ cụ thể của ngân hàng này là bao nhiêu để từ đó có lý giải thỏa đáng về việc quốc hữu hóa này, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Rất cần phải xác định rõ rằng, việc xử lý VNCB là theo quy định nào của pháp luật. Và dù xử lý theo bất kỳ quy định nào, thì đồng thời cũng phải xác định cụ thể con số lỗ là bao nhiêu, trong đó do trích lập dự phòng ở mức nào. Đã đến nước này rồi, thì chẳng còn lý do gì mà không công bố.

Có ý kiến cho rằng, việc NHNN quốc hữu hóa VNCB đồng nghĩa các cổ đông "trắng tay", còn ý kiến của ông thế nào?

Việc này xét trên các khía cạnh khác nhau thì sẽ dẫn đến kết quả khác nhau. Nếu tính toán theo đúng quy định, do phải trích dự phòng quá nhiều, tức hạch toán vào chi phí quá cao so với thu nhập, thì kết quả sẽ lỗ và mất hết vốn, thậm chí là âm vốn. Như vậy thì đúng là giá trị vốn cổ phần của cổ đông là bằng không.

Tuy nhiên xét theo khía cạnh khác, thì việc cổ đông bỗng chốc không còn nghĩa vụ và quyền lợi gì là điều rất không thoả đáng. Trên thực tế trong nước cũng như thế giới, đã từng có rất nhiều doanh nghiệp và ngân hàng lỗ lớn quá mức vốn điều lệ, đứng trên bờ vực phá sản, nhưng sau đó vẫn phục hồi trở lại.

Đặc biệt, khi lỗ là do nguyên nhân phải trích lập dự phòng, thì không hoàn toàn giống như trường hợp lỗ do thu không đủ chi. Theo quy định, thì khả năng thu hồi nợ luôn tỷ lệ nghịch với con số chi phí đã trích lập dự phòng, tức trích dự phòng càng cao, thì khả năng thu hồi nợ càng thấp.

Tuy nhiên, điều này có thể lại khác với thực tế. Ví dụ có khoản nợ đã trích lập dự phòng 50%, tức là coi như khả năng mất vốn là 50%. Nhưng sau đó có thể mất toàn bộ vốn, không thu hồi được đồng nào. Ngược lại, có khoản nợ đã trích lập dự phòng 100%, tức là coi như khả năng mất vốn là 100%. Tuy nhiên, sau đó vẫn có thể thu hồi được toàn bộ số vốn, thậm chí cả tiền lãi.

Ông có nghĩ rằng việc NHNN mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB lần này với giá 0 đồng sẽ tạo tiền lệ nào đó trên thị trường hay không?

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì một ngân hàng chỉ có thể bị phá sản, giải thể hay bị hợp nhất, sáp nhập, nếu không còn đủ điều kiện để tồn tại và hoạt động. Nhưng trường hợp này, thì VNCB vẫn tiếp tục tồn tại là một pháp nhân độc lập, chỉ thay đổi chủ sở hữu từ 551 cổ đông thành một chủ sở hữu là Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, không có quy định nào của pháp luật cho phép chuyển đổi một công ty cổ phần thành công ty TNHH 1 thành viên. Cũng không thể giải thích được rằng, tại sao một ngân hàng thương mại lại có thể chuyển đổi sang một hình thức khác để tiếp tục duy trì hoạt động với số vốn điều lệ bằng 0 hoặc là âm trong khi vốn thực có tối thiếu phải là 3.000 tỷ đồng?

Và vấn đề nữa phải đặt ra là còn một số ngân hàng khác cũng trong tình trạng âm vốn tương tự thì có tiếp tục bị xử lý như vậy hay không.

Qua sự việc lần này, ông có lưu ý gì với các nhà đầu tư nhất là những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng?

Cổ đông VNCB nói riêng, nhà đầu tư nói chung bị sốc nặng trước tình huống này. Công ty thua lỗ, thì vốn cổ phần của cổ đông đương nhiên là bị suy giảm giá trị, thậm chí là mất trắng (nhưng không bao giờ mất quá số vốn cổ phần đã góp). Đó là điều tất yếu đối với các công ty hoạt động trong nền kinh tế thị trườngmà xưa nay đã xảy ra không ít.

Tuy nhiên, cổ đông ngân hàng tự dưng mất trắng chỉ trong nháy mắt thì là điều chưa từng có và không bao giờ có thể nghĩ đến. Đối với họ, thì điều này còn kinh khủng hơn nhiều so với việc ngân hàng bị phá sản . Vì dù ngân hàng có bị phá sản, thì cũng phải giải quyết qua nhiều năm tháng và người ta vẫn có quyền hy vọng vớt vát được một phần vốn thông qua việc thu hồi các khoản tiền từ tín dụng, đầu tư, nợ nần khác và xử lý tài sản của ngân hàng.

Điều an ủi duy nhất đối với cổ đông có lẽ là công chúng gửi tiền không bị thiệt hại vì sự sụp đổ của ngân hàng mình.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Nhi, link bài gốc

Theo InfoNet

-----------------------------

1. Trước hết cần nói rõ tôi không có thông tin "nội bộ" nào về VNCB cũng như vụ xử lý vừa rồi của NHNN. Tất cả những gì tôi biết đều qua báo chí nên tôi chỉ phân tích dựa vào những thông tin đó trên quan điểm kinh tế và kinh nghiệm thực tế của bản thân. Thực ra nếu bạn đã đọc blog này lâu, bài này cũng không có gì mới vì tôi sẽ lặp lại quan điểm đã từng viết về banking reform từ năm 2012. Mới đó mà đã ba năm nhưng nhìn đi nhìn lại công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng của VN vẫn chưa có gì đột phá, cho đến vụ VNCB này.

2. Như tôi đã viết năm 2012 thực trạng của hệ thống ngân hàng VN có thể tóm tắt bằng một câu: nợ xấu (đã công khai + chưa được thừa nhận) quá nhiều sau một giai đoạn tăng trưởng nóng đẩy nhiều ngân hàng đến bờ vực phá sản. Đây là hệ quả của một số nguyên nhân khách quan như sự bùng phát của khu vực kinh tế tư nhân sau khi Luật Doanh nghiệp 2000 ra đời, VN gia nhập WTO và dòng vốn ngoại ào ạt chảy vào, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh. Những lý do chủ quan cũng quan trọng không kém: trình độ quản lý của giới ngân hàng chưa tốt, sự yếu kém của cơ quan quản lý (NHNN), hệ thống pháp luật lỏng lẻo, chính sách kinh tế sai lầm (Vinashin, Vinalines). Trong số các chính sách kinh tế dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng, NHNN có trách nhiệm rất lớn.

Không kể việc buông lỏng quản lý trong giai đoạn trước năm 2006, thời thống đốc Nguyễn Văn Bình còn là Chánh Thanh tra, NHNN đã phạm phải hai sai lầm quan trọng từ thời ông Lê Đức Thúy và Nguyễn Văn Giàu. Thứ nhất là điều hành chính sách tiền tệ sai lầm dẫn đến lạm phát cao, sau đó lạm dụng quá nhiều các biện pháp can thiệp hành chính để chống lạm phát. Một sai lầm nổi bật trong chính sách tiền tệ là NHNN đã không thực hiện tốt chức năng người cho vay cuối cùng, buộc những ngân hàng nhỏ/yếu khi thiếu thanh khoản phải chạy đua lãi suất huy động và/hoặc sử dụng những kênh huy động chui. Sẽ không có vụ ACB cho nhân viên đi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác nếu thanh khoản trong hệ thống không bị bóp nghẹt.

Sai lầm thứ hai của NHNN là ép các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ. Tôi đã viết một bài phân tích rất kỹ về vấn đề này từ năm 2010. Thay vì phải quản lý thật chặt CAR, NHNN chỉ quan tâm đến giá trị tối thiểu của tử số mà không màng gì đến mẫu số. Nói đúng ra NHNN sau này đã quản lý mẫu số (assets) bằng trần tăng trưởng tín dụng, nhưng với mục đích kiểm soát lạm phát chứ không phải vì lý do an toàn hệ thống. Chính vì định hướng sai lầm này và năng lực quản lý yếu kém của NHNN nợ xấu (và lạm phát) đã gia tăng liên tục, chỉ "tam nghỉ" một giai đoạn ngắn khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Chỉ sau khi chính phủ chuyển trọng tâm từ "tăng trưởng" sang "ổn định vĩ mô", nhất là sau vụ Vinashin/Vinalines, nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng mới bắt đầu đi vào quĩ đạo hợp lý. Có điều cái giá phải trả sẽ là vài năm tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí suy thoái, chỉ chưa biết VN có thực hiện triệt để structural reform để không bị rơi vào vòng xoáy tăng trưởng nóng-khủng hoảng một lần nữa không.

3. Quay lại vấn đề cải tổ hệ thống ngân hàng. Trong ba năm qua NHNN vẫn loay hoay với kế hoạch sáp nhập các ngân hàng yếu kém, NHNN và các cơ quan khác đã nhiều lần loại bỏ khả năng để một/vài ngân hàng phá sản, vd phát biểu của ông Vũ Viết Ngoại ở đây. Vụ ép sáp nhập ba ngân hàng Cổ phần Sài Gòn, Việt Nam Tín nghĩa, Cổ phần Đệ nhất thực chất rất gần với việc phá sản theo Chapter 11 của luật Mỹ nhưng NHNN vẫn không dám sử dụng thuật ngữ "phá sản". NHNN vẫn luôn viện dẫn lý do phải bảo vệ người dân gửi tiền cũng như tránh xảy ra hoảng loạn rút tiền hàng loạt nếu một ngân hàng phá sản. Tôi không đồng ý với cả hai lập luận này và sẽ viết kỹ hơn bên dưới.

Bên cạnh hoạt động sáp nhập, chính sách thứ hai của NHNN nhằm tháo gỡ bế tắc cho hệ thống ngân hàng là việc thành lập VAMC. Cho đến thời điểm này tôi vẫn cho rằng VAMC ra đời vì quan điểm "nợ xấu là một cục máu đông" trong nền kinh tế do ông Trần Du Lịch cổ súy là một chính sách không cần thiết, thậm chí lạc hướng. Tôi đã viết về VAMC nhiều lần, ví dụ ở đây. Nợ xấu nếu đã được thừa nhận và trích lập dự phòng đầy đủ thì không phải là trở ngại lớn cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên các ngân hàng luôn có incentive che dấu nợ xấu, cho nên vai trò của cơ quan quản lý phải là giám sát chặt chẽ không để ngân hàng làm điều này, đồng nghĩa với ngầm tích tụ rủi ro. Xét cho cùng vai trò giám sát nhà nước ở đây vẫn là đảm bảo CAR tối thiểu và enforce những ngân hàng nào không đảm bảo điều kiện này phải phá sản để không ảnh hưởng đến hệ thống. Thay vào đó NHNN đưa ra "sáng kiến" VAMC hi vọng làm sạch số sách kế toán cho các ngân hàng, rồi loay hoay với việc có buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ không. Vẫn là cái tâm lý kỵ chữ "phá sản".

4. Vậy tại sao NHNN không chịu để một vài ngân hàng yếu kém phá sản? Hai lý do chính thường được viện dẫn là khi ngân hàng phá sản những người dân gửi tiền sẽ bị mất (một phần) và điều này có thể tạo ra khủng hoảng dây chuyền khi các ngân hàng lành mạnh khác cũng bị rút tiền hàng loạt. Với lý do thứ nhất, đối với những ngân hàng nhỏ và đã có tai tiếng một thời gian, những cá nhân/doanh nghiệp gửi một khoản tiền lớn vào đó phải hiểu được rủi ro khi gửi tiền. Xét cho cùng gửi tiền tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, "high return" tất phải đi cùng với "high risk". Việc một ngân hàng đang rất khó khăn mà vẫn huy động được một lượng tiền gửi lớn còn có một phần lỗi lớn của cơ quan chức năng trong việc giám sát và công bố thông tin. Nếu NHNN kiểm soát chặt không để các ngân hàng che dấu nợ xấu (và không trích lập dự phòng) đồng thời enforce qui định CAR tối thiểu, khó có chuyện một ngân hàng đã trên bờ vực phá sản mà vẫn huy động được tiền tiết kiệm ào ào. Thêm vào đó việc ngăn cản các công ty tư nhân thực hiện việc đánh giá sức khỏe ngân hàng (vụ Vietnam Credit) cũng làm vấn đề asymmetric information tệ hơn. Nếu báo chí và các dịch vụ xếp hạng tín dụng cảnh báo một ngân hàng có rủi ro cao, liệu người dân có liều mạng gửi tiền dù lãi suất cao?

Nhưng dẫu sao quan điểm của tôi vẫn là cá nhân/doanh nghiệp gửi tiền vào một ngân hàng phải tự chịu rủi ro nếu ngân hàng phá sản. NHNN nói riêng và nhà nước nói chung không có trách nhiệm phải bảo vệ số tiền bạn gửi vào ngân hàng, mặc dù họ có trách nhiệm đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn nhất có thể. Thậm chí nếu nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm dụng tiền của bạn, nhà nước chỉ có trách nhiệm truy tố những kẻ phạm tội trước pháp luật chứ không phải đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư. Đây là điều chính phủ VN đã làm trong vụ nước hoa Thanh Hương đầu những năm 1990, những người gửi tiền (trong đó có gia đinh tôi) phải chấp nhận bị mất. Gần đây hơn, đầu năm 2013 Cyprus đã buộc các cá nhân gửi tiền phải bị mất một phần tiền gửi (haircut) khi giải cứu hệ thống ngân hàng của họ.

Vậy còn trách nhiệm của bảo hiểm tiền gửi là gì? Tôi đã từng có một bài phân tích rất kỹ chức năng của bảo hiểm tiền gửi ở đây. Về cơ bản nhiệm vụ chính của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ payment system của một quốc gia trong trường hợp ngân hàng trung ương không chống đỡ nổi một cuộc bank-run lớn. Tuy nhiên FDIC, cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ, trong suốt lịch sử của nó chỉ duy nhất một lần vào năm 1933 (khi nó được thành lập) thực hiện chức năng này. Trên thực tế vai trò của FDIC trong hệ thống tài chính hiện tại chủ yếu là giám sát và đứng ra giàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/restructuring các ngân hàng thương mại. Đáng tiếc là Bảo hiểm tiền gửi VN chưa làm được điều này. Nhiều nước không có bảo hiểm tiền gửi vì họ tin tưởng ngân hàng trung ương của mình có thể chống lại bank-run, và tất nhiên nhà nước không có trách nhiệm phải bảo vệ tiền của người dân gửi ở ngân hàng.

Lý do thứ hai NHNN thường viện dẫn để biện minh cho quan điểm không để một ngân hàng nào phá sản là nguy cơ xảy ra bank-run hay contagion (khủng hoảng dây chuyền). Như đã đề cập bên trên, chống bank-run là nhiệm vụ của ngân hàng trung ương với chức năng người cho vay cuối cùng. Trên nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi cũng trợ giúp ngân hàng trung ương chống lại bank-run, tuy nhiên thực tế là vai trò của bảo hiểm tiền gửi khá mờ nhạt trong thời gian gần đây. Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 xảy ra ngân hàng trung ương các nước có vai trò chống khủng hoảng quyết định với các gói trợ giúp thanh khoản khẩn cấp như TAF của Mỹ, LTRO của châu Âu hay các gói QE sau này. Một công cụ chống khủng hoảng rất mới và sáng tạo cũng được Fed và ECB đưa ra trong thời gian này là official stress test.

Mặc dù stress test không được báo chí nhắc đến nhiều, công cụ này có vai trò khá quan trọng ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Sở dĩ vụ phá sản của Lehman Brothers châm ngòi cho cuộc khủng hoảng vì bản chất bank-run trong thế giới tài chính hiện tại đã khác xa thời những năm 1930. Khi funding của các tổ chức tài chính lớn phụ thuộc vào wholesale market và các sản phẩm tài chính trở nên quá phức tạp (bạn có thể tham khảo bài này) bank-run trở thành vấn đề nội bộ của giới ngân hàng (nói chính xác hơn là giữa banks và shadow banks). Khi đó việc trợ giúp liquidity truyền thống có thể không còn nhiều tác dụng hoặc rất khó thực hiện. Stress test giúp các tổ chức tài chính xác định được (một cách tương đối) rủi ro nằm ở chỗ nào, do vậy giúp phòng chống các nhà đầu tư rút chạy hàng loạt trên thị trường wholesale vì không đủ thông tin.

Nói lòng vòng như vậy để thấy một ngân hàng trung ương có năng lực cộng thêm trợ giúp của cơ quan bảo hiểm tiền gửi sẽ không quá lo ngại việc một ngân hàng phá sản, nhất là một ngân hàng nhỏ không quá interconnected. Trên thực tế hàng năm Mỹ có vài chục ngân hàng phá sản mà thị trường không xuy xuyển gì. Ngay trong giai đoạn khủng hoảng cao trào đầu năm 2009 hàng trăm ngân hàng thương mại Mỹ phá sản nhưng FDIC giải quyết ổn thỏa. Sự kiện Lehman Brothers có bản chất rất khác và sẽ còn rất lâu cho đến khi VN phải lo lắng một điều tương tự xảy ra. Do đó theo tôi việc NHNN cứ lần lữa để một ngân hàng thương mại phá sản chỉ có thể do NHNN không tự tin vào chính năng lực của mình và Bảo hiểm tiền gửi VN, một điều đáng tiếc.

5. Để hiểu rõ hơn vụ VNCB cũng như hoạt động của một ngân hàng thương mại nói chung sau đây tôi sẽ giới thiệu một ví dụ tối giản về balance sheet của một ngân hàng. Giả sử bạn mở một ngân hàng với $10 triệu vốn tự có, huy động thêm $90 triệu tiền gửi của khách hàng (total liabilities = $100 triệu). Giả sử NHNN không yêu cầu minimum reserve, nghĩa là bạn có thể cho vay hết $100 triệu này (total assets = $100 triệu). Trong trường hợp này CAR = 10%, giả sử yêu cầu CAR tối thiểu = 8%.

Nếu vì một lý do nào đó một khoản cho vay trị giá $1 triệu trở thành nợ xấu (không nhất thiết bị mất hoàn toàn mà chỉ cần khả năng thu hồi nợ trở nên khó hơn) bạn phải công bố số nợ xấu đó và trích lập dự phòng (ghi sổ) bằng một con số âm bên cột assets. Nghĩa là total assets chỉ còn $99 triệu, do đó bên cột liabilities cũng phải giảm $1 triệu tương ứng, giảm vào phần vốn tự có (chỉ còn $9 triệu). Như vậy CAR lúc này còn xấp xỉ 9%, vẫn cao hơn yêu cầu tối thiểu nên ngân hàng của bạn vẫn được phép hoạt động nhưng tất nhiên giá trị cổ phiếu của ngân hàng nếu được giao dịch trên thị trường sẽ giảm. Tất cả các shareholders đều phải chia sẻ số lỗ $1 triệu đó.

Bay giờ giả sử khoản nợ xấu là $5 triệu, bạn sẽ phải trích lập dự phòng và ghi lỗ vào phần vốn tự có như trên. Total assets sẽ còn $95 triệu và owners' capital còn $5 triệu, nghĩa là CAR chỉ còn xấp xỉ 5%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu. Đến thời điểm này nếu NHNN giám sát chặt chẽ họ sẽ yêu cầu bạn phải nâng CAR lên ít nhất bằng 8% bằng cách hoặc (i) huy động thêm $2.6 triệu vốn điều lệ, (ii) giảm bớt assets xuống $62.5 triệu. Cách (i) sẽ làm giảm cổ phần của các cổ đông hiện hữu trừ khi họ bỏ thêm tiền của họ, do vậy có thể giảm/mất quyền kiểm soát ngân hàng và phải chia sẻ lợi nhuận trong tương lai. Cách (ii) khó thực hiện trên thực tế (vì các ràng buộc pháp lý) và chắc chắn sẽ làm giá trị của ngân hàng giảm thêm vì tài sản bán vội vàng trong trường hợp như vậy sẽ mất giá.

Trong trường hợp của VNCB, nợ xấu còn tệ hơn, lớn hơn vốn tự có (lớn hơn $10 triệu trong ví dụ này). Do đó cách (ii) không còn ý nghĩa vì dù có bán hết tài sản (giả sử bằng book value) cũng không đủ để trả lại $90 triệu tiền gửi của khách hàng. Cách (i) cũng không thực tế bởi các nhà đầu tư chẳng dại gì bỏ ra một số tiền hơn $10 triệu để mua một ngân hàng có giá trị thấp hơn con số đó, mà đó là tính theo giá trị sổ sách, giá thị trường còn thấp hơn nữa. Có thể hiểu tại sao các cổ đông hiện hữu của VNCB không chịu bỏ thêm tiền vào ngân hàng để tăng vốn tự có lên đủ yêu cầu CAR tối thiểu. Lúc này cơ quan quản lý có hai phương án: (a) cho ngân hàng phá sản, (b) giàn xếp bailout.

Như đã nói bên trên, NHNN vì một lý do nào đó đã tuyên bố loại trừ (a), như vậy chỉ còn giải pháp (b). Bailout, mà tiếng Việt dịch (không đạt lắm) thành "giải cứu", về cơ bản là can thiệp của nhà nước vào một ngân hàng/tổ chức tài chính nhằm cứu nó ra khỏi tình trạng insolvency (vốn chủ sở hữu âm). Riêng với các ngân hàng ngay cả khi chưa bị insolvent nhưng CAR rơi xuống quá thấp mà không có khả năng phục hồi (theo phương án (i) hoặc (ii) bên trên) thì ngân hàng đó vẫn phải dừng hoạt động (bị tước giấy phép hoạt động ngân hàng do không đủ điều kiện CAR tối thiểu) hoặc cũng cần được bailout. Ở đây tôi gộp chung cả 2 trường hợp bailout do bị insolvent hoặc vẫn solvent nhưng CAR quá thấp.

Thông thường bailout vẫn được hiểu là chính phủ bơm tiền (tax payers' money) cứu doanh nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trong vụ LTCM Fed và Treasury không bỏ tiền mà giàn xếp để các chủ nợ của LTCM bơm thêm tiền cho công ty này. Tất nhiên để có bailout hoàn toàn bằng tiền tư nhân như vậy cơ quan quản lý nhiều khi phải đưa ra những đảm bảo hay concession, dù là non-cash nhưng nếu tính đúng tính đủ cũng là một dạng "tiền nhà nước". Trường hợp Bear Stearns ở Mỹ hay Hypo Real Estates ở Đức, bailout thực hiện bằng cả tiền của nhà nước lẫn private money. Tuy nhiên phần lớn các cuộc bailout được thực hiện bằng tiền của nhà nước, như Northern Rock và Lloyd của Anh hay Gotabanken và Nordbanken của Thụy Điển.

Số tiền nhà nước bỏ ra bailout các ngân hàng tư nhân phần lớn dưới hình thức recapitalization, nghĩa là góp vào vốn chủ sở hữu để đảm báo CAR đạt yêu cầu tối thiểu. Tùy vào mức độ thua lỗ của ngân hàng trước đó (tùy vào tỷ lệ nợ xấu cao bao nhiêu), số vốn góp vào của nhà nước có thể chiếm phần lớn tổng số owners' equity. Trong trường hợp tỷ lệ này áp đảo như trường hợp RBS hay Northern Rock, ngân hàng sẽ bị coi như đã được quốc hữu hóa (nationalization). Như vậy cần phải hiểu quốc hữu hóa là một hình thức bailout mà nhà nước bỏ tiền ra mua phần lớn cổ phần của một ngân hàng (hay một doanh nghiệp nói chung). Sở dĩ nhà nước phải quốc hữu hóa một ngân hàng vì số vốn chủ sở hữu của ngân hàng không còn đủ để hoạt động theo luật (hoặc đã âm) và ngân hàng đó không có khả năng huy động vốn (recapitalize) trên thị trường.

6. Quay lại trường hợp VNCB, vì vốn chủ sở hữu đã âm nên ngân hàng này buộc phải (a) phá sản hay (b) được bailout. Dường như NHNN đã chọn giải pháp (b) khi vẫn khăng khăng không để VNCB phá sản. Vấn đề là đến thời điểm này NHNN không/chưa bỏ thêm một đồng nào để recapitalize VNCB cho nên trên nguyên tắc nó vẫn không đủ điều kiện để hoạt động như một ngân hàng bình thường. Lưu ý rằng NHNN cho vay tái cấp vốn, một hình thức tương đương như discount window của Fed, chỉ có tính chất trợ giúp thanh khoản chứ không phải recapitalization. Nếu NHNN tiếp tục cho VNCB vay tái cấp vốn để trả cho các liability (tiền gửi) đến hạn thì quyền lợi của người dân gửi tiền sẽ được đảm bảo đúng như cam kết của NHNN. Tuy nhiên NHNN sẽ phải chịu lỗ vì tổng số assets của VNCB đã thấp hơn liabilities. Số lỗ này (và số tiền recapitalization nếu có) là cái giá NHNN thực sự phải trả cho vụ bailout chứ không phải NHNN không tốn đồng nào vì mua cổ phiếu giá bằng không. Đáng tiếc là người dân, mà thậm chí cả các đại biểu Quốc hội, sẽ khó có thể biết NHNN đã chấp nhận "lỗ" bao nhiêu. NHNN chưa bao giờ công bố balance sheet của mình cũng như chưa bao giờ có kiểm toán hay thanh tra ở cơ quan này. (một thông tin bên lề được biết, số lỗ lũy kế của VNCB lên đến 24k tỷ)

Nhưng NHNN cũng không sai khi nói rằng họ có thể lời khi bán VNCB sau này. Vì giá trị liabilities cố định còn giá trị assets thay đổi theo thị trường, hiện tại NHNN lỗ vì total assets < liabilities nhưng nếu bất đẳng thức này đổi chiều thì NHNN sẽ có lời. Vấn đề là làm thế nào để nó đổi chiều? Liệu VCB, đại diện của NHNN quản lý VNCB, có tái cấu trúc thành công hay không và liệu tình hình thị trường lúc bán lại VNCB có tốt lên hay không. Tất nhiên không ai có thể biết trước và nhiệm vụ của NHNN cũng không phải là mua bán ngân hàng để kiếm lời. Điều quan trọng là NHNN đảm bảo được sự an toàn/ổn định cho hệ thống ngân hàng dù có thể phải chịu lỗ (chi phí bailout). Lợi ích của môt hệ thống tài chính lành mạnh lớn hơn nhiều chi phí bailout nếu bailout được làm đúng cách và công bằng.

Công bằng ở đây có nghĩa là những người đã có quyết định sai phải chịu trách nhiệm cho những quyết định đó. Cụ thể shareholders của VNCB phải bị mất hết cổ phần vì đã để ngân hàng làm ăn kém hiệu quả dẫn đến vốn chủ sở hữu bị âm. Đây là điều tôi đã cổ súy trong mấy năm nay, bất kỳ một cuộc cải tổ/bailout nào cũng phải buộc shareholder chịu lỗ đầu tiên. Vụ VNCB là lần đầu tiên NHNN làm được điều này và tôi hi vọng không phải lần cuối cùng. Tôi thực sự chúc mừng NHNN đã vượt qua được rào cản vô hình khi bailout/quốc hữu hóa VNCB. Điều mà tôi không đồng ý là có thông tin cho rằng NHNN đã đem trách nhiệm hình sự ra làm điều kiện trao đổi. Nếu một vài cá nhân ở VNCB phạm tội hình sự, trách nhiệm của NHNN là phải báo cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát để khởi tố những hành vi này. Biết mà không báo cho cơ quan chức năng có thể bị qui vào tội che dấu tội phạm. Hơn thế nữa sử dụng thông tin đó để ép các cổ đông phải bán với giá bằng không cũng tương đương như hành vi tống tiền. Cả về mặt luật pháp lẫn đạo đức đều sai kể cả nếu shareholders thực sự phạm tội.

 

Tóm lại tôi ủng hộ phương án giải quyết VNCB của NHNN dù tôi vẫn prefer để/buộc nó phá sản. Tôi không nghĩ rằng một ngân hàng nhỏ và đã nằm trong diện kiểm soát đặc biệt một thời gian dài như vậy sẽ gây ra phản ứng dây chuyền khi phá sản. Ngược lại để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp chống lại moral hazard hữu hiệu. Hơn nữa để VNCB phá sản sẽ công bằng hơn vì những người không được lợi lộc gì từ ngân hàng này (không phải là shareholder hay depositor) không phải chia sẻ chi phí bailout với các depositors. Dẫu sao tôi cũng chúc cho kế hoạch tái cấu trúc và bán lại VNCB thuận buồng xuôi gió.

TS GiangLe, link bài gốc

 

Finandlife

Tags:

Economics

Báo cáo cập nhật DRC 02/02/2015

by finandlife04/02/2015 13:05

Công ty Cổ phần Cao Su Đà Nẵng (DRC) vừa công bố báo cáo tài chính 2014 với kết quả doanh thu thuần tăng trưởng 16% chủ yếu nhờ đóng góp của sản phẩm mới lốp Radial. Trong khi đó, biên lãi gộp lại sụt giảm do sản lượng tiêu thụ lốp Radial thấp dẫn đến định phí trên mỗi sản phẩm cao. Mặc dù vậy mức độ sụt giảm của biên lãi gộp là khá nhẹ nhờ giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục giảm trong năm.

Các khoản mục chi phí bán hàng và chi phí tài chính trong năm tăng mạnh do chi phí vận tải tăng, công ty đẩy mạnh công tác bán hàng và chi phí lãi vay của dự án Radial không còn được vốn hoá vào chi phí dự án.

Năm 2015, chúng tôi cho rằng doanh thu của DRC sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi sản lượng tiêu thụ lốp Radial đang dần cải thiện và việc tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm sẽ đem lại hiệu quả trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ lốp bias cũng sẽ gia tăng do không còn bị ảnh hưởng bởi dự án di dời nhà máy đã hoàn thành phần lớn công việc trong năm 2014. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của công ty sẽ cải thiện khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm và biên lãi gộp của mảng lốp Radial tăng.

Cuối cùng, phương pháp định giá của chúng tôi cho kết quả giá cổ phiếu DRC hiện tại không còn quá hấp dẫn trong ngắn hạn. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng những biến động trên thị trường để tích luỹ cổ phiếu DRC với mức giá thấp, có biên an toàn cao hơn.

------------------------------------

KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 4 VÀ CẢ NĂM 2014

Quý 4/2014, DRC đạt 914.2 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ 2013. Giá vốn chỉ tăng 10%, giúp lợi nhuận gộp đạt 268.7 tỷ đồng, tăng 30%.

Tuy nhiên, vì các chi phí trong kỳ tăng cao, nhất là chi phí bán hàng, tăng tới 234% lên 91.5 tỷ, nên lợi nhuận sau thuế của DRC chỉ còn tăng 7% so với cùng kỳ 2013, đạt 102.5 tỷ đồng.

 

Lũy kế cả năm 2014, DRC đạt doanh thu thuần hơn 3,251 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2013 và hoàn thành 93% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 452.2 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, vượt 6% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 352 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. EPS tương ứng đạt 4,236 đồng/cổ phiếu.

DOANH THU TĂNG DO ĐÓNG GÓP CỦA LỐP RADIAL

Doanh thu thuần của công ty năm 2014 tăng 16% so với năm 2013 chủ yếu do đóng góp của sản phẩm mới lốp Radial (tăng khoảng 500 tỷ đồng).

Nếu loại trừ đóng góp của lốp Radial, doanh thu thuần của công ty giảm khoảng 2% do công ty giảm giá bán (3% trong Quý 3/2014) và sản lượng tiêu thụ lốp ô tô bị ảnh hưởng do quá trình di dời nhà máy.

TIÊU THỤ LỐP RADIAL 2014 THẤP HƠN KẾ HOẠCH

Doanh thu năm 2014 chỉ đạt 93% kế hoạch năm chủ yếu là do sản lượng tiêu thụ lốp Radial thấp hơn kế hoạch. Cụ thể sản lượng lốp Radial tiêu thụ trong năm 2014 là 114,900 lốp, chỉ bằng 85% kế hoạch tiêu thụ 135,000 lốp đặt ra đầu năm.

Công ty cho biết, một số khó khăn trong việc đảm bảo quy cách xuất khẩu cho lốp Radial là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Mặc dù vậy sản lượng tiêu thụ lốp Radial của công ty hiện vẫn đang cải thiện dần từng quý. Cụ thể, trong quý 4 công ty đã tiêu thụ được 41,158 lốp radial (trung bình 13,720 lốp/tháng), tăng so với mức 31,257 lốp trong quý 3 (trung bình 10,420 lốp/tháng), 28,500 lốp trong quý 2 (trung bình 9,500 lốp/tháng) và 13,985 lốp trong quý 1 (trung bình 4,662 lốp/tháng).

 

Sản phẩm lốp Radial hiện tại của công ty vẫn chủ yếu được tiêu thụ trong nước, sản lượng lốp Radial xuất khẩu trong năm 2014 chỉ chiếm 29%.

Ở thị trường trong nước, khách hàng của công ty ngoài các nhà phân phối còn có các nhà lắp ráp như Trường Hải, Doosung... Ở thị trường nước ngoài khách hàng lớn của công ty là Stamford và RJU (Brazil)…

BIÊN LÃI GỘP NĂM 2014 GIẢM NHẸ

Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào giảm 9% trong năm 2014 nhưng biên lãi gộp của công ty vẫn giảm nhẹ xuống mức 24.7% là do: (1) công ty giảm giá bán sản phẩm trung bình 3% trong Quý 3/2014 và (2) Sản lượng tiêu thụ lốp Radial còn thấp. Định phí (chủ yếu là khấu hao) trên mỗi sản phẩm cao dẫn đến biên lãi gộp của sản phẩm Lốp Radial vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 7%, thấp hơn nhiều so với biên lãi gộp của các sản phẩm khác. Trong khi đó, sản phẩm này lại chiếm đến 17% doanh thu thuần kéo theo biên lãi gộp toàn bộ sụt giảm. Nếu loại trừ tác động của sản phẩm lốp Radial, biên lãi gộp của DRC năm 2014 vẫn đạt 28.5%, khá cao so với các năm trước.

CHI PHÍ BÁN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH TĂNG MẠNH

Mặc dù lợi nhuận gộp năm 2014 của DRC vẫn tăng 12% so với năm 2013, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế lại sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do:

Chi phí bán hàng của DRC trong năm 2014 tăng mạnh từ mức 74.4 tỷ cùng kỳ lên 161.4 tỷ, tương ứng mức tăng 117%do quy định tải trọng mới khiến chi phí vận chuyển của công ty tăng mạnh và khoản chi phí cho việc quảng bá, tổ chức các hội nghi giới thiệu sản phẩm mới tăng mạnh.

Chi phí tài chính cũng tăng mạnh 67.2% từ mức 85.4 tỷ đồng lên 142.8 tỷ đồng do chi phí lãi vay và chiết khấu thanh toán tăng mạnh.

Cụ thể, chi phí lãi vay của DRC tăng 115% từ mức 39.4 tỷ năm 2013 lên 84.6 tỷ năm 2014do 6 tháng đầu năm 2013 DRC vẫn được vốn hoá lãi vay vào chi phí dự án lốp Radial. Chi phí chiết khấu thanh toán tăng từ mức 15.7 tỷ đồng lên 42.8 tỷ do công ty đẩy mạnh bán hàng, tăng các khoản chiết khấu thanh toán.

Thời gian tới chúng tôi cho rằng chi phí bán hàng và các khoản chiết khấu thanh toán sẽ vẫn ở mức cao do công ty đẩy mạnh công tác bán hàng, gia tăng sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm lốp Radial mới.

 

Gánh nặng nợ vay của DRC nhiều khả năng sẽ gia tăng trong năm 2015 khi công ty bắt đầu đầu tư giai đoạn 2 dự án Radial. Tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng. Tuy vậy, thời gian ân hạn nợ gốc khoản vay cho dự án Radial giai đoạn 1 (30 tháng kể từ ngày giải ngân lần đầu) đã gần kết thúc và DRC sẽ bắt đầu phải trả nợ gốc cho khoản vay này. Điều này sẽ giúp DRC giảm bớt gánh nặng lãi vay trong thời gian tới.

BIÊN LÃI GỘP DỰ KIẾN SẼ CẢI THIỆN…

Quý 4/2014, biên lãi gộp của DRC đạt 29.4%, mức cao nhất từ năm 2010 đến nay. Tính trượt 4 quý gần nhất, biên lãi gộp của công ty đang ở mức 24.7%, cải thiện trở lại so với mức 23.7% trong quý 3/2014.

Nguyên nhân Biên lãi gộp Quý 4 cải thiện mạnh theo chúng tôi là do: (1) Giá dầu giảm mạnh kéo theo sự sụt giảm của giá cao su nhân tạo, cao sụ tự nhiên và các nguyên liệu có chiết xuất từ dầu mỏ khác của công ty như vải mành, than đen… giúp công ty giảm giá thành sản phẩm. Tuy vậy, tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm của công ty khá cao nên mức độ giảm giá thành chưa nhiều, (2) Sản lượng tiêu thụ lốp  Radial tăng trong Quý 4 và (3) Các khoản chiết khấu bán hàng giảm so với quý trước.

Với mức sản lượng tiêu thụ lốp Radial ước tính 220,000 lốp trong năm 2015, chúng tôi cho rằng biên lãi gộp của sản phẩm lốp Radial sẽ cải thiện từ mức 6.7% năm 2014 lên mức 16 - 18% trong năm 2015.

Xu hướng biên lãi gộp sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2015 khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm và sản lượng tiêu thụ lốp Radial tăng.

TRIỂN VỌNG KINH DOANH 2015

Năm 2015, với sản lượng lốp Radial dự kiến tiêu thụ 220,000 lốp, công ty đặt kế hoạch doanh thu 3,880 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2014. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 455 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%.

Công ty cũng đăt ra kế hoạch kinh doanh trong Quý 1/2015 với doanh thu 750 tỷ đồng, tăng 10.6% so với cùng kỳ, bằng 19.3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 85 tỷ đồng, giảm 22.6% so với cùng kỳ, đạt 18.7% kế hoạch năm.

Chúng tôi cho rằng khả năng hoàn thành kế hoạch này của công ty là khá cao khi sản lượng tiêu thụ lốp Radial đang cải thiện dần và việc tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chiết khấu cho khách hàng sẽ đem lại hiệu quả trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ lốp bias cũng sẽ gia tăng do không còn bị ảnh hưởng bởi dự án di dời nhà máy đã hoàn thành phần lớn công việc trong năm 2014. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của công ty sẽ cải thiện khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm và biên lãi gộp của mảng lốp Radial tăng.

Theo đó, EPS dự phóng năm 2015 dự kiến ở mức 5,178 đồng/cổ phiếu. PE Forward so với giá đóng cửa ngày 02/02/2015 là 11.7 lần.

ĐỊNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ

Mô hình định giá chiết khẩu dòng tiền theo phương pháp FCFF của chúng tôi cho kết quả giá cổ phiếu DRC ở mức 63,405 đồng/cổ phiếu với giả định tăng trưởng doanh thu và chi phí sử dụng vốn bình quân hàng năm trong giai đoạn ổn định lần lượt là 5% và 13.2%.

Trong khi đó, phương pháp định giá tương đối PE của chúng tôi cho kết quả 64,725 đồng/cổ phiếu, với PE forward được sử dụng ở mức 12.5 lần, tương ứng với PE trung vị của các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.

Giá trị cổ phiếu DRC trung bình theo cả 2 phương pháp định giá trên của chúng tôi là khoảng 64,000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 6% so với giá đóng cửa ngày 02/02/2015.

Theo chúng tôi, giá cổ phiếu DRC hiện tại không còn quá hấp dẫn trong ngắn hạn. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng những biến động trên thị trường để tích luỹ cổ phiếu DRC với mức giá có biên an toàn cao hơn.

Tuy vậy, với vị thế thương hiệu sản xuất lốp ô tô nội địa hàng đầu, tiềm năng tăng trưởng tích cực của dự án lốp Radial… chúng tôi cho rằng, cổ phiếu DRC vẫn thích hợp cho mục đích đầu tư dài hạn.

Bài liên quan:

Phân tích và khuyến nghị DRC, cập nhật giữa 2012

 

VFS Research

Tags:

Stocks

Giao dịch trong vùng chuyển động giá

by finandlife03/02/2015 17:12

Thị trường tồn tại ba dạng thức, dạng thức thứ nhất là xu hướng tăng giá (uptrend), dạng thức thứ 2 là xu hướng giảm giá (downtrend), dạng thức thứ 3 là đi ngang (sideway).

Trong mỗi tình trạng thị trường nhà đầu tư đều có thể tìm kiếm lợi nhuận, với tình trạng thứ 1 nhà đầu tư chỉ cần mua và nắm giữ (buy and hold), trong trạng thái thứ 2 nhà đầu tư chỉ cần bán khống (shortsell), trong trạng thái thứ 3 nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược giao dịch trong vùng chuyển động giá, hay còn gọi là trading range.

Trong phân tích kỹ thuật, người ta hay bảo nhau “xu hướng là bạn” (“trend is your friend”), và việc đi theo xu hướng cũng chính là cách đầu tư ít tốn sức mà lại có lợi nhuận cao nhất. Tuy vậy, hầu hết thời gian vận hành của thị trường lại rơi vào dạng thức thứ 3, tức là không rõ xu hướng, đi ngang, sideway. Nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận bằng cách xây dựng chiến lược giao dịch mua thấp, bán cao hay dân trong nghề thường bảo mua ở hỗ trợ và bán ở kháng cự.

Nhưng thường thì kháng cự và hỗ trợ không thật sự rõ ràng và thiếu cơ sở để định liệu vì Index thường bị méo mó và không phản ánh hết diễn biến của tất cả cổ phiếu, để giúp quá trình xác định tình trạng thị trường dễ dàng hơn, tôi đã xây dựng chỉ số để xác định việc này, thay vào đó, tôi sẽ mua ở vùng Loathing và bán ở vùng upper rational. Diễn biến lịch sử được thể hiện như hình bên dưới.

Hãy cùng thử và sai nhé!

 

Nguồn: finandlife

Tags:

Psychology

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu