GEM là ai?

by finandlife16/11/2015 22:21

Global Emerging Markets (GEM) là một Tập đoàn đầu tư của Mỹ có tổng tài sản danh mục lên tới 3.4 tỷ USD. Từ khi thành lập vào năm 1991 đến nay, GEM đã thực hiện 305 thương vụ đầu tư tại 65 quốc gia. Đây là một quỹ đầu tư tài chính hiện đại với nhiều thành viên trên khắp thế giới, trong đó có Quỹ CITIC-GEM Fund (China International Trust and Investment Company), MENA Small & Medium Enterprise Fund (Middle East & North Africa), Kinderhook Industries, GEM Global Yield Fund, GEM India Advisors, và GEM Brazil PE Fund. Các quỹ này chuyên đầu tư vào các công ty niêm yết và chưa niêm yết vừa và nhỏ có tiềm năng thuộc các lĩnh vực khác nhau tại các thị trường mới nổi. 

Tiêu chí đầu tư

 

Quy trình đầu tư

 

Các thương vụ đầu tư của GEM vào Việt Nam

1.   FLC

Ngày 11/2/2014, tại Phòng khánh tiết Tập đoàn FLC, ông Warren P.Baker, Giám đốc, đại diện cho GEM Global Yield Fund và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã gặp gỡ và chốt lại phương án đầu tư 800 tỷ đồng của Quỹ dành cho Tập đoàn.

Trước đó, thông qua sự thu xếp và tư vấn của Asia Business Builders Holdings Ltd. (Hong Kong) và ABB Advisory Vietnam, đại diện của hai bên đã có nhiều cuộc làm việc về chi tiết của phương án đầu tư. Theo dự thảo cuối cùng mà hai bên đã chốt, khoản đầu tư 800 tỷ đồng sẽ được GEM Global Yield Fund thực hiện dưới hình thức cam kết hạn mức mua cổ phần của FLC.

Sau đó vào ngày 29/07/2014, hội đồng quản trị FLC thông qua nghị quyết ký hợp đồng mua cổ phần và các tài liệu liên quan đến hợp đồng mua cổ phần với quỹ GEM Global Yield Fund.

Ngày 07/08/2014 hợp đồng này chính thức được ký kết theo đó GEM sẽ giải ngân 200 tỷ đồng trong vòng 12 tháng mua cổ phiếu FLC với mức giá tương đương giá thị trường. Ngoài ra, GEM cũng cam kết thực hiện đăng ký mua 3 triệu cổ phần từ cổ đông lớn theo mức giá thoả thuận 20,000 đồng/cổ phiếu.

2.   HHS

Cùng với FLC, HHS là 1 trong 2 thương vụ đầu tư đầu tiên của GEM vào thị trường Việt Nam. Buổi Lễ ký kết Thỏa thuận Đầu tư giữa GEM và HHS đã diễn ra vào chiều ngày 11/2/2014. Thoả thuận Đầu tư gồm Hợp đồng thu xếp từng lần và Hợp đồng mua cổ phiếu từ cổ đông lớn, tổng giá trị khoảng 16 triệu USD tương đương 324 tỷ đồng.

Theo Thỏa thuận được ký kết, GEM cam kết sẽ rót gần 10 triệu USD tương đương khoảng 200 tỷ đồng để thực hiện mua cổ phần HHS thuộc sở hữu của Công ty và của cổ đông lớn dưới hình thức thu xếp từng lần trong thời hạn là 30 tháng.

Ngoài ra Quỹ đầu tư này cũng đã cam kết thực hiện đăng ký mua 4 triệu cổ phần từ cổ đông lớn theo mức giá đã thỏa thuận là 31,000 đồng/cp, điều này đồng nghĩa với việc GEM sẽ sở hữu thêm khoảng 124 tỷ đồng giá trị cổ phiếu HHS nếu giao dịch này được thực hiện thành công.

Tổng nguồn vốn sắp xếp lên đến 324 tỷ đồng, tương đương khoảng 16 triệu USD.

Được biết, Olympic Capital Group, Inc và Asian Global Capital Group là hai đơn vị tư vấn và sắp xếp thành công thương vụ giao dịch này giữa HHS và GEM.

Tại buổi lễ, ông Warren P.Baker cũng tỏ rõ muốn đầu tư tiếp vào các công ty tư nhân vừa và nhỏ tại Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực ngành dệt may bởi theo người đại diện Quỹ này thì Việt Nam là một trong những nước hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc, và các công ty may mặc ở Việt Nam sẽ rất tiềm năng.

Cũng theo ông Warren P. Baker thì mục đích của Quỹ đầu tư này là sẽ rót vốn vào những công ty có vốn hóa khoảng từ 20 đến 100 triệu USD, cỡ vừa và nhỏ để các công ty này sử dụng vốn nâng tầm công ty lên, đầu tư thâu tóm trong lĩnh vực kinh doanh của mình giống như trường hợp của Hoàng Huy. Với thương vụ đầu tiên này, ông Warrden P. Baker hy vọng sẽ là bàn đạp để đầu tư tài chính vào thị trường Việt Nam.

Ngày 20/5/2014, Chủ tịch HĐQT HHS là ông Đỗ Hữu Hạ đã giao dịch bán thành công hơn 184,000 cổ phiếu cho GEM. Sau đó, ngày 13/8/2014 ông này tiếp tục đăng ký bán 300,000 cổ phiếu cho GEM và đối tác, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/8/2014.

3.   DLG

Sau FLC và HHS, DLG là công ty tiếp theo GEM chọn để rót vốn đầu tư. Ngày 09/08/2014 vừa qua, DLG đã tổ chức lễ ký cam kết đầu tư và đối tác chiến lược với GEM. Theo đó, GEM cam kết đầu tư chiến lược vào DLG với tỷ lệ nắm giữ lên đến 20%. 

Thương vụ GEM đầu tư 20% vốn DLG được tư vấn và sắp xếp thành công bởi Asia Global Group – New York; Bamboo Capital và MESA Research VietNam.

GEM cho biết, sau thời gian nghiên cứu thị trường cũng như hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam, GEM đánh giá cao hoạt động, đặc biệt là chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ của DLG với các lĩnh vực mũi nhọn là cơ sở hạ tầng, năng lượng và nông nghiệp.

4.   HAGL

Đợi cập nhật trong lễ ký kết hợp tác vào ngày 06/11/2014 tới…

 

Nguồn: VFS Research|finandlife

Tags:

Economics

CSM|Cập nhật kết quả kinh doanh quý 4/2014

by finandlife16/11/2015 22:17

CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM - HOSE) vừa công bố tình hình kinh doanh quý 4 và cả năm 2014 với kết quả như sau:

Doanh thu quý 4 của Casumina đạt 910.8 tỷ đồng, tăng 12.4% so với quý 4/2013. Tuy nhiên, giá vốn tăng nhanh hơn khiến lãi gộp giảm nhẹ 2.1% xuống còn 214 tỷ đồng.

Trong khi đó, các chi phí bán hàng và quản lý đều tăng mạnh, dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 23% từ 139 tỷ xuống 108 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2014, Casumina đạt 3,178 tỷ đồng doanh thu, tăng 1.4% so với năm 2013, chỉ hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu đặt ra đầu năm. Lợi nhuận trước thuế giảm 55 tỷ, tương ứng giảm 11%, từ 481 tỷ xuống 426 tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 331 tỷ đồng, giảm 8%, tương ứng với EPS đạt hơn 4,900 đồng.

Doanh thu không đạt kế hoạch do sản lượng tiêu thụ lốp Radial không như dự kiến

Năm 2014 CSM không hoàn thành kế hoạch doanh thu 3,350 tỷ đồng do đóng góp từ lốp radial thấp hơn kế hoạch ban đầu và giá bán bình quân giảm.

Trong quý 2 CSM đã giới thiệu ra thị trường đợt sản phẩm Radial mẫu đầu tiên và chính thức đưa nhà máy vào sản xuất kể từ đầu quý 3 với kỳ vọng sẽ tiêu thụ được khoảng 50,000 lốp trong năm 2014. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ thực tế chậm hơn dự kiến. Trong quý 3 CSM chỉ tiêu thụ được khoảng 12,000 lốp và quý 4 tiêu thụ khoảng 14,000 lốp.

Biên lãi gộp giảm do chi phí khấu hao nhà máy lốp Radial

Biên lãi gộp của CSM năm 2014 là 26%, giảm so với mức 26.7% đạt được trong năm 2013 do sản lượng tiêu thụ lốp Radial trong giai đoạn đầu của nhà máy còn thấp, chi phí khấu hao trên mỗi sản phẩm cao. Tuy vậy nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm nên mức độ sụt giảm của biên lãi gộp được giảm bớt. Chúng tôi cho rằng nếu loại bỏ ảnh hưởng của việc đưa vào tiêu thụ lốp radial, biên lãi gộp của CSM trong năm 2014 vẫn cải thiện đáng kể nhờ giá cao su tự nhiên và giá dầu giảm

 

Lợi nhuận sau thuế giảm do chi phí bán hàng và lãi vay tăng

Mặc dù lợi nhuận gộp của CSM năm 2014 chỉ giảm 1.4% so với năm 2013 nhưng lợi nhuận trước và sau thuế giảm mạnh hơn (lần lượt giảm 11% và 8%) là do chi phí bán hàng và chi phí lãi vay tăng mạnh.

Chi phí bán hàng năm 2014 tăng 37% từ mức 97.1 tỷ cùng kỳ lên 133.2 tỷ do công ty đẩy mạnh quảng cáo và tăng khuyến mãi nhằm đẩy mạnh bán hàng trong và ngoài nước.

Chi phí lãi vay năm 2014 tăng 33% từ mức 40.6 tỷ cùng kỳ lên 54 tỷ do việc đưa dự án nhà máy lốp Radial vào hoạt động chính thức trong Quý 3 dẫn đến việc chi phí lãi vay trong 6 tháng cuối năm không còn được vốn hoá vào chi phí dự án.

Mặc dù vậy, chi phí tài chính năm 2014 của CSM vẫn giảm 28% từ mức 102 tỷ cùng kỳ xuống còn 73.4 tỷ do năm 2013 công ty có khoản chi phí tài chính phát sinh do bán cổ phiếu cao su Phước Hoà (giá vốn).

Chưa hoàn tất việc chuyển nhượng dự án 09 Nguyễn Khoái

Năm 2014, HĐQT CSM đã thông qua nghị quyết về việc thoái vốn tại 2 dự án 09 Nguyễn Khoái và 504 Nguyễn Tất Thành. Do có sự thay đổi trong thiết kế kỹ thuật tại dự án 09 Nguyễn Khoái, quá trình bán dự án này cho Novaland mất nhiều thời gian hơn dự kiến. CSM phải chờ phê duyệt chính thức trước khi có thể ghi nhận lợi nhuận của thương vụ này. Lợi nhuận dự kiến từ việc thoái vốn khỏi dự án này là 70 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ được ghi nhận trong năm 2015.

Triển vọng kinh doanh 2015

Theo Công ty chứng khoán HSC, năm 2015, CSM đặt kế hoạch doanh thu 3,560 tỷ đồng (tăng trưởng 12%) và lợi nhuận trước thuế (không tính lợi nhuận từ dự án bất động sản) là 405 tỷ đồng (giảm 4%).

Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận giảm do (1) chi phí khấu hao từ nhà máy mới và chi phí lãi vay sẽ được ghi nhận cả năm (6 tháng đầu năm 2014 CSM vẫn chưa trích khấu hao cho nhà máy Radial và lãi vay vẫn được vốn hoá vào chi phí dự án); (2) công suất hoạt động của nhà máy nhiều khả năng sẽ vẫn dưới mức hòa vốn; (3) chi phí bán hàng & quản lý tăng do công ty đầu tư tiếp thị các sản phẩm lốp radial.

CSM dự kiến đạt doanh thu xuất khẩu là 1,213 tỷ đồng, tăng trưởng 27% và đóng góp 34% vào doanh thu (năm 2014 là 30%) nhờ sản lượng lốp radial tăng.

Ngày 9/1/2015 vừa qua, CSM đã chính thức ký kết hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm lốp bố thép, thương hiệu Casumina Radial sang thị trường Mỹ với Công ty US TIREX. Ngay sau lễ ký kết, hai bên đã ký một hợp đồng thương mại, theo đó 8 container lốp xe bố thép Casumina Radial sẽ được xuất sang Mỹ trong tháng 1/2015. Dự kiến tổng lượng lốp toàn thép Casumina Radial xuất khẩu sang thị trường Mỹ đến cuối năm 2015 là 200,000 chiếc, tương đương 57 triệu USD.

Chúng tôi cho rằng đây là thông tin rất tích cực đối với CSM. Nếu sản lượng xuất khẩu đạt đến con số dự kiến (200,000 lốp), biên lợi nhuận của sản phẩm lốp radial trong năm 2015 sẽ được cải thiện do vượt qua điểm hoà vốn giai đoạn 1 của dự án (khoảng 180,000 lốp/năm). Bên cạnh đó, việc giá cả nguyên liệu đầu vào đang giảm do giá dầu giảm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho biên lãi gộp của công ty trong năm 2015.

Trên quan điểm thận trọng, chúng tôi dự kiến năm 2015 CSM sẽ tiêu thụ được khoảng 130,000 - 150,000 lốp Radial. Tổng doanh thu dự kiến đạt 3,900 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 317.6 tỷ đồng (không tính đến lợi nhuận từ thoái vốn bất động sản), giảm 4% so với năm 2014, tương ứng với EPS đạt 4,720 đồng/cổ phiếu. PE Forward so với giá đóng cửa ngày 27/01/2015 là 8.8 lần, khá hấp dẫn. 

Nguồn: Analyst Phan Minh Đức, VFS Research

Tags:

Stocks

PVS Cập nhật 16/09/2014

by finandlife16/11/2015 22:09

Công ty Cổ phần Dịch vụ kĩ thuật dầu khí (PVS) là 1 trong 7 đơn vị thành viên của PVN đang niêm yết, có vốn hoá lớn nhất sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Chúng tôi đánh giá cao vị thế đầu ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí của công ty, với tiềm năng tăng trưởng cao khi hoạt động khai thác dầu khí trong nước được đẩy mạnh, đặc biệt là các mảng dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng, dịch vụ kho nổi FSO/FPSO… Trong khi đó, biên lợi nhuận của mảng cơ khí dầu khí nhiều khả năng sẽ được cải thiện khi công ty tập trung vào các dự án cơ khí ngoài khơi theo chủ trương của PVN

Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng, chúng tôi ước tính công ty sẽ đạt khoảng 1,755 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11.4% so với cùng kỳ. EPS 2014 tương ứng đạt 3,930 đồng/cpTheo đó mức giá hợp lý của PVS theo phương pháp định giá PE của chúng tôi là khoảng 47,300 đồng, cao hơn 5.3% so với giá đóng cửa ngày 12/09/2014.

Lưu ý rằng, dự phóng trên của chúng tôi chưa tính tới khoản hoàn nhập dự phòng dự án Bio Ethanol Dung Quất. Nếu việc này được thực hiện trong năm 2014, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 2,040 tỷ đồng, tương đương EPS khoảng 4,566 đồng/cp. Chúng tôi cho rằng, những thông tin liên quan đến việc này thời gian tới sẽ tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu PVS trong ngắn hạn.

----------------------------------

BLUECHIP LỚN NHẤT SÀN HNX

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kĩ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) – PVS – là đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chủ yếu cung cấp các các dịch vụ kĩ thuật cho ngành công nghiệp Dầu khí trong và ngoài nước. Với vốn hoá 20,057 tỷ đồng, PVS hiện là Bluechip có vốn hoá cao nhất Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chiếm 13.8% tổng vốn hoá toàn sàn. Điều này giúp PVS nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

ĐẦU NGÀNH DỊCH VỤ KĨ THUẬT DẦU KHÍ VIỆT NAM

Hiện nay với bộ máy 8 chi nhánh, 10 công ty con và 9 công ty liên doanh liên kết đang hoạt động đa ngành, PVS là nhà cung cấp dịch vụ kĩ thuật dầu khí hàng đầu Việt Nam và có tên tuổi trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, công ty tập trung phát triển 6 dịch vụ chủ yếu bao gồm: (1) Dịch vụ cơ khí dầu khí, (2) Dịch vụ tàu kĩ thuật dầu khí, (3) Dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình, khảo sát sửa chữa công trình ngầm bằng R-OV, (4) Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng vận hành & xây dựng lắp đặt công trình biển (O&M), (5) Dịch vụ căn cứ cảng, (6) Dịch vụ kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FSO, FPSO

 

 

DỊCH VỤ CƠ KHÍ DẦU KHÍ

PTSC hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong nước cung cấp dịch vụ cơ khí dầu khí, chuyên thực hiện các dự án EPC/EPIC/EPCI chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, chạy thử giàn khoan, chân đế giàn khoan, các cấu kiện, thiết bị dầu khí, các công trình dầu khí ngoài khơi, trên bờ. Áp lực cạnh tranh không cao do 2 đối thủ cạnh tranh chính đều là các đơn vị trực thuộc công ty mẹ PVN. Bên cạnh đó PTSC hiện đang đẩy mạnh mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài và đã thu được những kết quả khả quan như dự án HRD với chủ đầu tư ONGCcủa Ấn Độ và dự ánMLS ngoài khơi Brunei với chủ đầu tư Total E&P Borneo B.V

Năm 2013, doanh thu từ dịch vụ cơ khí dầu khí đạt 10,031 tỷ đồng (chiếm 39% tổng doanh thu), giảm 17% do phần lớn các dự án đang thực hiện đều kết thúc trong năm 2013, trong khi các dự án mới thì sụt giảm cả về quy mô lẫn số lượng. Mặc dù vậy biên lợi nhuận của hoạt động này lại tăng trở lại từ mức 0.02% năm 2012 lên 4.7% năm 2013 (do năm 2012 ghi nhận khoản lỗ 492 tỷ từ dự án EPC nhà máy Bio Ethanol Dung Quất).

6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của dịch vụ này đạt 4,514 tỷ đồng, giảm 21.3% so với cùng kỳ do khối lượng phần việc hoàn thành theo mốc của các dự án trong kỳ thấp hơn năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 206.6 tỷ đồng, giảm 14.3%, biên lãi gộp đạt 4.6%, cải thiện nhẹ so với mức 4.2% cùng kỳ năm trước.

Đây là dịch vụ mang lại doanh thu cao nhất (khoảng 40% cơ cấu doanh thu) nhưng lại có biên lợi nhuận thấp nhất (4 – 5%) trong tất cả các dịch vụ của công ty những năm qua. Dịch vụ này chứa đựng rủi ro kinh doanh khá cao do toàn bộ chi phí thi công đã được bao gồm trong giá trị hợp đồng tổng thầu, vì vậy trong trường hợp chi phí thực hiện dự án cao hơn giá trị gói thầu, PTSC sẽ có thể phải chịu thiệt hại lớn. Dự án nhà máy Bio – Ethanol Dung Quất năm 2012 là một ví dụ. PTSC đã phải ghi nhận khoản lỗ lớn do chi phí xây dựng nhà máy vượt quá giá trị hợp đồng.

Theo quy hoạch phát triển ngành của PVN, chỉ có 3 đơn vị thuộc tập đoàn là PTSC, PVC-MS (PXS) và Vietsopetro được quyền tham gia các dự án cơ khí dầu khí trong đó PTSC được giao phụ trách các dự án cơ khí dầu khí ngoài khơi (offshore), PVC – MS phụ trách các dự án trên bờ (onshore) và Vietsopetro phụ trách các dự án nội bộ, thuộc liên doanh Vietsopetro. Mặc dù theo sự điều tiết của PVN, 3 đơn vị này có thể tham gia chéo vào các mảng của nhau trong một chừng mực nào đó, tuy nhiên việc phân công này là khá có lợi cho PTSC. Các dự án cơ khí dầu khí ngoài khơi có độ phức tạp cao hơn do đó thường có biên lợi nhuận cao hơn các dự án trên bờ (5-7% so với 2-3%)

 

Mặc dù dịch vụ này có biên lợi nhuận khá thấp và rủi ro cao so với các dịch vụ khác mà công ty cung cấp, nhưng với mong muốn nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu, công ty vẫn quyết tâm phát triển dịch vụ này do giá trị của các dự án cơ khí dầu khí thường khá cao. Bên cạnh đó, đây còn là dịch vụ mang tính “lai dắt” cho một số dịch vụ khác của công ty như dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, bảo dưỡng vận hành O&M… Thời gian tới, để cải thiện biên lợi nhuận, công ty sẽ tập trung vào các dự án cơ khí ngoài khơi và tập trung hơn vào mảng thiết kế.

Năm 2014, doanh thu của dịch vụ này dự kiến sẽ tiếp tục ổn định nhờ các dự án đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm như Dừa, Sư tử nâu, Sư tử vàng – Tây Nam, HRD,… Đặc biệt, việc tổ hợp nhà thầu liên doanh Power Machines – BTG s.r.o – PTSC được chính thức ký hợp đồng EPC Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 vào cuối năm 2013 sau thời gian dài bị tạm ngưng sẽ góp phần đảm bảo doanh thu của hoạt động này thời gian tới.

Khả năng được hoàn nhập dự phòng dự án Bio Ethanol Dung Quất trong năm 2014

Năm 2012, công ty đã ghi nhận khoản lỗ 492 tỷ đồng từ dự án EPC nhà máy Bio Ethanol Dung Quất trên báo cáo tài chính hợp nhất do chi phí thực tế phát sinh khi thực hiện dự án cao hơn giá trị hợp đồng tổng thầu đã ký trước đó. Công ty cũng thực hiện trích lập dự phòng cho dự án này khoảng 286 tỷ đồng trên báo cáo tài chính công ty mẹ. Đến nay khoản dự phòng này vẫn chưa được hoàn nhập do chưa đủ cơ sở pháp lý và chuẩn mực kế toán.

Hiện tại, theo thông tin từ phía ban lãnh đạo công ty, PVN đang ủng hộ các bên tham gia dự án xử lý khoản lỗ này. Ngày 06/08/2014, tại khu kinh tế Dung Quất, PTSC đã phối hợp với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) tổ chức Lễ Tổng kết dự án này. Đây là cơ sở cho việc ghi nhận khối lượng công việc thực tế của dự án, là một trong những yếu tố quan trọng giúp PTSC thực hiện hoàn nhập chi phí dự phòng đã trích lập cho dự án.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, hiện tại Bộ Xây Dựng đã hoàn thành báo cáo lập lại tổng giá trị dự án theo thực tế khoảng 108 triệu USD, so với giá trị hợp đồng gốc là khoảng 69 triệu USD. Sắp tới chủ đầu tư của dự án sẽ hoàn thiện hồ sơ xác nhận giá trị bổ sung trình PVN phê duyệt. Khi đó, khả năng PTSC sẽ được hoàn nhập khoảng 286 tỷ đồng chi phí dự phòng đã trích lập.

Kỳ vọng toàn bộ quy trình thủ tục này sẽ được hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2014 qua đó giúp PTSC có khoản lợi nhuận bất thường lớn từ hoàn nhập dự phòng.

DỊCH VỤ TÀU KĨ THUẬT DẦU KHÍ

PTSC hiện đang sở hữu đội tàu dịch vụ dầu khí lớn nhất Việt Nam với tổng số 21 tàu bao gồm các tàu dịch vụ hiện đại như tàu kéo, thả neo và vận chuyển (AHTS), tàu định vị động học (DP), tàu hỗ trợ lặn khảo sát, tàu chống cháy, tàu trực mỏ, tàu bảo vệ… Ngoài đội tàu hiện tại, PTSC còn thuê ngoài của nhiều chủ tàu trong và ngoài nước khác nhằm đảm bảo bổ sung đủ nguồn lực phương tiện đáp ứng các nhu cầu dịch vụ tàu cho hoạt động dầu khí tại Việt Nam và khu vực (trung bình đội tàu thuê hoạt động khoảng 40 – 60 chiếc/ngày).

Hiện tại PTSC chiếm khoảng 90% thị phần dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí trong nước.

Năm 2013, nhờ tổng số giờ làm việc của đội tàu do PTSC quản lý tăng và giá cho thuê tàu ổn định nên doanh thu thuần từ hoạt động này tăng 9.4%, đạt 5,318 tỷ đồng, chiếm 21% cơ cấu doanh thu; trong khi chi phí được quản lý tốt giúp biên lợi nhuận cải thiện mạnh từ 10.7% năm 2012 lên 14.3%. Lợi nhuận gộp đạt 762.5 tỷ đồng, tăng 46.5%, chiếm 29% tổng lãi gộp của công ty, cao nhất trong tất cả các dịch vụ mà công ty cung cấp.

6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần từ hoạt động này đạt 3,231.5 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu thuê và sử dụng tàu tăng lên (đội tàu hoạt động bình quân khoảng 70 chiếc/ngày, tổng số giờ làm việc của đội tàu PTSC tăng 8%, đội tàu thuê ngoài tăng 6%) trong khi giá thuê tàu ổn định. Lợi nhuận gộp đạt 294 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 9.1%, giảm so với mức 11.9% cùng kỳ.

Để nâng cao năng lực cho đội tàu của mình, PTSC dự kiến sẽ đầu tư mua thêm 2 tàu dịch vụ vào Quý 4/2014, công suất 7,000 – 8,000 mã lực với tổng vốn đầu tư 966 tỷ đồng. Năm 2015 và 2016 công ty dự kiến tiếp tục đầu tư mua thêm 2-3 tàu dịch vụ loại công suất lớn (8,000 – 12,000 mã lực) mỗi năm.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, việc mua thêm tàu dự kiến sẽ không giúp doanh thu và lợi nhuận của dịch vụ này tăng lên trong ngắn hạn do giá thuê tàu phụ thuộc nhiều vào giá trị mỏ, trong khi chi phí vận hành, khấu hao… của tàu thuộc sở hữu của công ty không thấp hơn chi phí thuê ngoài. Mặc dù vậy, do đội tàu thuộc sở hữu của PTSC hiện đã già, số lượng tàu công suất lớn còn thiếu nên việc này vừa giúp PTSC nâng cao năng lực đội tàu do mình quản lý, tự chủ hơn trong hoạt động cho thuê tàu, vừa giúp PTSC quảng bá thương hiệu, được nhiều tổ chức, nhà thầu trong và ngoài nước biết đến (tàu của PTSC sẽ mang cờ hiệu của PTSC khi hoạt động trên biển).

Chúng tôi cho rằng, doanh thu và lợi nhuận của dịch vụ này sẽ tiếp tục cải thiện trong 6 tháng cuối năm nhờ giá thuê tàu ổn định, nhu cầu thuê và sử dụng tàu của các nhà thầu tăng.

DỊCH VỤ KHẢO SÁT ĐỊA CHẤN, ĐỊA CHẤT…

PTSC hiện đang sở hữu tàu khảo sát địa chấn 2D Bình Minh 02, tàu khảo sát địa chấn 3D Amadeus, tàu khảo sát PTSC Surveyor và 3 thiết bị ROV. Đơn vị có thể thực hiện công tác khoan khảo sát địa chất công trình trong vùng nước có độ sâu từ 7m đến 300m.

Năm 2013 doanh thu từ loại hình dịch vụ này đạt 4,763 tỷ đồng tăng 30.3% so với năm 2012. Lợi nhuận gộp đạt 425.5 tỷ đồng, giảm 9.7%. Biên lãi gộp đạt 8.9%, giảm so với mức 12.9% cùng kỳ. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm so với năm trước dù doanh thu tăng là do thời tiết không thuận lợi và việc sửa chữa bảo dưỡng tàu (Bình Minh 02) dẫn đến tăng chi phí vận hành, gây ảnh hưởng đến hiệu quả lợi nhuận của dịch vụ này.

Quý 1/2014, tàu khảo sát địa chấn 3D Amadeus lên đà sửa chữa, bảo dưỡng định kì đồng thời thực hiện phân bổ chi phí nâng cấp, thay thế hệ thống cáp thăm dò địa chấn theo công nghệ mới khiến doanh thu từ hoạt động này giảm đến 33% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp âm 64 tỷ đồng. Sang quý 2, tàu này hoạt động ổn định trở lại, cùng với việc khối lượng công việc tập trung nhiều trong thời gian này giúp doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1,878 tỷ đồng, tăng 22.1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 197 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, biên lãi gộp đạt 10.5%, giảm so với mức 15.4% cùng kỳ chủ yếu do việc phân bổ chi phí sửa chữa tàu khảo sát  3D trong Quý 1.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, 2 quý cuối năm, doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ này dự kiến sẽ không cao như trong Quý 2 do phần lớn khối lượng công việc đã hoàn thành và hạch toán doanh thu lợi nhuận trong quý 2.

DỊCH VỤ VẬN HÀNH BẢO DƯỠNG O&M

Bắt đầu cung cấp dịch vụ vận hành và bảo dưỡng (O&M), vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, chạy thử, sửa chữa các công trình dầu khí tại Việt Nam từ năm 2002, đến nay, PTSC đã cung cấp dịch vụ thành công cho nhiều công trình, dự án quan trọng của các nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước.

Với phần lớn công việc được thực hiện ở ngoài khơi, có độ phức tạp cao, đây là một trong những dịch vụ mang lại biên lợi nhuận cao nhất cho PTSC chỉ sau dịch vụ căn cứ cảng, đóng góp đến 17% lợi nhuận trong khi doanh thu từ hoạt động này chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng doanh thu. Tăng trưởng của loại hình dịch vụ này phụ thuộc hoàn toàn vào tăng trưởng của dịch vụ Cơ khí dầu khí, đặc biệt là các dự án Cơ khí dầu khí ngoài khơi.

Doanh thu thuần từ loại hình dịch vụ này năm 2013 đạt 2,241 tỷ đồng, tăng 54.5% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận gộp từ lĩnh vực dịch vụ này đạt 435.3 tỷ đồng, tăng 101.1%. Nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực dịch vụ này tăng mạnh là do phần lớn các dự án cơ khí dầu khí lớn kết thúc trong năm 2013 nên các hạng mục công việc liên quan đến vận chuyển, lắp đặt, đấu nối ngoài khơi tăng mạnh và toàn bộ lợi nhuận từ thực hiện các dự án này trong thời gian qua được quyết toán đầy đủ.

6 tháng đầu năm 2014, dịch vụ này đạt 1,701 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 220%, lợi nhuận gộp đạt 222.7 tỷ đồng, tăng 142.6% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 13.1%.

Nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận của dịch vụ này tăng mạnh là do nhiều dự án cơ khí dầu khí kết thúc vào cuối năm 2013 dẫn đến các công việc liên quan đến lắp đặt đấu nối ngoài khơi tăng mạnh và được ghi nhận đầy đủ trong 6 tháng đầu năm 2014. Ban lãnh đạo công ty cho biết, 6 tháng cuối năm, doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ này dự kiến sẽ giảm so với 6 tháng đầu năm.

DỊCH VỤ CĂN CỨ CẢNG

Hiện nay, PTSC đang quản lý và vận hành hệ thống 6 căn cứ cảng dịch vụ dầu khí tại tất cả các trung tâm trên cả ba khu vực Bắc - Trung - Nam Việt Nam với hơn 150 ha cảng, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ hậu cần cho các công ty và nhà thầu đang hoạt động thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam như: Dịch vụ cầu cảng, bến, kho bãi; Dịch vụ cho thuê văn phòng tại cảng; Cung cấp, cho thuê các trang thiết bị, phương tiện vận tải, cần cẩu, xe kéo, nâng hạ; Dịch vụ vận chuyển trên bờ và dịch vụ hạ thủy các cấu kiện, công trình dầu khí; Dịch vụ cung cấp nhiên liệu, dầu nhớt và nước sạch, sửa chữa đầu bến; Dịch vụ cung cấp lao động kỹ thuật tại Cảng và Dịch vụ đại lý tàu biển, hải quan.

PTSC hiện cũng đang tích cực thực hiện đầu tư dự án cảng Sơn Trà Đà Nẵng với tổng diện tích 10 ha,tổng giá trị dự án hơn 632 tỷ được thực hiện chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2013-2015 với vốn đầu tư hơn 431 tỷ và giai đoạn 2 từ sau năm 2015 với vốn đầu tư 200 tỷ.

Đây là hoạt động có biên lãi gộp cao nhất trong tất cả các hoạt động của công ty, tuy chỉ đóng góp khoảng 5% doanh thu thuần nhưng mang lại 13 - 15% lợi nhuận gộp.

Năm 2013, do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số khách hàng gặp khó khăn dẫn đến lượng hàng hóa qua cảng sụt giảm. Ngoài ra, sự sụt giảm các dự án cơ khí dầu khí cũng đã làm giảm các dịch vụ hỗ trợ như: cung cấp phương tiện, thiết bị nâng hạ, cho thuê kho, bãi chế tạo.Doanh thu thuần năm 2013 của dịch vụ này đạt 1,393 tỷ đồng, giảm 5.8% so với năm trước. Lãi gộp đạt 329.1 tỷ đồng, giảm 16.8%.

Bước sang năm 2014, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, hoạt động tại các căn cứ cảng nhộn nhịp trở lại giúp dịch này của công ty khởi sắc. 6 tháng đầu năm 2014 doanh thu của dịch vụ này đạt 933 tỷ đồng tăng 55% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 197.2 tỷ đồng, tăng 45%. Tỷ suất Lợi nhuận gộp đạt 21.1%, cao nhất trong tất cả các dịch vụ của công ty.

Với việc đang tích cực triển khai đầu tư dự án Cảng Sơn Trà – Đà Nẵng (nhắm vào việc thay thế Cảng Sông Hàn và đón đầu dự án Cá Voi Xanh của Exxon Mobile, dự án tổ hợp nhà máy lọc dầu Nghi Sơn…), chúng tôi cho rằng dịch vụ này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới, theo đà phục hồi của nền kinh tế và sự nhộn nhịp của các hoạt động khai thác dầu khí.

Trong các cảng hiện tại PTSC đang khai thác, cảng Hạ Lưu Vũng Tàu là cảng chính, mang lại doanh thu và lợi nhuận cao nhất. 6 tháng đầu năm 2014, cảng này mang lại 512 tỷ đồng doanh thu (chiếm khoảng 55% doanh thu toàn mảng), tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó một nửa đến từ dịch vụ thuê mặt bằng và logistic (272 tỷ), còn lại là các dịch vụcung ứng lao động (52 tỷ), đại lý và dịch vụ sữa chữa nhỏ. Các cảng khác như Đình Vũ, Dung Quất, Nghi Sơn tiếp tục hoạt động ổn định và có lãi lần lượt 22 tỷ, 8 tỷ và 10 tỷ nhờ lượng hàng hoá bốc dỡ tăng và chi phí lãi vay giảm.

DỊCH VỤ KHO NỔI FSO, FPSO

Hiện tại, PTSC đang sở hữu/đồng sở hữu 5 kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FSO/FPSO trong đó có 2 tàu mới đưa vào hoạt động gần đây là FSO PTSC Biển  Đông 01 (tháng 6/2013) và FPSO Lam Sơn (tháng 5/2014). Bên cạnh đó, công ty hiện cũng đang theo đuổi các dự án cung cấp tàu  FSO/FPSO cho Chevron và FPSO cho mỏ Hàm Rồng/Côn  Sơn.

Trong hoạt động kinh doanh này, PTSC thuê các kho nổi từ các công ty liên kết liên doanh (đồng sở hữu các kho nổi), sau đó cho khách hàng thuê lại các kho nổi này, đồng thời cung cấp thêm dịch vụ vận hành, bảo dưỡng,lắp đặt và cung cấp nhân sự cho các kho nổi FSO/FPSO. Do đó, không chỉ đóng góp khoảng 4% doanh thu thuần và 7% lợi nhuận gộp trên báo cáo cáo hợp nhất, dịch vụ này còn mang lại khoản lợi nhuận lớn từ các công ty liên doanh liên kết.

 

Hầu hết các tàu FSO/FPSO có thời gian thuê tối thiểu 7 năm và gia hạn thêm từ 3-8 năm tiếp theo tùy thuộc điều kiện khai thác của mỏ. Cũng giống như đội tàu dịch vụ, PTSC áp dụng hình thức khấu hao nhanh cho các trang thiết bị này. Thời gian khấu hao thường là 7 năm. Các thiết bị này hầu hết đều có thể vận hành liên tục, không phải sửa chữa lớn.

Năm 2013, Doanh thu thuần từ loại hình dịch vụ này đạt 1,097 tỷ đồng, tăng 173% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 174.8 tỷ đồng, tăng 132.7% chủ yếu do có thêm sự đóng góp của FSO PTSC Biển Đông 01. Biên lãi gộp giảmxuống còn 13.5% do vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, lắp đặt các kho nổi để cho thuê.

Lợi nhuận từ các công ty liên kết trong lĩnh vực này đạt 376.5 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ trong đó đáng chú ý là khoản lợi nhuận 215.6 tỷ đồng từ liên doanh PTSC SEA (đơn vị sở hữu kho nổi FSO Biển Đông 01).

 

6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần từ dịch vụ này đạt 757 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 63.6 tỷ đồng, tăng 29% chủ yếu nhờ FSO PTSC Biển Đông 01 và một phần nhỏ từ FPSO Lam Sơn mới đưa vào hoạt động cuối tháng 5/2014. Biên lãi gộp giảm xuống còn 8.4% do giá vốn tăng.

Lợi nhuận từ công ty liên kết trong lĩnh vực này đạt 219.2 tỷ đồng, tăng 26.2% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ sự tăng trưởng lợi nhuận của liên doanh PTSC SEA và PTSC AP.

6 tháng cuối năm, dịch vụ này dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ FPSO Lam Sơn mới đi vào hoạt động (đóng góp khoảng 5 triệu USD lợi nhuận)

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH LÀNH MẠNH

Mặc dù tỷ lệ nợ trên tổng tài sản của công ty khá cao tuy nhiên tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản khá an toàn và đang giảm dần. Cùng với việc lãi suất giảm giúp công ty tiết giảm đáng kể chi phí lãi vay và chi phí tài chính. Tỷ trọng chi phí tài chính trên doanh thu thuần giảm đáng kể từ mức 4.2% năm 2012 xuống còn 1.5% năm 2013 và 0.6% trong 6 tháng đầu năm 2014

 

KHẢ NĂNG THANH TOÁN ĐẢM BẢO

Cơ cấu tài sản của công ty có trên 60% là tài sản ngắn hạn, trong khi đó các khoản nợ ngắn hạn chỉ chiếm dưới 50% tổng tài sản cho thấy công ty đang dùng một phần vốn dài hạn để bổ sung vốn lưu động giúp rủi ro thanh khoản của công ty được tiết giảm đáng kể. Các chỉ tiêu khả năng thanh toán đảm bảo và có xu hướng cải thiện dần qua các năm.

HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ỔN ĐỊNH

Hiệu suất sử dụng tài sản của công ty tương đối ổn định qua các năm. Số ngày phải thu bình quân năm 2013 là 92 ngày, số ngày phải trả bình quân khoảng 47 ngày.

KHẢ NĂNG SINH LỜI CẢI THIỆN

Các chỉ tiêu biên lợi nhuận và tỷ suất sinh lời cải thiện đáng kể trong năm 2013 (năm 2012 lỗ dự án Bio Ethanol) và tiếp tục ổn định trong 6 tháng đầu năm 2014. Kỳ vọng các chỉ tiêu này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các mảng dịch vụ có tỷ suất sinh lời cao như Dịch vụ cảng, O&M, FSO/FPSO tăng trưởng cao trong khi tỷ suất sinh lời mảng cơ khí được cải thiện.

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ NĂM 2014

TRIỂN VỌNG VÀ KHUYẾN NGHỊ

Tổng kết 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 13,203 tỷ đồng, tăng 13.6% so với cùng kỳ, hoàn thành 52.4% kế hoạch doanh cả năm. Lợi nhuận gộp đạt 1,186 tỷ đồng, tăng 16.6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,117.8 tỷ đồng, tăng 35.1% so với cùng kỳ, vượt 1.6% lợi nhuận trước thuế cả năm 2014.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng, 6 tháng cuối năm kết quả lợi nhuận có thể sẽ không cao như 6 tháng đầu năm do các dịch vụ Vận hành, lắp đặt đấu nối O&M và Khảo sát địa chấn 2D, 3D đã “về đích” sớm trong 6 tháng đầu năm. Theo quan điểm thận trọng, ban lãnh đạo công ty ước tính cả năm 2014 công ty sẽ đạt 25,300 tỷ đồng doanh thu (vượt nhẹ kế hoạch) và 1,795 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (vượt 63% so với kế hoạch).

Tuy vậy chúng tôi cho rằng, công ty sẽ vẫn tiếp tục có được kết quả lợi nhuận cao trong 6 tháng cuối năm nhờ (1) ghi nhận nhiều doanh thu và lợi nhuận mảng Cơ khí dầu khí hơn; (2) Kho chứa FPSO Lam Sơn bắt đầu hoạt động trong tháng 6/2014 đóng góp khoảng 5 triệu USD lợi nhuận; (3) Dịch vụ tàu chuyên ngành và dịch vụ căn cứ cảng tiếp tục tăng trưởng tốt… Theo đó, chúng tôi ước tính, năm 2014 công ty sẽ đạt khoảng 26,000 tỷ đồng doanh thu, tăng 2.2% so với cùng kỳ, vượt 3% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 2,340 tỷ đồng, tăng 3.1% so với cùng kỳ, vượt 113% kế hoạch.

 

Lợi nhuận sau thuế năm 2014 ước đạt 1,755 tỷ đồng, tăng 11.4% so với cùng kỳ. EPS 2014 tương ứng đạt 3,930 đồng/cổ phiếu. Với mức PE trung vị của các công ty cùng ngành trong khu vực khoảng 12 lần, mức giá hợp lý của PVS là khoảng 47,300 đồng, cao hơn 5.3% so với giá đóng cửa ngày 12/09/2014.

Lưu ý rằng, dự phóng trên chưa tính tới khoản hoàn nhập dự phòng dự án Bio Ethanol Dung Quất. Nếu việc này được thực hiện trong năm 2014, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 2,040 tỷ đồng, tương đương EPS khoảng 4,566 đồng/cp.

Bài liên quan:

PVS|Cổ phiếu tăng giá 80% trong 3 tháng 

PVS|Cổ phiếu đầu tư

 

VFS Research

Tags:

StockAdvisory | Stocks

Chứng khoán tháng rồi, xu hướng tháng tới 13/11/2015

by finandlife13/11/2015 11:14

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THÁNG 10

Sự tích cực của dòng tiền trước những thông tin hỗ trợ đan xen giúp thị trường tạo mặt bằng giá mới

Thị trường chứng khoán tháng 10 tăng điểm vượt các ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh (vùng 600 điểm của VNINDEX) nhờ sự tích cực của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền nội trước những thông tin hỗ trợ đan xen như hoàn tất đàm phán TPP (đầu tháng 11), lộ trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như VNM, FPT, BMP…, và kết quả kinh doanh Quý 3 khả quan của một số doanh nghiệp công bố trong tháng.

Biến động VNINDEX và các thông tin vĩ mô nổi bật trong tháng

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng, VNINDEX và HNXINDEX đóng cửa ở mức 607.37 điểm và 82.23 điểm, tăng lần lượt 8.0% và 5.5% so với cuối tháng trước. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình đạt 1,812 tỷ đồng/phiên trên HSX và 435 tỷ đồng/phiên trên HNX, tăng lần lượt 37.6% và 21.2% so với giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình tháng trước.

Khối ngoại quay lại mua ròng nhưng mức độ tác động đến thị trường không cao

Sau 2 tháng bán ròng liên tiếp trước đó, khối ngoại quay lại mua ròng 1,168 tỷ đồng trong tháng này, đưa tổng giá trị mua ròng lũy kế từ đầu năm lên lại mức 5,340 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong tháng là khá cao, nhưng nhìn chung giao dịch của khối này trong tháng 10 không thực sự mạnh và mức độ lan tỏa đến thị trường không cao.

Cụ thể, riêng phiên giao dịch ngày 08/10, khối ngoại đã mua ròng 804.4 tỷ, trong đó có hơn 640 tỷ là số tiền khối này tập trung mua cổ phiếu MBB, sau khi cổ phiếu này hở room do phát hành riêng lẻ (giao dịch thỏa thuận). Nếu loại trừ giá trị mua ròng cổ phiếu này, khối ngoại chỉ thực sự mua ròng khoảng 530 tỷ đồng trong tháng 10, với các phiên mua bán ròng xen kẽ.

 

TOP Mua ròng & Bán ròng Tháng 10 (tỷ đồng)

 

Diễn biến đáng chú ý nhất của giao dịch khối ngoại trong tháng là chuỗi ngày mua ròng liên tiếp của quỹ VNM ETF (07/10 – 15/10). Số lượng chứng chỉ quỹ phát hành thêm được trong khoảng thời gian này là 850,000 đơn vị, tương đương 14.64 triệu USD (328 tỷ đồng). Quỹ DB FTSE cũng huy động được thêm 562,000 chứng chỉ quỹ trong khoảng thời gian này (2 ngày 8/10 và 12/10), tương đương 13.8 triệu USD (309 tỷ đồng) góp phần giúp thị trường tăng điểm tích cực.

Sau khoảng thời gian đó, dòng vốn vào các quỹ này chững lại. VNM ETF huy động được thêm 200,000 chững chỉ quỹ trong tuần cuối tháng, trong khi DB FTSE bị rút ra 250,000 chứng chỉ quỹ. Giao dịch của khối ngoại giai đoạn này cũng èo uột hơn với những phiên mua bán ròng xen kẽ và giá trị không lớn.

Như vậy, có thể thấy, sau khi bán ròng mạnh trước những biến động của tình hình tài chính tiền tệ thế giới trong 2 tháng trước đó, giao dịch của khối ngoại đã trở lại cân bằng hơn trong tháng này.

Sự phân hóa diễn ra khá mạnh

Mặc dù sự tăng điểm diễn ra ở cả 4 nhóm vốn hóa thị trường trong tháng, tuy nhiên sự phân hóa vẫn diễn ra khá mạnh. Nhóm Large Cap tăng điểm tích cực trong giai đoạn các quỹ ETF hút thêm vốn (BVH, VCB…), trong khi thông tin về lộ trình thoái vốn của SCIC giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp như VNM, FPT… (Large Cap); BMP, NTP, BMI… (Mid cap) tăng điểm ấn tượng. Trong khi đó, nhóm các cổ phiếu Micro Cap và Small Cap không biến động nhiều trong tháng. Sự phân hóa cũng diễn ra mạnh hơn ở nhóm cổ phiếu này, tùy thuộc kết quả kinh doanh Quý 3 của từng doanh nghiệp.

Sự phân hóa cũng diễn ra mạnh ở các nhóm ngành, theo sau câu chuyện của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp. Một số nhóm ngành tăng trưởng đáng chú ý trong tháng có thể kể đến là bất động sản khu công nghiệp (giai đoạn đầu tháng theo sau thông tin hoàn tất đàm phán TPP); cảng biển – logistic (TPP và kết quả kinh doanh quý 3 khả quan); Bảo hiểm (giao dịch khối ngoại, SCIC thoái vốn); Bán lẻ Ô tô (kết quả kinh doanh quý 3 khả quan)…

XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG THÁNG 11

Dòng tiền tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường

Thị trường khởi đầu tháng 11 với những phiên tăng giảm xen kẽ trước khi bước vào những phiên điều chỉnh trên diện rộng kéo chỉ số về lại các ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh đã vượt qua trong tháng 10 (mốc 600 điểm của VNINDEX). Tuy vậy, thanh khoản nhìn chung vẫn được giữ ở quanh mức trung bình cho thấy dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra đứng ngoài thị trường. Việc thị trường tăng điểm ấn tượng trở lại kèm thanh khoản cao trong phiên chiều ngày 12/11 mở ra hy vọng quá trình điều chỉnh trong ngắn hạn đã kết thúc.

Tâm lý thị trường sau khi đón nhận những thông tin hỗ trợ trong tháng 10 hiện tại vẫn cho thấy sự tích cực, và sự tích cực này theo chúng tôi sẽ tiếp tục được duy trì trong giai đoạn còn lại của tháng 11 do:

Thứ nhất, diễn biến vĩ mô hiện tại vẫn cho thấy sự ổn định và chưa xuất hiện rủi ro nào quá lớn có thể làm đảo ngược quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện tại đang được nhiều tổ chức kinh tế tài chính lớn trên thế giới đánh giá là điểm sáng của khu vực, nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm của thị trường mới nổi… Thêm vào đó, việc Việt Nam gia nhập TPP cũng đang được giới đầu tư quốc tế đánh giá cao. Nhiều tổ chức nhận định Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều lợi ích kinh tế nhất trong số 12 quốc gia gia nhập TPP và TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn ở Việt Nam. Điều này sẽ góp phần làm tăng sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, giúp khối ngoại sớm quay lại mua ròng trong thời gian tới.

Thứ ba, hiện tại là thời điểm Quốc Hội đang thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 2015 và quyết các chỉ tiêu kinh tế lớn của năm 2016. Một số chỉ tiêu lớn như GDP (tăng 6.7%), Xuất khẩu (tăng 10%), CPI (dưới 5%)… đã được thông qua và theo chúng tôi các chỉ tiêu này là tương đối lạc quan trong bối cảnh hiện tại. Chúng tôi kỳ vọng việc thông qua những chỉ tiêu kinh tế lạc quan hơn trong năm 2016 cũng như cam kết hành động của Chính Phủ sẽ có tác động tốt đến tâm lý của thị trường tháng này.

Tóm lại, chúng tôi cho rằng sự cải thiện tâm lý ở cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài sẽ giúp duy trì sự tích cực của dòng tiền, hỗ trợ thị trường tiếp tục tăng điểm trong giai đoạn còn lại của tháng 11.

Cơ hội tích lũy các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng

Các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 khả quan sẽ có thể chịu áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư ngắn hạn sau khi thông tin chính thức được công bố. Tuy vậy, điều này lại mở ra cơ hội tích lũy các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, triển vọng tăng trưởng vẫn còn cao cho các nhà đầu tư dài hạn. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu có kết quả kinh doanh dự kiến khả quan, đặc biệt có yếu tố mùa vụ rơi vào quý 4 sẽ có thể hấp dẫn được dòng tiền trong thời gian tới.

 

Nguồn: VFS Research

Tags:

Economics | StockAdvisory

Áp lực tăng trưởng chậm lại trong quý 4.2015

by finandlife13/11/2015 11:06

Nền kinh tế Việt Nam sau một giai đoạn phục hồi tương đối rõ rệt đang chịu áp lực tăng trưởng chững lại trong quý IV trước các biến động của nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy vậy, theo chúng tôi, áp lực tăng trưởng chậm lại này là chưa rõ nét khi chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức kinh tế tài chính lớn trên thế giới đánh giá là một trong những điểm sáng hiếm hoi của khu vực, nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm lại của các thị trường mới nổi. Cùng với việc Hiệp định thương mại tự do TPP mà Việt Nam là một trong mười hai quốc gia tham gia đạt được thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán, đang giúp Việt Nam nổi lên như một địa điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác đầu tư nước ngoài. Trong khi dó, các vấn đề lãi suất, tỷ giá nhiều khả năng sẽ là những rủi ro Việt Nam có thể phải đối mặt trong giai đoạn sắp tới.

Áp lực tăng trưởng chậm lại trong Quý IV

Sau một giai đoạn phục hồi tương đối rõ rệt với sự cải thiện liên tục của nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đến nay, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng chững lại thể hiện qua tốc độ tăng trưởng chậm lại của các chỉ số sản xuất công nghiệp, PMI lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Thứ nhất, về chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP). Theo ước tính của GSO, IIP tính chung 10 tháng đầu năm ước tăng 9.7% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cải thiện nhiều so với mức tăng 7.0% của năm 2014, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 9.8% của 9 tháng, cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của lĩnh vực sản xuất công nghiệp – một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay. 

Thứ hai, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam sau khi quay đầu giảm về dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm (49.5) lần đầu tiên sau 2 năm trong tháng 9, đã có sự phục hồi lên mức 50.1 trong tháng 10, nhờ sự gia tăng của yếu tố sản lượng. Tuy vậy, chỉ số này vẫn xấp xỉ ngưỡng không thay đổi 50 điểm cho thấy sự cải thiện là chưa rõ nét. Đặc biệt, chỉ tiêu số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, trong đó xu hướng giảm trong nhiều tháng của đơn hàng xuất khẩu đang là một yếu tố đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, theo ước tính của GSO, trong tháng 10/2015, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước ước đạt 14.4 tỷ USD, tăng 4.2% sovới tháng trước và tăng 3.2% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 134.5 tỷ USD, chỉ tăng 8.5% so với cùng kỳ năm 2014, thấp hơn mức tăng 9.3% của 9 tháng và mức tăng 13.9% của cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ khu vực FDI khi KNXK 10 tháng đầu năm của khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm 29.5% và giảm 1.9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không tính dầu thô chiếm 68.3% KNXK và tăng 19.6% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại chủ yếu do việc đồng tiền của các nước xuất khẩu khác giảm làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các nước này. Trong khi đó, nhu cầu thế giới giảm do tác động của tình hình Trung Quốc dự kiến sẽ còn tác động tiêu cực đến xuất khẩu thời gian tới, từ đó tiếp tục tác động đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp – một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay. Điều này dẫn đến áp lực tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Việt Nam trong Quý IV.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài

Mặc dù các số liệu cho thấy sự tăng trưởng chậm lại, nhưng nguyên nhân của sự tăng trưởng chậm lại này lại chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài.

Thứ nhất, chỉ số PMI giảm chủ yếu là do số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ hai liên tiếp, tuy nhiên, tốc độ sụt giảm là khá nhẹ. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ năm liên tiếp, và với tốc độ nhanh thứ nhì trong lịch sử khảo sát.

Thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu giảm chủ yếu đến từ sự suy giảm xuất khẩu qua các nước thuộc khu vực Châu Á. Trong đó KNXK ở các nước ASEAN đạt 15.4 tỷ USD, giảm 3%, Nhật Bản đạt 11.7 tỷ USD, giảm 5.2% so với cùng kì. Trong khi đó xuất khẩu sang các nước châu Âu và châu Mỹ vẫn tích cực lần lượt đạt 27.8 tỷ USD và 25.3 tỷ USD tăng 18% và 11.9% so với cùng kỳ 2014. Đồng thời, theo khảo sát của Nielsen, niềm tin tiêu dùng trong quý Q3/2015 của các nền kinh tế Âu- Mỹ vẫn tăng so với quý trước. Như vậy, có cơ sở để kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển có thể bù đắp được sự suy giảm của các nền kinh tế đang phát triển, từ đó đà giảm của các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam chững lại, giữ ổn định cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực, nổi lên là một địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Mặc dù có một số dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức kinh tế tài chính lớn trên thế giới đánh giá là một trong những điểm sáng hiếm hoi của khu vực, nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng chậm lại của các thị trường mới nổi. Theo theo báo cáo tháng 10 của ANZ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng mạnh 5.8 điểm so với tháng trước, đạt mức 141.1 điểm, và tăng 6.4 điểm so với cùng kỳ năm 2014. Có thể thấy sự lạc quan về triển vọng nền kinh tế của người tiêu dùng đã trở lại sau một vài tháng suy giảm.

Bên cạnh đó, việc Hiệp định thương mại tự do TPP mà Việt Nam là một trong mười hai quốc gia tham gia vừa đạt được thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán, giúp Việt Nam nổi lên như một địa điểm đầu tư hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài, chuyển dịch từ các từ các nước trong khu vực vào Việt Nam nhằm tận dụng những chính sách ưu đãi từ TPP.

Theo số liệu của GSO, tính đến 20/10/2015, cả nước có 1,657 dự án mới được cấpphép mới với số vốn đăng ký đạt 12.42 tỷ USD, tăng 24.8% so với cùng kỳ 2014. Tính chung cả đăng ký cấp mới và tăng thêm, FDI 10 tháng đầu năm đạt 19.29 tỷ USD, tăng 40.8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, FDI giải ngân tháng 10 đạt 2.1 tỷ USD tăng 75% so với tháng trước, nâng lượng FDI giải ngân lũy kế 10 tháng đầu năm lên 11.8 tỷ USD, tăng 16.3% so với cùng kỳ 2014.

Mặc dù thực tế là TPP, được coi là hiệp định thương mại tự do của thế kỷ 21, sẽ có thể đem đến rất nhiều thách thức, nhất là đối với Việt Nam, nước có nền kinh tế kém phát triển nhất trong số 12 quốc gia thành viên. Và TPP vẫn còn phải chờ thông qua bởi Quốc Hội các nước thành viên, vì vậy sẽ chưa có hiệu lực ngay lập tức (dự kiến sớm nhất vào cuối năm 2016). Tuy nhiên, việc Việt Nam có mặt trong 12 nước thành viên đã chứng tỏ vị thế của đất nước đang thay đổi nhanh và mạnh theo chiều hướng tốt. Tất nhiên, con đường đến tương lai sẽ còn rất nhiều chông gai, nhưng chúng tôi tin rằng Việt Nam đang chuyển biến để tốt lên, và TPP sẽ tiếp sức cho quá trình chuyển biến này nhanh và mạnh hơn

Nguy cơ tăng lãi suất trong năm 2016

Hiện nay, mặt bằng lãi suất vẫn đang diễn biến khá ổn định và được dự đoán không có nhiều biến động cho đến cuối năm 2015, tuy nhiên có một số dấu hiệu cho thấy nguy cơ tăng mặt bằng lãi suất có thể xảy ra trong năm 2016.

Một là, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng vốn huy động. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm 26/10/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 12.51% so với đầu năm, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 10.54% và tổng phương tiện thanh toán tăng 10.23% so với đầu năm.

Mặc dù, báo quản trị ngân hàng gần đây cho biết, SBV vừa bơm ròng hơn 50 ngàn tỷ vào thị trường tiền tệ nhằm tăng cường thanh khoản hệ thống. Điều này giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm trong tháng 10. Tỷ lệ cho vay/huy động của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức dưới 80% cho thấy thanh khoản đang tốt. Tuy nhiên, nếu chênh lệch giữa tăng trưởng cho vay và huy động vẫn tiếp tục gia tăng, áp lực lên thanh khoản hệ thống và mặt bằng lãi suất là không nhỏ.

Thứ hai, phát hành trái phiếu Chính phủ sau nhiều tháng ảm đạm đã sôi động trở lại trong tháng 10 với khối lượng huy động gấp 9.5 lần so với tháng trước, đạt xấp xỉ 25,000 tỷ đồng. Với lãi suất trái phiếu huy động cho kì hạn 5 năm và 10 năm đều lần lượt tăng lên mức 6.58% và 7.06% so với mức 6.43% và 7.04% của tháng 9, chỉ có lãi suất cho kỳ hạn 2 năm là giảm nhẹ về mức 5.35% so với mức 5.46% của tháng 9, cho thấy thị trường đang đánh giá lãi suất sẽ ổn định trọng ngắn hạn và kỳ vọng gia tăng trong dài hạn.

Thứ ba, câu chuyện FED liệu có tăng lãi suất trong những phiên họp sắp tới vẫn luôn là mối quan tâm của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sau 2 lần trì hoãn tăng lãi suất vào các phiên họp tháng 9 và tháng 10 vừa qua, nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong trong cuộc họp tháng 12 tới. Các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ mới được công bố trong thời gian gần đây đang ủng hộ cho quyết định này. Trong trường hợp đó, Việt Nam một mặt sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động tiền đồng, do kém hấp dẫn một cách tương đối khi lãi suất USD tăng dẫn đến áp lực tăng lãi suất VND. Mặt khác do chính sách tỷ giá tiền đồng được neo sát với biến động của USD sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu khi tiền đồng bị định giá cao so với các đồng tiền khác trong khu vực. Trong khi đó, nếu phá giá tiền đồng, sẽ có thể phá vỡ mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ của Chính phủ trong bối cảnh Việt Nam đang nổ lực tạo ra một sân chơi ổn định nhằm thu hút các đối tác đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, bội chi ngân sách nhà nước vẫn đang là áp lực đè nặng lên chính sách điều hành lãi suất. Theo ước tính của GSO, bội chi ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm là 140.97 tỷ đồng, xấp xỉ 62.4% so với dự toán và tăng 13.88% so với cùng kỳ 2014. Để bù đắp cho các khoản chi tiêu này, Chính Phủ có thể sẽ phải gia tăng nợ công bằng cách phát hành thêm trái phiếu chính phủ đồng thời tăng lãi suất trái phiếu để nhằm thu hút được lượng vốn cần thiết. Điều này lại càng làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất trong nước.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các phiên họp gần đây, Quốc hội đã quyết định thông qua phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm 2016. Trong trường hợp phát hành thành công, áp lực tăng lãi suất trong năm 2016 sẽ có thể được giảm bớt.

Nguồn: VFS Research

Tags:

Economics

DISCLAIMER

I am currently serving as an Investment Manager at Vietcap Securities JSC, leveraging 16 years of experience in investment analysis. My journey began as a junior analyst at a fund in 2007, allowing me to cultivate a profound understanding of Vietnam's macroeconomics, conduct meticulous equity research, and actively pursue lucrative investment opportunities. Furthermore, I hold the position of Head of Derivatives, equipped with extensive knowledge and expertise in derivatives, ETFs, and CWs.

 

To document my insights and share personal perspectives, I maintain a private blog where I store valuable information. However, it is essential to acknowledge that the content provided on my blog is solely based on my own opinions and does not carry a guarantee of certainty. Consequently, I cannot assume responsibility for any trading or investing activities carried out based on the information shared. Nonetheless, I wholeheartedly welcome any questions or inquiries you may have. You can contact me via email at thuong.huynhngoc@gmail.com.

 

Thank you for your understanding, and I eagerly anticipate engaging with you on topics concerning investments and finance.

Designed by: Nguyễn Chí Hiếu