Giới thiệu cổ phiếu CAV – CTCP Dây Cáp Điện Việt Nam

by finandlife24/09/2015 10:43

Cơ cấu cổ đông

 

Cơ cấu doanh thu & lợi nhuận

Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty được chia làm 2 mảng chính:

Hoạt động Sản xuất: sản xuất các loại dây và cáp điện phục vụ rộng rãi cho các ngành kinh tế quốc dân cũng như các nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt thường ngày và cho xuất khẩu. Đây là hoạt động mang lại doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho công ty.

Hoạt động thương mại: đồng nguyên liệu Cathode, dây đồng 8mm, phụ kiện lưới điện.

  

Doanh thu mảng thương mại đang tăng nhanh 2 năm nay, do nhu cầu về các dòng sản phẩm đồng nguyên liệu – Cathode, dây đồng 8mm, và phụ kiện lưới điện của các khách hàng truyền thống tăng cao. Tuy vậy, lợi nhuận gộp từ mảng này chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng lợi nhuận gộp của công ty do biên lãi gộp của hoạt động này là rất thấp (~1%).

Nguồn doanh thu của CADIVI chủ yếu đến từ kênh phân phối thông qua đại lý, chiếm 70% và kênh dự án (cung cấp cho EVN), chiếm 25%, còn xuất khẩu chỉ đạt 5%.

Năng lực sản xuất cao, thị phần rộng lớn

Sau gần 40 năm hình thành và phát triển, CADIVI đã trở thành doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện. Dẫn đầu thị trường về công nghệ - quy mô sản xuất, thị phần và chất lượng sản phẩm. Hệ thống phân phối của công ty bao gồm 200 đại lý cấp 1 và hơn 2,000 đại lý cấp 2, trải dài rộng khắp cả nước

So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết

Nguồn: Bản cáo bạch CAV

Hoạt động thương mại giúp doanh thu tăng nhưng đóng góp không nhiều vào lợi nhuận

Doanh thu của CAV 2 năm gần đây (2013, 2014) tăng trưởng khá (31.5% yoy và 20.9% yoy) chủ yếu là do tăng trưởng ở mảng thương mại. Trong khi đó biên lãi gộp lại giảm dần do giá bán giảm (nhu cầu tiêu thụ giảm, công ty tăng chiết khấu hàng bán, mở rộng thị phần) và tỷ trọng hàng thương mại có biên lợi nhuận thấp ngày càng gia tăng.

 

Công ty cho biết hoạt động thương mại này chỉ là bước đi để đảm bảo nguồn doanh thu trong ngắn hạn, định hướng của công ty trong trung và dài hạn vẫn là tập trung phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh dây và cáp điện cốt lõi.

Triển vọng tăng trưởng tốt nhờ các dự án điện lực và thị trường bất động sản hồi phục

Theo quy hoạch điện 7, chính phủ đã lên kế hoạch tăng lượng điện thương phẩm lên 695 – 834 TWh vào năm 2030, gấp 6-7 lần lượng điện thương phẩm hiện nay. Do vậy, nhu cầu phát triển lưới điện và cơ sợ hạ tầng điện sẽ rất lớn trong dài hạn.

Ngoài ra, trong ngắn hạn, Đề án “Ngầm hóa lưới điện TPHCM đến năm 2020” của Tổng Công ty Điện lực TPHCM cũng là 1 yếu tố quan trọng mang lại nguồn thu cho CAV thời gian tới

Bên cạnh đó, thời gian tới, khi thị trường bất động sản hồi phục trở lại, nhu cầu dây và cáp điện dân dụng dự báo sẽ gia tăng. CAV hiện chiếm tới 30% thị phần dây diện dân dụng cả nước, sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp.

Hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm

Chi phí nguyên vật liệu chiếm đến 93% giá thành sản phẩm của công ty, trong đó nguyên liệu chính là Đồng chiếm đến 75% giá thành. Do đó biến động giá đồng tác động lớn đến giá thành sản phẩm và kết quả kinh doanh của công ty.

Giá đồng hiện tại đã giảm 20% so với đầu năm và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu, đặc biệt từ Trung Quốc sụt giảm giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận trong thời gian tới.

Tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất

Để nâng cao năng lực sản xuất và hướng đến thị trường ở khu vực Đông Nam Á, Công ty đã đưa vào hoạt động máy xoắn 19 sợi và máy kéo 8 đường vào cuối năm 2014. Sang năm 2015, công ty dự định triển khai dự án sản xuất dây dân dụng và dây ô tô ở Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng (Nhà máy sản xuất dây cáp điện Miền Trung) và giai đoạn 2 dự án nhà máy Tân Phú Trung, Củ Chi. Dự án tại Đà Nẵng sẽ đáp ứng nguồn cung dây dân dụng ở Miền Trung và dây ô tô xuất khẩu tại chỗ cho Nhật Bản, trong khi Giai đoạn 2 dự án nhà máy Tân Phú Trung là để đón đầu thực hiện đề án Ngầm hóa lưới điện TPHCM.

Định hướng của công ty  trong thời gian sắp tới sẽ mở rộng sản xuất nâng công suất lên thành 60,000 tấn đồng/năm; 30,000 tấn nhôm/năm  và  20,000  tấn nhựa/năm

Khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2015

Nhận định tình hình năm 2015 sẽ tiếp tục khó khăn đối với ngành sản xuất và kinh doanh dây cáp điện, CAV đã đặt kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 5,400 tỷ đồng và 170 tỷ đồng, tăng lần lượt 5 tỷ đồng và 3 tỷ đồng so với năm 2014. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2015 được giữ nguyên 30% như năm 2014.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, CAV đạt 2,536 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% yoy do hoạt động kinh doanh thương mại giảm và giá bán sản phẩm trung bình giảm so với cùng kỳ . Lợi nhuận trước thuế đạt 100.2 tỷ đồng, tăng 24% yoy chủ yếu do biên lãi gộp cải thiện, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng giảm so với cùng kỳ. Như vậy, sau 6 tháng, CAV đã hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Chúng tôi cho rằng CAV có thể sẽ không hoàn thành kế hoạch doanh thu do hoạt động thương mại giảm, tuy nhiên nhiều khả năng công ty sẽ hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận do giá bán sản phẩm đã có dấu hiệu ngừng giảm và tăng nhẹ trở lại trong khi giá nguyên liệu đầu tiếp tục giảm ở mức thấp. Theo đó EPS năm 2015 dự kiến ở mức 5,680 đồng/cp, PE forward so với giá hiện tại khoảng 6.8 lần, khá hấp dẫn so với trung bình thị trường và tiềm năng tăng trưởng của công ty.

Cổ tức tiền mặt ổn định

Công ty có lịch sử chi trả cổ tức bằng tiền ổn định nhiều năm qua. Năm 2015 công ty tiếp tục dự kiến chi trả 30% cổ tức bằng tiền mặt, DIY tương ứng đạt khoảng 7.8%/năm, khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi hiện tại.

Rủi ro

Áp lực cạnh tranh trong ngành dây cáp điện hiện nay khá lớn khi có gần 200 doanh nghiệp dây cáp điện lớn nhỏ trong nước đang hoạt động. Hệ thống quản lý chất lượng của Nhà nước chưa được chặt chẽ nên có nhiều công ty nhỏ lẻ vì mục đích lợi nhuận đã cho ra đời những sản phẩm có giá bán rẻ nhưng chất lượng thấp, không đảm bảo độ an toàn cho nguời sử dụng, ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín cho ngành dây cáp điện Việt Nam. Một số thương hiệu lớn cạnh tranh với công ty trong ngành như: Cadisun, cơ điện Trần Phú, LG Vina Cable, Taya Vietnam...

Quan hệ với công ty mẹ: hiện tại 1/3 nhu cầu nguyên liệu đồng hàng năm của công ty đang được cung cấp bởi công ty mẹ (TCT Thiết bị điện Việt Nam) và đơn vị liên doanh của công ty mẹ (Công ty dây đồng Việt Nam CFT). Mặc dù ban lãnh đạo công ty cho biết công ty đang nhận được nhiều hỗ trợ của công ty mẹ trong việc mua nguyên liệu đầu vào (thời gian thanh toán, lãi suất), tuy nhiên chúng tôi vẫn cho rằng đây là rủi ro không nhỏ đối với cổ đông nhỏ lẻ, trong trường hợp công ty chuyển lợi ích về phía công ty mẹ.

Tóm lại: Với vị thế doanh nghiệp đầu ngành dây và cáp điện trong nước, tiềm năng tăng trưởng của CAV sắp tới là khá cao khi thị trường bất động sản phục hồi và chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư hệ thống lưới điện, cáp ngầm… Bên cạnh đó, giá cả nguyên liệu đầu vào đang giảm ở mức thấp trong khi giá bán đang có dấu hiệu ngừng giảm và tăng nhẹ trở lại do nhu cầu cải thiện dự kiến sẽ giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận trong thời gian tới. EPS năm 2015 dự kiến ở mức 5,680 đồng và sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 6,500 đồng vào năm 2016. PE forward so với giá hiện tại khoảng 6.8 lần, khá hấp dẫn so với trung bình thị trường và tiềm năng tăng trưởng của công ty. Giá mục tiêu của công ty năm 2015 theo chúng tôi ở mức 45,400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18% so với giá thị trường hiện tại. 

Kính chúc quý khách hàng đầu tư thành công,

Trân trọng. 

Analyst Phan Minh Đức, VFS Research

Tags:

Stocks

VNM ETF tính sai free float BID nên sửa sai bằng thông báo không mua BID nữa

by finandlife16/09/2015 09:46

Đây là một sự kiện hi hữu, vì trước đây những thông báo giao dịch của các ETF đều được thực hiện sau đó. Những ngày vừa qua, nhiều nhà đầu tư trong nước đã tích trữ một lượng lớn BID với giá ngày này cao hơn ngày trước hòng bán lại cho Van Eck, nhưng cũng giống như đỉa, lá điều, khoai lang tím… một khi thương lái Trung Quốc ngừng mua thì đầu nậu sẽ lãnh đủ.

Ngày 15/09/2015, Quỹ VNM thông báo sửa sai không thêm BID vào danh mục kỳ này nữa. Tỷ trọng và khối lượng Mua (bán) dự kiến các cổ phiếu trong danh mục được điều chỉnh lại như sau:

 

Cập nhật ngày 16/09/2015.

Cứ tưởng chỉ có mỗi VNM ETF ẩu tả trong việc tính toán, FTSE ETF cũng thế. Một trong những rule cổ phiếu đủ tiêu chuẩn được vào ETF VNM là free float phải đạt 10%, ETF FTSE phải đạt 15%, nhưng FTSE lại có quy định ưu ái cho TOP 5 vốn hóa thị trường chỉ cần tỷ lệ free float >=5%. Free Float của BID chỉ đạt 4.7% nên chắc chắn không thể thỏa điều kiện của VNM nhưng lại gần đạt tiêu chuẩn của FTSE, nhưng cuối cùng FTSE cũng đã đính chính không add cổ phiếu này nữa.

Trong những ngày qua, VNM ETF đã mua 6 triệu cổ phiếu BID và nó sẽ gia nhập đội ngũ cung đông đảo hiện nay trên thị trường. Đứng trước diễn biến đó, BID đã rớt sàn 2 phiên liên tiếp với dư mua giá sàn thường xuyên duy trì ở hơn 8 triệu cổ phiếu.

Nhân chuyện này, tôi nhớ lại câu chuyện cũ “thời thuộc địa Pháp, lính Pháp giải trí bằng những trò chơi cờ bạc, trong những trò đó có trò tài xỉu. Bọn lính Pháp cầm cái và cho bà con mình ăn tất bất chấp là sốc ra tài hay xỉu. Dân mình khoái chí vì thấy thằng Tây này ngu vãi, mình đặt xỉu nó sốc ra tài nó vẫn chung tiền cho mình, bèn về nhà nói bà con hàng xóm bán hết đồ đạc, tăng cường vay nợ để ra chơi với nó. Đến ván cuối, tụi lính Pháp thấy trên bàn đã đặt cược 1 tỷ lệ lớn đủ để cover tất cả khoản tiền đã chung độ và còn có 1 khoản tiền lời lớn, chúng nó bảo ván này tôi ăn tất. Tôi đã cho mọi người ăn từ đầu tới giờ, tới ván này tôi ăn. Thế là bà con mất trắng, nó lấy tiền bỏ đi, mọi người ai về nhà nấy, ân hận vì overtrade J.”

Nguồn: finandlife, VFS Research

Tags:

Economics | Psychology

Ghi chú sau thăm doanh nghiệp Viglacera Hạ Long (VHL)

by finandlife11/09/2015 11:19

Chúng tôi đặt chuyến bay sớm từ Tân Sơn Nhất đi Cát Bi, Hải Phòng. Chuyến bay khá vắng khách. Chúng tôi đến nơi vào lúc 10:15AM ngày 09/09. Cảm nhận đầu tiên là sân bay Cát Bi khá nhỏ, khách khứa lèo tèo và hạ tầng kém. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn cứ nghĩ Hải Phòng là một thành phố lớn, cửa ngỏ của Miền Bắc, chắc hẳn là phát triển lắm. Nhưng sự thật không được như vậy!

Đến nơi, chúng tôi vội vã lên TAXI chạy thẳng về Hạ Long, khởi hành trời nắng đẹp, nhưng đến nơi trời mưa tầm tã. Vội chạy lên café Sao Biển trên đỉnh một ngọn đồi sau khi đi qua đầu bên kia của cầu Bãi Cháy. Quán café có view nhìn vịnh rất đẹp nhưng không may vì trời đổ mưa nên biển trời nhập thành một dãi mờ mờ không phân định rõ.

Café được 30 phút, chúng tôi về khách sạn Hồng Gai, khách sạn cũ kỹ và được điều hành như một đơn vị nhà nước. Lấy 1 phòng có view nhìn ra Vịnh Hạ Long, với mức giá thấp nhất, chỉ 400 ngàn đồng/đêm. Mở cửa sổ lớn nhìn ra Vịnh, chúng tôi không thấy gì khác ngoài công trình lấn biển dang dở mà VinGroup đang thi công. Đất đai luôn là một tài sản lớn, vị trí là tài sản lớn nhất của đất, VinGroup dùng sức mạnh tài chính để tự tạo cho mình 1 vị trí đẹp nhất có thể. Họ san bằng những ngọn đồi, lấy đất đó để lấn 1km biển. Tạm không bàn về những tác động thiên nhiên có thể xảy đến, chúng tôi chỉ còn biết hi vọng vào một ngày mai tươi sáng với những công trình chất lượng, hiện đại và tiện nghi cao nhất.

Chúng tôi ghé 1 quán cơm ven đường, lúc đó đang là 1:00PM. Quán không một bóng khách, chủ quán tác phong chậm chạp, lờ đờ, sau 15 phút, bữa cơm gồm trứng và canh ngao cũng được dọn ra, công nhận ngon miệng, chắc do đói :). 

Cơm nước xong xuôi chúng tôi lên TAXI đi thăm doanh nghiệp Viglacera Hạ Long. Đây là một doanh nghiệp có quy mô vốn hóa khoảng 560 tỷ đồng, doanh thu một năm khoảng 1500 tỷ, lợi nhuận ròng 90 tỷ. Chúng tôi khá bất ngờ về sự sạch sẽ, tác phong công nhân và văn hóa doanh nghiệp. Những nhà máy gạch đầu tiên được công ty xây dự từ năm 1976 do Bỉ đầu tư. Trải qua thời kỳ bao cấp, rồi tập trung sản xuất theo lối của chủ nghĩa xã hội đã giúp VHL xây dựng một lối sống tốt, một cách chăm sóc công nhân tuyệt vời.

Bên trong nhà máy sản xuất ngói mà chúng tôi đi thăm kế bên Trụ Sở chính, nhà máy không một cọng rác, sạch sẽ, tinh tươm. Công nhân đều gật đầu chào vị Phó tổng giám đốc dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy. Nhà máy rộng rãi, 1 bên là bờ sông, 1 bên là quốc lộ rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Nói về quy trình sản xuất ngói, sau khi được trộn đất sét với một số phụ gia và gạch mồi (được tán nhuyễn từ gạch sau khi nung xong), đất sét được dập vào khuôn và đưa ra dây chuyền, công nhân sẽ xếp ngói vào khay nung, khay nung được đẩy vào lò nung, sau 1 ngày khay nung di chuyển trong lò nung từ đầu bên này sang đầu bên kia, ngói sẽ thành phẩm. Nói thật, mô hình sản xuất là khá đơn giản, không có nhiều điều để nói. Tuy vậy, khi chúng tôi hỏi làm thế nào để duy trì sự cạnh tranh cho sản phẩm trong khi công nghệ là khá đơn giản? Ban lãnh đạo cho chúng tôi biết, việc đầu tư mới 1 nhà máy sẽ lên đến 1000 tỷ đồng, trong khi đó, VHL đã có sẵn và suất đầu tư ban đầu thấp nên thoải mái cạnh tranh.

Quay lại với đời sống công nhân viên tại VHL. Chúng tôi được ban lãnh đạo dắt đi thăm những phòng ở của nhân viên. Trong khuôn viên nhà máy, 200 phòng được xây dựng, mỗi phòng ở khoảng 3 người, có tivi, phòng tắm. Công nhân không cần phải giặt dũ quần áo, công ty sẽ làm thay việc đó cho họ. Và mỗi tháng công nhân chỉ phải đóng 50 ngàn đồng tượng trưng. Chưa hết, chúng tôi được biết VHL còn làm phòng ăn tập thể, và miễn phí cho công nhân. Vệ sinh xung quanh phải nói là “TUYỆT VỜI”. Đọc báo cáo tài chính của công ty, chúng tôi nhận thấy mỗi năm VHL đã chi gần 300 tỷ đồng cho nhân viên, với số lượng 3000 công nhân, thu nhập 1 năm của cán bộ công nhân viên VHL tương đương 100 triệu đồng. Một thu nhập rất tốt cho một địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Ninh.

Trong mô hình kinh doanh bền vững, chúng tôi buộc phải quan tâm đến tất cả khía cạnh của một công ty từ tài chính, kinh doanh đến chăm lo đời sống và văn hóa doanh nghiệp. VHL đạt tất cả tiêu chuẩn đó, vấn đề còn lại chỉ là "liệu cái giá 35 ngàn đồng/cổ phiếu vào ngày 10/09/2015, VHL có còn là một thương vụ đầu tư hiệu quả?"

Hiện nay, mỗi năm công ty tạo giá trị khoảng 6 ngàn đồng/cổ phiếu. Nếu chúng tôi đầu tư với giá 35 ngàn đồng và giả định công ty không tăng trưởng cũng không thụt lùi thì sau gần 6 năm chúng tôi sẽ thu hồi vốn. Đây là một thời gian thu hồi vốn khá ngắn so với tiêu chuẩn trung bình 10 năm. Trong 6 năm tiếp theo, riêng tiền cổ tức chúng tôi nhận được cũng đã là 15 ngàn đồng (chính sách chi trả cổ tức mỗi năm là 2500 đồng/cổ phiếu), khi đó, giá trị đầu tư của chúng tôi vào VHL chỉ còn 20 ngàn đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế, không bao giờ có chuyện công ty không tăng trưởng/không thụt lùi. Doanh nghiệp cũng giống như một con người có tăng trưởng, có hấp thụ, có ốm đau. Hiện tại, VHL đang chạy FULL công suất, 3 ca/ngày và để tăng trưởng thêm về mặt doanh số công ty chỉ còn cách mở rộng công suất, đầu tư thêm nhà máy. Năm 2014 công ty đã phát hành 70 tỷ vốn góp để mua lại nhà máy gạch Clinker từ các đối tác trong tổng công ty. Dự kiến ban đầu nhà máy này sẽ chỉ sản xuất gạch clinker với công suất giai đoạn 1 là 2.5 triệu m2, giai đoạn 2 thêm 2.5 triệu m2 nữa. Nhưng thực tế có những thay đổi, gạch clinker vẫn chưa được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận do giá cả quá đắc (gạch cotto chỉ từ 90 ngàn đồng/m2 thì clinker lên đến >200 ngàn đồng). Do vậy, công ty hiện chỉ sản xuất 1 lượng nhỏ gạch clinker để xuất khẩu, còn lại phần lớn là sản xuất gạch cotto.

Nhà máy mới này chính thức sản xuất từ giữa tháng 5 năm 2015, và chạy FULL công suất giai đoạn 1 ngay khi đi vào vận hành. Dự kiến, riêng nhà máy mới sẽ mang về cho công ty thêm 100 tỷ đồng doanh thu trong 2 quý cuối năm 2015, giai đoạn đầu vận hành tốn nhiều chi phí (khấu hao: 1 tỷ/tháng, quản lý, vận hành...) nên chưa thể có lợi nhuận.

Trong năm 2016, công ty sẽ giảm/ngưng sản xuất gạch ống, vì sản phẩm này sản xuất ra không sinh lãi, mà còn chịu lỗ mỗi năm 20 tỷ đồng. Nhưng thời gian qua bắt buộc phải sản xuất vì cách đốt gạch của công ty vẫn theo cách xếp gạch ống ở ngoài, xếp ngói ở trong để quá trình đốt hoàn thiện và sản phẩm có chất lượng tốt. Nếu thay đổi cách đốt, không cần phải xếp gạch ở ngoài nữa, công ty sẽ tiết kiệm 20 tỷ đồng/năm.

Đứng ở khía cạnh nhân tố làm giảm lợi nhuận, năm 2015 công ty đã phải bỏ thêm 4 tỷ đồng cho việc giá điện tăng thêm (tăng từ >1000 đồng/KWh lên 1400 đồng/KWh). Không những thế, từ 2016 nhiều khả năng công ty còn phải tốn thêm 4 tỷ đồng để đáp ứng chính sách tăng lương tối thiểu của nhà nước, 4 tỷ đồng này chủ yếu là tiền bảo hiểm phải đóng thêm cho cán bộ công nhân viên.

Khi chúng tôi hỏi về chiến lược bán hàng, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, công ty đã thành lập 1 công ty con chuyên về bán hàng. Công ty bán hàng tại kho thông qua 300 đại lý, sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ dân dụng chứ ít cho công trình vì giá đắc. Vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn quanh câu chuyện này, nhưng rõ ràng đây là 1 động thái tích cực, nhằm chuyên môn hóa khâu phân phối.

Tóm lại, VHL là một doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp tốt, có cách chăm lo đời sống công nhân viên tuyệt vời, có cơ cấu tài chính lành mạnh, có hiệu quả kinh doanh. Trong những năm tới, VHL sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ hạn chế vì giới hạn công suất và đầu tư mới khá chậm. VHL đang được bán với giá bằng 6 lần thu nhập, chi trả cổ tức mỗi năm 2500 đồng, một cổ phiếu rẻ và yên tâm để nắm giữ lâu dài.

Chúng tôi hoàn thành chuyến đi với 1 chầu Cafe sáng ngắm biển, 1 bữa trưa với nem cua bể và bánh đa cua tại quán Bà Cụ, 170 Cầu Đất Hải Phòng. Chuyến bay hạ cánh tại Tân Sơn Nhất vào lúc 3:00PM. Quay về công ty khi thị trường vừa kết thúc phiên giao dịch, không khí vui buồn lẫn lộn vì danh mục có xanh, có đỏ. Nhưng dẫu sao vẫn cảm thấy hài lòng về 1 chuyến đi, được tiếp xúc với một doanh nghiệp tuy công nghệ không cao, nhưng lại có văn hóa doanh nghiệp tốt và kinh doanh khá chắc chắn. 

 

Nguồn: finandlife 

Tags:

Stocks

Great Graphic|Key Monetary Indicators at the end of August 2015

by finandlife08/09/2015 16:55

Tags:

Economics

Daily Topic|Cần test vùng nhiễu 560-570

by finandlife27/08/2015 15:05

 

Sau gần 1 tháng giảm mạnh, VNIndex đã tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua. Về kỹ thuật và tâm lý thị trường, phiên bật mạnh này không bất ngờ vì rất nhiều tín hiệu trước đó đã cho thấy thị trường đang bị giảm điểm thái quá. RSI ngày 24/8 chỉ còn 20.7, khối lượng giao dịch tăng mạnh ở vùng giá thấp, chỉ số đo mức độ tham lam/sợ hãi đã về vùng thấp nhất trong thang đo sợ hãi… Thêm vào đó, đường hỗ trợ màu đỏ như hình 1 cũng cho thấy xác suất nảy trở lại của chỉ số là khá cao.

Đây là phiên hồi kỹ thuật hay là xu hướng tăng trưởng vững chắc?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thử nhìn lại tình trạng của những biến số dẫn dắt sự mất giá thị trường trong thời gian qua.

Thứ nhất, vấn đề Trung Quốc.

Sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cùng với những bất ổn của quốc gia này vẫn là rủi ro cơ bản và quan trọng nhất mà giới đầu tư tài chính toàn cầu nhìn vào. Trong một bài viết mới đây trên Wall Street Journal, nhóm tác giả đã chỉ ra những ảnh hưởng đã và đang xảy ra tại những quốc gia đang phát triển.

Các nông trang trồng cao su của Thái Lan đang gặp rất nhiều khó khăn do các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc giảm sản lượng. Các doanh nghiệp xuất khẩu dầu cọ, than đá của Indonesia cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, “hàng chất cả đống ở cảng” chỉ vì nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc suy giảm. Không những thế, các doanh nghiệp khai thác mỏ ở Nam Phi đang bước vào quá trình sa thải công nhân và bán bớt tài sản không thuộc hoạt động kinh doanh cốt lõi hòng đảm bảo tài chính trong giai đoạn đầu ra Trung Quốc đang gặp vấn đề.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, chỉ số Shanghai Composite liên tục mất giá mạnh trong 3 ngày vừa qua.

Đánh giá lại rủi ro: Rủi ro vẫn rất cao.

Thứ hai, nguy cơ chiến tranh Liên Triều.

Mối nguy này đã được giải tỏa khi cuộc đàm phán sáng ngày 25/08 bất ngờ có kết quả tốt đẹp.

Đánh giá lại rủi ro: Rủi ro đã giảm.

Thứ ba, chứng khoán thế giới.

Nếu như những ngày trước các chỉ số chứng khoán toàn cầu đồng loạt đỏ lửa, thì ngày hôm qua đã chứng kiến sắc xanh trên hầu hết những thị trường lớn. Trong đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trở lại, đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ 2011.

Đánh giá lại rủi ro: Rủi ro đã giảm.

Thứ 4, khối ngoại rút vốn khỏi thị trường Việt Nam

Xu hướng rút ròng vẫn tiếp diễn, phiên 26/08 nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục bán ròng 203 tỷ đồng. Động thái bán ròng chủ yếu diễn ra ở những dòng tiền nóng, đặc biệt là ở các ETFs.

Đánh giá lại rủi ro: Rủi ro vẫn rất cao.

Thứ 5, căng thẳng trên thị trường ngoại hối

Sau phát biểu “không còn lý do gì để tăng tỷ giá” của người đứng đầu Ngân Hàng Nhà Nước, tình hình căng thẳng trên thị trường ngoại hối đã phần nào giảm bớt. Tuy vậy, trên thị trường chợ đen, mức tỷ giá giao dịch vẫn còn duy trì ở mức cao.

Đánh giá lại rủi ro: Rủi ro đã giảm bớt.

Thứ 6, khả năng lãi suất tăng trở lại.

Đây là rủi ro có ảnh hưởng lâu dài đến cả thị trường tài chính và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện yield trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vẫn đang tăng rất mạnh, điều này cho thấy lãi suất trong thời gian tới rất có thể sẽ tăng lên. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trên thị trường trái phiếu những ngày qua.

Đánh giá lại rủi ro: Rủi ro vẫn rất cao.

Thứ 7, giá dầu giảm.

Giá dầu giảm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và earnings các doanh nghiệp dầu khí. Hiện nhóm doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường niêm yết Việt Nam. Do vậy, khi nhóm cổ phiếu này suy giảm sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường.

Trong phiên giao dịch hôm qua, dầu vẫn đang mất giá, và xu hướng đi xuống có lẽ chưa dừng lại.

Đánh giá lại rủi ro: Rủi ro vẫn rất cao.

Thứ 8, tin đồn.

Đánh giá lại rủi ro: Rủi ro đã giảm bớt.

Tóm lại:

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trở lại, căng thẳng Liên Triều được giải tỏa, cam kết ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là những nhân tố cho thấy rủi ro đã phần nào giảm bớt, tuy vậy, những vấn đề cốt lõi từ nền kinh tế Trung Quốc, khả năng tăng lãi suất, giá dầu thấp và nhà đầu tư nước ngoài rút vốn vẫn còn đó. Do vậy, nhà đầu tư vẫn rất cần phải thận trọng.

Hành động

Biểu đồ VNIndex 30 phút đang cho thấy xu hướng tăng điểm ngắn hạn, xu hướng này có thể còn duy trì trong 1 vài ngày tới. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng đây chỉ là diễn biến hồi trở lại sau nhiều phiên thị trường bị bán ra thái quá.

Nếu xem kênh màu đỏ là xu hướng giảm điểm hợp lý, thì VNIndex sẽ hồi trở lại kênh, nhà đầu tư ngắn hạn có thể bán trong kênh màu xanh, tức 560-570, và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ các nhân tố rủi ro mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên.

 

Kính chúc Quý khách hàng đầu tư thành công.

 

Trân trọng.

Tags:

Psychology | StockAdvisory

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu